Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Thông báo của Ban liên lạc lớp

Mẹ vợ bạn Ngô Công Thành - cụ Lê Thị Thị 96 tuổi, mới bị tai biến mạch máu não, cấp cứu tại bệnh viện quân đội 354 (Hà Nội) từ chiều ngày 30/7/2013. Hiện cụ vẫn đang bị hôn mê, được các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu và con cháu chăm sóc tận tình. Nhiều hy vọng cụ sẽ qua khỏi, tuy nhiên hậu quả sau tai biến chắc chắn sẽ còn kéo dài. Thay mặt tập thể cựu học sinh chuyên toán HH 72-75, Ban liên lạc lớp cầu chúc cho cụ Lê Thị Thị vượt qua được cơn hiểm nghèo và mau chóng hồi phục sức khỏe.
Bố đẻ Ngô Công Thành - cụ Ngô Công Lãnh cũng đã bị tai biến não từ 3 năm nay, hiện vẫn bị liệt, không nói được, đang điều trị phục hồi chức năng tại nhà em rể và em gái NCT ở thành phố Hưng Yên.
Ban liên lạc lớp chúc vợ chồng Thành - Minh bình tĩnh xử lý các tình huống một cách tối ưu nhất, giữ gìn sức khỏe để khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống gia đình.
Đề nghị các cựu học sinh chuyên toán HH72-75, các bạn độc giả blogE cùng chia sẻ và động viên vợ chồng Thành Minh tự tin, vững vàng vượt qua thử thách trước mắt. (BLL)


Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Thơ tình tháng Bảy (bài 3)

Có một anh bạn cùng học đại học, vợ đi nghỉ ở biển, một mình ở nhà buồn quá gọi tôi ra quán cà phê tâm sự. Hà Nội mấy hôm nay mưa tầm tã suốt cả ngày thật buồn. Tôi viết bài thơ này thể hiện nỗi nhớ vợ của bạn mình, với hy vọng nhận được sự đồng cảm của bạn đọc và mong các bạn góp ý hoàn thiện bài thơ.(NCT)

NHỚ

Em đi rồi!
Em đi về phía biển
Để lại sau lưng
Thành phố mưa rơi.
Xa nắng
Mây buồn
Mây chẳng muốn trôi
Vắt thương nhớ thành muôn vàn giọt lệ.
Những giọt nhớ theo nhau về với bể
Nơi có em
Cát trắng
Nắng hồng.

Anh xa em
Nỗi nhớ cuộn trong lòng
Ngỡ có trăm ngàn con sóng vỗ.
Anh mộng mị giữa mênh mông biển nhớ
Con sóng nào cũng chở bóng hình em...
                                (NCT – 7/2013)
 Tặng bạn đọc yêu quý bản nhạc Biển nhớ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhé



Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Chuyện ông Tạ Đình Đề

TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, người có 35 năm gắn bó với ngành kiểm sát, vừa cho ra mắt cuốn sách THEO DÒNG CÔNG LÝ thuật lại những vụ án mà ông từng tham gia mổ xẻ khi còn đương chức. Đó là những vụ từng gây xôn xao dư luận một thời, khi mà trước thân phận pháp lý của một con người, ông đã phải đắn đo, cân phân từng con chữ khi đặt bút viết báo cáo hoặc cáo trạng. BBT xin giới thiệu câu chuyện TS Dương Thanh Biểu kể về vụ án Tạ Đình Đề, một con người mà thời còn đi học các cựu học sinh lớp E chuyên toán HH 72-75 đã từng nghe nhiều giai thoại về ông, như một gián điệp có tài "tàng hình độn thổ" được Bác Hồ thuần phục.


KỂ LẠI VỤ ÁN TẠ ĐÌNH ĐỀ

    Ông Tạ Đình Đề sinh năm 1917 tại Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1936, ông cùng với cha và anh trai sang Vân Nam làm việc tại Công ty Hỏa xa. Tại đây, ông tham gia Hội Ái hữu cứu quốc do Việt Minh tổ chức. Ông từng được cử đi học tại các trường hạ sĩ quan, Trường Đặc vụ và Trường đào tạo gián điệp ở Trung Quốc. Ông tốt nghiệp xuất sắc Trường quân sự Hoàng Phố và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật.
       Sau đó, Mỹ đưa ông đi đào tạo nhảy dù ở Ấn Độ và Mỹ. Năm 1944, ông được Mỹ và Tưởng Giới Thạch đưa về hoạt động tại Huế, Sài Gòn. Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng, một năm sau thì ông vào Đảng. Ông từng làm Phó ban Tình báo Liên khu 2, Trưởng ban Tình báo Tây Tiến, Đội trưởng biệt động Liên khu 2, Giám đốc Trường Hoa văn Liên khu 3… Ông qua đời vào ngày 29-2-1998. Năm 2007, ông được Chủ tịch nước truy tặng huân chương Độc lập hạng Ba. Nhà thơ Bút Tre từng có thơ rằng: “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về/ Hoan hô anh Tạ Đình Đề/ Trước đi theo địch nay về với ta”. Giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2C) VKSND Tối cao thụ lý kiểm sát điều tra vụ án ông Tạ Đình Đề phạm tội về an ninh. Ngày 15-9-1985, ông Tạ Đình Đề bị bắt giam. Sau hơn một năm bị tạm giam, cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao gia hạn giam đặc biệt. Lần gia hạn giam đặc biệt này, anh Lê Mai, Vụ trưởng Vụ 2C, giao cho anh Phan Xuân Bá, Phó Vụ trưởng 2C, phê chuẩn. Và TS Nguyễn Thanh Biểu – người kể chuyện này- được lãnh đạo Vụ giao nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ.
 Con người huyền thoại.
          Cuộc đời có những khúc quanh kỳ lạ. Đối với tôi, ông Tạ Đình Đề là một thần tượng, một người anh hùng đã in sâu vào tâm trí thời trẻ của tôi. Có thể nói tên tuổi và con người ông Tạ Đình Đề từ lâu đã là huyền thoại, hầu như ít nhiều ai cũng từng một lần nghe kể. Nhưng hấp dẫn và thú vị nhất có lẽ là chuyện ông được kẻ địch cử đi ám sát Bác Hồ nhưng được Bác cảm hóa rồi trở thành cận vệ cho Bác.
          Chuyện kể rằng hôm ấy, Bác đã ngồi vào bàn ăn cơm nhưng chưa dùng vội mà quay sang nói với đồng chí bảo vệ thật to rằng cho Bác xin thêm đôi đũa và cái bát (chén) vì hôm nay Bác có khách. Dù ngạc nhiên nhưng đồng chí bảo vệ vẫn mang bát đũa ra đặt lên bàn, đoạn hỏi: “Thưa Bác, sao khách vẫn chưa đến à?”. Bác điềm nhiên trả lời: “Vị khách đã đến lâu rồi nhưng các chú không biết để tiếp đón đấy thôi”. Rồi Bác hướng mắt về phía buồng ngủ nói to: “Xin mời chú Tạ Đình Đề xuống xơi cơm với Bác!”…
          Bỗng nhanh như chớp, một người từ tầng hai nhảy xuống đất, lách nhanh vào phòng ăn và đứng ngay trước mặt Bác. Các chiến sĩ bảo vệ thủ thế, sẵn sàng đối phó để bảo vệ Bác nhưng Bác khoát tay rồi mỉm cười thân thiện với vị khách đặc biệt: “Trông chú dạo này già dặn hơn trước nhiều song có phần gầy và đen hơn lúc mới ra trường. Chắc chú vất vả lắm?”… Nhìn ánh mắt nhân từ, bao dung của Bác, vị khách lễ phép đáp: “Thưa Bác, trước hết cháu xin bày tỏ lòng khâm phục của cháu đối với Bác… Cháu xin hứa chấm dứt công việc của địch giao cho và xin phục tùng dưới sự điều hành, sai bảo của Bác”
          Từ đó, ông Tạ Đình Đề trở thành người cận vệ trung thành của Bác – một trường hợp đổi vai kỳ diệu trong lịch sử nước ta.
 Đã một lần được tuyên trắng án.
          Ôm tập hồ sơ vụ án Tạ Đình Đề trên tay mà lòng tôi bộn rộn bởi rất nhiều giai thoại về ông cứ thấp thoáng trong đầu. Với lần “phạm tội” trước, năm 1976, khi TAND TP Hà Nội xét xử ông, tôi được cử đi dự. Lúc đó tôi không quan tâm đến tội danh và hình phạt đối với ông mà chỉ nhăm nhăm xem con người nổi tiếng đó thế nào.
          Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 7-6-1976, ông bị tòa đưa ra xét xử về các tội cố ý làm trái, nhận hối lộ và tham ô tài sản XHCN. Tôi không tin nổi trước mắt mình là một Tạ Đình Đề bằng da bằng thịt đang đứng sau vành móng ngựa. Tôi cố chen chân vào nhìn cho kỹ. Huyền thoại tuổi thơ của chúng tôi đang ngồi trên ghế bị cáo với dáng người tiều tụy, đầu tóc bù xù, nét mặt nhăn nheo, da dẻ xanh mét. Đôi mắt ông thâm quầng, trũng sâu nhưng vẫn ánh lên nét tinh anh. Nhìn cảnh tượng đó tự dưng lòng tôi xót buốt quặn đau…
          Vì đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xã hội rất quan tâm nên tòa chuẩn bị rất kỹ, loa đài được mắc thêm ngoài đường phố, phòng xử được kê thêm ghế. Mấy ngày xử án nắng như đổ lửa nhưng người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phú… kéo về xem chật kín sân tòa, đứng tràn ra các tuyến phố xung quanh. Có thể nói không ngoa, những ngày này Hà Nội trải qua những cơn địa chấn dữ dội.
         Theo cáo trạng thì ông Đề có các hành vi phạm tội như tổ chức móc ngoặc, chiếm dụng thiết bị máy móc của Nhà nước đem về xưởng sử dụng lung tung; phá lẻ thiết bị toàn bộ nhà máy đắp vỏ ô tô do Trung Quốc viện trợ; sử dụng vốn kinh doanh trái chính sách, chế độ; lập quỹ trái phép; làm ăn phi pháp và tham ô. Lạ một điều cáo trạng chỉ dựa vào bản kết luận của đoàn thanh tra để buộc tội nhưng bản báo cáo này lại không có ngày tháng, không có chữ ký của trưởng đoàn, đoàn thanh tra này cũng không biết do ai lập, ai làm trưởng đoàn!
          Xem xét xác định nhiều sự phi lý khác nữa, cuối cùng, chiều 12-6-1976, tòa đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội và tuyên bố tha bổng ông ngay tại tòa.
          Tiếng vỗ tay vỡ òa, vang dội. Nhiều người dự tòa bật khóc vì sung sướng. Một cảnh tượng xúc động mà tôi chưa từng gặp trong đời: Nhiều người ào vào công kênh ông Tạ Đình Đề lên vai như công kênh một người anh hùng trở về từ trận mạc xa xôi và ác liệt; nhiều bó hoa tươi thắm được trao đến tay con người huyền thoại ấy…
Vào tù lần hai vì ca dao, hò, vè.
          Thú thật lúc ấy tôi không hiểu vì sao một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được huy động lực lượng điều tra và kiểm sát điều tra hùng hậu, công phu như thế nhưng rốt cuộc bản cáo trạng của VKSND Tối cao đưa ra lại bị tòa bác bỏ một cách thẳng thừng như vậy!
          Mười hai ngày sau, VKSND Tối cao ký kháng nghị bản án sơ thẩm nói trên và đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xét xử phúc thẩm. Thế nhưng không hiểu sao sau 10 năm trôi qua mà vụ án vẫn không đưa ra xử phúc thẩm. Theo quy định lúc ấy, trường hợp này bản án sơ thẩm nghiễm nhiên có hiệu lực pháp luật. Nhưng ông Tạ Đình Đề vẫn không được các cơ quan liên quan khôi phục quyền lợi và danh dự!
          Cần nhắc lại trong lúc ông Tạ Đình Đề vướng vòng tai ương lao lý (lần đầu) thì vợ ông - bà Đặng Thị Thọ - phải oằn lưng gồng mình gánh vác việc nhà. Đây là thời kỳ đời sống của cán bộ viên chức và gia đình của họ gắn liền với sổ gạo, tem phiếu. Người ta ví “mặt như bị mất sổ gạo” là mặt buồn bã, nhàu nhĩ lắm. Thế mà bi đát thay, tiêu chuẩn của ông Tạ Đình Đề bị cắt hết. Giữa lòng Hà Nội, gia đình của ông sống vô cùng chật vật, thiếu thốn. Và suốt 10 năm sau phiên tòa tuyên ông vô tội, cuộc sống nhà ông lại càng bi đát hơn vì người ta không hề khôi phục quyền lợi, sổ gạo, tem phiếu cho nhà ông.
          Trong cái khó của thời bao cấp lúc ấy, đâu đâu cũng xuất hiện những câu ca dao, hò, vè châm biếm, trào phúng, kiểu như: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô để dành/ Ba yêu anh biết mổ trâu/ Bốn yêu anh biết ăn đầu, ăn da…”. Hay như: “Tôn Đản là chợ vua quan/ Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần/ Bắc Qua là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng…”. Hay những câu châm ngôn mới mang tính đả kích như: “Thực phẩm quý hơn nhân phẩm; Bằng gì cũng chẳng bằng lòng; Bù giá vào lương hay bù da vào xương…”
          Những câu truyền khẩu nói trên hầu như ai ai cũng thuộc, đâu đâu cũng nghe. Và dĩ nhiên ông Tạ Đình Đề chẳng những nghe mà còn thương và cám cho cái cảnh của mình. Nên ông sưu tầm và phổ biến. Nên ông vướng vào cái án an ninh và bị bắt bỏ tù vì cái tội tuyên truyền chống chế độ XHCN!
          Thời đó, với kiểu lập luận này, người ta muốn một lần nữa kết tội ông Tạ Đình Đề.
Lội ngược dòng
          Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Tạ Đình Đề đã có hành vi thu lượm các câu ca dao, hò, vè có nội dung nói xấu lãnh đạo, sau đó đưa về nói lại cho nhiều người cùng nghe. Cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông về tội tuyên truyền chống chế độ XHCN. Thời điểm này tình hình kinh tế-xã hội của nước ta vô cùng khó khăn. Chính sách giá-lương-tiền dẫn đến việc đổi tiền vào tháng 9-1985 khiến giá hàng hóa tăng gấp 10 lần, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Lúc đó cán bộ, nhân viên nhà nước hằng tuần phải lên rừng phát rẫy trồng sắn, đến bữa ăn chỉ có rau và mì, có lúc phải mặc áo vá đi làm. Lúc này cán bộ, công nhân viên coi tem phiếu, sổ gạo là những tài sản vô cùng quan trọng, mất nó là tai họa (do vậy mới có câu mặt nghệt như mất sổ gạo và chính tôi đã một lần mặt nghệt như thế vì bị bọn móc túi móc sạch tem phiếu khi đi qua cầu Long Biên).
          Cần nhắc lại rằng 10 năm trước, khi bị bắt, ông Đề đã từng bị cắt hết tiêu chuẩn tem phiếu, sổ gạo. Mà với một cán bộ, viên chức, điều ấy đồng nghĩa với cắt hết nguồn sống. Sau khi được tòa tha bổng, quyền lợi của ông và gia đình vẫn không được phục hồi. Nói điều ấy đủ biết tình cảnh ông bi đát đến cỡ nào.
          Cho nên xét về tâm lý, ông Tạ Đình Đề từng vào sống ra chết để làm cách mạng, nay bị đối xử tệ nên phát sinh bi quan, chán nản. Từ chán nản đến tiêu cực, ông sưu tầm ca dao, hò, vè về nói chuyện phiếm với một số người. Rõ ràng hành vi này chỉ xuất phát từ động cơ chán nản, bất mãn chứ không có ý thức chống đối chế độ, chống Nhà nước. Nhận định trên đây là kết quả sau khi tôi đã nghiên cứu xong hồ sơ vụ án. Đây là nhận định rất mới, khác với quan điểm của nhiều người, nhất là với cơ quan điều tra, nên tôi chưa dám báo cáo với lãnh đạo Vụ 2C. Có lúc tôi nghĩ mình chỉ là thằng cán bộ quèn, ăn nói không cẩn thận có khi bị chụp mũ thì gay go vô cùng.
Lưu truyền hò, vè đả kích thì không phạm tội
          Tôi luôn khắc ghi lời của anh Phan Xuân Bá, Vụ phó Vụ 2C, rằng: “Hồ sơ như thế nào thì báo cáo như vậy, nhận thức như thế nào thì đưa ra quan điểm như thế đó”. Nhưng trong hồ sơ, những vị quyền cao chức trọng đã khẳng định như đinh đóng cột là phải xử Tạ Đình Đề về tội chống phá chế độ. Tôi cảm thấy hơi lo lắng.
          Nhưng rõ ràng hơn một năm qua, cơ quan điều tra đã đi xác minh nhiều nhân chứng ở nhiều nơi nhưng kết quả điều tra vẫn không có gì mới. Nếu tiếp tục gia hạn tạm giam đặc biệt cũng không cần thiết và không giải quyết được gì. Nhưng tôi vẫn cứ run run. Bởi nếu lãnh đạo không đồng ý thì chẳng những sẽ kéo dài thêm những tháng ngày đau khổ cho ông Tạ Đình Đề mà có khi mình còn bị đánh giá là hữu khuynh. Ranh giới giữa mất - còn thật mong manh! Biết đâu sau đề xuất của mình là những tai ương đang chờ đón, lôi thôi mình bị mất việc như chơi… Nhưng rồi cuối cùng cái tâm của con người trong tôi đã thắng, nó giúp tôi vượt qua mọi trở ngại trong báo cáo của mình: Tôi mạnh dạn đề xuất không cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị can thêm nữa.
          Một hôm, tôi đang ngồi tu chỉnh lại hồ sơ thì anh Phan Xuân Bá gọi tôi sang phòng anh Lê Mai - Vụ trưởng Vụ 2C báo cáo. Chờ tôi ngồi, anh Mai vào đề ngay: “Mình đã đọc kỹ báo cáo của cậu rồi, ngoài nội dung báo cáo, cậu có thể nói kỹ hơn, suy nghĩ thế nào thì cứ phát biểu thế đó!”. Tôi bày tỏ quan điểm của mình theo hướng như đã nói. Tôi vừa nói xong, anh Bá gật đầu nhưng anh Mai lại… lắc đầu. Anh Mai nói (đại ý) rằng ý kiến đề xuất mạnh dạn của cậu bọn mình rất hoan nghênh nhưng Tạ Đình Đề có hành vi thu thập, phổ biến và tuyên truyền các câu ca dao, hò, vè có tính chất đả kích lãnh đạo, nói xấu chế độ… Quay sang anh Bá, anh Mai hỏi: “Ý của tôi vậy, anh Bá thấy thế nào?”. “Tôi thấy thống nhất như báo cáo, giải trình của đồng chí Biểu. Đây chỉ là hành vi phản tuyên truyền, không phải là tội phạm” - anh Bá trả lời.
          … Sau đó ít ngày, Vụ 2C tổ chức cuộc họp để thảo luận nghiệp vụ xoay quanh vụ án Tạ Đình Đề. Trong số các ý kiến buộc tội, có người còn lập luận rằng: “Đã giam người ta chừng ấy thời gian mà bây giờ bảo không có tội thì không ổn. Tôi đề nghị thống nhất với ý kiến của cơ quan điều tra (tức kết tội ông Đề)”!
Chiến thắng của công lý
          Sau cuộc họp thảo luận trên, tôi còn được anh Bá và anh Mai gọi sang hội ý mấy lần. Một hôm, sau khi nghe tôi báo cáo, anh Mai đăm chiêu suy nghĩ, có vẻ như cân nhắc từng chữ một khi nói với tôi. “Mình và anh Bá đã xem kỹ báo cáo và cả ý kiến phát biểu của cậu hôm trước. Khá đấy! (Đột nhiên anh Mai cười vui vẻ, một điều rất hiếm gặp!). Về cơ bản mình và anh Bá nhất trí với đề xuất của cậu…”. Sau lần này, tôi làm dự thảo báo cáo và chuyển cho anh Bá, sau đó chuyển cho anh Mai.
          Trời Hà Nội mấy ngày cuối đông năm 1986 mưa phùn kèm gió bấc lạnh tê tái. Tôi vừa đạp xe đến cơ quan thì anh Lê Mai bảo chuẩn bị hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Viện. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Trần Lê, Viện trưởng VKSND Tối cao, kết luận: “Thay mặt lãnh đạo Viện, tôi xin biểu dương Vụ 2C đã chuẩn bị tốt nội dung báo cáo, trong đó mạnh dạn nêu quan điểm xử lý vụ án. Ý kiến các đồng chí lãnh đạo Viện đã thống nhất về quan điểm xử lý vụ án này…”.
          Ngày 8-1-1987, viện trưởng VKSND Tối cao có văn bản trả lời Bộ Công an, trong đó nói rõ không cần đưa vụ án này ra truy tố, xét xử. Phải mất gần một năm trao đi đổi lại nữa, trong đó cấp cao nhất đã đồng ý với quan điểm của Viện, cuối cùng, ngày 7-12-1987, VKSND Tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Tạ Đình Đề. Vụ án được khép lại.

        10 năm sau, có dịp gặp ông, tôi nói: “Kính chào bác Đề. Hơn 10 năm nay mới được gặp lại bác. Bác là người đã để lại cho đời nhiều câu chuyện huyền thoại”. Bác Đề nắm chặt tay tôi, lắc mạnh như người thân lâu ngày gặp lại và nói: “Có gì mà huyền thoại đâu. Thực ra tôi là người đã để lại cho VKS nhiều phiền toái đấy chứ!”.
  (BBT sưu tầm)

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

GHI CHÉP TỪ TỐI “THẮP NẾN TRI ÂN”

Tối qua. 26/7/2013, có một sự việc đến với Hải Yến. Em không thể không chia sẻ cùng mọi người. Và em lại chỉ biết viết đôi dòng lên blog của các anh. Em phải gửi ngay hôm nay: ngày 27 tháng bảy.
 (Hải Yến)

   Tôi đến nghĩa trang liệt sĩ - nơi có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện - vào lúc 19 giờ. Buổi lễ Thắp nến tri ân chưa bắt đầu. Một số đoàn viên đang trang trí, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng. Nhìn vào khoảng sân rộng phía trước ba nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ của huyện nhà, tôi thấy 50 học sinh của tôi đã hàng ngũ chỉnh tề, ngay ngắn. Nhóm giáo viên của  trường được tôi phân công làm nhiệm vụ quản lí học sinh đang đứng ngoài cổng nghĩa trang.
  Tối 26 tháng 7 năm nào, huyện cũng tổ chức "Lễ Thắp nến tri ân" với một chương trình rất có ý nghĩa. Từ những tiết mục văn nghệ, những lời ngợi ca, bày tỏ lòng thành kính biết ơn, đến lễ dâng hương, thắp nến tưởng nhớ công lao hi sinh vì đất nước quê hương của các anh hùng liệt sĩ. Trường tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc khu Đài tường niệm này. Một tháng hai lần, các em học sinh quét dọn, nhặt cỏ, tỉa cây. Và tối 26 tháng 7 nào các em cũng tham gia Lễ Thắp nến tri ân. Những hành động hướng về cội nguồn của những người đang sống, thiết thực hơn bao nhiêu bài học giáo điều. Chúng tôi cho các em học sinh tham gia như một hoạt động ngoại khóa sinh động. Chúng tôi muốn gắn thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước với quá khứ, với cha anh như thế.


  Nhưng buổi lễ tối nay … Tôi nhìn trời lo âu. Oi ả quá. Đài báo sẽ có mưa to. Giá buổi lễ tiến hành sớm hơn một chút … Gần 19 giờ 30 phút rồi. Mấy cậu giáo viên trẻ rỉ tai tôi: Vì những đại biểu quan trọng nhất chưa đến, chị ạ …
  Gió đã nổi lên, rồi mưa lác đác. Và mưa như trút nước. Chúng tôi cho các em học sinh lên trú mưa ở ba nhà bia. Tôi mở vội cốp xe máy của mình lấy ra áo đi nắng và áo đi mưa, đưa cho một học sinh và một cô giáo – cô ấy đang mang em bé nên lạnh quá, giục đi lên nhà bia đứng cùng mọi người cho ấm. Còn mấy chục người chúng tôi, từ đoàn viên, công an, bộ đội, giáo viên … không kịp băng qua khoảng sân rộng, đành đứng dưới mái cổng nghĩa trang. Nhưng chẳng mấy chốc, mưa to gió lớn làm chúng tôi ướt hết. Lạnh cóng. Tôi chắp tay, hướng vào trong nghĩa trang, khấn lầm rầm trong đêm tối, cầu vong linh các liệt sĩ phù hộ cho mây tạnh mưa tan, cho buổi lễ  được tiến hành tốt đẹp, cho các em học sinh của tôi về nhà an toàn trong đêm tối.
  Nhưng gió mưa vẫn phũ phàng không biết bao giờ mới tạnh. Trời khóc vì thương nhớ các vong linh liệt sĩ hay đây là lời trách những người đang sống chúng tôi? Có thể lắm chứ. Còn bao điều mà những người đang sống chưa làm trọn nghĩa vẹn tình với những mất mát hi sinh của các anh …Hơn một giờ đã trôi qua. Sấm sét dã bớt nhưng mưa vẫn còn to lắm. Lác đác, phụ huynh học sinh đi xe máy đến đón con về. Tôi gọi cho bảo vệ trường nhắc về mấy chục chiếc xe đạp của các em ở lán xe trong trường, bởi ngày mai học sinh mới đến lấy được. Mưa ngớt, đã quá 21 giờ. Phông trên lễ đài đã đổ. Những vị khách quan trọng chưa kịp đến thì càng chẳng thể đến đây. Tôi nhắc mấy giáo viên của mình đưa nốt mấy em học sinh chưa có mẹ cha đến đón. Tôi cũng về cùng một cậu trò. Nước ngoài cổng nghĩa trang chảy không kịp, ngập tới lưng bánh xe. Có hai cây số về nhà, hôm nay sao đi mãi? Những vũng nước loang loáng trong ánh đèn pha …
  Tôi mở cốp xe. Và giật mình: Rơi mất ví rồi! Tôi chỉ kịp kêu như thế và quay xe. Con gái đang nghỉ hè, chạy theo tôi. Cho con đi tìm với! Chồng và con trai cũng phóng xe máy theo sau. Mọi hôm đi công việc một lúc gần nhà vào buổi tối, tôi thường không mang ví. Nhưng hôm nay, khi đi, tôi nghĩ tới những năm trước, tối mùa hạ nóng nực, học sinh khát nước khi ngồi mấy tiếng đồng hồ, tôi đã bỏ ví vào cốp xe. Và hẳn nó bị rơi khi tôi vội lấy áo đi nắng, đi mưa. Lúc giông gió tối mờ, tôi đã không nhớ tới cái ví mình để phía trên mấy cái áo. Tiền thì chỉ có hơn một triệu thôi. Nhưng tất cả giấy tờ tùy thân, bao giờ đi xe máy tôi cũng mang theo. Cả cái thẻ ATM nữa chứ! Ngày kia tôi đi công tác, làm sao có thể rút tiền? Chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, đăng kí xe, thẻ bảo hiểm các loại … trong ví hết. Tôi hi vọng: Chỗ tôi để xe là cổng nghĩa trang, nước ngập cả giày khi tôi dắt xe về, có thể chưa ai trông thấy chiếc ví của tôi chăng?
  Tôi đến nơi, chỉ còn mấy đoàn viên chất lên xe những đồ đạc cuối cùng của buổi lễ. Tôi hỏi thăm, chả ai biết tung tích cái ví của tôi. Tôi ngẩn ngơ nhìn cổng nghĩa trang trống không, nước đã rút hết. Chồng con tôi tìm kiếm trong thất vọng. Nhưng thật kì lạ, tôi không thể tin mình có thể mất chiếc ví ấy. Có một chút gì đó là hi vọng, cứ le lói sáng trong tôi, mặc dù, trước mắt là đêm tối.
  Điện thoại trong túi rung. Tôi nhìn thấy tên của sếp trưởng. Tiếng sếp vang lên: Có một người vừa gọi cho anh, nói rằng bắt được ví có giấy tờ của em, em đang ở đâu? Một dòng điện chạy dọc người làm tôi nhẹ bẫng: Em đang tìm nó ở cổng nghĩa trang đây! Vậy cứ ở đó, anh bảo họ mang đến, nhà cô ấy ở gần đấy. Và rồi chỉ một lát sau thôi, một cô gái chừng gần 30 tuổi hiện ra trước mắt, gọi tôi: Cô ạ, em mang giấy tờ đến cho cô. Tôi mừng rỡ, nhìn khuôn mặt cô gái trông quen quen: Cảm ơn em nhiều lắm, em tên là gì thế? Em là Hường, trò cũ của cô đấy ạ. Em không có số điện thoại của cô, chỉ hỏi được số của thầy hiệu trưởng. Tôi chỉ biết nói đi nói lại mấy lời cảm ơn.
  Đến nhà. Bố chồng tôi nói: “Ở hiền gặp lành”. Nếu quả thật có lẽ công bằng ấy, thì tôi tin, điều lành hôm nay tôi có được là do vong hồn linh thiêng của các liệt sĩ quê hương đã mang đến cho tôi. Các anh đã mang bình yên đến cho cuộc sống của chúng ta. Và khi đã thành những vong linh trong cõi vô thường, các anh vẫn dõi theo chúng ta, những người đang sống nhờ thành quả của các thế hệ đi trước, để giúp đỡ hay nhắc nhở hàng ngày. Có điều, mỗi người chúng ta có nhận ra những giúp đỡ và nhắc nhở ấy không mà thôi. Tôi tin những điều mình cảm nhận. Cũng như tôi tin những điều mình dạy học trò. Có thể mình chưa dạy hết những điều cần dạy. Nhưng những gì về lòng tốt, về đạo lí sống uống nước nhớ nguồn, luôn cần được nhắc nhở hàng ngày, bằng những việc làm thiết thực. Bởi mỗi khi dạy người, là một lần mình tự răn mình …
  Tôi đang hưởng thành quả, tôi đang “Uống nước”, từ “nguồn”. “Nước” ấy, không chỉ có từ "nguồn" là các anh, những liệt sĩ của quê tôi. “Nước” ấy, có khi chảy từ chính tôi, khi tôi tạo ra một “nguồn” mới, chính là cô bé học trò của tôi kia.
  (Hải Yến)

Ký ức Móng Cái (NXH)

Móng Cái chiều xuân phân vân
Trên đầu mây đen, dưới chân sóng trắng
Mưa thật lớn hai ta tìm bình lặng
Trời không biên giới, người khác cố hương…
Mây mưa một lần nên thân…

Móng Cái trưa hè nắng lên
Dò dẫm tình chạm vào biên ải
Trời có thời, ai rồi cũng mất
Người đã ra đi chung trời riêng đất
Phượng đỏ xa rồi oán hận mà chi?

Móng Cái đêm thu khuya tối đen
Dặm Bắc xa xăm quỷ thần nhiễu loạn
Tôi chạy xe cố tìm một ngọn đèn
Hòa ký ức vào mơ Móng Cái…
08-13

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Cho trẻ con học Anh ngữ như thế nào?

Sau đây là câu chuyện do Nhà báo Nguyễn Vạn Phú, chuyên gia cự phách về tiếng Anh, đã dẫn trên FB của ông ấy. Tôi lần link để copy về đây, mong các bác đọc nghiêm túc một bài viết nghiêm túc, bằng một giọng văn đùa cợt. Tôi nghĩ, vì vấn đề quá nghiêm túc, nên tác giả mới chọn hành văn đùa đùa để giảm tông của thông tin muốn truyền tải...

Trẻ học Anh văn sớm và câu chuyện Háo À Djù – (Trần Hà Nguyên)
Toàn nhân loại đồng ý rằng cho trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Ôi thôi hết nghiên cứu này đến nghiên cứu nọ, hết thần đồng này đến thần đồng khác! Đạt Tóp Phồ 580 điểm khi mới 10 tuổi, dịch sách khi tròn 8 tuổi, ét sệt tề rà. Thế là các bậc phụ huynh tha hồ mà chầu chực trước cửa Bi Tít Cao Sồ, I-la, Thần Đồng, Việt Mỹ — các cơ sở giáo dục nở rộ về số lượng và bảng giá, phù hợp với mọi túi tiền và kích cỡ của lá gan “hy sinh đời bố, củng cố đời con” của mỗi nhà.
Nhưng tôi xin khuyên các bậc phụ huynh hãy SUY NGHĨ THẬT KỸ trước khi dúi con vào đó. Bởi vì theo tôi, trẻ em học tiếng Anh sớm tại Việt Nam gặp vô vàn rủi ro, và khó mà áp dụng trí khôn của nhân loại được.

Các kiểu dạy và học
Xin được dài dòng một tí, để quý vị hiểu rõ hơn í mà. Theo Giáo học pháp, có vài cách tiếp cận trong việc dạy/học Anh văn. Thứ nhất là kiểu Grammar Translation Approach, vô cùng cổ điển, không chú trọng giao tiếp, tập trung vào làm sao cho ngữ pháp vững, học từ vựng bằng cách đọc nhiều, dịch nhiều. Đây là cách mà cha ông ta sử dụng, và hệ quả là rất uyên thâm nhưng đa số nói nghe không nổi, vò đầu bứt tai nhìn tội ghê luôn.
Thứ hai là kiểu Direct Approach, khỏi ngữ pháp ngữ pheo, cứ cho nó tiếp xúc và nói nhiều vô, thế là nó tự học được. Hê hê, học kiểu này thì ngược hẳn với kiểu các cụ, nhưng thế giới phát hiện ra rằng kiểu này đào tạo ra loại người nói tiếng bồi và rất lộn xộn, không có triển vọng thành nhà văn.
Tiếp đến là kiểu Audio-Visual Approach, đại loại là nghe nhìn, nhấn mạnh các kiểu lặp đi lặp lại, cố gắng tạo liên kết não giữa âm thanh và hình ảnh, để sao cho khi nhìn thấy cái bàn thì trong đầu bật ra chữ table. Đây là kiểu mà Đốc tờ Li của Không gian gọi là “phương pháp phản xạ độc quyền” đó.
Và cuối cùng, là hoa hậu của đêm nay: Communicative Approach, đặt trọng tâm vào khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ như công cụ cho cuộc sống: đối thoại, nghe hiểu, đáp ứng, truyền đạt ý tưởng v.v. Cách tiếp cận này chôm tất cả ưu điểm của các kiểu trước, dạy “tàn diệng” nhưng luôn với mục tiêu rõ ràng là sử dụng ngôn ngữ làm công cụ cho các hoạt động sống.

Ở Việt Nam có kiểu nào?
Xin thưa là có đủ. Hơ hơ.
Kiểu cổ điển thì nói thiệt là hầu như tuyệt tích, trừ một số trường phổ thông và mấy ông giáo già khụ ôm đài BBC vài chục năm từ trước 75. (Mấy bố này phát âm kiểu thập niên 60, hễ hỏi “why?” là đọc tướng lên “Hoai” nghe hãi hãi là!). Nói chung là chả ai cho con đi học mấy bố này, nên khỏi bàn đến.
Các lớp Anh văn thiếu nhi có thầy cô giáo “bản ngữ” thì chủ yếu sử dụng Direct Approach và nói chung là tả pí lù, tuỳ thuộc vào … hứng của mấy “giáo viên bản ngữ” này. Đã qua rồi thời đại thầy Tây ba lô. Bây giờ đến thời đại thầy Tây ba gác. Xoè ra cái bằng “Phương pháp giàng dạy”, oai ghê, nhưng nếu dòm kỹ sẽ thấy chỉ cần học 3 tháng lớp ban đêm của bất cứ trường đại học hay community college – tương tự trung tâm giáo dục thường xuyên ở ta – là có bằng này. Vả lại giáo viên “bản ngữ” nên hổng có biết tiếng Việt, giảng giải cho trẻ con hiểu một cách vừa đơn giản lại vừa chính xác là điều không tưởng. Không biết tiếng Việt mà giảng câu “I’m sorry” và “Excuse me”cho đứa 5 tuổi coi – tưởng dễ mà ko dễ nha! Hơn nữa, Direct Approach chỉ có tác dụng khi người học được sống trong môi trường bản ngữ – tức là xung quanh toàn người sử dụng tiếng Anh tốt, tự nhiên và đa dạng, người học buộc phải sử dụng tiếng Anh để giao tiếp tồn tại – thì mới có tác dụng. Vì thế nên chỉ có vứt trẻ con sang Mỹ vài năm thì nó mới nói như Mỹ được, chứ 1 tuần vài tiếng sáng Chúa Nhật thì ôi thôi, quên đi.
Hay là cho nó đi học trung tâm có giáo viên Việt? Hay! Giải nghĩa tốt, hiểu ý trẻ con. Nhưng giáo viên Việt Nam thì phát âm kinh hoàng. Con bạn đi học về biết đếm “Wan tru chi” thì nên lo chứ không nên mừng, vì cái số 3 – “three” – coi dễ mà hổng dễ, chính bạn có khi còn nói bậy không chừng!
Thế nhưng, nhiều trường đã dùng “hợp đồng binh chủng” – cả Tây lẫn Ta dạy xen kẽ, hoặc Tây dạy chính, Ta làm “trợ giảng.” Đây là loại hình khả dĩ nhất, nhưng lại vẫn đụng đầu vật cản là trình độ của thầy Tây ba gác, vì giáo viên Ta, dù giỏi phương pháp đến đâu, luôn bị coi là thứ yếu và không có quyền điểu khiển lớp học. “Trợ giảng” mà bày đặt! Cái này là do phụ huynh mà ra, phụ huynh tặc lưỡi “thầy Tây dạy tiếng Tây thì còn ai tốt hơn nữa!” một phát là trường chiều phụ huynh ngay (cái này gọi là customer service!). Giấc mơ Communicative Approach còn xa vời lắm….

Những vật cản tự nhiên
Đa số trẻ con 5 – 7 tuổi nói tiếng mẹ đẻ chưa rõ. Một số âm chưa thể nói chuẩn. Khi giới thiệu các âm mới của tiếng nước ngoài, nếu không sửa thật kỹ, các trẻ rất dễ nói sai thành thói quen. Tất nhiên có cách để chỉ phát âm chuẩn, sử dụng sơ đồ chỉ vị trí của lưỡi với răng, vòm họng trên và dưới v.v. rất khoa học và hiệu quả, nhưng bắt trẻ điều khiển các bộ phận này không phải là không được, nhưng đòi hỏi kiên trì, thời gian và sự chú ý vào từng trẻ và nỗ lực kiên trì của bản thân trẻ mà ở độ tuổi 5 – 7 chưa có được. Theo tôi, nên cầu Chúa, Phật, Bụt và Thánh Allah phù hộ cho trẻ nghe thầy Tây nói và bắt chước cho chuẩn. Bạn có mọc gai ốc khi nghe con mình hát bài “Háo À Djù, Sầu, Thánh Kìu Háo À Djù!” chưa? “How are you, Sue? Thank you, How are you” đó. Nói thiệt, trẻ con mà sai phát âm từ khi 5 tuổi là lớn lên vô phương cứu chữa đó nghen.
Về ngữ nghĩa, trẻ 5 – 7 tuổi đang còn trong giai đoạn học khái niệm tự nhiên. Dạy nó đây là cuốn sách, kia là viết chì thì dễ, chứ thử dạy “I’m so embarrased” coi. Hay thử dạy nó nói đúng giữa hai câu “My English is good” và “I speak English well” coi nào. Nếu trẻ ở độ tuổi trên 10 và có thể hiểu tính từ và trạng từ, điều này vô cùng dễ. Thế nhưng tri thức nhân loại bảo rằng phải đọc truyện cổ cho con từ khi nó vài tháng, và cho học tiếng Anh lúc 3 tuổi cơ! Bởi thế nên các trung tâm chỉ dạy con bạn những thứ vớ vẩn nói vài lần là hết như đây là cái xe hơi, con búp bê này đẹp, quanh đi quẩn lại như thế, mà nó tính tiền bạn phát chóng mặt luôn, chưa kể nguy cơ nói sai linh tinh mà không có ai sửa.

Vậy phải làm sao bi giờ?
Lời tâm huyết đây nha. Tri thức nhân loại không lừa bạn đâu. Đúng là phải dạy ngôn ngữ cho bé từ nhỏ. Và vì chính bạn là người phải dạy, có tâm huyết với con mình hơn bất cứ thằng Tây ba gác nào, và bạn lại nói tiếng Việt chuẩn (Hmmmm, cố lên! cố lên!) nên hãy bắt đầu bằng tiếng Việt.
1. Hãy chuẩn bị cho con bạn tư duy ngôn ngữ thật tốt từ khi còn bé. Không phải bằng cách cho nó hát bài Háo À Djù, Sầu” 1000 lần đâu. Cũng đừng bắt nó nghe nhạc Beethoven khi 3 tháng tuổi. Hãy nói tiếng Việt thật chuẩn với bé. Câu đầy đủ, có đủ chủ ngữ vị ngữ. Phát âm tiếng Việt chuẩn. Yêu cầu bé nói đủ “Con rất thích chiếc xe này. Ba mẹ mua cho con đi!” thay vì “Nhun mà con thít. Mè mua!!! Mè mua!!”
2. Hãy quan sát con bạn. Sửa phát âm tiếng Việt cho nó. Nếu là người miền Nam, hãy cố để con bạn đừng nhầm dấu và phân biệt có G hay không G. Cha mẹ học cái này cũng vì quyền lợi bản thân đó nha! Đừng lo, con bạn đang sống trong môi trường bản ngữ tiếng Việt, tha hồ Direct Approach.
3. Hãy mua phim hoạt hình tiếng Anh chuẩn cho nó. Nhớ lựa phim có tiếng nói đàng hoàng, không phải loại phim phá tiếng nói lít cha lít chít, hay ồm ồm loằng nhoằng. Đã dùng Audio-Visual Approach thì phải lựa thứ xịn, ai lại xài đồ dỏm bao giờ! Hãy xem cùng với nó để hiểu nhân vật mà nó thích. Có thế mới nói chuyện với nó một cách cuốn hút được.
4. Đừng tự mình dạy con phát âm tiếng Anh nếu chính bạn phát âm không chuẩn. Đừng có hại con chớ!
5. Phải chấp nhận rằng có trẻ có năng khiếu ngôn ngữ, có trẻ không. Mà trẻ không có khiếu ngôn ngữ nhiều hơn. Nếu con bạn không có khiếu ngôn ngữ, lại càng phải cẩn trọng trong việc dạy nó thế nào cho khỏi lệch lạc. Hãy tự hào về gien của mình nếu con bạn có khiếu, và cũng đừng buồn nếu nó không có, vì chắc chắn nó có năng khiếu vụ khác. Biết đâu mai mốt con bạn làm Tổng thống, còn con nhà kia chỉ làm phiên dịch cho con bạn thôi thì sao!
6. Hãy dạy con bạn khái niệm tuỳ theo độ tuổi. Và hãy cho con bạn đến trường học tiếng Anh vào thời điểm mà bạn thấy con bạn có thể tiếp thu được một cách hiệu quả.
Làm những bước trên, bạn sẽ trang bị cho con:
• Khả năng tư duy ngôn ngữ chuẩn xác, hiểu một cách tự nhiên các bộ phận cấu thành của ngôn ngữ mà không đi vào lý thuyết.
• Tạo cho con khả năng điều chỉnh phát âm với môi trường bản ngữ xung quanh, có sẵn một người thầy tận tâm (chính bạn chứ còn ai) sẵn sàng sửa sai cho nó.
• Làm quen và trang bị cho con bạn các khái niệm trừu tượng bằng tiếng mẹ đẻ trước – bạn giải thích cho nó hiểu, khó gì! Tất nhiên hãy tạm chưa giới thiệu khái niệm “hồi xuân” là gì vội! Còn sớm chán, nhẩy?
• Tạo cho con bạn điều kiện liên tục tập rèn chức năng giao tiếp, thông tin của ngôn ngữ – Communicative Approach đó!
Khi con bạn có được những kỹ năng trên, con bạn đã sẵn sàng để tiếp thu ngôn ngữ mới một cách dễ dàng. Đừng mù quáng tống con vào trung tâm ngoại ngữ chỉ vì tri thức nhân loại bảo thế. Hãy yêu con bạn!
Chúc bạn thành công!
Tâm sự của người cha từng bắt con thôi học Anh văn sau vài buổi nấp ngoài cửa sổ quan sát.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Tin mới: Khai giảng lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa 7

Tại sao đưa tin này? Có một thành viên lớp E đang tham dự lớp... Khai giảng ngày 23/7, kết thúc sau 2 tuần.  Lớp do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hàng năm. Các bác có 12 ngày làm việc cật lực, thảo luận về tình hình văn học với các nhà thơ, nhà văn dày kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm hứng thú văn chương. Lớp có thành viên từ khắp các địa phương trong cả nước, người già nhất sinh năm 1928, người trẻ nhất sinh năm 1990. Tất nhiên các bác cũng phải chịu sự lên lớp của một thành viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương (không phải nhà văn nhà thơ) về những hiện tượng sai trái trong văn nghệ thời gian gần đây. Nghe xong nếu không tẩu hỏa nhập ma thì có thể có bản lĩnh làm văn làm thơ tiếp tục được. Sáu khóa trước, hàng chục người đã lên tay bút và trở thành Hội viên Hội Nhà văn. Lớp học đang tiếp tục, cần "bí mật", nên bản tin này chỉ nêu có thế thôi. Cũng nói thêm: Tôi chưa và không được may mắn tham dự lớp bồi dưỡng viết văn nào như thế này.(NXH).
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc

Thay một nén hương thắp cho các liệt sĩ vô danh

Ngày 27/7 - Ngày Thương binh liệt sĩ lại sắp đến. Người Việt Nam đã qua 65 lần bày tỏ niềm  tưởng nhớ các liệt sĩ và  lòng biết ơn các thương binh đã hy sinh cả cuộc đời hay một phần thân thể mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lần thứ 66 này tôi xin bày tỏ nỗi lòng mình tưởng nhớ các liệt sĩ vô danh trên khắp miền đất nước bằng một bài thơ. Thương các anh vì chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm rồi mà hài cốt vẫn chưa quy tập được, chẳng có mộ để người đời hương khói! (NCT)

VÌ SAO?
           Tưởng nhớ các liệt sĩ vô danh trên khắp miền đất nước

Vừa tròn mười tám tuổi
Đang học dở cấp ba
Anh phải đi bộ đội.
Buổi lên đường
Bàn tay thư sinh vẫy vẫy
Hẹn ngày chiến thắng trở về.

Hai năm sau
Chiến thắng chưa thấy đâu
Đã có giấy báo tử anh gửi đến!
Chẳng biết vì sao anh chết
Chỉ biết anh hi sinh ở mặt trận phía Nam.
Chẳng có ngôi mộ nào cho anh
Chỉ có Bằng Tổ quốc ghi công anh: liệt sĩ!
*
Bốn mươi năm mẹ anh lo nghĩ
Mơ có phép màu tìm thấy được anh
Dù chỉ là nắm xương tàn
Hay một phần thi thể...
Nỗi xót thương con suốt đời theo mẹ
Giờ mẹ đã đi tìm anh ở thế giới những linh hồn...

Anh nằm đâu giữa những mất còn
Mà nỗi buồn đau mãi đè nặng những người đang sống!
*
Những người thân của anh
Theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm
Đã vượt qua chặng đường ngàn dặm
Tìm anh nơi châu thổ phương Nam
Những cánh đồng rộng mênh mông
Xương cốt anh đang nằm đâu đó?

Tình cờ một ngày có người vấp ngã
Trên mảnh ruộng kia in dấu một hình hài!
Những người tìm mộ nghe văng vẳng bên tai
Tiếng anh khe khẽ gọi...
Họ đào. Họ bới.
Anh nằm đâu trong những lớp đất dày?
Rồi họ vét một ít đất gói vào vuông vải đỏ.
Họ tin đất kia là hài cốt một con người!
*
Anh đã về với quê hương
Trong lòng đất mẹ.
Những người sống đều tin như thế!
Tấm bia khắc tên anh giữa những hàng mộ chí
Ngôi mộ nào chỉ có đất bên trong?
Thắp hương lên mộ anh mà đau nhói trong lòng
Xương cốt anh ở đâu
Chàng trai hai mươi tuổi?
*
Còn bao nhiêu trai tráng tuổi đôi mươi
Xương cốt  họ vương vãi khắp nơi
Trên dải đất hình chữ S...
Vì sao các anh phải chết?
Vì sao linh hồn các anh
Mãi lang thang trong xứ vô danh?

Ẩn hiện đâu đây
những bàn tay vẫy
Những người ra đi
không có ngày về...
                                          (NCT-7/2013)

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Hãy dừng lại lắng nghe và suy ngẫm

Đã bao giờ bạn chợt nhận thấy mình đã sống quá vội vàng đến nỗi chẳng còn biết được hương vị của cuộc sống ra sao?
Tôi đã từng rất nhiều lần trải nghiệm những khoảnh khắc như thế và, khi ấy, tôi sẽ tìm cách hóa giải bằng một phương pháp cực kỳ đơn giản: tôi dừng mọi hoạt động lại, xem xét và lắng nghe.
Không tin, bạn hãy thử bỏ ra vài phút trong một ngày bận rộn nào đó, ngồi xuống cùng tôi và chúng ta cùng suy ngẫm xem sao.
          Bạn thử tưởng tượng mình đang ở giữa một làn xe cộ bị kẹt cứng và bạn đang cố gắng thoát ra để không bị trễ hẹn, bạn rất bực mình vì những người lái xe khác cứ cố chen lấn bạn một cách thô bạo. Lúc đó, có lẽ bạn chỉ còn tập trung vào mỗi một việc là tìm mọi cách để thoát ra khỏi cái mớ hỗn độn đáng ghét đó, thế rồi cuối cùng, ồ . . . nhẹ cả người, bạn cũng thoát ra được, chỉ bị trễ có vài phút.
Bạn có thấy được khi đang bị kẹt trong dòng xe cộ ấy, trông bạn như thế nào không? Chắc chắn bạn chẵng thèm bắt chuyện với ai vào lúc đó. Bạn có thấy hài lòng với chuyến đi như vậy không? Không, chắc chắn là không rồi! Vì bạn đã phải dốc toàn tâm cho việc định hướng và lái xe để thoát khỏi con đường đau khổ đó, còn thì giờ đâu mà quan tâm đến nhửng người xung quanh? Đấy chính là cuộc sống mà đa số chúng ta đang sống!
Nào, bây giờ bạn hãy tưởng tượng xem, nếu như mình tắt máy xe, bình tĩnh chờ đợi và bắt đầu nhìn ngắm những chiếc xe khác, quan sát những người lái xe, nhìn sang hai bên đường thấy một giàn dây leo mới nở hoa và trên trời cao, mây trắng đang trôi lững lờ... nhìn xuống bạn. Hãy thử cùng tôi dừng lại, xem xét và lắng nghe cuộc sống như thế xem sao.
Có lẽ bạn sẽ không đồng ý với tôi đâu vì bạn cho rằng làm như thế chẳng được lợi lộc gì, chẳng cải thiện được gì cho cuộc sống cả . . .
Nhưng, như một nhận định rất sâu sắc của Alan Watts (The Way of Zen): "Muốn làm trong một vũng nước bùn, ta phải để cho chúng có thời gian lắng đọng" . Thật vậy, khi dừng lại, xem xét và lắng nghe, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra nhiều điều rất thú vị. Bạn sẽ nhận thấy những người kia đang vội vã, lo âu, giận dữ y như hình ảnh của chính bạn đang phản chiếu trong gương. Nhưng bạn cũng nghe đâu đó vẫn có những tiếng cười hồn nhiên của trẻ em cùng cha mẹ để rồi bạn sực nhớ rằng mình đã bỏ lỡ rất nhiều điều tuyệt diệu trong đời.
Bạn sẽ còn nhận thức được nhiều điều kỳ diệu hơn thế nữa nếu biết dừng lại, quan sát và lắng nghe những suy nghĩ của chính mình. Bạn sẽ nhận ra mình đang có những ảo vọng sai lầm như thế nào, điều mà bạn 
không thể phát hiện nếu cứ sống vội sống vàng. Bạn sẽ nhận thức được đâu là những lo âu phiền muộn, những ray rứt của bản thân và phát hiện được chúng từ đâu đến. Bạn sẽ thấy mình tỉnh thức hơn và hoàn toàn có thể sống mà không cần chúng. Bạn sẽ dễ dàng vứt bỏ chúng khỏi đường đi cuả bạn.
Khi dừng lại, xem xét và lắng nghe, bạn sẽ biết rõ mình như thế nào.
Khi dừng lại, xem xét và lắng nghe, bạn sẽ học được những bài học vô giá trong cuộc sống.
Hãy bỏ ra vài phút mỗi ngày, dừng lại, xem xét và lắng nghe. Chắc chắn điều này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn theo một chiều hướng tích cực.
(PL- LPT sưu tầm)

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Chuyện hôn nhân của nhà thơ Xuân Diệu

