Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

QUÀ SINH NHẬT

Bài thơ này mình viết cách đây đúng 30 năm, khi đơn vị mình đi diễn tập, đã hẹn trước rồi mà không thể nghỉ phép về dự sinh nhật bạn gái được. Thật buồn, nhưng nhiệm vụ của người lính trước hết là sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, chuyện riêng tư đành gác lại. Ba mươi năm qua, bài thơ này chỉ có hai người biết. Lần đầu tiên công bố rộng rãi QUÀ SINH NHẬT, mình muốn nhắn nhủ các bạn gái đang yêu lính hãy hiểu và thông cảm với họ, nhất là trong hoàn cảnh đất nước hiện nay (NCT).

QUÀ SINH NHẬT

Sinh nhật em qua một tuần rồi
Hành quân dã ngoại vẫn chưa ngơi
Biết phương trời ấy em mong mỏi
Anh đành lỗi hẹn với em thôi.

Đời lính xa nhà suốt tháng năm
Sống giữa gian nan với nhọc nhằn
Muốn lắm gần em dù chốc lát
Khẩu súng chợt nhìn lại cắn răng.

Núi rừng ôm ấp bóng hình em
Khi giữa đồng quê dưới trăng êm
Có làn gió nhẹ xao hương lúa
Là anh về ru giấc mơ em.

Quà tặng cho em chẳng kịp rồi
Đừng buồn đừng trách nhé, em ơi!
Gửi em nỗi nhớ màu hoa phượng
Rực cháy tình anh giữa đất trời.
                    (NCT- 6/1984)

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Cho chữ

Truyền thống Việt Nam từ xưa học chữ tượng hình, theo triết lý giáo dục Nho học, nên việc học chữ cần phải khổ luyện. Người có chữ trong xã hội ít, hay chữ càng ít hơn. Hệ thống khoa cử Nho giáo đào tạo "công chức" cho việc cai trị, nên dưới con mắt của dân chúng, người có chữ khác hẳn người không có chữ. Tết đến thì các ông có chữ bận bịu, nào viết câu đối, nào cho chữ... Hoặc nhà có việc làm nhà, làm nhà thờ, làm phần mộ, khánh thành cửa hàng... đều cần đi xin chữ của các cụ đồ Nho, có cụ đỗ đạt thì chữ càng quý.
Đến thời Nguyễn, thực dân Pháp đến khai thác thuộc địa, trong cái rủi cũng có cái may, Pháp để lại cho Việt di sản chữ hệ la tinh, ghép vần. Thế là việc học hành, có chữ đơn giản đi nhiều. Đó là một cái may lớn mà lịch sử làm ra, kẻ thống trị và người bị trị đều không lường được. Đó là một lần người tính không bằng Trời tính.
Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... sống vào thời tranh tối tranh sáng của lịch sử chữ viết. Những nhà Nho cuối cùng, họ cũng là những trí thức đầu tiên thế hệ bút sắt, chữ Latinh. Tuy chữ quốc ngữ đã có, nhưng chưa có vị thế như ngày nay, phong tục cho chữ, xin chữ vẫn thịnh hành.


Có mấy chuyện thú vị về Nguyễn Khuyến liên quan đến chuyện cho chữ: Một anh mới làm cái nhà, sau khi bị dính vụ cháy. Nông thôn xưa thì chỉ có nhà tranh, vách đất, lớp rạ, sơ ý là cháy liền. Cụ Nguyễn căng tờ giấy đỏ, viết một chữ nhất, rồi xoay 90 độ, bảo anh kia mang về treo chữ nhất dựng đứng lên. Không biết anh xin chữ sau đó giữ được nhà bao lâu không cháy. Giới sĩ phu không hiểu ra sao cả. Cụ Tam nguyên chữ nghĩa đầy mình, đỗ đạt, chắc là Nho học uyên thâm, thiên văn địa lý tinh tường, chữ của cụ là chữ vàng chữ bạc, có bàn thì càng bàn càng ra vàng. Bí mật chữ nghĩa chỉ cụ Nguyễn biết. Chữ nhất viết đẹp thì đúng như cái chày, hai đầu to, giữa hơi thanh hơn. Dựng chữ Nhất lên, là cái chày đứng. "Chày đứng" tức là "đừng cháy"
Hoặc chuyện có chị sang xin chữ, người nhà quê cũng biết ăn nói vòng vo, cho ra vẻ lịch sự: Hôm nay con có cơi trầu kính cẩn sang biếu cụ, xin cụ cho con đôi câu đối về để thương nhớ thờ ông nhà con. Cụ Nguyễn viết chữ Nôm: Mang một cơi trầu kính cẩn biếu cụ/ Xin đôi câu đối thương nhớ thờ ông. Chữ Nôm cũng rậm rì, thậm chí rậm nét hơn chữ Hán. Hán tự đã không biết, Nôm tự càng mù mịt. Thế là cứ mang câu đối 16 chữ về dán bàn thờ. Ai biết đấy là chữ cụ Tam Nguyên là vẻ vang lắm rồi.
Xét cho cùng, cụ Nguyễn Khuyến cũng chả coi chuyện chữ nghĩa ra gì, chiều lòng dân chúng. Dân chúng của cụ cũng hồn nhiên nhi nhiên. Làm cho người xin chữ vui là được một việc nghĩa, chắc cụ Nguyễn nghĩ thế. Chữ nghĩa phải phục vụ thiết thực cuộc sống. Cho nên cổ nhân mới nói: Người hiền giống như ngu. Ngu được như cụ Nguyễn Khuyến thế gian hiếm lắm.
Còn chuyện người hiền ngày nay, có ông cũng mang tiếng học cao, cũng đầy danh hiệu, đi đâu cũng cho chữ, cho câu đối, nhưng chưa chắc đã biết hết nghĩa chữ, thì không phải hiền quá giống như ngu mà là tưởng mình hiền tài hóa ra ngu thật.
Hoặc ngày nay cũng có chuyện, lãnh đạo quốc gia đi xin chữ. Xin 16 chữ như con mẹ nhà quê trên đây, rồi cứ về treo nó lên bàn thờ. Có lẽ thằng cho chữ cũng bỡn cợt như cụ Nguyễn Khuyến mà thôi. Nó viết chữ ra, coi như chuyện tiếu lâm, rồi ấn cho người xin mang về. Đó là tình huống tốt nhất, nhưng chắc là cũng không có tình huống ấy.
Hóa ra người xin chữ ngày nay khác chi mẹ đĩ nhà quê mang một cơi trầu sang biếu cụ, xin 16 chữ để thờ ông. Chữ mang về, cứ đọc ra rả, chả biết người cho chữ nó tâm địa thế nào, cũng chả biết nghĩa lý của nó ra sao. Cái vị thế của người xin chữ- cho chữ ngày nay càng chênh lệch ghê gớm, xa vòi vọi, không thể so với thời cụ Tam Nguyên. Người cho chữ ngày nay không đùa vui đâu. Còn người xin chữ ngày nay cũng không phải mụ nhà quê. Nghĩ đến đây thấy ớn lạnh.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Thời kỳ "thoái trào" hay là đi tìm phong cách mới

(Tâm sự nhỏ)
Có hàng vạn blog đang tồn tại trên mạng. Nhưng chỉ có hàng trăm cái có thể sống sôi nổi. Và Blog này có thời đã sôi nổi như vậy. Hiện nay, blog này đang "ốm". Cũng như con người, có lúc sôi nổi, có lúc trầm tư. Blog là một sáng tạo độc đáo để nó có thể sống tự thân như một con người. Khi nó không còn chức năng báo chí, không còn giống như diễn đàn, thì nó sẽ như một kho lưu trữ. Hiện nay nó đang là cái kho ấy. Hoặc nó là địa chỉ "hộp thư chết"?



Có một thời, Blog này là diễn đàn của văn thơ. Điều đó không dở, cũng như không hay. Nhưng chỉ là diễn đàn văn thơ thì Blog của những người đã từng học chuyên toán có vẻ đã chệch hướng. Cho nên có một số bài cố gắng bàn đến kinh tế, thời sự. Tuy nhiên, có lẽ do các bạn còn đương chức, nên ngại va chạm, không dám bầy tỏ chính kiến yêu ghét rõ ràng, nên các bạn cũng không lên tiếng.
Hiện nay, vấn đề chính trị thời sự thế giới và đất nước đã nóng sôi sùng sục. Tưởng như một chuyện thế giới như Nga đánh lấy Crum chả liên quan đến chúng ta. Song ngẫm lại, thực sự nó đã và đang ảnh hưởng. Nga truyền cảm hứng cho Trung Quốc hung hăng với các nước láng giềng. Nga và Mỹ thù hằn, thì Nga và Trung bắt tay. QUan hệ với Nga đổ vỡ thì vị thế đất nước cô lập, kinh doanh vì thế mà không bình yên, các bạn làm việc trong khối nhà nước ắt có những thay đổi về tư duy, phương pháp, cách làm... vân vân. Chúng ta, những người bình thường, dĩ nhiên không phải là cá thể vô can. Tình cảm với nước Nga vĩ đại ư? Tình yêu thơ Đường ư? Tất cả đang đứng trước một sự thay đổi tư duy thực sự. Văn hóa Nga không thể đồng nhất với Putin, và thơ Đường không phải Tập Cận Bình. Giờ đây, những người biểu tình chống Trung Quốc vốn bị chính quyền phường tuyên truyền với các hộ dân là phản động, té ra họ chả phải là phản động. Vậy thì chính quyền phường có nhận sai không? Những chữ vàng anh em đồng chí, té ra chả phải là vàng thật, vậy lãnh đạo chúng ta, quá cố và đương sống có ai đã ảo tưởng để đẩy đất nước vào vòng nguy hiểm không? Nếu chúng ta không tự do nói ý chí, nguyện vọng của mình, trong khi đã sắp đến tuổi 60, thì đến bao giờ?
Cuộc sống vốn thay đổi không ngừng, chỉ có ai nghĩ rằng nó đứng yên, thì sẽ bị nó bỏ lại đằng sau. Tôi rất mong chúng ta cùng thay đổi, gọi văn hoa là "bước cùng với đời sống", chứ không thì sẽ bị lớp trẻ gọi là những lão già, mụ già lạc hậu

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Nhân Bao Công, nói về ý thức bầy đàn trong văn hóa Trung Quốc

Lời giới thiệu: Ngày 16/5/2014 vừa qua, tôi được Học viện Cảnh sát Việt Nam mời đến nói chuyện về Bao Công, với tư cách một nhà văn làm phim. Trong tình hình quan hệ chính trị với Trung Quốc căng thẳng, biển Đông nóng sôi sục, có bạn can ngăn không nên nói chuyện về Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng, văn hóa Trung Quốc và tiếp nhận văn hóa ấy là vấn đề lớn, nhân cơ hội này TIẾP TỤC nói về một vấn đề gai góc nhất của người Việt mà trước đây tôi đã viết trên báo chí, như loạt 7 bài "Nói chuyện với Trần Đình Hiến và Hà Phạm Phú về Trung quốc", và loạt 3 bài "Câu chuyện vô thường" đăng trên Tạp chí Nghệ thuật mới năm 2012-2013. Như vậy, nội dung và quan điểm của tôi phê phán Nho giáo, phê phán văn hóa Trung Quốc là liên tục, không phải vì quan hệ chính trị căng thẳng mà viết khác. Nhân đọc bài "Đọc lại Tam quốc diễn nghĩa dưới góc độ văn hóa" của Trần Đình Hiến đăng trên Tạp chí Tác phẩm và Dư luận số 2, đưa ra cái nhìn riêng về văn hóa truyền thống Trung Quốc, đó là ý thức bầy đàn, tôi đã vận dụng vào chuyện đọc Bao Công, cho nên phần liên hệ cũng có quan điểm giống với ông Trần Đình Hiến.
Bài nói chuyện kéo dài gần 100 phút liên tục. Nếu viết toàn bộ khoảng 17.000 từ. Nếu bạn nào quan tâm, sau đây tôi tóm lược lại khoảng 5000 từ, bỏ những tình tiết vụ án và những tóm lược tư liệu. (NXH)



A Nhập đề
Được anh Nguyễn Quang Thiều giới thiệu, các bạn mời tôi nói chuyện về Bao Công. Một lời ra đề rất chung chung. Bao Công là nhân vật rất nổi tiếng, phim Bao Công cũng nổi tiếng. Ai trong số chúng ta không biết hoặc không xem một tập phim Bao Công? Tôi suy nghĩ rất. Tôi không dám phân tích tác phẩm (dành cho giáo viên văn), không dám phân tích liên hệ về mặt hình sự của các vụ án (múa rìu qua mắt thợ). Mà có lẽ nên giới thiệu với các bạn cách đọc Bao Công. Tôi là 1 nhà văn, tôi đọc nó như thế nào. Các câu chuyện xử án của ông này thực ra là các bài tập tình huống, được các nhà văn và người làm phim sáng tạo nên. Vậy thì tôi sẽ nói về cái gì? Ca tụng hay là nên phê phán Bao Công.
Hiện nay người ta đang có một khái niệm là “xã hội học tập”, lại cổ vũ “học tập suốt đời”. Tôi hay các bạn, học 5 năm ở trường đại học, rồi sống hàng chục năm, chả lẽ cứ học 5 năm rồi ra làm được việc. Cho nên, đọc sách, ngày nay là báo chí, truyền thông, phim ảnh, cũng là quá trình tự học, tự đào tạo. Nếu học không có đầu óc phê phán thì không phải là học, chỉ là tiếp thu máy móc, không có sáng tạo.
Ví dụ về học tập suốt đời nó ảnh hưởng đến chúng ta. Khoảng thời niên thiếu, bạn đọc 1 quyển sách, bạn sẽ thấy khác, ví dụ thời niên thiếu của tôi, nghe kể về Bao công xử án, tôi mơ đến công lý, xã hội công bằng, cái ác nhất định bị trường trị. Lớn chút nữa, đi học đại học, đọc lại Bao Công, thấy có một số vô lý. Tại sao xã hội thực không có mấy ông Bao Công, hay chỉ có ở đời Tống Trung Quốc. Lớn chút nữa, cầm bút viết văn, tôi đọc Bao Công, muốn hiểu đằng sau xã hội ấy, những con người ấy ứng xử như thế nào. Khi nào bạn đọc sách, qua trang sách thấy con người, lúc đó mới tạm coi là đi hết chiều sâu văn hóa của tác phẩm.
B. Bây giờ, nên nhắc lại một chút câu chuyện về Bao Công. Trước hết, về con người của Bao Công. Tức là nhân vật lịch sử Bao Công (con người thật). Phần này chỉ là nhắc lại. Không có gì mới. Bạn nào vào Google đánh chữ Bao Công cũng ra hết thông tin.
(Tóm tắt tiểu sử Bao Chửng)
1. Từ thực tế đến huyền thoại Bao Công: Bao công làm Tri phủ Khai phong được 1 năm. Vậy 1 năm xử được bao nhiêu vụ án? Vụ án nào tạo nên tiếng tăm của Bao Công lưu truyền trong dân gian? Chưa ai biết rõ. Phần lớn là giai thoại, truyền tụng? Sau đây tôi sẽ bàn, vì sao lại thế? Muốn bàn đến điều này, phải hiểu con người Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc?
2. Huyền thoại Bao Công dai dẳng trong dân gian, tôi chưa có tư liệu chính thức về tiểu thuyết, truyện về Bao Công. Nhưng chỉ biết là các tác phẩm phóng tác rất nhiều. Về tiểu thuyết, truyện Bao Công. Chắc chắn những giai thoại về Bao Công được viết thành sách rất nhiều. Đại Lục và Đài Loan đều phóng tác. Trung Quốc có truyền thống trường thiên tiểu thuyết, với từng nhân vật, từng triều đại sau này cũng gia công thành các bộ sách rất đồ sộ. Ví dụ Thất hiệp ngũ nghĩa (khuyết danh) viết theo lối chương hồi, đầu và cuối chương có 2 câu thơ, cuối chương có thể có “xem hồi sau sẽ rõ”, lưu hành 100 hồi, thêm thắt các nhân vật kiếm hiệp, hảo hán.
Bao Công xử án của Trần Văn Thủy (26 chương) là loại sách kể về các vụ án của Bao Công, điểm xuyết một số nhận xét về tình huống vô lý, về kiến thức luật pháp, kiểu như lời bàn Mao Tôn Cương của Tam quốc. Nhưng về mặt văn học, có thể nói giá trị văn học cực thấp, nếu không nói là con số không. Qua bản dịch ngôn ngữ miền Nam, nói thật là không thể đọc nổi. Các câu chuyện có thể phân loại thành mấy mô-tuyp: Thường là có viên tri huyện xử oan sai trước, sau đó Bao Công tình cờ đi đến mà xử lại; hoặc có một số vụ án cần đến các giấc mơ báo mộng để phá án; một số vụ án có yếu tố ma quỷ, thậm chí Bao Công phải lên thiên đình nhờ đến các thần mới giải nổi.
Với các bạn làm nghiệp vụ liên quan đến pháp luật, tôi khuyến khích các bạn đọc tác phẩm này, nhưng nên bóc lớp vỏ ngôn ngữ, phân tích các tình huống. Tình huống có hai cách hiểu: phù hợp với bối cảnh câu chuyện, đó là xã hội và con người thời Tống Trung Quốc, và liên hệ với thời nay. Với tôi, còn một thao tác nữa, đó là mức độ nghệ thuật của các chi tiết hư cấu.
3. Sau đây, nói về nhân vật Bao Công trong bộ phim Bao Thanh Thiên. Kể từ khi bộ phim này ra đời, nhân vật Bao Công bắt đầu nổi tiếng. Các diễn viên cũng được nhiều giải thưởng ở Đài Loan và Đại lục. Những bài hát trong phim này sau đó tách ra cũng là những tác phẩm âm nhạc đặc sắc. (Tóm tắt về hành trình từ 236 tập phim năm 1993 đến nay đã gần 1000 tập, sau khi tiếp tục làm Tân Bao Thanh Thiên từ 2008)
4. Như vậy, Bao công  xử án cả đời không hết các vụ án mà ngày nay người ta truyền tụng. Tất nhiên đó là vô lý. Đây chỉ là nhân vật Bao Công, lấy Bao Chửng làm nguyên mẫu. Các vụ án cũng do các tác giả dân gian và các nhà làm phim dựng lên mà thôi. Cho nên, có thể thấy chuyện Bao Công mà quần chúng nhân dân thường truyền tụng, hoặc được biết qua phim ảnh là 1 phần thực 99 phần giả.
5. Như vậy, từ Bao Công nhân vật lịch sử đến Bao Công nhân vật điện ảnh, là cả một khoảng dài, khác xa nhau. (…)
6. Nói về sự phóng tác, phải kể đến truyền thống tiểu thuyết của Trung Quốc. Văn học Trung Quốc có truyền thống tiểu thuyết, đặc biệt có nhiều bộ tiểu thuyết lớn. Từ một chi tiết, phóng tác thành tiểu thuyết dã sử đồ sộ. Người Trung Quốc chấp nhận tiểu thuyết như một bộ phận đời sống. Có khi tiểu thuyết còn sống lâu bền, có sức sống mạnh hơn sự thật lịch sử. Điển hình là Tam Quốc diễn nghĩa. (…)
7. Với Bao Công, họ phóng tác thế nào? Có Triển Chiêu, tức là tài liệu lịch sử ghi lại rằng có 1 ông Triển Chiêu làm Thị vệ bên cạnh Bao Công, hàm tứ phẩm. Nhưng khi biến thành Triển Chiêu võ công xuất chúng, thì chỉ có sản phẩm của nền điện ảnh Đài Loan, quê hương của Kim Dung. Ngoài ra, các nhân vật Công Tôn Sách, Trương Long, Triệu Hổ, Vương Triều, Mã Hán hoàn toàn hư cấu. Nó có tác dụng bồi dầy thêm giai thoại, hiện thực hóa giai thoại, tạo ra cảm giác Bao Công có một bộ máy giúp việc đắc lực. Về hư cấu Bao Công, có những điểm chú ý sau:
Thứ nhất, mặt Bao Công không đen và cũng không có vầng trăng trên trán. (…) Thứ hai, Bao Công sống với cha mẹ, chứ không phải là vì sinh ra mặt đen mà bị cha mẹ bỏ đi, do “Tẩu nương” (chị dâu) nuôi nấng. (…) Hiện nay, hậu duệ của Bao Công có trên 100.000 người, tập trung nhiều nhất ở hai thôn Đại Bao và Tiểu Bao thuộc xã Giai Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy, Trung Quốc.  Thứ ba, Bao Công làm quan phủ doãn phủ Khai Phong, ở phủ Khai Phong xử án chỉ có 1 năm, (…)
8. Với các vụ án, họ phóng tác thế nào? tựu trung lại là lấy xưa nói nay, lấy chuyện xưa mà nói chuyện ngày nay. Vấn đề là vụ án ấy phải khoác tấm áo bối cảnh lịch sử của thời Bao Công mà thôi. Nhưng nếu nói về các vụ án, thì Seloc Hom cũng phá án các vụ án như vậy, Acsen Lupanh cũng phá án các vụ án… Từ đó, chúng ta có thể thấy xã hội phương đông- phương tây, quan hệ con người trong 2 xã hội ấy khác nhau. (…) Muốn tìm hiểu điều này, có lẽ chũng ta tìm hiểu qua bối cảnh thời Bao Công sống, sau đó mảnh đất xã hội nảy sinh các giai thoại Bao Công
9. Bao công (nhân vật lịch sử) sống vào thời kỳ nhà Tống.
(Tóm lược hoàn cảnh lịch sử thời Tống)
Tóm lại, do phát triển cực thịnh, mà các quan hệ xã hội phức tạp, nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhiều vụ án. Các quan lại phải đối mặt với những vụ án tinh vi hơn, phức tạp hơn. Con người trong một thời đại phát triển tiểu thủ công nghiệp, tức bứt phá ra ngoài nông nghiệp, hay du mục truyền thống, thì cũng có nhận thức tốt hơn. Điều này là mảnh đất tốt cho các nhà làm phim, hay nhà văn hư cấu các tình tiết, tạo ra các tình huống ly kì.
10. (…) Vì sao những chuyện Bao Công hầu hết là hư cấu, mà người xem vẫn nhiệt liệt hoan nghênh, họ vẫn tin trong đời có ông Bao Công như vậy? Và, nhất là đối với các bạn Việt Nam, xem phim Trung Quốc, đọc tiểu thuyết Trung Quốc, ta phải hiểu các câu chuyện ấy như thế nào? Tôi đặt vấn đề thế này: Nếu châu Âu, Mỹ xem Bao Công có thích không? Chắc chắn họ cũng sẽ xem, nhưng họ không thích. (…) Văn hóa phương Tây đề cao chủ nghĩa nhân văn, không chấp nhận các biểu hiện của một xã hội Nho giáo, không chấp nhận mẫu quân tử Tàu. Nên họ cho đó là bộ sách làm băng hoại con người. Trở lại chuyện Bao Công. Trước khi xem xét một số điểm về các vụ án của Bao Công, phải xem xét câu chuyện Bao Công dưới góc độ văn hóa Trung Quốc.
11. Trong các vụ án, Bao Công luôn có một cái gọi là “thượng phương bảo kiếm”. Nếu không có cái ấy, Bao Công có làm gì nổi không? Tự các bạn trả lời. Vấn đề là tại sao Tống Nhân tông trao thượng phương bảo kiếm cho Bao Công, mà các ông vua khác không trao, hoặc trao “vụ việc”, xong rồi thu về. Hoặc không tin, không trao? Bao công làm gì, dù ông ta có tài giỏi đến mấy, không có thượng phương bảo kiếm cũng khó mà làm gì được. Đó là biểu hiện rõ nhất quyền lực của hoàng đế trong xã hội Trung Quốc. Văn hóa truyền thống Trung Quốc chấp nhận Nho giáo là lý thuyết để tổ chức xã hội, trong đó vua là cao nhất, là thiên tử. Vua bảo chết phải chết. Vua không có lỗi. Vua là luật pháp. Vua sáng thì đời thịnh, vua tối thì đời suy. May thay Bao Công sống trong thời thịnh. Sau này, có lẽ câu chuyện về Bao Công truyền tụng trong dân gian cũng là một ước mơ, một hy vọng về thời minh quân thịnh trị. (Bây giờ tại sao chúng ta thấy đúng, tất nhiên và tự nguyện học tập Bác Hồ, kể mãi câu chuyện về Bác Hồ, cũng như Trần Nhân tông viết “người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong. Thời Nguyên Phong vua Trần Thái tông đánh giặc Nguyên, chắc chắn đó là thời thịnh) Các bạn chắc học nhiều về luật, chắc biết rõ nguyên tắc xét xử hiện đại, xét xử là thượng tôn pháp luật. Loài người hiện đại chấp nhận nguyên tắc tổ chức xã hội lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng xã hội Nho giáo Trung Quốc thì không như vậy. Có điều tương tự với xã hội phong kiến Việt Nam, nhưng các điều luật của Việt Nam khác với Trung Quốc.
Tóm lại, xã hội Trung Quốc không chấp nhận pháp trị. (Có chuyện Hàn Phi Tử bàn và hô hào pháp trị từ Xuân thu chiến quốc, thời mà bách gia chư tử nở rộ, khi đó Nho giáo chưa cuất hiện, xã hội còn có hơi hướng dân chủ. Sau này, Vương An Thạch đã cải tạo đổi mới theo hướng pháp trị, nhưng vấp phải tư tưởng cổ hủ của tầng lớp Nho sĩ Trung Quốc) Vậy tại sao lại thế, vẫn phải xem xét, bàn về văn hóa.

12. Nói xã hội Trung Quốc cổ đại không có nguyên tắc “pháp trị” (mặc dù pháp ở đây là vương pháp), vua là con trời, vậy thì nó có phải là “nhân trị” không? Theo ông Trần Đình Hiến, nhà Trung Quốc học, dịch giả các tiểu thuyết Trung Hoa (Tô tem sói, Mạc Ngôn) thì thực tế lịch sử Trung Quốc không chấp nhận nhân trị, vì nhân trị là chính trị của một người. Nhân trị từng có trong lịch sử Trung Quốc, nhưng đó chỉ là cá biệt. Các các nhân dù có xuất sắc đến mấy, thì họ cũng bị lịch sử tiêu diệt. Vì bản chất nó đối lập với tinh thần Trung Hoa, tư tưởng Trung Hoa, đó là ý thức bầy đàn. Nếu hiểu được lẽ này, thì vua cũng là bé nhỏ, ngay nhà vua cũng không bao giờ coi công lao của cá nhân, mà phải nói “nhờ phúc ấm tiên tổ, nhờ oai linh công đức của thần thánh phù hộ”. Tóm lại, khi mà đặt cá nhân vào trọng tâm, thì cá nhân ấy sẽ không còn đất sống. Bao Công có thể rất liêm chính, dùng thượng phương bảo kiếm rất đúng đạo lý, nhưng ông bộc lộ cá tính, vậy thì ông ở phủ Khai Phong một năm, cũng là dài. Phần còn lại là là truyền tụng, đó là ước mơ về một ông quan thanh liêm.
13. Nếu nói xã hội Trung Quốc không phải pháp trị, nhân trị, thì là gì? Thực chất, có thể nói, đó là “lễ trị”, “đức trị”. Trên đây nói nhân trị chỉ là cá biệt, là ứng với một số thời kỳ đặc biệt, có chiến tranh, loạn lạc. Còn thời bình cứ khư khư giữ cái nhân trị, ắt sẽ bị tiêu diệt. Thời bình, vua ngu vẫn tồn tại, vì cơ chế định hình rồi. Cơ chế đó là Lễ. Lễ nghi phải thế. Ai thi hành lễ? Đó là ông quan. Cho nên xã hội phong kiến Trung Quốc thực chất là “quan trị”. Dân trí Trung Quốc cổ đại thực chất là quan trí. Khi có quan trị, thì đức trị lên ngôi. Quan có đức thì Lễ thi hành tốt, Quan không có đức thì Lễ ngả nghiêng. Bao Công là hình ảnh của một ông quan có đức. Chính trị của Bao Công là Lễ trị và Đức trị.
14. Bây giờ, chúng ta bàn xem cái lễ và đức ấy là cái gì? Biểu hiện rõ nhất của Lễ, theo lý luận Nho giáo, đó là tôn ti. Quân tôn (cao), thần ti (hèn). Quan tôn, dân ti. Tôn là đại diện chân lý, đạo đức, ti là hèn, ngu, phải dạy bảo. Cho nên muốn lời nói của mình có trọng lượng, thì phải làm quan, nếu không chả ai thèm nghe. Hoàng đế dù mới lọt lòng cũng phải phủ phục xuống lạy nó, nó khóc oe cũng hô “Hoàng thượng sáng suốt”. Tóm lại, theo ông Trần Đình Hiến, có thể tóm tắt trật tự xã hội, văn hóa Trung Quốc trong “tam minh”: Hoàng đế thánh minh, quan trên cao minh, cấp trên anh minh. Do đó, Bao Công xử án, mang chém người cũng có tôn ti: Long đầu trảm, hổ đầu trảm, cẩu đầu trảm. Phạm tội vi phạm lễ giáo, con dao chém cũng có tôn ti của dao.
15. Đó là nói về Lễ trị. Còn Đức trị là gì? Biểu hiện nó là gì? Lễ khống chế, quy định hành vi của ông quan, đức thì không có quy định, nó chỉ được điều chỉnh nhờ văn hóa, phong tục, nhờ tu dưỡng rèn luyện. Đức là dòng chảy ngầm trong ông quan, không thi thố cụ thể được. Nếu quan có đức thì xã hội an lành, dân yên vui. Có ông Bao Công thì xã hội mới yên, kẻ gian sợ, vua trị nước được tiếng là minh quân, mà dân thì vui sống. Vậy thì đức là mục đích, mà lễ là phương tiện. Vậy thì cái đạo đức thay pháp chế đó là loại đạo đức nào? Điều này phải xem xét đến văn hóa mới giải đáp nổi.
16. Pháp chế chỉ quy định người ta không được làm gì, chứ không quy định cụ thể phải làm cái gì? Trong xã hội pháp quyền hiện đại, nhờ có dân trí, dân chủ mà xã hội phát triển. Muốn có dân chủ, dân trí, thì cá nhân được đề cao, chủ nghĩa nhân văn có nội dung mới. Muốn xã hội pháp quyền, mọi người phải bình đẳng trước pháp luật. Còn xã hội Trung Quốc, phải xử lý quan hệ người với người, trong xã hội ý thức bầy đàn rất lớn, thì pháp trị bất lực. Người ta cần phải quy định chuẩn mực ứng xử, đạt được nó là người quân tử, là có đức. Đó là bộ nguyên tắc “ngũ thường” các tiêu chuẩn con người của Nho giáo: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và các nguyên tắc ứng xử về tôn ty: Tam cương. Người có đức là quân tử, hay gọi luôn là hảo hán, người Hán tốt, tóm gọn nguyên lý ứng xử là Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Trong xã hội có ý thức bầy đàn, không thể quy định không được làm gì, mà phải quy định anh chỉ được làm những gì. Cái chỉ được làm đó là đức. Hành xử có các quy tắc, làm gì cũng không được khác với luật lệ. Cho nên đạo đức có thể thay pháp chế, mà pháp chế không thay nổi đạo đức. Trong xã hội ấy, tất cả đều tốt chỉ là lý tưởng, vì không bao giờ có, cho nên ắt sinh ra cái xấu, sinh ra những con người làm nhiều việc khác với bầy đàn, việc xử án cũng là một cách loại trừ cái xấu, Bao Công là một hy vọng và sống mãi trong văn hóa Trung Quốc cũng vì vậy.
17. Ở đây, có một mâu thuẫn lớn: Muốn ông quan tốt, thì không tránh khỏi phải có cá tính. Nhưng xã hội bầy đàn với những nguyên tắc tôn ti không thể dung hòa cá tính. Phủ nhận cá tính, phủ nhận giá trị cá nhân làm nên bầy đàn, đó là một cái vòng quẩn của xã hội Trung Quốc. Cho nên, muốn làm quan tốt, muốn xét xử tốt như Bao Công, đôi khi cũng phải làm chệch đi, tức là vi phạm cái gọi là Lễ để giữ cá tính. Một ví dụ về việc chém viên quan tên là Lỗ Trai Lang.
o (tóm lược vụ án Bao Công lừa vua để chém viên quan tham thân cận của vua)  Thực ra, Bao Công đã lừa Hoàng đế. Hoàng đế phê văn từ nhiều, không thể nhớ hết được. Bao Công viết chữ Ngư Văn Tức, sau khi được phê, thì thêm nét, thành chữ Lỗ Trai Trang.
18. Trong xã hội Trung Quốc, muốn xét xử công minh, cần phải có trí tuệ sắc bén, có kiến thức về tự nhiên, xã hội. Bao Công đã là người như vậy. Ông ta phân xử, dùng đức trị để giải quyết các mối quan hệ, nhằm đạt đến mục tiêu xã hội lý tưởng. Trong quá trình đó, tự ông trở nên có cá tính, vượt ra ngoài ý thức bầy đàn. Ngay cả vương pháp, có lúc cũng bị vượt qua, như ví dụ trên đây, phải lừa cả hoàng đế. Xét theo ngôn ngữ hiện đại, thực sự Bao Công cũng phạm vào tội gian trá, sửa chữa hồ sơ. Ví dụ về phải dùng lừa bịp để đạt đến mục đích là ví dụ điển hình để nói rằng, dùng phi đạo đức để đạt đạo đức trong văn hóa Trung Quốc. Suốt chiều dài lịch sử, muốn duy trì bầy đàn, hoặc là bạo lực, hoặc là lừa bịp. Bao công phải lừa bịp, lừa cả Hoàng đế để thực hiện công lý, đạt mục tiêu đạo đức. Cái đạo đức ấy thực chất là duy trì bầy đàn, tiêu diệt cá tính, thực chất cũng là thứ phi đạo đức. Cái tinh vi của văn hóa Trung Quốc, cái xấu xa về bản chất của Nho giáo chính là ở chỗ này. Anh phải dùng Lễ giáo, những Tam cương, Ngũ thường để lừa bịp con người, duy trì con người vào bầy đàn. Đó là mặt ghê tởm nhất của Nho giáo. Ít ai nhận thấy.
19. Tóm lại, những vụ phá án của Bao Công, một thực trăm giả. Cái giả là do đời sau dựng lên. Bao Công xử án không thượng tôn pháp luật, mà dùng Lễ (biểu hiện của vương pháp) để thay các điều luật, để đạt đến đức trị. Nhưng cái mục tiêu đạo đức ấy cũng lại là phi đạo đức, vì nó không góp phần vào nâng cao phẩm giá con người. Dù cho các nghi can bị xử, hay nạn nhân thắng án, thì cuối cùng cũng là duy trì cuộc sống bầy đàn, tiếp tục tư tưởng bầy đàn trong xã hội cổ đại Trung Quốc mà thôi. (Mở ngoặc về chuyện này. Nếu bạn nào đọc cuốn Tô Tem Sói của Tác giả Khương Nhung (TQ) do Trần Đình Hiến dịch, sẽ thấy dòng chảy văn hóa Hán ở đây. Mượn chuyện mô tả đời sống người Mông ở khu nội Mông, chuyện thần thánh hóa sói, lấy sói làm tô tem, mà Khương Nhung coi bản chất của người Hán là cừu, không thể địch với người Mông là sói. Hoặc các dân tộc đã đô hộ Hán như Nguyên, Thanh cũng là bản chất sói. Cuốn tiểu thuyết đã gây tiếng vang, khiến các Ủy viên Bộ Chính trị phải đọc, sau đó họ nhiệt liệt hoan nghênh. Đó là liệu pháp mà binh pháp nói là “khổ nhục kế”. Người Hán muốn vùng lên thoát khỏi nốt cừu, thì rồi cũng tiến đến gần như sói, cũng là bầy đàn cả mà thôi. Dù sao, làm đàn sói còn hơn đàn cừu) Chuyện cách đây 30 năm, ngày nay đàn cừu Hán đang trở thành đàn sói thật rồi.
20. Vậy bài học trong các vụ án của Bao Công là gì? Trước hết đó là bài học về quan trí. Làm quan thanh liêm, hết lòng vì con người. Dĩ nhiên là con người trong tư tưởng của Bao là cá thể của bầy đàn, chứ không có giá trị nhân văn như cách hiểu hiện đại. Nhìn chung các vụ án tình tiết lắt léo, do con người trong xã hội Trung Quốc, phải sống trong một xã hội Nho giáo tôn ty hà khắc, nên tự nhiên phải có thủ đoạn sống. Điều mà lịch sử Việt Nam gọi là “thâm”, người Tàu thâm nho, là như vậy. Do con người phải toan tính, nhiều thủ đoạn sống thấp hèn, mà các vụ án cũng tinh vi hơn, đòi hỏi phá án phải có kiến thức rộng. Đối phó với nghi can thủ đoạn, thì người xử án cũng phải thủ đoạn hơn một bậc. Bao Công đã xuất hiện trong lịch sử như vậy, nên dù ông chỉ xử 1-2 vụ án, mà tiếng tăm ông còn mãi.
o Tóm lại, Bao Công trong tác phẩm là một ông quan hư cấu, ông ta hiểu hơn ai hết bản chất của con người Trung Hoa. Phải hiểu rất rõ con người mới xử được những vụ án đó. Một ví dụ về vụ án đêm tân hôn. Tên nhân vật tôi không nhớ. Tóm tắt là trong đêm tân hôn, hai vợ chồng đều con nhà quyền quý, có học. Cô vợ bày đặt ra rằng: Thiếp cho chàng một vế đối, chàng đối được thì mới được vào phòng tân hôn. Dĩ nhiên anh chồng lúc đó thì không còn đâu tâm trí mà đối, bèn bực bội bỏ đi uống rượu với bạn, rồi giận dỗi nói với các bạn là sẽ ngủ đến sáng không về. Rượu vào lời ra, anh ta kể chuyện như thế như thế. Cuối cùng, mọi người uống say khướt cùng ngủ. Nhưng trong số đó thì có 1 anh không say, sau khi mọi người ngủ thì anh ta lẻn về nhà anh mới cưới, lẻn vào phòng cô dâu. Hai người mây mưa, đến gần sáng anh chồng thật mới về. Hai người đối đáp, té ra cô vợ nhầm. Cô vợ thắt cổ tự tử. Mọi người cho rằng anh chàng kia giết vợ. Phải đến Bao Công mới tìm ra chân tướng sự việc.
Câu chuyện này, nếu đặt vào hoàn cảnh thời Tống, thì có thể xảy ra. Bởi vì hôn nhân xã hội Nho giáo là do bố mẹ đặt. Qua mai mối, các thủ tục nhiêu khê cưới hỏi, rồi đến khi đón dâu vào động phòng hai người vẫn che mặt. Phim ảnh, tiểu thuyết Trung Quốc lấy đề tài tráo dâu, tráo rể nhiều rồi.
Nếu bạn đọc ngày nay, có thể đặt ra nhiều nghi vấn. Cái vô lý ngày nay không tin, đó là việc vợ có thể nhầm chồng. (mặc dù cái vô lý ấy là có lý). Còn tình tiết hư cấu thì mới là vô lý. Một loạt các yếu tố tình cờ chen vào, khó mà phá án: Tại sao cô vợ lại tắt đèn khi chồng về? Tại sao nhà không nuôi chó? Tại sao vợ không thấy chồng nói gì mà vẫn chịu, trong khi trước đó thì bày đặt ra câu đối?
21. Bài học về hiện tượng tác phẩm phim ảnh, tiểu thuyết Bao Công là gì? Các tác phẩm về Bao Công thuộc phạm trù văn hóa, bài học của nó cũng nên xét ở bình diện văn hóa. Người viết về Bao Công, cũng phải hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc (dân tộc ở đây là dân tộc Trung Quốc). Phải hiểu độc giả mới làm cho họ say mê đến thế. Người Trung Quốc luôn luôn đề cao sức mạnh văn hóa. Cái gọi là ý thức bầy đàn của văn hóa trong quá khứ, cũng có tác dụng lớn là hình thành tâm lý dân tộc, tư tưởng dân tộc. Bao Công được hoan nghênh, có thể là vì Bao Công thu lại “túi khôn” của người Hán thời quá khứ, đó cũng là một cách tuyên truyền văn hóa truyền thống. Nên có đến hàng trăm vụ án, gần một nghìn tập phim, mà người ta vẫn hoan hỉ xem. Có lẽ Bao Công là điển hình của trí tuệ con người Trung Quốc, khôn ngoan, tài năng, muốn đạt mục đích bất chấp thủ đoạn, cũng muốn công bằng xã hội, cũng thấy bất bình thì không tha…. Vân vân.
22. Có người nói, Bao Công xử án là cách nghệ sĩ bày tỏ sự phản kháng với xã hội phong kiến, tố cáo xã hội đầy rẫy những bất công, tệ nạn. Nói thế thì xã hội còn có xử án thì xã hội dở à? Không phải như vậy. Bao Công không có phản kháng trong tư tưởng, mà ngược lại, ông chấp nhận xã hội ấy, yêu say mê xã hội ấy chứ. Có yêu chế độ mới thực thi điều luật vì nó. Nhưng cách mà các nhà làm phim, hay tiểu thuyết trình bày xã hội nhà Tống, cách mà Bao Công phải lao tâm khổ tứ để phá án, chính là cách đem đến thông điệp về một xã hội Nho giáo, trong đó con người chỉ là con ong cái kiến, một cá thể vô thức trong bầy đàn mà thôi. Cái giá trị tố cáo nếu có thì nằm ở đó. Tố cáo mặt thật của văn hóa xã hội cổ đại, do Nho giáo làm băng hoại con người, chứ không đơn giản là tố cáo xã hội phong kiến có những ông quan tham nhũng.
23. Bài học về dùng xưa nói nay và dùng nay soi chiếu xưa. Đôi khi chuyện dùng các tích cũ về các vụ án để giáo dục văn hóa truyền thống, nói cái trí khôn của Bao Công. Nhưng nếu các bạn ngày nay xem phim Bao Công, không có đầu óc phê phán thì không thể rút ra được bài học thật sự. Lúc nào cũng xuýt xoa Bao Công tài, Triển Chiêu giỏi, Công Tôn Sách hay, thì cũng sẽ ngập chìm trong cái bể rối rắm tung hứng của các thủ đoạn quan hệ xã hội Trung Quốc. Ví dụ: Có ai thử đặt câu hỏi, tại sao Bao Công là tri phủ Khai Phong, mà suốt ngày xử án? Hoặc các tri huyện cũng phải xử án? Ngày nay có làm được thế không? Không được. Bởi vì ngày nay hành pháp không thể đồng thời làm việc của tư pháp. Cho nên việc oan sai là rất dễ xảy ra. Quá nhiều oan sai, nên mới có Bao Công thành hình tượng được truyền tụng như vậy.
24. Ví dụ một vụ án, (có tình tiết lắt léo) ta sẽ phê phán và tìm hiểu nó như thế nào? Vụ án con nhện đoán án. Ta thấy gì trong vụ án này: Có đầy rẫy vô lý.
* Vụ án trên đây điển hình là loại vụ án hiếp dâm trong các vụ án Bao Công xử:  Ví dụ: Vụ án cái chổi, chỉ vì mâu thuẫn chị em dâu mà người em dâu tự tự chết. Quan huyện tập trung khai thác các chi tiết, theo suy đoán mâu thuẫn người- người mà giết nhau. Sau đến Bao Công suy luận theo hướng khác, chỉ vì bị mang tiếng nhục oan thông dâm với anh chồng mà nạn nhân tự tử. Ở đây yếu tố văn hóa lại một lần nữa là một nút thắt. Người đàn bà trong xã hội Nho giáo có địa vị thấp lắm, chịu các Tam cương như gông cùm, áp lực tâm lý kinh khủng. Dù cho cực khổ mấy cũng chịu được, nhưng mang tiếng nhục vi phạm tam cương thì chỉ có đường chết.
* Có một mô tuýp vụ án kiểu như phân xử trộm vặt: Trộm ngỗng, trộm ô… Trộm ngỗng thì hỏi xem con ngỗng ăn gì, phân mầu gì (ai nuôi mới biết), trộm ô thì chia đôi cái ô, mỗi người một nửa ô rách, anh nào vui hớn hở thì đích thị là kẻ cướp. (Đó là dạng túi khôn trong dân gian)

25. Các vụ án và giai thoại phá án trong lịch sử Việt Nam.
Phí Trực phá án:
Đoàn Khung xử chữa cháy:
26. Vụ án oan liên quan đến Trần Quốc Chẩn
27. Nếu nói các vụ án, đặc biệt là án oan trong lịch sử Việt Nam thì không ít. Vụ án Lê Văn Thịnh. Hoặc vụ án Lệ Chi viên, chu di tam tộc Nguyễn Trãi. Hoặc vụ án liên quan đến Tuyên phi Đặng Thị Huệ thời Lê Trung Hưng, chỉ vì tranh ngôi thế tử mà hàng chục quan lại dính lao tù, trong đó có Nguyễn Khản (anh của Nguyễn Du). Hoặc vụ án oan Trần Nguyên Hãn Hoặc vụ án Lê Văn Duyệt thời Minh Mạng, Vân vân…
Soi chiếu trong lịch sử Việt Nam, có thể rút ra nhiều bài học quý từ những vụ phân xử, vụ án liên quan đến các nhân vật lịch sử. Tiếc rằng, Việt Nam không có những ông quan nổi danh như Bao Công. Cũng là vì, lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng người Việt khác với người Hán. Các bạn là những trí thức, cần phải hiểu sâu sắc vấn đề này.


Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Những tư liệu về Hồ Chí Minh công bố chính thức (ít ai biết)

Tạp chí Hồn Việt, cơ quan của Trung tâm Quốc học, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (chủ báo là Mai Quốc Liên), số 81, 5/2014, có đăng 1 bài dài 10 trang "Huyền thoại kép Hồ Chí Minh- Vinh quang và những hệ lụy), chính thức công bố nhiều tư liệu, mà trước kia còn úp mở, đồn đại, nay tác giả đã công bố bằng 1 bài báo có chú thích, dẫn nguồn, kiểu viết cẩn thận hiếm thấy của các báo quốc doanh hiện nay.
Do bài quá dài, tôi giới thiệu tóm tắt mấy điểm khá thú vị:



1. Giải mã sự mất tích của Hồ Chí Minh giai đoạn 1931-1935 trong các tiểu sử từ trước đến nay. Việc này giống như bài báo của Tạp chí Xưa- Nay của Hội sử học đã viết, về nghi vấn Hồ Chí Minh bị một ban kỷ luật của Nga xét xử. Trong đó, công khai nêu rõ Hà Huy Tập, Trần Phú đã công kích Nguyễn Ái Quốc như thế nào.
2. Nói rõ vai trò Nguyễn Ái Quốc trong hội nghị thành lập Đảng. Ông Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị văn kiện đại hội, gửi Quốc tế cộng sản, bị phê phán là dân tộc chủ nghĩa và thỏa hiệp, cuối cùng, một lớp học trò của Nguyễn học từ Nga về, trung thành với lý tưởng cộng sản, cho ra đời Luận cương năm 30, rồi ông Nguyễn Ái Quốc không được chức gì trong Đảng năm 1930.
3. Việc Hồ chí Minh tuyên bố giải tán Đảng, và hệ lụy của nó sau này trong việc Stalin công nhận chính quyền Việt Minh. Lúc này, ông Trần Ngọc Danh, khoảng tháng 10/1949 đã viết thư tố cáo Hồ Chí Minh phản bộ cộng sản, rồi chạy khỏi phái bộ Việt Minh tại Thái Lan, chạy về Nga, khiến cho việc đối ngoại đấu tranh Liên Xô công nhận Việt Nam bị khó khăn.
4. Khoảng 1947, Việt Nam kháng chiến bị cô lập, Chính phủ Hồ Chí Minh đã cử phái đoàn đi Nam Kinh, đút lót chính phủ Tưởng Giới Thạch, chuyến đi này chưa giải mật.
5. Phái đoàn chính phủ kháng chiến đi Nam Kinh, Thượng Hải có mang theo cuốn tiểu sử "Hồ chí Minh truyện" xuất bản ở Thượng Hải tháng 6/1949, trong đó tô vẽ Hồ Chí Minh là người theo tư tưởng Tam dân, theo Tôn trung Sơn, bạn với các tướng chính phủ Tưởng.
6. Tuy nhiên, đến 10/1949, Mao có chính quyền ở Trung Quốc, nên toan tính của Hồ Chí Minh phải thay đổi. Đàm phán Trung- Việt thuận lợi, từ đó Hồ Chí Minh muốn đi Nga gặp Stalin.
7. Tư liệu Stalin tiếp Hồ Chí Minh như thế nào. Stalin hỏi Hồ Chí Minh 3 câu: Tại sao giải tán Đảng; Chính quyền là chính quyền gì? Tại sao không cải cách ruộng đất? Rồi Stalin chỉ thị cho Trung Quốc cấp vũ khí cho VN kháng chiến, dùng các vũ khí Liên Xô cấp cho Trung Quốc nay không đánh nhau nữa, để cũng rỉ. Tóm lại khi đó Stalin không muốn dính vào Việt Nam, nghi ngờ ông Hồ.
8. Phần tư liệu, tác giả dẫn câu chuyện Hồ Chí Minh xin cái ảnh Stalin, rồi xin ông ấy kí tặng (chiêu này thành công mỹ mãn với tướng Se-nô hồi năm 1945), nhưng đêm ấy, KGB đột nhập khách sạn, lấy mất cái ảnh ấy.
9. Phần tư liệu có câu chuyện thú vị: Moris Thorez, Tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp năm 1946, đang làm Phó thủ tướng trong Chính phủ liên minh của Pháp, nói với Đô đốc D'Argenlieu rằng: "Tất nhiên tôi mong mọi việc giải quyết êm thấm với Việt Minh, nhưng tóm lại (với giọng chắc nịch) màu cờ của chúng ta là trên hết. Vậy phải đánh thì cứ đánh, đánh cho mạnh" Thế đấy. Người Pháp ở châu Âu không ấu trĩ vì ý thức hệ, họ coi quyền lợi dân tộc là trên hết. Cùng cộng sản ư? Đánh thì cứ đánh vì nước Pháp, kệ mẹ cộng sản. Sao chúng nó năm 1946 đã thông thái thế.

TẦM NHÌN HOÀNG SA


Ngày ấy, phe XHCN mà đứng đầu là “ông anh Cả” Liên Xô ra sức tuyên truyền cho học thuyết “chủ quyền hạn chế”, đặt “chủ nghĩa quốc tế vô sản” rồi “chủ nghĩa quốc tế XHCN” lên trên hết. Người ta hy vọng và mơ ước về một thế giới đại đồng, mọi người được tự do, ấm no, hạnh phúc. “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”.
Thăm Liên Xô, trong một lần hội đàm, Mao hỏi Khơrútsốp:
- Chủ nghĩa đế quốc sử dụng vũ khí hạt nhân, liệu chúng ta có thể chờ mà không phản kích ngay?
Khơrútsốp:
- Một giây cũng không thể chờ, phải lập tức phản kích.
Mao:
- Làm sao có thể tính toán chuẩn xác, biết lúc nào thì chúng bắn?
- Có thể biết được. Khơrútsốp tiếp tục. Bất cứ một nước XHCN nào bị đế quốc tiến công, chúng tôi đều nhanh chóng đánh trả.
- Quan điểm đó không đúng. Phải xem người ta có yêu cầu không đã. Mao đáp.

Học thuyết “chủ quyền hạn chế” bị phá sản bởi lợi ích dân tộc và chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Có thể thấy, lịch sử xung đột biên giới của TQ với các nước láng giềng làm thế giới kinh ngạc và đầy lo lắng.
Với Ấn Độ, tháng 10.1962, quân đội TQ mở cuộc tấn công toàn diện vào biên giới Trung – Ấn, sau khi cho rằng quân đội Ấn Độ phát động cuộc tấn công vào quân biên phòng TQ trước.
Quân đội TQ với ưu thế về binh lực đã ào ạt vượt sông, sau đó chia thành các mũi tiến thẳng vào nơi quân Ấn xâm nhập. Quân Ấn Độ đào hào và xây lô cốt dày đặc, cố thủ với hỏa lực đan chéo mãnh liệt. Các trận đánh diễn ra ở địa hình đồi núi, tác chiến bằng đơn vị bộ binh gọn nhẹ với lựu đạn, súng tiểu liên, bộc phá, có sự yểm trợ của pháo binh.
TQ rêu rao, trong hơn một tuần, quân biên phòng TQ đã quét sạch hơn ba phần tư cứ điểm quân sự của quân Ấn Độ, đẩy lùi quân Ấn Độ về bên kia biên giới.
Tranh chấp với Liên Xô, TQ lại gây ra cuộc chiến tranh trên đảo Trân Bảo. Chỉ có diện tích 0,74 km2, đảo Trân Bảo nằm sát đường trung tâm dòng sông Usuli phân giới Trung – Xô mà TQ cho là thuộc tỉnh Hắc Long Giang TQ. Mao chọn đảo Trân Bảo làm trọng điểm phản kích đánh trả, lập Bộ chỉ huy tiền phương, chỉ thị cho quân biên phòng TQ hành động nhanh, dứt điểm, không kéo dài, sau khi giành thắng lợi thì rút về ngay. Còn nữa, bốn nguyên soái TQ còn chỉnh lý một bản báo cáo trình lên Mao mang cái tên rất kêu: “Từ cánh rừng thế giới xem xét cây Trân Bảo”. Song, TQ đã bị Liên Xô dạy cho một bài học về tranh chấp chủ quyền. Quan hệ Trung – Xô tiếp tục căng thẳng.
Các nước có chung biên giới với TQ như Mông Cổ, Lào, Miến Điện…đều có vấn đề với TQ. Xem ra, việc tranh chấp chủ quyền của các nước “XHCN anh em” không phải là chuyện hiếm.
Đặc biệt là TQ – một nước đất rộng, người đông nhưng thèm của người khác từng tấc đất. Không hiếm khi họ tạo ra những cái bẫy. Tuyên bố ngày 4.9.1958 về hải phận 12 hải lý của TQ là một cái bẫy, trong hoàn cảnh quốc tế ấy, ý thức hệ ấy buộc VNDCCH phải “ghi nhận và tán thành” và điều đó đã gây ra không ít sự phiền toái sau này cho VN.
Mặc dù tình hình phức tạp như vậy, đối với nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa), vấn đề chủ quyền quốc gia – bao gồm đất liền, vùng biển, vùng trời, hải đảo, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện với một tầm nhìn mà ta phải công nhận là hết sức xa rộng.
Có người nói, vậy tuyên bố nổi tiếng: “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” của Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa nên hiểu như thế nào? Và trên thực tế, có phải biên giới Hoa Kỳ thực sự kéo dài đến vĩ tuyến 17 hay không? Dĩ nhiên là không. Không có gì khó khăn để thấy rằng, đó là lời tuyên bố trong một cuộc chiến ý thức hệ, nói lên sự hiện diện của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ “thế giới tự do”. Lịch sử cho thấy Hoa Kỳ chưa hề chiếm đất của ai bao giờ. Cái mà Hoa Kỳ làm trên thế giới, đó là tạo ra thế và lực cho mình.
Các kiểu xâm lấn đất của TQ thì quá đa dạng và lắm thủ đoạn. Dời cột mốc là một thủ đoạn quen thuộc và đơn giản mà họ thường làm. Từ xâm canh xâm cư đến chiếm đất là một khoảnh cách gần. Họ lợi dụng xây dựng các công trình hữu nghị, đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ VN. Lợi dụng việc VN nhờ vẽ bản đồ, họ sửa đường biên giới lấn vào đất VN.
TQ không ngần ngại gây nên xung đột vũ trang để chiếm đất mà đỉnh cao là việc đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH năm 1974.
Bấy giờ, hai miền Nam Bắc chưa thống nhất, dù Hiệp định Paris đã ký kết gần một năm. Người Mỹ đã ra đi – hơn thế nữa, họ còn thỏa thuận bí mật với TQ trên lưng đồng minh của họ, bỏ mặc Hoàng Sa cho TQ xâm chiếm. Dù sao, bảo vệ Hoàng Sa là chính sách nhất quán của VNCH, không những được thể hiện bằng lời nói mà chủ yếu – bằng nhiều hành động trên thực tế.
Ngày 26.5.1956, Chính phủ VNCH chính thức tuyên bố quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (mà TQ gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc lãnh thổ Nam Việt Nam và thông qua bộ máy truyền thông của mình, loan tin ra cả thế giới.
Cho dù ngay lập tức TQ ra tuyên bố nói rằng “quyết không cho phép xâm phạm chủ quyền của TQ đối với quần đảo Tây Sa và các đảo khác thuộc về TQ, yêu cầu VNCH phải đình chỉ ngay mọi hoạt động khiêu khích”, VNCH vẫn tiếp tục tiến hành trinh sát, đưa quân đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đó, quân đội VNCH bắt tay vào việc đào chiến hào, xây dựng lô cốt, dựng cột mốc chủ quyền, ghi rõ những đảo này thuộc lãnh thổ Nam VN. Phải công nhận, đó thực sự là tầm nhìn xa rộng – tầm nhìn Hoàng Sa.
Ngày 13.7.1961, Tổng thống VNCH ra sắc lệnh số 174, trong đó ấn định: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh”.
Trong 18 năm, từ 1956 đến 1973, VNCH đã tiếp tục thực hành chủ quyền trên 6 đảo đá của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 9.1973, VNCH lại tuyên bố sẽ đưa hơn 10 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa vào địa phận quản lý của tỉnh Phước Tuy.
Giữa tháng 1.1974, 4 tầu chiến VNCH, trong đó có khu trục hạm “Trần Khánh Dư”, tuần dương hạm “Trần Bình Trọng”, “Lý Thường Kiệt” và hộ tống hạm “Nhật Tảo” tiến vào vùng biển Hoàng Sa. TQ đã giương bẫy chờ sẵn, cộng với so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho TQ, trận hải chiến Hoàng Sa kết thúc với việc từ đây TQ đã ăn cướp toàn bộ Hoàng Sa.
Tầm nhìn Hoàng Sa của VNCH không những thể hiện bằng các tuyên bố, sắc lệnh, Nghị định mà còn bằng việc chiếm hữu trên thực tế, thực hiện quyền chủ quyền của mình tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục, công khai, hòa bình.
Chấp nhận giao chiến với TQ cho dù so sánh lực lượng không có lợi, dù bối cảnh quốc tế phức tạp đan xen bởi mưu đồ của các nước lớn, tầm nhìn Hoàng Sa của VNCH vẫn sáng ngời, là tiếng nói của chúng ta cất cao trước thế giới: chủ quyền của VN là bất khả xâm phạm, không một ai có thể thủ đắc bằng vũ lực.
Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, dường như đã làm người Việt trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn, mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong việc giành lại quần đảo thiêng liêng của chúng ta.
Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, càng khẳng định một chân lý: kẻ thù không ở đâu xa, nó luôn ở sát nách chúng ta và chỉ có sự quyết tâm, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, trí thông minh của cả dân tộc mới có thể đưa Hoàng Sa trở về trong lòng Tổ quốc.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Việt Nam thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?

Biển Đông đang nóng... Thực sự đang có một cuộc chiến tranh. BBT xin giới thiệu với các bạn một bài đáng đọc, trên Vietnamnet ở link TẠI ĐÂY hoặc tốt nhất là bạn đọc bài chúng tôi post lại dưới đây. Chúng ta tạm dừng 1 phút dứt khỏi chủ đề văn chương, sống cùng số phận đất nước.

VN thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?
Việc Việt Nam cải tổ theo hướng thúc đẩy nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tự do, và một xã hội dân sự phát triển  chắc chắn sẽ kết nối Việt Nam với các nước Châu Âu, Úc, Hàn, Nhật và Mỹ. Khi đó, sự ủng hộ Việt Nam sẽ mạnh hơn nhiều.
Hồn dân tộc nghìn năm không chịu khuất!
Biển Đông: Việt Nam chỉ có một con đường
(Tiếp loạt bài hiến kế của các nhân sĩ trí thức Việt, Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE)

Đâu là "cái phanh" xung đột?
Tìm ra một giải pháp tránh xung đột ở Biển Đông là không dễ dàng. Trung Quốc muốn thâu tóm Biển Đông để vươn ra thế giới, trở lại thời hoàng kim là "trung tâm của thiên hạ". Mỹ không muốn điều này xảy ra nhưng không thể tự mình "bảo vệ" Biển Đông nếu các nước có tranh chấp như Việt Nam không phải là đồng minh. Như vậy, nếu Việt Nam nghiêng về Trung Quốc thì việc mất Biển Đông và lệ thuộc vào họ là điều nhãn tiền. Còn Việt Nam nghiêng về phía Mỹ thì tự biến mình thành tuyến đầu chống Trung Quốc, đẩy dân tộc vào nguy cơ xung đột nhiều rủi ro.
Theo lý thuyết thì nếu thương mại giữa hai nước tăng thì chiến tranh sẽ khó xảy ra vì các ràng buộc về kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thương mại Việt-Trung thì nó không phải là "cái phanh" để ngăn cản xung đột. Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2011 là 35,7 tỉ USD, tuy nhiên Việt Nam bị nhập siêu gần 13 tỉ USD từ Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc chiếm khoảng 18% tổng thương mại của Việt Nam, nhưng chưa đến 1% trong tổng số 3,87 nghìn tỉ đô thương mại của Trung Quốc. Rõ ràng, Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, và việc cắt đứt thương mại giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn đến Trung Quốc.

Biển Đông, Việt Nam, thế kẹt, ngoại giao, quốc tế
Giàn khoan CNOOC 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: THX
Dường như Việt Nam đang yếu thế trong việc đàm phán với Trung Quốc vì bị lệ thuộc trên mọi mặt trận từ kinh tế, chính trị đến an ninh. Rất không may, Việt Nam không có gì đủ hấp dẫn để đàm phán với Trung Quốc vì Biển Đông quá quan trọng với họ. Việt Nam cũng không thể bỏ Biển Đông vì Biển Đông cũng quá quan trọng với Việt Nam. Nếu mất Biển Đông coi như Việt Nam mất cửa đi ra thế giới, mất cơ hội phát triển, và mất lợi ích kinh tế từ Biển. Trong trường hợp này, liệu Việt Nam có phải "lên thuyền" với các quốc gia khác để cân bằng lại với Trung Quốc?
ASEAN có thể giúp Việt Nam giữ Biển Đông? Câu trả lời dường như là không vì hiện tại ASEAN chỉ có thể là một cơ chế giúp Việt Nam và các nước lớn truyền tin và đàm phán, còn bản thân nó không thể là "con thuyền" đủ lớn và vững chắc chịu được sức ép từ Trung Quốc. Như vậy, "con thuyền" còn lại dường như là Mỹ để Việt Nam có thể dựa vào?
Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích đó là tự do hàng hải và ổn định ở Biển Đông. Trong những ngày qua, người phát ngôn Nhà trắng và các thượng nghị sĩ uy tín nhất của Mỹ như John McCain và Patrick Leahy liên tục đưa ra các tuyên bố lên án hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển đông. Tuy nhiên, vẫn có những rào cản để Mỹ và Việt Nam trở thành đồng minh.
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có những e ngại về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam. Điều này có cơ sở vì lợi ích của Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc rất lớn, và rõ ràng động lực lớn nhất để Mỹ hành động là lợi ích quốc gia của họ. Thứ hai, việc trở thành đồng minh của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc nằm cạnh miệng hố chiến tranh với Trung Quốc. Việt Nam muốn tránh điều này bằng mọi giá vì chiến tranh đã tàn phá đất nước này quá nhiều.

Về phía mình, Mỹ dù có muốn cũng khó làm đồng minh chiến lược của Việt Nam vì những khác biệt về chính trị và bất đồng quan điểm về nhân quyền. Chính vì vậy, dù Việt Nam là  một mắt xích quan trọng trong bàn cờ chiến lược của mình ở châu Á, Mỹ khó lòng tiến xa hơn và gửi quân ứng cứu Việt Nam trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc.
Thêm vào đó, Việt Nam đóng vai trò không đáng kể trong phát triển kinh tế của Mỹ. Thương mại với Việt Nam chỉ chiếm dưới 0,65% tổng thương mại của Mỹ, so 13% thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Rõ ràng, lợi ích kinh tế của Mỹ với Trung Quốc lớn hơn với Việt Nam nhiều, đặc biệt khi Mỹ lại đang nhập siêu hàng năm từ Việt Nam gần 15 tỉ USD vào năm 2011 và ngày càng tăng.

Con đường nào cho Việt Nam?
Có một lợi ích mà cả Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam đều chia sẻ - đó là hòa bình và ổn định ở Biển Đông và châu Á. Cho dù cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn Việt Nam đứng về phía mình, nhưng họ cũng tạm hài lòng với hiện trạng.
Trung Quốc muốn Việt Nam ổn định nhưng không đủ mạnh để thách thức được họ. Việt Nam không được là "sân sau" của ai và nếu phụ thuộc vào Trung Quốc thì càng tốt. Mỹ muốn Việt Nam là liên minh để duy trì vai trò lãnh đạo ở Châu Á, nhưng không muốn gánh vác trách nhiệm bảo vệ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khác biệt về chế độ chính trị và giá trị quốc gia.
Tuy nhiên, duy trì hiện trạng mắc kẹt này không phải là điều tốt cho Việt Nam. Với chiến lược "từng bước một" Trung Quốc sẽ dần dần áp đặt sự kiểm soát của mình lên Biển Đông mà không cần đến chiến sự. Chiến lược này sẽ làm cho Việt Nam phân tâm, mệt mỏi và bất lực trước sự "gặm nhấm" của Trung Quốc. Hoa Kỳ, đôi khi sẽ lên tiếng "quan ngại sâu sắc" sau mỗi lần Trung Quốc gây hấn, nhưng không thể thách thức Trung Quốc trực tiếp vì Việt Nam không là đồng minh và những bước lấn "không đủ lớn để động binh". Điều này không ảnh hưởng đến cân bằng chiến lược toàn cầu ngay, nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Việt Nam.
Rõ ràng Việt Nam cần tự thoát khỏi thế kìm kẹp này bằng cách tự đổi mới mình. Là nước nhỏ trong tranh chấp, Việt Nam nhận được sự cảm thông toàn cầu trước o ép từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, thế giới vẫn nhìn Việt Nam như là một đồng minh chia sẻ tư tưởng và ý thức hệ với Trung Quốc. Vì vậy, sự cảm thông với Việt Nam chưa vững chắc vì không dựa trên nền tảng giá trị chung. Việc Việt Nam cải tổ theo hướng thúc đẩy nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tự do, và một xã hội dân sự phát triển  chắc chắn sẽ kết nối Việt Nam với các nước Châu Âu, Úc, Hàn, Nhật và Mỹ. Khi đó, sự ủng hộ Việt Nam sẽ mạnh hơn nhiều, vì bên cạnh tính hợp pháp của chủ quyền Việt Nam có ở Biển Đông, lợi ích kinh tế, đầu tư, và tâm lý nghi ngờ và e ngại Trung Quốc, nền tảng giá trị sẽ là điểm tựa cho việc bênh vực Việt Nam.
Sự tự cải tổ này sẽ gây khó chịu cho Trung Quốc nhưng sẽ không là nguyên nhân để Trung Quốc gây chiến với Việt Nam. Ngược lại Trung Quốc sẽ mong Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế "trung lập" vì Việt Nam đã là một phần của các giá trị toàn cầu. Khi đó, Việt Nam sẽ "thông lưu" với các nước về kinh tế, chính trị và xã hội nhưng vẫn có thể tiếp tục hữu hảo với Trung Quốc.
Trong vị thế của một nước độc lập và bình đẳng thực sự, việc duy trì hòa bình và chủ quyền ở Biển Đông có nhiều cơ hội thành công hơn.
Lê Quang Bình

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Những bài học tưởng là đã cũ

Bài học 1: Khi nhà Nam Hán hùng hổ mang tàu chiến xâm phạm vào cửa biển Việt Nam, nội bộ cầm quyền ở Đô hộ phủ (Cổ Loa) đang rối ren. Kiều Công Tiễn vừa giết Dương Đình Nghệ. Lòng dân hoang mang, lòng quan phân tán. Kẻ thù xuất chiêu hẳn Thái tử cầm quân, coi đất đai đô hộ là hàng huyện. Xem ra sự khinh thường cũng lớn lắm. Quân hùng tướng mạnh, tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch. (Cần hiểu rằng, khi đó nước ta chưa có triều đình, chỉ có Đô hộ phủ, do quan lại người Trung Quốc cầm chịch, đã bị Dương Đình Nghệ đánh đuổi, rồi thay thế) Bỗng đâu xuất hiện Ngô Quyền. Ông chỉ là con rể họ Dương, làm thứ sử ở một châu miền núi. Đoạn tiếp người Việt ai cũng biết. Lịch sử người Việt lạ lùng, cứ bị dồn đến cùng, tất biến, và nảy sinh anh hùng.



Bài học 2: Khi vua con nhà Đinh bị giết, triều đình lục đục, vua nhỏ bé tý tẹo 6 tuổi. Quân Tống lại hùng hổ kéo sang mong nuốt gọn Đại Việt. Dương Thái hậu mang phắt ngôi vua trao cho Lê Hoàn. Một là giữ ngôi, hai là giữ nước. Cứ mang tiếng Dương Thái hậu thông dâm, nhưng mà dân tộc thì còn. Nhà Đinh hết thì có nhà Lê, lo gì bổng lộc không còn, đất đai vì thế mà tồn tại. Hỡi ơi, Dương Thái hậu ở đâu rồi?
Bài học 3: Khi vua Lý Nhân tông còn nhỏ, triều đình phân phe phái, phe theo Thái hậu Ỷ Lan, phe theo Thái hậu Thượng Dương. Nhà Tống lại muốn nhân nước Đại Việt lục đục, triều đình yếu thế, thì mang quân chiếm lấy. Lý Thường Kiệt bèn mang quân đội đánh phủ đầu tận Khâm Châu, Ung Châu. Đó là lần duy nhất quân đội Đại Việt đánh sang đất Tống. Sau đó, quân Tống kéo sang trả thù tận sông Như Nguyệt. Nhà Lý có tổn thất lớn, các hoàng tử tử trận, nhiều tướng thiệt mạng, nhưng cuối cùng tinh thần dân tộc dâng cao, đánh tan quân đội nhà Tống. Sao lại có thời xuất hiện một người anh hùng kỳ lạ như Lý Thường Kiệt, không tiếc thân mình phụng sự triều đình. Triều đình một lòng không đội trời chung với quân thù.
Bài học 4: Khi triều Trần mới lấy ngôi từ nhà Lý, nhà Nguyên mới lấy được Trung Quốc, thay thế nhà Tống. Quân Mông Thát chiếm hầu hết thế giới, nhân thể coi Đại Việt như tôm tép, tưởng có thể lấy được ngay, bèn mang quân xuống năm Nguyên Phong 1258. Nào ngờ gặp sức chống cự của Nhà Trần. Khi đó tình thế chênh lệch, vua Trần đã nghĩ đến đầu hàng, may nhờ có TRần Thủ Độ kiên quyết: Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo. Đến năm 1285, tức là 27 năm sau, nhà Nguyên đang cực thịnh, lại mưu thôn tính. Khi này, nhà Trần nhẫn nhịn, đến nỗi sứ thần nhà Nguyên cưỡi ngựa qua cửa cấm thành (chỉ dành cho vua), cầm roi quất lung tung vào quan lại nhà Trần. Nỗi nhục rất lớn. Nội bộ triều đình có phân hóa. Tầng lớp Nho sĩ bắt đầu lớn mạnh, coi thánh hiền là Khổng Mạnh, coi Trung Nguyên là quê hương thánh hiền. Đã có lúc quan lớn đầu hàng, hoàng tử đầu hàng, vua tôi bỏ kinh thành chạy loạn. Song do vua Trần thi hành chính sách đại đoàn kết, dùng người tài, không sợ bị cướp ngôi, mà dìm quân thù ở cửa sông Bạch Đằng. Trước khi giặc Nguyên sang, Trần Khâm (vua Nhân tông) và Quốc Tuấn (Hưng Đạo vương) cũng chỉ là vua quan hưởng lộc, lại mang nỗi thù hiềm vì cha ông đánh lẫn nhau, hằm hè giữ vương quyền. Ấy thế mà khi giặc đến, lại đồng tâm hiệp lực, coi dân như ruột thịt, đánh tan ngoại xâm.
Bài học 5: Bài học mất nước. Khi nhà Hồ lên, thế nhà Minh đang thịnh. Cha con Hồ Quý Ly là những người xuất chúng, lấy ngôi nhà Trần, xoay chuyển đại cục. Nhưng nhà Hồ mắc sai lầm, không coi trọng dân. Nhà Hồ xây cất cung điện, vắt kiệt sức dân, giết tôn thất nhà Trần, khiến dân oán hận. Đến nỗi Hồ Nguyên Trừng kêu: Thần không sợ đánh, chỉ sợ dân không theo. Đến khi giặc đến, không biết mình biết ta, lại nghênh chiến, đến nỗi quân đội bị tan. Từ chỗ coi dân như cỏ rác, chỉ lăm le giữ ngôi, đến chỗ thất bại chỉ trong giang tấc. Đã thế, khi giặc bắt, cha con nhà Hồ cam tâm phục vụ triều Minh, làm quan hưởng lộc, mặc cho đất nước bị 10 năm đau thương, quân Minh phá nát các thành quả văn hóa truyền thống.
Bài học 6: Lê Lợi chỉ là một lãnh tụ nông dân, nổi lên ở vùng rừng núi, mà sử dụng văn thần, võ tướng, dần mạnh lên, đánh thắng quân Minh. Nếu cứ sợ thế giặc mạnh, sao có thể đủ sức cầm cự, đương đầu với giặc?
Bài học 7: Lê Chiêu Thống thấy nguy cơ mất ngôi, cầu cứu nhà Thanh. Quang Trung ra quân thần tốc, đánh tan quân Thanh. Bài học là dùng binh như thần, đánh vào lúc quân Thanh không ngờ đến. Hai mươi vạn quân Thanh, trong khi Tây Sơn chỉ có không quá mười vạn. Nhưng thế nước để xuất hiện Quang Trung Nguyễn Huệ, thì phải trả giá khá đắt vì nhiều năm nội chiến, dân tình thống khổ. Quang Trung là trường hợp cá biệt, anh hùng xuất hiện ở ngoại vi, ngoài khu vực triều đình. Nếu triều đình thối nát, thì trong dân sẽ xuất hiện anh hùng. Nhưng cái giá máu xương là lớn.
Bài học 8: Hòa ước Nhâm Tuất 1862. Khi triều đình Nguyễn phải đối phó với các cuộc nổi dậy ở Bắc kỳ, ở phía Nam các tướng đang chống Pháp. So sánh mối lợi hại, Tự Đức chọn cách giữ ngai vàng, hòa hoãn với Pháp để rảnh tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống triều đình. Kết quả là mở đầu một giai đoạn mất nước vào tay Pháp. Nhà Nguyễn có nhiều công lao với đất nước, nhưng lo mối lợi giữ ngai vàng, bỏ số phận dân tộc và đất nước, cho nên bị lịch sử nguyền rủa. Tự Đức chắc cũng nghĩ hòa hoãn với Pháp thì Pháp thôi xâm chiếm, chỉ mất 3 tỉnh thôi. Nhưng Tự Đức quả là một ông vua phản nước. Kẻ nào chỉ khư khư giữ lấy chế độ, không đếm xỉa đến nhân dân, thì lịch sử sẽ vứt chúng vào sọt rác.
Bài học 9: Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh muốn chìa tay với Pháp, nhân nhượng hết mức. Hồ Chí Minh chịu nhục, bỏ yêu cầu độc lập, chấp nhận là quốc gia tự do trong khối Liên hiệp Pháp. Nhưng nước Pháp huênh hoang vốn coi dân Việt như thần dân của Tự Đức, kiên quyết không chịu. Dẫn tới cuộc kháng chiến 9 năm máu chảy xương rơi cho cả hai nước, kết thúc bi tráng ở Điện Biên. Hồ Chí Minh là anh hùng, tương tự như Quang Trung, xuất hiện ở ngoại vi, khu vực không thuộc triều đình. Nhưng như vậy thì dân tộc phải trả giá đắt bằng xương máu. Tại sao trong khu vực triều đình cầm quyền lại có thời không xuất hiện anh hùng? Đó là bí ẩn lớn của lịch sử.
(NXH)

Tự vịnh

Người kề cận sáu mươi chả gọi là già
Cũng chẳng trẻ để mà khuếch khoác
Đã tiêu gần xong bầu nam tính
Anh trở về thiếu phụ hết tiết trinh
Ngại nhắc năm nhớ tháng đã qua mình
Ngại sinh nhật tính đã ngần này tuổi
Bạn thì tốt mừng anh ngày sinh tới
Anh thì không biết mếu hay cười
Cuộc đời kia nước chảy hoa trôi...
Ai cũng chỉ một lần trong trời đất...

 11/5/2014




MỪNG SINH NHẬT NGUYỄN XUÂN HƯNG


TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI MẸ

Cảm ơn đời đã có thêm một mẫu người mẹ mới: người mẹ đơn thân. Cảm ơn mọi người đã chấp nhận hình ảnh người mẹ cùng với con mà không cần đến một ông bố hữu hình kè kè bên cạnh. Cụ thể hơn, cảm ơn hàng xóm láng giềng của tôi, khi nhìn thấy hai mẹ con cùng nhau xuống sân chung cư, đã không dáo dác nhìn ngược nhìn xuôi tìm xem “bố nó đâu”. Tôi không ưa những cái liếc mắt hay cái nhìn tò mò thương hại. 

Tại sao những câu hỏi không đặt ra với những người đàn ông mà luôn chỉ đặt ra với người đàn bà? Người đàn ông ấy cũng có thể đang là bố của một đứa trẻ nào đó chứ. Anh ta không bị nhìn với cặp mắt phê phán, chỉ vì anh ta không mang theo nó trong bụng mình chín tháng mười ngày, không nuôi nấng nó. Sự thiếu trách nhiệm của anh ta, lẽ ra đáng trách, đáng phê phán, thực tế lại đã được lờ đi vì “khuất mắt”. Còn người mẹ, thực ra, cô ấy chỉ làm tròn chức phận của mình thôi: cô ấy mang thai và sinh con, nuôi con, dù có một mình. Khi phải gồng mình lên gánh cả hai trách nhiệm, cô ấy lại bị dè bỉu, kỳ thị, trong khi lẽ ra cô ấy cần được giúp đỡ, cần được trân trọng, bởi đã dám hy sinh tuổi xuân của mình, sức khỏe của mình và thậm chí cả nhan sắc của mình nữa, cho một sinh mệnh mới mẻ có mặt ở trên đời.

Tôi không đề nghị dư luận phải “rộng lòng chấp nhận” người mẹ đơn thân. Theo tôi, chẳng có gì mà phải rộng lòng. Cứ theo những lẽ thường của cuộc sống mà xét, thì người mẹ đơn thân xứng đáng được hưởng tất cả sự kính trọng dành cho những người mẹ, vì cô ấy đã làm tròn thiên chức của mình. Cô ấy cũng đáng được hưởng những quyền lợi của cả ông bố và bà mẹ, vì một mình cô ấy phải làm tròn cả hai chức trách này.

Kết hôn vội vã cho thoát khỏi tâm lý “ế chồng”, kết hôn vì nhầm lẫn, để tạo ra một gia đình không mấy hạnh phúc, để rồi dẫn đến đổ vỡ, ly hôn… thì rồi cũng thành ra bố, mẹ đơn thân cả thôi, mà làm liên lụy đến bao nhiêu người khác, làm nặng gánh thêm cho gia đình, xã hội. Thay vì thế, can đảm đối diện với cuộc sống của mình, độc lập trong lựa chọn, tôi tán thành những người mẹ đơn thân và tôn trọng lựa chọn của họ. Xã hội mở rộng dần tự do cá nhân, nhưng những định kiến thì không phải một sớm một chiều phai nhạt được. Xã hội cần tác động tích cực vào những định kiến ấy, thay đổi nó, để nó không đè nặng lên những thân phận con người.

Tình yêu của người đàn bà dành cho con mình là khởi nguồn của khả năng yêu thương trong suốt cuộc đời đứa trẻ. Nhiều, thậm chí có thể rất nhiều người đàn bà khác có thể yêu, có thể sống làm việc và thành đạt trong nghề nghiệp của mình, nhưng không phải người đàn bà nào cũng có thể hy sinh cuộc đời mình cho con. Đứa trẻ sẽ tự hào về mẹ nó, sẽ không phải day dứt xấu hổ vì thiếu bố, nếu xã hội không đặt ra trước mắt nó một biểu tượng đương nhiên là mọi - người - đều - có - bố - và - mẹ, mà tại sao mình lại không? Từ góc độ một người mẹ đơn thân, tôi nghĩ các hình thái khác nhau của gia đình (đầy đủ/ không đầy đủ bố mẹ) cũng phải được nhìn nhận như một hiện tượng xã hội thông thường. Cần dạy đứa trẻ chấp nhận điều này một cách bình thường, như cách mà tác giả “Những tâm hồn cao thượng” đã dạy chú bé tôn trọng và đối xử bình thường với người bạn nghèo. Suy cho cùng, đơn thân là hệ quả, khi khả năng độc lập tự chủ của người phụ nữ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đều đã được nâng cao. (Theo Dân trí)

HỊCH NGƯỜI VIỆT.

Nữ sĩ Nguyễn Bích vừa gửi cho BBT bài Hịch chị mới viết xong thể hiện suy nghĩ của một cô giáo  trước vận mệnh của đất nước. Nguyễn Bích nói rằng, đây là lần đầu tiên cô ấy tập viết hịch và mong được bạn đọc blogE quan tâm, góp ý cho cô hoàn thiện kỹ năng của mình. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

SUY NGHĨ NGƯỜI VIỆT

Ta đây
người Việt Nam
Vốn chỉ thích hiền lành chân chất
Yêu con người
Yêu quê hương, sự thật
Chẳng bon chen
Chẳng thích bão giông gào


Nhưng mà
Giặc lăm le lòng dạ thấy cồn cào
Cơm lưng bát
Lệ hoen mi bao bữa
Nghe tin tức
Bực mình không muốn ngủ
Ôm trong lòng nỗi căm giận xót xa

Cho nên
Ngày lại ngày ghép chữ viết thơ ca
Người chiến sĩ
chiến đấu bằng con Chữ
Nhen ngọn lửa
Cháy lên...bừng lên nữa
Luôn nhớ mình
là con cháu Tiên Rồng

Ngẫm xưa nay
bao nhiêu trận oai hùng
Đều mưu kế...Để bớt đi vũ lực
Nguyễn Trãi xưa
Đã dùng Thư dụ giặc
Miếu bên sông
Lí Thường Kiệt ... Vọng Thần

Xét bây giờ
Trung Quốc đã lấn sân
Nhưng Tổ Quốc có Tên và giới hạn
Bao nước mạnh
Đồng minh...ta kết bạn
Gọi đồng tình
Lấy Ý kiến Nhất Tâm
Kêu Người dân
Yêu nước vẫn Ủ lòng
Bừng bừng dậy
Kẻ thù nào chẳng thắng....

Mấy lời Hịch
Ngày tháng Năm Tĩnh lặng
Quyết tâm dành chiến thắng
Việt Nam ơi!
(Kinh Môn  9/5/2014)

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

THƠ CỘNG TÁC VIÊN MỚI

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm mới của cô giáo Nguyễn Thị Bích, Trường tiểu học Minh Đạo, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn (Hải Dương), một ngôi sao sáng trên bầu trời thi ca Hải Dương thời gian gần đây.

XIN ANH!

Dù thương em
Đừng bao giờ
Anh nói:
Suốt đời này
Yêu cô Tấm - em thôi

Giữa sông tình
Muôn ngọn sóng chơi vơi
Em không muốn
Bể dâu...
hồn... Cô Tấm!

Anh biết không:
giữa dòng đời xuôi ngược
Em thầm mơ
Nàng Thị Nở ngày xưa

Chí Phèo say
Thị Nở cũng đong đưa
mũi phập phồng
Duyên mặn nồng...ai sánh

Giữa hoàng cung
Cô Tấm sao thấy lạnh
Vàng son ư?
Tình Người chết ...lâu rồi!

Hãy yêu em
Như yêu ánh mặt trời
Nhưng đừng khoác
Cho hồn em...ảo vọng!
(NTB)

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

XAO XUYẾN ĐIỆN BIÊN

Nhân dịp kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mình đã lên Điện Biên và chứng kiến sự đổi thay của vùng đất ngày xưa từng là bãi chiến trường. Bao cảm xúc lẫn lộn vui buồn trào dâng trong lòng thôi thúc mình viết bài thơ này. Sắp đến ngày 7-5,  xin giới thiệu bài thơ mới tới bạn bè lớp E và bạn đọc của Blog E (NCT).

XAO XUYẾN ĐIỆN BIÊN
Có phải anh đến Điện Biên quá muộn
Nên hoa ban không thể đợi chờ?
Chiều Hồng Cúm nắng vàng tơ nhuộm
Xao xuyến lòng Nậm Rốm mộng mơ.

Có phải anh đến Điện Biên quá muộn?
Đỉnh đầu em Tăng Cẩu đã cuộn rồi
Rượu “xam xiêu” say múa xòe múa sạp
Say mắt cười, say cả những làn môi…

Đến Điện Biên cứ rạo rực bồi hồi
Bãi chiến trường xưa nay là vùng du lịch
Những trận đánh đã hóa thành cổ tích
Địch và ta đều đã ở thiên đường.

Đến Điện Biên bỗng bịn rịn xứ Mường
Hương khói bâng khuâng Nghĩa trang Độc Lập
Những người lính chúng mình chưa từng gặp
Sáu mươi năm im lặng giữ đất này.

Giả tướng Pháp hàng anh giơ hai tay
Em nắc nẻ cười trước hầm Đờ Cát
Anh bỗng thấy rưng rưng khóe mắt
Sao chiến tranh lại kéo đến nơi đây?

Trời Điện Biên mây trắng vẫn bay… bay…
Hoa ban nở trên môi em gái Thái
Rượu khát vọng tay cứ quàng cổ mãi
Chén cạn rồi
Vẫn chẳng muốn rời xa…
(Điện Biên – tháng 4/2014)

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

CHUYỆN KỂ VỀ SỰ LINH THIÊNG CỦA MÁ !

Chị Trần Bình Thuận đang sinh sống và làm việc ở Budapest (Hungari) có một câu chuyện rất cảm động về người mẹ của mình, một chiến sĩ cách mạng đã hi sinh vào ngày 30/4/1975. BlogE xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc

Nhân dịp 39 năm thống nhất đất nước ( 30-04-1975-30-04-22014 ), cũng là ngày người má thân yêu của tôi đã hy sinh vì Tổ Quốc. Tôi xin viết sơ qua về cuộc đời của má như một sự tri ân và lòng kính yêu vô hạn đối với má của tôi.

Má tôi được sinh ra trong một gia đình khá giả, ông bà ngoại tôi là một thương gia giàu có , bị coi là giai cấp tư sản, chính vì vậy, tuy là con gái, ông bà ngoại vẫn gửi má ra Huế học ở trường Đồng Khánh, cũng chính nơi này, má đã gặp ba, cũng con nhà khá giả ra Huế học.

Huế là nơi gặp gở và tình yêu đến với ba má. Sau khi học xong ở Huế, ba má tôi thành vợ thành chồng, mặc cho ông ngoại tôi phản đối , ông ngoại cho là ba tôi đã " rủ rê” má tôi tham gia cách mạng. Cả nhà phía ngoại chỉ có một mình má tôi tham gia cách mạng.

Má tôi vẫn quyết tâm theo đuổi lý tưởng của minh và quyết tâm lấy ba tôi. Ông bà ngoại thấy vậy nên không ngăn cấm má nữa. Sau đó ông bà ngoại chia tài sản cho các con trong đó có má tôi.

Ba má tôi đã dùng số tiền đó ủng hộ cuộc kháng chiến, như mua gạo, quần áo, thuốc men…

Ba tôi tham gia quân đội, má tôi tham gia công tác phụ nữ, hoạt động bí mật trong nội thành…

Khi hiệp đinh Gie- ne- vơ được ký kết cả ba má tôi được lệnh tập kết ra miền Bắc nhưng má không đi, mà xin tổ chức cho ở lại tiếp tục hoạt động cơ sở bí mật cho CM MN, một phần vì bà ngoại tôi ( ông ngoại tôi đã mất), một phần vì má đang mang thai…..
Ba tôi rất buồn là má không đi cùng và cũng từ năm đó ba má tôi chịu cảnh sống chia ly người Nam kẻ Bắc. Hai mươi năm sau (1975), khi ba cùng đoàn quân vào giải phóng sài Gòn, khi đi ngang qua TXQN, ghé vào nhà tìm má và em gái tôi thì má đã hy sinh cách đó vài ngày. Ba má xa nhau 20 năm và vĩnh viễn xa nhau mãi mãi.

- Hôm nay nhân ngày thống nhất đất nước 30-04, tôi muốn kể những điều linh thiêng về người má thân yêu của tôi

Năm 1977 khi tôi tốt nghiệp đại học, chuẩn bị làm thủ tục về nước.

Một buối đầu hè của năm 1977, hai năm sau ngày giải phóng, tôi nhận được thư của ba tôi sau bao nhiêu năm mong đợi. Trong thư ba báo tin má tôi đã hy sinh hôm QN được giải phóng 24-03-1975, nhưng để cho tôi học xong, hai năm sau ba mới báo tin cho tôi.

Lúc đó tôi tưởng mình không còn đủ sức gượng dậy vì nổi đau quá lớn.

Trong suốt chặn đường dài ( lúc đó chỉ đi tàu liên vận quốc tế) 02 tuần trở về quê hương, tôi mong đoàn tàu hãy đưa tôi thật nhanh để về gặp lại người cha bao nhiêu năm xa cách, tôi biết mình đã xa người mẹ vĩnh viển.

Khi đoàn tàu về đến ga Hàng Cỏ, từ xa tôi đã nhận ra ba. Ba chạy đến ôm chầm lấy tôi và hai ba con khóc nức nở, tôi vừa mừng được gặp lại ba, nhưng đau đớn vì mãi mãi tôi không còn má…

Tôi nhớ mãi ba tôi đưa tôi lên tàu chợ về Hải Phòng ( lúc đó ba tôi công tác ở BTL Hải Quân), đường hơn 100 km mà 13 tiếng sau mới về tới HP.
Trên tàu tôi lắng nghe ba kể về sự hy sinh của má, ba rất đau khổ khi cùng đoàn quân vào đến QN thì má đã hy sinh trước đó vài ngày, ba nói 20 năm xa nhau, mong ngày gặp lại má, vậy mà…..

Mỗi lời ba kể làm tim tôi thắt lại, tôi khóc sưng cả mắt….

Mấy ngày sau, ba tôi kể tiếp về má , ba bảo má tôi thiêng lắm, hôm về QN em gái tôi và người dân ở quê kể rằng: khi chiến sự xãy ra, địch rút lui, dân địa phương và du kích tìm thấy xác má tôi và đưa vào tạm chôn cất ở vườn mía của một bác từng sinh hoạt Đảng cùng chi bộ. Chờ chính quyền làm thủ tục đưa má tôi về nghĩa trang LS.

Trong thời gian má tôi "nằm" tạm trong vườn , các bác ấy luôn thắp hương cho má, họ kể rằng: má tôi hay hiện về nói lời cảm ơn với họ, sau một thời gian nhà họ làm ăn phát đạt, cuộc sống rất sung túc…

Còn em gái tôi kể rằng, khi cúng 49 ngày của má, em gái tôi và họ hàng đang quì trước bàn thờ của má, bổng em gái tôi nghe tiếng má tôi nói rằng:

- Con ơi, lúc má bị địch bắn, má bị vở mất kính, và lúc đi công tác má mặc một áo nên bây giờ con gửi kính và áo cho má để má nhìn thấy và đở lạnh nghen con.

- Sau một lúc im lặng, em gái tôi lại nghe tiếng má tôi nói tiếp:

- Có kẻ thù đứng sau đó con.

- Em gái tôi quay lại thì thấy ông bảy Nam, ngày xưa làm chỉ điểm cho cảnh sát ngụy.
Sau khi ông bảy Nam đi cải tạo về, ông hành nghề lái xe lam, mỗi khi xe chạy gần đến cầu Phủ ( nơi má tôi bị địch bắn chết), xe bao giờ cũng bị tắt máy, những hành khách trên xe bảo vói ông bảy Nam : " chị Ng. về quở trách ông đó, ông hãy thắp hương khấn, để chị cho đi..", Ông bảy Nam đã làm theo lời hành khách , y rằng sau khi ông thắp hương khấn má tôi, xe lại nổ được máy. Câu chuyện này chính tai tôi nghe người dân ở đây kể lại khi tôi về thăm quê và mộ má của tôi.

Ba tôi để tang má tôi được ba năm, đến năm 1978 ba tôi đi bước nữa, vì ba tôi lúc đó còn trẻ.

Ba tôi kể rằng một hôm vào lúc nửa đêm, vợ hai của ba tôi, đánh thức ba tôi dậy với sự sợ hải và nói với ba:

- Chị Nguyệt về nói chuyện với em là hãy đối xử tốt với ba đứa con của chị ấy. Anh hãy lập bàn thờ và thường xuyên thắp hương cho chị vì chị thiêng lắm. Ba tôi không tin vì suốt đời ba ở bộ đội có bao giờ ba cúng bái đâu. Ba tôi không nghe theo lời của bà vợ hai..

Đêm hôm sau, má tôi hiện về nói chuyện với ba tôi, lúc đó ba mới tin, và cũng kể từ hôm đó ba tôi thờ cúng má tôi với một tấm lòng trân trọng.

Sau khi tôi lấy chồng và hai vợ chồng tôi ở riêng, nhà chúng tôi ở phố Cầu Đất, còn nhà bố mẹ chồng tôi ở phố Lý Tự Trọng, vậy mà một hôm mới sáng sớm, mẹ chồng tôi đạp xe đến nhà tôi, bà bảo : nhà các con bị rơi vở gì à? Bà quay sang tôi: tối hôm qua má con về gặp mẹ, gửi gắm con cho mẹ, và mong mẹ hãy đối xử tốt với con.Tôi nói với mẹ chồng tôi:

- Mẹ ơi, má con mất lâu rồi, hơn nữa má con trong Nam, mẹ không biết mặt, làm sao mẹ lại biết đó là má con.

- Má con rất giống trong tâm hình chụp với anh em của con.

Mẹ chồng tôi bảo vợ chồng tôi phải lập bàn thờ ngay, để thờ má tôi.

Còn việc vỡ lọ lục bình ở nhà tôi là đúng như trong giấc mơ của mẹ chồng tôi, và bà nói phải lập bàn thờ thổ công nơi vợ chồng tôi đang sống. Suốt đầu năm 1980 đến giờ bất cứ ở đâu vợ chồng tôi đều có hai bàn thờ: thờ má tôi và thờ thổ công.

Còn riêng tôi, bao giờ tôi cũng thấy má luôn bên cạnh và phù hộ tôi trong mọi việc.

Cuộc đời của tôi rất thiếu tình thương gia đình ba má, nhưng bù lại tôi rất may mắn trong mọi việc

Khi có chuyện gì buồn hay không may xãy ra , tôi thường tâm sự với má, má thường hiện về an ủi vổ về tôi. Tất cả mọi điều không vui và khó khăn biến mất. Tôi lấy một ví dụ: chổ tôi làm việc nói chung mọi người rất tốt với tôi, nhưng có một người luôn ganh ghét với tôi, nhiều khi dùng những từ không lịch sự …Tôi thấy buồn lắm. Tôi ngồi trước di ảnh của má vừa nói vừa khóc vơí má. Hôm sau, tôi thấy người ấy không đi làm, hỏi các đồng nghiệp mới biết là xe ông ta bị đâm vào cây, người không sao nhưng xe hỏng không đi được. Có điều tôi ngạc nhiên, sau hôm đó ông ta đối với tôi rất tốt. Mãi sau này ông ta mới nói với tôi, là khi ngủ, đến đêm có một phụ nữ hiện về nói là mẹ của tôi, và lần này bà chỉ phạt nhẹ, lần sau bà sẽ không tha.. Chuyện xãy ra làm ông ta sợ quá.

Chuyện xãy ra mới đây nhất, là hôm hai vợ chồng có chuyến du lich đến làng cổ Hallstatt-Áo. Trước lúc khởi hành, tự dưng tôi làm rơi cái vòng ngọc chồng tôi tặng kỷ niệm 30 năm ngày cưới vỡ làm đôi, tôi sống tâm linh nên tôi sợ lắm, không dám nói với chồng. Tôi đấu tranh tư tưởng: Đi hay không đi. Sợ làm hỏng việc của mọi người, tôi liền thắp hương khấn má, tôi nhắm mắt lại, thấy má hiện về và bảo. Con yên tâm đi cùng chồng và các bạn. Má theo phù hộ cho các con. Suốt dọc đường tôi vô cùng lo lắng. Khi đến nơi an toàn, tôi nói với má: con cảm ơn má của con. Khi về đến Budapest, tối hôm đó tôi mới nói sự việc xãy ra với chồng. Anh tròn mắt nhìn tôi và thốt lên: Má ơi, chúng con cảm ơn má !

Thật sự nghiệm lai các chuyện xảy ra , tôi tin má luôn bên cạnh chúng tôi, nhất là đối với tôi, bà luôn che chở và phù hộ cho cuộc đời của tôi. Có lẽ với bà tôi là đứa con gái bé bỏng, yếu đuối cần được chở che như ngày xa bà, tôi mới lên 10 tuổi.

Chồng tôi luôn nói với tôi: " má mất trẻ nên má linh thiêng lắm ". Cảm ơn má đã luôn che chở cho chúng con.

Kính thưa các anh, các chị, các bạn và quí độc giả.

Tôi đang tập trung viết hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng của má tôi. Một ngày không xa tôi xin được giới thiệu và chia sẻ với các anh chị và các bạn
(TBT - 29/4/2014)