Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Dân số già và những hệ lụy

Nhân ngày dân số thế giới (11/7), Blog E xin có mấy lời bàn về tình trạng dân số Việt Nam để độc giả biết về những mối quan ngại đối với dân số nước ta.

Nếu năm 2009, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm  là 9% dân số thì đến năm 2010, con số này là 9,4% (tăng 0,4%). Dân số Việt Nam đang già hóa với một tốc độ rất nhanh. Theo dự báo khoảng hơn 10 năm nữa, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già. Theo đó sẽ có rất nhiều hệ lụy đối với các vấn đề dân sinh, kinh tế và xã hội của đất nước…


Báo động sự già hóa dân số…
Cách đây chừng 6 - 7 năm, chúng ta vui mừng nhận được thông tin từ các cơ quan quản lí dân số và thống kê dân số quốc gia cho biết: Việt nam đang ở thời kỳ Dân số vàng. Đó là một giai đoạn hết sức tốt đẹp đối với bất kỳ một quốc gia nào trong sự nghiệp phát triển kinh tế và trên thực tế đó còn là kết quả của một quá trình vận hành hết sức khó khăn của chiến lược dân số của mỗi quốc gia.

Thời kỳ Dân số vàng là gì? đó là thời kỳ mà, xét theo cơ cấu dân số thì tổng số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 59 tuổi) cao hơn tổng số người phụ thuộc (từ 0 đến 14 tuổi và người 60 tuổi trở lên).
Vì sao lại gọi thời kỳ này là thời kỳ Dân số vàng? Vì số người lao động làm ra của cải cho toàn xã hội là cao nhất, động lực chính mạnh mẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, phát triển xã hội toàn diện lớn nhất.
Để cho tổng số người phụ thuộc (từ 0 đến 14 tuổi) không được tăng lên quá giới hạn, mà trên thực tế những năm 80, 90, của thế kỷ trước, trẻ con được sinh ra quá nhiều (ở VN gọi là thời kỳ Bùng nổ dân số) nên mọi cố gắng của chúng ta phải có chiến lược hạn chế sinh đẻ, mỗi người chỉ nên đẻ 1 đến hai con. Nỗ lực ấy đã đem lại kết quả là mức sinh thay thế năm 2009 chỉ còn 2,03%.
Vậy rõ ràng là điều chỉnh được sự sinh đẻ đã đem lại cho chúng ta có được hơn một thập kỷ phát triển kinh tế khả quan về rất nhiều mặt.

Đến thời kỳ này, sau hơn môt thập kỷ, nhìn vào cơ cấu dân số cả nước, ta thấy: Tổng số người già từ 60 trở lên năm 2009 đang từ 9% sang đến năm 2010 đã tăng vọt lên 9,4% tổng số dân. Theo cách tính toán khoa học, các nhà nghiên cứu đã dự báo tốc độ già hóa sẽ không dừng lại ở 0,4% mà là 0,5 đến 0,6% và chỉ tới năm 2025 dân số nước ta bước vào thời kỳ Dân số già.
Theo quy luật thì khi một đất nước bước sang thời kỳ dân số già là khi nền kinh tế đã phát triển. Nhưng đáng quan ngại, ở Việt Nam bước sang thời kỳ cơ cấu dân số già thì kinh tế mới là một quốc gia vừa thoát nghèo. Trong khi các nước trên thế giới thời gian dân số từ "già hóa" sang "già" trải qua thời gian rất dài, khoảng từ 25 - 85 năm, thì ở Việt Nam, theo dự báo quá trình đó lại diễn ra chỉ trong vòng có 20 năm.

…Những hệ lụy


Ngành y tế cho biết việc chăm sóc y tế cho một người già có chi phí gấp 8 lần chăm sóc y tế cho một đứa trẻ. Do chính sách an sinh xã hội được tăng dần lên, người già sống sau hưu trí tăng cao thêm tuổi thọ. Vì vậy, áp lực y tế tăng lên và tiền trợ cấp cũng phình ra lớn hơn, chính sách an sinh xã hội cần phải phong phú, nhiều mặt hơn mới có thể dần dần đáp ứng được. Ở nước ta hiện nay cơ sở y tế chăm sóc người già còn rất ít. Các cơ sở nghiên cứu Đông y, sản xuất thuốc Đông y chưa đáp ứng được nhiều, trên thực tế thuốc chữa bệnh cho người già, phải nhập ngoại với giá rất cao...
Dân số già đương nhiên cơ cấu nghề phải thay đổi. Sự thay đổi đó người trong độ tuổi lao động phải chịu gánh nặng, bởi nguồn lao động khỏe mạnh, dồi dào sức lực không những không được tăng lên mà lại giảm đi ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lao đông cho phát triển kinh tế.

Tại một cuộc họp công bố số liệu điều tra về dân số và nhà ở năm 2010, bà giám đốc Quỹ dân số liên hiệp quốc (UNFPA) khu vực châu Á Thái Bình Dương Nobuko Horibe cho biết, dân số già còn ảnh hưởng trực tiếp đến công bằng xã hội.
Tại cuộc họp báo về công tác Dân số và Phát triển được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2011, Ngài Bruce Campbell - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “….Việt Nam sẽ chính thức vào thời kỳ già hóa dân số năm 2017 và vào giai đoạn Dân số già năm 2035…. Chăm sóc người già là một chính sách quan trọng mà nhà nước luôn nhấn mạnh trong các giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy vậy các chính sách này còn chưa được đầy đủ dẫn tới các chính sách cho người già chưa thực sự phát triển, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng dành cho người già còn thấp, quỹ hưu trí chưa ổn định và còn nhiều bất cập liên quan tới bình đẳng giới và bất bình đẳng giữa các thế hệ….”.

Vậy đứng trước dự báo thời kỳ Dân số già chúng ta nên có những hành động thiết thực như thế nào để đảm bảo an sinh xã hội và tiếp tục duy trì phát triển kinh tế đất nước? Chúng ta cần khuyến khích người già trực tiếp tham gia lao động xã hội với mọi công việc thích hợp như nghề thủ công, làm vườn, xây dựng trang trại hoa trái, cây ăn quả tạo nên những thương hiệu uy tín từ mảnh vườn làng xã, góp sức tổ chức các quỹ khuyến học, lập các thư viện hảo tâm của thôn làng, trồng cây thuốc nam, nghiên cứu đông y, mở các cuộc vận động biết cách tự chăm sóc sức khỏe tốt hơn...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét