Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Kể về những người bạn của mình

QUANG HƯNG

 Tuần trước Quang Hưng  trao lại cho mình văn bản những bài thơ của mình và NC viết gửi cho nhau khi mình 25-26 còn NC mới 18-19 tuổi. Gần ba chục năm đã qua, tưởng chừng những bài thơ đó đã vĩnh viễn bị lãng quên, thế mà chúng bỗng nhiên sống lại, tinh khôi như thưở nào. Ngay cả mình cũng không dám chắc giữ được, thế mà Quang Hưng đã bảo quản chúng nguyên vẹn đến ngày nay và trao trả cho mình khi mình nói chuyện đã gặp lại NC.

Ngày học lớp chuyên toán tỉnh tại Trường Cấp 3 thị xã Hưng Yên. Quang Hưng ngồi cạnh mình ở bàn thứ hai, dãy bên phải đi từ cửa vào. Mình nhớ, thời đó  Hưng đã cẩn thận lắm. Bạn có một chiếc bút bi 2 ruột xanh và đỏ để kẻ dưới các đề mục bài giảng  của các thầy cô khi chép vào vở. Vở ghi, vở bài tập của Quang Hưng bao giờ cũng được bọc giấy họa báo có nhiều ảnh đẹp. Mình hay mượn bút bi của Hưng để gạch dưới các đề mục khi chép bài. Năm lớp 9, QH và mình cùng được kết nạp đoàn một ngày (ngày 9 tháng 3 năm 1974). Hưng học giỏi toán vào loại thứ 3-4 trong lớp. Cuối cấp 3,  mình và Hưng cùng trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Hưng đỗ đại học điểm cao và được gửi sang Liên Xô học về máy hóa. Lúc đầu viết thư về Hưng kể học ở thành phố Bacu, Thủ đô nước cộng hòa Azăcbaizan, trung tâm dầu khí toàn liên bang. Một năm sau bạn được chuyển về học Đại học Chế tạo máy hóa chất Matxcơva. Năm 1983, Hưng về nước, sau đó nhận công tác tạị Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường và mua nhà ở Hà Nội. Hồi đó, đối với bọn sinh viên nhà quê mới tốt nghiệp đại học ra trường như mình, nhà Hà Nội còn xa vời lắm kể cả trong mơ cũng chưa dám nghĩ đến. Vì thế ngôi nhà của Quang Hưng lúc đó như một biểu tượng của chủ nghĩa xã hội hay Chủ nghĩa cộng sản vậy. Quang Hưng mặc dù tính rất chi ly nhưng lại quý bạn bè nên nhiều người đến chơi. Nhà Quang Hưng trở thành điểm tụ họp của bạn bè lớp chuyên toán cấp 3. Những ai gặp khó khăn trong vấn đề nhà cửa ở Hà Nội đều nhờ cậy Quang Hưng. Xuân Hưng gửi cả vợ chưa cưới của mình đến ở nhờ cả tháng. Hồng Kỳ sau khi ra khỏi quân đội tìm được việc làm ở Hà Nội cũng đến tá túc nhà QH mấy năm. Rồi cả cô bạn gái học cùng Hưng ở liên xô gửi em trai mình là sinh viên Đại học Bách khoa đến ở nhờ vì “quá hư” đến mức bị chú ruột đuổi ra khỏi nhà. Ngay cả Lương Bách (giáo sư Đại học AIT Thái Lan) đã có nhà to ở Hà Nội chung với bố vợ vẫn mượn nhà Quang Hưng làm địa điểm chiêu đãi bạn bè mỗi khi về nước.

 Năm 1985, Quang Hưng là người khởi xướng cuộc gặp mặt đầu tiên cựu học sinh chuyên toán cấp 3 Hưng Yên khóa 1972- 1975, tại nhà bạn. Mười lăm người về dự trong đó có mình. Mọi người tự làm cơm ăn với nhau rồi ôn lại kỷ niệm xưa, ra lăng Bác tự chụp ảnh còn bị mấy anh bảo vệ thu máy bắt xóa hết ảnh chỉ xin giữ lại được một cái. Tại cuộc gặp này, mình đã đọc bài thơ TÌNH BẠN lần đầu tiên trước cả lớp và sau này còn đọc nhiều lần nữa. Bản gốc bài thơ  Quang Hưng vẫn giữ và coi  đó là kỷ niệm chung của lớp. Từ đó đến nay Quang Hưng được các bạn bầu làm Trưởng Ban liên lạc của lớp E chuyên toán. Sau này, mình cũng được các bạn tiến cử làm Phó Ban thường trực giúp việc Trưởng ban. 

Quang Hưng cưới vợ năm 1989, sau mình mấy năm. Mình còn làm chủ hôn đám cưới của bạn nữa. Mình nhớ đã mở đầu lời dẫn dắt chương trình bằng mấy câu thơ:
“Anh đã đi vòng quanh trái đất
Mới gặp em lần thứ nhất anh yêu
Vàng bạc kia còn kém em nhiều
Bởi em có một mối tình trong trắng.”

Chàng trai đất vài thiều nhãn ngọt sau khi lang thang qua những mối tình ở cả trong và ngoài nước đã tìm được bến đỗ nơi cô gái làng Cót Hà Nội. Hồng đẹp dịu dàng nhưng cũng không kém phần sắc sảo như cái tên cô vậy. Hồng cũng học Bách khoa Hà Nội, sau mình ba khóa nhưng ở ngành Công nghệ thực phẩm. Bố mẹ Hồng đều là giáo viên cấp 3 Trường Yên Hòa khá nổi tiếng ở Hà Nộị, cụ ông còn làm hiệu trưởng nhiều năm ở đó. Sau đám cưới Hưng, mình khá nổi tiếng không chỉ ở nhà máy Dụng cụ số 1 của mình (vì cả phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm nhà máy mình đều biết mình là bạn Quan thanh tra chất lượng Trung ương trực tiếp theo dõi nhà máy) mà cả ở Phòng Thanh tra 1 của Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Khu vực I, nơi Hưng công tác. Sau này có nhiều việc cần giải quyết trong quá trình đấu tranh nội bộ hay có việc làm thêm, các anh ở đây đều mời mình tham gia. Có lần, trong mưa tầm tã mình chở Hưng xuống nhà máy bơm Hải Dương để giải quyết việc nội bộ với hai anh nữa, bị công an giữ ở đầu thị xã, Hưng phải xuất trình thẻ Thanh tra công an mới tha cho đi.

 Năm 1991, sau khi đi thực tập 6 tháng tại nhà máy dụng cụ cắt gọt Matxcova, thu gom được ít hàng mang về nước bán, mình mua được ăn nhà cấp 4 trên miếng đất bây giờ đang ở, gần nhà Hưng. Hai thằng càng hay đi lại với nhau. Rồi  hai tên hợp tác với mấy kỹ sư Nhà máy chế tạo bơm Hải Dương (Hưng quen trong quá trình thanh tra chất lượng sản phẩm ở đây) “đánh quả” chế tạo máy bơm rởm bán cho xí nghiệp thủy nông huyện Kim Thi  (Kim Động và Ân Thi bây giờ) do ông Khải, người cùng làng với mình làm giám đốc. Lần đó mỗi thằng lãi hơn 1 triệu, nhưng ông Khải thì được 5 triệu.

 Năm 1993, Hưng Quyết định rời bỏ nhà nước để ra nước ngoài làm ăn. Vào thời điểm đó, đây quả thực là một quyết định táo bạo và mạo hiểm đối với một công chức nhà nước đã quen với chế độ bao cấp. Năm 1997 Hưng về nước và nhảy vào thương trường kinh doanh. Đến giờ mới thấy Quang Hưng không chỉ "liều” mà còn có tầm nhìn xa nữa. Khi bọn mình vẫn là các công chức nghèo, mặc dù đã tăng tiến tới Vụ trưởng, Vụ phó, chuyên viên cao cấp, thì Quang Hưng đã sở hữu một doanh nghiệp riêng, doanh thu dăm bảy chục tỷ một năm và tham gia 4-5 doanh nghiệp khác, con gái thì gửi sang học ở Anh quốc; ô tô thì sài Mercedes (cỡ Bộ trưởng cũng chưa có tiêu chuẩn ô tô hạng này); nhà đất thì có năm bảy chỗ.

 Thông thường khi trở nên giàu có, người ta dễ quên những bạn bè thuở hàn vi. Nhưng cũng có những người càng giàu có càng hay nhớ tới những người bạn cũ. Hưng ở trong số ít những người như thế.  Hưng rất thích các bạn đến chơi để được hàn huyên mọi chuyện trên trời dưới biển và thường than vãn rằng, gặp các quan chức bây giờ khó quá. Có lần Hưng lái xe mời mấy thằng bạn (trong đó có mình) đi ăn tối rồi đưa cả hội vào siêu thị METRO mua táo Newzealand, Nho Mỹ gửi về cho các bà vợ bạn để các bà nhớ thỉnh thoảng nhắc chồng đến thăm bác Quang Hưng  vì sẽ có quà.

 Hôm trước đi dự đám cưới con trai Võ xuân Lâm. Quang Hưng lái xe đến đón mình và Kỳ ờ cổng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bọn mình xuống chậm để Hưng phải đợi hơi lâu một chút. Hưng mắng té tát: “quan chức các ông cứ như nghệ sỹ thế này thì chết dân chúng tôi”. Mình nói:’ Tôi cũng là nghệ sỹ đấy chứ, ông có cần tôi chứng minh không?”  Hưng bảo: “ ông chứng minh đi để tôi khỏi bực mình”. Thế là mình phải đọc cho Hưng nghe bài thơ EM LÀ MÙA THU vừa sáng tác xong để được Hưng công nhận là nghệ sỹ, tha cho cái tội ‘làm chết dân” của các quan chức mà bạn đã gán cho mình.

 Hưng tuyên bố vẫn đang còn giữ kỷ vật của nhiều người lắm, ai nhớ ra  thì trả, ai không nhớ thi 20 năm nữa bạn sẽ bàn giao. Ngày xưa, mọi người thường gửi Hưng giữ hộ các tài liệu riêng tư, vì bạn có nhà riêng, có hòm sắt mang từ Liên Xô về mối mọt không thể làm gì được. Nhiều người cũng quên đi (như mình chẳng hạn) chẳng nhớ đã gửi Hưng giữ hộ cái gì.  Mình phải cố nhớ xem còn kỷ vật gì quên chưa đòi lại Quang Hưng nữa đây? He he./. (Ngô Công Thành 9/2012)

7 nhận xét:

  1. chỉ cần hỏi ông Quanh Hưng hay ông Thành là biết ngay NC là ai. Nhưng tôi nghĩ rằng tốt nhất là các bạn tự suy luận, lúc đó sẽ tìm thấy điều thú vị hơn. Tôi đoán NC là Nam Châm vừa thể hiện nữ tính vừa có sức hút ít ra là đối với ông Thành.

    Trả lờiXóa
  2. Nam văn sĩ có thể có tên con gái, ví dụ Nhà thơ Mai Phương, hay Nhà văn Thúy Toàn, nghệ sĩ Bích Ngọc (chồng diễn viên Trà Giang, hay Thụy Miên... Nữ thi sĩ, văn sĩ có khi lại mang tên đàn ông, ví dụ Y Ban (tôi có quen), Phong Điệp (tôi cũng quen), Nam Cường (nhà thơ này thì tôi không quen)... Còn NC thì không thể biết được

    Trả lờiXóa
  3. Có một cái tên NC mà các bác bàn mãi không ra, thể nào kinh tế vĩ mô của đất nước này càng bàn càng thấy "nụn bại". Tôi chỉ biết người Hưng Yên có tật nói và viết ngọng N,L. Chúng ta chả đã gặp trường hợp cô nhân viên kế toán Khách sạn Phố Hiến năm 2000 viết hóa đơn thanh toán "nồi lẩu" thành "Lồi Nẩu" đấy thôi. Thế thì vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, việc viết L thành N có khi còn phổ biến lắm. Tôi nghĩ Bố nữ thi sỹ khi đăng ký khai sinh cho cô đã viết nhầm tên ví dụ Lam Cường thành Nam Cường hay Liên Cẩm thành Niên Cẩm để những người làm toán cứ phân vân mãi về tên viết tắt NC. hãy tìm cái tên LC xem có gần với mở tín đụng thư không?

    Trả lờiXóa
  4. Bàn giải pháp kinh tế vĩ mô không nổi thì lại trao đổi về NC hay LC (kiểu nói Hưng yên). Có giáo sư Văn Như Cương (cũng NC) thì sao không thể có nữ sỹ Nguyễn Thị Như Cương hay Gì Như cương. Mình cũng muốn đổi họ đổi tên thành Luôn Như Cương.

    Trả lờiXóa
  5. NC với LC mà cũng phức tạp ra phết nhỉ. Tôi tưởng chỉ đơn giản là chuyện liên quan đến vấn đề đàn bà và đàn ông.

    Trả lờiXóa
  6. Một cô giáo dạy tôi thời đại học tên là Nam Chiều (cũng NC). Tôi chắc có lẽ ông bố cô lại người Hưng Yên rồi viết ngọng L thành N, vì tên Lam Chiều hay hơn và nữ tính hơn.

    Trả lờiXóa
  7. Hà,hà.Tôi còn giữ bí mật của khối ông trong lớp. Tài liệu giấy trắng mực đen nhé! Trong cơn suy thoái này đem xuất bản hoặc bán cũng được món đem trả nợ NH.Thông cảm : doanh nghiệp đang khó khăn mà...

    Trả lờiXóa