Đây là bài tựa, giới thiệu tập Hồi ký "Hành trình trên chiến trường nước bạn". Tựa sách do NXB Quân đội đặt. Nhân dịp Quốc khánh Lào tôi giới thiệu trên mạng (FB, Web)
Cách đây ít lâu, ngẫu nhiên mà một tập nhật ký của liệt sĩ Đào Văn Hách đến tay tôi. Càng đọc, tôi càng cảm phục ý chí sắt thép, tâm hồn nghệ sĩ chiến sĩ của chủ nhân tập nhật ký gần 1.000 trang này.
Ông Đào Văn Hách quê ở Duyên Hà, Thái Bình, nhập ngũ năm 1952, ra quân đầu những năm sáu mươi, sau đó vào năm 1966, ông xung phong đi làm chuyên gia y tế tại chiến trường Nam Lào (chiến trường C), vì trong quân đội, ông đã học trung cấp quân y. Khi đi C, ông đang ở phòng Y tế một huyện của tỉnh Thái Bình. Như vậy, ông Hách đi C trong đoàn quân chuyên gia khối dân chính đảng thuộc quản lý của Ban công tác miền Tây.
Đào Văn Hách ghi nhật ký từ ngày bắt đầu là 22/7/1954. Bốn tập đầu, được người nhà đóng lại, ghi ngày cuối 17/9/1962. Ba tập sau, ông Hách ghi từ ngày chuẩn bị đi C, từ 1967, đến ngày cuối ở Siphandon là cuối năm 1968. Sau năm 1968, ông được xét trở về địa phương tiếp tục công tác. Nhưng đến năm 1970, ông lại xung phong đi tiếp chiến trường C thêm 2 năm nữa. Lần này, ông bị quân phỉ phục kích tại rừng Nam Lào và hy sinh. Do có chuyến về Việt Nam mà gần toàn bộ nhật ký của ông được gia đình giữ lại.
Từ trước đến nay, dư luận đã tiếp cận, đọc được nhiều chiến sĩ ghi nhật ký chiến trường. Nổi tiếng hơn cả là Nhật ký Đặng Thùy Châm với số phận cuốn nhật ký khá thú vị. Nhật ký Nguyễn Văn Thạc tiêu biểu cho tâm hồn, ý chí lớp thanh niên sinh viên tòng quân chống Mỹ. Các nhà văn thế hệ chống Pháp, chống Mỹ cũng để lại nhật ký như Nam Cao, Chu Cẩm Phong… vân vân.
Tuy nhiên, để lại nhật ký ghi mê mải, chi tiết từ năm 1954 đến 1970 như tập của ông Đào Văn Hách thì tôi mới thấy lần đầu tiên. Toàn bộ hoạt động trong quân đội, cho đến quá trình vượt Trường Sơn 75 ngày từ Hà Nội đến Siphandon, một địa danh giáp giới Thái Lan, Campuchia của Lào, quá trình sống và công tác với người Lào ở rừng sâu Siphandon, đã được Đào Văn Hách ghi lại với tâm thế của một tâm hồn nghệ sĩ chiến sĩ.
Cần nói thêm rằng, nếu Đào Văn Hách không anh dũng hy sinh ở rừng Nam Lào, thì chắc chắn ông sẽ trở thành một nhà văn đích thực. Theo nhật ký của ông, ngày 27/12/1961, ông đã dự Hội nghị bạn viết chuyên nghiệp và bán chuyên toàn quân, do Tổng cục chính trị tổ chức. Hội nghị này do ông Hoàng Minh Thi thiếu tá ở Tổng cục Chính trị đến phát biểu khai mạc. Phải có quá trình viết lách như thế nào ông mới được đi dự hội nghị này. Những trang sau, khi ở rừng Lào, ông cũng ghi lại ý định phác thảo một quyển tiểu thuyết về những ngày làm chuyên gia cố vấn ở Lào. Thực tế, bắt đầu vượt Trường Sơn, do ý định phác thảo tiểu thuyết, và cũng do yêu cầu bí mật tài liệu, ông Hách đã viết nhật ký dạng tự truyện. Khi vượt Trường Sơn, ông nhập vai là Xi-Pha, các nhân vật Việt cũng đều được đặt bí danh hoặc tên Lào. Khi đến Lào, thì đó là những ghi chép của “tôi” về nhân vật Tha Von. Có nhiều chỗ, người viết phân thân thành “tôi” đối thoại với Tha Von.
Những trang viết về cuộc sống và chiến đấu gian khổ ở rừng sâu Lào là những trang viết lạ, chi tiết còn tươi mới hơi thở cuộc sống, mà những người không trực tiếp sống không thể bịa ra được. Những suy tư của nhân vật có hơi hướng ảnh hưởng tư duy của Pa-ven trong “Thép đã tôi thế đấy”. Tuy nhiên, do là nhật ký, nên suy nghĩ của nhân vật của Đào Văn Hách không ngần ngại nhìn xung quanh với con mắt phê phán, dự cảm những điều sau này mới xảy ra. Nếu nói về việc xây dựng nhân cách thì đây là một bài ca về khí tiết của một con người tiêu biểu trong thế hệ làm hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm quốc khánh Lào 2/12, chúng tôi xin kêu gọi những đồng nghiệp, bạn bè có thời gian công tác tại Ban Công tác Miền Tây liên hệ bổ sung, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tâm nguyện của một liệt sĩ nghệ sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét