Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Hai bài thơ xướng họa của hai nhà ngoại giao Việt, Mỹ trên đất Nhật Bản

Trần Đông Phong

Bùi Viện (1839-1878) người gốc Thái Bình dưới thời vua Tự Đức (1829-1883) thuộc nhóm chủ trương canh tân nửa sau thế kỷ 19 mong muốn làm cho đất nước cường thịnh, được coi là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ và Nhật Bản.

Công tích dấu ấn của Bùi Viện để lại là trấn an thủy khấu và mở mang vùng đất nay là Hải Phòng. Ngoài ra Bùi Viện còn làm công tác ngoại giao đi Mỹ để đặt quan hệ ngoại giao. Việc chưa thành thì Bùi  Viện mất ở tuổi 40. Trong các bút lục của Bùi Viện để lại, các nhà nghiên cứu tìm thấy hai bài thơ chữ Hán, Đường luật do Bùi Viện làm và xướng họa với một người bạn mà Bùi Viện gặp ở Nhật Bản. Người ta không xác định được tên tuổi, nhân thân của người này. Nhưng qua lời thơ thì thấy rất là thân thiết và là người quen cũ đã từng gặp ở đâu đấy trước cuộc gặp ở Nhật Bản. Hơn nữa trong thơ còn thể hiện một lời hẹn ước đến Mỹ để đặt quan hệ ngoại giao.
Các nghiên cứu hướng đến một giả thuyết cho rằng, Bùi Viện theo một sứ mệnh ngoại giao đã đến Hồng Kông (thuộc Anh từ 1842) và đã gặp một viên lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông có mẹ là người Hoa, bố là người Mỹ nên thạo tiếng Hoa, có thể làm thơ bằng chữ Hán. Hai người hợp nhau và rất đồng cảm. Do đó viên lãnh sự này viết thư giới thiệu Bùi Viện với người quen ở Mỹ để Bùi Viện đến Mỹ đặt quan hệ ngoại giao. Sau đó họ lại gặp nhau ở Nhật  Bản trong chuyến đi Mỹ lần thứ hai của Bùi Viện. Có nghiên cứu cho rằng Bùi Viện đã gặp tổng thống Mỹ Grant (1822-1885).

Bài thơ của Bùi Viện tặng người bạn Mỹ:

Ly chước Hoành Tân cửu nguyệt thu
Nam vân hồi thủ chính du du
Ba đào mộng tỉnh sinh tân hứng
Thủy thổ hoài thâm ức cựu du
Ca vũ tằng đài kim Hải Quốc
Phồn hoa nhân vật cổ Bồng Châu
Vi hoan tự tích hoàn vi biệt
Tiên lữ hà niên cộng phiếm chu.

Chú thích :
- Hoành Tân : Yokohama, địa danh ở Nhật Bản
- Hải Quốc : Nhật Bản, nước Nhật gồm nhiều hòn đảo bao quanh là biển.
- Bồng Châu : Nhật Bản

Dịch nghĩa:

Ở Yokohama nâng chén rượu chia ly trong cảnh thu tháng 9.
Quay đầu nhìn về phương nam thấy rõ mây đang trôi lững lờ.
Chợt tỉnh giấc mộng phiêu bạt trong sóng gió, niềm cảm hứng mới dâng trào.
Nghĩ đến đất nước, lại nhớ một cách sâu đến chuyến đi cũ.
Từng thưởng thức ca múa trên đài cao của quốc đảo hôm nay.
Đã gặp những nhân vật nổi tiếng của xứ Bồng Lai xưa.
Trong lúc vui vẻ này tự thấy tiếc lại phải chia tay.
Năm nào có thể gặp lại người bạn tiên trên cùng một con thuyền ?

Bài thơ của người bạn Mỹ họa lại nguyên vận bài thơ của Bùi Viện :

Hoành Kiều liễu sắc tiệm ly thu
Ác thủ công trình vạn lý du
Cựu ước Hoa Thành ưng viễn phỏng
Kỳ phùng tiên đảo cánh huề du
Nguyệt lương khách ý phi tam nhật
Hồ hải quân tâm hữu tứ châu
Liệu đắc minh triêu tương ức xứ
Trùng dương vân thủy các cô chu.

Chú thích :
- Hoành Kiều : Yokohama, địa danh ở Nhật Bản.
- Hoa Thành : Hoa Thịnh Đốn, Washington, địa danh ở Mỹ.
- Tiên đảo: Đảo tiên chỉ Nhật Bản. Ngày trước người Trung Quốc cho rằng ngoài biển khơi xa xôi có hòn đảo là nơi tiên ở. Sau này xác định là Nhật Bản.

Dịch nghĩa:


Ở Yokohama lúc này cây liễu ngả màu dần dần qua mùa thu.
Bạn vì công việc bang giao nên đi vạn dặm.
Theo mối hẹn cũ đến Washington, nên bạn có chuyến viếng thăm xa xôi.
Do vậy chúng ta có cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở đảo tiên này và lại cùng nắm tay nhau vui chơi.
Sáng như ánh trăng, bạn có ý định lâu dài.
Rộng như biển cả, tấm lòng của bạn ôm cả thế giới.
Liệu có được không ngày mai chúng ta cùng nhau nhớ về một nơi,
Biển cả, mây, nước mỗi người một con thuyền cô độc.
 
Qua hai bài thơ cho thấy hai người có tình cảm rất sâu sắc. Gọi nhau là bạn tiên, khi gặp lại thì mừng vui khôn xiết, lúc chia tay thì lưu luyến, mong gặp lại và rất nhớ nhau. Buổi liên hoan gặp mặt rất trọng thể trên đài cao, có ca múa và các nhân vật nổi tiếng ở Nhật. Đặc biệt người bạn Mỹ rất tôn trọng và đánh giá cao Bùi Viện như là có sự nghiệp lớn về bang giao với Mỹ, thành ý lâu dài như ánh trăng sáng, tấm lòng bao la như biển, ôm cả thế giới.
Tóm lại đây là hai bài thơ xướng họa hay, có tình quốc tế cao cả, một giai thoại văn chương đẹp, xuyên quốc gia, xuyên châu lục.
(TĐP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét