Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Tôi không dự ngày truyền thống của trường chuyên Nguyễn Trãi

Tôi không tham dự ngày truyền thống của trường chuyên Nguyễn Trãi, vì mấy lý do sau đây (cả mấy lý do, chứ không phải vì một lý do nào)
1. Dịp đó tôi bận
2. Tôi không thích chương trình kỷ niệm của Ban Tổ chức. Việc này tôi đã góp ý đàng hoàng, trực tiếp với một người thuộc Ban tổ chức. Tôi cho rằng, đó chỉ nên là chương trình kỷ niệm ngày truyền thống của Trường Chuyên Nguyễn Trãi thôi. Những lớp chuyên toán trước khi có trường Nguyễn Trãi chỉ nên là đại diện, kiểu như các bạn "về nguồn", chứ những người học chuyên toán trước đó không hề có kỷ niệm gì với trường Nguyễn Trãi của các bạn, trước đó cũng chỉ có một lớp chuyên toán, gửi vào các trường cấp 3. Nếu chương trình như các bạn vạch ra, thì vô hình chung đã không tôn trọng sự thật đó, gộp các lớp chuyên toán trước kia vào giống như các bạn đã học ở trường Nguyễn Trãi. Bạn phải nghĩ ra cách tổ chức thế nào đó, để buổi đó không biến thành buổi mít tinh, mà những người không phải quan chức, người không phải trường Nguyễn Trãi không bị lạc lõng.


Nói thêm về ý này: Tôi, tự đáy lòng, vẫn coi mình là học sinh lớp chuyên toán Hải Hưng thuộc Cấp 3 Thị xã Hưng Yên, kỷ niệm của tôi là về Trường cấp 3 Hưng Yên, các thày cô giáo tôi là thày cô ở cấp 3 Hưng yên, bạn bè đồng môn của tôi là ở Cấp 3 Hưng Yên. Vậy không có cớ gì tôi coi mình là một phần của trường Nguyễn Trãi. Nhưng nếu trường Nguyễn Trãi mời tôi như một đại biểu đi dự đại biểu cho các lớp chuyên trước kia, thì được, giống như các đơn vị khác mời, nhưng phải có giấy mời đại biểu, chứ tôi không phải học sinh trường Nguyễn Trãi, để đọc một cái thông báo trên mạng là đến. Tôi nghĩ các bạn thuộc các lớp học tại Cấp 3 Nam Sách, cấp 3 Hồng Quang cũng có tâm lý như vậy thôi. Chẳng phải tôi cao ngạo, mà vì một lý do đạo lý và khiêm tốn. Các thày cô giáo, bạn bè tôi ở cấp 3 Hưng yên sẽ nghĩ thế nào, nếu tôi tự coi mình là một phần của trường Cấp 3 Nguyễn Trãi.
3. Tôi đã nói thằng suy nghĩ của mình với một bạn ở Ban Tổ chức về chương trình, và rõ là bạn đó không thích. Nhất là chương trình thi lấy 10 bài hát truyền thống, tôi nói thế thì thành Hội diễn không chuyên. Một buổi lễ mà hát đến 10 bài tự sáng tác thì không ai chịu nổi. Chắc vì cách nói thẳng tưng của tôi mà các bạn không hề thích. Một bạn nào đó cũng đã tự xóa kết bạn chia sẻ Facebook Hội những người bạn trường Nguyễn Trãi, sau khi tôi góp ý về những comment của các bạn trẻ ấy (dĩ nhiên cũng có thể là tình cờ ai đó xóa, chứ không chắc là vì góp ý mà xóa). Các bạn toàn dùng từ "Nguyễn Trãi" ẩn từ "trường". Ví dụ: Nguyễn Trãi giỏi giang, Nguyễn Trãi đã đạt (cái này cái kia)... Nếu một Hội các người bạn mà không chấp nhận một ý kiến khác, thì hội ấy không biết thực chất lập ra nhằm mục tiêu gì?
4. Đây là chia sẻ nội bộ của tôi trên trang Blog E, tôi không có ý chia sẻ ý kiến này ra ngoài trang này. Đây chắc hẳn cũng là bệnh già, cái gì cũng suy đi nghĩ lại. Nhí nhố phạm vi hẹp, mà nghiêm trang ở đám đông. Các bạn trường Nguyễn Trãi nên để 10-20 năm nữa, thế hệ các lớp chuyên toán trước kia lụ khụ hoặc chết hết rồi, chỉ còn kỷ niệm về các lớp chuyên toán Hải Hưng nhắc nhở lại trên một dòng chữ vô hồn thôi, thì chẳng còn ý kiến nói ngang như của tôi. Nhưng khi đó, chắc gì các bạn đã coi chúng tôi là "tiền thân" của các bạn.
NXH

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Đi ăn rươi (Đi ăn mlt)

Gọi nhau đi uống bia ở ngay Hà Nội thì khó lắm, nhưng ới nhau về tận Hải Dương Tứ Kỳ để ăn rươi, thì hô một tiếng, gần chục ông lốc nhốc nhét lên 2 cái xe 7 chỗ đi ngay. Phóng như rồ từ Hà Nội đến Tứ Kỳ hơn 60km, ăn bữa rươi tối rồi lại giải tán, thật chỉ có những kẻ biết cái ngon ma mị của rươi mới hiểu.
Hải Dương, Hải Phòng miền nước lợ lãnh địa Dương Kinh nhà Mạc cũ, là lãnh thổ của rươi. Tôi ở quê Kinh Môn cũng lắm rươi, mọi khi cữ tháng chín đôi mươi tháng mười mồng năm là hay về quê kiếm bữa rươi tươi. Nhưng mấy năm nay, mới phát hiện ra là ở Tứ Kỳ (Hải Dương) người ta đã thương mại hóa con rươi, bê rươi lên cỗ bàn nhà hàng đặc sản giỏi như thế nào. Vẫn con rươi, mà ở Tứ Kỳ họ chế ra nhiều món không ngờ, dân dã mà hiện đại.

Tôi đã nhiều lần viết về rươi, đả phá quan niệm của ông Vũ Bằng tán tụng trong “Thương nhớ Mười Hai”, vốn đã thành khuôn vàng thước ngọc tản văn về ẩm thực. Thực ra Vũ Bằng không sống ở vùng rươi, nên tán tụng buồn cười lắm.
Rươi là món một năm có một lần khoảng 2 tuần hiện ra, ngày xưa chỉ có ăn một khoảng cữ ấy thôi. Nay có máy lạnh, làm cả tấn rươi đông lạnh ăn quanh năm, bán quanh năm. Nhưng cái thứ lạnh đông sao bằng con rươi tươi, ngoe nguẩy cho vào nồi vào chảo…
Ngày xưa Vũ Bằng chỉ tán món rươi rán, rươi xào củ niễng, giờ thì những món ấy…  xưa rồi. Giờ tôi quảng cáo không công cho cái quán ở Tứ Kỳ.
Đầu bảng món rươi là “Rươi đốt”. Cho rươi tươi vào cái nồi đất bé xíu, cho gia vị gồm gừng thái chỉ, lá nốt (và những gì nữa thì chịu), rồi đốt âm ỉ từ 5 giờ đến 8 giờ. Cứ ủ như vậy để có món ngon, dĩ nhiên phải báo đặt trước cho nhà hàng. Khi mở vung ra, anh sẽ thấy nức mũi cái mùi đặc trưng không món nào có được.
Món rươi rán thì cũng như mọi nơi rán rươi. Quê tôi rán rươi toàn lá nốt, không có cái gì khác. Ở đây người ta cho thêm gừng. Và điều quan trọng là rán rươi là rươi, đừng có cho trứng hay thịt vào nhá. Khách sành ăn kêu lớn: “Chỉ rươi thôi nhá”
Món rươi nấu, ở đây người ta làm rươi thành những nắm to như nắm tay, chắc là có thêm bột dính hoặc trứng, với gia vị những gì cũng không rõ, chỉ biết có gừng. Món này có nước, gọi là súp rươi cũng đúng một trăm phần trăm. Anh súc một “bánh” rươi, thêm vài muôi nước, húp sì soạp. Chả có cái gì như thế.
Ở quê tôi có món rươi nấu dưa chua, ở đây người Tứ Kỳ chê, kêu là quê mùa. Thực ra các bác ấy không làm vì làm món này hao, bao nhiêu rươi cho vừa cái vị chua của dưa. Kho rươi cũng kho bằng dưa chua chỉ khác là mất vị rươi nhiều, mà tưởng như ăn cá, nên ở đây người làm hàng cũng không làm.
Có một món đang ăn thì cánh thổ công gọi: canh cải cá rô. Chả hiểu sao lại gọi canh cải cá rô vào bữa ăn rươi chuyên đề. Hóa ra, cái “cá rô” chính là rươi. Rươi nấu với rau cải đắng hóa ra mùi vị còn hợp và thơm ngon hơn là nấu cá rô với rau cải đắng. Chỉ có điều, trình bày hơi không đẹp. Bắt buộc phải thế. Con rươi nổi chìm như những con sâu trong bát canh, nếu ai có tư duy hình tượng mạnh thì không khỏi có cảm giác sợ. Nhưng bọn vùng rươi thì vốn quen rồi, sì sụp mà khen.
Chúng tôi đi với một nhóm các quan chức, giáo sư có, tiến sĩ có, đủ các anh lúc thường xênh xang áo mũ. Còn nhóm thổ công dẫn đi cũng có nhiều anh trai làng, quan xóm cho đến tỉnh. Một ông kể chuyện, hôm nọ có nhóm cán bộ cao cấp đến ăn rươi, cứ đòi xem con rươi, nhà hàng bảo: Các bác toàn những người không biết con rươi thế nào, nên ăn no rồi mới xem. Một ông cứ nằng nặc xem trước, cuối cùng đến lúc ăn thì gọi đĩa thịt gà gặm, cứ lắc đầu lè lưỡi, kêu kinh quá. Các ông ấy phân công tôi giới thiệu các món, phải trang nhã: 1-Vàng nén- thực ra là rươi đốt trong nồi đất; 2- Thoi bạc ngâm nước sâm- thực ra là món rươi nắm thành bánh nấu súp; 3- Hằng Nga nằm cười- thực ra là rươi rán;  vân vân toàn những mỹ từ, ví dụ món rau cải nấu rươi là “Rồng con trong rừng”. Còn một món, mang ra, có măng nấu với rươi, thì ông giới thiệu bảo các bác cứ ăn đi, rồi em nói tên món này sau. Ăn uống no nê, thì mọi người nhao nhao hỏi tên món ăn, cái món rươi nấu măng. Ông ấy cứ bảo, tên món ăn này em không dám nói, thôi thì cứ gọi là rươi nấu măng. Cái thói đời cứ chối lại muốn đòi. Vậy thì em nói thật, món ấy là “Rau âm phủ- Măng có phải là rau âm phủ không- Rau âm phủ nấu với… mủ lồn tiên”. Ha ha ha… Cả đám cười ré lên. Cái ông đã nhìn thấy con rươi lúc chưa vào nồi, gật lia lịa, đúng đúng rồi, mờ lờ tờ, mlt.
  

Tìm hiểu tầng lớp trí thức mới của Nhà nước Nga Xô Viết để hiểu cách đào tạo trí thức ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1954

   Tập tiểu luận  Về trí thức Nga ( La Thành và Phạm Nguyên Trường dịch, nxb Tri thức H. 2009)  gồm có nhiều bài viết xuất sắc
+ Chân lý của triết học và sự thật của người trí thức
+ Khủng hoảng trí tuệ và sứ mệnh của tầng lớp trí thức cả hai cùng của  tác giả N.A. Berdaev
+ Tầng lớp kỹ giả -- Alekssandr Solzhenítsyn
+ Phẩm tính trí thức -- Dmitri Likhachev
Riêng bài Bàn về  số phận của tầng lớp có học ở Nga của Sergey Kirilov thì bàn sâu vào lớp trí thức Nga sau 1917. Tầng lớp này  đã được quan niệm như thế nào, nhà nước xô viết đã hình thành họ theo những cách thức ra sao, tại sao giới trí thức Nga  lại có bộ mặt như chúng ta đang thấy, tại sao trong thời đại mới,  đa số những người này dừng lại ở cái trình độ thảm hại và kèm theo  những suy đồi  về đạo đức quá rõ so với trí thức Nga trước Cách mạng.
Chúng tôi lược thuật  bài này, cốt để các bạn xa gần qua đó, từ trí thức Nga sau 1917, có thể hiểu thêm về lớp trí thức được đào tạo ở Hà Nội sau 1954.
Trong cơn thức tỉnh sau chiến tranh, nay là lúc xã hội thường hay chê trách lớp trí thức này về mọi mặt.  Nhưng nếu hiểu được người trí thức ở ta là thế và được nhào nặn như thế, chúng ta sẽ độ lượng với họ hơn với nghĩa… bớt hy vọng ở họ hơn.

Cũng như ở các nền văn hóa khác, nền văn hóa Nga trước 1917 mang tính thượng lưu. Lí do, chỉ có một số người có thể làm được việc mà đa số không thể làm nổi. Trí thức nói chung chỉ chiếm tối đa 10%, còn thấp nhất là 2 - 3%. Ở các cộng đồng khác đã vậy, ở Nga trước 1917 cũng vậy.
Đến thời Xô Viết, có một xu thế chỉ đạo việc đào tạo, đó là tạo nên giới tri thức không có sự tách biệt với dân chúng như thời Nga hoàng. Để làm được việc đó, người ta xóa bỏ những chuẩn mực cần thiết, tạo ra một lớp trí thức yếu ớt phàm tục, không có khả năng độc lập mà phụ thuộc nhà nước, do đó sống chết cũng phải trung thành với nhà nước. Tầng lớp trí thức này luôn luôn được bổ sung bởi các bộ phận ít học là quần chúng công nông, cho nên nó chỉ có trình độ rất thấp và một cấu trúc dễ bị phá vỡ.



Từ căm ghét đến tiêu diệt trí thức cũ và thay thế bằng trí thức mới
Chính quyền Xô Viết có một niềm căm ghét đặc biệt đối với nền văn hóa trước cách mạng, tồn tại trong lòng nó một giai tầng có học mang tính hiện đại. Do yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, những năm đầu, họ phải sử dụng tạm thời lớp trí thức đó, nhưng nhanh chóng tìm cách dần dần thủ tiêu những người này  -- cả với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là làm biến chất họ --, thay vào đó là những người của mình.
Cách mạng đặt ra mục đích tiêu diệt trí thức đồng thời tiêu diệt văn hóa cũ.
Mặc dù số trí thức tham gia nội chiến không nhiều, nhưng đại diện của tầng lớp trí thức vẫn chiếm từ 80 – 90% những người chống đối việc thiết lập chế độ Bolsevik. Lúc ấy  một phần lớn trí thức Nga  là người trong quân đội.
Vào năm 1917, tất cả những người có học, trong độ tuổi nghĩa vụ, đều là sĩ quan.
Những người Bolsevik nhận thức rõ kẻ thù thật sự của họ trong cuộc nội chiến không phải là bọn tư sản và địa chủ, mà chính là tầng lớp trí thức có quân hàm hoặc không đeo quân hàm.
Cuộc khủng bố đỏ được tiến hành nhằm vào tầng lớp trí thức ấy.
Các lãnh tụ Bolsevik coi việc giai cấp vô sản đã bẻ gãy được ý chí của tầng lớp trí thức là sự bảo vệ tốt nhất cho thắng lợi của cách mạng trong tương lai. Và cái mục đich cao cả ấy được dùng để biện hộ cho những hành động phản tiến hóa của họ.
Sự đàn áp thô bạo, nạn đói, bệnh dịch – vốn là hậu quả của cách mạng – làm mấy trăm ngàn trí thức thiệt mạng, một số thì lưu vong.
Những người còn sống sót thì bị thù ghét. Họ không có chỗ đứng trong các sơ đồ mác - xit bởi lúc nào cũng làm vướng cẳng các lí thuyết gia mác - xit. Theo quan niệm của những người xây dựng xã hội mới thì trong tương lai tầng lớp này sẽ không còn. Hệ thống giáo dục có mục đích tạo ra “một sự đồng nhất về mặt xã hội” (tương tự  như Việt Nam từng  có khẩu hiệu Trí thức hóa công nông và công nông hóa trí thức -- VTN)
Đào tạo lớp người thay thế.
Bùng nổ về số lượng đi đôi với sự hạ thấp chất lượng
Tầng lớp trí thức Nga trước cách mạng có số lượng tương đối nhỏ, khoảng từ 2- 3 triệu người tức khoảng 3% dân số.
 Ngược lại, dưới chính quyền Xô Viết, sự phát triển trí thức lại có tính cách ồ ạt, nhà nước chủ trương một sự phát triến nhanh chóng và giả tạo số người có học.
Tại sao cần vậy?
 Luôn luôn trong giới trí thức cũ, người ta nhận ra những chuyên gia nổi loạn.
Nảy sinh nhu cầu thay thế.
Nhưng cái mà người không thể làm được là chất lượng.
Vậy phải bù vào bằng sự  dư thừa số lượng để tạm an lòng.
Hầu như trong tất cả các giai đoạn lịch sử, người ta đều cố gắng thúc đẩy việc đào tạo các chuyên gia và phát triển hệ thống trường học. Mục đích là “biến tất cả mọi người thành trí thức” và không để cho giai tầng này được hưởng đặc quyền đặc lợi nữa. Tốc độ đào tạo kỹ sư và chuyên gia các ngành khác nhau vượt xa nhu cầu của nền kinh tế và được quyết định chủ yếu bởi nhu cầu chính trị và tuyên truyền.
 Có thể thấy sự gia tăng đột ngột số lượng người có học diễn ra trong những năm 1930 qua các con số - chỉ trong một chục năm lớp người này đã gia tăng gần 300%, riêng số người có bằng đại học và trung học chuyên nghiệp gia tăng 360%.
 Cú bùng nổ thứ hai diễn ra trong những năm 1950 – 1960, lúc đó trong một số ngành tốc độ phát triển lên đến 100% trong có một chục năm.
 Nhưng đặc điểm chung của cả hai giai đoạn bùng nổ này là  lớp tri thức mới có trình độ thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực trên thế giới.

Những trí thức xa lạ với văn hóa
Cuối những năm 80, cả Liên Xô có 87 triệu chuyên gia, trong đó 16 triệu người tốt nghiệp đại học. Sự phình ra một cách vô giới hạn tầng lớp tri thức dẫn đến hiện tượng giả tạo là mặc dù mức độ phát triển khoa học kĩ thuật và văn hóa xã hội của Liên Xô thấp hơn so với các nước phát triển ở châu Âu, nhưng lại đứng đầu về số lượng bác sĩ kỹ sư cán bộ nghiên cứu khoa học. Không chỉ về số lượng tuyệt đối mà Liên Xô còn đứng đầu tỉ lệ trí thức tính theo đầu người. Đồng thời lớp trí thức này lại được trả lương ở mức thấp nhất. Sự thấp kém nói ở đây không phải về giá trị tuyệt đối mà là thấp hẳn so với mức lương trung bình của cả nước.
Trở lại với sự so sánh trí thức cũ và mới. Nét đặc biệt của người trí thức mới là họ phải phủ nhận bản chất tinh hoa của mình. Kết quả là không có gì chung giữa tầng lớp có học hiện nay với lớp tri thức của nước Nga xưa.
Trong xã hội Xô Viết, một người bình thường (không phải nhân vật mà nhà nước đào tạo) gần với văn hóa truyền thống hơn là người có học kiểu Xô Viết.
Người bình thường ấy còn giữ khái niệm về một nền văn hóa chân chính.
Nhưng người bình thường ấy lại không phải là nhân vật chủ đạo của xã hội.
Người có học thời Xô Viết không hiểu gì về người trí thức trước cách mạng, cũng chả hiểu gì về châu Âu và văn hóa cổ điển. Họ bịa đặt ra một số nét đặc thù của văn hóa Nga, mà thực tế chỉ là thứ văn hóa bị hạ thấp và  đứng ngoài mọi chuẩn mực.
Hợp thức hóa tình trạng vô học của giới quan chức.
Không chỉ đẩy mạnh đào tạo và tăng nhanh sinh viên, người ta còn đề cử những người không có bằng cấp làm những việc đòi hỏi trí thức, bằng cách đó tạo ra một sự hỗn loạn mà chỉ chủ nghĩa xã hội mới có.
 Môt đặc điểm của bộ máy quan chức Xô Viết là sự phình ra vô tội vạ. Số lượng nhân viên nhà nước thời Nga hoàng tính tới 1917 là 576.000, tới 1923 – 1925  con số quan chức đã lên tới 2.230.000.
Vấn đề cắt giảm bộ máy phải nói đến thường xuyên, nhưng sát nhập, giải tán… chỉ là trò đùa. Không thể tưởng tượng nổi chế độ Xô Viết mà không có quá trình quan liêu hóa.
Việc làm giảm trình độ giới trí thức nói chung còn được thúc đẩy bởi việc có một số chuyên gia thực hành chỉ học theo lối hàm thụ cũng được đề bạt đặc cách.
Sinh ra hàng loạt chức vụ đòi hỏi đại học, việc này tạo ra đơn đặt hàng giả tạo với ngành giáo dục.
Người ta đòi hỏi có bằng cấp ngay cả khi đó là nghề lao động bình thường (kiểu đại học phòng cháy chữa cháy của Việt Nam VTN).
 Do hệ thống lương bổng quái gỡ, lại sinh ra hiện tượng có những người chỉ làm công việc như công nhân cũng phải xoay sở bằng được lấy bằng đại học, vì chỉ nhờ thế họ mới được tăng lương, -- tuy đó chỉ là đồng lương chết đói ( nhưng lại đã là quá cao so với lao động của họ. VTN)

Sự tầm thường đã đến với lớp người  vốn được coi là cao quý
Người ta đã học như thế nào?
Phần lớn giới trí thức Liên Xô được đào tạo rất hời hợt. Nguyên tắc lớn nhất của giáo dục Xô Viết là tầm thường hóa lao động trí óc, tầm thường hóa quá trình đào tạo những kẻ  muốn phát triển về mặt trí tuệ.
Trong những năm 1920 – 1930 người ta sử dụng rộng rãi phương pháp “học theo đội”, chỉ cần một sinh viên trả lời đúng là cả nhóm được cho qua kỳ kiểm tra. Các chuyên gia được đào tạo theo kiểu đó vốn có trình độ khá thấp ngay trước khi nhập trường, sẽ không thể nào so sánh được với các trí thức trước cách mạng. Trình độ văn hóa chung, nhất là trình độ các môn khoa học nhân văn do hệ thống nhà trường Liên Xô đào tạo không những đơn sơ cổ lỗ mà còn sai lầm có hại, vì đó không phải là kiến thức văn hóa thực thụ, mà đã bị làm méo bởi các nguyên tắc tư tưởng của đảng. Các môn học nhằm tạo ra cơ sở văn hóa tổng quát được dạy rất ít. Các trường đại học khoa học tự nhiên không có môn này, còn trong các trường khoa học xã hội nhân văn thì sinh viên lại được học một số kiến thức giống như thần học.
Đặc trưng của trí thức Nga là tính chất quý phái, tức là sang trọng vượt lên sự tầm thường, kết quả của sự tu dưỡng nhiều đời, có sự tham gia của kiến thức sách vở.
Tất cả những người có học đều có phẩm chất quý tộc ấy. Có quý tộc một đời lại có quý tộc kế thế, nhiều đời – bộ phận nhiều đời này mới thật là tinh hoa ổn định.
Có chân trong giới thượng lưu, người ta dễ dàng giữ được sự độc lập về tinh thần, dễ tự tin, tin vào giá trị thật của mình, và giữ được tính độc lập trước mọi hệ thống quyền lực. Có điều lạ là cả một giáo sư đại học lẫn ông giáo làng dạy tiểu học, họ đều chia sẻ cảm giác tự hào mà trí thức vốn có. Khi người trí thức không có cảm giác về thân phận cao quý của mình thì họ cho phép mình làm bậy.
Ở trên chúng ta đã xét tới việc học ngày nay. Học như thế thì làm sao giới trí thức mới có được cảm giác quý phái mà trí thức cũ đã có.
Thời Xô Viết, người ta chỉ lo tri thức không quên nguồn gốc công nông của mình. Bộ phận trí thức xuất thân lớp trên bị hạ nhục, bị làm phiền: người ta chỉ muốn họ quên họ từ đâu tới.
Nguyên tắc giai cấp, chiếu cố giai cấp, ưu tiên giai cấp, cho phép tình trạng phi chuẩn mực đối với những con người thuộc giai cấp công nông bộc lộ khá lộ liễu và thô bạo.
Đầu cách mạng, số sinh viên xuất thân từ tầng lớp có học, tức là lớp thượng lưu cũ chiếm 2/3.
Tới 1923, số này chỉ còn lại ½
Tới đầu những nằm 30 thì còn lại 20 – 10%.
Kết quả là ¾ trí thức Xô Viết là hạng F1 mới từ công nông lên. Đó là các trí thức một đời. Người trí thức khộng có khái niệm về sự cao quý của mình, về lòng tự trọng.
Trí thức cấp thấp và quan chức cấp cao. Xu thế bành trướng
Trước 1917, người trí thức giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước không có bất động sản. Nhưng lương họ cao – cao gấp vài chục lần người lao động chân tay.
Sau cách mạng, thu nhập trí thức chỉ nhỉnh hơn chút ít so với thu nhập công nhân. Nếu thêm việc các quỹ gọi là “phúc lợi xã hội” cũng được tái phân phối theo hướng có lợi cho công nhân thì cho đến năm 1980, mức sống của tầng lớp trí thức chỉ bằng một nửa hoặc 40% mức sống của công nhân.
Ví dụ giáo viên thì lớp giáo viên tiểu học còn đỡ; lớp dạy đại học chỉ được nhận 20% mức lương trước cách mạng. Từ đó nảy sinh trong tầng lớp trí thức xu thế quan liêu hóa vì chỉ trở thành quan chức trong giới của mình thì mới có thể có mức thu nhập cao.
Sự xây dựng tri thức trong xã hội Xô Viết tiến hành theo nguyên tắc phản chọn lọc. Nó tiêu diệt những người ưu tú, lại cất nhắc những kẻ tồi tệ. Quá trình chọn lựa kéo dài hơn một nửa thế kỉ, những kẻ xấu xa nhất được nâng đỡ, việc này đã dẫn đến kết quả là, không những nhóm lãnh đạo chính trị chóp bu, mà cả những nấc thang thấp hơn của kim tự tháp quyền lực, đều nhung nhúc những kẻ không ra gì.
Đấy là lý do vì sao chế độ Xô Viết về nguyên tắc là không thể thay đổi được, dù lãnh đạo cao nhất bị thay đổi.
Nếu tầng lớp tinh hoa trong lĩnh vực quản lí trước cách mạng bao gồm những người được giáo dục và có học vấn tốt nhất trong thời đại của mình, và tầng lớp tinh hoa chính trị trong các nước châu Âu ngày nay cũng bao gồm chủ yếu là những người đã tốt nghiệp các trường đại học uy tín nhất, thì ở Liên Xô, bức tranh hoàn toàn ngược lại.
Tầng lớp lãnh đạo chính trị cao nhất gần như là những người có trình độ học vấn văn hóa kém nhất trong số những người lao động trí óc.
Mặc dù trong thời Xô Viết cũng có một số trường đại học có chất lượng cao nhưng hiếm khi những người tốt nghiệp các trường đại học như thế được gia nhập vào bộ phận tinh hoa trong lĩnh vực quản lí. Tầng lớp quản lí thường chỉ bao gồm những người tốt nghiệp các trường đại học tỉnh lẻ cộng với các trường Đảng cao cấp, nghĩa là những trường đại học có trình độ văn hóa thấp nhất nếu không nói là giả đại học.
Trình độ học vấn kém cỏi của giới quan chức dẫn đến sự đối lập quan chức – trí thức. Bộ máy quản lí thời Khruchev là một ví dụ tiêu biểu của chất lượng giáo dục khi họ tham gia vào việc quản lí.
Đây là giai đoạn mà sự tầm thường hóa giáo dục đại học đạt đến đỉnh điểm. Lạm phát trí thức  bùng nổ với nghĩa hàng chục trường đại học không đủ điều kiện đã được thành lập.
Đây cũng chính là giai đoạn hình thành cơ sở cho việc sản xuất thừa các chuyên gia.
 Kết quả và quá trình bành trướng số người lao động trí óc đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng uy tín của lao động trí óc. Tương lai của khoa học cũng gánh chịu những hậu quả nặng nề. Biên chế của các viện nghiên cứu khoa học tăng theo cấp số nhân.
Kể cả những kẻ tầm thường vốn không thể có hi vọng và bản thân không hề nghĩ việc nghiên cứu khoa học, cũng trở thành các “nhà khoa học”.
 Đến những năm 80 họ đã trở thành gánh nặng, khiến cho những dự định cải cách chỉ trở thành ảo tưởng. Hơn thế nữa, lúc đó do quá trình thay đổi thế hệ, lớp trẻ hãnh tiến này đã chiếm giữ hầu hết các vị trí lãnh đạo trong khoa học và thực hiện chính sách trí thức dội từ trên xuống theo đúng bản chất của mình.

Kết cục khó tránh
Chế độ Xô Viết, sau hàng chục năm phấn đấu đã gần đạt được thành công trong việc loại bỏ tầng lớp trí thức như một hiện tượng xã hội đặc thù, như một cơ cấu tương đối hoàn chỉnh; hoàn toàn loại bỏ được đặc trưng mang tính thượng lưu của nó; và xóa bỏ được sự khác biệt về trình độ học vấn và vốn văn hóa giữa nó với đám quần chúng được gọi là nhân dân.
Có những khó khăn nhất định ngăn cản không cho tầng lớp có học hiện nay nhận thức được sự bất toàn về mặt xã hội của mình. Cơ sở tư tưởng của chế độ toàn trị cộng sản là sự sùng bái “con người bình thường”. Sau hàng chục năm bị thôi miên rằng chân tay quan trọng hơn đầu óc và đầu óc là để phục vụ cho chân tay, thì đầu óc – tức là lớp trí thức -- đã quen dần với định đề phản tự nhiên đó. Họ dần đánh mất phần lớn khả năng tư duy của mình và cho đến nay vẫn chưa có đủ dũng khí vươn lên để khẳng định vai trò của mình trong xã hội.
Những thành quả sáng chói của nền khoa học và văn hóa Nga thế kỉ XIX được tạo nên bởi những con người sinh ra trên những nguyên tắc có nguồn gốc từ sự phát triển xã hội ba thế kỉ trước.
Còn việc cố tình hạ thấp vai trò của trí thức và tiêu diệt trên thực tế tầng lớp này sau 1917 lại chỉ bắt nguồn từ sự trì trệ trong vận động lịch sử của những thập kỉ gần đây.
Kết quả là chúng ta có một tầng lớp có học nhưng không có khả năng thực hiện các thiên chức của nó.
Cuối cùng trong xã hội Xô Viết, chỉ có một chút ngoại lệ là các nhà trí thức hàn lâm và các nhà kĩ thuật quân sự, vốn được đào tạo như một khu vực tách rời khỏi xã hội. Sau năm 1991, chính bộ phận này khi ra nước ngoài đã hòa nhập được với giới khoa học của các nước phương Tây.
Muốn thay đổi được thực trạng nói trên thì chính nhà nước phải có một quan niệm khác đi về giới tri thức. Phải công nhận rằng trong xã hội Xô Viết đã hình thành một lớp kỹ giả ngu dốt – vô năng. Đoạn tuyệt với họ rất khó. Người trí thức chân chính sau 1991 vẫn không thể lọt vào cả giới chính trị lẫn giới kinh doanh – môi trường kinh doanh vốn đầy tính chất mafia của Nga.
Tầng lớp tinh hoa trí thức như một giai tầng xã hội chỉ có thể được hình thành nhờ những cố gắng mang tính chủ động của nhà nước. Phải bắt đầu bằng sự phủ nhận rằng chúng ta đã làm sai, đào tạo sai thì sau đó mới có thể bắt tay làm lại mọi việc. Không có sự cố gắng như thế, đất nước -- trong trường hợp tốt nhất -- chỉ biến thành người cung cấp chuyên gia cho các nước khác mà thôi.

Theohttp://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/10/tim-hieu-chinh-sach-ao-tao-lop-tri-thuc.html

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

LỜI CẢM TẠ

Mẹ chúng tôi là cụ Nguyễn Thị Thảo đã từ trần hồi 8 giờ 15 phút ngày 17 tháng 10 năm 2014 (tức ngày 24 tháng 9 năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 88 tuổi. Tang lễ đã được cử hành trọng thể theo nghi lễ truyền thống tại nhà riêng, số 25 Lê Thành Tông, phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương. Thay mặt gia đình, chúng tôi xin chân thành cảm tạ Ban liên lạc cựu học sinh lớp E chuyên toán Hải Hưng 1972-1975 và toàn thể các bạn trong lớp đã đến viếng mẹ chúng tôi và gửi lời chia buồn tới gia đình chúng tôi.
Trong lúc tang gia bối rối, gia đình có điều gì sơ suất mong được các bạn thông cảm và lượng thứ.
Một lần nữa xin được ghi nhận tình cảm quý báu của các bạn.
Vợ chồng Lê Phúc Thắng – Đào Thị Phương Lan

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

THÔNG BÁO TIN BUỒN

  Mẹ bạn Lê Phúc Thắng đã từ trần vào sáng ngày 17/10/2014 (tức ngày 24 tháng 9 năm Giáp Ngọ). Lễ viếng bắt đầu từ 7:00 ngày 18/10/2014 tại nhà riêng (số 25 Lê Thánh Tông, phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương), hoả táng tại Đài Hoá thân hoàn vũ thành phố Hải Dương vào sáng ngày 19/10/2014.
Đoàn đại biểu cựu học sinh lớp E lớp do Trưởng Ban liên lạc Trần Quang Hưng dẫn đầu sẽ đến viếng Mẹ Lê Phúc Thắng, xuất phát từ Hà Nội vào lúc 7:00 ngày Thứ Bảy 18/10/2014 (tập trung tại nhà riêng Nguyễn Kiêm Dũng - số 137 phố Thái Thịnh 1).

Ban Liên lạc lớp xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Lê Phúc Thắng - Đào Thị Phương Lan và thông báo tới toàn thể cựu học sinh lớp E chuyên toán HH 72-75 biết. Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp với Trưởng Ban Trần Quang Hưng, Phó Ban Ngô Công Thành. (BLL)

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

TUỔI GIÀ THẬT SƯỚNG

Vui thú tuổi già. Ảnh: InternetKhi đã lớn tuổi, thì con người được nhiều tự do hơn, được thong thả hơn để sống.  Không còn phải như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ thì muốn làm chi thì làm, muốn thức khuya dậy sớm gì, cũng chẳng còn ai la mắng dọa nạt, rầy la.  Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn nhằn chút chút thôi, mình không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn gì.
Không còn phải khổ công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học thêm chi cho mệt trí, biết quá nhiều, biết quá đủ rồi.  Nếu đã nghỉ hưu, thì học thêm làm chi.  Nếu còn đi làm, thì cũng đã rành nghề, quen tay quen việc, làm việc dễ dàng. 
Khi già tình yêu cũng không còn là mối bận tâm, không quan trọng quá, chưa nghe báo đăng các cụ già trên dưới sáu mươi tự vẫn chết vì thất tình.  Tội chi mà chết vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp thấy Diêm Vương rồi, việc chi mà đi sớm hơn.  Khôn quá rồi, chết vì tình yêu là nông nỗi. 
Đời sống tình cảm của tuổi già êm đềm hơn, ít đau đớn ít sôi động, và bình lặng.  Tuổi già rồi, các ông không còn tính chuyện mèo mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ khám phá ra chuyện giấu giếm mà nhà tan cửa nát.  Đỡ tốn tiền quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật.  Hồi hộp, đau tim.  Các bà khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải chăm chút nhan sắc làm chi nữa, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc xệch, cũng méo mó.  An tâm và chấp nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui. 
Cũng có một số ít những cặp vợ chồng già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả hai đều trở thành khó tính.  Hậu quả của ly dị trong tuổi già không trầm trọng như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn, đã tự lập, không còn ảnh hưởng nhiều đến tương lai chúng và tương lai của chính mình.  Vì còn sống bao lâu nữa mà lo lắng chi cho nhiều.  Xa được ông chồng khó tính, độc tài là mừng.  Dứt được bà vợ đanh đá, bạc ác là phải sung sướng.  Khỏe trí. 
Tuổi già, cố giữ cho còn có nhau, khi đã đến nước ly dị, thì hai bên đều đúng, đều có lý.  Đây là hành động tự cứu mình, và cứu người ra khỏi cảnh khổ lúc cuối đời, khi mà mộ bia đã thấp thoáng trước mắt, không còn bao nhiêu ngày nữa. 
Có điều ít ai nghĩ đến, là càng già, thì càng dễ tìm một người bạn đời để nối lại, để an ủi nhau trong tuổi xế chiều.  Vì chung quanh họ, có thiếu chi người đứt gánh nửa đường.  Chồng chết, vợ chết, ly dị.  Vấn đề là không sao tìm được một người có chung nhiều kỷ niệm, nhiều tình nghĩa, nhiều chia sẻ như người phối ngẫu cũ. 
Tình già cũng nhẹ nhàng, thong thả, ít khổ đau, ít sôi nổi hơn tình khi còn trẻ trung.  Sức lực cũng có còn bao nhiêu mà ghen tương nhau chi, mà lo lắng chi cho thêm mệt, những người lớn tuổi kinh nghiệm và biết rõ như vậy.  Nhiều người trẻ, sau khi gia đình tan vỡ thì xuống tinh thần, uống ruợu đánh bài tìm quên, đôi khi không phải vì họ quá thương yêu người cũ mà tự hủy hoại đời mình, mà chính vì họ tự thương thân, tự ái bị xúc phạm, và rồi sa lầy vào ruợu chè cờ bạc.  Người lớn tuổi thì suy nghĩ khác.  Họ nghĩ rằng ta cũng đã gần đất xa trời rồi, có sống thêm bao lâu nữa mà sầu khổ cho mệt.  Mất củ khoai lang, thì kiếm củ khoai mì bù vào. 
Tuổi già biết giá trị tương đối của tình yêu nên không tìm tuyệt hão, không tìm lý tưởng, và nhờ vậy không bị thực tế phũ phàng làm vỡ mộng, đau khổ.  Khi già rồi, có ai hỏi tuổi, thì cũng không cần giấu diếm, không cần sụt đi năm bảy tuổi làm chi.  Sướng lắm.  Vì có sụt tuổi, cũng không giấu được những nếp nhăn, mà chẳng có ích lợi gì.  Nếu tự cọng thêm cho mình chừng chục tuổi, thì không chừng được thiên hạ nức nở khen là còn trẻ, trẻ quá, và họ mơ ước được như mình. 
Các ông có vợ đẹp, khi lớn tuổi cũng đỡ lo bọn dê xồm dòm ngó, lăm le dụ dỗ vợ mình.  Con người, ai mà không nhẹ dạ, ai mà không ưa lời nói ngon ngọt êm tai, ai mà không có khi thiếu sáng suốt.  Vợ chồng cũng có khi bất hòa, buồn giận nhau, và những khi nầy, lòng người dễ chao đảo lắm.  Bởi vậy, các ông đỡ nghe các bà hăm he ly dị, hăm he bỏ nhau.  Tuổi nầy các bà cũng thừa khôn ngoan để biết những tên ngon ngọt, hứa hẹn nhiều, thường chỉ là những tên phá đám, chứ không thể tin tưởng được. 
Đàn bà có chồng hào hoa, đẹp trai, khi lớn tuổi cũng bớt lo, vì các ông cũng bớt máu nóng, bớt chộn rộn và khôn ngoan hơn thời trẻ trung.  Biết kềm chế hơn, và biết rõ giá trị hạnh phúc gia đình cần gìn giữ hơn là chơi ngông. 
Tuổi già, vợ chồng sống chung với nhau lâu rồi, chịu dựng nhau giỏi hơn, quen với cái thói hư tật xấu của nhau.  Không còn thấy khó chịu nhiều nữa.  Dễ dung thứ cho nhau, chấp nhận nhau, vì họ biết rõ bên cạnh cái chưa tốt của người bạn đời, còn có rất nhiều cái tốt khác. 
Vợ chồng, khi đó biết bao nhiêu là tình nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu thân thiết, cho nên hạnh phúc hơn, vui hơn. 
Tình yêu trong tuổi già thâm trầm, có thì giờ bên nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn.  Cũng có nhiều ông bà già ưa cãi vã nhau, cũng dễ hiểu, khi đó tai của cả hai ông bà đều lãng, người nầy nói một đường, người kia hiểu nẻo khác, cho nên buồn nhau giận nhau, không gây gổ sao được?
Tuổi già, thì tất cả mộng ước điên cuồng của thời trẻ trung đã tan vỡ, đã lắng xuống, không còn khích động trong lòng, không còn thao thức nhức nhối.  Họ biết sức mình đến đâu, và không tội chi mà ôm cao vọng cho khổ thân.  Họ còn biết thêm rằng, nếu những cao vọng điên cuồng ngày xưa mà có thành đi nữa, thì e cũng chỉ là hư không, chẳng đáng gì. 
Khi tuổi già, thì biết khôn ngoan mà an phận, biết vui với bình thường.  Biết đâu là hạnh phúc chân chính.  Nhiều người già rồi mới tiếc suốt một thời son trẻ không biết sống, phí phạm thời gian theo đuổi những huyễn mộng, làm đau khổ mình, làm điêu đứng người khác. 
Tuổi già, vui khi thấy mình hết nông nỗi, nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn.  Ai khen không hớn hở mừng, ai chê không vội vã hờn giận.  Vì biết rõ mình không có gì xuất chúng để thiên hạ khen nịnh.  Và biết mình cũng có nhiều cố tật không chừa được, đáng chê.  Chê thì chê, khen thì khen.  Khen cũng thế, mà chê cũng thế, thì ta vẫn là ta, là một kẻ già, đáng được khoan thứ hơn là trách móc. 
Lúc nầy, không còn muốn làm giàu, không bị con ma tham lam thúc bách để kiếm và tích trữ cho nhiều tiền nhiều bạc.  Con cái cũng đã lớn, không phải chi tiêu nhiều thứ, thì tiền bạc, chỉ cần đủ sống thôi, cũng là thỏa nguyện.  Họ cũng không cần se sua, tranh hơn thua với ai, tinh thần họ vui vẻ, dễ chịu và khỏe khoắn hơn. 
Mối lo âu về tài chánh cũng nghẹ gánh.  Bởi khi đó, nhiều người đã tích trữ được một số tiền nhỏ.  Nhà cửa cũng đã có.  Nợ nhà, nợ xe cũng ít đi, hoặc không còn nữa.  Con cái cũng đã lớn, không còn là gánh nặng cho mình.  Chúng nó đã có nghề nghiệp, đã làm ăn được.  Chắc chắn tương lai chúng khá hơn mình nhiều.  Người già không chi tiêu nhiều, ăn cũng ít đi rồi, chơi cũng không còn phung phí dại dột như tuổi trẻ. 
Khi già, thời gian mới là thực sự của mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống nữa.  Không còn bị bó buộc bởi trách nhiệm bổn phận.  Có thể ngồi mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công viên, thưởng thức thiên nhiên tuyệt thú, có thể tìm được an bình tuyệt đối, không như thời còn trẻ, đi nghỉ mát, mà thỉnh thoảng cũng bị công việc nhà ám ảnh, nhắc nhở. 
Tuổi già về hưu, là một mong ước của gần như của tất cả mọi người.  Nhiều người gắng làm sao kiếm cho nhiều tiền để dược về hưu sớm hơn.  Nhiều thanh niên, ngày về hưu còn xa lắc, xa lơ mà vẫn mơ ước.  Người Mỹ, trẻ già chi cũng nghĩ đến hưu trí.  Hưu trí trong tuổi già là một phần thưởng của tạo hóa, của xã hội.  Cho sung sướng, nghỉ ngơi.  Già là nghỉ ngơi, là khỏe khoắn. 
Hạnh phúc tuổi già. Ảnh: Internet

Mỗi buổi sáng nằm dài trên giường, sáng nào cũng là chủ nhật trong tuần, muốn dậy lúc mấy giờ cũng được, muốn nằm cho đến trưa đến chiều cũng không sao.  Nằm thoải mái, không ai chờ, ai đợi, không có việc gì gấp gáp phải làm, ngoại trừ cái bọng tiểu nó thúc giục, không cho mình nhịn lâu thêm được nữa.  Thế thì sao mà không sung sướng?
Nếu chưa về hưu, còn đi làm việc, thì cái tâm của người lớn tuổi cũng nhẹ nhàng, ít bị những sức căng, bị áp lực đè nén.  Vì tài chánh cũng quan trọng, nhưng không quá quan trọng đến nỗi khi thất nghiệp thì mất xe, mất nhà, mất vợ mất con như những người còn trẻ.  Khi này, nhiều thứ trong cuộc sống đã ổn định, nhu cầu tiền bạc cũng không quá nhiều.  Vả lại, già rồi, kinh nghiệm công việc nhiều, cho nên giải quyết mọi sự trong dễ dàng, thong thả. 
Bạn đồng sự cũng có chút nể nang, phần vì tuổi tác, phần vì kinh nghiệm.  Có trường hợp, còn có việc thì tốt, mất việc thì mừng hơn, vì có lý do chính đáng để về hưu cho khỏe.  Vì nếu việc có hoài, việc lại dễ dàng, thì tiếc, không muốn về hưu.  Tuổi lớn, không cần thăng tiến, không cần đua chen với ai, cho nên tinh thần thoải mái, được bạn bè chung quanh thương mến hơn.  Những người về hưu rồi, trở lại làm việc, thì đi làm, như đi chơi, chứ không phải “đi cày” như nhiều người khác quan niệm.  Vui thì làm tiếp, chán thì về nhà nghỉ ngơi. 
Người lớn tuổi, thì sức khỏe xuống, bệnh hoạn ồ ạt đến tấn công, không ai thoát khỏi bệnh hoạn.  Nhưng họ lại cảm được cái sung sướng của một ngày khi bệnh thuyên giảm.  Một ngày khi cảm thấy gân cốt ít nhức mỏi hơn, dễ chịu trong từng khớp xương hơn.  Ngưới trẻ đâu có thấy được những nỗi sung sướng này? Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua, nên chưa biết.  Họ có sức khỏe, nhưng họ không biết đó là sung sướng, cho nên, xem như chẳng có giá trị gì.  Anh chị xem, nếu anh chị có một tảng ngọc to bằng cái bàn nằm trong vườn, mà anh chị không biết đó là chất ngọc, thì không biết quý, không biết mình sung sướng có tảng ngọc, mà chỉ quý và sướng vì viên ngọc nhỏ xíu nằm trên chiếc nhẫn mà thôi.  Có người viết sách rằng, tuổi già, buổi sáng ngủ dậy, nghe xương cốt đau nhức mà mừng, vì biết mình chưa chết.  Tôi thêm rằng, biết mình còn sống là mừng, biết mình đã chết nhẹ nhàng, càng mừng hơn. 
Nầy anh chị có nhớ câu chuyện Thượng Đế khi đuổi tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva xuống trần gian, có chỉ mặt mà phán : “Từ nay chúng mi phải đổ mồ hôi trán mới có hạt cơm vào mồm”.  Đó là câu nguyền rũa độc địa nhất, là lời phán ý nghĩa nhất, là con người phải sống trong nhọc nhằn.  Sách Phật cũng có viết đời là đau khổ, và tu để tránh khổ.  Đó, đời nầy đáng sống lắm, nhưng cũng nhiều khổ đau lắm.  Bởi vậy nên tôi nói, được sống là mừng, mà được chết, cũng mừng.  Tôi đi đám ma ông bạn già, thấy gia đình khóc lóc, rên rỉ thảm thương, con cháu mếu máo kể lể.  Tôi cười trong bụng, nghĩ rằng bọn nầy không biết luật của tạo hóa.  Có sinh thì có diệt.  Chúng nó muốn thân nhân của chúng sống đời đời sao? Biết đâu chỉ là khởi điểm của một cuôc rong chơi.  Nầy, tôi đọc cho anh chị nghe một đoạn thơ của anh bạn tôi:
Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó … 
Ai thay da mãi mãi sống muôn đời ?
Kẻ trước, người sau xếp hàng xuống mộ,
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi … 
Khi tuổi già, thì xem cái chết như về.  Ai không phải chết mà sợ.  Sống qua khỏi tuổi năm mươi, là đã lời lắm.  Tuổi trung bình của con người trên thế giới này chưa được con số năm mươi.Thì mình nên tự xem như được sống thêm đời thứ hai. 
Đời trước đã hoàn tất, có cả khổ đau lẫn hạnh phúc.  Đời sau nầy, thì chắc chắn là sung sướng hơn hạnh phúc hơn đời trước.  Vì đã từng trải, đã gom được kinh nghiệm của đời trước, để thấy đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là phù du huyễn hão.  Chết là về.  Nhưng chỉ sợ không về được đến nơi đến chốn, mà như chiếc xe hư máy dọc đường.  Làm khổ chủ xe, bắt nằm liệt mê man, không sống mà cũng không chết, đó mới là cái đáng sợ.  Tôi biết vậy, nên đã làm di chúc, khi nào tôi bị mê ba ngày, thì xin rút ống cho tôi đi.  Đi về bình an. 
Này, anh chị nghĩ sao về ông bác sĩ mà người ta đặt cho tên là bác sĩ tử thần? Già rồi tôi không nhớ rõ tên, hình như ông ta tên là “Ki-Vô-kiên” (Kevokian — THD) phải không? Cái tên gần gần như vậy.  Theo tôi, thì ông nầy là một vị Bồ Tát, cứu độ cho chúng sinh mau qua khỏi khổ đau, để bị ra tòa, bị tù tội.  Chỉ có cái tâm Bồ Tát thật lớn mới làm được việc đó.  Tôi cố tìm một cái ảnh ông ta để thờ sống, mà không có.  Tôi nghĩ, trong tương lai, luật pháp sẽ không ngăn cấm việc cho người đau đớn ra đi sớm hơn, vì đàng nào cũng chết, tại sao phải kéo cái đau đớn ra dài hơn mới được chết.  Trừng phạt người ta hay sao?
Trong tuổi già, người ta biết ơn sự nhiệm mầu của tạo hóa.  Có bộ máy nào, không phải là gang thép, bạch kim, mà chạy một mạch sáu bảy chục năm không ngưng nghỉ, mà vẫn còn hoạt động như quả tim, buồng phổi, trái thận, cái bao tử, não bộ.  Có hệ thống ống dẫn nào hoạt động sáu bảy chục năm mà chưa thay thế như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn.  Thì dù có rò rỉ van tim, chất mỡ đọng nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng là sự thường tình, và mừng là còn sống, còn sinh hoạt được.  Dù có phải liền liền đi vào cầu tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn sung sướng là cái vòi xài mấy chục năm mà vẫn chỉ mới rò rỉ sơ sơ.  Mấy cái vòi nước trong nhà, bằng kim khí cứng, không rỉ sét, thế mà năm bảy năm đã phải thay rồi…
(theo Blog Hiệu Minh)


Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

THÔNG BÁO CHƯƠNG TRÌNH HỘI TRƯỜNG CHUYÊN NGUYỄN TRÃI


[THÔNG BÁO 12: THÔNG BÁO HỘI TRƯỜNG]  Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi Tỉnh Hải Dương (tiền thân là trường phổ thông năng khiếu Hải Hưng) sẽ tổ chức Lễ kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường và 50 năm ngày thành lập khối phổ thông chuyên Toán của tỉnh Hải Dương.  Thời gian: 2 ngày 15 và 16/11/2014. Địa điểm: Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Bình, thành phố Hải Dương.  Chương trình ngày hội trường:  - Thứ 7, ngày 15/11/2014 + Nhà trường tạo điều kiện về địa điểm là các phòng học của các lớp để các khóa tự tổ chức giao lưu, gặp mặt. + Từ 9 giờ 00: Gặp mặt, giao lưu giữa các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác tại trường. + Từ 14 giờ 00: Tiếp các đoàn khách đến chúc mừng nhà trường. + Từ 19 giờ 00: Đêm Gala của Hội cựu học sinh nhà trường tại Nhà đa năng.  - Chủ nhật, ngày 16/11/2014 + Từ 7 giờ 00 đến 8 giờ 15 phút: Tổ chức đón tiếp các đoàn đại biểu, khách mời và các đoàn học sinh về dự Hội trường. + Từ 8 giờ 15 đến 9 giờ 00:Văn nghệ chào mừng + Từ 9 giờ đến 10 giờ 30:Chương trình của Lễ kỉ niệm.  Để ngày Hội trường thành công tốt đẹp, nhà trường rất mong các thế hệ học sinh chuyên Toán, Phổ thông năng khiếu Hải Hưng và THPT chuyên Nguyễn Trãi tích cực tham gia Hội trường thông qua Ban đại diện các khóa của học sinh và Hội cựu học sinh nhà trường. Đặc biệt, các khóa có nhu cầu gặp mặt riêng trong ngày Thứ 7 (15/11/2014) tại trường thì cần khẩn trương đăng kí để nhà trường bố trí, sắp xếp phòng hợp lý.  Chi tiết xem tại Website của nhà trường:  www.chuyennguyentrai.edu.vn/thong-bao-hoi-truong-192

[THÔNG BÁO 12: THÔNG BÁO HỘI TRƯỜNG]

Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi Tỉnh Hải Dương (tiền thân là trường phổ thông năng khiếu Hải Hưng) sẽ tổ chức Lễ kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường và 50 năm ngày thành lập khối phổ thông chuyên Toán của tỉnh Hải Dương.
Thời gian: 2 ngày 15 và 16/11/2014.
Địa điểm: Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Bình, thành phố Hải Dương.

Chương trình ngày hội trường:
- Thứ 7, ngày 15/11/2014
+ Nhà trường tạo điều kiện về địa điểm là các phòng học của các lớp để các khóa tự tổ chức giao lưu, gặp mặt.
+ Từ 9 giờ 00: Gặp mặt, giao lưu giữa các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác tại trường.
+ Từ 14 giờ 00: Tiếp các đoàn khách đến chúc mừng nhà trường.
+ Từ 19 giờ 00: Đêm Gala của Hội cựu học sinh nhà trường tại Nhà đa năng.
- Chủ nhật, ngày 16/11/2014
+ Từ 7 giờ 00 đến 8 giờ 15 phút: Tổ chức đón tiếp các đoàn đại biểu, khách mời và các đoàn học sinh về dự Hội trường.
+ Từ 8 giờ 15 đến 9 giờ 00:Văn nghệ chào mừng
+ Từ 9 giờ đến 10 giờ 30:Chương trình của Lễ kỉ niệm.
Để ngày Hội trường thành công tốt đẹp, nhà trường rất mong các thế hệ học sinh chuyên Toán, Phổ thông năng khiếu Hải Hưng và THPT chuyên Nguyễn Trãi tích cực tham gia Hội trường thông qua Ban đại diện các khóa của học sinh và Hội cựu học sinh nhà trường. Đặc biệt, các khóa có nhu cầu gặp mặt riêng trong ngày Thứ 7 (15/11/2014) tại trường thì cần khẩn trương đăng kí để nhà trường bố trí, sắp xếp phòng hợp lý.

BẠN NÀO BỐ TRÍ ĐI DỰ ĐƯỢC THÌ ĐĂNG KÝ ĐỂ BAN LIÊN LẠC BỐ TRÍ XE  NHÉ.

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Hãy nuôi một con mèo


Tôi đã nuôi một con mèo từ khi nó bé tẹo, rời vú mẹ, đến nay thì nó đã đẻ đến lứa thứ hai. Tại sao phải nuôi mèo thì mãi mãi chúng ta cãi nhau. Tôi thì xuất phát từ lợi ích thiết thực mà nuôi, đó là đuổi chuột. Sau rồi thì thích con mèo vì nhiều lẽ.
Đạo diễn LDT, người bạn vong niên của tôi có một lần uống rượu buồn, tâm sự: “Tôi ở trọ ngay trong nhà mình”. Tôi hỏi anh: “Anh có nuôi mèo hay chó không?”. Anh lắc đầu. Tôi cảm được cái buồn vô hạn của anh. Bởi vì, nếu tôi lâm vào tình hình như của anh, tôi vẫn còn con mèo. Mỗi lần tôi trở về, nếu không có ai đón tôi, đã có con mèo. Con mèo nhà tôi dường như quen tiếng máy mô tô, khi tôi về, nó ở đâu cũng lao ra đón tôi, như một con chó. Nếu bạn cô đơn như anh bạn đạo diễn của tôi, hãy cố gắng nuôi một con mèo.

 Rồi tôi lấy thức ăn cho nó. Dù cho đĩa thức ăn còn nhiều hạt khô, nhưng nó vẫn kêu và chờ đợi tôi thả xuống một ít hạt nữa, rồi mới cắm cúi ăn một lúc. Dường như nó muốn ăn thứ hạt tôi tự tay lấy cho nó. Ăn xong, nó dịu đầu vào chân tôi nũng nịu. Nếu không vội, tôi ngồi lại, gãi nhẹ vào gáy vào cổ nó, nó nằm yên lim dim, phát ra tiếng gù gù êm ái. Cuộc sống đôi khi có những phút bình an như thế. Nếu lâu rồi bạn không cảm nhận được sự mềm mại của bàn tay phụ nữ, bạn nên nuôi một con mèo.
Cách đây nửa năm, con mèo đang chửa bỗng một hôm cứ đi ra đi vào. Sáng hôm ấy tôi đi ra đến cổng thì nó chạy theo, ngậm gấu quần kéo lại. Tôi quay lại, lấy một tấm vải rải vào khoang dưới của tủ giày, làm ổ cho nó. Nó nằm xuống, cứ nhìn tôi. Nếu tôi đi ra hướng cửa, nó lại nhảy xuống chạy theo. Thế là tôi phải nghỉ hẳn một buổi sáng không đi làm để canh cho nó đẻ. Cho đến khi có 4 con mèo bé tý xuất hiện, con mèo mới bắt đầu không để ý đến tôi nữa, vì nó còn bận liếm láp đàn con, liếm đến nỗi lông tơ ép chặt vào da, bóng mượt lên.
Hàng ngày, cứ tối về, tôi lại cho nó ăn thêm một bữa thức ăn công nghiệp. Đến nỗi, nó dường như chờ đợi bữa tối này. Khi tôi đi công tác, tự nhiên thấy nhớ con mèo. Một nỗi nhớ rất khác nỗi nhớ tình đồng loại, nhưng chính xác là nhớ như nghĩ đến một người bạn nhỏ. Nếu bạn thấy chơi vơi cô độc trong cuộc đời, thì hãy nuôi một con mèo, bạn có lý do để lo lắng và mong nhớ.
Bây giờ thì con mèo đã đẻ lứa thứ hai. Gần đây, tôi vô cùng bận bịu, thành ra, việc chăm con mèo chia cho mọi người trong nhà, và dồn vào cho bà chị giúp việc. Lần này con mèo đẻ vào buổi tối đêm, thế là bà chị phải nằm ngủ cạnh nó, cho đến khi nó sinh đẻ xong.
Tôi rất muốn hướng con cái đến công việc chăm sóc con mèo, nhưng bọn chúng phần lớn bận bịu, bận làm bận học. Học ở trường lại học thêm. Tôi cũng không biết làm sao cả. Nếu tuổi hoa niên, bạn có thể tiếp xúc với một con vật, thì đó là bài học đáng quý nhất về giao tiếp với thiên nhiên. Mọi bài học giáo điều đều chết, chỉ có những cảm nhận từ chính cuộc sống đã dạy ta. Tâm hồn được bồi đắp từ chính những việc nho nhỏ hàng ngày. Có lẽ thế hệ con cái chúng ta sinh ra ở thành phố cũng có những thiệt thòi. Chúng không được như tôi, hồi bé có một triền đồi, một thung lũng đồng xanh ngay sau nhà, sau nhà có đàn gà bới rác, sân có con chó nằm lim dim, con mèo sưởi nắng, vườn có con dế kêu, con cóc nhảy, vạn vật rì rào dưới tán lá xanh. Chứng kiến cảnh ấy, không sao nghĩ được rằng cuộc sống đến lúc lại có những xô bồ đáng chán…
Ngày mai, tôi sẽ nói chuyện với đạo diễn LDT, tôi cảm nhận được nỗi buồn của anh, bởi vì anh không nuôi một con mèo…