Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Những chuyện thật như bịa của tôi thời cấp 3

­­­­ Tôi định viết mấy lời nhận xét vào dưới bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, nhưng nội dung muốn nói dài quá nên phải làm thành một bài phụ thêm tiếng nói với NXH để ôn lại kỷ niệm đáng nhớ về  những thầy cô giáo của chúng ta ngày xưa. Tôi chỉ kể lại những chuyện khó tin mà thật, thật 100% không bịa một chút nào.

Tôi nhớ rất rõ ngày tập trung lớp chuyên toán vào tháng 10 năm 1972. Khi tôi đến, khu vực chùa Bảo Châu khá đông người. Thầy Toán, cô Tâm và một số thầy cô giáo đã có mặt ở đó. Thầy Toán đọc danh sách lớp, nhiều bạn vẫn chưa thấy đến. Nhóm Ân Thi gồm Vững, Minh Tiến và Thành được cô Tâm dẫn đến nhà trọ trước tiên và cũng là nhà xa nhất. Bên lối đi rất nhỏ trơn lầy vào nhà trọ có mấy ngôi mộ to tướng nằm chềnh ềnh làm tôi cảm thấy lo sợ. Cô  Tâm trao đổi với chủ nhà, động viên chúng tôi ở lại rồi đưa tiếp các nhóm khác đến từng nhà dân. Chủ nhà đầu tiên của tôi là ông Cầu, lúc đó đã hơn 60 tuổi, rất quắc thước, ở chung với anh con trai nói ngọng đã có vợ. Vợ chồng anh ở riêng trong buồng nhưng không có cửa, chúng tôi ở nhà ngoài, mỗi khi đi tiểu vào cái nồi hông ở đầu nhà phải đi qua buồng anh chị, nhất là buổi tối cứ nghe anh chị rủ rỉ tâm sự ngọng líu ngọng lo mà buồn cười.


Khoảng một tuần sau, cô Tâm lại bảo chúng tôi chuyển tới nhà ông Đáng ở cùng với Nhóm Chí Linh vì cô giáo nhận được thông tin bà vợ ông Cầu bị bênh ho lao, sợ ảnh hưởng đến chúng tôi. Ở nhà ông Đáng được vài tuần thì một hôm, buổi chiều được về sớm, Bình móm phát hiện có tiếng động lạ trong nhà, ra hiệu cho chúng tôi im lặng. Khi chúng tôi ập vào nhà thì bắt gặp quả tang con trai ông Đáng đang cậy hòm của tôi lục tiền. Sau đó chúng tôi lại được chuyển đến nhà bác Miêng, vợ bộ đội có chồng là sỹ quan đang ở chiến trường B, ở cùng hội Lâm, Kiêm Dũng và Tá (đúng lúc này Tuyên nhập lớp). Bác Miêng có một đứa con trai tên là Giang kém bọn mình một tuổi và một đứa con gái nuôi lúc đó khoảng 4-5 tuổi. Có một bà chị hàng xóm khoảng 20 tuổi xinh xắn và hay chuyện ngày nào cũng sang chơi với chúng tôi. Một lần chị nhận xét: Tuyên học giỏi nhưng sau này rất khổ và bị chết non (tôi đã kể chuyện này trong bài Nhớ Tuyên, mục kể về những người bạn của mình).
           
Hồi ấy, Bố tôi làm kế toán trưởng Xí nghiệp vôi thị xã Hưng yên, nên khi Hiệp định Pari có hiệu lực (sau tết năm Quý Sửu 1973), mọi người chuyển về trường chính tại khu vực Chợ Gạo, các thầy cô giáo hay nhờ tôi đi xin vôi về quét tường, mua giúp xỉ vôi để láng nền nhà. Ngày đó, vôi là vật liệu xây dựng quan trọng, chủ yếu phân phối cho các công trình xây dựng của Nhà nước, cá nhân phải quen thân mới được mua. Một lần Thầy Truyền (Bí thư Đoàn trường) nhờ mua hộ xỉ vôi. Thầy không quên nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến bố tôi, nhưng vì thầy chưa đưa tiền nên tôi cứ đứng chờ ở cửa phòng thầy. Gần 15 phút sau, thầy đi ra vẫn thấy tôi đứng đấy nên hỏi: em chưa về à? Tôi ấp úng không biết nói thế nào thì vợ thầy hiểu ra và nói: chắc anh chưa đưa tiền cho nó chứ gì? Thầy rút ví đưa tôi hai (2) đồng. Hai hôm sau tôi đưa cho thầy hóa đơn để thầy lên lấy 50 kg xỉ vôi. Nếu hiểu ra như bây giờ thì tôi đã bảo bố mình biếu thầy mấy chục cân xỉ vôi rồi.

Có một chuyện, tôi không nói ra là ai nhé. Một cô giáo rất hay ngồi...tè trong vườn chuối. Chắc các bạn còn nhớ, sau ngôi nhà lớp mình là một vườn chuối rồi đến ruộng lúa của trường sát với khu tâp thể công nhân Nhà máy may mặc. Một lần tôi đến sớm trực nhật, đi ra sau vườn thấy Cô ngồi quay lưng lại.  Tôi chào. Cô giật mình kéo vội quần lên (hồi đó các cô toàn mặc quần lụa đen, cạp quần luồn dây chun), trừng mắt nhìn tôi rồi bảo: lần sau không phải chào thế này nhé. Chắc Cô nghĩ mình còn bé chưa biết gì, nên cũng không giữ ý. Những ngày sau tôi để ý Cô vẫn giữ thói quen đó vào lúc sáng sớm và chập tối (một số lần tôi bắt gặp nhưng không chào nữa). Để chuộc lỗi với Cô tôi đã rất chăm chỉ học môn Cô dạy và được Cô cho khá nhiều điểm 10. 

Thầy Hiếu Nga văn cũng là một thầy giáo tôi rất thích, đã dạy lớp mình 3 năm liền. Thầy có một cậu con trai, nhưng tôi chưa trông thấy vợ thầy bao giờ.  Tôi nhớ nhất chuyện Thầy cho Diện 10 điểm tiếng Nga. Hôm ấy Thầy cho kiểm tra một tiết, chép lại bài tiếng Nga mà cả lớp phải học thuộc. Thầy có việc gì đó mà không giám sát kiểm tra, để cả lớp mở sách tự do. Cả lớp, ai cũng mắc một vài lỗi chính tả, duy chỉ có Diện là không mắc lỗi nào nên bị Thầy cho 1 điểm, vì cho rằng Diện mở sách chép. Diện đã đứng trước cả lớp đọc thuộc nguyên văn bài tiếng Nga đó buộc Thầy phải thêm số 0 vào sau con 1.

Tôi còn nhớ thầy Thuận dạy vật lý (anh cậu Tứ lớp D), chuyển từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội về, vì gia đình và vợ con thầy đều ở Thị xã Hưng Yên. Thầy áp dụng sáng kiến hình thành những phòng học chuyên như trên trường đại học Thầy đã từng dạy, bắt học sinh phải di chuyển lớp sau mỗi tiết học. Mỗi phòng học được trang bị rất nhiều giáo cụ trực quan phù hợp với từng môn học do các thầy cô tự làm. Một đêm cuối tuần, có kẻ nào đó đã đốt cháy hết giáo cụ trực quan trong các phòng học chuyên đó. Thế là các lớp lại quay về phòng học của lớp mình như cũ. Một lần kiểm tra 1 tiết nhưng Thầy thu bài hơi sớm, trước trống hết giờ khoảng 5 phút. Vì chưa làm bài xong tôi cãi, nói Thầy thu bài sớm trước giờ, Thầy bắt tôi cầm lại bài kiểm tra về nhà làm tiếp hôm sau nộp cho thầy. Tôi sợ bị thầy trù, nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn được 9 điểm như thường (không biết bài kiểm tra này Thầy có vào sổ điểm không?).

Cô giáo dạy hóa mà nhà văn Nguyễn Xuân Hưng nói đến tên là Hoa, người Hà Nội, có chồng là nhạc sỹ kéo violon rất thư sinh, dạy nhạc Trường Trung cấp sư phạm 10+2 gần Trường cấp 3 thị xã Hưng Yên. Còn nhiều thầy cô giáo đã dạy chúng ta mà Xuân Hưng chưa nói đến, như cô Hảo (vợ thầy Đạt) dạy hóa năm lớp 8 rất hay, cô Vinh dạy địa ở cùng phòng với cô Tâm, cô Xuân dạy Sử lớp 8 sau này là Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (thầy Đạt dạy sử chúng ta lớp 9 và lớp 10, có đợt thầy nghỉ khá lâu vì phải đi chữa bệnh u não), cô Hòa và cô Ân dạy sinh vật, thầy Phong dạy chính trị, thầy Thiện dạy thể dục chuyên làm trọng tài cho các trận bóng đá của trường, thầy Tùng dạy Kỹ thuật hay đi guốc mộc có con trai học lớp C. Thầy Trần Phi Hiệu trưởng cũng dạy lớp mình vài buổi thay thầy Toán…

Các thầy cô giáo ngày xưa sao mà gần gũi, chan hòa với học sinh thế, nhưng vẫn nghiêm khắc, làm học trò vừa nể, vừa sợ mà phải học chăm chỉ; ít khi có chuyện dạy thêm, học thêm, trừ việc bồi dưỡng học sinh giỏi hay bồi dưỡng bổ sung kiến thức cho học sinh kém miễn phí. Giờ có kể lại chuyện đi học của mình 40 năm về trước, con cháu mình cũng chẳng tin, cho là mình bịa! (NCT)

10 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Hưng tranh luận để thày dạy văn chữa điểm 4 thành 8. Anh Diện chứng minh khả năng của mình, buộc thầy Nga văn thêm số 0 vào sau số 1 thành điểm 10. Anh NCT chào cô giáo ngay cả lúc cô đang...tè. Đúng là học sinh lớp toán đặc biệt. Các anh học lớp chuyên toán, chứ không phải chuyên tán à?

    Trả lờiXóa
  3. Alo, tôi vận dụng nguyên tắc làm báo, có biên tập lại đoạn kể về chào cô giáo của tác giả. Blog của chúng ta có thể có nhiều người khác đọc. Và có thể nhân vật mà chúng ta nói đến cũng đọc.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là sửa đi thì có kém hay đi. Nhưng thôi nên sửa.

    Trả lờiXóa
  6. Những ông lấy trộm sách bị lộ, phải lên phòng Hiệu trưởng kiểm điểm thì lên tiếng đi để anh em biết và thông cảm.

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  8. NCT ke chuyen that nhu bia hay chuyen bia nhu that day ? Toi hy vong nhan vat khong doc duoc nhung dong nay...

    Trả lờiXóa
  9. Tôi cũng là thằng ăn trộm được mấy quyển sách toán nhưng không bị lộ vì cái mặt mình ngoan.Bây giờ ở nhà vẫn còn giữ được.
    Ông NCT và ông Tú là hay chào các cô vào những lúc bất tiện nhất.Mấy ông ấy là trò ngoan theo cách lệch lạc.
    Nói chuyên vệ sinh tôi nhớ lớp mình toàn phải dọn nhà xí ở tận góc vườn mỗi khi trường có ngày tổng vệ sinh.Ông Vững và ông Ngự toàn nhận việc không lớp nào muốn làm. Thảo nào có ông bảo thầy Truyền bí thư Đoàn rất nhớ lớp mình.

    Trả lờiXóa
  10. "Các thầy cô giáo ngày xưa gần gũi, chan hòa với học sinh thế nhưng vẫn nghiêm khắc, làm cho học trò vừa nể vừa sợ mà phải chăm chỉ học, ít có chuyện dạy thêm, học thêm...". Làm thế nào để các thầy cô giáo ngày nay có được hình ảnh như người thầy ngày xưa trong con mắt học trò?

    Trả lờiXóa