Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Một số ảnh Liên hoan 5 đôi hơn 25 năm.

Một số ảnh ngày liên  hoan hơn 25 năm ngày cưới của 5 đôi. Không chuẩn bị thợ ảnh, nên chụp linh tinh được mấy ảnh thế thôi.

Chú ý: Bấm vào ảnh, nó sẽ chuyển đến Anbum để trên Picasa, một trang web ảnh của Google. Những ảnh này đã bị giảm dung lượng (chỉ) để dùng cho việc load web. Các bác cần lấy ảnh (dùng) thì mang USB đến iem (NXH) để copy hoặc đợi iem up lên kho online. (Ảnh đưa lên web đều phải giảm dung lượng nhá)

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Tổng thống Panama thăm Việt Nam. Chúc mừng Đại sứ Nguyễn An Duy

Tin các báo: Tổng thống Panama đến thăm Việt Nam 4 ngày cuối tháng 10/2012. Đây là vị tổng thống đầu tiên của Panama thăm Việt Nam kể tử năm 1975.
Dưới đây là bản tin đăng trên Youtobe
Chú ý rằng: Tháp tùng chuyến thăm của Tổng thống Panama và là thành viên đoàn Việt Nam đón Tổng thống Panama có Đại sứ Việt Nam tại Panama NGUYỄN AN DUY.
Thông tấn Bog này cho biết: Nguyễn An Duy cựu học sinh lớp Chuyên toán Hải Hưng 72-75. Hhiii
Còn đây là bản tin đăng trên BBC
Chúc mừng Nguyễn An Duy

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Tin đáng lo

1. Pitagay hiện đang nằm bệnh viện 108, mới mổ xong, cắt một đoạn ruột già. Nằm phòng Hậu phẫu 12a, tầng 2, Nhà B15. Chắc sau đó lại chuyển đi nữa. Bệnh nhân đã biết chính mình bị ung thư. Nhưng Bác sĩ và mọi người đều cho rằng, ung thư ruột có thể sống được 15-20 năm nữa. Còn 2 đợt điều trị nữa: chạy xạ trị và hóa trị.
2. Nguyễn Thế Ngự nằm bệnh viện Tây Hưng Yên. Viêm tụy cấp. Ông Ngự có nhiều "bạn đời": Tiểu đường, gút... vân vân. Nói chung là yếu. Ngự bảo ít nữa sẽ lên Hà Nội khám xét nghiệm. Cuộc đời sao lắm chuyện vớ vẩn thế.
(NXH báo)

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Kể về những người bạn của mình

NHỚ VŨ VĂN TUYÊN

Có lẽ trong ba năm học cấp 3 Tuyên là bạn gần gũi nhất của mình. Nhà Tuyên cũng ở huyện Ân Thi. Tuy hai đứa ở hai xã khác nhau nhưng nhà chỉ cách nhau có một cánh đồng, lại quen nhau từ cấp 2 do mình hay gặp Tuyên trong các kỳ thi học sinh giỏi toán của huyện, rồi cùng tham dự kỳ thi tuyển học sinh giỏi ở các huyện vào lớp chuyên toán của tỉnh (tên gọi cùng vần T nên hay được xếp ngồi gần nhau). Mình nhớ hôm đi thi Tuyên đứng đợi mình ở ngã 3 đầu làng Đống từ 5h30 sáng, rồi hai thằng túc tắc đi bộ đến trường cấp 3 (cách đó khoảng 4-5 cây số) dự thi. Kết quả là cả hai thằng đều đậu vào lớp chuyên toán của tỉnh nhưng mình có giấy báo trước, còn Tuyên phải nhờ người lên Sở Giáo dục hỏi mới lấy được giấy báo và tập trung sau đó ít hôm.


 Hồi đầu chưa quen sống xa bố mẹ, nhớ nhà ghê gớm chỉ muốn bỏ về. Chủ nhật đầu tiên về trọ ở Chợ Gạo sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Tuyên lay mình dậy từ 3 giờ sáng đi bộ về nhà, đến Trương Xá mới hơn 7 giờ  thì gặp anh Sinh (anh trai Tuyên đạp xe Phượng Hoàng đi đón, anh ấy cứ nghĩ hai thằng lúc đó mới ngủ dậy, không ngờ đi sớm quá).

 Tuyên là một mẫu điển hình con cái nông dân chân chất, rất hiền. Người bạn nhỏ nhắn nhưng có cặp đùi rất to khỏe, chạy 1.500 m nhất Trường cấp 3 thị xã Hưng Yên, mặc dù hồi đó ở thị xã có nhiều anh tài lắm. Mình nhớ Tuyên ăn nhanh lắm, hầu như không nhai mà nuốt chửng. Mình chưa xong một bát cơm Tuyên đã xới bát thứ 3 rồi.

 Ngày trọ ở Bảo Châu, có một chị nghe đâu trước bị bệnh tâm thần, hay sang chơi với bọn mình, tự nhiên phán rằng, Tuyên học giỏi nhưng sau này khổ lắm và bị chết non nữa. Lời tiên tri này lúc đầu không đúng nhưng càng về sau càng thấy nghiệm vào Tuyên.

 Tốt nghiệp cấp 3, cùng đăng ký nguyện vọng thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tuyên hơn mình 1 điểm vừa đủ tiêu chuẩn xuất ngoại, sang Liên xô học Đại học mỏ ở thành phố Đôn Nhét, còn mình thì ở lại học trong nước. Hôm chia tay, mình và hai bạn cùng huyện được mời đến nhà Tuyên ăn tiệc, Tuyên rất buồn vì phải xa mình. Suốt 5 năm đại học, mình và Tuyên vẫn thường xuyên thư từ cho nhau. Thật vui khi mỗi lần lên văn phòng khoa thấy thư Tuyên từ Liên xô gửi về. Tuyên kể về phong cảnh nước Nga, về đội bóng Sachio Đôn Nhét bạn hâm mộ và cảnh sôi động trong những trận bóng đá giải vô địch liên bang mà bạn được xem trực tiếp trong sân vận động.

Năm 1982 Tuyên tốt nghiệp đại học về nước, mình đã vào quân đội. Từ đơn vị về nghỉ phép gặp Tuyên. Bạn sang nhà mình chơi, béo trắng vì bơ sữa và uống rượu thì không khác gì một chàng Ivan thực thụ, đến mức bố mình là một "sâu rượu" nổi tiếng trong vùng cũng phải ngả mũ bái phục. Rồi hai thằng lên Hà Nội, Tuyên ngủ với mình một đêm trước khi mình trở lại đơn vị.

 Hồi đó sinh viên tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước đều chịu sự phân công của Bộ Giáo dục. Người ta đã giới thiệu Tuyên với  một số cơ quan, trong đó có Trường Đại học Mỏ Địa chất đang cần giáo viên và một vài cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Sau khi khảo sát các cơ quan đó, Tuyên quyết định trở lại Liên xô làm phiên dịch cho một đội lao động xuất khẩu Việt Nam. Sáu năm sau Tuyên về nước mua nhà ở Hà Nội và cưới một cô vợ người Phú Thọ tên Tâm, là công nhân xuất khẩu trong đội Tuyên phụ trách. Rồi Tuyên xin vào làm trong ngành đường sắt, vợ Tuyên mở cửa hàng bán nước đối diện với nhà máy mình làm việc. Có dạo bí quá mình cũng chạy hàng nước ngọt nhờ Tâm bán. Một thời gian sau vợ Tuyên được bố xin cho vào làm việc ở Viện Vật liệu xây dựng, được mấy năm , do thu nhập thấp Tâm chuyển sang buôn hàng chuyến đường xa, còn Tuyên vẫn cứ mải mê với những bữa rượu say sưa cùng với những chuyến tàu chở hàng.

 Hồi năm 1994 mình làm biên tập viên Báo Đầu tư, Tuyên đi xe máy qua cơ quan mình chơi và rủ mình đến nhà Tuyên trong khu tập thể ở phố Cát Linh uống rượu. Mình thấy nhà Tuyên cũng khá, hai vợ chồng đều có xe máy, tiện nghi đầy đủ. Khoảng năm 1998 -1999, vợ Tuyên bỏ đi lấy tay lái xe đường dài để Tuyên nuôi con. Cháu Hùng, con Tuyên học rất giỏi và chơi cờ vua rất khá, từng đoạt giải nhì cờ vua học sinh thành phố Hà Nội. Tuyên chán đời, bỏ việc cơ quan, lúc thì đi trông kho sắt vụn, khi thì đi trông công trình cho bạn xây nhà, nhưng vẫn không bỏ được tật uống rượu rồi quên nhiệm vụ. Năm 2002 Tuyên được anh trai đưa sang Angola bán hàng và để cai rượu, hai năm sau lại thấy về nước. Nghe đâu, sang bên đó Tuyên không những không cai được rượu mà lại uống nhiều hơn, anh trai cũng không chịu được bắt phải về. Từ đó Tuyên sống ở quê, ít khi ra Hà Nội. Mình gặp Tuyên lần cuối tại buổi họp lớp năm 2005.

Mùa hè 2007, một thời gian khá dài không gặp Tuyên, một số bạn lớp chuyên toán cũ đến nhà anh Tuyên tìm mới biết Tuyên đã mất. Về nhà Tuyên ở thôn Đặng Xuyên thắp hương thì không có bát hương trên bàn thờ. Nhà bố mẹ Tuyên giờ giao lại cho cháu ruột Tuyên (con ông anh cả) ở, mẹ Tuyên hồi đóvẫn khỏe và đang sống ở đó (bây giờ bà cũng đã đi theo con trai được mấy năm rồi). Họ kiêng vì pháp sư nói Tuyên chết vào giờ xấu không được thắp hương ở nhà, cũng chẳng có di ảnh nào. Mình hỏi thì được biết, con Tuyên nộp đơn dự thi vào trường Công an, Trường cho người về quê tìm hiểu lý lịch. Lo cho con Tuyên phải kiêng, không dám uống rượu rồi từ đó sinh bệnh tâm thần, suốt ngày rúm ró vì tưởng có người đánh đập, dọa giết. Có đêm đông lạnh thấu xương, Tuyên bỏ chạy khỏi nhà rồi nhảy xuống ao vì sợ ma đuổi. Có đêm Tuyên bỏ nhà đi lang thang, sáng sớm có người đi chợ Trương về báo thấy đang ở đó, người nhà phải lên bắt về. Cuối cùng Tuyên mắc bệnh viêm phổi phải lên điều trị tại Bệnh viện Giao thông vận tải là nơi anh và chị dâu Tuyên làm việc. Một buổi tối Tuyên bị tràn dịch màng phổi mà bác sỹ không phát hiện ra, bạn tắt thờ và ra đi về cõi vĩnh hằng khi mới 48 tuổi.

Lời tiên tri của bà chị từng bị tâm thần ở Bảo Châu năm 1972, sau 35 năm đã thành sự thật. Người bạn thân nhất của mình thời cấp 3 đã ra đi như thế. Rượu đã hủy hoại cuộc đời bạn hay chính bạn đã tự huỷ hoại đời mình?

(Ngô Công Thành 8/2012)

Kể về những người bạn của mình

PI TA GAY


Pi Ta Gay (1957), tên thật là Tạ Hữu Gay, quê Yên Mỹ - Hưng Yên, cháu đời thứ 127 của nhà toán học Pi Ta Go (người Hi Lạp). Vì tôn thờ cụ tổ của mình mà quyết theo đuổi học toán, nhưng lực bất tòng tâm nên bạn đành phải phụ lòng cụ tổ.

Ngày còn học cùng nhau, Gay học giỏi văn nhất lớp. Mình bao giờ cũng chỉ đứng thứ 2 sau bạn. Văn mình còn có lúc bị cô giáo chê chứ Gay thì mình không thấy cô chê văn bạn lần nào. Cách phân tích và bình luận văn học của Gay thật sắc sảo và chắc chắn. Chữ bạn cũng rất đẹp. Tác phong của bạn giống như thấy đồ ngày xưa, thật thư thái, đĩnh đạc, trái ngược với dáng người bạn nhỏ thó, khắc khổ. Đáng lẽ bạn nên chuyển sang nghề văn chương thì hợp hơn. Nếu không là giáo viên dạy văn thì cũng làm nhà văn, ít nhất còn to khỏe hơn nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bạn lại lao vào học toán, trong khi khả năng về toán của bạn chỉ vào loại trung bình khá. Cuối cùng lại theo cả lớp nghe lời thầy chủ nhiệm đăng ký thi vào Đại học Bách khoa. Thế là trượt. May mà ngày đó số lượng người thi vào đại học không nhiều như bây giờ, không đủ điểm vào Bách Khoa vẫn có thể chuyển sang trường khác một cách dễ dàng. Người ta xếp bạn vào học Đại học Xây dựng vừa học vừa làm ở cạnh trường Bách Khoa (Sau chuyển thành Trường Đại học Xây dựng). Thỉnh thoảng gặp nhau, bọn mình lên giảng đường thì bạn tay bay, tay thước đi xây. Rồi ra trường. Mình vào quân đội. Gay về một công ty xây dựng đang thi công công trình ở Hải Dương. Hai mươi năm sau mới gặp lại.


