Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Tin lạ cuối tuần: Tắm suối

Giữa mùa đông, ra đường nhìn thấy người người kín mít, thật nhớ ngày ấm áp có thể thỏa sức tắm trong làn nước sạch của suối nguồn. Tây Bắc có tục thường đi tắm suối, sinh hoạt hồn nhiên hoang dã. Mời xem bài phóng sự về người Dao, người Thái tắm suối. Tôi đã gọt bớt bài, đọc cho đơn giản, lấy lại những cái ảnh của các tác giả trên mạng.

Xin mời xem TẠI ĐÂY (trang giải trí của Blog này)

Kỷ vật: Thư Nguyễn Đức Hùng, chữ đẹp

(NXH) Lần trước, trong bài Nhớ Nguyễn Đức Hùng, tôi đã nói rằng, Hùng viết chữ rất đẹp. Tôi nhớ hồi học lớp 8 chữ Hùng đẹp lắm. Lá thư này đề ngày 15/5/1977, tức là sau khi tốt nghiệp phổ thông 2 năm. Thế mà kiểu chữ viết rất nhanh, vẫn rất đẹp. Tôi không có ý định công khai toàn bộ nội dung lá thư, chỉ gấp lại "khoe" đoạn đầu và đoạn cuối của trang đầu thư, mục tiêu để chúng ta thưởng lãm chữ viết của Hùng. Bây giờ liệu học sinh có viết chữ đẹp thế này không?

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Nhớ quê rươi, đính chính cho món rươi.

Tuần này viết bài này đăng trên báo, cãi lại ông Vũ Bằng. (Còn chuyện ông Vũ Bằng tán về rươi nổi ra là do đi yêu nhau, phối giống rồi chết, thực ra cũng chả đúng).
Đính chính về rươi
Tôi nhớ tôi đã ít nhất hai lần viết về rươi ở chuyên mục này. Một món ăn ừ thì có chút đặc biệt, nhưng Vũ Bằng đã nói rồi? Vâng, tôi đã đọc bài “Rươi” trong “Món ngon Hà Nội” của Vũ Bằng. Đọc rồi đọc lại. Không tin được ông Vũ Bằng lại “tán” đến mức ấy. Cái uy của Vũ Bằng lớn đến mức, cho đến nay, không ai nói lại lấy một lời. Còn ở quê vùng rươi, nếu có nói đến cách làm rươi của ông Vũ Bằng, thì người ta chỉ cười xòa, cho là nói dóc.



Vũ Bằng nói thế này: “Cách làm ra món cũng chẳng khó khăn gì lắm. Cần nhất là lúc làm lông phải dùng nước nóng cho già, quấy đều, nhặt cho hết rác, rồi rửa đi rửa lại nhiều nước cho thật sạch. Để ráo đi một lúc, bà có thể làm nhiều món để ông xơi, mà món nào cũng rất có thể ngon…”
Nói lý luận chả bằng thực tiễn. Nếu các bạn cứ làm như Vũ Bằng đi, thì sẽ thấy kết quả thế nào. Cho con rươi vào nước nóng già, nó sẽ săn lại, thân mình con rươi sẽ hơi căng lên, các chân rươi như con dết nhỏ cứng lại. Khi đó con rươi đã gần như chín rồi. Nếu cứ để thế mà đập quả trứng vào, sẽ là món trứng độn rươi chứ sao gọi là chả rươi nữa.
Vấn đề nằm chính ở cái gọi là “làm lông rươi”. Từ lâu, tôi vẫn tìm hiểu nguyên nhân vì sao Vũ Bằng lại tán đến mức ấy. Con rươi chỉ có rất nhiều chân, chứ không phải là lông. Vậy làm lông rươi là nghĩa thế nào.
Gần đây, tôi có tham khảo một bài viết, có nói đến các tài liệu cổ Trung Hoa viết về việc người Hoa Nam làm món “hòa trùng”, nghĩa là sâu lúa, tức con rươi. Đó là các sách “Quảng Đông tân ngữ”, “Lĩnh Nam tạp ký”. Hóa ra cách làm lông rươi, tựu trung lại được mô tả cũng chỉ là “cho một chén nhỏ dấm, nó sẽ rỉ nước trắng ra; lọc xong, chưng với trứng gà ăn rất ngon”. Làm lông, chỉ là cách nói chỉ một thao tác chuẩn bị từ lúc con rươi ở trong bát đến khi cho nó vào nồi, tương tự như làm lông con lợn, con gà từ lúc cắt tiết đến khi cho vào đun nấu. Cũng như nói “thổi cơm”, mà có thổi gì đâu, đó là “nấu” đấy chứ. Lẽ nào ông Vũ Bằng tra sách thấy chữ “làm lông rươi” rồi tán tụng ra?
Nhưng cũng có lẽ các bà Hà Nội xưa “chần” con rươi lên để xào nấu thật, chứ không phải để rán. Đoạn sau Vũ Bằng kể: "Riêng tôi, tôi thích ăn món rươi xào với niễng thái chỉ (nếu không có niễng thì dùng măng tươi hay củ cải)". Có thể ông Vũ Bằng nhìn thấy vợ “chần” con rươi, cho vào nước nóng già, nên tưởng rằng đó là “làm lông” rươi chăng? Làm cách này là để giữ nguyên hình dạng con rươi, nó sẽ không nát ra khi xào nấu. Món xào của Vũ Bằng, sẽ là món có rất nhiều con rươi như con rết nhỏ màu trắng ngà lẫn với trong đám sợi niễng thái chỉ.

Vùng quê tôi, đánh bắt rươi có hai loại. Một là “rươi đăng”. Tức là người ta dùng cái “đăng”, như cái lưới, chắn ngang một khúc sông. Rươi bắt kiểu này chỉ mang đi bán cho người nơi khác, hoặc cho các hộ làm mắm. Người vùng rươi ăn rươi bằng cách vớt “thủ công”, tức là vớt rươi bằng tay, dùng vợt, dùng vó nhỏ. Rươi vớt lên, tươi sống, thả vào chậu nước sạch, còn bơi rất khỏe. Rửa rươi thông thường thế thôi. Cho vào bát rươi tý dấm, tý mắm, con rươi tự vỡ ra nhựa trắng, rồi dùng đũa đánh thật nhanh, lát sau bát rươi trở thành một dung dịch như bột nhão. Cho lá lốt vào, nhiều lá nốt. Thế là rán thôi. Một nhà rán rươi cả xóm biết. Vì cái mùi thơm rươi có lá lốt mang đi xa mùi thơm rất đặc trưng.
Chả rươi ở vùng rươi chỉ là rươi thôi. Không cần trứng hay thịt. Ăn chả rươi có miếng thịt vào, còn gì là chả rươi nữa. Và chỉ có lá lốt, chứ không cần vỏ quýt. Các tài liệu của Tàu trên đây, coi vỏ quýt khô là vị nóng, chế với rươi vị lạnh, điều hòa âm dương. Phải là vỏ quýt khô, ngâm nước thì rã ra, thái rất nhỏ, nó sẽ tan vào rươi. Chứ vỏ quýt tươi thì không phải phép điều hòa âm dương của người Tàu. Hơn nữa, vỏ quýt tươi thái không nhỏ, ăn rươi sậm sựt vỏ quýt, cay mà đắng, còn gì là ngon nữa. Dân vùng rươi bao đời nay chỉ dùng lá lốt, đó là cách dùng từ bao đời, kinh nghiệm dân gian. Thì đây, hãy tra sách đông y, “lá nốt có vị nồng, hơi cay, có tính ấm, chống hàn”. Thế đấy. Cũng cân bằng với rươi rất hàn, mà ăn miếng chả rươi là miếng chả rươi, không biết đâu là lá lốt nữa, nó biến vào rươi như không hề có, chứ đâu phải chả vỏ quýt như ông Vũ Bằng tán tụng.
Tôi đã xa quê rươi, đến sinh sống ở thủ đô, mà mỗi lần cữ này, lại bồn chồn muốn về quê nghịch nước vớt rươi, ăn một bữa rươi thực sự. Nếu nói thế, chắc hẳn có người bảo là lẩn thẩn. Cứ ra chợ Ngọc Hà là có rươi, sao phải phiền hà đến thế? Vâng, ra chợ mua rươi về, người nhà tuy không đòi làm lông rươi, nhưng cứ chăm chăm băm thịt cho vào, đập trứng tống vào, rồi bảo tìm vỏ quýt, là tôi lại chán vô cùng. Thế mới biết có những chuyện rất ẩm ương mà không sao xoay chuyển được. Chân lý có thể ở phía số ít. Cũng như cả nước nghe ông Vũ Bằng, bái phục ông ấy viết về rươi, chỉ có người vùng quê rươi của tôi là mặc kệ, cứ ăn rươi theo kiểu từ đời xửa đời xưa thế mà thôi…

Alo, tôi click xem trang lượt thứ 6.000.

Đêm nay, mở web ra xem, vô tình nhìn vào số lượt xem trang, tròn số 6.000. Ngày xưa nhớ chuyện thi đua thời chống Mỹ, đâu bắn rơi máy bay thứ 500, thứ 1000... là được thưởng ghê lắm. Tôi cứ nhớ mãi, tỉnh Bắc Thái bắn rơi cái máy bay thứ 1.000 được đài báo nói ra rả cả tuần.
Nay tôi tự thưởng tôi vì đã mở blog lượt thứ 6.000. Trong khi tôi đang xem comment của QH, nói về việc tặng thứ gì đó cho XH...

Bài thơ tặng vợ

Tôi post nhầm bài thơ tặng vợ vào blog này, nay phải chuyển đi. Vả lại, đọc thơ tặng vợ của ông NCT tự thấy công lực chưa bằng, nên xấu hổ. Hôm nay lại thấy bài thơ này, trên trang trannhuong.com (web của Nhà thơ Trần Nhương, bạn vong niên của tôi) càng thấy còn phải rèn luyện nhiều. Nên post lên đây cho các bạn đọc chơi:

Khi không còn một xu dính túi
Ta chạy rông như chó rái trên đời”
Lũ tình nhân bỏ mặc ta thân tàn ma dại
“Ta lại quay về, nức nở gọi… vợ ơi!”


Vợ vừa nhìn thấy ta đã òa lên khóc
Dìu vào nhà chẳng quở trách điều chi
Còn hối hận mong ta tha thứ
Xin từ giờ đừng bỏ nhà đi.

Ta mới biết rằng mình ngu dại
Có người này là vứt người kia
Ta mới hiểu đàn bà cực kỳ vĩ đại
Vẫn yêu chồng dù bẩy thiếp, năm thê.

Hỡi những người đàn ông lạc đường nào cũng được
Nhưng chớ quên “lối cũ ta về”
Bởi đàn bà không bao giờ cầm gậy
“Tống cổ thằng chồng khốn nạn đi”

“Anh hùng bồ bịch xá chi
Nếu vợ bắt được lậy quỳ là xong!
Nhưng ta đáng mặt anh hùng
Cứ quỳ lậy mãi… cũng không ra gì!

Đời sao lắm “đát”, nhiều “bi”
Gặp em, quên hết
                    Một khi……
                                 Đã là!....

Kỷ niệm về điếu thuốc lào đầu tiên trong đời ông Kỳ

Trong số các bạn cựu học sinh chuyên toán cấp 3 Hải Hưng (1972-1975), thì ông Trần Hồng Kỳ (Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là người đã gắn bó với tôi suốt từ năm 1972 cho tới bây giờ. Biết bao chuyện thâm cung bí sử của tôi mà ông Kỳ là người chứng kiến. Có những chuyện chỉ hai người biết, không thể chia sẻ được, nhưng có chuyện tôi thấy cần phải kể lại để các bạn hiểu thêm về một Trần Hồng Kỳ đầy mưu lược và tận tâm với bạn bè.

Ngô Công Thành 

Năm 1980, tốt nghiệp Bách khoa, cùng được động viên vào quân đội. Sau một thời gian tập trung rèn luyện ở Trung đoàn 826, quân khu Thủ đô (lúc đó có cả Xuân Hưng, Bách, Kiêm Dũng, Thắng...), tháng 3 năm 1981, tôi và Kỳ được điều về Trường Đại học Kỹ  thuật quân sự ở Thị xã Vĩnh Yên để bổ túc sáu tháng, chuyển từ kỹ sư Bách Khoa thành kỹ sư súng pháo (nhờ sự chuyển đổi này mà súng pháo của tôi và ông Kỳ đến nay đều được bảo quản và sử dụng tốt). Chúng tôi đóng quân tại khu kho K44 của nhà trường ở sâu trong đồi gần Trường Đại học Xây dựng (Hương Canh, Vĩnh Phúc). Một lần Lê Xuân Phụng (lúc đó đã tốt nghiệp Đại học Xây dựng và cũng được động viên vào quân đội) từ chỗ đóng quân ở Tam Đảo về thăm trường, gặp chúng tôi và ba thằng đã đi chơi lang thang với nhau gần 2 ngày.


Thường là khoảng 1 tuần chúng tôi phải đi lên Trường bộ tập trung một lần. Quãng đường từ chỗ đóng quân tới khu Trường bộ khoảng 4 km đi theo đường mòn và đường tàu. Một lần hành quân từ Trường bộ về  doanh trại, đang đi trên đường mòn các sỹ quan - kỹ sư súng pháo trông thấy một cô thôn nữ cao, trắng, mặc áo cổ lá sen đang cuốc ở cạnh đường. Ai cũng nhảy xuống ruộng tán mấy câu với cô gái. Cho tới bây giờ, đã đi nhiều nơi khắp nước Việt và trên thế giới, tôi vẫn chưa thấy cô gái nào khỏe khoắn và có cái cổ cao trắng ngần đẹp như cô thôn nữ đó. Bị chúng tôi trêu, cô cười, hàm răng trắng lấp lóa làm nghiêng ngả những quả đồi xung quanh.

Mọi người tán chuyện với cô một lúc rồi về doanh trại, vì đã đến giờ nghỉ trưa. Tôi không biết trong số sỹ quan ở đại đội 381 hồi đó còn có ai mơ tưởng cô thôn nữ kia nữa. Riêng tôi, quyết không bỏ qua cơ hội tấn công người đẹp. Buổi chiều, tôi lại ra chỗ ruộng ban sáng, nhưng không thấy cô gái. Điều tra qua mấy đứa trẻ mục đồng chăn trâu ở đó, tôi được biết cô tên là Thịnh, con thứ ba và cũng là con gái duy nhất trong số 4 người con của ông Cước, Chủ nhiệm hợp tác xã Khai Quang (bây giờ đã là phường Khai Quang thành phố Vĩnh Yên). Trên cô, hai người anh trai đã có gia đình và đi làm ở Việt Trì. Ở nhà chỉ có cô và người em trai tên là Trịnh đang học lớp 7. Mẹ cô đã mất. Chiều tối hôm sau, cơm nước xong xuôi, tôi rủ Kỳ vào xóm chơi. Gặp mấy cô thôn nữ đi làm đồng về đang khỏa chân bên bờ ao cạnh đường, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Cước. Các cô trêu: các anh mới quen cô Thịnh hôm qua chứ gì? Rồi rúc rích cười chỉ nhà cho chúng tôi.

Khi chúng tôi tới cổng, Thịnh ngỡ ngàng, em không hiểu vì sao chúng tôi biết nhà mà tìm đến chơi. Ông Cước mời chúng tôi vào nhà, còn em thì bẽn lẽn trốn vào trong buồng, không quên liếc tôi một cái. Trước khi vào nhà tôi cũng kịp nhận ra buồng cô gái có hai cửa, một cửa thông với nhà ngoài, một cửa thông ra sân.

Ngồi nói chuyện với ông Cước một lúc, tôi đá vào chân Kỳ ra hiệu bạn hộ vệ để tôi tiến công (hồi ấy chúng tôi vẫn gọi người làm chân gỗ là hộ vệ) rồi xin phép ông Cước ra ngoài rửa tay. Tôi ra giếng múc nước dội ào ào vài cái để báo hiệu, quay lại nhìn về phía cửa buồng thông ra sân đã thấy em đứng đó. Thế là tôi đi thẳng về phía em đứng nói chuyện. Hai đưa tâm sự rúc ra rúc rích gần một tiếng đồng hồ. Trên đường về đơn vị, Kỳ kể lại: lúc nghe thấy hai đưa nói chuyện rúc rích ngoài sân, ông Cước nghiêm mặt lại làm Kỳ sợ quá và nghĩ thế nào Ông  cũng ra tay với tôi. Thấy ông giật chiếc điếu cày một cách bực tức, bạn tưởng ông ấy định nhảy ra phang tôi nên vội cầm chặt một đầu cây điếu và nói: Ấy, bác cho cháu xin một điếu, ông Cước buông cây điếu ra. Kỳ đã biểu diễn khá thành công kỹ thuật hút thuốc lào của mình ngay từ lần đầu tiên thử điếu ấy. Có lẽ ý thức xả thân vì bạn đã giúp Kỳ hút thành công điều thuốc lào đầu tiên trong đời và tôi cũng như Kỳ không bao giờ quên được kỷ niệm về điếu thuốc lào đó.

Sau lần ấy, chúng tôi còn rất nhiều lần vào nhà ông Cước chơi, có lần cả tôi và Kỳ đi cùng nhưng phần lớn là tôi đi một mình. Để lấy lòng ông Cước, tôi phải dạy thằng em Trịnh học toán lớp 7. Giảng bài cho em xong mới đi chơi với cô chị, đến khoảng gần 10 giờ phải chạy tắt đồi về đơn vị để kịp điểm danh trước khi đi ngủ. Kỳ nhắc tôi không được tiến sâu quá về tình cảm, nếu có ý định tiến tới hôn nhân là bạn sẽ phá (Kỳ còi ngày xưa đã tính toán ghê thế!).

Tết Thanh minh năm đó, chúng tôi được mời ăn bánh trôi bánh chay, rồi uống rượu say mềm. Vừa chào ông Cước ra khỏi cổng tôi đã bị nôn ồng ộc, may gặp mấy đứa học sinh đi lao động về khuya cho mượn xẻng, Kỳ vội xúc đất đổ lên cái đống vừa tháo ra từ dạ dày của tôi nhằm phi tang kết cục bi thảm mà tôi  gây nên, rồi dìu tôi hơn 2 km về doanh trại.

Cùng thời gian đó Thịnh cũng có mấy anh trai làng tấn công. Có đêm cuối tuần tôi về khuya quá, đi tới giữa đường thì gặp Kỳ và “Chung rượu lậu” (một bạn cùng đơn vị, trước học luyện kim với tôi) tay cầm hòn đá, tay cầm dây lưng sẵn sáng đánh nhau. Kỳ bảo: thấy tôi quá giờ chưa về, lo tôi bị bọn trai làng chặn đánh nên rủ Chung đi đón. Tôi cảm động ôm lấy vai bạn mà tự hứa phải cẩn thận hơn trong quan hệ với gái làng.

Hết thời gian học chuyển đổi, tôi được điều về quân đoàn 3, sư đoàn 320 ở Đại từ, Bắc Thái. Kỳ thì về Binh đoàn 678 đóng quân bên Lào, nhưng không hiểu do số phận may mắn hay nhờ trí thông minh trong ứng xử của một cựu học sinh chuyên toán, mà Kỳ được điều về Trạm sửa chữa của Binh đoàn ở ngay khu vực công viên nước Hồ Tây bây giờ. Hai năm sau, tôi theo sư đoàn trở lại Hương Canh tiếp quản cơ sở vật chất của Trường Đại học xây dựng và Trường Trung cấp sư phạm Vĩnh phú. Tôi có gặp lại cô Thịnh, lúc đó đã là mẹ của một thằng bé lẫm chẫm biết đi trắng trẻo đẹp trai lắm. Bố nó là một anh trai làng được Ông Chủ nhiệm cho đi lao động xuất khẩu ở Tiệp.

Mới đây, trên đường công tác, tôi ghé vào một quán nước trước cửa căn nhà cũ nát ngày xưa là trụ sở Hợp tác xã Khai Quang. Tôi hỏi thăm về ông Cước, người  chủ quán bảo ông đã mất. Con trai út của ông, thằng bé tên Trịnh, mà tôi và Kỳ đã dạy toán ngày xưa, sau này cũng đi học Trường sỹ quan Vũ khí - đạn và phục vụ trong quân đội. Ông chủ quán nước không có thông tin gì về cô Thịnh.

Ông Cước mất rồi, nhưng kỷ niệm về cái điếu cày của ông và điếu thuốc lào lần đầu tiên Kỳ phải hút hơn 30 năm về trước vẫn còn sống động mãi trong tôi./. (NCT.11/2012)

(Đón xem bài kỳ sau: Tôi với ông Kỳ đi thăm ông Bách và sự tích bài thơ Thị xã màu xanh)

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Kỷ vật: Giấy nhắn đến lấy quà Liên Xô

Đây là tờ giấy nhắn tôi đến lấy một gói quà từ Liên Xô gửi về. Bây giờ không nhớ người gửi đưa giấy cho tôi trong hoàn cảnh nào. Cũng không nhớ ai là người viết giấy nhắn này, bởi vì tôi nhớ rõ ông chuyển gói quà là một ông đứng tuổi.
Món quà có gì? Chắc bây giờ không ai đoán được bạn Quang Hưng ở Liên Xô gửi món quà gì về cho tôi đang là sinh viên trường Đại học Bách khoa. Thời gian đã qua, nói đến món quà này, thì mới giật mình, một thời đại đã qua rồi. Đây là một thứ phục vụ cho học tập. Đố các bạn đây là quà gì? (NXH)

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Kỷ vật: Thư Vũ Tuyên

Tôi công bố bức thư của Vũ Tuyên gửi tôi. Nhưng tôi cũng hơi e thẹn, không muốn nêu tên, nên đã xóa mấy chữ Tuyên gọi tên tôi. Các bạn có thể đoán cũng được. Nhưng có một nội dung thì chỉ có thể hỏi ông QH, đi từ Mat đến Đô-net, được ông Tuyên cho vào đời như thế nào?
Tuyên viết chữ xấu (có lẽ là nhất lớp). Trang này ông Tuyên viết như sau:


"Hãy nhớ lại người bạn nhỏ (... không dịch được) nhé. Vũ Tuyên đây. Và cũng đừng ngạc nhiên vì đến phút chót này mới viết thư thăm..Y được. Không sao cả chứ, có lẽ như thế mới biết được mọi (...) cảnh trên đời như phương châm khi còn ở lớp E khi xưa là đúc rút kinh nghiệm. Vừa qua kỳ nghỉ đông ngắn ngủi. QHung có mò xuống chỗ mình chơi tại Donhet, thành phố xa xôi này ở vùng than Đônbat. Chắc Y còn mang máng nhớ đấy chứ? Bọn QHung phải vào học sớm, nên thi sớm hơn bọn mình, lúc hắn đến là lúc mình đang bù đầu vào thi. Tuy nhiên cũng không để hắn buồn, nghĩ nhiều trò ú tim khiến Q Hưng lâm vào thế như chú thỏ non giữa đám thú dữ tợn vậy, cũng cờ bạc, phim, rượu chè..."
Tôi không hiểu ông QH bị chơi ú tim như thế nào?

Kỷ vật: Chữ ký thày Trần Phi

Đây là chữ ký thày Hiệu trưởng Trần Phi. Nói rõ ngay đây là Thẻ học sinh lớp 10. Thẻ in trên giấy bìa xanh, có ô bên trái là ảnh.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Hưởng ứng công bố kỷ vật: Chữ ký thày Trác

Đây là chữ ký thày Trác trong một văn bản hồi xưa của tôi. Thày ký xong rồi tự viết tên xuống dưới.

Bài thơ của một kẻ thất tình

Có thể trong chúng ta nhiều người chưa biết đến cảm giác thất tình như thế nào. Chàng sinh viên Bách khoa 21 tuổi Ngô Công Thành đã phải trải qua cảm giác đó và anh đã thốt lên thành lời trong một bài thơ viết cách đây gần 33 năm. Blog 8e9e10e đăng lại bài thơ này, mong nhận được sự chia sẻ và cảm thông với  tác giả.

LỜI TRĂNG TRỐI TRÊN SA MẠC

Sao trên đất nước giữa miền nhiệt đới
nắng lắm, mưa nhiều, cây cối tốt tươi,
bầu trời xanh, con người cũng yêu đời,
bỗng lại nổi lên một vùng sa mạc?

 Nơi sự sống đã lụi tàn trong cát,
tình yêu khô héo rồi hóa nỗi lo âu.
Thế mà tôi chẳng hiểu vì đâu
những chàng trai tràn trề sức trẻ
chẳng quản gì gian khổ khó khăn
chẳng sợ hiểm nguy, bão lốc, nhọc nhằn
chẳng cần biết hậu quả nào sẽ tới,
kiên trì xách từng bình nước tưới
hăm hở ra đi với nụ cười tươi,
sẵn sàng hy sinh tất cả cuộc đời,
quyết đem lại màu xanh cho sa mạc.
Họ cần mẫn tưới lên trên cát
những dòng nước ngọt của quê hương
những giọt mồ hôi mặn chát
và cả những giọt lệ vương.
Cho tới ngày nát thịt tan xương,
họ lại hóa thân thành cát
lặng lẽ nhìn những kẻ đến thiêu thân…

                        *
                    *       *
Biết bao người thuộc thế hệ cha anh
đã ngã xuống tôi không sao đếm được
và tới hôm nay, tôi đến lượt
chết gục trong oán hận đau thương.
Tôi chết đi trong tâm trạng chán chường
bởi chưa nói được những điều trăn trở
và nỗi suy tư bao tháng ngày ấp ủ
cho những chàng trai đang ở sau tôi…

Bao ngày qua tôi khao khát sục sôi
quyết đem tới màu xanh hy vọng,
quyết mang lại tình yêu và sự sống,
biến sa mạc kia thành một bình nguyên,
để con người mãi mãi bình yên,
sống hạnh phúc, quên mọi điều đau khổ,
để cuộc đời chẳng còn giông tố,
mãi êm đềm như những bản tình ca,
để không còn những hình ảnh xa xưa
người chết gục, thân hình khô héo,
để bầu trời mãi xanh và trong trẻo
với cỏ cây, hoa lá tốt tươi,
tiếng chim ca ríu rít yêu đời…
Tôi mơ ước và muốn làm tất cả
 những điều tôi ấp ủ trong tim.            

Tôi ra đi trong lặng lẽ im lìm,
bỏ ngoài tai những lời khuyên bè bạn,
với niềm tin ở tương lai xán lạn,
sa mạc kia rồi sẽ phủ màu xanh,
ước mơ tôi nhất định sẽ thành…

Tôi đã dốc cạn bầu nhiệt huyết,
dù khó khăn tôi quyết chẳng thay lòng.
Trong tim tôi rực cháy ngọn lửa hồng
của tuổi thanh xuân tràn đầy sức trẻ...

                    *
                 *     *
Giờ đây, niềm hy vọng thật là nhỏ bé,
nhường chỗ cho nỗi thất vọng lớn lao.
Ôi! Tôi đau khổ biết làm sao
khi mơ ước đã tan thành mây khói.
Giờ phút này trước khi hấp hối,
tôi viết mấy lời nhắn lại những người sau.

Hỡi những chàng trai rất đỗi thương yêu
đừng phí sức mình làm xanh sa mạc,
chẳng khác chi công xe cát dã tràng.
Ai đang bước trên đường lầm lỡ
hãy từ bỏ những  ước mơ sách vở ,
cất đi bầu nhiệt huyết sục sôi.
Sa mạc kia  không thể xanh tươi
dù chỉ là một phần ốc đảo.
Xin các bạn đừng buồn rầu ảo não
khi đọc lời nhắn gửi của tôi.
Hãy quay về nơi quê hương yêu dấu
bạn sẽ tìm thấy những điều kỳ diệu
thấy cuộc đời tươi đẹp biết bao nhiêu.
Ở đó bạn sẽ tìm thấy tình yêu
trong đôi mắt hiền từ của mẹ
trong trái tim của các cô gái trẻ
rất đỗi dịu dàng, rất đỗi thân quen.
Sao phải cố tìm nơi sa mạc xa xăm
một tình yêu cỗi cằn đầy gai góc?
Dẫu biết chắc trong lòng sa mạc
bao tài nguyên châu báu ngọc ngà.
Ý nghĩa gì đâu, với mỗi chúng ta
khi không có màu xanh sự sống,
khi con người chẳng hề hy vọng,
chẳng bao giờ biết hạnh phúc, tình yêu!

                    *
                 *    *
Các bạn ơi!
Tôi muốn sống trở về với mẹ
để tìm lại tình yêu và tuổi trẻ
giữa đất trời quê hương bao la...

Đường chân trời đã hiện những vòng hoa.
Tôi đã thấy lồng ngực mình rạn vỡ
đau nhói trong tim, rã rời nhịp thở,
đôi chân tôi không đứng nổi nữa rồi.
Xin gửi lời chào các bạn trẻ ở sau tôi…

Trước khi chết lòng tôi còn muốn hỏi:
Sao trên đất nước giữa miền nhiệt đới
nắng lắm, mưa nhiều cây cối tốt tươi,
bầu trời xanh, con người cũng yêu đời
bỗng nổi lên những vùng sa mạc?
Ở nơi đó chỉ thấy toàn những cát
ở nơi đó chỉ thấy màu chết chóc,
với những cơn bão lốc cuồng điên,
có bao giờ còn thấy được màu xanh?

                                    (NCT – 27/4/1980)
             




Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Tin lạ: Món ăn Body Sushi

Tuần này giải trí bằng ẩm thực. Món ăn Sushi của Nhật được người Ý, Tây Ban Nha cách tân như thế nào... (Chú ý: Clip ban đầu tải hơi chậm. Các bạn cứ bấm vào xem ban đầu, rồi kệ nó chạy tự động từng đoạn, dừng, lại tải, dừng... cho đến cuối, bắt đầu xem lại từ đầu thì sẽ liên tục)
Xem TẠI ĐÂY

Nhớ Nguyễn Đức Hùng

Trong các thành viên lớp E, có một người chắc ít ai để ý, tuy rằng đó là một người rất đặc biệt. Đó là Nguyễn Đức Hùng.



Hùng khi vào lớp 8, ở Nhân Dục, có mẹ đi cùng, trọ cùng để cơm nước cho. Điều đó khiến mọi người dị nghị. Thực ra, bà mẹ nhiều tuổi không có việc gì, mà Hùng là con út, nên bà cụ đi theo cũng bình thường thôi.
Hùng đẹp trai, và là người có tâm hồn. Hùng viết chữ rất đẹp. Tôi chưa nhìn thấy chữ ai đẹp như thế. Hùng cũng như Quang Hưng, ghi nhật ký đều. Đó là những học sinh thị xã, có xuất phát điểm về lối sống hơn hẳn bọn học sinh nông thôn ưa hoang dã.
Tôi thân với Hùng. Hùng kể về bạn bè Hải Dương. Tình yêu một chiều với cô Huệ nào đó. Thực ra đó là thứ tình yêu học trò, một chiều 100%, nhưng quá mơ mộng. Việc Hùng phải về Hồng Quang học tiếp lớp 9, lớp 10 phù hợp với nguyện vọng của gia đình.
Tôi có một kỷ niệm nhỏ với Hùng. Hồi ấy có bộ phim Nga "Những người xây dựng" rất được thanh niên ưa thích. Tôi và Hùng đi bộ từ Nhân Dục đi Lam Sơn xem lần thứ hai. Gần đây có tra trên mạng, lôi về xem lại, thì không thấy hay gì cả, sao ngày xưa mê thế, nay xem chỉ gợi nhớ lại ông bạn ngày xưa.
Sau khi Hùng về Hải Dương, tôi mỗi lần qua Hải Dương cũng thỉnh thoảng đến thăm. Rồi anh đi học trung cấp ở Quế Võ. Ở Quế Võ, Hùng có viết thư cho tôi. Sau đó anh đi làm ở Tiệp (Sec). Rồi tôi ra trường, tin tức về Hùng ít dần.
Hồi tôi lấy vợ năm 1985, tôi nghe tin Hùng đã về nước, bèn hăng hái nhờ một bạn Bách Khoa ở Hải Dương, mang đến Hùng thiếp mời đám cưới. Anh chàng Bách Khoa sau đó kể lại, hình như gia đình không muốn cho gặp, song anh vẫn gặp, thấy dường như Hùng bị bệnh nặng, trông như mất hồn...
Rồi nghe tin Hùng mất. Tôi và Quang Hưng có về viếng. Nhiều giả thuyết về bệnh tình của Hùng. Nhưng có một hiện tượng, nhóm thanh niên đi Tiệp cùng với Hùng đều lần lượt bệnh và qua đời. Hùng đến Tiệp đúng thời gian tan rã của chính quyền cộng sản, nạn kỳ thị dân tộc gia tăng, không biết nguyên nhân vì sao mà những thanh niên đẹp trai khỏe mạnh người Việt trở về lại lần lượt mắc bệnh hiểm nghèo? Đó chắc mãi là ẩn số.
Số phận Hùng đúng là số của một con người tài hoa bạc mệnh. Xin thắp một nén nhang mong linh hồn Hùng siêu thoát.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

ai đây?

ba tên này trông quen quen

Hưởng ứng công bố kỷ vật: Giấy chứng nhận... xe đạp

Đây là Giấy chứng nhận xe đạp, mà do cán bộ T/L Trưởng ty Công an Hải Hưng ký (26/8/1977). Xe nhãn hiệu Peugio, mà khung lại là ... xe miền Nam. Nghĩa là xe khung tự sản xuất, do ai đó mang từ miền Nam ra, sơn có chữ Peugio mà thôi. He he. Nhìn cái giấy này, thanh niên bây giờ có lẽ chúng nó bảo ai đó ngụy tạo ra để làm chuyện cười. Xe đạp có số đăng ký đàng hoàng KB 9880. Đây là xe đạp của chính chủ bán cho bố tôi.


Phát động công bố kỷ vật

Nhân một hôm dọn tủ, trong gói đồ của mẹ tôi, thấy rơi ra mấy giấy tờ vàng cũ. Từ ngày bà cụ qua đời (2009) thì tôi không muốn xem kỹ mấy thứ đó. Nhưng hôm nay tôi thấy mấy thứ rất thú vị. Không hiểu sao những thứ rất quan trọng, to tát thì không còn dấu vết, mà có những thứ "vớ vẩn" lại còn. Ví dụ như cái biên lai thu học phí này. Đó là hồi tôi học lớp 7. Hồi đó, bố mẹ thường đưa tiền cho con mang đi đóng học phí, sau đó đưa biên lai lại cho bố mẹ. (Bây giờ phụ huynh thường đến lớp, gặp cô đóng tiền luôn)
Hoặc như cái Thẻ xã viên...
Các bác có còn nhớ cái thẻ xã viên thế nào không?
Tôi nảy ra ý định phát động các bác công bố những kỷ vật cũ. Có thể là liên quan đến mình, có tên mình, hoặc không có tên mình. Sang năm, có thể làm 1 triển lãm trưng bày, hoặc đóng tập bộ sưu tập ảnh, chia sẻ, ngắm nghía lúc tổ chức họp lớp. Như thế chẳng hay hơn chuyện chỉ đến ăn uống một bữa, ôn kỷ niệm suông hay sao.
Kỷ vật có thể là giấy tờ "vớ vẩn", ảnh cũ, thư từ gửi cho nhau, (như thơ ông NCT làm mà ông TQH vẫn giữ), hoặc hiện vật ngày nay không có cái tương tự...
Mở đầu, xin chiêm ngưỡng tờ "Biên lai thu học phí" của tôi. (Chữ ký này nhìn lại tôi mới nhớ ra, đó là chữ ký thày Lê Chí, chủ nhiệm lớp 7 của tôi)

MƯA

Lê Phúc Thắng

Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư kinh tế Đại học Bách khoa năm 1980 tôi nhập ngũ vào nhận nhiệm vụ ở Vũng Tàu. Thời điểm đó đất nước rơi vào giai đoạn khủng hoảng vô cùng khó khăn. Tôi cảm nhận được đất nước cần có sự thay đổi và đã phát biểu chính kiến của mình. Người ta đã gây nhiều khó dễ cho tôi vì những lời tiên đoán mà chỉ 5 năm sau đã thành sự thật và vẫn đúng cho tới bây giờ. Hôm nay tôi xin ra mắt các bạn một bài thơ tôi viết cách đây 30 năm, thể hiện tâm trạng của tôi lúc đó.


Giọt mưa rơi
Nước mắt ai
Vẫn chảy hoài
***
Quán cà phê
Bên hè phố
Người ngồi đó
Có ai hay?
Tháng ngày này
Đất nước này
Con người này
Mãi thế này!
***
Tiễn mưa đi
Mưa lại về
Đứng giữa đường
Chiều thê lương

Nhặt mưa rơi
Tay chơi vơi
Thiên đường ơi
Bay theo với
        Vũng Tàu 1982

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Cô giáo hâm

Tuần này tôi có đăng báo bài tản văn ngắn: Cô giáo hâm. Qua đi ngày 20/11, chúng ta tri ân thày cô giáo, trong lòng ta lại trĩu nặng về thực trạng giáo dục bây giờ. Con cái chúng ta không được như chúng ta thời đi học. Như vậy thì đất nước không có phúc ư? Câu hỏi này cũng làm tôi buồn. Xin xem TẠI ĐÂY
hoặc

Cô giáo hâm
 Một đám học trò lớp ba ngồi với nhau, chúng bảo nhau: Cô giáo tớ hâm lắm… Đứa thứ hai, thứ ba cũng nhất trí là cô giáo nó hâm.

Câu chuyện dừng ở đó, nếu không có một đứa trong nhóm mang chuyện đó mách với cô giáo.

Ở lớp thứ nhất: Cô giáo nổi giận đùng đùng. Cô gọi bạn gái đã nói chuyện đó lên đứng trước lớp và quát mắng. Đại ý: Láo toét, bé tý tuổi mà đã hư thân mất nết. Đứa học sinh tái mét mặt, mếu máo nhận lỗi, xin lỗi. Cô vẫn không ưng ý, nói cô phải hỏi phụ huynh xem bố mẹ dạy con như thế nào. Nói cô giáo hâm thì rồi bố mẹ các con cũng hâm…

Hôm sau, cô giáo gọi phụ huynh em bé đó lên. Dĩ nhiên là phụ huynh thì thương con, tối hôm đó đến nhà cô giáo, tạ lỗi và biếu cô phong bì. Cô tươi cười, nhất trí với phụ huynh cho rằng em học sinh đó dại dột, để cho cô tiếp tục dạy bảo. Phụ huynh về nhà hỏi con bé, rồi an ủi, nhưng ai cũng biết con bé sẽ có tình cảm thế nào với cô giáo, với bạn đã mách cô, nó sẽ tiếp tục cảnh giác thế nào trong toàn bộ cuộc sống tiếp theo của nó…

Tôi đi tìm hiểu mấy đứa bạn của con bé đó. Một đứa nói: Bạn ấy cũng mách cô giáo cháu, nhưng cô chả nói gì cả. Một đứa nói: Cô có gọi con lên, vì cô giáo X (cô giáo đã nổi giận trên đây) mách cô giáo con. Cô giáo con bảo: Các con nhận xét cô thế nào cũng được, nhưng lần sau cứ nói với cô, cô sẽ không giận, không mắng đâu. Nếu thật là cô hâm thì cô sẽ sửa.

Đứa bé thứ ba có một cô giáo tốt.

Nhưng đi tìm một cô giáo tốt như thế, bây giờ thật là hiếm có.

Hồi tôi đi học, những năm trước 1975, thày cô giáo không dạy thêm, trừ chuyện bồi dưỡng học sinh giỏi, mà dạy thêm cho học sinh giỏi cũng chả được thêm đồng nào. Tất nhiên tôi không ca ngợi các thày cô phải nghèo. Nhưng việc thày cô thoát nghèo phải là việc của nhà nước, của Chính phủ. Tôi cứ tự hỏi, nền giáo dục Nho giáo thời xưa, làm gì có trường công, toàn trường tư cả, sao không có hiện tượng thày giáo nghĩ cách kiếm tiền từ học sinh của mình. Bây giờ thì dạy thêm, trù úm để phụ huynh phải đến “muốn con hay chữ phải yêu lấy thày” phổ biến. Bây giờ thì xếp hàng đạp cổng trường vào trường điểm. Ai gây ra tệ nạn này của ngành giáo dục?

Thời chúng tôi đi học, đến lớp đến trường là đi chơi, là vui sướng. Bây giờ thì trẻ con đeo ba lô trĩu nặng, học hết lớp nọ lớp kia, còn học nặng hơn bố mẹ nó đi làm. Và nó phải thuộc các bài mẫu. Nó không được khác những đứa khác. Thế hệ chúng nó sẽ ra trường mà nền giáo dục muốn phải giống nhau như những cái bánh mỳ ra lò, như người lính trong hàng quân tuân lệnh lãnh đạo...

Mỗi người bố, người mẹ đều có những ông thày, mỗi đứa con cũng có những ông thày. Và tôi bây giờ đã là phụ huynh, nghĩ lại thời đi học của mình mà thương những đứa con mình…
(theo nguyenxuanhung.com)

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Xem lại hình ảnh thời đi học trước năm 1975

Bộ ảnh thời trước năm 1975, tôi khai thác trên mạng, (kienthuc.com.vn). Đây là ảnh tài liệu về một thời đi học trước năm 1975, xem đây, chúng ta thấy được hình ảnh của chính chúng ta một thời.

Ba thày giáo cũ

Tôi nhìn tấm ảnh này, có 3 thày cũ: Thày Đặng Đình Toán (chủ nhiệm), Thày Trần Phi (Hiệu trưởng) và Thày Trác (Hiệu phó- quên họ thày rồi).
Có 10 tên chụp ảnh, thế nào mà 2 tên lại được ưu ái ngồi. Ngẫm lại 2 tên ngồi bây giờ sướng hơn 8 tên đứng. Mới biết cái ghế nó ảnh hưởng vào đời người ghê thật, hizzz (Chú ý: Muốn xem ảnh to thì bấm vào ảnh nhé, nó sẽ load ra ảnh riêng màn hình)


Bông hồng ngày 20/11 cho Internet



Đoan Trang

Hôm nay vào blog Quechoa của Nguyễn Quang Lập, cựu sinh viên K20  Bách Khoa thấy có bài viết của Đoan Trang về ngày 20/11 hay hay. Xin phép chị Đoan Trang và anh Lập được post bài này lên blog 8e9e10e để các bạn tôi thời cấp 3 và cũng là thế hệ K20 Bách Khoa cùng đọc (Ngô Công Thành K20 Luyện Kim).



Dân chủ trong giáo dục
Cách đây 30 năm, vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT, ấn định ngày 20/11 hằng năm là “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Cũng có người vẫn gọi nó theo cái tên có xuất xứ từ trước đó, là “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”, được xác lập từ năm 1958 tại một cuộc họp của Liên hiệp Quốc tế Các Công đoàn giáo dục.


Cho dù gọi bằng tên nào, thì 20/11 vẫn được xem như một ngày lễ dành riêng cho các giáo viên Việt Nam, một ngày để học sinh-sinh viên, các bậc cha mẹ, tất cả những người đi học nói chung, bày tỏ lòng biết ơn và tinh thần tôn sư trọng đạo đến những thầy cô giáo mến thương của mình.
Như vậy, có lẽ sẽ là một điều hơi lạ khi nhân ngày 20/11, chúng ta lại đặt ra vấn đề “dân chủ trong giáo dục”. Khái niệm dân chủ trong giáo dục không bao gồm “bầu cử tự do”, “đa nguyên”, “tam quyền phân lập”… như trong chính trị, nhưng chắc chắn nó cũng có những hàm ý liên quan đến “quyền”, đến sự tự do, bình đẳng của người học trong quan hệ với người dạy. Liệu dân chủ trong giáo dục có đi ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam không?
Để có câu trả lời, trước hết phải xác định dân chủ trong giáo dục nghĩa là gì. Nó nghĩa là “tự trị”, “tự quyết”: Bất kỳ khi nào có thể, người học phải được hướng dẫn để học hoặc tự học vì mục đích của mình, vì những mục tiêu do chính mình đặt ra. Nó nghĩa là “đa nguyên”, “đa dạng tinh thần”: Chương trình, nội dung đào tạo không nhằm tạo ra hàng trăm, hàng nghìn con người cùng một phương pháp suy nghĩ và làm việc, mà trái lại, phải kích thích sự sáng tạo và năng lực đặc thù của mỗi người. Nó nghĩa là “công khai, minh bạch”: Mọi người đều có thể tự do tham gia hoặc ra khỏi hệ thống giáo dục – như thể đó là một thị trường cạnh tranh hoàn hảo vậy – và mọi thông tin trong cái thị trường này đều phải được công khai, hay nói cách khác: không nhạy cảm.
Dân chủ trong giáo dục còn có nghĩa là “tương tác”, tức tương tác giữa trường học với chính quyền, doanh nghiệp, xã hội dân sự, tóm lại là với cả cộng đồng. Điều đó khiến cho kiến thức của người học luôn luôn được cập nhật và mở rộng, theo kịp với thực tiễn cuộc sống.
Với những đặc điểm ấy, một nền giáo dục dân chủ không hề triệt tiêu tinh thần tôn sư trọng đạo. Trên bình diện cá nhân, một người thầy có khuynh hướng yêu chuộng dân chủ sẽ tạo điều kiện cho các học trò mình thực hiện được bốn nguyên tắc trên để trở thành một con người sáng tạo, năng động, gắn kết với cộng đồng.
Internet – người thầy vĩ đại
Căn cứ vào các tiêu chí “dân chủ trong giáo dục” nêu trên, thì chúng ta có thể thấy rằng đang có một “người thầy” dân chủ như thế góp mặt trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Đó là… mạng Internet.
Với Internet, 24 triệu người sử dụng mạng ở Việt Nam (trong đó một tỷ lệ rất cao là thanh niên) có thể tự do tiếp cận bất kỳ nội dung nào mình quan tâm. Họ được toàn quyền quyết định vào mạng để chơi game, xem phim online, hay để tự học, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức cho mình và chia sẻ với bạn bè. Họ cũng có thể truy cập cả những nội dung mà vì những lý do khác nhau, chưa hoặc không xuất hiện công khai trong chương trình học ở nhà trường. Với ý nghĩa đó, Internet kích thích sự tìm tòi và phản biện trong bản thân mỗi học sinh-sinh viên, và thậm chí quay trở lại tạo sức ép với chính người đi dạy: Người viết bài này từng nghe kể chuyện một giáo viên trẻ, dạy sử ở cấp phổ thông trung học, nói rằng lâu nay cô phải duy trì cập nhật giáo án thường xuyên và chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi lên lớp, vì đã có những học sinh vào mạng tìm hiểu thêm thông tin ngoài phần cô dạy, chưa kể các em còn có xu hướng “kiểm tra” xem cô dạy có gì… khác Internet không.
Internet là như thế: rộng mở, công khai, thúc đẩy dân chủ và đương nhiên, tạo ra cả những sức ép khiến người ta phải cảm thấy ức chế, phải nỗ lực mà vươn lên không ngừng. Ngày 20/11, giữ truyền thống tôn sư trọng đạo và biết ơn các thế hệ thầy cô, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên đặt thêm một bông hoa hồng bên bàn phím chiếc máy tính của ta, và nghĩ đến những gì chúng ta đã và đang được hưởng từ Internet – người thầy cổ súy dân chủ.

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Cảm xúc 40 năm

Vũ Đình Tiến 

Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 em xin chúc các thầy cô , Thầy Toán , Cô Tâm cùng  gia đình  luôn luôn nhiều sức khỏe  và có cuộc sống tràn đầy hạnh phúc . Chúc lớp cựu chuyên toán Hải Hưng 72-75 của chúng ta mãi là một tổ ấm đầy tình thương mến ! Nhân đây tôi xin ghi lại cảm xúc của tôi ngày chúng ta họp lớp 40 năm (14/10/1972 - 14/10/2012) :


 40 năm rồi bây giờ gọi ngày xưa
 Ngày tựu lớp dưới trời mưa tầm tã
 Xóm nhỏ ven đê đường lầy lội quá
 Bạn trượt chân quần áo lấm tôi thương
 Thế rồi ba năm thấm thoắt trôi nhanh
 Cuộc đời đã đưa chúng mình đi trăm ngả
 Nay gặp lại lòng bồi hồi quá
 Tình bạn tình thầy trò vẫn mãi như xưa !

Mỗi tuần 1 tin lạ: 5000 người khỏa thân

5.000 người đã khỏa thân để chụp ảnh trước Nhà hát Opera, do Nhà Nhiếp ảnh Spencer Tunick thực hiện năm 2010. Ông này không chỉ rủ rê đám đông cởi quần áo chụp ảnh một hai lần, mà nhiều lần. Năm 2010 ông chụp 5000 người ở Nhà hát Opera Úc là để lập kỷ lục thế giới.
Còn nhiều ảnh nữa.
Nhưng có một video Clip đặc sắc TẠI ĐÂY

Ảnh con trai Quang Hưng


Hôm nay tôi gặp một cậu bé, khoảng 14-15 gì đó, hỏi tôi địa chỉ Quang Hưng. Nó nhận là con trai Quang Hưng. Alo, nếu ông Quang Hưng hay ông nào còn con rơi thì cho lên đây để anh em xem có giống không. Hihi

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Những chuyện thật như bịa của tôi thời cấp 3

­­­­ Tôi định viết mấy lời nhận xét vào dưới bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, nhưng nội dung muốn nói dài quá nên phải làm thành một bài phụ thêm tiếng nói với NXH để ôn lại kỷ niệm đáng nhớ về  những thầy cô giáo của chúng ta ngày xưa. Tôi chỉ kể lại những chuyện khó tin mà thật, thật 100% không bịa một chút nào.

Tôi nhớ rất rõ ngày tập trung lớp chuyên toán vào tháng 10 năm 1972. Khi tôi đến, khu vực chùa Bảo Châu khá đông người. Thầy Toán, cô Tâm và một số thầy cô giáo đã có mặt ở đó. Thầy Toán đọc danh sách lớp, nhiều bạn vẫn chưa thấy đến. Nhóm Ân Thi gồm Vững, Minh Tiến và Thành được cô Tâm dẫn đến nhà trọ trước tiên và cũng là nhà xa nhất. Bên lối đi rất nhỏ trơn lầy vào nhà trọ có mấy ngôi mộ to tướng nằm chềnh ềnh làm tôi cảm thấy lo sợ. Cô  Tâm trao đổi với chủ nhà, động viên chúng tôi ở lại rồi đưa tiếp các nhóm khác đến từng nhà dân. Chủ nhà đầu tiên của tôi là ông Cầu, lúc đó đã hơn 60 tuổi, rất quắc thước, ở chung với anh con trai nói ngọng đã có vợ. Vợ chồng anh ở riêng trong buồng nhưng không có cửa, chúng tôi ở nhà ngoài, mỗi khi đi tiểu vào cái nồi hông ở đầu nhà phải đi qua buồng anh chị, nhất là buổi tối cứ nghe anh chị rủ rỉ tâm sự ngọng líu ngọng lo mà buồn cười.


Khoảng một tuần sau, cô Tâm lại bảo chúng tôi chuyển tới nhà ông Đáng ở cùng với Nhóm Chí Linh vì cô giáo nhận được thông tin bà vợ ông Cầu bị bênh ho lao, sợ ảnh hưởng đến chúng tôi. Ở nhà ông Đáng được vài tuần thì một hôm, buổi chiều được về sớm, Bình móm phát hiện có tiếng động lạ trong nhà, ra hiệu cho chúng tôi im lặng. Khi chúng tôi ập vào nhà thì bắt gặp quả tang con trai ông Đáng đang cậy hòm của tôi lục tiền. Sau đó chúng tôi lại được chuyển đến nhà bác Miêng, vợ bộ đội có chồng là sỹ quan đang ở chiến trường B, ở cùng hội Lâm, Kiêm Dũng và Tá (đúng lúc này Tuyên nhập lớp). Bác Miêng có một đứa con trai tên là Giang kém bọn mình một tuổi và một đứa con gái nuôi lúc đó khoảng 4-5 tuổi. Có một bà chị hàng xóm khoảng 20 tuổi xinh xắn và hay chuyện ngày nào cũng sang chơi với chúng tôi. Một lần chị nhận xét: Tuyên học giỏi nhưng sau này rất khổ và bị chết non (tôi đã kể chuyện này trong bài Nhớ Tuyên, mục kể về những người bạn của mình).
           
Hồi ấy, Bố tôi làm kế toán trưởng Xí nghiệp vôi thị xã Hưng yên, nên khi Hiệp định Pari có hiệu lực (sau tết năm Quý Sửu 1973), mọi người chuyển về trường chính tại khu vực Chợ Gạo, các thầy cô giáo hay nhờ tôi đi xin vôi về quét tường, mua giúp xỉ vôi để láng nền nhà. Ngày đó, vôi là vật liệu xây dựng quan trọng, chủ yếu phân phối cho các công trình xây dựng của Nhà nước, cá nhân phải quen thân mới được mua. Một lần Thầy Truyền (Bí thư Đoàn trường) nhờ mua hộ xỉ vôi. Thầy không quên nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến bố tôi, nhưng vì thầy chưa đưa tiền nên tôi cứ đứng chờ ở cửa phòng thầy. Gần 15 phút sau, thầy đi ra vẫn thấy tôi đứng đấy nên hỏi: em chưa về à? Tôi ấp úng không biết nói thế nào thì vợ thầy hiểu ra và nói: chắc anh chưa đưa tiền cho nó chứ gì? Thầy rút ví đưa tôi hai (2) đồng. Hai hôm sau tôi đưa cho thầy hóa đơn để thầy lên lấy 50 kg xỉ vôi. Nếu hiểu ra như bây giờ thì tôi đã bảo bố mình biếu thầy mấy chục cân xỉ vôi rồi.

Có một chuyện, tôi không nói ra là ai nhé. Một cô giáo rất hay ngồi...tè trong vườn chuối. Chắc các bạn còn nhớ, sau ngôi nhà lớp mình là một vườn chuối rồi đến ruộng lúa của trường sát với khu tâp thể công nhân Nhà máy may mặc. Một lần tôi đến sớm trực nhật, đi ra sau vườn thấy Cô ngồi quay lưng lại.  Tôi chào. Cô giật mình kéo vội quần lên (hồi đó các cô toàn mặc quần lụa đen, cạp quần luồn dây chun), trừng mắt nhìn tôi rồi bảo: lần sau không phải chào thế này nhé. Chắc Cô nghĩ mình còn bé chưa biết gì, nên cũng không giữ ý. Những ngày sau tôi để ý Cô vẫn giữ thói quen đó vào lúc sáng sớm và chập tối (một số lần tôi bắt gặp nhưng không chào nữa). Để chuộc lỗi với Cô tôi đã rất chăm chỉ học môn Cô dạy và được Cô cho khá nhiều điểm 10. 

Thầy Hiếu Nga văn cũng là một thầy giáo tôi rất thích, đã dạy lớp mình 3 năm liền. Thầy có một cậu con trai, nhưng tôi chưa trông thấy vợ thầy bao giờ.  Tôi nhớ nhất chuyện Thầy cho Diện 10 điểm tiếng Nga. Hôm ấy Thầy cho kiểm tra một tiết, chép lại bài tiếng Nga mà cả lớp phải học thuộc. Thầy có việc gì đó mà không giám sát kiểm tra, để cả lớp mở sách tự do. Cả lớp, ai cũng mắc một vài lỗi chính tả, duy chỉ có Diện là không mắc lỗi nào nên bị Thầy cho 1 điểm, vì cho rằng Diện mở sách chép. Diện đã đứng trước cả lớp đọc thuộc nguyên văn bài tiếng Nga đó buộc Thầy phải thêm số 0 vào sau con 1.

Tôi còn nhớ thầy Thuận dạy vật lý (anh cậu Tứ lớp D), chuyển từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội về, vì gia đình và vợ con thầy đều ở Thị xã Hưng Yên. Thầy áp dụng sáng kiến hình thành những phòng học chuyên như trên trường đại học Thầy đã từng dạy, bắt học sinh phải di chuyển lớp sau mỗi tiết học. Mỗi phòng học được trang bị rất nhiều giáo cụ trực quan phù hợp với từng môn học do các thầy cô tự làm. Một đêm cuối tuần, có kẻ nào đó đã đốt cháy hết giáo cụ trực quan trong các phòng học chuyên đó. Thế là các lớp lại quay về phòng học của lớp mình như cũ. Một lần kiểm tra 1 tiết nhưng Thầy thu bài hơi sớm, trước trống hết giờ khoảng 5 phút. Vì chưa làm bài xong tôi cãi, nói Thầy thu bài sớm trước giờ, Thầy bắt tôi cầm lại bài kiểm tra về nhà làm tiếp hôm sau nộp cho thầy. Tôi sợ bị thầy trù, nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn được 9 điểm như thường (không biết bài kiểm tra này Thầy có vào sổ điểm không?).

Cô giáo dạy hóa mà nhà văn Nguyễn Xuân Hưng nói đến tên là Hoa, người Hà Nội, có chồng là nhạc sỹ kéo violon rất thư sinh, dạy nhạc Trường Trung cấp sư phạm 10+2 gần Trường cấp 3 thị xã Hưng Yên. Còn nhiều thầy cô giáo đã dạy chúng ta mà Xuân Hưng chưa nói đến, như cô Hảo (vợ thầy Đạt) dạy hóa năm lớp 8 rất hay, cô Vinh dạy địa ở cùng phòng với cô Tâm, cô Xuân dạy Sử lớp 8 sau này là Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (thầy Đạt dạy sử chúng ta lớp 9 và lớp 10, có đợt thầy nghỉ khá lâu vì phải đi chữa bệnh u não), cô Hòa và cô Ân dạy sinh vật, thầy Phong dạy chính trị, thầy Thiện dạy thể dục chuyên làm trọng tài cho các trận bóng đá của trường, thầy Tùng dạy Kỹ thuật hay đi guốc mộc có con trai học lớp C. Thầy Trần Phi Hiệu trưởng cũng dạy lớp mình vài buổi thay thầy Toán…

Các thầy cô giáo ngày xưa sao mà gần gũi, chan hòa với học sinh thế, nhưng vẫn nghiêm khắc, làm học trò vừa nể, vừa sợ mà phải học chăm chỉ; ít khi có chuyện dạy thêm, học thêm, trừ việc bồi dưỡng học sinh giỏi hay bồi dưỡng bổ sung kiến thức cho học sinh kém miễn phí. Giờ có kể lại chuyện đi học của mình 40 năm về trước, con cháu mình cũng chẳng tin, cho là mình bịa! (NCT)

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Một vài kỷ niệm về thày cô giáo cũ Cấp 3 Hưng Yên

1. Hồi tập trung vào lớp ở Bảo Châu, tôi và bố tôi đạp xe đạp đi từ Kinh Môn. Bố tôi đi xe Phượng Hoàng cũ, còn tôi đạp cái xe thiếu nhi Liên Xô. Lần đầu tiên đi xa. Đến Hải Dương, đợi ở Chợ Mát khoảng 1 giờ chiều mới có ô tô. Khi đến Bảo Châu đã muộn rồi. Một thày giáo chỉ cho bảo hỏi cô Tâm dang dẫn học sinh đi các nhà trong xóm. Tôi cứ nghĩ cô Tâm chắc là chủ nhiệm. Sau mới biết còn có thày Toán mới là chủ nhiệm dạy Toán. Tôi nhớ ấn tượng đầu tiên khi đến Bảo Châu là bố tôi rất ái ngại. Đường trơn, nhão nhoẹt. Có chỗ hai bố con phải vác xe. Rồi cô Tâm xem danh sách, xếp tôi và Khải, Phụng, Tấn ở với nhau. Tôi nhớ hình như bố tôi đợi, hôm sau nói chuyện với bố của Phụng, bố của Khải, rồi các ông mới về. Sau này mới biết, nhìn chung các ông bố đều rất không yên tâm. Con cái mới lớn, 13-14 tuổi, đi trọ học ở một nơi có vẻ rất khác với đồng đất quê mình. Tuy nhiên, cô Tâm cũng có động viên an ủi thế nào đó. Tôi không còn nhớ bố tôi có gặp thày Toán không, chắc có. Kỷ niệm về thày Toán thì rất nhiều, chúng ta sẽ nói về một dịp khác.



Cô Tâm khi đó rất trẻ. Và đẹp. Tôi tin rằng, đời sống có cái gọi là cơ duyên. Nếu không phải cô Tâm, mà cô khác thì đại đa số học sinh lớp E cũng sẽ nhớ, nhưng chắc ký ức sẽ khác một chút. Cô Tâm dạy văn, là sự bổ sung tốt cho thày chủ nhiệm dạy Toán. Bọn học sinh hồi đó xa gia đình thì vẫn cần lời ăn tiếng nói kiểu người Mẹ. Có lẽ chúng ta sau này cứ nhớ cô Tâm là vì thế. Riêng tôi, vào lớp 9, tôi có làm một bài tập làm văn, mà cô Tâm đọc cho cả lớp nghe. Tôi nhớ đó là bài văn về hình ảnh những người phụ nữ trong các tác phẩm đã học. Học sinh CT thì học văn không được tử tế như lớp khác. Song, có lẽ cái chất của văn chương nó đã ngấm vào mình từ lâu mà mình chả biết. Và, cho đến nay, cô Tâm vẫn là người thày đầu tiên và duy nhất nêu gương tôi học văn. Sau này, khi thày Sơn dạy văn lớp 10, thày dạy phải nói là khô khan và chán. Hoặc có thể tôi nghe cô Tâm quen rồi nên chán. Bài tập làm văn đầu tiên dưới tay thày Sơn, thày cho điểm 4. Sau đó tôi mang vở làm bài lên thắc mắc ở phòng giáo viên, tranh luận gần như cãi thày. Thày nghe một hồi, chữa lại thành điểm 8. Cũng lạ. Tôi bây giờ nghĩ lại, thế hệ con mình chắc vẫn không có những thày giáo mà nghe học trò cãi, lại chữa 4 điểm thành 8 điểm, thế là chúng nó thiệt hơn thế hệ tôi. Lý do đơn giản là thày bảo tôi lạc đề, nghị luận không đúng sách, nhưng chắc chuyện tôi nói hươu nói vượn thế không sai. Và biết đâu thày cũng thích, nhưng giáo trình thì nó "bảo" là không đúng. Tuy vậy, suốt 1 năm thày Sơn, tôi vẫn không có ấn tượng gì mấy về văn học. Nhưng tôi lại sợ và cảm phục thày Sơn về nhân cách làm thày, không phải vì thày chữa điểm cho tôi, mà vì phải có một tầm như thế nào mới làm thế. (Sau này, lên Đại học, cũng có khá nhiều thày rất giỏi, sống với thày thì rất thú vị, nhưng nghe thày giảng thì chán lắm). Có lẽ, sau này, đúng là tôi là nhà văn "mất dạy" nhất trong các nhà văn Hội viên Hội Nhà văn.
2. Thày Đạt dạy sử là thày giáo mà tôi rất thích. Có lẽ sau này có một cô giáo khác dạy Sử khiến tôi cứ nhớ thày Đạt là vì thế. Đó là một mẫu thày giáo nói về sử say mê, khúc triết, truyền được cảm hứng cho học sinh. Ngày nay, chắc càng ít thày giáo như thế.
3. Một thày giáo được học trò quý, là thày Hiếu dạy Nga. Tiếc thay thày dạy ít quá.
4. Tôi còn nhớ mãi một cô giáo dạy Hóa. Bởi vì sau đó tôi có học khoa Hóa trong ĐHBK. Cô giáo dạy hóa ở trường C3 TX HY giống kỳ lạ với cô giáo dạy thí nghiệm ở trường ĐH BK là cô Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe. Giống ở khuôn mặt buồn, cái thần thái lúc nào cũng rầu rĩ, đau khổ. Nói chung tuy học khoa Hóa, nhưng tôi không say mê được môn Hóa có lẽ cũng vì các cô giáo gương mặt buồn. Cô giáo dạy Hóa ở trường Hưng Yên có lần tức giận mắng cả lớp vì không làm bài tập, mà lại cả lớp không làm. Cô nhăn nhó đau khổ cho rằng bọn này chỉ chăm chăm học toán, mà coi thường môn của cô. Nghĩ lại bây giờ thấy cô bực là cũng đúng. Chúng tôi xứng đáng bị mắng hơn thế. Nếu bây giờ mà có cô giáo mắng thế, thì có khi lại bị ghi âm rồi tung lên mạng. Nhưng nói chung các thày cô có mắng thì trò cũng không oan. Cô giáo dạy thí nghiệm hữu cơ ở ĐHBK, sau này làm chủ doanh nghiệp Sơn Kova nổi tiếng. Nhưng khi  là bà chủ Công ty to tướng, thì bà ấy linh hoạt rất khác với bà giáo rầu rĩ ở phòng thí nghiệm. Tôi được cô Hòe đặc cách cho làm 3-4 lần kỳ được bài thí nghiệm thì thôi. Tôi có ấn tượng rất tốt với cô Hòe, vì mặt buồn nhìn thì khó gần, nhưng lại dễ tính, mà không hiểu sao cứ nhìn cô Hòe, tôi lại nhớ lại cô giáo dạy Hóa ở Cấp 3 Hưng Yên.
5. Thày Trác không dạy lớp E ngày nào. Nhưng tôi lại có kỷ niệm về ông Trác. Vì ông ấy hội họp gì đó ở Kinh Môn, không hiểu sao lại biết và vào nhà tôi chơi. Thì ra có người ở Sở Giáo dục bảo ông ấy tôi là học sinh của ông ấy. Khi đó tôi đã đi học đại học rồi đang về nghỉ hè. Ông ấy đến, bố tôi mời ở lại ăn cơm, ông ấy vui vẻ ở lại ăn cơm, nói chuyện rất hào hứng, uống rượu mặt đỏ gay. Ông Trác rất chất phác, nói thật hồi tôi đi học chả biết tôi là thằng nào, ở lớp E ông chỉ biết mỗi Doãn Anh Tú (thày Trác biết phụ huynh) và Nguyễn Lương Bách (không rõ vì sao). Tôi có hỏi thày có biết Trần Hồng Kỳ không. Thày bảo không biết. Tôi bảo, hình như yêu con thày Đoàn Phi. Thày Trác bảo: Thế thì hay quá. Hồi ấy trẻ con, sinh viên rồi cũng trẻ con, biết quái gì đâu, thấy chúng nó đong đưa với nhau thì tưởng là yêu. Hi hi. Sau này không biết thày Trác có về hỏi thày Đoàn Phi chuyện đó không.