Xuân Anh
“Anh có nhà có cửa/ nhưng không vợ không con”. Ấy là lời tự bạch của Xuân Diệu về tình trạng cô đơn của mình trong bài “Khung cửa sổ”.
Đúng là không có con, nhưng Xuân Diệu đã từng có vợ - NSND Bạch Diệp. Hai người đã chung sống trong một thời gian ngắn ngủi rồi chia tay. Bạch Diệp nay đã bước sang tuổi cổ lai hy. Gần đây, bà yếu đi nhiều, chân run run do bệnh viêm khớp của tuổi già. Trong căn nhà rộng mà hiu quạnh, bà ngồi lọt thỏm trong bộ ghế sa-lông cứng nhắc, khuôn mặt đăm chiêu nhăn nhúm vết thăng trầm thời gian. Sau một tiếng thở dài, những câu chuyện từ cõi lòng cứ thế mà bật ra. Đôi mắt sắc sảo của bà chợt ầng ậc nước, chợt ráo hoảnh…
Những ngày cuối đông năm 1957, trời Hà Nội rét căm căm. Ngày hôm đó, Tổng biên tập báo Nhân Dân - ông Hoàng Tùng gọi Bạch Diệp ở lại, giọng nửa đùa nửa thật: “Bạch Diệp ế đến nơi rồi, có muốn anh giới thiệu chồng không?”. Bạch Diệp giãy nảy: “Gớm, có già cũng không cần anh giới thiệu đâu. Em quen đầy người, việc gì phải nhờ anh”. Nói rồi, Bạch Diệp nhét tập tài liệu dầy cộp vào túi sách, toan về. “Nhưng… nếu đó là “một ông hoàng"?”, “Em không cần tiền!”. Bạch Diêp ngúng nguẩy, tự ái ra mặt. Hoàng Tùng xua tay cười: “Em bình tĩnh nghe anh nói đã…”. Hoàng Tùng lôi điếu thuốc ra. Châm lửa. Chậm rãi rít một hơi dài: “Người này anh ngắm kỹ cho em rồi, không ai xứng đáng hơn đâu. Không phải ông hoàng dầu lửa, mà là ông hoàng thi ca - Xuân Diệu đấy!”. Hoá ra, người mà tổng biên tập muốn giới thiệu cho cô phóng viên trẻ chính là Xuân Diệu. Bạch Diệp lúc này đã 27 tuổi, đẹp sắc sảo, mặn mà. Biết bao chàng trai ngưỡng mộ sự thông minh của nàng, nhưng không dám tiến gần, vì sợ nàng “chê”. Bạch Diệp thường vẽ một “bánh vẽ” về người chồng lý tưởng của mình, rồi “gặm nhấm”: “Chồng Diệp phải là người đàn ông tài hoa, lãng mạn. Người đó phải khiến Diệp kính phục. Nếu không, Diệp thà ở vậy còn hơn!”. Bởi thế, khi được “gán” với “ông hoàng của thi ca”, Bạch Diệp bỡ ngỡ lắm.
Nàng lao về nhà, đọc đi đọc lại những bài thơ tình của ông: “Em bước điềm nhiên không vướng chân/Anh đi lững thững chẳng theo gần/Vô tâm - Nhưng giữa bài thơ dịu/ Anh với em như một cặp vần… Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy/Lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Chắn hẳn, người phụ nữ nào được Xuân Diệu yêu sẽ hạnh phúc vô cùng! Sao không hạnh phúc khi được Xuân Diệu đối xử như một nữ hoàng, và được chàng yêu như trong thơ: “Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ?/Anh tham lam, anh đòi hỏi quá nhiều. Anh biết rồi, em đã nói em yêu/Sao vẫn muốn nhắc một lời đã cũ?”. Nghĩ vậy, mấy ngày sau, Bạch Diệp nhận lời “mai mối” của Hoàng Tùng.
Xuân Diệu tuy đã 41 tuổi, nhưng trông “rất thơ”. Vầng trán anh nở nang, cao vời vợi, che phủ một phần bởi những mớ tóc loăn xoăn, dấu ấn của con người Bình Định. Bạch Diệp vốn là người mạnh mẽ, nhưng bị “đắm chìm” ngay bởi cặp mắt nhìn đời và thiên nhiên sâu thăm thẳm, tựa như một nhà hiền triết. Thế nhưng, buổi nói chuyện đầu tiên tẻ nhạt hơn nàng tưởng. Những câu làm quen rời rạc, những mạch chuyện chệch hướng. Xuân Diệu không phải là người đàn ông biết đưa đẩy, rào đón phụ nữ. Hoá ra, người thơ và người thực chẳng thể là một. Bạch Diệp thoáng thất vọng. Những buổi hẹn hò sau, hai người thường đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng ra ngoại thành chơi. Trên những con đường trải đầy nắng và gió đông, Xuân Diệu khẽ khàng ngâm thơ. Bạch Diệp ngồi phía sau, lòng lâng lâng. Có lần, trời đổ cơn giông, Bạch Diệp nằng nặc đòi đội mưa về nhà, bất kể đang ốm. Xuân Diệu liền kéo nàng trú dưới hàng hiên nhà cổ. Anh rút khăn mùi soa, lau từng giọt mưa lấm tấm trên mặt nàng. Sau khi đưa nàng về, Xuân Diệu tặng nàng bài thơ: “Tôi cầm mùi dạ lan hương/Trong tay đi đến người thương cách trùng/Dạ lan thơm nức lạ lùng/Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”. Xuân Diệu rất yêu hoa và là người kỹ tính trong nghệ thuật này. Bất cứ lúc nào, trong nhà ông cũng có hoa tươi để bàn. Thuở đó, ông rất hay mua hoa hồng tặng Bạch Diệp. Những bông hồng tươi thắm, cánh hoa dầy ụ khiến đôi mắt Bạch Diệp thêm long lanh, má Bạch Diệp thêm nồng ấm. Xuân Diệu không có sự quyến rũ mạnh mẽ từ vẻ ngoài, cũng không có những câu nói đưa đẩy làm xiêu lòng phụ nữ. Bù lại, sự chu đáo của anh khiến Bạch Diệp tuy chưa hoàn toàn ưng ý, nhưng cũng “mủi lòng”. Đến gần ngày cưới, Xuân Diệu có qua nhà Bạch Diệp ăn cơm tối. Ba mẹ Bạch Diệp đón tiếp “chàng rể tương lai” rất nồng hậu. Mắt long lanh, anh tự ru mình và mềm mại khi đọc những bài thơ tình. Bạch Diệp nhìn anh say đắm, nhưng anh lại đưa mắt ra ngoài khung cửa sổ, lảng tránh. Dường như bài thơ tình đó không dành cho nàng. Giữa họ, một khoảng cách vô hình le lói hình thành.
Có lần, cô bạn đồng nghiệp kéo Bạch Diệp lại, hỏi: “Tao nghe người ta nói anh Xuân Diệu có vấn đề đấy! Mày phải xem lại đi, không nhỡ dở đời con gái”. Bạch Diệp gắt lên: “Vớ vẩn! Người ta ghen ghét, nói xấu anh Diệu thôi. Tao không hiểu anh Diệu thì ai hiểu đây?”. Nói thế nhưng Bạch Diệp không khỏi nghi hồ. Hai người sắp nên vợ nên chồng mà vẫn chẳng thể là một. Xuân Diệu lúc nào cũng “bâng khuâng”, “lãng đãng”. Hay vì nhà thơ thường như thế? Trước đám cưới vài ngày, Bạch Diệp giục Xuân Diệu đăng ký kết hôn nhưng anh lại ậm ừ cho qua, kêu bận sáng tác. Mấy hôm đó, nàng cũng thao thức không ngủ được. Chỉ mấy ngày nữa thôi, nàng sẽ trở thành “bà Xuân Diệu”, là “nữ hoàng” của thơ ông, thay thế tất cả những “người tình thơ” trước đó. Sau này, người yêu thơ sẽ nhắc đến nàng như nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng duy nhất trong thơ Xuân Diệu. Rồi hạnh phúc vợ chồng, nàng chưa biết gì ngoài những lời thủ thỉ của bạn bè đồng trang lứa. Nghe hứa hẹn, sẽ “ngọt ngào” lắm…
Đám cưới diễn ra vào cuối tháng 4 năm 1958, do báo Nhân Dân đứng ra tổ chức. Có rất nhiều bạn bè của Xuân Diệu tới chúc mừng. Họ toàn là những nhà thơ, nghệ sĩ tên tuổi. Bạch Diệp trong bộ áo dài đội voan trắng muốt, hạnh phúc vô cùng. Trước sự chứng kiến của mọi người, chàng và nàng nguyện "kề vai sát cánh đến suốt cuộc đời". Đêm tân hôn của… thi ca Đôi vợ chồng trẻ được thu xếp trong một căn phòng nhỏ, nhưng ấm cúng. Phía đầu giường là dòng chữ “Hỉ” đỏ chót dán lên tường. Chú rể vẫn chu đáo vậy, đun nước sôi, trút xuống chậu men, nhúng tay thử độ ấm và bảo nàng đi tắm. Rũ sạch mọi mệt mỏi, mùi xà phòng hương lài quận quanh người khiến nàng thêm khoan khoái. Nàng đã tưởng tượng ra khung cảnh như thế này, từ lâu lắm rồi: một căn phòng nhỏ leo lắt nến và hoa hồng. Cô dâu mới phải e lệ, ngượng ngùng ngồi đợi chồng bên mép giường. Chú rể vén rèm, bước vào. Hai người uống chung một ly rượu, cho men tình thêm say! Luồng sáng trong phòng phải mờ mờ ảo ảo. Bóng tối sẽ khiến hai người thêm tự nhiên và gần gụi. Sau một đụng chạm khẽ khàng, hai người yêu nhau như tự nhiên nó thế… Một bàn tay mềm mại đặt lên vai. Tim nàng đập thịch. Má đỏ bừng. “Em này, có thấy bút đâu không?”. Giật mình, nàng ngơ ngác: “Để làm gì hả anh?”. Xuân Diệu không trả lời, lục tung bàn, cúi xuống gầm giường tìm bút. Rồi anh thắp thêm nến. Ánh sáng khiến căn phòng như rộng ra, rộng mãi. Xuân Diệu ngồi bên bàn, cầm bút, giấy loay hoay, hì hụi. Đầu anh gục xuống, mái tóc bồng bềnh rối tung.
Bạch Diệp ngỡ ngàng: “Chẳng nhẽ anh ấy muốn làm thơ trong lúc này?”. Sau một hồi, Xuân Diệu hí hửng, đọc thơ cho nàng nghe. Bạch Diệp cố nhẫn nhịn. Đọc xong, chàng lại hì hụi viết tiếp, mắt nhìn ra cửa sổ bâng khuâng. Nàng bàng hoàng: chẳng nhẽ đêm tân hôn là như vậy? Đêm đó, Bạch Diệp thêm một lần mất ngủ. Vị ngọt rượu vang nơi đầu lưỡi hồi chiều đã nhanh chóng biến thành vị đắng. Đến sáng, hai người rẽ sang hai ngả đường. Đêm đêm, chàng vẫn miệt mài làm thơ. Nàng thở dài, kéo chăn đi ngủ trước. Mọi người tò mò hỏi chuyện đôi vợ chồng trẻ, nàng chỉ mỉm cười, mắt biêng biếc buồn. Nàng đang phải cắn-quả-sấu-của đời mình.
Ba tháng sau ngày cưới, Bạch Diệp trò chuyện cùng mẹ. Bà mẹ hạnh phúc nhìn con gái, hỏi nhỏ: “Thế mày đã có gì chưa? - Có gì là có gì ạ? Bọn con đã có chuyện gì đâu?”. Mẹ Bạch Diệp tái mặt. Bà cứ ngỡ, con gái lấy chồng sẽ nhanh chóng sinh cho bà đứa cháu kháu khỉnh, ngờ đâu… Tức giận, bố Bạch Diệp gọi chàng rể đến. Lúc đó, mọi người mới té ngửa: Xuân Diệu bị bệnh “tiên thiên”, không thể chữa trị. Mẹ Bạch Diệp thương con gái, khóc cạn nước mắt. Bà bắt hai người phải chia tay ngay, để Bạch Diệp khỏi lâu ngày mang tiếng xấu. Bố Bạch Diệp can ngăn: “Khuyết tật này chẳng ai muốn có. Hơn nữa con mình là người tri thức có tiếng, nên giữ thể diện cho nó. Bây giờ tìm mọi cách chữa trị trong ba tháng. Sau ba tháng nếu Xuân Diệu không tròn nghĩa vụ làm chồng, hai đứa phải chia tay”.
Bạch Diệp giờ biết chuyện của chồng, thương xót vô cùng. Suốt ba tháng đó, ngày ngày nàng đun thuốc nam cho chồng uống, tuyệt nhiên không một lời than phiền, trách móc. Mẹ Bạch Diệp đôn đáo xuống Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng xem bói. Nào là, “thằng chồng nó bị ma ám, phải đem lá bùa này về đốt, lấy tro phá với nước lã, bắt nó uống”. Rồi “xoay giường ra hướng khác, hướng này khí độc”…
Bạch Diệp hiện đang sống một mình, trong nhà chỉ có thêm một chú mèo Xuân Diệu thương vợ nhiều, nhưng không thể làm cho vợ hạnh phúc. Hơn nữa, Xuân Diệu càng biết lòng mình, qua cuộc hôn nhân với Bạch Diệp. Thời gian này, những bài thơ tình vẫn được tuôn rào rạt. Vẫn cuồng nhiệt vô bờ: “Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng/Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng/Gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm” (Xa Cách)
Một đêm nọ, Xuân Diệu không làm thơ. Chàng ôm vợ mình, siết chặt, nhẹ nhàng hôn lên môi, mắt và trán nàng. Rồi những nụ hôn cuống quýt, nồng ấm. Nàng lâng lâng. Dòng máu nóng chạy dọc suốt cơ thể. Nàng không còn bẽn lẽn, rụt rè. Nàng sẵn sàng đón nhận sự khát khao bị dồn nén bấy lâu. Nàng sắp bùng nổ…Nhưng chàng dừng lại. Bỏ ra ngoài phòng. Để lại sau lưng giọt nước mắt mặn chát của người vợ trẻ.
Sau này, khi hai người chia tay, họ vẫn coi nhau là bạn. Một lần vô tình gặp trên phố, khi Xuân Diệu đương mua hoa. Họ chào nhau, hỏi chuyện như những người bạn lâu ngày gặp mặt. Đến khi ra về, Bạch Diệp nhìn dáng Xuân Diệu mãi, cho đến lúc anh nhạt nhoà vào đám đông, chợt đắng đọt: “Sao anh ấy cháy bỏng và nồng nhiệt trong thơ dường vậy, lại không thể nồng nhiệt trong đời thực?”. Gần năm mươi năm sau, không một lời oán trách, Bạch Diệp khẽ khàng: “Có lẽ ông ý chưa hiểu hết mình nên mới lấy tôi. Đừng viết gì về ông ấy, có viết, viết về những bộ phim của tôi đây này”. 
Dù không nói ra, nhưng những tiếng thở dài đau đáu đã nói lên tất cả. Không muốn chạm sâu thêm vào nỗi đau đó, tôi từ bỏ ý định muốn xem tấm ảnh cưới của bà và Xuân Diệu. Bởi với bà, “Xuân Diệu là những gì hư ảo trong cuộc đời, những kỷ niệm vô cùng đẹp nhưng không có thật”. Nên chăng, hãy để chúng nằm yên như nỗi đau được chôn giấu tự thuở nào.
Mãi đến năm 40 tuổi, Bạch Diệp mới đi bước nữa, với ông Nguyễn Đức Tường, người thực sự thắp ngọn lửa yêu thương trong cuộc đời bà. Ngày 18 tháng 12 năm 1985, Xuân Diệu qua đời, sau một cơn đau tim đột ngột tại Hà Nội. Bạch Diệp đến, đặt một bó hoa trắng lớn (chứ không phải vòng hoa) lên nắp quan tài. Lần này, bà “tặng” ông bó hoa cuối cùng. Trong tiết trời đông lạnh cóng, bà đã đứng “bên ông”, đưa ông về nghĩa trang Mai Dịch. Một cách trọn vẹn, Bạch Diệp là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời Xuân Diệu.
 (XUÂN ANH)

Chuyên mục kinh tế: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam

Gần đây có người chỉ ra rằng, thực ra thời gian cần thiết để lấp đầy khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người (TNBQĐN) giữa Việt Nam và các nước trong khu vực không thực sự lớn như chúng ta vẫn được biết đến (chẳng hạn WB cho rằng cần 145, thậm chí 158 năm, để Việt Nam đuổi kịp Singapore), nếu trong tính toán chúng ta sử dụng tốc độ tăng trưởng TNBQĐN của Việt Nam và các nước này trong giai đoạn 1990-2010, thay vì dùng giai đoạn 2001-2007 như WB đã tính toán. BlogE xin giới thiệu bài phân tích của Tiến sĩ Phan Minh Ngọc, một chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Chi nhánh Singapore để các bạn độc giả biết thêm về vấn đề này (BBT).

Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người
của một số nước Đông Nam Á
(Đô la Mỹ)
Theo tỷ giá hiện tại
Theo sức mua ngang giá (PPP)

1990
2010
Tăng (lần)
1990
2010
Tăng (lần)
Việt Nam
98
1.224
12,5
654
3.185
4,9
Singapore
11.841
41.987
3,5
18.225
57.791
3,2
Indonesia
620
2.950
4,8
1.450
4.304
3,0
Thái Lan
1.495
4.613
3,1
2.841
8.500
3,0
(Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB)

Theo bảng trên thì TNBQĐN của Việt Nam tăng tới 12,5 lần trong khoảng 1990-2010, bỏ xa các nước khác trong bảng. Trong khi đó, trong 20 năm này GDP thực của Việt Nam (tính bằng đồng theo giá cố định) chỉ tăng ở mức 4,4 lần (với tốc độ tăng trưởng GDP thực trung bình là 7,4%/năm). Vì mức tăng dân số trong 20 năm này là 1,3 lần, nên rốt cuộc mức tăng TNBQĐN tính bằng đồng theo giá cố định chỉ còn 3,4 lần (=4,4/1,3).

Vì thế, mức tăng TNBQĐN tới 12,5 lần trong vòng 20 năm là một mức tăng thần kỳ. Vậy sự thần kỳ này do đâu mà có?
Trong bài này ta sẽ “dựng lại” cách tính TNBQĐN để tìm câu trả lời. TNBQĐN tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại (như Bảng 1) được tính theo công thức sau:
Mức tăng GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại = (Mức tăng GDP thực) x (Mức tăng chỉ số giảm phát GDP) / (Mức tăng tỷ giá tiền đồng) (1)
Mức tăng TNBQĐN = (Mức tăng GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại) / (Mức tăng dân số) (2)
Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) của Việt Nam tăng tới 11,3 lần trong thời kỳ 1990-2010. Như nói ở trên, trong cùng thời kỳ này, GDP thực tăng 4,4 lần và dân số tăng 1,3 lần. Ngoài ra, tỷ giá tiền đồng tăng 3 lần trong cùng thời kỳ (số liệu search trên internet).
Đưa các số liệu này vào các công thức (1) và (2), ta có mức tăng GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại là 16,6 lần, và mức tăng TNBQĐN là 12,7 lần, rất sát với mức mà WB tính như ở Bảng 1 (khác biệt có thể chỉ do làm tròn số). Điều có ý nghĩa hơn là ta đã thấy được dấu vết dẫn đến sự tăng trưởng “thần kỳ” của TNBQĐN của Việt Nam. Đó chẳng qua là do chỉ số giảm phát GDP của Việt Nam tăng quá nhanh (bởi lạm phát cao), tới 11,3 lần trong 20 năm, làm cho GDP tính bằng đồng theo giá hiện tại tăng tới 49,7 lần (4,4x11,3), trong khi tỷ giá tiền đồng tăng chậm hơn nhiều, 3 lần, trong 20 năm.
Nói cách khác, chính lạm phát cao trong khi tiền đồng bị phá giá với tốc độ nhỏ hơn nhiều (tức tiền đồng lên giá thực rất mạnh) là nguyên nhân chính làm cho GDP bình quân đầu người tính bằng đô la Mỹ/người ở Việt Nam đã tăng một cách thần kỳ.
Với phát hiện này, ta có thể thấy rằng so sánh thu nhập bình quân đầu người tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại, và dự tính mức tăng của nó giữa các nước khác nhau để thấy được khoảng cách tụt hậu giữa các nước thực ra sẽ không mang lại kết quả có ý nghĩa lắm, khi tốc độ lạm phát và phá giá bản tệ không được tính đến (controlled). Nếu chỉ đơn giản vậy thì con đường ngắn nhất để những nước tụt hậu như Việt Nam rút ngắn khoảng cách về thu nhập bình quân sẽ là việc tạo ra lạm phát cao trong khi áp dụng một tỷ giá chính thức ổn định hoặc biến động không đáng kể trong nhiều năm.
Với cách thức này, thậm chí Việt Nam có khi chỉ cần chừng chục năm để đuổi kịp Singapore, chứ không phải là 158 năm hay 145 năm như người ta chỉ ra!
Do nhược điểm lớn của việc tính/so sánh thu nhập bình quân đầu người dựa vào GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện hành, WB và các tổ chức thế giới mới phải đưa thêm tính toán áp dụng PPP như trong Bảng 1. Và theo bảng này thì PPP trên đầu người của Việt Nam chỉ tăng 4,9 lần trong 20 năm, không quá khác biệt so với khi tính theo tốc độ tăng trưởng GDP thực tính gộp trong 20 năm này (4,4 lần).
Với các tính toán dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP thực hay PPP như thế này thì sẽ chẳng còn phép thần kỳ nào cho Việt Nam, và còn khá lâu Việt Nam mới đuổi kịp Indonesia, chưa nói đến Thái Lan, càng không dám nói gì đến Singapore.
                                                                                        TS PHAN MINH NGỌC