Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Bà Triệu là ai?

Ngày nay, chúng ta quen cụm từ “Bà Trưng, bà Triệu”, nhưng thực ra hai bà khác nhau quá nhiều. Sống cách nhau 200 năm, cuộc đời và sự nghiệp không giống nhau, chỉ giống nhau ở hành động anh hùng, chống quân xâm lược, và đều là anh hùng dân tộc. Nếu như còn có những người hiểu rất ít về bà Trưng, thì chắc là còn nhiều người hơn không mấy hiểu về bà Triệu. Tôi tổng hợp các vấn đề về bà Triệu như sau:
1.Bà Triệu tên là gì? 
Các sách giáo khoa đều ghi bà là Triệu Thị Trinh. Thực ra, tên Triệu Thị Trinh chỉ có từ khi ông Trần Trọng Kim viết quyển “Việt sử lược”. Sau đây trích trong Wikipedia, một bách khoa toàn thư trên mạng: “Những bộ sử cổ chỉ gọi bà là Triệu nữ (cô gái Triệu), Triệu Ẩu (sẽ nói sau). Những tên gọi Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Trinh... theo tác giả Văn Lang thì rõ ràng là mới đặt gần đây. Tác giả cho biết vấn đề tên gọi này (cũng như tên gọi của Bà Trưng) thuộc phạm trù ngôn ngữ Việt cổ và cách đặt tên người ở thời gian đầu Công nguyên, còn đang được nghiên cứu. Ngoài ra, Bà Triệu còn được người đời tôn là Nhụy Kiều tướng quân (vị tướng yêu kiều) và Lệ Hải bà vương (vua bà ở vùng biển mỹ lệ). Riêng cái tên Triệu Ẩu (趙嫗), thấy xuất hiện lần đầu trong Nam Việt chí, Giao Châu ký (thế kỷ 4, 5) rồi đến Thái bình hoàn vũ (thế kỷ 10) chua dưới mục Quân Ninh (tức Quân Yên cũ)”
Trước đây, Hồng Đức quốc âm thi tập, Đại Việt sử ký toàn thư, Thanh Hoá kỉ thắng, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục...đều gọi bà là Triệu Ẩu. Sau, sử gia Trần Trọng Kim khi cho tái bản Việt Nam sử lược đã không giải thích mà chỉ ghi chú rằng: Bà Triệu, các kỳ xuất bản trước để là Triệu Ẩu. Nay xét ra nên để là Triệu Thị Chinh (tr. 52).
Như vậy, thực ra “bà Triệu” chỉ là người đàn bà được gọi bằng họ, sử sách Trung Quốc không ghi tên. Từ ngày bà vùng lên đến thời Trần, khoảng 1000 năm sau thì nước ta mới có bộ sử đầu tiên, tham khảo chủ yếu từ tư liệu thành văn của Trung Quốc. Họ chỉ ghi chung là Triệu nữ- cô gái họ Triệu. Còn tên Triệu Ẩu cũng là do quân thù của bà Triệu đặt ra. Sau này, khi được nhân dân tôn làm thần, thì được đặt mỹ danh là Triệu Trinh nương (Nàng họ Triệu). Từ “Trinh nương” là mỹ từ chỉ cô gái chưa chồng, cùng nghĩa với chữ “nữ” theo cách gọi dân dã. Sau này, các sử gia nước ta có tinh thần dân tộc, mới gán cho bà Triệu cái tên Thị Trinh, Quốc Trinh. Cứ như là bà có tên là Trinh vậy. Gọi là “Bà Triệu” là đủ, không việc gì phải phổ biến cái tên Triệu Thị Trinh đầy hư cấu nữa.
2. Có thật bà Triệu có vú 3 thước?
Tôi tình cờ đọc trang web www.lichsuvietnam.vn, rất ngạc nhiên thấy nói ngày sinh của bà Triệu là 2/10/226. Lại nói rằng bà Triệu vú dài 5 thước. Thước là đơn vị cổ, bằng 0,4 mét. Vậy bà Triệu vú 2 mét. 
Sách “Giao chỉ chí” của người Trung Quốc viết: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần.
Như vậy, việc nói bà Triệu vú dài 3 thước, cũng như gọi tên bà là Ẩu, cũng là hành vi của người Trung Quốc, chép về một người theo họ là kẻ phản loạn. Họ hoặc là miệt thị, hoặc là thêu dệt thành hiện tượng kỳ quái. Cứ tuyên truyền hình ảnh vú dài cũng là vô tình ăn vào bả độc hại của chính sách Đại Hán.
Trong trang web trên còn kể, quân Ngô cho quân cởi truồng đánh, bà Triệu không chịu được, xấu hổ nên thua. Đây cũng là một kiểu điển hình sao tẩm sách cổ của Tàu mà không có phân tích kỹ, các ngọc phả vô tư chép tam sao thất bản, các Nho gia sử gia vô tư chép lại vì tư tưởng tôn Nho, quên dân tộc, cứ thế mà bê vào sách vở bàn về lịch sử. Nay các nhà báo cũng cứ vô tư mà thuật chuyện, thật đáng buồn.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Chúng ta biết gì về Hai Bà Trưng?

Câu hỏi này tưởng như… ngớ ngẩn.
Trước đến nay, sách giáo khoa sử của ta đều dạy học sinh: Hai Bà Trưng là hai vị anh hùng chống quân xâm lược nhà Hán, quê ở Mê Linh, do chồng là Thị Sách bị Thái thú Tô Định giết,   khởi nghĩa thắng lợi, làm vua và đóng đô ở Mê Linh. Sau đó, Mã Viện mang quân đến đánh, Hai Bà địch không nổi, tự tử ở sông Hát. Tuy nhiên…
Gần đây, với những tư liệu và phân tích mới, hiểu biết về Hai Bà Trưng nên phổ biến rộng rãi và bàn luận công khai, góp phần soi sáng một nhân vật lịch sử, một giai đoạn lịch sử. Có một số vấn đề sau, tôi chỉ biên soạn và tóm tắt lại các bàn luận mà tôi đã đọc:


1/Tên của Hai Bà Trưng
 Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép rằng, bà họ Trưng, tên Trắc, lại viết rõ là trước kia họ Lạc, con gái Lạc tướng Châu Diên. Đoạn này rất tối nghĩa. Có tác giả cho rằng, ĐVSKTT do các sử gia là các Nho gia đời sau chép, sao chép từ tiểu sử của bà Trưng do sách Tàu chép ra. Người Tàu chép về bà Trưng theo nguyên tắc dùng chữ Hán ghi âm Việt cổ, và theo quan niệm của họ về tên người. Thực ra, thời Hùng vương cho đến Nam Việt, người Việt bản địa chưa có họ, đều gọi theo tên. (Ngày nay, người Tây Nguyên và người Lào đều không có họ, mới chỉ có họ vài chục năm nay). Trưng thực ra là một từ cổ có nghĩa là “lớn”. Bánh Chưng cũng có nghĩa là bánh lớn, bánh cả. Có tác giả còn chỉ rõ, thực ra âm cổ phải là “Chương”. Còn Trắc và Nhị là âm cổ của từ Nhất, Nhì- Một, Hai. Như vậy Bà Trưng có nghĩa là “Bà Lớn”. Trưng Trắc, Trưng Nhị là “Lớn Cả, Lớn Hai”, hay Lớn nhất, Lớn nhì. Cái gọi là họ Trưng hay họ Lạc chỉ là tưởng tượng của sử gia Tàu mà thôi.
2/Tên của ông Thi Sách.
Có một tác giả cho rằng, trong nguyên bản sử Trung Quốc, Hán sử và các bộ sử khác của Tàu chép về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thì chỉ có “ông Thi”, chứ không có ông Thi Sách. Nhầm lẫn là do âm “thi” sát với âm “sách”, sách có nghĩa là sách động, lôi kéo, đoạn này nói ông Thi lôi kéo dân chúng chống lại Tô Định, nên Tô Định giết đi. Các cụ sử gia Việt đọc nhầm là ông Thi Sách.
3/Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở đâu?
Câu này có vẻ… ấm ớ. Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Việt Nam ngày nay chứ ở đâu. Tuy nhiên, chưa đúng. Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Châu Diên, nhưng quy mô rất lớn, chiếm được 65 thành trì của nhà Hán. ĐVSKTT cũng chép rằng các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Như vậy, có thể sơ bộ hình dung được quy mô cuộc khởi nghĩa là ở khu vực nước Nam Việt (của nhà Triệu) cũ, gồm phần Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Côn Minh và đất đai thuộc Trung Quốc kéo đến hồ Động Đình ngày nay)
Với một quy mô như vậy, nên Hai Bà mới tịch thu được 65 thành trì. Việc này rõ ràng chính sử nước ta đã ghi, ĐVSKTT chép rõ, không hiểu tại sao các thày giáo làm sử viết sách giáo khoa cố tình thu hẹp quy mô của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hiện tại, phía Nam Trung Quốc còn nhiều đền thờ Vua Bà. Chắc chắn cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một lần cố gắng khôi phục lại quốc gia Nam Việt của nhà Triệu. Nhà Triệu trị vì phần đất đai thuộc các bộ tộc Việt, trong đó có Lạc Việt, thì việc áp chế đồng hóa còn rất ít, giữ lại các phong tục cổ xưa, độc lập với nhà Hán. Chỉ khi nhà Hán tiêu diệt nhà Triệu, mới áp dụng các biện pháp đồng hóa khắc nghiệt, nên mới nổ ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trên phần đất của người Việt. Dữ kiện lịch sử này phù hợp với lịch sử về thời kỳ Mẫu hệ của các bộ tộc Việt.
4/ Hai Bà Trưng chết ở đâu?
Hiện nay, các nhà sử học đang tranh luận rất dữ dội về việc các địa danh trong tài liệu lịch sử. Ở Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều địa danh giống nhau. Các trận đánh của Mã Viện cũng không phải ở phần đất Việt Nam ngày nay. Do đó, chưa chắc Hai Bà Trưng đã chết ở Hát giang Việt Nam, mà là Hát Giang ở Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc còn có truyền thuyết Mã Viện cắt đầu bà Trưng mang về kinh đô nhà Hán.
5/Các ngọc phả đền Hai Bà Trưng và vấn đề ngày sinh, ngày mất.
Việc thờ phụng Hai Bà Trưng ở khắp lãnh thổ Nam Việt cũ. ĐVSKTT cũng chép rõ, mục sau khi Hai Bà mất, thì dân các nơi lập đền thờ, “Phiên Ngung đất cũ cũng có”. Như vậy là phía Nam Trung Quốc cũng có. Các đền thờ đều có Ngọc phả, ghi lại công đức của người được thờ phụng. Đó là những văn bản thường được tô vẽ công tích, ít có giá trị lịch sử chân thực. Cho nên chuyện ngày sinh bà Trưng cũng không thể tin. Ngày xưa, tập quán thờ ngày mất, ít khi để ý đến ngày sinh. Ngày mất của Hai Bà cũng không rõ, ĐVSKTT chỉ ghi: Tháng Giêng năm 42 Mã Viện tiến quân… “đánh nhau với vua”, cũng không chép rõ đánh đến bao giờ thì được, chắc rằng không lâu, có thể một tháng… nhưng không rõ ngày nào.


Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Vịnh nổi tiếng nhất VN: CAM DAI BAY?

Được hướng dẫn đi thăm Vịnh Hạ Long, Vịnh Cam Ranh và tất cả các Vịnh đẹp khác của Việt Nam, khách Du lịch vẫn chưa thỏa mãn và nghi ngờ Công ty Du lịch Việt Nam còn dấu diếm chưa cho đi thăm tất cả? 
Hướng dẫn viên phải nài nỉ gạn hỏi mãi, Khách Du lịch mới nói Còn một Vịnh nổi tiếng nữa? Tôi thấy khắp nơi vinh danh, ghi trên tường nhan nhản, sao không cho đến thăm?
Hướng dẫn viên hỏi Vịnh đó có tên gì?
Khách Du lịch phải viết ra giấy tên Vịnh thấy ghi nhan nhản trên tường khắp nơi, đó là :
CAM DAI BAY!

* BAY tiếng Anh nghĩa là Vịnh, còn CAM DAI là tên Vịnh?

Thuần phong Mỹ tục, Văn Hóa “hồn nhiên” thấy nhan nhản khắp nơi:
 Truyền thông… đái bậy!
CSGT… đái bậy!

Đàn bà, cũng… đái bậy!

Đời sống văn hóa… đái bậy!

Sư… đái bậy!

Đến Tây, cũng… đái bậy!

Giữa phố… đái bậy!

Trước cửa nhà… đái bậy!

Vỉa hè, vô tư… đái bậy!

Biển cấm đái bậy, vẫn… đái bậy!

Chẳng sợ cấm, còn rủ thêm người… đái bậy!

Và… cấm, dọa phạt tiền,… vẫn vô tư… đái bậy!
Chuyện cười:
Trong một hội thảo về văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô cũ. Đoàn LX phê bình: – Người VN các anh còn rất kém văn hóa, ngoài đường còn rất nhiều người đái bậy.
Đoàn VN kiên quyết phản đối rằng: – Các anh đừng bịa đặt, làm gì có chuyện đó.
Đoàn LX thách đố: – Nếu các anh không nhận thì chúng ta cùng đi kiểm tra lẫn nhau, nếu gặp ai đái bậy thì sẽ bắn chết tại chỗ. Đoàn VN sợ bị mất mặt nên đồng ý.
Tối hôm đó, đoàn LX cử 2 chú KGB vác AK47 sang Quảng trường Ba Đình, kết quả đêm hôm đó VN tèo 37 chú đứng đái bậy ở quảng trường. Đoàn VN cay cú lắm, đêm hôm sau cử 2 chú đặc nhiệm xách Colt12 sang quảng trường Đỏ. Hai chú đặc nhiệm lùng gần hết đêm, teo gần hết các bộ phận vì lạnh nhưng vẫn không tìm thấy ai đái bậy. Đang lo vì không hoàn thành nhiệm vụ thì thấy một chú say đang nhè vào tường mà đái, mừng quá nên tương cả băng đạn vào chú này.
Sáng hôm sau trên trang nhất báo Sự thật LX đưa tin: “Đêm hôm qua, bọn khủng bố đã bắn chết một nhân viên sứ quán VN đang trên đường làm nhiệm vụ“.

(Sưu tầm trên Internet)

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

GIẤY MỜI

Đây là Giấy mời được gửi đi từ Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương. Tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại lấy từ "chuyên" đặt tên cho các Trường năng khiếu? Hay "chuyên" chỉ để muốn nói lấy "cần cù bù năng khiếu bẩm sinh"? Tư duy giáo dục của ta ngay cả ở những cái đầu quản lý cao cấp từ lâu đã có vấn đề. Đó chính là trở ngại lớn nhất trong quá trình phát triển giáo dục nước nhà.




Hội cựu học sinh?

Hôm vừa rồi, nhân qua Hải Dương, tôi có gặp một bạn giáo viên trẻ của trường Chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương, theo lời đề nghị của bạn ấy, trao đổi quanh chuyện tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm trường Nguyễn Trãi, và 50 năm khối chuyên toán Hải Hưng.
Có lẽ bạn gái ấy rất nhiệt tình, năng động, và muốn cuộc tổ chức lễ hội thật hoành tráng, cũng muốn nhiều người chung tay góp sức vào lễ hội. Đó là điều rất hay. Tuy nhiên, tôi chỉ hỏi mấy câu, thì tình thế cuộc trao đổi đã khác. Có lẽ sau cuộc gặp, bạn ấy thất vọng về cuộc trao đổi.

Tôi hỏi: Thứ nhất là đối tượng? Ai sẽ tham gia. 50 khóa thì nhiều khóa không biết đến trường Nguyễn Trãi, điều gì gắn kết họ vào với ngôi trường xa lạ với họ, chỉ với một cái danh là khối chuyên Hải Hưng. 50 khóa, thì đủ các lứa tuổi, từ già đến rất trẻ, bao nhiêu người dự kiến sẽ tham gia?
Tôi hỏi: Để làm gì? Bạn tổ chức lễ hội để thành lập một hội cựu học sinh (sau đó được trả lời là mục đích này) hay là quảng bá thương hiệu cho trường Nguyễn Trãi, hay tạo ra một sự kiện truyền thông. Chú ý rằng, nếu tôi là hội viên hội cựu học sinh, thì tôi cũng muốn có một sự kiện truyền thông nhiều người biết đến. Hội cựu học sinh này sẽ có tôn chỉ mục đích gì? Giao lưu nội hội, hay là tổ chức liên kết với trường Nguyễn Trãi. Giúp nhau trong cuộc sống hay thúc đẩy gặp gỡ, tạo điều kiện quen biết rồi nảy ra các cái khác.
Tôi hỏi: Định làm những gì trong lễ hội? Trả lời: Làm video clip, làm ấn phẩm Kỷ yếu danh sách cựu học sinh, tổ chức giao lưu trên sân khấu. Video clip thì chưa bắt đầu, không phải để chiếu trong lễ hội, mà cùng với ấn phẩm danh sách cựu học sinh, sẽ cho thành quà tặng đại biểu. Giao lưu thì đã chuẩn bị cuộc thi sáng tác 10 ca khúc về trường Nguyễn Trãi. Mới được 7 ca khúc. Tôi bảo: Nếu giao lưu mà mang ra hát 10 ca khúc truyền thống tự sáng tác, thì giống như hội diễn sân khấu nghiệp dư, còn thời gian giao lưu thì sao, hỏi đáp với ai, tại sao, hỏi gì... Videoclip thì làm thế nào, chi bao nhiêu, làm cái này như mua xe ô tô, sẽ có giá làm từ 5 triệu đồng đến hơn 1 tỷ một đĩa phim tài liệu... Liệu có vượt qua phóng sự tin tức hay quảng cáo thường tình không? In sách Kỷ yếu thì cứ một cái ảnh, kèm mấy dòng thông tin, 50 khóa cũng đủ dày cộm, liệu có ai cần không?
Cuối cùng, tôi hỏi: Đã chuẩn bị kế hoạch triển khai như thế nào rồi. Cho đến nay, mới chỉ tìm kiếm được danh sách 50 khóa. Còn mọi việc đang trong dự kiến, 17/8 sẽ bàn tiếp. Tôi cho rằng, việc tìm ra danh sách học sinh 50 khóa là quá đáng khen. Hồi làm sách về khóa 72-75, chúng tôi cũng phải lặn lội khá lâu để truy tìm thông tin các thành viên.
Tóm lại, tôi mường tượng ra kế hoạch của các nhà tổ chức rất hoành tráng. Nhưng tôi cũng nói ngay, nếu các bạn tổ chức không khéo, thì có đa số thành viên sẽ cảm thấy buổi lễ không phải của họ, không dành cho họ, không phải vì họ. Có mấy đối tượng dễ được săn đón, đó là người có tiếng, người có chức, người có tiền. Tức là văn nghệ sĩ, các chủ tịch, bí thư, các nhà doanh nghiệp. Còn lại, đa số cựu học sinh là trí thức thì cũng sống âm thầm, dù cho là nhà khoa học cũng không sống với truyền thông, nên cũng ít ai biết. Tổ chức mà không đến nơi, dễ dẫn đến tâm lý đi chợ, đi vãn cảnh, rồi ăn một bữa như ăn đám cưới.
Có lẽ những suy nghĩ và lời nói của tôi khiến cho bạn trẻ trường Nguyễn Trái mất hứng, nên cuối cùng ra về bạn có vẻ không hào hứng như khi gặp tôi. Tôi nghĩ rằng, dù bạn làm gì, thì cũng cần có các phương án, và rất cần các ý kiến phản biện. Phản biện và xem xét mọi khía cạnh vấn đề hoàn toàn không phải là bàn lùi, hay bàn tiêu cực như đa số các bạn trẻ nghĩ. Tôi thấy cách tiếp nhận lời phản biện của tôi như vậy, thì tôi tin rằng, Ban tổ chức lễ hội khó mà đạt được mục tiêu lớn.
Dù sao, sau đó tôi cũng góp ý: Ban tổ chức nhà trường nên thu gọn quy mô, xét đến thực tế mà tổ chức cho vừa sức. Như thế không có nghĩa là rút gọn mục tiêu, mà có khi quy mô nhỏ mà mục tiêu lớn. Ví dụ: Giao lưu trên sân khấu thì không nên áo gấm đi đêm. Ta nói chuyện với nhau thì cần gì chuẩn bị. Sao không làm một cái giao lưu truyền hình trực tiếp. Đó là mục đích truyền thông. Đài truyền hình sẽ tham dự và họ chủ động làm chương trình theo yêu cầu của mình. Hoạt động chính là nhằm vào các học sinh đang học tại trường, và các học sinh 5 khóa gần nhất. Kỷ niệm còn nóng hổi. Còn các khóa trước thì chỉ nên có đại diện. Khóa trước không có kỷ niệm gì với trường, thì họ sẽ đi ít, nếu có "việc" họ mới đi. Ví dụ tổ chức một cái hội thảo, hay làm cái ấn phẩm đặt họ viết bài. Hoặc tổ chức trao huy hiệu kỷ niệm. Tóm lại, người cũ thì già, già thì hay dở người. Nếu đến ngơ ngơ không nhắc đến thì họ chả đến. Thế đấy.
Tôi thông báo với các bạn lớp E tình hình trên đây. Để nói rằng, tổ chức một lễ hội đơn giản như hơn 30 người tham gia của lớp E còn khó khăn, đằng này trường Nguyễn Trãi làm hoàng tráng 50 khóa thì quá khó chứ. Nếu các bạn ấy không có một nhóm nòng cốt bàn bạc mọi nhẽ, có một cái đầu để quyết, thì khó mà thành công được.
Tái bút: Viết đến đây, tôi mới ý thức được rằng, Hội Nhà văn đã tổ chức Lễ hội Ngày thơ VN hàng năm ở Văn Miếu là quá giỏi. Một lễ hội hàng năm, mà không năm nào giống năm nào, năm nào cũng có trọng tâm, nhưng vẫn có các mục "xương sống". Mà người thì vẫn cứ đến đông đúc, đúng như Hội. Chẳng có ăn uống gì, mà vui vẻ. Khóa ta 72-75, chỉ 5 năm tổ chức một lần cũng khá, có khóa gặp nhau chả nổi 1 lần. Trường Nguyễn Trãi có một cái đầu như Hữu Thỉnh mà tổ chức lễ hội hàng năm thì nổi danh trong toàn quốc.