Năm 2000, mình, Quang Hưng và Kỳ về thăm nhà Gay ở Thị trấn Phả Lại, Chí Linh Hải Dương để thu thập ảnh, thông tin gia đình phục vụ cho việc làm cuốn kỷ yếu của lớp. Lúc đó, Gay đang làm cán bộ phòng kế hoạch nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Vợ bạn là giáo viên Trường mầm non của Nhà máy. Gia đình bạn cũng đã xây được nhà khá khang trang. Hai con gái mang gien của bố cũng rất giỏi văn, đều đoạt giải học sinh giỏi văn và học trường chuyên của tỉnh.

Gay hay nghiên cứu văn học cổ Trung Hoa nên cầu kỳ cả trong cách đặt tên con. Cô chị tên là Tạ Thị Yến Ly, tuy học giỏi văn nhưng lại thi vào Bách Khoa ngành công nghệ thông tin giờ công tác tại Hà Nội. Cô em là Tạ thị Linh Vân học Đại học Kinh tế quốc dân sắp ra trường. Nghe Gay giải thích về điển tích mà bạn đã nghiên cứu để đặt tên cho con cũng mất cả tiếng đồng hồ rồi.

  
Tuần trước họp mặt bạn bè lớp chuyên toán cấp 3 tỉnh Hải Hưng (khóa 1972-1975), Gay  thông báo không đến dự được vì đang ốm. Mấy hôm sau nhận được tin báo bạn đã nhập Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Mình và mấy bạn cùng lớp đến thăm thấy bạn gầy và xanh quá. Vợ Gay bảo đã tiếp một lít rưỡi máu rồi mới được như thế. Đến thời điểm đó vẫn chưa xác định được bạn mắc bệnh gì nhưng mình đoán là khá nghiêm trọng. Gay vốn đã nhỏ bé, giờ lại càng bé nhỏ hơn trong bộ quần áo bệnh viện. Chiều qua gọi điện cho bạn lại được thông báo đã chuyển vào Viện Quân y 108 điều trị. Mình lo cho bạn quá, đúng là Pi Ta Gay rồi.


Hôm gặp mặt lớp năm 2010 kỷ niệm 35 năm ngày tốt nghiệp cấp 3, Gay tuyên bố, bạn là người đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là học sinh lớp toán đặc biệt nhưng lại đi thi học sinh giỏi văn của tỉnh và là học sinh giỏi văn nhất trường cấp 3 thị xã Hưng Yên thời đó. Bạn cũng tiết lộ hồi ấy đã thầm thương trộm nhớ bạn Bím ngồi bên cạnh rồi mà không dám bày tỏ nỗi lòng.


Gay ơi, bây giờ mình mong bạn đừng là người đặc biệt nữa. Hãy làm người bình thường, khỏe mạnh vui vẻ bên vợ con và thỉnh thoảng viết một bài thơ, một câu chuyện tặng bạn bè hay một “tình xưa” nào đó. Bím đã đi sang thế giới bên kia một năm rưỡi rồi. Gay không phải nặng lòng với những ký ức ngày xưa mà thêm ốm. 

Hãy cố gắng lên Pi Ta Gay!

(Ngô Công Thành 10/2012)

Kể về những người bạn của mình

NHÀ VĂN CỦA NHÂN DÂN

Mình hay vào blog của nhà thơ Văn Công Hùng để đọc, vì nghe đâu hắn là một trong những nhà thơ nổi tiếng đương đại. Tạp chí Sông Hương còn đăng bài nghiên cứu của một cô thạc sỹ có tên TTVD “Thơ Văn Công Hùng, nhìn từ hình tượng cái tôi trữ tình chiêm nghiệm - triết lý”. Nhưng mình chẳng thấy xúc cảm gì từ thơ của hắn (trừ vài bài thơ nói về mẹ), chẳng có vần điệu, chẳng theo kiểu cách nào mà cũng chẳng hiểu hắn định nói gì (có lẽ triết lý của hắn cao siêu quá!). Hôm trước, đột nhiên, mình thấy thông tin hay về một thằng bạn 40 năm của mình trong trang blog này.(NCT)
Có bài ký sự KỲ TÍCH SÔNG HÀN viết dưới dạng một lá thư gửi Văn Công Hùng. Nhà thơ viết thêm mấy lời tựa: “Mình chuẩn bị lên xe để lại... đi. Lần này là xuống Quy Nhơn trong cuộc Hội Nhà Văn phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử, mình phải xuống trước 1 ngày để lo tổ chức. Lên xe rồi thấy trong iPad có thư của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng giám đốc hãng phim Hội Nhà Văn. Thế thì phải đọc. Đọc xong thì thấy phải post ngay. Muốn post thì phải... xuống xe bật laptop. Phải làm việc ấy vì thấy đây là một bài cần post ngay...”

Trong số nhiều còm sĩ đăng lời bình về bài viết của Nguyễn Xuân Hưng, có người  bí danh 123 đánh giá bài này hay ngang với bài ký của Anh Đức gửi Nguyễn Tuân thời đánh Mỹ rồi kết luận " Nguyễn Xuân Hưng xứng đáng là nhà văn thật sự của nhân dân”.

Tài, tài thật. Nguyễn Xuân Hưng tài thật!

Đúng bạn mình rồi, “Nguyễn Xuân Hưng - Giám đốc hãng phim Hội Nhà văn”. Cái thằng mình đã kéo từ Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng lên Hà Nội, thế chân mình làm biên tập viên Báo Đầu Tư để mình được ông Bộ trưởng kiêm Tổng Biên tập Trần Xuân Giá cho chuyển sang làm chuyên viên Vụ Quản lý dự án Đầu tư nước ngoài năm 1996. Cái thằng mà năm 1985, mình phải nhường cho nó bộ com lê cưới của mình đang mặc trên người để nhận bộ com lê ngắn cũn cỡn nó mượn về mặc không được (dù nó còn thấp hơn mình mấy phân) mà vẫn phải làm phù rể cho nó trong đám cưới Hưng – Thủy tại Hải Phòng.

Hồi học cùng trong lớp chuyên toán cấp 3 tỉnh ở Thị xã Hưng Yên, Xuân Hưng cũng gầy gò như mình, kiểm tra sức khỏe vào đại học đều cân được 39,5 kg sau khi đã tống đầy dạ dày mấy bát cơm độn ngô buổi trưa. Nó có một dãy mụn thịt đỏ nổi từ dưới tai xuống tới cổ giống hình quần đảo Nhật Bản nên mình cứ gọi nó là Hưng Nhật Bản để phân biệt với Hưng còi (Quang Hưng). Cách đây dăm năm, khi chuyển sang làm việc bên Hội Nhà văn, nó đã phẫu thuật bỏ quần đảo Nhật Bản này đi rồi.

Thời cấp 3, cô Tâm dạy văn, điểm văn của nó luôn thấp hơn mình và Tạ Hữu Gay. Năm lớp 10 nó cũng trong đội tuyển thi toán toàn miền Bắc, được xếp vào loại thứ 4-5 trong lớp. Hưng Nhật Bản cũng như mình đều vào Đại học Bách khoa năm 1975 (khóa 20), nó học khoa Hóa, mình học khoa Luyện kim ở cùng tầng một nhà B7. Ngày học Bách khoa, nó yêu một cô to đùng người Hải Phòng, tên là Tuyết cao 1m65 nặng trên dưới 60 kg, một bên má bị rám đen, học K21 khoa công nghiệp thực phẩm. Cô cậu yêu nhau lắm, cứ như đôi cào cào, châu chấu vậy. Có lần giận nhau Tuyết mò tới chỗ mình kêu mình đi tìm Hưng giúp, mình đưa Tuyết đến nhà anh trai cả Hưng ở khu tập thể Kim Liên nhưng không thấy, rồi Tuyết khóc, mình dỗ mãi không được. Yêu nhau thế nhưng không hiểu vì sao khi Hưng về công tác ở Hải Phòng (kể cả khi vào quân đội cũng như khi đã ra quân), ngay gần nhà Tuyết mà họ lại không lấy nhau. Có phải tại vết rám trên má Tuyết hay tại cô già và xấu hơn Thủy (người sau này trở thành vợ Hưng)?

Tháng 10 năm 1980, tốt nghiệp Bách Khoa, trước khi nhập ngũ, 5 thằng (Thành, Kỳ, Bách, Xuân Hưng, Thắng) rủ nhau đi du lịch một chuyến bằng xe đạp khắp Hải Dương, Đông Triều. Bọn mình rẽ qua nhà Xuân Hưng ở Thị trấn An Lưu, huyện Kinh Môn, một thị trấn có phong cảnh rất đẹp, giống một làng nhỏ ở Cộng hòa Sec bên Châu Âu sau này mình đi qua.

Xuân Hưng có cô em gái khá sinh học Đại học Dược, sinh năm 1961, tóc vàng hoe và mắt xanh như tây, tên là Yên (Chắc là ông bố muốn nhắc nhở về Yên Mỹ, Hưng Yên, quê ông). Thế mà hồi đó chẳng anh nào tấn công. Nó cứ phàn nàn mãi. Còn nó, thời còn trong quân đội, cũng có ý định tấn công cô em Mai Anh của mình, nhưng có lần đến đón cô em định đưa em ra trường Sư phạm thì xe cứ tuột xích suốt, Mai Anh sốt ruột, sợ muộn giờ phải nhảy xe bus đi, để lại anh Xuân Hưng trong ngậm ngùi với chiếc xe đạp hỏng xích.

Năm 1984, Hưng ra quân từ Viện Kỹ thuật Hải quân với quân hàm Trung úy, về công tác tại Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng, đúng vào thời kỳ Thành phố, do ông Đoàn Duy Thành làm Bí thư, bung ra phát triển kinh tế nên cậu cũng làm ăn được. Một buổi tối năm 1988, Hưng phi xe máy cup 80 lên Hà Nội gọi mấy thằng ra uống cả  phê chỗ đầu Hồ Tây, mình cứ ước ao không biết tới kiếp nào mới có chiếc xe máy như thế mà đi. Rồi từ Nhà máy Thủy tinh ấy, tài năng văn chương của nó nảy mầm và phát triển. Hình như cũng có mấy nàng văn đi theo thì phải. Nó bắt đầu viết truyện ngắn, gửi đăng, gửi dự thi và năm nào cũng trúng giải. Hồi đó người ta quan tâm viết nhiều về người lính, về mặt trận biên giới, ít người viết truyện về những người lao động, về kinh tế. Năm 1995 Hưng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn viết về người lao động do Báo Lao động thành phố HCM tổ chức, được mời cả hai vợ chồng vào thành phố nhận giải. Từ đó, nó vừa làm Phó Quản đốc phân xưởng vừa viết văn. Nó có gửi một bài cho báo Đầu tư, nhưng Trưởng Ban Biên tập không duyệt đăng vì không hợp chủ đề của báo (mặc dù mình thấy rất hay, nhưng bọn tây không thích).

Đầu năm 1996, tình hình Hải Phòng khó khăn trở lại, do người lãnh đạo mới quá bảo thủ và cầu toàn, không dám nghĩ, dám làm. Mình động viên Hưng dự thi vào Báo Đầu tư (năm đó Báo tổ chức thi tuyển phóng viên, mình làm giám thị) để có thể đưa cả gia đình lên Hà Nội. Hôm thi mình phải chở Hưng đến địa điểm thi, vợ mình ở nhà chuẩn bị sẵn cơm nước, trưa về hai thằng ăn, nghỉ một tí chiều lại đi thi tiếp môn thứ hai. Có kiến thức về kinh tế, lại có sở trường văn học, Hưng thi đỗ điểm cao và được tuyển về làm Biên Tập viên. Làm việc cùng nhau được nửa năm thì mình ra khỏi nghề báo, trở thành công chức nhà nước, chuyên viên Chính phủ. Hưng ở lại tòa soạn báo tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp văn chương của mình.

Thời ở Báo Đầu tư Hưng cho ra đời mấy tuyển tập truyện ngắn MUỐI ĐẮNG và NHÂN BẢN. Năm 2004, Nhà xuất bản Lao động in và phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tay của Hưng có tên AN LẠC DƯỚI TRỜI gồm hai tập. Năm 2005 bộ tiểu thuyết này được tái bản lần 2 do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn phát hành. Sau đó Hưng được kết nạp vào Hội nhà văn và là một trong những hội viên trẻ tuổi (xấp xỉ tuổi với Trần Đăng Khoa) và cũng là một trong số ít hội viên xuất thân từ người học về tự nhiên, khoa học kỹ thuật. Hưng cũng đã được bổ nhiệm là Trưởng Ban phụ trách tờ Đầu tư (tiếng Việt). Sau đó, do không thích tham dự vào cuộc đấu đá trong nội bộ tờ báo, Hưng xin chuyển về Hội nhà văn làm Phó Giám đốc Hãng phim do Nhà văn Hà Phạm Phú làm giám đốc. Năm 2010 ông Phú về hưu, Hưng được bổ nhiệm Giám đốc Hãng phim. Hãng phim của Hưng đã hoàn thành nhiều bộ phim khá nổi tiếng về Hồ Chí Minh như: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, Vượt qua Bến Thượng Hải. Chuyện Giám đốc Hãng phim Nguyễn Xuân Hưng mời ông Nguyễn Tiến Thỏa Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính sang Trung Quốc đóng vai Nguyễn Lương Bằng trong phim Vượt qua bến Thượng Hải, đúng vào thời gian bão giá hoành hành ở Việt Nam đã bị báo chí la lối om xòm nhưng rồi cũng qua đi, bởi Nguyễn Tiến Thỏa chính là cháu gọi Nguyễn Lương Bằng là ông và rất giống Cụ.

Giờ đây, Nguyễn Xuân Hưng đã là một ngôi sao trên văn đàn Việt với những tiểu thuyết tên tuổi như: Bản năng nháp, Bí quyết Sài Gòn, Hạ cánh xuống trần gian, Hoa Lư… Mình chợt nhớ lại kỷ niệm Xuân Hưng đã ghi lưu bút vào sổ của mình khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1975: “ phải phá đi những cánh cửa chắn cuộc đời”. Câu này mình đã đưa vào trong bài thơ TÌNH BẠN (xemTẠI ĐÂY) . Đúng là không có cánh cửa nào có thể chắn được bước đi của ta trước sự công phá của ý chí. 

Từ một học sinh chuyên toán, một kỹ sư Bách Khoa, một cán bộ quản lý sản xuất trở thành ‘Nhà văn của nhân dân” đâu phải chuyện thường. 
Nguyễn Xuân Hưng, bạn của mình đấy!
Bạn 40 năm rồi chứ không phải bạn mới quen đâu./.

(Ngô Công Thành tháng 10/2012)

Kể về những người bạn của mình

QUANG HƯNG

 Tuần trước Quang Hưng  trao lại cho mình văn bản những bài thơ của mình và NC viết gửi cho nhau khi mình 25-26 còn NC mới 18-19 tuổi. Gần ba chục năm đã qua, tưởng chừng những bài thơ đó đã vĩnh viễn bị lãng quên, thế mà chúng bỗng nhiên sống lại, tinh khôi như thưở nào. Ngay cả mình cũng không dám chắc giữ được, thế mà Quang Hưng đã bảo quản chúng nguyên vẹn đến ngày nay và trao trả cho mình khi mình nói chuyện đã gặp lại NC.

Ngày học lớp chuyên toán tỉnh tại Trường Cấp 3 thị xã Hưng Yên. Quang Hưng ngồi cạnh mình ở bàn thứ hai, dãy bên phải đi từ cửa vào. Mình nhớ, thời đó  Hưng đã cẩn thận lắm. Bạn có một chiếc bút bi 2 ruột xanh và đỏ để kẻ dưới các đề mục bài giảng  của các thầy cô khi chép vào vở. Vở ghi, vở bài tập của Quang Hưng bao giờ cũng được bọc giấy họa báo có nhiều ảnh đẹp. Mình hay mượn bút bi của Hưng để gạch dưới các đề mục khi chép bài. Năm lớp 9, QH và mình cùng được kết nạp đoàn một ngày (ngày 9 tháng 3 năm 1974). Hưng học giỏi toán vào loại thứ 3-4 trong lớp. Cuối cấp 3,  mình và Hưng cùng trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Hưng đỗ đại học điểm cao và được gửi sang Liên Xô học về máy hóa. Lúc đầu viết thư về Hưng kể học ở thành phố Bacu, Thủ đô nước cộng hòa Azăcbaizan, trung tâm dầu khí toàn liên bang. Một năm sau bạn được chuyển về học Đại học Chế tạo máy hóa chất Matxcơva. Năm 1983, Hưng về nước, sau đó nhận công tác tạị Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường và mua nhà ở Hà Nội. Hồi đó, đối với bọn sinh viên nhà quê mới tốt nghiệp đại học ra trường như mình, nhà Hà Nội còn xa vời lắm kể cả trong mơ cũng chưa dám nghĩ đến. Vì thế ngôi nhà của Quang Hưng lúc đó như một biểu tượng của chủ nghĩa xã hội hay Chủ nghĩa cộng sản vậy. Quang Hưng mặc dù tính rất chi ly nhưng lại quý bạn bè nên nhiều người đến chơi. Nhà Quang Hưng trở thành điểm tụ họp của bạn bè lớp chuyên toán cấp 3. Những ai gặp khó khăn trong vấn đề nhà cửa ở Hà Nội đều nhờ cậy Quang Hưng. Xuân Hưng gửi cả vợ chưa cưới của mình đến ở nhờ cả tháng. Hồng Kỳ sau khi ra khỏi quân đội tìm được việc làm ở Hà Nội cũng đến tá túc nhà QH mấy năm. Rồi cả cô bạn gái học cùng Hưng ở liên xô gửi em trai mình là sinh viên Đại học Bách khoa đến ở nhờ vì “quá hư” đến mức bị chú ruột đuổi ra khỏi nhà. Ngay cả Lương Bách (giáo sư Đại học AIT Thái Lan) đã có nhà to ở Hà Nội chung với bố vợ vẫn mượn nhà Quang Hưng làm địa điểm chiêu đãi bạn bè mỗi khi về nước.

 Năm 1985, Quang Hưng là người khởi xướng cuộc gặp mặt đầu tiên cựu học sinh chuyên toán cấp 3 Hưng Yên khóa 1972- 1975, tại nhà bạn. Mười lăm người về dự trong đó có mình. Mọi người tự làm cơm ăn với nhau rồi ôn lại kỷ niệm xưa, ra lăng Bác tự chụp ảnh còn bị mấy anh bảo vệ thu máy bắt xóa hết ảnh chỉ xin giữ lại được một cái. Tại cuộc gặp này, mình đã đọc bài thơ TÌNH BẠN lần đầu tiên trước cả lớp và sau này còn đọc nhiều lần nữa. Bản gốc bài thơ  Quang Hưng vẫn giữ và coi  đó là kỷ niệm chung của lớp. Từ đó đến nay Quang Hưng được các bạn bầu làm Trưởng Ban liên lạc của lớp E chuyên toán. Sau này, mình cũng được các bạn tiến cử làm Phó Ban thường trực giúp việc Trưởng ban. 

Quang Hưng cưới vợ năm 1989, sau mình mấy năm. Mình còn làm chủ hôn đám cưới của bạn nữa. Mình nhớ đã mở đầu lời dẫn dắt chương trình bằng mấy câu thơ:
“Anh đã đi vòng quanh trái đất
Mới gặp em lần thứ nhất anh yêu
Vàng bạc kia còn kém em nhiều
Bởi em có một mối tình trong trắng.”

Chàng trai đất vài thiều nhãn ngọt sau khi lang thang qua những mối tình ở cả trong và ngoài nước đã tìm được bến đỗ nơi cô gái làng Cót Hà Nội. Hồng đẹp dịu dàng nhưng cũng không kém phần sắc sảo như cái tên cô vậy. Hồng cũng học Bách khoa Hà Nội, sau mình ba khóa nhưng ở ngành Công nghệ thực phẩm. Bố mẹ Hồng đều là giáo viên cấp 3 Trường Yên Hòa khá nổi tiếng ở Hà Nộị, cụ ông còn làm hiệu trưởng nhiều năm ở đó. Sau đám cưới Hưng, mình khá nổi tiếng không chỉ ở nhà máy Dụng cụ số 1 của mình (vì cả phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm nhà máy mình đều biết mình là bạn Quan thanh tra chất lượng Trung ương trực tiếp theo dõi nhà máy) mà cả ở Phòng Thanh tra 1 của Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Khu vực I, nơi Hưng công tác. Sau này có nhiều việc cần giải quyết trong quá trình đấu tranh nội bộ hay có việc làm thêm, các anh ở đây đều mời mình tham gia. Có lần, trong mưa tầm tã mình chở Hưng xuống nhà máy bơm Hải Dương để giải quyết việc nội bộ với hai anh nữa, bị công an giữ ở đầu thị xã, Hưng phải xuất trình thẻ Thanh tra công an mới tha cho đi.

 Năm 1991, sau khi đi thực tập 6 tháng tại nhà máy dụng cụ cắt gọt Matxcova, thu gom được ít hàng mang về nước bán, mình mua được ăn nhà cấp 4 trên miếng đất bây giờ đang ở, gần nhà Hưng. Hai thằng càng hay đi lại với nhau. Rồi  hai tên hợp tác với mấy kỹ sư Nhà máy chế tạo bơm Hải Dương (Hưng quen trong quá trình thanh tra chất lượng sản phẩm ở đây) “đánh quả” chế tạo máy bơm rởm bán cho xí nghiệp thủy nông huyện Kim Thi  (Kim Động và Ân Thi bây giờ) do ông Khải, người cùng làng với mình làm giám đốc. Lần đó mỗi thằng lãi hơn 1 triệu, nhưng ông Khải thì được 5 triệu.

 Năm 1993, Hưng Quyết định rời bỏ nhà nước để ra nước ngoài làm ăn. Vào thời điểm đó, đây quả thực là một quyết định táo bạo và mạo hiểm đối với một công chức nhà nước đã quen với chế độ bao cấp. Năm 1997 Hưng về nước và nhảy vào thương trường kinh doanh. Đến giờ mới thấy Quang Hưng không chỉ "liều” mà còn có tầm nhìn xa nữa. Khi bọn mình vẫn là các công chức nghèo, mặc dù đã tăng tiến tới Vụ trưởng, Vụ phó, chuyên viên cao cấp, thì Quang Hưng đã sở hữu một doanh nghiệp riêng, doanh thu dăm bảy chục tỷ một năm và tham gia 4-5 doanh nghiệp khác, con gái thì gửi sang học ở Anh quốc; ô tô thì sài Mercedes (cỡ Bộ trưởng cũng chưa có tiêu chuẩn ô tô hạng này); nhà đất thì có năm bảy chỗ.

 Thông thường khi trở nên giàu có, người ta dễ quên những bạn bè thuở hàn vi. Nhưng cũng có những người càng giàu có càng hay nhớ tới những người bạn cũ. Hưng ở trong số ít những người như thế.  Hưng rất thích các bạn đến chơi để được hàn huyên mọi chuyện trên trời dưới biển và thường than vãn rằng, gặp các quan chức bây giờ khó quá. Có lần Hưng lái xe mời mấy thằng bạn (trong đó có mình) đi ăn tối rồi đưa cả hội vào siêu thị METRO mua táo Newzealand, Nho Mỹ gửi về cho các bà vợ bạn để các bà nhớ thỉnh thoảng nhắc chồng đến thăm bác Quang Hưng  vì sẽ có quà.

 Hôm trước đi dự đám cưới con trai Võ xuân Lâm. Quang Hưng lái xe đến đón mình và Kỳ ờ cổng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bọn mình xuống chậm để Hưng phải đợi hơi lâu một chút. Hưng mắng té tát: “quan chức các ông cứ như nghệ sỹ thế này thì chết dân chúng tôi”. Mình nói:’ Tôi cũng là nghệ sỹ đấy chứ, ông có cần tôi chứng minh không?”  Hưng bảo: “ ông chứng minh đi để tôi khỏi bực mình”. Thế là mình phải đọc cho Hưng nghe bài thơ EM LÀ MÙA THU vừa sáng tác xong để được Hưng công nhận là nghệ sỹ, tha cho cái tội ‘làm chết dân” của các quan chức mà bạn đã gán cho mình.

 Hưng tuyên bố vẫn đang còn giữ kỷ vật của nhiều người lắm, ai nhớ ra  thì trả, ai không nhớ thi 20 năm nữa bạn sẽ bàn giao. Ngày xưa, mọi người thường gửi Hưng giữ hộ các tài liệu riêng tư, vì bạn có nhà riêng, có hòm sắt mang từ Liên Xô về mối mọt không thể làm gì được. Nhiều người cũng quên đi (như mình chẳng hạn) chẳng nhớ đã gửi Hưng giữ hộ cái gì.  Mình phải cố nhớ xem còn kỷ vật gì quên chưa đòi lại Quang Hưng nữa đây? He he./. (Ngô Công Thành 9/2012)

Hướng dẫn viết bài mới trên blog này

(NXH viết)
Nếu bạn không có ý thay đổi nội dung hay thiết kế lại, mà chỉ đơn giản là đăng bài thì cực kỳ đơn giản. Gồm các bước sau:
1.    Vào trang chủ blog ở địa chỉ: 8e9e10e.blogspot.com (hoặc bấm vào ĐÂY )


2.    Đăng nhập: Nhìn sang phía trên bên phải, bấm vào chữ đăng nhập.

3. Trước khi chuyển vào trang chính, nếu Blog của ta là blog "người lớn" thì nó sẽ vào trang cảnh báo nội dung. Blog cảnh báo bạn có đạo đức xem các hình người lớn không. Bấm vào ô tô đỏ rằng "tôi hiểu và đồng ý".
Nó sẽ chuyển đến trang đăng nhập. Điền ở ô Email, điền chữ: 8e9e10e@gmail.com; pass (mật khẩu) thì các bạn biết rồi, nếu không biết, thì hỏi tôi hoặc ai đã biết (nếu cho mật khẩu lên đây thì "tèo" rồi, hi)
4. Sau đó trang mới hiện ra. Như sau:



Đến đây có nhiều cách vào Viết bài mới:
-Bấm vào ô chọn màu vàng, có hình cái bút, tôi chỉ bằng mũi tên XANH trên đây.
-Hoặc là bấm vào "Xem blog" ở phía trên bên phải, hoặc là bấm vào tên blog, dòng "Blog của Lớp CT Hải Hưng..." (hoặc 8e9e10e, tùy đặt tên), được đánh dấu ĐỎ, trên đây. Khi đó, trang chủ sẽ hiện ra, phía trên bên phải, thay cho chữ "đăng nhập" lúc nãy, là những chữ thao tác "Viết bài mới", Thiết kế, hay Đăng xuất.
6. Bạn nào từng gửi thư điện tử, email (yahoo hay bất kỳ loại email nào) cũng sẽ thấy màn hình quen thuộc. Có thể đính vào ảnh (như tôi làm ở đây), có thể kèm link web vào bài.... vân vân. Làm xong bấm bào chữ "Xuất bản" màu vàng rực phía trên trang này (tôi đánh dấu cái vòng xanh). Thế là xong. (chú ý: riêng trang hình này là lấy của trang blog khác nhé, nhưng cái khung cũng như vậy thôi)



7. Bạn nào dùng hộp thư gmail rồi thì biết ngay, không cần hướng dẫn nữa. Muốn đăng xuất, thoát khỏi blog, ở Trang chủ, hãy nhìn lên phía trên bên phải, có chữ "đăng xuất" và bấm vào đó.

8. Về viết bình luận. Tôi tùy chọn lại "Option" bất kỳ ai cũng đăng nhận xét được. Hoặc bạn nào không cần ẩn danh thì nên viết tên của mình ra. Bạn có thể chọn tên, bí danh, bấm vào các tùy chọn khi viết bình luận nhá

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Tình bạn

Mùa hạ lại về rạo rực trong tôi
Khoảng trời xanh với những chùm phượng đỏ
Tiếng ve gọi về bao nỗi nhớ
Kỷ niệm tuổi thơ bừng dậy tươi ngời.

Dẫu có đi tới vạn nẻo xa xôi
Lòng tôi vẫn thả neo về chốn cũ
Nơi đã nhóm cho đời ta ngọn lửa
Tình bạn chúng mình ươm hạt giống đầu tiên.

Cái buổi ban đầu, có thể nào quên
Ánh mắt bạn gặp mắt tôi bỡ ngỡ
Xóm nhỏ ven đê đường lầy lội quá
Bạn trượt chân quần áo lấm, tôi thương.

Đến bây giờ vẫn thấy vấn vương
Quán phở nhỏ bên đường dạo ấy
Chuyến xe khách vội vàng chiều thứ Bảy
Chiếc cặp toòng teng mấy bài toán chưa làm.

Quên làm sao thị xã nhỏ thân quen
Trường sơ tán run lên vì bom giặc
Giữa giờ học thì thào bạn nhắc
Phải phá đi cánh cửa chắn cuộc đời.

Hương gió đồng còn thơm mãi trong tôi
Buổi ban mai cuộc đời ta đó
Đậu xuống tim ta giọt sương tinh khiết quá
Ôi! cái nhìn cô bạn gái 10 A.

Bạn từng đi trên đường phố Matxcơva
Vẫn nhớ khôn nguôi ngôi trường thuở trước,
Giữa bạt ngàn xanh rừng Việt Bắc
Vẫn ngọt hồn tôi vị nhãn quê nhà.

Bốn mươi năm thoáng chốc đi qua
Giờ gặp lại bạn bè từ thuở ấy
Ngồi bên nhau ta cùng ôn lại
Những lời thầy cô dạy ngày xưa.

Mặc thời gian cứ lặng lẽ trôi đi
Những bài toán giờ chẳng còn nhớ nữa
Vẫn còn đây những trái tim bốc lửa
Đã xây nên tình bạn chúng ta.

                                         Ngô Công Thành

thông cáo báo chí

                                             
Ngày 14/10/2012 tại Khu du lịch sinh thái Minh Hải, Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội, đã diễn ra cuộc hội ngộ 40 năm cựu học sinh lớp 8 chuyên toán tỉnh Hải Hưng.

Tham dự cuộc hội ngộ có Thầy giáo chủ nhiệm Đặng Đình Toán năm nay đã 73 tuổi cùng phu nhân, cô giáo dạy văn Hoàng Thị Tâm năm nay đã 65 tuổi cùng phu quân và 17 cựu học sinh, nhiều phu nhân cùng con, cháu cựu học sinh.
Trong ánh nắng vàng nhạt và gió heo may nhè nhẹ của mùa thu Hà Nội, các cựu sinh viên đã cùng nhau ôn lại kỉ niệm về một thời tuổi thơ bi tráng, không thể nào quên đã tạo nên giá trị  và nhân cách của mỗi con người hôm nay.

Thầy Toán, cô Tâm đã phát biểu bày tỏ niềm tự hào về những cựu học sinh hiếu thảo, giàu tình yêu thương bạn bè, đồng loại, luôn nhớ đến các thầy cô. Thầy, cô cũng bày tỏ niềm mong muốn lớp sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và thường xuyên tổ chức những buổi gặp mặt như thế này.

Các bạn Nguyễn Thế Vân, Vũ Đức Tấn, Vũ Đình Tiến, Doãn Anh Tú, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Xuân Hưng đã phát biểu nỗi niềm tâm sự thầm kín của mình qua những lời văn, câu thơ dạt dào cảm xúc về tình thầy trò, tình bạn, về những kỷ niệm tuổi thơ.

Bạn Ngô Công Thành có ý kiến nhận xét:: “có lẽ tình thầy trò thiêng liêng quá, tình bạn của chúng ta đặc biệt quá đã làm cho các bạn học không khá về văn ngày xưa cũng trở thành thi sỹ và hy vọng tới cuộc gặp mặt năm 2022, cả lớp chúng ta đều là nhà thơ”.

Cả lớp nhất trí giao bạn Nguyễn Xuân Hưng xây dựng và quản trị trang blog Lớp chuyên toán tỉnh Hải Hưng (1972-1975).

Thay mặt cả lớp, lớp trưởng Nguyễn Thế Ngự đã tặng quà lưu niệm cho Thầy Toán và cô Tâm, trước khi Trưởng Ban liên lạc Trần Quang Hưng phát biểu bế mạc cuộc hội ngộ.

Mặc dù có tới 10 cựu học sinh do công việc đột xuất, do thiếu lòng nhiệt tình không tới tham dự, cuộc hội ngộ 40 năm Lớp 8 chuyên toán tỉnh Hải Hưng vẫn được đánh giá là thành công và có dấu ấn mạnh mẽ. 

Diễn văn khai mạc Họp lớp

PHÁT BIỂU TUYÊN BỐ LÝ DO VÀ GIỚI THIỆU ĐẠI BIỂU DỰ HỌP LỚP
(Ngô Công Thành, Phó Ban liên lạc lớp)

Kính thưa Thầy,
Kính thưa Cô,
Thưa toàn thể các bạn,

Đúng ngày này cách đây 40 năm, vào hồi 2 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 14 tháng 10 năm 1972, theo Giấy triệu tập của Sở Giáo dục tỉnh Hải Hưng, những học sinh được tuyển chọn vào lớp chuyên toán cấp 3 của tỉnh tập trung tại khu vực chùa làng Bảo Châu, xã Quảng Châu, huyện Tiên Lữ (nay là Phường Bảo Châu, thành phố Hưng Yên).

Lần đầu tiên chúng ta trông thấy nhau. Lần đầu tiên chúng ta nghe thấy tên nhau khi thầy chủ nhiệm lớp Đặng Đình Toán xướng tên điểm danh. Lần đầu tiên chúng ta ở cùng nhau, ăn cùng nhau, học cùng nhau.
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm đâu dễ đã ai quên.
Đó là lý do chúng ta hội ngộ ngày hôm nay 14 tháng 10 năm 2012 để kỷ niệm 40 năm tình bạn trong sáng của chúng ta.


Xin nhiệt liệt chào mừng thầy Đặng Đình Toán, thầy chủ nhiệm lớp đã 40 năm dõi theo từng bước đi cuả chúng ta. Kính chúc Thầy dồi dào sức khỏe để tham dự nhiều buổi gặp mặt nữa của lớp.

Xin nhiệt liệt chào mừng cô Hoàng Thị Tâm, người đã dành hết tâm huyết những năm đầu tiên của đời sư phạm cho lớp chúng ta, người cũng đã cùng đồng hành với chúng ta suốt 40 năm qua, từ khi còn là một cô giáo trẻ mới ra trường cho tới nay. Kính chúc cô sức khỏe đủ để tiếp tục đồng hành cùng lớp chúng em hai mươi, ba mươi năm nữa.

Xin chào mừng bạn Nguyễn Thế Vân, đã vượt qua 2000 km từ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về dự cuộc hội ngộ này sau 12 năm xa cách. Bạn đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng những khó khăn thách thức trong cuộc sống, xứng đáng với niềm tin của bạn bè lớp chuyên toán tỉnh Hải Hưng (khóa 1972-1975).

Xin chào mừng bạn Vũ Đình Tiến, đã vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để hôm nay trở về hội ngộ cùng bạn bè, sau 7 năm vắng bóng.

Xin chào mừng bạn Vũ Đức Tấn, sau 7 năm không gặp được bạn bè do phải dành thời gian và tâm sức cho việc bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nay sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân gặp khó khăn, tiêu thụ điện giảm sút, bạn đã có thời gian đưa con cái đến dự buổi gặp mặt lớp.

Xin chào mừng bạn Nguyễn Văn Bình, bạn Lê Phúc Thắng, những người rất tích cực tham gia các hoạt động của lớp, từ thành phố Hồ Chí Minh hôm nay lại mang nắng vàng đến với Thủ đô Hà Nội.

Xin chào mừng tất cả các bạn, các phu nhân cựu học sinh chuyên toán và các cháu đã nhiệt tình tham dự buổi hội ngộ 40 năm lớp 8 chuyên toán tỉnh Hải hưng hôm nay.

Tiếp theo đây, tôi xin trân trọng giới thiệu bạn Trần Quang Hưng, Trưởng Ban liên lạc của lớp phát biểu khai mạc tiệc hội  ngộ 40 năm của chúng ta.

test bolg

Tôi làm blog này để chia sẻ. Những gì có thể chia sẻ công cộng được thì post. (Ảnh sau đây là để thử tải ảnh)

Cách post bài, cách viết bình luận có thể tra trên google. Cũng dễ thôi. Đầu tiên là đăng nhập: tên và pass tôi gửi sẽ cho các bạn qua tin nhắn. Rồi nhìn lên phía trên bên trái, có chữ "bài đăng mới". Đơn giản nhất là dùng tính năng đó, như là thao tác gửi thư yahoo, gmail thôi.
Phần liên kết web hiện tại mới có web cá nhân của tôi (Tại đây).
Chúng ta đã già rồi. Kỹ thuật công nghệ mới có thể hơi khó một chút, nhưng không khó hơn những bài toán của thày Toán. Chúc vui.

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Bắt đầu ...

Đây là Blog của những người đã từng học qua lớp chuyên toán Hải Hưng khóa 1972-1975. Dù cho bạn có đến học tại lớp này 1 buổi, bạn cũng sẽ là thành viên chính thức của tập thể lớp do thày Đặng Đình Toán chủ nhiệm.