Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

TẢN MẠN ĐÊM CUỐI NĂM

Ngô Công Thành

Khi tuổi càng cao, dường như thời gian trôi càng nhanh thì phải, ngoảnh đi ngoành lại đã hết một năm, còn bao nhiêu việc chưa kịp làm. Năm 2014 đã đến rồi, mình sắp bước sang tuổi 56, đã nhìn thấy phía trước biển báo về hưu. Cái trẻ  trung đã rời xa, chỉ thấy già nua đang ào ạt tới. Giờ mới thấy nuối tiếc những năm tháng cuộc đời đã bị phung phí vào những chuyện đâu đâu. Buồn!

Hôm qua, mình nhận huy hiệu 30 năm tuổi đảng. Trần Hồng Kỳ cũng  được trao huy hiệu đợt này nhưng sao không thấy đến nhận? Ba mươi năm trước, mình - một chàng trai 25 tuổi đã giơ cao nắm tay thề suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh hạnh phúc. Ba mươi năm - một nửa đời người đã trôi qua, những người như mình đã phấn đấu, đã cống hiến, đã hi sinh… nhưng dường như sự cống hiến, hi sinh đó bị rơi vãi mất quá nhiều. Ba mươi năm, tóc xanh giờ đã bạc trắng rồi. Cuộc sống đã đi một chặng đường dài, nhưng sao khoảng cách giữa ta và  các nước càng ngày càng xa ra thế? Một câu hỏi  ai cũng có thể trả lời nhưng nỗi đau dân tộc chắc không thể nguôi ngoai sau nhiều thập kỉ nữa.Chán!

Mười ngày trước khi bước vào năm mới, gia đình mình đã kịp tổ chức lễ thành hôn cho con gái. Có lẽ đây là việc lớn nhất, đáng được nói đến nhất mà vợ chồng mình đã làm được trong nhiều năm nay. Ngày mai, con gái và con rể sẽ đi tuần trăng mật tại thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc. Chợt chạnh lòng nhớ lại ngày mình cưới 29 năm về trước, không trăng mật cũng chẳng có tiệc cưới. Phòng cưới  rộng 18 mét vuông là phòng ở của gia đình vợ, giường tủ được sơ tán nhường chỗ cho hai dãy bàn ghế học sinh tiếp khách. Tổng chi phí cho đám cưới của mình kể cả mua giường cưới, chăn màn ga gối, may com lê cho chú rế và áo dài cô dâu là 1.500 đồng (một ngàn năm trăm đồng). Đám cưới mình diễn ra đúng một tuần sau khi đổi tiền 10 đồng ăn một. Ngày ấy có một ông nhà thơ  tên là Tố Hữu bỗng đổ đốn bỏ thơ đi làm chính trị và kinh tế đã gây ra biết bao khốn đốn cho đất nước này qua món thập cẩm “Tiền – Lương – Giá”. Ngày nay thì ngược lại, có biết bao nhà kinh tế  (không đếm được) cũng đổ đốn chuyển sang làm thơ, trong số đó có cả mình và thi sĩ Trần Đông Phong. Nghe nói cả nước có hàng chục ngàn câu lạc bộ thơ với hơn 3 triệu nhà thơ. Khiếp!

Năm kia, bố đẻ mình bị tai biến não, cả nhà mình mất tết. Hơn hai năm rồi, ông vẫn chống chọi với sự khắc nghiệt của số phận, kiên định sống, cho dù không thể ngồi, không thể nói, không thể tự ăn được. Năm nay đến lượt mẹ vợ mình, cũng lại tai biến não đúng dịp mình đi học lớp bỗi dưỡng nghiệp vụ sáng tác ở Trung tâm viết văn Nguyễn Du. Ở tuổi 96, mẹ mình cũng vẫn kiên định sống, cho dù cụ cũng không thể ngồi, không thể nói,  không thể tự ăn. Thế mới biết thế hệ trước đây, thế hệ những người đã làm nên cách mạng dân tộc và khởi đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa, họ kiên định hơn thế hệ chúng ta và các thế hệ sau này rất nhiều lần. Năm nay, ở tuổi U60 cũng phải học tập các cụ thôi. Ta phải biết kế thừa những gì tốt đẹp của các thế hệ đi trước. Phải kiên định sống, dù cuộc đời này còn lắm bất công, dù xã hội còn nhiều điên đảo. Phải kiên định bước tiếp. Đi!

Hôm nay mình chuyển phòng làm việc sang chỗ mới, khang trang hơn, tầng cao hơn. TĐP biết và đã thông báo tới các bạn, chỗ mình người ta chưa kịp nối điện thoại và nối mạng internet nên cả ngày không vào blog được. Hai vật được mình đưa vào phòng đầu tiên là  Giấy chứng nhận 30 năm tuổi đảng và bó hoa mà đồng chí Bí thư  đảng ủy cơ quan tặng khi đính huy hiệu lên ngực áo mình. Hy vọng rằng năm mới, với chỗ làm việc mới mình sẽ được cống hiến nhiều hơn sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới, vì một xã hội mới dân chủ, công bằng văn minh, vì hạnh phúc của tất cả mọi người.  Hãy hy vọng!(NCT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét