Bùi Văn Kha
Năm 1969, bài thơ Nghĩ Lại Về Pau-xtôp-xky của Bằng Việt ra đời, chưa in được thời đó nhưng đã nhanh chóng được nhiều sinh viên trí thức biết đến, đọng lại trong tâm trí, nắn nót trong sổ tay mà nhật ký của Nguyễn Văn Thạc sau này thành tác phẩm Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi là một ví dụ. Tôi nhớ dăm năm trước khi cùng nhà thơ Bằng Việt vào Phú Yên dự Đêm thơ Nguyên Tiêu Núi Nhạn có ghé qua Quảng Bình gặp nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Trong đêm giao lưu do nhà thơ Nguyễn Đình An- Chủ tịch Hội Văn Nghệ Quảng Bình tổ chức, có một nguyên nhà giáo tuổi cũng trên bảy mươi đọc không sai một từ bài thơ này, chỉ hỏi lại anh Bằng Việt tên bài thơ có phải là Lại nghĩ về Pauxtopxki không? Tôi mau miệng trả lời thay rằng Nghĩ Lại Về Pauxtopxky mới phải.
Ghê gớm thay là một bài thơ tồn tại ngoài luồng vì tính “phản biện” nói theo giọng bây giờ. Dĩ nhiên hai mươi năm sau bài thơ này đã được phép in ra và đây là toàn văn bản bài thơ:
“1. Đồi Trung du phơ phất bóng thông già/ Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió/Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!/ “Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm màu/ Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm/ mùi cỏ dại trên cách đồng xa thẳm/ Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa…/ Có thể ngày mai ta cũng đi qua/ Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”/Có tiếng chuông rung và con mèo Asckhip/ Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…/ Xa xôi sao…thời thơ ấu sau lưng!/2. Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế!/ Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể/ Bể mặn mòi,sôi sục biết bao nhiêu/ Khi em đến cùng anh trước biển cả dâng triều…/ Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ/ Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời/ Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến/ Dấu den rầm khi đáy bóng đêm trôi…/Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng/ Nốt cao quá trong đời xao động quá/ Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả/ Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!/Anh đã đi qua bão lốc từng cơn/ Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất/Anh qua cả màu không gian ngây ngất/ Một tiếng thầm trong nắng mới xôn xao/ Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!/3. Bây giờ, anh biết nói gì hơn?/ Có thể, ngày mai thôi…có thể…/ “Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ…”/ Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm!/ Pauxtopxky là dĩ vãng trong em/ Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:/ Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, anh hiểu rằng không phải/ Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!/ Đưa em đi…tất cả thế xong rồi…/Ta đã lớn. Và Pauxtopxky đã chết!/ Anh vẫn khóc khi nghĩ về chuyện “Tuyết”/ Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!” – (năm 1969).
Pauxtopxky mất năm 1968 “thần tượng của tuổi trẻ một thời, với những truyện ngắn nổi tiếng như: Lẵng Quả Thông, Chuyến Xe Đêm, Tuyết,…và nhiều tác phẩm khác, có phong cách lãng mạn cao thượng, có bút pháp phóng túng, tràn đầy lòng cảm thương và trân trọng con người, cũng như những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc con người”.
Bạn đọc trẻ tuổi hiện tại hỏi rằng vì sao bài thơ này không in được thời ấy. Những năm 1969 – 1972 sau Mậu Thân 1968 cuộc chiến ác liệt, căng thẳng, hy sinh và thiếu thốn lắm. Và đói nữa. Đói vàng mắt, nhất là những ai ở chiến trường Tây Nguyên. Lúc ấy là thời điểm của Phạm Tiến Duật với “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, Gia Dũng với “Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân”, Lê Mã Lương với “Hạnh phúc đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” và quan trọng hơn là phải như Hữu Thỉnh “Năm anh em trên một chiếc xe tăng…Đã lên xe là cùng một hướng…trước quân thù chỉ biết tiến công”.
Vậy nên, phi Đỏ (cách mạng) thì là Đen (đế quốc,tay sai), không dành chỗ cho Xanh (tiểu tư sản gồm cả sinh viên trí thức), Vàng (bi quan, lừng khùng, yếm thế). Với những câu như “Những trang sách…Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”, “Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa”, “Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong”, “Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể”, “Hạnh phúc…Nốt cao quá…Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả”, “Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ/Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm!”, “Ta đã lớn. Và Pauxtopxky đã chết!”…
Cần phải nhớ một thời người ta soi không liền câu liền ý, mà họ cắt như tôi vừa thao tác. Họ cũng hay suy diễn lắm. Và họ đúng. Cái đúng của một phía trong một thời. Kiểm duyệt chẳng cứ nước nào chẳng cứ thời nào bao giờ cũng mắt kính “tinh vi” tay cầm kéo sắt. Nhưng giá trị bài thơ nằm ở lối suy nghĩ “độc lập” của nó. (Tôi mượn chữ của anh Bằng Việt khi trao đổi với anh Lưu Quang Vũ cũng khoảng năm 1970, anh Vũ nói văn chương phải “đối lập” với chính trị, anh Việt cho rằng văn chương nên “độc lập” với chính trị. Chữ “phản biện” hiện nay ưa dùng nó hơi có màu trung tính. Tôi có một kinh nghiệm nhỏ khi phải viết giấy mời, nếu không biết chính xác là đàn ông hay đàn bà thì cứ “đồng chí” là xong!).
Chỉ riêng câu thơ có chủ ý vì nhắc lại hai lần “Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế! (câu sau: anh hiểu rằng không phải)” đã đưa ra một nghi vấn, một cách đặt vấn đề về nội dung và hình thức, về bản chất bên trong và hiện tượng bên ngoài, cái mà nhiều khi bị che dấu, khuất lấp: xanh thẳm, đen rầm cũng chỉ thử mà thôi. Và thời ấy, hoài nghi là phạm luật.
Tôi đồ rằng khi viết bài thơ này, ngoài việc tỏ một thái độ đoạn tuyệt (dầu có tiếc nuối) Bằng Việt muốn đưa ra một cái gì đó. Thời điểm bấy giờ chưa hội đủ các yếu tố như 15 năm sau 1986. Còn 10 năm trước thì anh bị cái “uầy ù” như anh Hòa Vang nói năm 1999 tại một cuộc Hội thảo ở 19 Hàng Buồm nhân thể ti vi đang chiếu phim Bao Công vì công dân Nguyễn Việt Bằng (tên khai sinh của nhà thơ Bằng Việt) học thời “Xét lại Khơrutsop” và phải ăn lương Trung cấp mấy năm dù tốt nghiệp bằng Đại học Luật Kiep.
Kể lể thế để thấy rằng sau này vào năm 2008, anh thẳng thừng luôn trong bài Đệ Nhất Tổ Phái Trúc Lâm Giảng Thiền:
“Một vị tăng hỏi bậc chân tu: “Bạch Thầy, thế nào là Phật?”/Người đáp: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”/ Lại hỏi: “Thế nào là Pháp?”/Người đáp: “Chấp theo lối cũ Là không đúng!”/Hỏi tiếp: “Vậy thế nào là Tăng?”/Người phủi tay cười: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”/Bảy trăm năm sau, tôi hành hương lên Yên Tử/Đêm- nằm mơ thấy Phật./Nhớ chuyện xưa, bèn hỏi: “Bạch Thầy, việc đời thế nào là đúng?”/Người ngậm ngùi: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”/Lại hỏi: “Thế nào là hạnh phúc trần ai?”/Người bật cười to: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”/Hỏi tiếp: “Vậy thế nào là Thơ?”/Người lại phủi tay: “Chấp theo lối cũ là không đúng!””.
Người hỏi 700 năm trước là đệ tử trực tiếp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đâu như Pháp Loa (có thể lắm!) chép lại trong Phật sử. Người hỏi 700 sau là một nhà thơ nổi tiếng Việt Nam hiện tại Bằng Việt. Hỏi 700 năm trước là Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng. Hỏi về Kinh Phật. Toàn nguyên lý cơ bản, số một, kê đầu giường. Nói như anh Phạm Xuân Nguyên là truy tận gốc. Hỏi 700 năm sau không hỏi y như cũ nữa, mà đã suy nghĩ nhiều rồi. Có lâu thì mới có giấc mơ kiểu như Menđeleep về Bảng Hệ thống tuần hoàn chứ. Hỏi về Việc đời là hỏi về lý lẽ quan chiêm chứ không hỏi về cuộc đời lại ra tướng số y học; hỏi về Hạnh phúc trần ai là hỏi về mục đích con người tiêu chuẩn tồn tại. Hỏi về Thơ là hỏi về lợi danh. Câu trả lời của Phật Hoàng xuyên suốt 700 năm chỉ có một: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”. Hơn 3000 năm trước, Thành Thang chả bảo “Ngày mới! Ngày mới! Lại ngày mới!” là gì!
Không chấp. Và đó là quan niệm của Bằng Việt. Bài thơ ra đời, rất được nhiều người thích, trong đó có nhiều nhà thơ thành danh như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Trần Nhuận Minh, Hoàng Vũ Thuật, Trần Quang Quý, Dương Kiều Minh,…nhưng cũng có nhiều người không ưa, trong đó cũng có cả một vài nhà thơ có tiếng. Đã chấp thì vẫn là “Chấp theo lối cũ là không đúng!” dù là Kinh Phật kinh nghiệm hay kinh gì thì cũng vậy.
Nhưng có một nhà thơ, tuổi đương trẻ như hồi Bằng Việt viết Nghĩ Lại Về Pauxtopxky, nổi tiếng văn chương, viết một bài thơ còn quyết liệt hơn. Phạm vi anh đặt ra chỉ là về mỹ cảm, về Chân – Thiện – Mỹ. Đó là Nguyễn Bình Phương với Bài Thơ Cũ:
“Ta sinh ra cô đơn/ Giờ cô đơn đã cũ/ Ta trưởng thành bởi sợ hãi/ Sợ hãi cũng cũ rồi/ Này tôi/ Một khuôn mặt công chức/ Đứng nhìn/ Những cuộc họp rạc dài/ Tiêu ma bao ý tưởng/Xa xa trải một mùa bệnh hoạn/ Bệnh hoạn cũng cũ rồi/ Số phận già như tôi/ Lọm khọm đi giữa công viên đầy nắng/ Nắng có gì hay hớm nữa đâu/ Đèn bật sáng không còn nơi ẩn náu/ đám @ đánh võng như bay/ Thời gian ngã máu tuôn/ Tuổi xanh không thể dậy/ Tốc độ ư?/ Thì cũng cũ lắm rồi/ Những ngày dài thật dài/ Ngồi kín đáo trong căn phòng tưởng tượng/ Sông Hồng đê mê hóa một nén hương/ Dẫn ý nghĩ về nơi không thể biết/ Trong bóng râm lạnh lùng vang vang lời nhắc/- Ta lớn lên bởi kiếm tìm/Giờ kiếm tìm đã cũ”.
Bài thơ này khi đọc xong tôi có nói với anh Nguyễn Việt Chiến là trong 10 năm đầu thế kỷ này khó có bài thơ nào vượt nổi bởi cách đặt vũ trụ Lão – Trang, bởi sự điềm chấp F. Kapka, bởi E. Cantơ trong tri trí. Đặc biệt là Cantơ nhưng không “Bất khả tri” mà “Vật tự nó” nhiều hơn. Cũng khó nói hết bới giọng điệu thì nhẹ sự việc quá mảnh như nắng, thời gian, tốc độ, đám trẻ thiêu thân, kể cả kiếm tìm, có gì to tát đâu. Nhưng cái ghê gớm là ở chỗ tất cả đều đã cũ. Mà không phải là cũ mượn cớ, đưa đẩy, ngẫu nhiên. Đây là cũ xét về mặt Tư – Tưởng – Phương – Pháp. Cũ là không mới – dĩ nhiên; cũ là đã qua – không sai; nhưng cũ, nguy hại hơn, còn làm vô cảm, đấy là điều đáng sợ nhất. Cũ , như vậy đánh thẳng vào Con – Người – Nhân – Loại đấy!
Một hôm, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhân một cuộc họp mặt vui có cả Bằng Việt và Nguyễn Bình Phương, mới nửa đùa nửa thật mà rằng: Cả hai ông tôi trông mới không bao giờ cũ!
Vâng! Hai anh tôi đều quen và trọng, với 3 bài thơ có giá trị về tư duy và nghệ thuật, dù sáng tác 40 năm trước hay mới mấy năm nay, đều giúp chúng ta trước cái cũ, cái hiện tại, cái tương lai nên như thế nào để mình luôn mới!
Hàng Buồm,Xuân Giáp Ngọ 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét