Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

TẢN MẠN ĐÊM CUỐI NĂM

Ngô Công Thành

Khi tuổi càng cao, dường như thời gian trôi càng nhanh thì phải, ngoảnh đi ngoành lại đã hết một năm, còn bao nhiêu việc chưa kịp làm. Năm 2014 đã đến rồi, mình sắp bước sang tuổi 56, đã nhìn thấy phía trước biển báo về hưu. Cái trẻ  trung đã rời xa, chỉ thấy già nua đang ào ạt tới. Giờ mới thấy nuối tiếc những năm tháng cuộc đời đã bị phung phí vào những chuyện đâu đâu. Buồn!

Hôm qua, mình nhận huy hiệu 30 năm tuổi đảng. Trần Hồng Kỳ cũng  được trao huy hiệu đợt này nhưng sao không thấy đến nhận? Ba mươi năm trước, mình - một chàng trai 25 tuổi đã giơ cao nắm tay thề suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh hạnh phúc. Ba mươi năm - một nửa đời người đã trôi qua, những người như mình đã phấn đấu, đã cống hiến, đã hi sinh… nhưng dường như sự cống hiến, hi sinh đó bị rơi vãi mất quá nhiều. Ba mươi năm, tóc xanh giờ đã bạc trắng rồi. Cuộc sống đã đi một chặng đường dài, nhưng sao khoảng cách giữa ta và  các nước càng ngày càng xa ra thế? Một câu hỏi  ai cũng có thể trả lời nhưng nỗi đau dân tộc chắc không thể nguôi ngoai sau nhiều thập kỉ nữa.Chán!

Mười ngày trước khi bước vào năm mới, gia đình mình đã kịp tổ chức lễ thành hôn cho con gái. Có lẽ đây là việc lớn nhất, đáng được nói đến nhất mà vợ chồng mình đã làm được trong nhiều năm nay. Ngày mai, con gái và con rể sẽ đi tuần trăng mật tại thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc. Chợt chạnh lòng nhớ lại ngày mình cưới 29 năm về trước, không trăng mật cũng chẳng có tiệc cưới. Phòng cưới  rộng 18 mét vuông là phòng ở của gia đình vợ, giường tủ được sơ tán nhường chỗ cho hai dãy bàn ghế học sinh tiếp khách. Tổng chi phí cho đám cưới của mình kể cả mua giường cưới, chăn màn ga gối, may com lê cho chú rế và áo dài cô dâu là 1.500 đồng (một ngàn năm trăm đồng). Đám cưới mình diễn ra đúng một tuần sau khi đổi tiền 10 đồng ăn một. Ngày ấy có một ông nhà thơ  tên là Tố Hữu bỗng đổ đốn bỏ thơ đi làm chính trị và kinh tế đã gây ra biết bao khốn đốn cho đất nước này qua món thập cẩm “Tiền – Lương – Giá”. Ngày nay thì ngược lại, có biết bao nhà kinh tế  (không đếm được) cũng đổ đốn chuyển sang làm thơ, trong số đó có cả mình và thi sĩ Trần Đông Phong. Nghe nói cả nước có hàng chục ngàn câu lạc bộ thơ với hơn 3 triệu nhà thơ. Khiếp!

Năm kia, bố đẻ mình bị tai biến não, cả nhà mình mất tết. Hơn hai năm rồi, ông vẫn chống chọi với sự khắc nghiệt của số phận, kiên định sống, cho dù không thể ngồi, không thể nói, không thể tự ăn được. Năm nay đến lượt mẹ vợ mình, cũng lại tai biến não đúng dịp mình đi học lớp bỗi dưỡng nghiệp vụ sáng tác ở Trung tâm viết văn Nguyễn Du. Ở tuổi 96, mẹ mình cũng vẫn kiên định sống, cho dù cụ cũng không thể ngồi, không thể nói,  không thể tự ăn. Thế mới biết thế hệ trước đây, thế hệ những người đã làm nên cách mạng dân tộc và khởi đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa, họ kiên định hơn thế hệ chúng ta và các thế hệ sau này rất nhiều lần. Năm nay, ở tuổi U60 cũng phải học tập các cụ thôi. Ta phải biết kế thừa những gì tốt đẹp của các thế hệ đi trước. Phải kiên định sống, dù cuộc đời này còn lắm bất công, dù xã hội còn nhiều điên đảo. Phải kiên định bước tiếp. Đi!

Hôm nay mình chuyển phòng làm việc sang chỗ mới, khang trang hơn, tầng cao hơn. TĐP biết và đã thông báo tới các bạn, chỗ mình người ta chưa kịp nối điện thoại và nối mạng internet nên cả ngày không vào blog được. Hai vật được mình đưa vào phòng đầu tiên là  Giấy chứng nhận 30 năm tuổi đảng và bó hoa mà đồng chí Bí thư  đảng ủy cơ quan tặng khi đính huy hiệu lên ngực áo mình. Hy vọng rằng năm mới, với chỗ làm việc mới mình sẽ được cống hiến nhiều hơn sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới, vì một xã hội mới dân chủ, công bằng văn minh, vì hạnh phúc của tất cả mọi người.  Hãy hy vọng!(NCT)

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Hai bài thơ xướng họa của hai nhà ngoại giao Việt, Mỹ trên đất Nhật Bản

Trần Đông Phong

Bùi Viện (1839-1878) người gốc Thái Bình dưới thời vua Tự Đức (1829-1883) thuộc nhóm chủ trương canh tân nửa sau thế kỷ 19 mong muốn làm cho đất nước cường thịnh, được coi là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ và Nhật Bản.

Công tích dấu ấn của Bùi Viện để lại là trấn an thủy khấu và mở mang vùng đất nay là Hải Phòng. Ngoài ra Bùi Viện còn làm công tác ngoại giao đi Mỹ để đặt quan hệ ngoại giao. Việc chưa thành thì Bùi  Viện mất ở tuổi 40. Trong các bút lục của Bùi Viện để lại, các nhà nghiên cứu tìm thấy hai bài thơ chữ Hán, Đường luật do Bùi Viện làm và xướng họa với một người bạn mà Bùi Viện gặp ở Nhật Bản. Người ta không xác định được tên tuổi, nhân thân của người này. Nhưng qua lời thơ thì thấy rất là thân thiết và là người quen cũ đã từng gặp ở đâu đấy trước cuộc gặp ở Nhật Bản. Hơn nữa trong thơ còn thể hiện một lời hẹn ước đến Mỹ để đặt quan hệ ngoại giao.
Các nghiên cứu hướng đến một giả thuyết cho rằng, Bùi Viện theo một sứ mệnh ngoại giao đã đến Hồng Kông (thuộc Anh từ 1842) và đã gặp một viên lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông có mẹ là người Hoa, bố là người Mỹ nên thạo tiếng Hoa, có thể làm thơ bằng chữ Hán. Hai người hợp nhau và rất đồng cảm. Do đó viên lãnh sự này viết thư giới thiệu Bùi Viện với người quen ở Mỹ để Bùi Viện đến Mỹ đặt quan hệ ngoại giao. Sau đó họ lại gặp nhau ở Nhật  Bản trong chuyến đi Mỹ lần thứ hai của Bùi Viện. Có nghiên cứu cho rằng Bùi Viện đã gặp tổng thống Mỹ Grant (1822-1885).

Bài thơ của Bùi Viện tặng người bạn Mỹ:

Ly chước Hoành Tân cửu nguyệt thu
Nam vân hồi thủ chính du du
Ba đào mộng tỉnh sinh tân hứng
Thủy thổ hoài thâm ức cựu du
Ca vũ tằng đài kim Hải Quốc
Phồn hoa nhân vật cổ Bồng Châu
Vi hoan tự tích hoàn vi biệt
Tiên lữ hà niên cộng phiếm chu.

Chú thích :
- Hoành Tân : Yokohama, địa danh ở Nhật Bản
- Hải Quốc : Nhật Bản, nước Nhật gồm nhiều hòn đảo bao quanh là biển.
- Bồng Châu : Nhật Bản

Dịch nghĩa:

Ở Yokohama nâng chén rượu chia ly trong cảnh thu tháng 9.
Quay đầu nhìn về phương nam thấy rõ mây đang trôi lững lờ.
Chợt tỉnh giấc mộng phiêu bạt trong sóng gió, niềm cảm hứng mới dâng trào.
Nghĩ đến đất nước, lại nhớ một cách sâu đến chuyến đi cũ.
Từng thưởng thức ca múa trên đài cao của quốc đảo hôm nay.
Đã gặp những nhân vật nổi tiếng của xứ Bồng Lai xưa.
Trong lúc vui vẻ này tự thấy tiếc lại phải chia tay.
Năm nào có thể gặp lại người bạn tiên trên cùng một con thuyền ?

Bài thơ của người bạn Mỹ họa lại nguyên vận bài thơ của Bùi Viện :

Hoành Kiều liễu sắc tiệm ly thu
Ác thủ công trình vạn lý du
Cựu ước Hoa Thành ưng viễn phỏng
Kỳ phùng tiên đảo cánh huề du
Nguyệt lương khách ý phi tam nhật
Hồ hải quân tâm hữu tứ châu
Liệu đắc minh triêu tương ức xứ
Trùng dương vân thủy các cô chu.

Chú thích :
- Hoành Kiều : Yokohama, địa danh ở Nhật Bản.
- Hoa Thành : Hoa Thịnh Đốn, Washington, địa danh ở Mỹ.
- Tiên đảo: Đảo tiên chỉ Nhật Bản. Ngày trước người Trung Quốc cho rằng ngoài biển khơi xa xôi có hòn đảo là nơi tiên ở. Sau này xác định là Nhật Bản.

Dịch nghĩa:


Ở Yokohama lúc này cây liễu ngả màu dần dần qua mùa thu.
Bạn vì công việc bang giao nên đi vạn dặm.
Theo mối hẹn cũ đến Washington, nên bạn có chuyến viếng thăm xa xôi.
Do vậy chúng ta có cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở đảo tiên này và lại cùng nắm tay nhau vui chơi.
Sáng như ánh trăng, bạn có ý định lâu dài.
Rộng như biển cả, tấm lòng của bạn ôm cả thế giới.
Liệu có được không ngày mai chúng ta cùng nhau nhớ về một nơi,
Biển cả, mây, nước mỗi người một con thuyền cô độc.
 
Qua hai bài thơ cho thấy hai người có tình cảm rất sâu sắc. Gọi nhau là bạn tiên, khi gặp lại thì mừng vui khôn xiết, lúc chia tay thì lưu luyến, mong gặp lại và rất nhớ nhau. Buổi liên hoan gặp mặt rất trọng thể trên đài cao, có ca múa và các nhân vật nổi tiếng ở Nhật. Đặc biệt người bạn Mỹ rất tôn trọng và đánh giá cao Bùi Viện như là có sự nghiệp lớn về bang giao với Mỹ, thành ý lâu dài như ánh trăng sáng, tấm lòng bao la như biển, ôm cả thế giới.
Tóm lại đây là hai bài thơ xướng họa hay, có tình quốc tế cao cả, một giai thoại văn chương đẹp, xuyên quốc gia, xuyên châu lục.
(TĐP)

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Sự thật những tấm huy chương vàng Olympic Toán quốc tế

Sự thật những tấm HCV Olympic Toán quốc tế của Việt Nam qua lời kể nguyên Phó Chủ tịch FPT (1)Lê Quang Tiến
Lê Quang Tiến, nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT, cùng lứa với các cựu học sinh lớp E chuyên toán, từng tham gia đội tuyển Việt Nam thi toán quốc tế năm 1975. Bách, Tú, Quang Hưng, Xuân Hưng đã phải chọi nhau với Tiến và hàng trăm bạn khác để cố tìm một chỗ trong đội tuyển chỉ có 8 người. Hãy nghe Tiến kể lại sự thật đằng sau những tấm huy chương mà chúng ta vẫn tự hào khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoan hỉ về  việc PISA đánh giá trình độ học sinh Việt Nam vượt cả Mĩ và Anh quốc. (BBT) 

Sự phát triển của một người phụ thuộc hai yếu tố: di truyền và môi trường. Do các yếu tố di truyền nên người Việt Nam khó có thể ganh đua với người Mỹ trong các môn sức mạnh cơ bắp như chạy, nhảy... Nhưng với các môn thuần túy đầu óc và không cần đầu tư nhiều tiền thì có thể ngang ngửa như cờ, toán...
Về lý thuyết thì người Việt Nam cũng có số tế bào não như các dân tộc khác. Kiến thức cơ bản của nhân loại đã tích lũy được qua hàng triệu năm tiến hóa thì chúng ta có điều kiện tiếp cận như Mỹ nhờ có Internet.
Tóm lại nếu chỉ thi bằng bút chì và bàn phím, không thi vật tay thì Việt Nam có điều kiện ngang ngửa với Mỹ.
Còn môi trường, có lẽ cái này Việt Nam luôn thiếu.
Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam tham gia thi Toán quốc tế từ năm 1974. Chúng ta tự hào là một nước bị chiến tranh tàn phá 20 năm mà vẫn đạt được huy chương này nọ, chỉ thua Liên Xô, Đông Đức và sau này thua Mỹ..
Thực ra là thế nào?
Tôi tham dự đội tuyển Việt Nam năm 1975. Đoàn nước ta có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10.
Mỹ cũng tham gia lần thứ hai, có 8 học sinh giành được 3 huy chương Vàng, một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và chỉ đứng sau Hungary và Đông Đức.
Tôi nhờ thầy Phan Đức Chính, Trưởng đoàn Việt Nam hồi đó, hỏi xem Mỹ chọn và dạy học sinh đi thi thế nào?
Mỹ làm thế này: Họ thông báo là thế giới tổ chức International Math Olympics. Mỗi nước được cử tối đa 8 học sinh phổ thông, tuổi dưới 19, cùng một Trưởng đoàn tham gia cung cấp bài thi (giới hạn trong kiến thức phổ thông) để hội đồng chọn ra 6 bài cho học sinh làm, và cùng chấm điểm tất cả các bài thi kể cả của đoàn mình. Chi phí đi lại nước dự thi chịu. Chi phí ăn ở trong quá trình thi nước đăng cai trả.
Mỹ sẽ cử đoàn đi, chọn các em dưới 19 tuổi, chưa học đại học. Nếu số lượng đăng ký trên 8 thì tổ chức thi loại, dưới 8 thì ai đăng ký đều được đi. Đoàn tự thu xếp kinh phí (gia đình cho tiền, xin tài trợ của tổ chức, cá nhân). Chính phủ Mỹ không cho tiền, cũng chẳng dạy dỗ gì cả. Mặc dù là trò chơi vớ vẩn nhưng Mỹ luôn đứng trong Top 3.
Việt Nam và các nước XHCN làm thế này: Từ cấp 2 (lớp 5-7) đã phải thi đấu vào lớp chuyên của trường, tỉnh/thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi đấu vào trường chuyên của Bộ Đại học, của tỉnh. Hình thành một loại "gà nòi" chỉ để thi đấu: Chuyên toán của Bộ Đại học có ĐH Tổng hợp, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)...
Rồi "bọn gà" này lại qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 "con" vào đội tuyển toán quốc gia. Từ đó, sau 90 ngày khổ luyện qua 45 bài kiểm tra lấy ra 8 "con gà" để đi thi. Tiền tuy không nhiều nhưng do ngân sách Nhà nước chi trả cả.
Trước khi ra nước ngoài, Bộ Tài chính cho mỗi thành viên trong đoàn mượn một bộ comple, 2 áo sơ mi, một đôi giày, về thì phải trả, không có tất.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cả đoàn vào dinh đãi một bữa phở úy lạo trước khi lên đường và hỏi:
- Các cháu có nguyện vọng gì?
Đáng lẽ phải nói là quyết tâm mang vinh quang về cho tổ quốc Việt Nam anh hùng thì tôi lại bảo:
- Chúng cháu được cho mượn giày nhưng không có tất, đau chân lắm, cháu sẽ đi dép lê.
Dưới gầm bàn, thầy Chính đá tôi một phát khá đau.
Thủ tướng chảy nước mắt nói với ông Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học:
- Nước nhà vừa trải qua chiến tranh, còn nghèo lắm, nhưng một đôi tất sao không lo được cho các cháu?
Khi đó chỉ có đúng một loại tất của Trung Quốc bày bán ở cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ giá 7 đồng một đôi.
Ngay lập tức, một núi công văn, điện thoại giữa Bộ Đại học, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ được trao đổi và kết quả đến chiều có văn bản cấp cho mỗi cháu 3 đồng để mua tất. 4 đồng thiếu thì bảo bố mẹ cho, bố mẹ không có thì bác Bửu bù. Có lẽ đấy là vụ PPP đầu tiên của Việt Nam.
Mặc dù thuần túy chuyên môn nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn:
- Phải có đủ thành phần nam, nữ.
- Phải cân đối số lượng giữa các trung tâm "gà" (hồi đó là ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm).
- Các thầy từ lò Sư phạm rỉ tai cho "gà" của trung tâm mình đáp án trước các vòng kiểm tra.
- Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần giai cấp nữa. Trong đội tuyển năm 1975 có một bạn rất giỏi bị loại vì đã tố cáo các thầy Sư phạm "gà" bài cho học sinh trường mình. Lý do: "Thiếu ý thức kỷ luật, có vấn đề về đạo đức". Có lẽ cũng là vụ "Đồi Ngô" đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam.
Duy nhất cậu này trong số mấy ngàn "con gà" khóa 1975 cho đến bây giờ còn làm toán và sống bằng nghề giảng dạy toán cao cấp tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Theo tôi biết thì hàng chục ngàn "con gà" đó sau này không làm nên cơm cháo gì trừ Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền toán học Pháp và đang cống hiến cho một trường đại học ở Mỹ.

 Thế khác nhau chỗ nào?
Khác nhau ở chỗ Chính phủ Mỹ dứt khoát không dùng tiền ngân sách tài trợ cho Khoa học, Văn hóa, Thể thao.
Nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, diễn viên, cầu thủ tự sống bằng tiền nghiên cứu theo hợp đồng với cơ quan Chính phủ hay với các công ty, giảng dạy, bán sách, bán phim, thi đấu. Thích thì tự hội họp với nhau mà trao giải Field, Oscar... phong nhau làm Giáo sư, Viện sĩ...
Còn Việt Nam thì suốt ngày cãi nhau về chuyện Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và xin Nhà nước tài trợ từ hát xẩm đến cầu lông.
(Theo Cafe Biz)

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Đẻ hai con là tốt nhất, đẻ 3 con là tốt vừa

Quan chức Tổng cục Dân số vừa khuyên phụ nữ Việt Nam nên sinh “hai con là tốt nhất” và cho rằng sinh một con sẽ không đủ để ngăn dân số già nhanh.
 Lời khuyến nghị trên được ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số đưa ra trong ngày Dân số Việt Nam 26/12 vừa qua. (BBT)
"Nếu trước đây chúng ta hay thấy biểu ngữ 'mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con' thì giờ thông điệp chúng tôi muốn gửi tới là 'hãy sinh 2 con', 'sinh 2 con là tốt nhất',” báo VNexpress dẫn lời ông Trọng.
Việt Nam là quốc gia thực hiện khá nghiêm ngặt chính sách kế hoạch hóa gia đình và từng khuyến khích mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con.

Chưa giàu đã già rồi!

Tổng cục Dân số cho rằng chính sách này đã góp phần giảm được 21 triệu người trong vòng 20 năm qua.
Tuy nhiên, tình trạng già hóa dân số diễn ra quá nhanh khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng Việt Nam “chưa giàu đã già” và do đó cần phải điều chỉnh lại chính sách.

Dù dân số đông trên diện tích hẹp, Việt Nam cũng là một trong năm quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
"Bước sang năm 2013, chúng tôi thấy già hóa dân số diễn ra nhanh quá. Nếu không có tiếng chuông cảnh báo với toàn xã hội, chúng ta sẽ lỡ nhịp, không thấy được tầm quan trọng của việc bước vào già hóa dân số đến sớm hơn dự báo", ông Trọng nói.

Trung Quốc và nhiều nước khác cũng sợ lão hóa!

Ông Trọng cũng so sánh tình hình Việt Nam với Trung Quốc, nước láng giềng có chính sách một con nhưng vừa mới được nới lỏng, cho phép một số gia đình có hai con từ năm 2014. Nhưng ngay lập tức một số nhà bình luận ở Trung Quốc đánh giá rằng chính sách 'cho sinh hai' này đã quá muộn để giảm tốc độ lão hóa trong dân chúng.
Đến năm 2012, Việt Nam có 89,7 triệu dân theo số liệu của Liên Hiệp Quốc nhưng đế́n năm 2013 đã đón 'công dân thứ 90 triệu'.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 cho nam và 77 cho nữ, vẫn theo Liên Hiệp Quốc.
Theo UNFPA trong tài liệu công bố năm 2011, đến năm 2017, Việt Nam sẽ chuyển sang ngưỡng 'dân số già' với 10% dân số đạt tiêu chuẩn 'người cao tuổi', từ 60 trở lên.
Dân số lão hóa không chỉ là vấn đề cho một số nước châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc.
Tại Anh Quốc, một hội nghị dân số gần đây nói nước này hiện có 10 triệu người trên 65 tuổi trên tổng số dân 62,8 triệu (2012).
Nhưng đến năm 2050 Anh Quốc sẽ có chừng 19 triệu người trên 65 tuổi, tạo ra một gánh nặng rất lớn cho các dịch vụ hưu bổng và y tế.
 (Tổng hợp Internet)

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Bài thơ lạ


Hoàng Bình Trọng 
  
Có tám vị hầu hết đều thuộc loại "tai mắt" trong giới bút nghiên đi vãn cảnh hồ Tây, không hẹn mà gặp nhau ở chỗ có mấy chiếc ghế đá trên đường Cổ Ngư (sau này là đường Thanh Niên). Không bỏ lỡ dịp may, họ kéo nhau vào cái quán cóc bên cạnh, gọi chai rượu, đĩa mực khô ngồi bù khú. Sau vài chén thù tạc, ai nấy nóng bừng mặt, và chuyện trò giữa họ bỗng trở nên rôm rả xoay quanh chủ đề về tha hóa đạo đức, về tác oai tác quái của đồng tiền, về số phận hẩm hiu của người cầm bút.
Về khuya, cuộc rượu đã tàn, ánh trăng đã nhạt.

Trước khi chia tay để mỗi người về một ngả, họ nảy ra sáng kiến là làm chung một bài thơ để kỷ niệm cuộc hội ngộ kỳ thú này. Vì họ có tám anh em, để mỗi vị chỉ làm một câu, nên thể thơ được chọn là đường luật - thất ngôn bát cú. Ngoài ra, họ còn có quy định như sau: Những "phụ âm" đầu của các chữ trong câu thơ của ai, thì phải giống với "phụ âm" đầu của các chữ của tên người ấy.

Người khai bút đầu tiên là Vũ Hoàng Địch: "Đen đỏ đường đời đã đảo điên". Người thứ hai là Vũ Hoàng Chương: "Chợ chiều chật chội chớ chân chen". Người thứ ba là Lê Văn Trương: "Trong trắng trung trinh trèo trầy trật". Người thứ tư là Vũ Đình Liên: "Lá lay lươn lẹo lại leo lên". Người thứ năm là Trần Thanh Mai: "Mơ mộng, mộng mơ mờ mịt mãi". Người thứ sáu là Phạm Huy Thông: "Thiết tha, tha thiết thiệt thòi thêm". Người thứ bảy là Nguyễn Vỹ: "Vội vã về vườn ve vãn vợ". Người cuối cùng là Đoàn Phú Tứ: "Tích tịch tình tang tớ túng tiền".

Tính đến nay bài thơ đã ở tuổi gần "thất tuần thượng thọ", và tám vị đồng tác giả kia đều đã thành người thiên cổ. Kẻ hậu sinh này may mắn được một vị bô lão, vốn là một nhà nhiếp ảnh đất Hà thành ngày xưa, đọc cho nghe. Với trình độ thô thiển bản thân, tôi xem đây là một bài thơ rất lạ, rất tài hoa; hơn nữa, nó còn là một kỷ niệm đẹp của các bậc tiền bối đáng kính nên xin chép ra đây cho mọi người cùng thưởng thức.

Đen đỏ đường đời đã đảo điên
Chợ chiều chật chội chớ chân chen
Trong trắng trung trinh trèo trầy trật
Lá lay lươn lẹo lại leo lên
Mơ mộng, mộng mơ mờ mịt mãi
Thiết tha tha thiết thiệt thòi thêm
Vội vã về vườn ve vãn vợ
Tích tịnh tình trang tớ túng tiền.


(Theo dalat.gov.vn)

chuyện vui 2: Chú thích ảnh

Những bức ảnh này tự bạn chú thích. Hi, tìm kiếm với Google, tôi chỉ gắn vào cái kính lúp (dùng con trỏ chuột)






Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Bài viết kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (Phần 2)

Trần Đông Phong

Đầu năm nay tôi có dịp may tham gia một đoàn đi Nhật, cũng là lấp chỗ trống cho một thành viên vắng đột xuất. Lần đi này  ghi lại trong tôi một sự kiện ấn tượng, mà qua đó tôi đã làm một bài thơ. Chuyến này chúng tôi bay thẳng Hà Nội – Nagoya. Ngày nay sướng thật, chỉ tính riêng đi Nhật đã có 3 tuyến bay thẳng non-stop từ Việt Nam đến 3 thành phố lớn là Tokyo, Nagoya và Fuluoka. Chả bù cho hơn hai chục năm trước tất cả đi Bangkok bằng máy bay Thái, rồi muốn đi đâu thì đi. Xuống máy bay lấy hành lý, làm thủ tục nhập cảnh, mới qua kiểm tra hành lý đã thấy tấm biển tên đoàn thấp thoáng ngoài cửa. Ngay cửa ra mấy người của đối tác đứng nghiêm chỉnh cúi chào theo kiểu Nhật rất trịnh trọng, bắt tay từng người vui vẻ. Bắt tay hết lượt tôi chợt cảm thấy người đầu tiên rất quen, quay lại nhìn kỹ hóa ra là người quen đã gặp trong lần đi Nhật trước. Đó là Nakanishi Hirota, phiên âm Hán Việt là Trung Tây Hoành Thái. Thế đấy người Nhật đến nay vẫn dùng mấy nghìn chữ Hán trong văn tự viết hàng ngày.

Hơn mười năm trước tôi đến Tokyo và cũng được chính Nakanishi đón và đưa đi làm việc suốt chuyến công tác. Ngoài thời gian làm việc chúng tôi còn đi thăm pháo đài Nagoya (Nagoya Castle), rồi cặp đôi đấu bóng bàn với nhóm sinh viên Mã Lai. Lần này cũng vậy, anh đón và cùng đi nhưng bắt đầu từ Nagoya, qua Nagasaki rồi đến Fukuoka. Trong buổi chiêu đãi tối đầu tiên chúng tôi có dịp trao đổi lại chuyện cũ. Anh vẫn còn nhớ cháu Hoa chơi bóng bàn rất giỏi, vô địch Hà Nội và rất thán phục khi biết cháu đã tốt nghiệp MBA và đang làm ở Mỹ. Kể ra mới biết, từ đó Naganishi đã sang làm việc cho Jetro thành phố Hồ Chí Minh trong 4 năm và vừa mới trở lại Nhật được hơn tháng. Còn tôi từ đó cũng qua Nhật vài lần, thế mà hoàn toàn không có thông tin gì về nhau. Đêm đó tôi không ngủ và đặt vần cho một bài thơ chữ Hán, gọi là Cảm Diêm Thần, theo thể Đường luật, thất ngôn bát cú. Đến 2 giờ sáng thì hoàn thành. Sáng hôm sau trong lúc ngồi ăn sáng buffet tôi viết bài thơ ra giấy ăn bằng chữ Hán và đưa cho Nakanishi. Theo chương trình, ban ngày làm việc, tối đối tác mời cơm, suốt chuyến đi có 5 buổi cơm tối với các đối tác khác nhau. Sau lời chào hỏi xã giao, là phía bạn đánh tiếng, nghe nói ông có bài thơ. Thế là tôi lại viết lên giấy ăn đưa cho các bạn. Họ rất thích vì đọc hiểu chữ Hán là bình thường đối với người Nhật, nhưng ngày nay họ không phân biệt được bằng trắc, cũng như phát âm khác hẳn. Trong chuyến đi này trong lúc đợi xe ra sân bay còn non 1 tiếng đồng hồ, tôi cũng kịp bắt taxi đi thăm pháo đài Kokura ở Kitakyusiu
Bài thơ này in trong cuốn thơ của tôi lấy cùng đầu đề là Cảm Diêm Thần. Dưới đây là bài thơ đó. Cũng như các bài khác, bài thơ này được trình bày gồm các phần: Chữ Hán, Phiên âm Hán-Việt, Dịch nghĩa tiếng Việt, Chú dẫn, Tiếng Anh. Ngoài ra, trong bài viết này còn giới thiệu bài thơ dịch của Nguyễn Đặng Ân, ông anh họ tôi, vốn là giáo sư triết học của Đại học sư phạm Hà Nội, học đại học ở Nam Ninh, Quế Lâm, sang Liên Xô làm Phó tiến sỹ Triết học, về hưu mười mấy năm, nhưng vẫn được mời đi các tỉnh để giảng môn triết học cho các lớp chính trị sau đại học ở các tỉnh, thực chất là dán tem bằng cấp, thời nay còn ít giáo sư triết học lắm.

贈中西宏太(Nakanishi Hirota) ASEAN Japan Center 

愛知輕雪漸春份 
忽見中西我故人 
名古屋城歡在會 
東京舊日億曾看 
東南亞會金鄰寶
越日邦交好意真 
十载重逢難别语
遥遥海水感鹽脣.
名古屋2013一月

Tặng Trung Tây Hoành Thái (Nakanishi Hirota) ASEAN Japan Center

Ái Tri khinh tuyết tiệm xuân phần
Hốt kiến Trung Tây ngã cố nhân
Danh Cổ Ốc thành hoan tái hội
Đông Kinh cựu nhật ức tằng khan
Đông Nam Á Hội kim lân bảo
Việt Nhật bang giao hảo ý chân
Thập tải trùng phùng nan phân thủ
Hải thủy dao dao cảm diêm thần.
Danh Cổ Ốc, 2013 nhất nguyệt


Chú dẫn:

- ASEAN Japan Center: Trung tâm ASEAN Nhật Bản có trụ sở ở Tokyo, là tổ chức quốc tế xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch do Chính phủ Nhật Bản và ASEAN thành lập.
- Trung Tây: tên đầy đủ là Trung Tây Hoành Thái, phiên âm Hán Việt của Naganishi Hirota, đại diện của Trung tâm ASEAN Nhật Bản.
- Ái Tri: tỉnh Aichi, Nhật Bản.
- Danh Cổ Ốc: thủ phủ của tỉnh Aichi nơi tác giả và Naganishi gặp lại nhau tháng Giêng năm 2013.
- Đông Kinh: Tokyo nơi tác giả và Naganishi gặp nhau lần đầu.
- Đông Nam Á Hội: ASEAN.

Dịch nghĩa:

Tặng Nakanishi Hirota, Trung tâm ASEAN-Nhật Bản
(Đến) Aichi trong cảnh tuyết rơi nhẹ, (trời) đang chuyển sang mùa xuân.
Chợt nhìn thấy Naganishi Hirota người bạn cũ (đợi đón mình ở sân bay Nagoya).
(Chúng ta) vui mừng vì gặp lại ở thành phố Nagoya.
(Cùng nhau) nhớ lại lần gặp gỡ ngày trước ở Tokyo.
(Đối với) các nước ASEAN (anh) là người bạn quý như vàng.
(Về quan hệ) bang giao Việt Nam-Nhật Bản, ý (của anh) thực tốt.
Mười năm gặp lại, khó nói lời từ biệt.
Xa xôi biển, nước, mặn môi tình.
Nagoya, 1-2013

Dịch thơ:

Tình cảm mặn nồng

Xuân sang, tuyết nhẹ đất Ai Chi,
Chợt thấy bạn hiền Nakanishi.
Mừng vui hội ngộ tình bạn cũ,
Tokyo kỷ niệm tháng ngày qua.
Với ASEAN bạn là vàng ngọc,
Mối tình Nhật-Việt thật bao la.
Mười năm gặp lại buồn ly biệt,
Tình cảm mặn nồng đẹp như hoa.

Nguyễn Đặng Ân dịch

 English explanation:

To Nakanishi Hirota, ASEAN Japan Center

Arriving to Aichi prefecture in a day of snow slightly falling; the weather is gradually changing to Spring time,
Suddenly I see Nakanishi who was my old friend,
While In Nagoya city we cheerfully celebrate our meeting again,
Remembering about the previous days in Tokyo where we had used to meet first time,
Concerning ASEAN you like a neighbor being precious as gold.
For the Vietnam-Japan ties, you have sincere and good opinions.
This is the meeting after ten years, so at time of departing it's difficult to say goodbye,
The sea is distant, I feel salty on lips.
Nagoya, January 2013

Remarks:
- ASEAN Japan Center: AJC, the international organization based in Tokyo for promoting investment, trade and tourism between ASEAN and Japan, established by the Government of Japan and ASEAN.
- Nakanishi Hirota: the official from the AJC who is the old friend of the author.
 (TĐP -12/2013)