Trong các bài trước đã đề cập đến các vị đại sứ nước ta đi sứ phương Bắc. Nguyễn Du, nhà Nguyễn đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Trung Ngạn, nhà Trần đi sứ nhà Nguyên. Bài này đề cập vị sứ thần phương Bắc đi sứ nước Nam năm 1293, thời Trần Nhân Tông (1258-1308), đó là Trần Phu, nhà Nguyên, được coi là có tài hơn người, sách đọc qua một lần là có thể nói lại, mãi không quên, giỏi làm thơ thất ngôn, Đường luật. Chuyến đi này Trần Phu để lại tập thơ Giao Châu tập. Dưới đây là một bài trong tập đó.
交州使还感事二首 少年偶此请长缨 命落南州一羽轻 万里上林无雁到 三更函谷有鸡鸣 金戈影里丹心苦 铜鼓声中白髪生 已幸归来身复在 梦回犹觉瘴魂惊. 陈孚 | Giao Châu sứ hoàn cảm sự (nhị thủ) Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trường anh Mệnh lạc Nam Châu nhất vũ khinh Vạn lí Thượng Lâm vô nhạn đáo Tam canh Hàm Cốc hữu kê minh Kim qua ảnh lí đan tâm khổ Đồng cổ thanh trung bạch phát sanh Dĩ hạnh quy lai thân phục tại Mộng hồi do giác chướng hồn kinh. Trần Phu |
Chú thích:
- Trần Phu (1240-1303), có thuyết là (1259-1309): Người Chiết Giang, làm quan triều Nguyên, Hiệu trưởng đại học Hà Nam.
- Giao Châu: Nước Nam
- Nam Châu: Nước Nam
- Thượng Lâm: Cung điện đời Hán, chỉ kinh đô, nói về tích Tô Vũ đi sứ Hung Nô gian khổ 19 năm, nhờ chim nhạn đưa thư mới trở về được
- Hàm Cốc: Cửa ải giữa nước Tề và Tần thời chiến quốc, nói về tích Mạnh Thường Quân, người nước Tề đi xứ nước Tần gặp nguy ở Hàm Cốc. May nhờ có người biết giả tiếng gà gáy mà thoát.
Dịch nghĩa:
Cảm tác về chuyến đi sứ nước Nam trở về
Người trẻ tuổi ngẫu nhiên lần này được làm quan.
Mệnh lệnh đi sứ nước Nam nhẹ như một chiếc lông chim rơi xuống.
Xa xôi như Tô Vũ đi cách kinh đô vạn dặm, nhưng không có chim nhạn đưa thư.
Nguy hiểm chẳng kém Mạnh Thường Quân gặp khó ở Hàm Cốc, nhờ người giả tiếng gà gáy mà thoát.
Ban ngày thấy cảnh quân nước Nam múa giáo vàng tập luyện, tấm lòng son cảm thấy đắng ngắt.
Tối nghe tiếng trống đồng của người Nam gõ, tóc trắng mọc ra.
Lấy làm may mắn trở về nhà với tấm thân phục hồi như trước.
Trở lại giấc mộng, hồn vẫn kinh sợ chướng khí nước Nam.
Trên đây là bài 1 trong chùm thơ 2 bài Giao Châu sứ hoàn cảm sự của Trần Phu.
(TĐP)
(TĐP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét