Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Chuyên mục kinh tế: bài 2

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 với điểm nổi bật nhất chính là quy định mới về thuế suất. Thứ nhất, giảm thuế TNDN từ 25% xuống còn 22% từ ngày 01/01/2014 và sẽ giảm xuống còn 20% từ ngày 01/01/2016 trừ các trường hợp quy định khác và các trường hợp được ưu đãi thuế suất. Thứ hai, sẽ áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, doanh thu này được căn cứ vào doanh thu của năm trước liền kề, mức thuế suất này được áp dụng từ ngày 01/7/2013.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, Blog E xin nêu ra một số nhận định để bạn đọc cùng trao đổi (BBT)

GIẢM THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP - CHUYỆN KHÔNG ĐƠN GIẢN

Mới nghe qua, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22%, thậm chí còn 20% là đáng hoan nghênh vì đây sẽ là một động lực cho giới doanh nhân bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra công ăn việc làm cho xã hội.
Thế nhưng câu chuyện sẽ không còn đơn giản như thế nếu phân tích kỹ hơn, sâu hơn một chút. Trong dự toán ngân sách năm 2013, thu thuế thu nhập doanh nghiệp ước chừng trên 220.000 tỷ đồng, cỡ bằng chi cho giáo dục – đào tạo, dạy nghề và chi cho y tế. Dự toán này được tính toán trên thuế suất phổ biến là 25% (dĩ nhiên có rất nhiều dự án được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, 15%, 20%). Nay thuế suất giảm xuống 23% hay 22% thì chắc chắn con số không còn là 220.000 tỷ đồng nữa mà phải giảm xuống, giảm bao nhiêu thì Bộ Tài chính đã tính được ra con số ước lượng cho năm tới khi bắt đầu áp dụng thuế suất mới.
Vì thế những ý kiến nói, do doanh nghiệp đang lỗ, không có lợi nhuận nên con số thu thuế không giảm, không mất đi đâu cả là không chính xác. Có lẽ khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Các đồng chí bảo mất tôi không tin, họ có làm ra đâu mà nộp, không nộp lấy gì mà thu thuế” thì đây chỉ là “cách nói khéo” để “động viên” Chính phủ tìm cách giảm thuế nhanh cho doanh nghiệp hòng vượt qua khó khăn hiện nay!
Điều đáng nói, một khi ngân sách giảm, chi tiêu sẽ bị ảnh hưởng. Chi tiêu đó có thể cho những dự án lãng phí nhưng cũng có thể là cho các dự án xóa đói giảm nghèo, các dự án xã hội. Chính vì vậy, chính phủ các nước thường rất cân nhắc mỗi khi giảm thuế cho giới kinh doanh bởi người dân sẽ phản đối do các chương trình an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng.
Cân nhắc giữa hiệu ứng lan tỏa lâu dài của một môi trường kinh doanh hấp dẫn nhờ có thuế suất thấp với hiệu ứng trước mắt khi phải cắt giảm chi tiêu ngân sách là một cân nhắc khó chứ không phải là chuyện đơn giản.
Chúng ta hãy lấy thêm một ví dụ cụ thể để thấy nếu làm không khéo sẽ dẫn đến bức tranh nghịch lý không mong muốn. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho báo in, kể cả quảng cáo trên báo được đề xuất giảm xuống còn 10%. Mới nhìn qua thì đây là chính sách rất hợp tình hợp lý, giúp báo chí vượt qua một giai đoạn đang rất khó khăn hiện nay. Nhiều lập luận cho rằng báo chí hoạt động không mang tính thương mại, chủ yếu để chuyển tải thông tin mọi mặt đến với xã hội…
Nhưng liệu có ổn không khi giảm thuế xuống còn 10% cho cả các tờ mang tính giải trí, mua bản quyền của nước ngoài, đang mang măng-sét tiếng Anh như các tờ “Her World”, “Cosmopolitan”, “Esquire”, “Women’s Health”, “Elle”, “Bazaar”… Các sạp báo bây giờ tràn ngập các loại báo này trong khi các tờ tạp chí khác dần dần biến mất. Các tờ mang tính nghiên cứu thì càng khó ra sạp hơn nữa. Nhưng nếu đặt ra các tiêu chí để được hưởng thuế suất thấp cũng khó vì sẽ mang nặng tính xin-cho như trước. Đặt ra yêu cầu không giảm thuế đối với những tờ nhượng quyền từ nước ngoài cũng khó vì sẽ có những tờ nhượng quyền mang tính khoa học – công nghệ cần khuyến khích lại bị ảnh hưởng.
Thật ra có những cách giúp báo in thiết thực hơn đã không được chú ý. Đó là bãi bỏ trần khống chế chi phí khuyến mãi, quảng cáo được xem là hợp lý để được khấu trừ cho doanh nghiệp. Hiện nay mức trần là 10% và đang được xem xét nới lỏng đến 15%. Tại sao không bỏ hẳn quy định rất “đặc thù” chỉ có ở Việt Nam này bởi nó vừa giúp doanh nghiệp được rộng tay quảng bá hình ảnh, vừa giúp mở rộng thị phần quảng cáo cho báo chí. Một công đôi việc – vì sao vẫn còn ngần ngại?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét