TS Nguyễn Ngọc Điện khi bàn tới cơ chế thu nhập phức tạp với vô vàn các thứ bổng lộc có tên và không tên, bổ trợ vào thu nhập chính thức gọi là lương, đã ví việc về hưu của người công chức, trong chừng mực nào đó, như việc trở về với thực tại sau khi tỉnh dậy từ giấc mộng đẹp. "Mọi thứ phù hoa hào nhoáng đều biến mất, chỉ còn lại một ít đồ đạc khiêm tốn làm hành trang cho phần còn lại của cuộc đời. Không khó để hiểu tại sao sợ về hưu đã trở thành căn bệnh nghề nghiệp của không ít cán bộ, công chức,… cùng với biến chứng của nó là bệnh tham quyền cố vị”.
Đúng là về hưu mất đi một số bạn bè và mối giao tiếp xã hội. Người ta sợ nghỉ hưu có thể vì còn quá yêu…công việc, có người cần thu nhập nuôi con cháu ăn học, có người quen "oai” sợ ở nhà bị coi thường, có người không muốn nghỉ chỉ vì sợ…ở nhà, không hợp bà xã nói nhiều… Nhưng sợ hãi hay bình thản, dù tuổi hưu giữ như hiện nay hay kéo dài thêm ít năm thì trong đời người, đến một lúc nào đó cũng nên ngưng làm việc để nghỉ hưu, nghỉ ngơi và làm thứ việc mình ưa thích. Đó là quy luật.
Và điều gì cũng cần sự chuẩn bị. Từ trẻ đã có ý thức dưỡng tâm dưỡng thân, có tích lũy dự phòng, nuôi dưỡng những đam mê căn cốt, về hưu sẽ không ngậm ngùi nuối tiếc mà biết trân trọng mọi khoảnh khắc đang sống.
Như bà Tôn Nữ Thị Ninh giờ không còn làm ở Bộ Ngoại giao và Quốc hội, nhưng bà lại bận rộn hơn trước. Những gì bà đã làm trong thời gian còn làm việc trong Bộ Ngoại giao khiến bà được nể phục và quý trọng. "Tôi không còn làm việc trong Nhà nước, nhưng tôi vẫn phơi phới hoạt động. Cái thế của tôi không phụ thuộc vào chức vụ mà tôi nắm giữ. Xã hội và cuộc đời thật bao la. Tôi đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn không thấy mình già đi, thậm chí tôi còn thấy mình dồi dào năng lượng để hoạt động, vì tôi bận rộn hơn rất nhiều so với thời tôi còn làm ở Bộ Ngoại giao”.
Tuy vậy, không phải nhiều người thành công như bà khi muốn thực hiện những dự định của mình với xã hội. Bỏ lại sau lưng nhiều thói quen cũ, nghỉ hưu là một giai đoạn mới vô cùng quan trọng trong đời mỗi người. Phải chấp nhận nhiều xáo trộn tinh thần lẫn vật chất và thích ứng môi trường, hoàn cảnh mới, tựa như trẻ con quen ở nhà giờ đến tuổi đi học. Có người sợ về hưu tới mức mới gần ngày nghỉ đã bị stress, về là rơi vào trầm cảm.
Có chuyện này, trước hết bởi xã hội quá nhiều định kiến với tuổi già. "Ốm tha, già thải”, quan niệm kém nhân văn này cùng với phúc lợi dành cho người cao tuổi ở nước ta quá bất cập, khiến tuổi già dù có lương hưu cũng dễ bị xếp vào "công dân loại hai”. Thứ nữa, xã hội hiện đại tạo cho người ta thói quen sống gấp và quy mọi thành công ra tiền bạc, thóc gạo. Cho nên khi được thảnh thơi, sống chậm, để nghe chim hót líu lo sau nhà, để ngắm nhìn những giọt sương đêm còn lấp lánh đọng trên các tàn cây ngoài mái hiên, thong thả thưởng thức mặt trời lặn vào mỗi chiều hoàng hôn, lại không biết tận hưởng…
Một khi đã quen coi mình như một thứ "công cụ”, "đinh ốc” trong một cỗ máy vận hành thì lúc "văng ra” để làm tỷ phú thời gian, không đồng hồ, không ngày, không tháng, không stress, nhiều người không làm chủ được cảm xúc bởi thấy như "người thừa”, không còn niềm đam mê nào, không tìm thấy niềm vui, ý nghĩa nào trong đời sống. Cứ thế bị sự rảnh rỗi đẩy tới buồn chán, u uất.
Thực ra cần có các khóa học "chuẩn bị nghỉ hưu” để các nhà tâm lý học trang bị cho nhân viên nhà nước kỹ năng sống sau khi nghỉ hưu, giúp họ có được kỹ năng tự trò chuyện và khám phá mình, điều mà trong cả cuộc đời nhiều khi quá mải mê kiếm sống, người ta chưa bao giờ tự hỏi khát vọng thực của mình là gì.
Hãy sống với thực tại. Đừng sống cho quá khứ hay cho tương lai. Ta có ngày hôm nay trong tay ta. Ngày hôm qua thì đã qua, ngày mai thì chưa đến hoặc không bao giờ đến. Chấp nhận sự già yếu, đau nhức của tuổi già. Hãy vui với những gì mình còn làm được. Vui huởng sự bình an trong tâm hồn… – Những "bài học” này nằm lòng sẽ khiến cho sự nghỉ hưu được tốt đẹp, không nhiều sóng gió.
Hiện thực hóa ước mơ của chúng ta về một xã hội chung dành cho mọi lứa tuổi sẽ khiến việc về hưu không bị coi như một thứ ngoáo ộp đe dọa nhiều người.
Lời bàn:
Trong lúc kinh tế đang suy thoái, nạn thất nghiệp tràn nan, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, bao cử nhân, thạc sĩ cầm mảnh bằng trong tay mà phải trở thành "Ngưu lang, Chức nữ", thì người ta lại sắp thông qua một văn bản quy phạm pháp luật cho phép cán bộ nữ từ cấp Vụ trưởng và Giám đốc Sở trở lên được kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm, rồi lại bàn đến chuyện kéo dài tuổi nghỉ hưu chung để bảo vệ Quỹ hưu trí khỏi bị vỡ. Như thế thì các thế hệ trẻ tài năng, những lứa học sinh còn giỏi hơn cả học sinh Mỹ, Anh theo khảo sát mới đây của PISA không biết đến bao giờ mới được thể hiện mình trên cương vị lãnh đạo. Việt Nam đang ở vào thời kỳ dân số vàng mà cứ luẩn quẩn với những toan tính vụn vặt thế này thì chắc cũng chẳng thể tận dụng được cơ hội vàng. Ôi cái nước Việt mình! (BBT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét