Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

ĐÁNH CHO MỸ CÚT, ĐÁNH CHO NGỤY NHÀO

Đây là câu chuyện do anh Chu Mộng Long cũng là cựu chiến binh, giảng viên Đại học Quy Nhơn, kết bạn với mình qua facebook kể lại. Nghe mà đau xót quá. Chiến tranh đã qua lâu, đất nước đã thống nhất 39 năm rồi mà sao hận thù vẫn chẳng chịu nguôi ngoai? Phải chăng người ta cố tình để cho tình trạng này kéo dài mãi? (BBT)

Chuyện này do mình kể, thật 100%, không bịa đặt, xuyên tạc gì, vì nó xảy ra tại nhà mình cách đây hơn 15 năm, khi thằng con trai lớn của mình còn học lớp 4. Đăng một lần trên FB rồi. Nay đăng lại nhân 30.4 và cũng để tạ lỗi trước vong linh bố.

 Thằng bé cầm SGK Tiếng Việt đọc ê a đến cả trăm lần cái câu:
- Vì độc lập vì tự do. Đánh cho Mỹ cút đánh cho Nguỵ nhào…
Ông bố hỏi:
- Thuộc chưa? Có mỗi câu thơ thế mà lải nhải cả trăm lần!
Thằng bé băn khoăn:
- Thuộc rùi. Nhưng Mỹ là ai, Nguỵ là ai hở bố?
Bố giải thích:
- Mỹ là người Mỹ, ở tận bên kia quả địa cầu, còn Nguỵ là… là…
Ông bố lúng túng cứ là…là… đến chục lần. Ông nội nãy giờ nằm im, bỗng bật dậy:
- Là ông nội mày đây! Tao gần kề miệng lỗ rồi mà chúng mày vẫn còn chưa tha ư?
Thằng bé cười khúc khích:
- À, thế ra Mỹ thì cút rồi mà Nguỵ thì vẫn còn đấy. Ông Nguỵ vẫn còn khoẻ cơ mà. Cô giáo dạy phải đánh khi nào nhào mới thôi ông ạ!
(Chu Mộng Long)

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Hãy cứu lấy môi trường sống của chính chúng ta

Tôi gửi bài viết này lên face book như một lời kêu cứu của hàng nghìn người dân chúng tôi đang phải mang khẩu trang khi ngủ. Mong rằng các bạn hãy tiếp thêm sứ mạnh để bài viết này có thể tới tận tay người cần tới và hy vọng sẽ có một phép nhiệm màu để cứu rồi những con người hàng ngày đối diện với ranh giới sinh tử. Xin chân thành cảm ơn!

“ Đông Lâm, 2h sáng ngày 18/4/2014.
Gứi cô Thái Thị Hương_ chủ tịch tập đoàn TH true milk!
Thật thất lễ khi chưa một lần gặp mặt cũng như chưa nói chuyện với cô lần nào mà lại gửi bức tâm thư này tới cô. Xin cho cháu xưng hô là vậy bởi cháu năm nay 25 tuổi và đang là 1 giáo viên nên phần nào hiểu về cái quyền tự do ngôn luận. Hẳn là cô sẽ rất thắc mắc khi tại sao cháu lại nhắc tới quyền tư do ngôn luận ở đây ? Bởi lẽ cô hàng xóm – một “dân đen” đúng nghĩa cũng chỉ vì muốn đòi lại quyền lợi khi bị tước đoạt đất đai mà kết quả lại bị tước đoạt quyền công dân khi phải chịu án trong nhà đá nên cháu hy vọng nhưng điều cháu tâm sự sẽ không có kết cục như trên.
Cô Hương thân mến! cháu là người con sinh ra và lớn lên tại môt vùng quê mà trước đây cháu còn nghĩ nếu ở thời chiến tranh thì đây chính là nơi trú ẩn an toàn bởi vì nơi đây bạt ngàn những rừng cao su, rừng tràm, cà phê, cam, mía….và bao quanh là dòng sông nhỏ. Thế nhưng giờ đây mọi nơi đều được trải bê tông để nhường chỗ cho nhưng chú bò nhập ngoại trú ngụ và những nhà máy hoạt động liên tục 24h. cũng chẳng hiểu sao xóm cháu “được”chọn là nơi xây dựng nhà điều hành, lại thêm những trại bò sữa vây quanh, cùng với một trung tâm thức ăn đồ sộ phục vụ cho một trang trại bò sữa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Hẳn cô đã phần nào hiểu tại sao cháu không gửi thư cho ai khác mà lại chọn cô _ Người đứng đầu tập đoàn sữa TH true milk.

Cháu không viết thư để đòi lại những vườn cam, vườn cao su, vườn mía ……..mà giờ đây bê tông đã trải kín nền, không còn nghĩ đến chuyện người dân xóm cháu thức ngày đêm để đòi quyền bồi thường thỏa đáng, cũng không than vãn hộ chị gái hằng đêm phải trốn hai đứa con nhỏ lúc hai giờ sáng để đi làm kịp ca đặc biệt là những ngày đông giá rét mà lương cơ bản hàng tháng vẫn chỉ 2 triệu đồng, không còn thắc mắc chuyện dân cháu mỗi ngày 24 tiếng đều đặn phải nghe những âm thanh ồn ào của máy móc , của xe tải…….. và những tiếng la hét của đàn bò, lại càng không muốn khóc lóc mà khiếu nại chuyện những chuyến xe chở chất thải cứ tung tăng chạy trên đường để rồi những người tham gia giao thông cùng như cháu lại có những hôm đang trên đường đi làm phải trở về vì phân thải dội khắp người, hậu quả là học sinh nhao nhác chờ cô còn cháu thì chỉ dám nói lí nhí với thầy hiệu trưởng cái lí do đi dạy muộn mà nghe xong chắc ai cũng phải bịt mũi. Mà nói thật là cũng từ sau cái chuyện ấy cháu lại dạy thêm cho học sinh một văn hóa ửng xử trong giao thông là chữ “ nhường” , để thực hiện chữ “ nhường” đó thì mỗi lần gặp những xe trọng tải lớn của TH là cháu cứ phải tấp hẳn xe vào lề đường rồi nín thở chờ họ đi qua . Ấy vậy mà dù có nép theo chiều thẳng đứng với cột mốc thì mạng sống cũng chỉ xem như trò đùa, khi chiếc xe tải chở phân vẫn lao hầm hập như không phanh và cố tình đánh lái để có thể lao vào trực diện thế rồi tay lái xe có vẻ như đang thể hiện trình độ lái xe của mình khi phanh két trước mặt ,rồi từ từ mở cửa xe hỏi một câu rất chi là lịch sự : “ Đi làm về hả em?”(chắc xe này mua phí bảo hiểm cao lắm)…….và còn lắm lắm những điều mà lúc này đúng 2h30p cháu suy nghĩ tới bởi cho dù đã bịt khẩu trang thì cháu vẫn không tài nào ngủ được khi tất cả mùi hôi thối từ trại bò cứ thi nhau luồn lách để vào trong tận màng phổi. Cháu nghĩ tới căn bệnh ung thư phổi mà Bố cháu đã chịu đựng và không gào thét bắt TH phải trả lại mạng sống cho Bố cháu, cho Bác ruột của cháu, những người hàng xóm của cháu lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư. Nhưng cháu không thể cầm lòng khi giờ đây những người xung quanh cháu đang thoi thóp từng ngày mong chờ được thêm cơ hội sống dù ai cũng biết là vô vọng. Bác Hồ đã từng nói: “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc”và khi cận kề cái chết thì niềm khao khát được sống lại lớn lao hơn cả. Bởi cách đây không lâu khi chứng kiến Bố chịu đựng những cơn đau giằng xé nội tạng mà không một lời than vãn,suốt 3 tháng ròng chỉ ngồi mà không thể nằm nhưng không muốn tiêm thuốc giảm đau vì Bố nghĩ nếu tiêm thuốc đó thì sẽ mất hết hy vọng và gia đình cháu cũng mong lắm điều diệu kì. Cho tới hôm nay,một lần nữa chứng kiến cảnh bác xóm trưởng bị căn bệnh ung thư gan hành hạ, chị hàng xóm lại nhận kết quả dương tính với căn bệnh ung thư tử cung, bác bí thư chi bộ bị u não, cô gần nhà lại mắc bệnh hiểm nghèo…lúc nghe tin mà người như rụng rời bởi nỗi đau này cháu và gia đình đã từng chịu đựng,tới nỗi ông nội cháu _ người đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến Pháp – Mỹ _ là một trong những người đầu tiên khai hoang mảnh đất này lại phải đau xót mà thốt lên rằng : “ trời ơi TH đã cướp mất hai người con tôi” khi hai năm liền ông lần lượt chứng kiến hai người con từ giã cõi đời.
Thực lòng cháu không muốn đổ lỗi cho ai nhưng giờ đây nơi cháu ở là một dòng sông chứa đầy chứa đầy chất thải của bò bao quanh phía Đông, là một con đập chứa nước mà mỗi mùa mưa lũ những hồ chứa phân vỡ ra và rồi nó hứng chịu cứ thế ngấm vào nguồn nước ngầm của nhà dân lại nằm ở phía Tây, là những trại bò sữa giáp với khu dân cư trải dài ở phía Nam và một khu trung tâm thức ăn với đủ các loại mùi hôi thối nồng nặc án ngự phía Bắc. Đã bao giờ cô phải mắc màn để ăn cơm chưa ạ ? dân chúng cháu phải mắc màn mỗi khi ăn cơm vì quá nhiều ruồi từ các trại bò xâm nhập, ấy vậy nên cô lại có chương trình cấp cho mỗi hộ dân xóm bên cạnh 200 trăm nghìn đồng để mua thuốc diệt ruồi còn xóm cháu cứ thế mà chịu. Kể ra có lẽ cũng chẳng ai tin khi người dân hằng đêm phải mang khẩu trang đi ngủ nhưng lại có thật tại nơi đây. Có thể chúng cháu đã biết đến cuộc đời 25 năm nay, nhưng còn những em nhỏ _một thế hệ tương lai đang hàng ngày, hàng giờ phải sống trong một môi trường quá ô nhiễm. Liệu các em có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác ? Hãy thử đặt mình trong hoàn cảnh đó và liệu mình có thể để yên như vậy khi hàng ngày chứng kiến người thân của mình ra đi hay không.
Thiết nghĩ , cô cho xây dựng một số đền miếu ,lại hay lập đàn cầu siêu …..vậy tại sao không tạo thật nhiều ân phúc. Cô tin vào thuyết “ Duy tâm” liệu cô có tin vào hai chữ “ Quả báo”? Đến bây giờ điều cháu mong muốn nhất đó là cô hãy thực hiện những lời hứa với người dân mà hơn 4 năm qua cô đã lỡ hẹn. Dân chúng cháu cần lắm những tấm lòng biết cảm thông , chia sẻ và có trách nhiệm với hàng nghìn con người đang ngày đêm đối diện với tử thần.
Kính thư!
Hoàng Thị Trâm”
(Theo Facebook Hoàng Trâm)

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Diễn đàn khu vực hợp tác kinh tế Pháp ngữ (tiếp)

Trần Đông Phong
          Thứ Sáu ngày 4-4-2014 kết thúc Diễn đàn Pháp ngữ, trưa thứ Hai 7-4 ra sân bay Nội Bài để vào Miền trung trong chuyến công tác liên quan đến chương trình công nghệ nhiên liệu sinh học. Cậu Quân cùng vụ đi cùng có thẻ Platinum nên được thêm suất vào phòng chờ VIP. Đang ngồi chợt có điện thoại từ số máy lạ, tắt đi không nghe. Lại thấy gọi lại, nghe vậy. Hóa ra là thông báo của Học viện ngoại giao về Khóa học tiếng Pháp cao cấp giành cho cán bộ cấp cao của hai Bộ ngoại giao Việt-Pháp, chiều nay làm bài kiểm tra nhập học. Mình có cái mác chuyên viên cao cấp nên cũng được tính là cán bộ cấp cao.  Thôi đành chịu. Đêm Quảng Ngãi không ngủ được, may quá khách sạn có internet. Mở mail thấy có thư gửi từ Học viện ngoại giao thông báo Khóa học tiếng Pháp nói trên sẽ bắt đầu vào tuần sau, tuần 3 buổi từ 17 giờ 30 đến 20 giờ 30 trong 3 tháng. Trong Diễn đàn Pháp ngữ mình có tặng quyển thơ tiếng Pháp dịch Nhớ chuyện nay cho một số cán bộ phụ trách tiếng Pháp của Bộ ngoại giao như anh Thành, Phó Vụ trưởng, phụ trách các chương trình Pháp Ngữ; anh Chiến, Đại sứ, nguyên Hiệu trưởng Học viện ngoại giao đó là lý do mà mình được mời tham gia buổi kiểm tra này.

Giờ tan tầm phố Chùa Láng giao thông chen chúc, xe nhích từng phân, lái xe phải rất tập trung, cuối cùng cũng đến số 69, Học viện ngoại giao. Vào sân trường, xuống xe, đang vươn vai giảm stress sau đoạn đường căng thẳng vừa rồi, chợt có tiếng nói hơi gắt, anh đỗ xe thế này thì đánh cầu lông sao được. Lại lên xe tìm chỗ khác. Đi qua sân cầu lông để lên lớp học, lại nghe thấy tiếng người vừa nói ban nãy, Phong phải không? Quay lại, thì ra là Bình quen từ hồi phổ thông, nay là trưởng khoa tiếng Pháp của Học viện ngoại giao. Lên phòng Trưởng khoa uống nước, kể chuyện xưa rất thú vị, rồi mình lên lớp học.
          Lớp học chỉ có vài học viên, mà có 3 giáo viên, điều thú vị là anh Chiến, anh Thành chính là giáo viên của lớp và bất ngờ nữa, giáo viên thứ 3 là cô em gái nói giọng Huế đã gặp tại Diễn đàn Pháp ngữ hôm trước. Việc này đã đề cập trong bài Diễn đàn khu vực hợp tác kinh tế Pháp ngữ đã đăng trên BlogE ngày 6-4-2014.  Ngoài giờ học, trao đổi chuyện thơ Pháp rất tâm đầu ý hợp. Có lần cô hỏi anh hiểu câu thơ này thế nào “ Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé ”, đây là câu trong một bài thơ hay của Lamartine, nhà thơ trữ tình nổi tiếng người Pháp. Sau này mình dịch là “Thiếu dù chỉ một, thảy đều vắng không”. Mình hứa với cô là sẽ dịch toàn bộ bài thơ này và dưới đây là bài thơ nguyên tác và thơ dịch.
Nguyên tác:
L'isolement

Souvent sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne,
Au coucher du soleil, tristement je m'assieds ;
Je promène au hasard mes regards sur la plaine,
Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.

Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes ;
Il serpente, et s'enfonce en un lointain obscur ;
Là le lac immobile étend ses eaux dormantes
Où l'étoile du soir se lève dans l'azur.

Au sommet de ces monts couronnés de bois sombres,
Le crépuscule encor jette un dernier rayon ;
Et le char vaporeux de la reine des ombres
Monte, et blanchit déjà les bords de l'horizon.

Cependant, s'élançant de la flèche gothique,
Un son religieux se répand dans les airs :
Le voyageur s'arrête, et la cloche rustique
Aux derniers bruits du jour mêle de saints concerts.

Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente
N'éprouve devant eux ni charme ni transports ;
Je contemple la terre ainsi qu'une ombre errante
Le soleil des vivants n'échauffe plus les morts.

De colline en colline en vain portant ma vue,
Du sud à l'aquilon, de l'aurore au couchant,
Je parcours tous les points de l'immense étendue,
Et je dis : " Nulle part le bonheur ne m'attend. "

Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières,
Vains objets dont pour moi le charme est envolé ?
Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères,
Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé !

Que le tour du soleil ou commence ou s'achève,
D'un oeil indifférent je le suis dans son cours ;
En un ciel sombre ou pur qu'il se couche ou se lève,
Qu'importe le soleil ? je n'attends rien des jours.

Quand je pourrais le suivre en sa vaste carrière,
Mes yeux verraient partout le vide et les déserts :
Je ne désire rien de tout ce qu'il éclaire;
Je ne demande rien à l'immense univers.

Mais peut-être au-delà des bornes de sa sphère,
Lieux où le vrai soleil éclaire d'autres cieux,
Si je pouvais laisser ma dépouille à la terre,
Ce que j'ai tant rêvé paraîtrait à mes yeux !

Là, je m'enivrerais à la source où j'aspire ;
Là, je retrouverais et l'espoir et l'amour,
Et ce bien idéal que toute âme désire,
Et qui n'a pas de nom au terrestre séjour !

Que ne puîs-je, porté sur le char de l'Aurore,
Vague objet de mes voeux, m'élancer jusqu'à toi !
Sur la terre d'exil pourquoi resté-je encore ?
Il n'est rien de commun entre la terre et moi.

Quand là feuille des bois tombe dans la prairie,
Le vent du soir s'élève et l'arrache aux vallons ;
Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie :
Emportez-moi comme elle, orageux aquilons !

Alphonse de LAMARTINE  (1790-1869)

Dịch thơ:
Cảnh cô liêu

Trên non, dưới bóng sồi già
Mặt trời đang lặn, mình ta ngồi buồn
Dạo chơi chợt thoáng bình nguyên
Tranh màu đổi sắc dưới chân trải dài.

Đây sông gầm, sóng bọt trào
Lượn quanh, lắng xuống nơi nao xa mờ
Kia hồ nước trải lặng 
Sao chiều đang mọc bên bờ biển xanh.

Rừng đen vây đỉnh núi kia
Hoàng hôn còn tỏa những tia cuối cùng
Bóng đêm xe chở nữ hoàng
Khí lên, bạc trắng đường ngang chân trời.

Ấy khi tháp cổ nhô cao
Uy nghiêm tỏa bóng, nao nao mấy hồi
Khách dừng, vẳng tiếng chuông quê
Thánh ca hòa với tiếng nghe cuối ngày.

Cảnh xinh lòng những dửng dưng
Không đau, không cảm cũng không duyên lành
Ngắm nhìn bóng đất lang thang
Mặt trời sự sống sưởi chăng chết này.

Núi đồi hư ảo nhìn quanh
Đông tây mấy nẻo, mấy phần bắc nam
Đến cùng mọi chốn xa xăm
Chẳng đâu có chỗ phúc lành đợi ta.

Lều tranh, cung điện, thung đây
Dẫu tuy vô ích, duyên này bay theo
Núi, rừng, sông, quạnh dấu yêu
Thiếu dù chỉ một thảy đều vắng không.

Mặt trời mọc, lặn xoay vòng
Dửng dưng tôi bước theo vòng dương gian
Vòm trời tối, sáng, lặn, lên
Mặc trời tôi chẳng đợi thêm những ngày.

Theo trời cả chặng đường dài
Mắt tôi thấy khắp đất trời hư không
Chẳng mong mọi sự sáng trong
Chẳng cầu chi ở cõi không vô cùng.

Liệu rằng có chốn không gian
Mặt trời thực chiếu thiều quang khắp đời
Liệu rằng có thể đổi thay
Những điều mơ sẽ hiện ngay mắt người.

Tôi say nguồn nỗi khát khao
Tôi tìm hy vọng dạt dào tình yêu
Ấy điều mơ ước bao nhiêu
Dẫu tên chằng có trú miền trần gian.

Xe tôi chở ánh Rạng Đông
Bóng mờ ánh mắt gửi trông tới người
Sao còn trên trái đất này
Chẳng gì chung giữa tôi và trần gian.

Lá rừng rụng xuống cánh đồng
Gió chiều đưa lá tới thung xa vời
Còn tôi như lá héo này
Bão giông hãy giúp tôi tầy lá kia.

(Trần Đông Phong dịch từ nguyên tác tiếng Pháp của Alphonse de LAMARTINE)

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Lạm bàn về ... Đinh tặc

BlogE xin giới thiệu bài của tác giả Hiệu Minh về một chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại là vấn đề vô cùng hệ trọng đối với nước ta hiện nay (BBT).
Nhớ hồi năm 1990, chú em họ từ quê ra Hà Nội chơi. Mua được “Dream II” vừa đập hộp, người yêu ôm eo, đang vi vu trên đường chỗ cầu Giẽ, bỗng xe lảo đảo. Nhảy xuống xem thì lốp sau đã xẹp hết hơi.
Cố dắt một đoạn gần 1 km, gặp một tay thanh niên sửa xe. Y phán ngay, chắc là bị đinh rồi. Nhân bảo như thần bảo. Một cái đinh dài đã đâm thủng lốp và săm, vì dắt một đoạn dài nên phá tan cả hai thứ. Đành phải thay đồ nội với giá đồ ngoại. Ai đi xe máy đều biết rõ kiểu “đinh tặc” này.

Thời xe máy thịnh hành hơn cả xe đạp, nghề vá săm lốp kiếm tiền gặp khó khăn. Toàn xe đẹp, mới, lốp tốt, săm tốt, đường rải nhựa nhẫn thín, ít bị sự cố.  Nghề rải đinh kiếm tiền bằng cách phá hoại người khác.
Nhưng kiểu làm ăn bất lương đó cũng không thể so sánh với chính sách “rải đinh”. Nghĩa là luật pháp, chính sách, nghị định…soạn thảo sao cho kẻ có quyền, lợi dụng các kẽ hở và sự ít hiểu biết của dân, moi tiền càng nhiều càng tốt.
Về vi mô, qui định về hộ khẩu từ thời bao cấp và tem phiếu là một trong những chính sách “rải đinh” đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên CNXH. Muốn có tem phiếu để mua gạo, mua vải, mua thịt, đậu phụ, rau ôi, ở Hà Nội, phải có hộ khẩu. Muốn có hộ khẩu phải là cán bộ, công nhân viên, có nhà cửa ở thủ đô… đại loại rất nhiều qui định nhiêu khê.
Dân thì vốn gian, tìm cách hối lộ, đút lót để có hộ khẩu. Và người “rải đinh” cứ thế hưởng lợi.
Tem phiếu, sổ gạo cũng hết thời. Nhưng hộ khẩu vẫn có tác dụng xin cho con đi học, vào trường trái tuyến, cấp sổ đỏ, quyền sử dụng đất… Níu kéo chính sách quản lý bằng sổ hộ khẩu là để kiếm tiền, an ninh chỉ là chuyện nhỏ.
Thời mở cửa phải kể đến qui định về xây nhà có phép. Muốn xây một nhà ba tầng phải có thiết kế chi tiết, xin các gia đình bên cạnh đồng ý, rồi mang lên ban quản lý xây dựng phường trình bày.
Ông trưởng ban quản lý phán, lên thành phố xem qui hoạch thế nào, phải có quận đồng ý, rồi kiến trúc sư trưởng ký nháy. Đại loại, có đi lại cả tháng cũng không đủ giấy tờ hợp lệ. Nghe các ông ấy chẳng bao giờ có nhà.
Thôi cứ làm đại, cả nước xây nhà không phép, riêng gì nhà mình. Thuê thợ, đào móng, hì hục vài tuần, vừa đổ bê tông móng, ban quản lý xuất hiện, lập biên bản, phạt và không được tiếp tục công trình. Bác hàng xóm cười, giời ạ, cứ đưa phong bì là xong tất.
Chủ nhà lên phường, gãi đầu, gãi tai trình bày, nhà em khó khăn, mong các bác thông cảm. Gạt cái phong bì dầy dầy vào ngăn kéo, ông trưởng ban xây dựng cười và khuyên, bác cứ tiến hành xây đi, đến phần đổ trần tầng 1, chúng tôi cho người đến lập biên bản. Nguyên tắc là phạt nhưng cho tồn tại. Ngôi nhà hàng chục tầng chẳng cần phép vẫn hiên ngang bởi cách “rải đinh” của ban quản lý xây dựng từ phường đến quận, còn dân thì rải tiền.
Biết bao chính sách ra đời, trên giấy có vẻ rõ ràng, nhưng trong thực tế, khi thực hiện, rất nhiều người có quyền thế đã “rải đinh” để bắt dân phải “vá lốp” một cách không mong muốn.
Nói về vi mô, có những qui định kìm hãm phát triển. Chính sách thu phí đường bộ của ông Đinh La Thăng rất có thể làm cho ngành lắp ráp ô tô chết yểu. Người mua xe chịu bao nhiêu thứ thuế, nay thêm phí đường, ai còn muốn sở hữu xe nữa. Người ta bảo đây cũng là một cái “đinh lớn” trong hệ thống giao thông nước nhà.
Nói đến thời cải cách ruộng đất, vừa hòa bình xong, hàng chục triệu nông dân miền Bắc vui vì được chia mẫy mẫu ruộng, được làm chủ mảnh đất mà họ đã mong ước từ bao đời. Nhưng chính sách HTX ra đời như một cái “đinh” làm xịt toàn bộ hệ thống kinh tế tư nhân vừa được nhen nhúm. Khi hiểu ra đó là “đinh hệ thống” cũng phải mất 20-30 năm.
Mấy cuộc cải tạo công thương nghiệp sau 1954 và 1975 cũng là những cái “đinh” đâm thủng cả quốc gia mà không ai hiểu vì đâu nên nỗi.
Luật pháp, chính sách, qui định, thiếu hiểu biết, không rõ ràng, chồng chéo, chính là những cái “đinh” phá hoại ghê gớm nhất.
Nhớ chú em họ lần đó ra Hà Nội rất muộn. Hỏi tại sao, chú bảo rất sợ đâm phải đinh lần nữa, tan lốp, ngã xe, nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế chú vừa đi xe máy, vừa nhìn đinh, chậm là phải thôi.
Một quốc gia 90 triệu người lo “đinh tặc” làm sao có thể phát triển.
HM. 21-4-2014

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Chị ơi!

Chỉ còn 3 tiếng đồng hồ nữa, tang lễ chị Bùi Thị Thông sẽ được tổ chức tại thành phố Westminster (Hoa Kỳ). Ở bờ bên này của Thái Bình Dương, trong niềm tiếc thương vô hạn, tôi viết bài thơ này tiễn biệt người chị thương yêu. Hy vọng nhận được sự chia sẻ của bạn đọc (NCT).

CHỊ ƠI!

Chưa kịp cúng trăm ngày cho mẹ
Chị đã đi rồi
Vội thế chị ơi!
Nhìn ảnh chị cười lệ cứ tuôn rơi
Vừa mất mẹ giờ em mất chị.

Đêm thổn thức bao nhiêu mộng mị
Căng mắt nhìn, chị đang ở đâu đây?
Xung quanh em chỉ thấy đêm dày
Và tiếng gió khóc than thảm thiết.

Vẫn biết trước ngày này rồi sẽ đến
Mà tin về như xát muối tâm can
Văng vẳng bên tai giọng nói dịu dàng
Tiếng cười chị giòn tan chiều lạnh lẽo.

Bao năm tháng cuộc đời em đã hiểu
Chị thương yêu em biết nhường nào
Chúng em nghèo chị có tiếc gì đâu
Chẳng giữ lại cho riêng mình chi cả.

Nơi xa ấy chốn thiên đường yên ả
Cha, mẹ, thầy chờ đón chị, chị ơi!
Các cháu các con đã lớn cả rồi
Tiếp bước chị làm điều nhân đức.

Thôi, chị ơi!
Chị về miền cực lạc
Trần gian đành nén nỗi tiếc thương
Giữa chị em mình là cả đại dương
Dào dạt sóng vỗ tình nhân ái.

Dẫu thời gian chẳng thể quay trở lại
Trong lòng em
Chị sống mãi
Chị ơi…

NCT -20/4/2014

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Công việc nặng nhọc nhất trên đời

Đây là video clip có phụ đề tiếng Việt. Nếu xem xong, mới hiểu tại sao có hàng vạn người chia sẻ clip này. Đây không phải chủ đề giải trí, mà là một chủ đề nghiêm túc. Một công ty đã nghĩ ra một công việc không có thật để phóng vấn các ứng viên xin việc. Có 24 người được hỏi...

VĂN TẾ VỢ

Hoàng Văn Huấn

Than rằng !

Trời Nghệ-Tĩnh bỗng dưng vần vũ
Đất Ca-li gió nổi triền miên
Pháp danh Diệu-Tuệ đức hiền
Đã rũ áo theo Thầy, theo Thiên Địa.


Nhớ linh xưa!

Từ thuở nhỏ học hành chăm chỉ
Tu nhân tâm quyết chí thành người
Tuổi thành niên chân bước vào đời
Mang canh cánh bên lòng công cha, nghĩa mẹ.

Thời đi học được thầy yêu, bạn quý
Cơm nắm cơm đùm vẫn đạt điểm cao
Khi ra trường cuộc sống lao đao
Vẫn năng nổ lo chu toàn công việc.

Lòng hiếu thảo với mẹ cha khôn xiết
Nghĩa thủy chung dành hết cho chồng
Với cháu con, tình như núi, như sông
Bao tâm can hướng về anh em nội ngoại.

Gửi hết tình thương yêu cho đồng loại
Chia ngọt sẻ bùi cùng bè bạn gần xa
Với Tiền nhân, chăm cúng bái hương hoa
Chuyên quả tu để đến ngày đắc đạo.

Thời son trẻ, lo miếng cơm, manh áo
Khi về hưu chịu bệnh tật, ốm đau
Đường tu Thiên còn bước thấp bước cao
Đã phải lao vào cuộc chiến cùng bệnh tật.

Tám năm trời bền gan giành giật
Cuộc sống từ tay thần chết hung tàn
Cho đến lúc lực kiệt, sức tàn
Chỉ biết một lòng cầu kinh niệm Phật.

Khi lâm chung, luôn một điều nhở nhắc
Các cháu, con giữ trọn đường tu
Đội ơn Thầy, ơn Thiên Địa, ông cha
Biết trân trọng nghĩa tình đồng đạo.

Cả một đời dù qua bao giông bão
Khi lìa trần khuôn mặt vẫn bình yên
Cặp mắt cười, má thắm, môi duyên
Giữa tiếng kinh đưa người về cực lạc.

Ôi thôi thôi!

Dấu biết cát bụi lại trở về bụi cát
Sao chồng, con không thể cầm nước mắt
Anh em, bạn bè lòng vẫn thấy rưng rưng
Từ nay cách mặt xa lòng
Sáng không còn gặp, chiều không thấy người
Mượn khói nhang để chuyển lời
Của người trần thế đến người quy Thiên.
Chúc người vào giấc ngủ yên
Giữa tiếng khinh Phật lan truyền như ru
Nam mô Phật A-di-đà... nam mô...
Phật A-di-đà...Nam mô...
                               (Westminster 15-4-2014)

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

KHÓC EM!

Chị Bùi Thị Thông là vợ nhà thơ Hoàng Văn Huấn, chị ruột vợ bạn NCT, đồng thời là một người chị đáng kính quen biết nhiều cựu học sinh lớp E ở Hà Nội. Trần Hồng Kỳ lúc vừa ra khỏi quân đội đã đến tá túc tại nhà anh chị một hơn một năm trời. Được tin chị vừa mất vì bệnh hiểm nghèo tại thành phố Westminster, tiểu bang California (Hoa Kỳ), Ban Biên tập blogE xin gửi lời chia buồn thống thiết tới gia đình anh Hoàng văn Huấn. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài thơ của của nhà thơ Lê Đăng Hoan viết khi nghe tin chị Thông qua đời (BBT).

KHÓC EM!

Em ra đi thật rồi ư?
Thông ơi anh biết nói gì với em?
Còn đâu nữa...nói gì thêm
Nỗi đau cố nén nước đầm mắt anh
Thế là thôi, biết sao đành

Các con mất mẹ, Huấn thành góa côi/
Cháu còn đâu gọi " Bà ơi!"
Từ đây vĩnh biệt đất trời đôi nơi!
Em ơi! Anh quá xa xôi
Thắp hương anh gửi em lời thương đau.
Em đi..đi thật rồi sao?...
Nén hương anh thắp em nào có hay...
Ôi thôi...vĩnh biệt từ nay!!!!! 

(LĐH)

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Bài tập cổ nhân dịp tiễn Trần Hồng Kỳ đi sứ Mỹ


Trần Đông Phong

Trưa thứ Sáu 11-4-2014 Trần Hồng Kỳ hẹn mình và mấy người bạn uống rượu chia tay, tuần sau đi Mỹ. Ở quán WA đợi mãi chỉ có mình và Trần Hồng Kỳ, mấy cậu kia bận công tác và việc nhà. Trần Hồng Kỳ ăn ít, uống nhiều, trầm ngâm nghĩ về cảnh xa xôi sắp tới, tóc bac nhiều rồi, chuyến đi này có thể kéo dài tới hai nhiệm kì. Còn mình thì ăn nhiều, uống nhiều và nói nhiều, chủ yếu là các câu thơ cổ về chủ đề chia tay. Sau buổi đó mình hẹn sẽ có bài tập cổ gồm những câu thơ cổ về buổi chia tay hôm đó.

Tập cổ là thể loại thơ sử dụng các câu thơ cổ ghép lại để diễn ý, có thể sửa một vài chữ để hợp với tình hình cụ thể. Tập cổ ngày trước rất hay được sử dụng, càng tập hợp được nhiều câu, nhiều tác giả đời trước càng được đánh giá cao, chứng tỏ sự hiểu biết sâu rộng.
Bài tập cổ này gồm 23 câu trích từ 11 bài thơ của 8 tác giả của Việt Nam và thời Đường. Trong ngoặc đơn là tên tác giả và tên bài thơ gốc.
          Bài Tặng Uông Luân của Lý Bạch có sửa một số từ như Lý Bạch = Kim nhật, ngạn thượng = địa thượng, Đào Hoa đàm = Hồng Hà trường, Uông Luân = chư quân.
          Bài Vị thành của Vương Duy swarDwowng Quan = Mỹ bang.

Tống Trần Hồng Kỳ tây xuất Mỹ bang sứ sự

Nhân sinh hà xứ bất ly quần
(Lý Thương Ẩn, Đỗ công bộ Thục trung ly tịch)

Bái hội phi nan tích biệt nan

(Nguyễn Du, Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An)

Kim nhật thừa cơ tương dục hành
Hốt văn địa thượng hạo ca thanh
Hồng Hà trường thủy lưu thiên lý
Bất cập chư quân tống ngã tình
 (Lý Bạch, Tặng Uông Luân)
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Mỹ bang vô cố nhân
(Vương Duy, Vị thành)
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến trường giang thiên tế lưu
(Lý Bạch, Hoàng Hạc lâu tống Tân Tiệm chi Quảng lăng))
Sầu kiến chu hành phong hựu khởi
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân
 (Bạch Cư Dị, Lâm giang tống Hạ Triêm)
Vạn lí quan hà khinh lữ huống 
Lưỡng ki sương tuyết phất chinh y
 
Tư tuân thức tạ quan phương vật
 
Chuyên đối toàn bằng trọng quốc uy
 (Ngô Thì Nhậm, Tống Khế hữu Bắc sứ)
Tương kiến thời nan biệt diệc nan
 (Lý Thương Ẩn, Vô đề)
Hải nội tồn tri kỷ
Thiên nhai nhược tỷ lân
Vô vi tại kỳ lộ
Nhi nữ cộng triêm cân
(Vương Bột, Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục Châu)
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Thiên hạ hà nhân bất thức quân
(Cao Thích, Biệt Đổng Đại)
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh
                                                (Bạch Cư Dị, Tỳ bà hành)
Dịch:

Tiễn Trần Hồng Kỳ đi sứ về phía tây đến nước Mỹ

Đời người ở đâu mà không có cảnh lìa đàn.
Bình thường gặp nhau để chào hỏi thì dễ, nhưng khi chia tay mới thấy khó.
Hôm nay bạn lên máy bay để đi xa,
Chợt nghe thấy trên mặt đất có tiếng hát lớn
Sông Hồng chảy dài nghin dặm,
Không bằng tình cảm các bạn tiễn tôi.
Mời bạn hãy uống cạn chén rượu này,
Ngày mai đi về phía tây đến nước Mỹ, liệu có ai là cố nhân.
Hình ảnh xa xăm của cánh buồm cô độc đang dần khuất trong không gian xanh thẳm,
Chỉ thấy sông dài chảy đến ngang trời.
Buồn rầu nhìn con thuyền ra đi, gió lại nổi lên,
Trong sóng bạc đầu thấy người đầu bạc.
Nơi sông núi biên ải vạn dặm, coi nhẹ cảnh xa xôi.
Hai kỳ sương tuyết phất trên áo người đi xa.
Cách giao dịch chủ yếu nhờ vào quan sát sự việc.
Toàn bộ việc đối đáp, dựa vào lấy quốc uy làm trọng.
Lúc này gặp nhau đã khó, chia tay còn khó hơn.
Miễn là trong biển này, chúng ta vẫn còn là những người tri kỷ, hiểu nhau.
Thì dù phải xa cách nơi góc biển chân trời, chúng ta vẫn cảm thấy như ở bên nhau.
Trên con đường rẽ chia tay, đừng nên ủy mị
Như đám nữ nhi khóc lóc sụt sùi, nước mắt thấm ướt khăn.
Đừng buồn vì trên con đường trước mặt không có ai là tri kỷ,
Bởi vì trong thiên hạ còn ai là không biết anh.
Lúc này không có một lời nào còn hơn là biết bao nhiêu lời.
(TĐP, 14-4-2014)