Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

LỜI CẢM TẠ

Sau mấy năm chống chọi với bệnh tật hiểm ác, cha chúng tôi là cụ Ngô Công Lãnh đã ra đi ở tuổi 86. Đó là sự mất mát vô cùng to lớn không gì có thể bù đắp được đối với gia đình chúng tôi.
Từ khi cha chúng tôi lâm bệnh đến những phút cuối đời và trong thời gian tang lễ, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của các cựu học sinh lớp E chuyên toán cấp 3 Hải Hưng Khóa 1972-1975.

Thay mặt gia đình, chúng tôi xin chân thành cảm tạ Ban liên lạc cựu học sinh lớp E chuyên toán Hải Hưng 1972-1975 và toàn thể các bạn trong lớp đã đến viếng cha chúng tôi và gửi lời chia buồn tới gia đình chúng tôi.
Trong lúc tang gia bối rối, gia đình có điều gì sơ suất mong được các bạn thông cảm và lượng thứ.
Một lần nữa xin được ghi nhận tình cảm quý báu của các bạn.
(Vợ chồng Ngô Công Thành – Bùi Thị Minh)

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

TIN BUỒN


Cụ Ngô Công Lãnh, thân sinh ông Ngô Công Thành - cựu học sinh lớp E chuyên toán Hải Hưng khóa 1972-1975, đã từ trần ngày 21/12/2014, hưởng thọ 86 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 ngày 26/12/2014 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354 (phố Đội Nhân, Hà Nội). Lễ an táng tại Nghĩa trang quê nhà xã Ngũ Lão, Kim Động, Hưng Yên hồi 14h cùng ngày.
Lớp E tổ chức viếng, tập trung tại Bệnh viện quân đội 354 lúc 8h ngày 26/12/2014.
Xin gửi lời chia buồn đến ông Ngô Công Thành và gia đình.
Kính báo với bạn bè các thành viên blog E.

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Bài thơ về mẹ

Mẹ đã đi gần hết cuộc đời
Mái tóc mẹ hai màu mưa nắng
Vai mẹ gầy run run khó nhọc
Ánh mắt mẹ nhìn tình đời lấp lánh
Đất nước qua hai lần chiến tranh
Đã có bao nhiêu bà mẹ
Đảm đang thay chồng đi đánh giặc
Đợi chờ chồng chất hoàng hôn
Con cháu mẹ nay đã lớn khôn
Có hiểu hết công ơn của mẹ
Họ làm gì để mẹ vui mẹ khoẻ
Làm gì để đền đáp mẹ, mẹ ơi
Mẹ đã sinh ra người bạn của con
Con xin được gọi mẹ là mẹ nhé
Con cũng là đứa con của mẹ
Mẹ là mẹ của chúng con...
VŨ ĐÌNH TIẾN

Chú thích: bài thơ làm khi tác gỉa đi thăm mẹ của một người bạn




BÀI THƠ ANH VŨ CHÂU CỦA LÝ BẠCH


Trần Đông Phong


BẾN ANH VŨ

Bóng chim đã khuất sông Ngô
Tên chim Anh Vũ bến thơ lưu truyền
Cánh chim tây vút Lũng triền
Bến thơm cây rợp một miền xanh man
Gió thơm khói mở lá lan
Hoa đào sóng gấm vỗ tràn bờ lay
Người đi có thấy lúc nay
Trăng đơn chiếu sáng bến dài vì ai. 
(TĐP dịch thơ bài Anh Vũ châu của Lý Bạch)

--
Chú thích:
- Anh vũ: Chim vẹt
- Anh Vũ châu: Bến sông Anh Vũ trên sông Trường Giang.
- Ngô Giang: Sông Trường Giang phần thuộc nước Ngô.
- Lũng sơn: Núi Lũng thuộc Cam Túc, quê của Lý Bạch.

Lý Bạch trong triều của Đường Minh Hoàng được trọng dụng, phát huy được tài năng như phiên dịch tiếng nước ngoài cho vua, thơ văn trác tuyệt, khiến cho tể tướng đương triều phải mài mực. Vậy nên có câu:
“Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Tương tiến tửu) ( Trời sinh ra ta có tài tất được trọng dụng). Lý Bạch nổi tiếng vì bài Thanh bình điệu, nhưng lại bị gièm pha phải lưu đày vì 1 câu của bài này:
 “Khả liên Phi Yến ỷ tân trang” (Thanh Bình điệu)
Ý là:
Khá thương nghĩ đến Triệu Phi Yến, đang tựa cửa, lúc vừa trang điểm xong.
Điều này bị coi là phạm thượng vì dám so sánh Dương Quý Phi, đại mỹ nhân của vua đương triều với người đẹp thời Hán Triệu Phi Yến bị thất sủng. 
Lý Bạch lưu quan đi khắp nơi thăm danh lam thắng cảnh, đến đâu cũng được đưa đón nồng nhiệt, chu đáo, làm thơ hay, nhiều vô kể, được người đời hâm mộ, truyền tụng. Thế nên có câu:
“Đãn sử chủ nhân năng túy khách
  Bất tri hà xứ thị tha hương” (Khách trung tác)
Ý là:
 Chỉ cần chủ nhân có thể làm say được khách
 Chẳng có đâu là nơi đất khách quê người.

Bờ nam sông Trường Giang trên vùng đất thuộc nước Ngô thời Chiến quốc, có lầu Hoàng hạc lừng danh với bài thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu trong cảnh bến sông Anh Vũ trong ráng chiều, sương khói, cỏ cây hoa lá tươi tốt, xanh mướt, man mác, thơm ngát. Lý Bạch đã phải thốt lên:
“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
 Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”
Ý là:
Trước mắt có cảnh nói không được
Vì thơ Thôi Hiệu đề ở trên đầu rồi.

Ấy là nói thế, Lý Bạch đã làm một số bài thơ về lầu Hoàng hạc và cảnh vật xung quanh, như  “Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo nhiên chi Quảng Lăng”, Phượng hoàng đài”…. Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến là bài “Anh Vũ châu” (Bến Anh Vũ), mà phong thái, đường nét phảng phất Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, dường như thể hiện sự ganh đua ngầm.

Phiên âm:

ANH VŨ CHÂU

Anh vũ lai quá Ngô giang thuỷ, 
Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh. 
Anh vũ tây phi Lũng sơn khứ, 
Phương châu chi thụ hà thanh thanh. 
Yên khai lan diệp hương phong khởi, 
Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh. 
Thiên khách thử thời đồ cực mục, 
Trường châu cô nguyệt hướng thuỳ minh ?
Lý Bạch

Cũng giống như bài Hoàng hạc lâu nhiều chỗ bị thất niêm, luật, đối.
Câu 1: thất luật ở chữ thứ 4 “quá” là vần trắc, lẽ ra phải là vần bằng, vì chữ thứ 2 “vũ” là trắc rồi. Câu 2: chữ thứ 2 “thượng”, vần trắc thất niêm, lẽ ra phải bằng để niêm với chữ thứ 2 của câu trên “vũ” là vần trắc. Câu 3, 4 không đối nhau về ý, từ, nghĩa, do vậy thất đối. Tuy vậy bài thơ tuyệt hay vì âm điệukhi đọc thành lời như có nhạc, ý tứ sảng khoái, thi từ mỹ lệ, cảnh vật hùng vĩ. Đặc biệt hình ảnh chim anh vũ bay về phía tây hướng về núi Lũng nơi quê gốc của tác giả, gợi lên nỗi niềm nhớ quê man mác, bâng khuâng. Người đời yêu thích và đánh giá cao những điều tưởng như thất niêm, luật, đối đó.
Điểm tương đồng thú vị, đặc sắc của của 2 bài thơ là 3 câu đầu của mỗi bài lặp lại tên của một loài chim tương ứng. Trong bài Hoàng Hạc lâu là “hoàng hạc”, còn trong bài Anh Vũ châu là “anh vũ”. 

Chữ Hán:

鸚鵡洲 
鸚鵡來過吳江水, 
江上洲傳鸚鵡名。 
鸚鵡西飛隴山去, 
芳洲之樹何青青。 
煙開蘭葉香風暖, 
岸夾桃花錦浪生。 
遷客此時徒極目, 
長洲孤月向誰明?
李白

Dịch nghĩa:

Bến Anh Vũ
Chim anh vũ đã bay qua sông Ngô
Từ đó bến trên sông này lưu truyền tên Anh Vũ.
Chim anh vũ bay về phía tây đến núi Lũng.
Cây trên bến sông thơm ngát, tỏa bóng xanh mướt.
Khóm lá cây lan mở ra làn khói, hương thơm nổi lên.
Giáp bờ sông hoa đào sinh ra làn sóng gấm.
Lúc này người khách đi đổi quan đưa mắt nhìn ra hết mức.
Trên bến sông dài vầng trăng cô đơn hướng vào ai mà chiếu sáng?

Français:

La berge de Ying Wu 
Les perroquets (Ying Wu) sont arrivés à travers d’eau de la rivière de Wu 
Sur la berge de la rivière le nom de Ying Wu a été transmis à la postérité.
Les perroquets (Ying Wu) se sont envolés vers l’ouest à la montagne de Long.
Quels verts sont les arbres de la berge odoriférante.
Les feuilles des orchidacées s’ouvrent dans le fume de rivière et le vent parfumé se lève.
Auprès du rivage les flots des fleurs de pêcher se développent.
À ce moment le fonctionnaire publique en déplacement regarde inutilement à l’extrémité de sa vision.
Sur la berge longue à qui la lune solitaire s’éclaire ?
(Traduit par Tran Dong Phong)
Notation :
Ying Wu : Perroquet
Berge de Ying Wu : La berge alluviale de la rivière de Wu
Rivière de Wu : La part de la rivière de Yangzi à la place de la province Hu Bei, Chine.
Montagne de Long : Le terrain appartient à la province de Gan Su, Chine. 
(TĐP)

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Báo tin: Vợ chồng Tạ Hữu Gay bị tai nạn giao thông

Theo nguồn tin từ Nguyễn Thế Ngự, cách đây vài ngày, vợ chồng Tạ Hữu Gay bị tai nạn, hai người đã cấp cứu tại Phả Lại, sau đó vợ Tạ Hữu Gay điều trị tại một bệnh viện ở Thành phố Hải Dương, nghe nói gãy xương vai (Tạ Hữu Gay đã về nhà ở Phả Lại, tai nạn bị nhẹ thôi). Tạ Hữu Gay vốn đang điều trị bệnh mãn tính, có vợ là người hộ lý tốt nhất, nay vợ bị nằm đó, thì đồng chí Gay có phần gay go hơn.
Thông báo để anh em gần xa biết, có kế hoạch đến thăm hoặc hỏi thăm, giúp đỡ.

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

VỀ BẮC GIANG

Trần Đông Phong

QUÁN NHỎ PHỐ QUÊ

Bắc Giang, Yên Dũng, phố Tân Dân
Dã ngoại, cơm trưa, dịp cuối tuần
Diếc bạc trám đen, niêu đất mặn
Cải xanh, tôm đỏ, gạch cua vàng
Vị gừng nước đắng, vơi đâu nữa
Hương lúa rượu cay, rót nhỡ tràn
Quán nhỏ, phố quê, say bõ rượu
Cô nàng bán quán, mắt đong thần.
(TĐP)

Sáng Chủ nhật ngày 14-9-2014 về Bắc Giang dự lễ khánh thành đình làng Cổ Mân, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam. Cùng đi có Tuấn, Học viện chính sách phát triển, em ruột anh Lâm là nhà tài trợ 90% đình làng, Nghị, Vụ Hợp tác xã, Tiến, Vụ Kinh tế công nghiệp đều là dân Bắc Giang. Trên đường về đến thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng vừa độ cơm trưa, ghé lại quán ăn bên đường. Tân Dân mới được thành lập năm 2007, nằm trên con đường từ thành phố Bắc Giang đi chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La) nổi tiếng, nên tuy cảnh quan còn đơn sơ, nhưng người lại qua khá tập nập. Nghe nói giá đất ở đây tầm 15 đến 20 triệu/m2.

Tuấn vốn là khách quen của quán này. Cô chủ quán người gốc phố Quang Trung, thành phố Bắc Giang. Cơm toàn món chân quê như tôm sông hấp trông đỏ au với hai càng dài, trám rừng Yên Thế kho với cá diếc trong nồi đất. Kho rất khéo, trám thấm đẫm vị cá, còn cá thì nhừ nhuyễn ăn hết cả xương. Cải ngồng luộc chấm nước mắm giầm trứng luộc. May trong xe còn hai chai rượu nếp cái hoa vàng Phù Đổng thơm mùi lúa. Nước luộc cải ngồng đắng có gừng rất dã rượu, thoáng cái đã hết bát nước rau luộc, đành dùng rượu cho đỡ vị mặn của cá kho. Dặn các cậu rót rượu không để tràn vì nếu hết rượu thì không còn gì để uống. Tuy nhiên vẫn còn bát canh cua đồng phủ gạch để ăn với cà pháo muối xổi. Lúc này lại nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Trung Ngạn đời nhà Trần đi sứ Trung Quốc lúc nhớ nhà: “Tảo đạo hoa hương giải chính phì”, nghĩa là “Hương thơm lúa mới cua đang béo”.
Ăn xong lại mua thêm bốn niêu cá diếc kho trám, cô chủ quán dặn về nhà nhớ đun nhỏ lửa để niêu không bị nứt, khi nào quay lại trả niêu sẽ được hoàn tiền niêu mười nghìn. Cô ta quen kho cá bằng niêu đất Phù Lãng. Trong lúc uống nước chè xanh, Tuấn hỏi anh có bài thơ nào không? Trả lời: Phố quê quán nhỏ, món ăn thuần nông rất thú vị, cứ từ từ khoai sẽ nhừ. Về đến Từ Sơn qua nhà anh Lâm, biệt thự, sân vườn mấy hécta, lại có hồ câu. Nhân tiện có cần và nhờ Tiến móc mồi. giật được mấy con cá, khá vui.
Về đến nhà, xe trát bùn đỏ, đưa đi rửa. Trong lúc đợi xe chợt có mấy ý. Phải vội về để ra bể bơi, vì có chương trình hướng dẫn bơi bướm cho cậu người Pháp. Bà vợ còn nói với theo về sớm để cùng ăn niêu cá kho. Hôm nay chỉ bơi 500 mét bướm thôi thay vì 1000 mét như mọi ngày, vì đi cả ngày và vừa khỏi viêm họng hơi mệt. Bơi xong thì hoàn thành bài thơ.
(TĐP)

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Nhật ký của liệt sĩ về chiến trường Lào

Đây là bài tựa, giới thiệu tập Hồi ký "Hành trình trên chiến trường nước bạn". Tựa sách do NXB Quân đội đặt. Nhân dịp Quốc khánh Lào tôi giới thiệu trên mạng (FB, Web)




Cách đây ít lâu, ngẫu nhiên mà một tập nhật ký của liệt sĩ Đào Văn Hách đến tay tôi. Càng đọc, tôi càng cảm phục ý chí sắt thép, tâm hồn nghệ sĩ chiến sĩ của chủ nhân tập nhật ký gần 1.000 trang này.
Ông Đào Văn Hách quê ở Duyên Hà, Thái Bình, nhập ngũ năm 1952, ra quân đầu những năm sáu mươi, sau đó vào năm 1966, ông xung phong đi làm chuyên gia y tế tại chiến trường Nam Lào (chiến trường C), vì trong quân đội, ông đã học trung cấp quân y. Khi đi C, ông đang ở phòng Y tế một huyện của tỉnh Thái Bình. Như vậy, ông Hách đi C trong đoàn quân chuyên gia khối dân chính đảng thuộc quản lý của Ban công tác miền Tây.
Đào Văn Hách ghi nhật ký từ ngày bắt đầu là 22/7/1954. Bốn tập đầu, được người nhà đóng lại, ghi ngày cuối 17/9/1962. Ba tập sau, ông Hách ghi từ ngày chuẩn bị đi C,  từ 1967, đến ngày cuối ở Siphandon là  cuối năm 1968. Sau năm 1968, ông được xét trở về địa phương tiếp tục công tác. Nhưng đến năm 1970, ông lại xung phong đi tiếp chiến trường C thêm 2 năm nữa. Lần này, ông bị quân phỉ phục kích tại rừng Nam Lào và hy sinh. Do có chuyến về Việt Nam mà gần toàn bộ nhật ký của ông được gia đình giữ lại.


Từ trước đến nay, dư luận đã tiếp cận, đọc được nhiều chiến sĩ ghi nhật ký chiến trường. Nổi tiếng hơn cả là Nhật ký Đặng Thùy Châm với số phận cuốn nhật ký khá thú vị. Nhật ký Nguyễn Văn Thạc tiêu biểu cho tâm hồn, ý chí lớp thanh niên sinh viên tòng quân chống Mỹ. Các nhà văn thế hệ chống Pháp, chống Mỹ cũng để lại nhật ký như Nam Cao, Chu Cẩm Phong… vân vân.
Tuy nhiên, để lại nhật ký ghi mê mải, chi tiết  từ năm 1954 đến 1970 như tập của ông Đào Văn Hách thì tôi mới thấy lần đầu tiên. Toàn bộ hoạt động trong quân đội, cho đến quá trình vượt Trường Sơn 75 ngày từ Hà Nội đến Siphandon, một địa danh giáp giới Thái Lan, Campuchia của Lào, quá trình sống và công tác với người Lào ở rừng sâu Siphandon, đã được Đào Văn Hách ghi lại với tâm thế của một tâm hồn nghệ sĩ chiến sĩ.
Cần nói thêm rằng, nếu Đào Văn Hách không anh dũng hy sinh ở rừng Nam Lào, thì chắc chắn ông sẽ trở thành một nhà văn đích thực. Theo nhật ký của ông, ngày 27/12/1961, ông đã dự Hội nghị bạn viết chuyên nghiệp và bán chuyên toàn quân, do Tổng cục chính trị tổ chức. Hội nghị này do ông Hoàng Minh Thi thiếu tá ở Tổng cục Chính trị đến phát biểu khai mạc. Phải có quá trình viết lách như thế nào ông mới được đi dự hội nghị này. Những trang sau, khi ở rừng Lào, ông cũng ghi lại ý định phác thảo một quyển tiểu thuyết về những ngày làm chuyên gia cố vấn ở Lào. Thực tế, bắt đầu vượt Trường Sơn, do ý định phác thảo tiểu thuyết, và cũng do yêu cầu bí mật tài liệu, ông Hách đã viết nhật ký dạng tự truyện. Khi vượt Trường Sơn, ông nhập vai là Xi-Pha, các nhân vật Việt cũng đều được đặt bí danh hoặc tên Lào. Khi đến Lào, thì đó là những ghi chép của “tôi” về nhân vật Tha Von. Có nhiều chỗ, người viết phân thân thành “tôi” đối thoại với Tha Von.
Những trang viết về cuộc sống và chiến đấu gian khổ ở rừng sâu Lào là những trang viết lạ, chi tiết còn tươi mới hơi thở cuộc sống, mà những người không trực tiếp sống không thể bịa ra được. Những suy tư của nhân vật có hơi hướng ảnh hưởng tư duy của Pa-ven trong “Thép đã tôi thế đấy”. Tuy nhiên, do là nhật ký, nên suy nghĩ của nhân vật của Đào Văn Hách không ngần ngại nhìn xung quanh với con mắt phê phán, dự cảm những điều sau này mới xảy ra. Nếu nói về việc xây dựng nhân cách thì đây là một bài ca về khí tiết của một con người tiêu biểu trong thế hệ làm hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm quốc khánh Lào 2/12, chúng tôi xin kêu gọi những đồng nghiệp, bạn bè có thời gian công tác tại Ban Công tác Miền Tây liên hệ bổ sung, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tâm nguyện của một liệt sĩ nghệ sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. 

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

BUỔI SỚM Ở NA SẦM

Trần Đông Phong
Mấy ngày cuối tuần đầu tháng 9-2014, có việc tự lái xe đi Cao bằng qua nẻo Lạng Sơn. Chiều 5 giờ xuất phát từ Hà Nội, đến đoạn Bắc Ninh, Bắc Giang, gặp mưa sau bão số 3 to khủng khiếp. Làn đường cho xe tải vốn bị trũng ngập nước mưa trông như mương nước. Xe tải chạy làm tóe nước sang hai bên như vòi rồng. Lúc vượt xe tải cảm giác như đi trong thác nước đổ ập lên xe. Trên đường đi anh em ở Lạng Sơn liên tục điện thoại hỏi thăm và thông báo địa điểm hẹn. 7 rưỡi tối đến Lạng Sơn gặp Khánh, Giám Đốc Sở Ngoại vụ Lạng Sơn. Bữa tối rất thân mật với đủ đặc sản của Lạng Sơn như rượu Mẫu Sơn, khoai môn,…

Khánh dặn chương trình sáng mai đi sớm, có em Bắc, trước học thạc sỹ ở Quế Lâm,  nay làm Phó bí thư huyện ủy Văn Lãng, sẽ đón và mời ăn sáng ở thị trấn Na Sầm cách thành phố Lạng Sơn hơn 30 km. 6 giờ sáng rời khách sạn Mường Thanh, cùng theo xe có em Hiền, Phó Giám đốc sở Du Lịch Lạng Sơn, người gốc Văn Lãng. Huyện ủy Văn lãng ở ngay bên mặt đường 4. Xe của Khánh cũng vừa đến, đi quanh co một lát, dừng ở một quán nhỏ. Món ăn sáng ở đây rất riêng và đặc biệt: phở vịt quay, rượu nấu men riêng tự chế với nước giếng nhà, vị cay, thơm lạ rất hợp với vịt quay.
Thật đáng tiếc nếu đi Lạng Sơn, Cao Bằng mà không thưởng thức món rượu, phở vịt quay Na Sầm.

Buổi sớm ở Na Sầm
I
Rượu sớm Na Sầm vị dịu cay
Biên cương xứ Lạng thoáng heo may
Cô em Văn Lãng nghiêng bầu, hẹn
Lễ hội xuân này sẽ uống say.
II
Lễ hội Na Sầm mười bốn Giêng
Bao đời truyền thống rất linh thiêng
Lộc tài phúc thọ an khang thịnh
Bầu rượu lưng ong hết chẳng nghiêng.
III
Nhớ quê Văn Lãng, Hoàng Văn Thụ
Khí phách kiên cường một “tấm thành”
“Ngọc nát” lại lành lưu vạn cổ
Đời sau còn nhớ mãi thơ Anh.

--
- Hoàng Văn Thụ: nhà cách mạng lớn quê ở Văn Lãng
- Tấm thành, Ngọc nát: thơ của Hoàng Văn Thụ: 
"Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành"
"Trước sau xin giữ tấm lòng thành"
- Thơ Anh: Hoàng Văn Thụ có bài thơ Nhắn bạn rất nổi tiếng được lưu truyền mãi.
(TĐP)