Bài học 1: Khi nhà Nam Hán hùng hổ mang tàu chiến xâm phạm vào cửa biển Việt Nam, nội bộ cầm quyền ở Đô hộ phủ (Cổ Loa) đang rối ren. Kiều Công Tiễn vừa giết Dương Đình Nghệ. Lòng dân hoang mang, lòng quan phân tán. Kẻ thù xuất chiêu hẳn Thái tử cầm quân, coi đất đai đô hộ là hàng huyện. Xem ra sự khinh thường cũng lớn lắm. Quân hùng tướng mạnh, tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch. (Cần hiểu rằng, khi đó nước ta chưa có triều đình, chỉ có Đô hộ phủ, do quan lại người Trung Quốc cầm chịch, đã bị Dương Đình Nghệ đánh đuổi, rồi thay thế) Bỗng đâu xuất hiện Ngô Quyền. Ông chỉ là con rể họ Dương, làm thứ sử ở một châu miền núi. Đoạn tiếp người Việt ai cũng biết. Lịch sử người Việt lạ lùng, cứ bị dồn đến cùng, tất biến, và nảy sinh anh hùng.
Bài học 2: Khi vua con nhà Đinh bị giết, triều đình lục đục, vua nhỏ bé tý tẹo 6 tuổi. Quân Tống lại hùng hổ kéo sang mong nuốt gọn Đại Việt. Dương Thái hậu mang phắt ngôi vua trao cho Lê Hoàn. Một là giữ ngôi, hai là giữ nước. Cứ mang tiếng Dương Thái hậu thông dâm, nhưng mà dân tộc thì còn. Nhà Đinh hết thì có nhà Lê, lo gì bổng lộc không còn, đất đai vì thế mà tồn tại. Hỡi ơi, Dương Thái hậu ở đâu rồi?
Bài học 3: Khi vua Lý Nhân tông còn nhỏ, triều đình phân phe phái, phe theo Thái hậu Ỷ Lan, phe theo Thái hậu Thượng Dương. Nhà Tống lại muốn nhân nước Đại Việt lục đục, triều đình yếu thế, thì mang quân chiếm lấy. Lý Thường Kiệt bèn mang quân đội đánh phủ đầu tận Khâm Châu, Ung Châu. Đó là lần duy nhất quân đội Đại Việt đánh sang đất Tống. Sau đó, quân Tống kéo sang trả thù tận sông Như Nguyệt. Nhà Lý có tổn thất lớn, các hoàng tử tử trận, nhiều tướng thiệt mạng, nhưng cuối cùng tinh thần dân tộc dâng cao, đánh tan quân đội nhà Tống. Sao lại có thời xuất hiện một người anh hùng kỳ lạ như Lý Thường Kiệt, không tiếc thân mình phụng sự triều đình. Triều đình một lòng không đội trời chung với quân thù.
Bài học 4: Khi triều Trần mới lấy ngôi từ nhà Lý, nhà Nguyên mới lấy được Trung Quốc, thay thế nhà Tống. Quân Mông Thát chiếm hầu hết thế giới, nhân thể coi Đại Việt như tôm tép, tưởng có thể lấy được ngay, bèn mang quân xuống năm Nguyên Phong 1258. Nào ngờ gặp sức chống cự của Nhà Trần. Khi đó tình thế chênh lệch, vua Trần đã nghĩ đến đầu hàng, may nhờ có TRần Thủ Độ kiên quyết: Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo. Đến năm 1285, tức là 27 năm sau, nhà Nguyên đang cực thịnh, lại mưu thôn tính. Khi này, nhà Trần nhẫn nhịn, đến nỗi sứ thần nhà Nguyên cưỡi ngựa qua cửa cấm thành (chỉ dành cho vua), cầm roi quất lung tung vào quan lại nhà Trần. Nỗi nhục rất lớn. Nội bộ triều đình có phân hóa. Tầng lớp Nho sĩ bắt đầu lớn mạnh, coi thánh hiền là Khổng Mạnh, coi Trung Nguyên là quê hương thánh hiền. Đã có lúc quan lớn đầu hàng, hoàng tử đầu hàng, vua tôi bỏ kinh thành chạy loạn. Song do vua Trần thi hành chính sách đại đoàn kết, dùng người tài, không sợ bị cướp ngôi, mà dìm quân thù ở cửa sông Bạch Đằng. Trước khi giặc Nguyên sang, Trần Khâm (vua Nhân tông) và Quốc Tuấn (Hưng Đạo vương) cũng chỉ là vua quan hưởng lộc, lại mang nỗi thù hiềm vì cha ông đánh lẫn nhau, hằm hè giữ vương quyền. Ấy thế mà khi giặc đến, lại đồng tâm hiệp lực, coi dân như ruột thịt, đánh tan ngoại xâm.
Bài học 5: Bài học mất nước. Khi nhà Hồ lên, thế nhà Minh đang thịnh. Cha con Hồ Quý Ly là những người xuất chúng, lấy ngôi nhà Trần, xoay chuyển đại cục. Nhưng nhà Hồ mắc sai lầm, không coi trọng dân. Nhà Hồ xây cất cung điện, vắt kiệt sức dân, giết tôn thất nhà Trần, khiến dân oán hận. Đến nỗi Hồ Nguyên Trừng kêu: Thần không sợ đánh, chỉ sợ dân không theo. Đến khi giặc đến, không biết mình biết ta, lại nghênh chiến, đến nỗi quân đội bị tan. Từ chỗ coi dân như cỏ rác, chỉ lăm le giữ ngôi, đến chỗ thất bại chỉ trong giang tấc. Đã thế, khi giặc bắt, cha con nhà Hồ cam tâm phục vụ triều Minh, làm quan hưởng lộc, mặc cho đất nước bị 10 năm đau thương, quân Minh phá nát các thành quả văn hóa truyền thống.
Bài học 6: Lê Lợi chỉ là một lãnh tụ nông dân, nổi lên ở vùng rừng núi, mà sử dụng văn thần, võ tướng, dần mạnh lên, đánh thắng quân Minh. Nếu cứ sợ thế giặc mạnh, sao có thể đủ sức cầm cự, đương đầu với giặc?
Bài học 7: Lê Chiêu Thống thấy nguy cơ mất ngôi, cầu cứu nhà Thanh. Quang Trung ra quân thần tốc, đánh tan quân Thanh. Bài học là dùng binh như thần, đánh vào lúc quân Thanh không ngờ đến. Hai mươi vạn quân Thanh, trong khi Tây Sơn chỉ có không quá mười vạn. Nhưng thế nước để xuất hiện Quang Trung Nguyễn Huệ, thì phải trả giá khá đắt vì nhiều năm nội chiến, dân tình thống khổ. Quang Trung là trường hợp cá biệt, anh hùng xuất hiện ở ngoại vi, ngoài khu vực triều đình. Nếu triều đình thối nát, thì trong dân sẽ xuất hiện anh hùng. Nhưng cái giá máu xương là lớn.
Bài học 8: Hòa ước Nhâm Tuất 1862. Khi triều đình Nguyễn phải đối phó với các cuộc nổi dậy ở Bắc kỳ, ở phía Nam các tướng đang chống Pháp. So sánh mối lợi hại, Tự Đức chọn cách giữ ngai vàng, hòa hoãn với Pháp để rảnh tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống triều đình. Kết quả là mở đầu một giai đoạn mất nước vào tay Pháp. Nhà Nguyễn có nhiều công lao với đất nước, nhưng lo mối lợi giữ ngai vàng, bỏ số phận dân tộc và đất nước, cho nên bị lịch sử nguyền rủa. Tự Đức chắc cũng nghĩ hòa hoãn với Pháp thì Pháp thôi xâm chiếm, chỉ mất 3 tỉnh thôi. Nhưng Tự Đức quả là một ông vua phản nước. Kẻ nào chỉ khư khư giữ lấy chế độ, không đếm xỉa đến nhân dân, thì lịch sử sẽ vứt chúng vào sọt rác.
Bài học 9: Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh muốn chìa tay với Pháp, nhân nhượng hết mức. Hồ Chí Minh chịu nhục, bỏ yêu cầu độc lập, chấp nhận là quốc gia tự do trong khối Liên hiệp Pháp. Nhưng nước Pháp huênh hoang vốn coi dân Việt như thần dân của Tự Đức, kiên quyết không chịu. Dẫn tới cuộc kháng chiến 9 năm máu chảy xương rơi cho cả hai nước, kết thúc bi tráng ở Điện Biên. Hồ Chí Minh là anh hùng, tương tự như Quang Trung, xuất hiện ở ngoại vi, khu vực không thuộc triều đình. Nhưng như vậy thì dân tộc phải trả giá đắt bằng xương máu. Tại sao trong khu vực triều đình cầm quyền lại có thời không xuất hiện anh hùng? Đó là bí ẩn lớn của lịch sử.
(NXH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét