Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Trình độ của quan chức và sự hưng thịnh đất nước

Nguyễn Văn Tuấn
Tôi đi đến một kết luận: có thể nhìn vào sự bất tài của các quan chức là biết vận nước hưng thịnh hay suy vong. Tôi nghĩ nếu điều kiện cho phép, chúng ta có thể đo lường được độ bất tài của các quan chức và lãnh đạo. Nếu chúng ta vẽ đồ thị với trục hoành là độ bất tài của các quan chức, và trục tung là độ cường thịnh của đất nước (giá trị cao là là thịnh vượng nhất, giá trị thấp là suy vong), chúng ta sẽ có một mối tương quan nghịch đảo.

 Khi mức độ bất tài của quan chức càng cao thì độ cường thịnh sẽ thấp đến mức suy vi. Tôi thử mô phỏng mối liên quan này qua đồ thị dưới đây (trục tung là chỉ số prosperity, còn trục hoành là chỉ số incompetence).

Mối liên quan này có cơ sở thực tế và nhân quả, chứ không chỉ là mối tương quan thống kê. Lịch sử cho thấy sự thịnh suy của một nước tuỳ thuộc nhiều vào tài năng của giới lãnh đạo và quan chức. Bất cứ ở đâu và thời nào, triều đại nào thịnh là triều đại có minh quân; ngược lại, triều đại suy vong là triều đại của các quan tham, hôn quân và bộ máy cai trị tồi bại. Lịch sử Hàn Quốc chỉ ra như thế. Lịch sử Việt Nam cũng thế.

Cứ mỗi lần có họp Quốc hội là người dân có dịp chiêm ngưỡng tài năng của các bộ trưởng và quan chức cao cấp ra sao. Phiên họp Quốc hội lần này cũng không phải là một ngoại lệ, vì chỉ vài ngày mà chúng ta đã đọc biết bao lời phát biểu rất dễ đi vào sử sách. Từ tài chính, tư pháp, giáo dục, đến y tế, chúng ta mục kích những câu nói và ý nghĩ (nếu gọi đó là “idea”) chỉ có thể xếp vào thang điểm phía phải của trục hoành trong đồ thị trên. Từ đó, chúng ta có thể đọc trục tung và biết tình trạng đất nước đang ở đâu.

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Công an vì dân hay hành dân

Hôm qua, lúc 16h20 tại khu chợ tạm Trung Hòa Nhân Chính (CT4-5), tình cờ tôi chứng kiến toàn bộ cuộc "giữ gìn trật tự" của công an (chắc là công an phường). Đột nhiên chợ tán loạn, người ta đang bán hàng thì chạy. Một cái xe bán tải có chữ "cảnh sát" xuất hiện. Và có hai người khốn khổ chịu trận. Hai người đàn bà bày mẹt trên xe máy, trên đó có mấy chùm vải, dưa lê, dưa hấu. Hai bên bánh xe sau của xe máy còn có hai cái sọt để nhiều rau quả. Khoảng 6-7 người, trong đó có 5 công an và 2-3 dân phòng, đã khiêng toàn bộ 4 sọt của 2 người đàn bà lên xe, tịch thu hết toàn bộ mẹt, sọt, dao, cân... Họ làm việc đó không có một lời nói, giữa "vòng vây" của khoảng vài chục người hiếu kỳ đang tập thể dục ở một vườn hoa nhỏ, và nhiều bà con tiểu thương ở gần đó. Rất nhiều tiếng kêu: Quân ăn cướp. Nhưng kêu chỉ đủ nghe với nhau, chứ cũng không dám nói to. Đây là một khu chợ, có nhiều người bán hàng thực phẩm, và một số bày hàng bán ở vỉa hè. Nhưng bà con nói rằng, thỉnh thoảng cảnh sát lại đến cướp một ít như vậy, và dĩ nhiên họ không bao giờ trả lại. Chỉ có người dân bán hàng, là những người ngoại ô vào đây bán hàng, là chịu thiệt, còn những người bán hàng thường xuyên ở đây đã có khoản thuế chợ cho họ rồi.



Chứng kiến cảnh này, quan sát thái độ của dân chúng, mới thấy công an hiện ra như những kẻ ăn cướp xấu xa và dân chúng căm ghét công an đến như thế nào. Nếu họ thực sự giữ trật tự, họ không thiếu cách để làm cho người dân không bán hàng rong, hoặc họ xua đuổi, hoặc họ cấm thì cấm ngặt. Nhưng đây họ thường xuyên đi cướp những đồng tiền còm của những người nghèo. Công an cũng như chính quyền không căn cứ vào nhu cầu của dân cư để triển khai công tác, mà ngồi một chỗ, nghĩ ra phải sạch đẹp chỗ này, ngăn nắp chỗ kia thì cũng là một lũ quan liêu, tạo điều kiện cho cấp dưới nhũng nhiễu. Khu chợ ở gần nhà tôi, sáng nào cũng họp đông vui, vì đó là nhu cầu lớn. Nhưng thực ra chợ đó không ai cho phép. Năm thì mười họa, một xe công an chạy qua, có mấy tay áo vàng, và mấy tay áo xanh dân phòng, nhảy xuống bê một ít hoa quả, tịch thu toàn những thứ có thể ăn ngay, rồi lại đi. Dĩ nhiên chợ lại họp.
Cuộc sống quanh ta có những vô lý như vậy. Công an nhân dân vẫn hàng ngày nói hay nói đẹp vì cuộc sống bình yên. Dĩ nhiên họ có trấn áp tội phạm, nhưng cũng trấn áp nhân dân. Quan sát cuộc sống quanh ta thì thấy rõ như vậy.

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Về một điều mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn che dấu

Về  điều mà nhà cầm quyền Trung Quốc che dấu

THỦ TƯỚNG LẠI ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2014 đã diễn ra tại Hà Nội hôm nay. Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm cho chương trình nghị sự của Diễn đàn kéo dài thêm 1 giờ đồng hồ so với dự kiến. Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp và trả lời của lãnh đạo các Bộ, ngành trong Chính phủ. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, Ông Dũng đã cam kết rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Ông hứa sẽ xem xét một cách tích cực và có biện pháp hỗ trợ đền bù phù hợp nhất đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại, do một số phần tử quá khích gây ra, lợi dụng những cuộc biểu tình yêu nước tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh để phản đối Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 vào khu vực lãnh hải của Việt Nam đầu tháng 5 vừa qua. Ông cũng chỉ đạo lãnh đạo các Bộ, ngành phải xem xét, trả lời và có biện pháp giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.
Diễn đàn lần này được coi là hết sức quan trọng trong việc lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ đến làm ăn ở Việt Nam. Vì vậy, ngoài Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh còn có Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và một loạt thứ trưởng các Bộ, ngành, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Phía các doanh nghiệp dẫn đầu là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng Chủ tịch các Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia...
Bạn nào muốn biết chi tiết về Diễn đàn có thể xem các chương trình thời sự của  VTV tối nay cũng như trên các báo phát hành trong nước.
Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức thường niên 2 kỳ vào khoảng đầu tháng 6 và tháng 12. Diễn đàn đã duy trì được 14 năm kể từ năm 2000, khi Vụ Quản lý dự án đầu tư nước ngoài Bộ KH&ĐT (tiền thân của Cục Đầu tư nước ngoài hiện nay) được Bộ trưởng Trần Xuân Giá giao nhiệm vụ lập Đề án giải quyết có hiệu quả những vướng mắc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Vụ trưởng Phan Hữu Thắng lại giao cho mình dự thảo Đề án này để trình Bộ trưởng. Mình đã đưa ra phương án thành lập Tổ chuyên gia liên bộ, do Bộ KH&ĐT chủ trì và hình thành các nhóm làm việc với đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết từng nhóm vướng mắc mà trước đó không có đầu mối nào đứng ra tổ chức giải quyết. Thời kỳ đầu thật vất và, giữa hai kỳ Diễn đàn, mỗi tháng phải tổ chức họp với các doanh nghiệp một lần, vì có quá nhiều vướng mắc làm cho cộng đồng doanh nghiệp bức xúc. Việc khó nhất là triệu tập được đúng đại diện có thẩm quyền của các Bộ, ngành đến làm việc với các doanh nghiệp, khi mà các vị ấy rất ngại vì nhiều vấn đề bị mắc từ bên trên. May mà Bộ trưởng Trần Xuân Giá mời được bác Nguyễn Nhạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một người cực kỳ uy tín với các doanh nghiệp FDI cũng như các Bộ, ngành giúp làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia liên bộ, mặc dù lúc đó bác Nhạc đã nhận quyết định nghỉ hưu. Mình đã làm thư kí của Tổ chuyên gia liên Bộ 9 năm cho đến năm 2009, trước khi được bổ nhiệm chức vụ mới ở Vụ Quản lý quy hoạch. Mình cho rằng, trong suốt quãng đời công chức của mình, đó là cống hiến lớn nhất và hữu ích nhất cho đất nước này. (NCT)

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Một câu chuyện nhỏ về Thiên An Môn 1989

Ngày hôm nay, tôi vào mạng và thấy các bài về Thiên An Môn đã bị gỡ hết. Thật là lạ. Chắc đó là chỉ thị từ đâu đó cho các báo. Theo nguyên tắc, chỉ thị đó không công khai cho mọi người, nên tôi chắc là các FB và Blog không cần tuân thủ chỉ thị đó. Các câu chuyện về cuộc tàn sát Thiên An Môn, khiến cho ngay người Trung Quốc ngày nay còn rùng mình.
Tóm tắt là, từ tháng Tư năm 1989, sinh viên các trường đại học Bắc Kinh biểu tình hàng vạn người với nội dung: Ủng hộ chính phủ, ủng hộ Triệu Tử Dương, đòi tự do dân chủ. Cuộc biểu tình nổ ra nhân sự kiện Hồ Diệu Bang chết. Hồ là Cựu Tổng bó thư, người tích cực đường lối đổi mới mở cửa, dân chủ hóa, sau này, Triệu Tử Dương thực hiện tiếp tục, nhưng Triệu bị cách chức. Ngày 2/6/1989, quân đội đưa xe tăng phong tỏa Thiên An Môn và đến tối đó, cho đến ngày 4/6, quân đội đã ra tay tàn sát sinh viên. Hiện nay vẫn không có số lượng chính thức về người chết. Có người nói hàng trăm, có người nói hàng nghìn. Và cho đến nay, số phận các hồn ma sinh viên đó vẫn không được biết đã phiêu dạt ở đâu. Gia đình các sinh viên cũng không dám lên tiếng. Tôi đã gặp một đạo diễn Trung Quốc trong những chuyến đi làm phim ở Trung Quốc. Anh này đã tham gia biểu tình ở Thiên An Môn và may mắn sống sót. Sau đây là mấy câu chuyện anh kể:



1. Theo V, và nói chung người Trung Quốc sau đó biết trên phương tiện thông tin đại chúng, có những bài báo ca ngợi một viên đại tướng Tàu. Viên đại tướng này tư lệnh quân khu phía Bắc, mang quân về dẹp biểu tình Thiên An Môn. Khi Đặng Tiểu Bình phân vân không quyết, vì các tướng quân đội cũng chùn tay bàn đến đàn áp nhân dân. Khi đó viên tướng quân khu phía Bắc phát biểu: "Chúng ta đã mất 30 triệu sinh mạng để có chính quyền này, nếu cánh sinh viên có đủ 30 triệu mạng thì ta cho họ chính quyền" Ý của viên tướng này là Cộng sản Trung Quốc cho đến lúc đó lãnh đạo nhân dân, qua cuộc kháng Nhật, nội chiến và Cách mạng văn hóa đã chết rất nhiều người, 30 triệu người. Nay có lực lượng đòi chia sẻ chính quyền, thì họ có phải chết 30 triệu người, thì mất chính quyền mới cam chịu. Thế là Đặng hạ lệnh tàn sát.
Câu chuyện này có ý nghĩa nhất định. Chính các bạn Trung Quốc nói với tôi: Họ là lũ cướp chính quyền bằng sinh mạng nhân dân, chứ có coi nhân dân và đất nước ra cái gì. Nếu họ nghĩ về dân chủ, dân sinh, thì họ không nói thế.
Trí thức Trung Quốc không mấy người nuốt trôi được cục đắng Thiên An Môn. Dưới mắt họ, chế độ Trung Quốc đã trở thành phản dân từ năm 1989. Điều đó giải thích vì sao Pháp Luân Công lại tập hợp được nhiều hội viên đến thế. Chính quyền đàn áp chẳng qua sợ lực lượng này lớn lên. Tuy nhiên, chính các bạn đạo diễn Trung Quốc nói với tôi: Ngày tàn của bạo chúa chắc là sẽ đến. Các triều đại Trung Hoa dù có cực thịnh thì cũng suy tàn. Chế độ lấy 30 triệu sinh mạng làm đá lát đường thì rồi cũng tàn mà thôi.

2. Đạo diễn V. công tác tại Bắc Kinh. V người Sơn Đông, theo gia đình đi Công xã từ thời Cách mạng văn hóa, lớn lên đi nghĩa vụ quân sự, mãi mới đi học đại học. Khi anh học Đại học ở Bắc Kinh thì anh đã khoảng hơn 25, nghĩa là "cán bộ đi học". Vào năm 1989, V đang là sinh viên năm thứ 3, là Lớp trưởng, tham gia tích cực vào phong trào biểu tình ở Thiên An Môn. V kể khi đó các trường có đường dây liên kết với nhau, nhưng thực sự không có một bộ đầu não chung. Sau này một số người nhận là thủ lĩnh, thực ra họ chỉ là thủ lĩnh của trường họ học, và được sự "ăn theo" của các nhóm trường khác. Câu chuyện Vũ sống sót là một chuyện theo V vẫn là bí ẩn.
Biểu tình đến hồi gay cấn, các nhóm phân công nhóm thì biểu tình ngày, nhóm thì biểu tình tối, để giữ sức biểu tình lâu dài. Hôm đó là ngày V dự định đến phiên biểu tình tối. Thì sáng hôm đó, có người nhà ở quê nhắn bố anh hấp hối. Tối hôm đó, những người biểu tình không về. Sau này mới biết xe tăng đã cán chết họ, xúc xác chôn ở đâu đó, hoặc bị bắt đưa đi. Chứ lúc đó, V cho biết, nhiều nhóm không biết đêm hôm trước có gì xảy ra, chỉ tưởng rằng bạn bè bị bắt.
V về nhà, ông bố nằm ốm vài ngày thì khỏi, ông bảo V không nên đến chỗ loạn, nhưng anh vẫn về Bắc Kinh (Anh bảo, sau này anh cứ nghi rằng bố anh có thể có thông tin mật, vờ ốm để gọi con về). Khi đó thì tin tức về tàn sát đã loang rộng. Những bạn bè của V đã biệt vô âm tín từ đó đến giờ. Gia đình của các sinh viên đó cũng không dám hỏi xác con họ ở đâu. Một không khí khủng bố còn kinh khủng hơn hồi Văn Cách. V và bạn bè âm thầm học hành, không dám gặp nhau. Gặp tôi người Việt ở Hà Nội, thấy chúng tôi nói chuyện chửi chính phủ, nói ông Ba ông Tư vung lên ở quán bia, V rất ngạc nhiên, và bảo hiện nay TQ không có tự do như vậy. Người TQ có cách nói thâm trầm, nên sự phản kháng của họ cũng kín đáo, bài học Thiên An Môn còn sâu sắc, tuy không bộc lộ sự bất bình, nhưng tầng lớp trí thức vẫn ngấm ngầm mơ ước dân chủ một cách đau đáu. Đến HN, thấy TV chất vấn bộ trưởng, V bảo 20 năm nữa may ra TQ mới có chuyện đó.
Ngày này gần đến Tưởng niệm Thiên An Môn 25 năm, tôi lại nhớ đến V, con người ít nói, nhưng thực sự trải qua sóng gió Thiên An Môn, thoát chết nhưng vẫn coi như mình mang món nợ với bạn bè đã biệt tích, có thể là mất xác ở đâu đó 25 năm rồi. Năm ngoái tôi lại gặp anh phiên dịch Trung Quốc, hắn nói giờ thì những thân nhân và bạn bè sinh viên bị giết 25 năm trước đã dần dần tụ hội lại đòi chính quyền trả lời về số phận các sinh viên bị giết. (Người Tàu đã giết là phi tang, đến xác cũng không cho thân nhân được quyền hỏi han gì)
(NXH)