Nguyễn Triệu Hải
Trong hành trình chảy qua vùng tự trị Castille - La Mancha của Tây Ban Nha, con sông Tagus đã ngẫu hứng uốn mình bao quanh ba mặt thành phố Toledo, biến nơi đây thành một nơi thơ mộng, một phố cổ bên sông. Sở hữu trong mình nhiều nhà thờ cổ, di tích, bảo tàng, thành phố di sản văn hóa thế giới Toledo đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách đến tham quan.
Trong những câu chuyện về các hiệp khách mà tôi đã đọc qua, hình ảnh chàng hiệp sĩ La Mã đọng lại trong ký ức tôi lâu hơn cả. Mang trong lòng trái tim quả cảm và tinh thần trượng nghĩa, chàng hiệp sĩ rong ruổi đó đây, sống và chiến đấu hết mình vì công lý và tự do. Giúp chàng tăng thêm sức mạnh, làm nên những chiến công hiển hách là thanh kiếm Toledo. Những tưởng thanh kiếm báu của chàng hiệp sĩ La Mã chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhà văn, không ngờ nó lại có thật và quê hương của nó chính là Toledo – thủ đô của Tây Ban Nha 2000 năm trước. Tôi thích thú reo lên khi phát hiện ra điều này lúc đứng trước một cửa hàng bán kiếm trong phố cổ Toledo.
Từ trên cao nhìn xuống, cố đô Toledo trải rộng trên một triền núi. Thành quách, lâu đài khoe mình trong nắng sớm và nổi bật trong không gian cổ xưa đó là Nhà thờ lớn Toledo với hai tháp nhọn vươn cao. Toledo hùng vĩ và thơ mộng có lẽ do nằm trên triền núi cao, ba mặt được bao quanh bởi con sông Tagus. Người Tây Ban Nha xưa đã khéo khai thác cái địa hình cheo leo, hiểm trở của những vực cao thăm thẳm - nơi dòng sông Tagus chảy qua để làm thành lũy bảo vệ đế đô. Đây quả là nơi phòng thủ lý tưởng trong điều kiện chiến đấu bằng gươm đao, giáo mác, cung tên. Và quả thật, các đế chế Tây Ban Nha xưa đã giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của mình trong nhiều thập kỷ liền nhờ vào thành trì kiên cố và hiểm trở này.
Sau 3 lần đi lên bằng cầu thang cuốn, tôi đặt chân vào thế giới cổ xưa của Toledo với thành quách, nhà cửa, lâu đài, tháp canh, cổng thành được xây dựng toàn bằng đá và gạch mộc, tuy đơn giản, thô ráp nhưng không kém phần thẩm mỹ. Thật đáng ngạc nhiên và thán phục khi đã 2000 năm trôi qua nhưng những kiến trúc nguyên thủy hầu như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Bụi thời gian không hề làm cho những di tích lịch sử và văn hóa ở đây hoang phế mà càng tôn thêm nét cổ kính, rêu phong. Tôi đặc biệt ấn tượng với những con đường đá nhỏ, hẹp, quanh co uốn khúc, xẻ dọc cắt ngang như một mê cung. Bước chân của bao nhiêu du khách đã qua đây, làm cho con đường đá trở nên láng bóng, cho thấy Toledo ngày càng được du khách nhớ và tìm đến nhiều hơn. “Nếu có một đêm sống và đi lang thang qua các con phố ở Toledo, bạn sẽ có cảm giác mình đang được sống trong thời trung cổ”. Hướng dẫn viên bản địa nói với khách hành hương.
Tôi đến thăm Nhà thờ Santo Tome - nơi lưu giữ kiệt tác The Burial of the Count of Orgaz của họa sĩ nổi tiếng thế giới El Greco. Bức tranh khổ lớn mô tả lễ chôn cất Orgaz (một bá tước ngoan đạo đã cống hiến hết mình cho công việc từ thiện) dù được vẽ cách đây hơn 400 năm nhưng không hề xuống màu. Chất liệu vải, sơn dầu cũng như điều kiện bảo quản quá tốt đã giữ cho nhân loại và du khách một kiệt tác sống mãi với thời gian. Nhà thờ lớn Toledo ở cách đó không xa cũng là nơi đón hàng ngàn lượt du khách mỗi ngày. Đơn giản vì ở đây lưu giữ nhiều tranh tượng, công trình điêu khắc đồ sộ, những bàn thờ bằng bạc và vàng tinh xảo, quý giá mà ẩn đằng sau nó là bao nhiêu sự tích, ý nghĩa sâu xa. Do nhiều lý do mà thời gian xây dựng Nhà thờ lớn Toledo kéo dài trong 267 năm (từ năm 1226-1493) và vì vậy ở đây các kiểu kiến trúc như Baroque, Gothic, Romanesque… pha trộn vào nhau. Dầu vậy, nhà thờ lớn vẫn là một giáo đường hoàn chỉnh, không pha tạp, đáng để du khách dành nhiều thời gian để khám phá, chiêm ngưỡng.
Tôi bước vào cửa hàng bán dao, kiếm cạnh nhà thờ Santo Tome với ý định mua một thanh kiếm Toledo về làm kỷ niệm. Hướng dẫn viên địa phương giải thích rằng, thanh kiếm Toledo cùng với những chiếc khiên, mộc, mũ, áo giáp là những vật trang bị cho các kỵ binh thời trung cổ. Trong các cuộc giao tranh, thanh kiếm Toledo trong tay các kỵ sĩ đã trở thành một vũ khí lợi hại. Từ xa xưa, những người thợ lành nghề đã sử dụng những bí quyết tôi luyện riêng khiến cho thanh kiếm Toledo có một độ cứng đặc biệt và sắc bén cực kỳ. Ngày nay, kiếm Toledo được sản xuất theo lối thủ công và dù là để treo,“trưng” làm cảnh nhưng nét thẩm mỹ, độ tinh xảo và giá trị sử dụng của kiếm vẫn rất cao. Từng đường nét trên đốc kiếm được trau chuốt hoàn hảo, lưỡi kiếm sáng bóng, khi đưa lên soi theo ánh sáng khó có thể nhận thấy một chút tì vết nào.
Tôi đi một vòng trong cửa hàng. Đủ các loại trường kiếm, đoản kiếm, giáo mác, khiên… trưng đầy trên giá. Có những thanh trường kiếm dài gần 2 mét, vỏ kiếm, chuôi kiếm được chạm khắc những họa tiết tinh xảo, có cây còn nạm vàng, đá quý và giá cả lên tới cả ngàn euro. Nhưng, cũng có những cây đoản kiếm ngắn chỉ bằng con dao Thái Lan giá chỉ vài chục euro, thậm chí con dao rọc giấy có khắc chữ Toledo ở cán giá chỉ 10 euro. Tần ngần mãi, cuối cùng tôi cũng chẳng mua được thanh kiếm nào. Nghĩ đến các biện pháp kiểm tra an ninh “thô bạo” được áp dụng tại sân bay Charles de Gaulle, tôi thấy ngại nên thôi.
Cuối ngày, tôi lên xe rời Toledo về lại Madrid. Ngoái nhìn thành phố soi bóng bên dòng sông Tagus với hàng hàng lớp lớp “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, tôi thầm mong sẽ có dịp trở lại nơi này.
Nguyễn Triệu Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét