Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Thiên di (Câu chuyện của tôi - NXH)

Cuộc sống có nhiều biến đổi, trong đó chuyển đổi công việc, nơi sinh sống được cho là chuyển đổi rất lớn. Ngày xưa, gọi là “thiên di” cũng không sai.
Năm 1996, tôi đang ở Nhà máy thủy tinh Hải Phòng, làm Phó quản đốc Phân xưởng Thủy tinh, so với các cán bộ cấp phòng ban, phân xưởng, thì tôi thuộc loại trẻ nhất. Tuy nhiên, cũng được Giám đốc liệt vào loại ngang bướng nhất. Xem chiều hướng phát triển của nhà máy, tôi tiên đoán nó đang đi vào ngõ cụt, tắc tị, và chắc chắn sẽ đổ vỡ. Một trung tâm sản xuất thủy tinh lớn nhất nước, nhưng cuối cùng chỉ chăm chăm làm cái chai đựng rượu, bằng loại máy và công nghệ năm 1956 của CHDC Đức. Giám đốc Nhà máy có khoa nói ba hoa, nhưng chỉ dứt thiết bị ra bán sắt vụn, không chịu cải tạo cơ bản nhà máy. Đội ngũ công nhân tay nghề cao dần dần về hưu và mất dần. Tôi đã gặp Giám đốc, đề nghị quay lại sản xuất kính xây dựng và thủy tinh dân dụng, đó là những thế mạnh quá khứ của nhà máy. Tuy nhiên, giám đốc cười khẩy. 

Trong thời gian đó, một đối tác Phipippin đến và muốn liên doanh với nhà máy cũng để làm chai thủy tinh. Họ đã nhìn hệ thống lò của Nhà máy với con mắt ngạc nhiên thú vị. Thử tính thế này: Khi đó, một lò của nhà máy thủy tinh công suất 20 tấn/ ngày, khi sản xuất 2 lò thì 40 tấn/ngày, với hơn 200 công nhân, tôi làm Phó quản đốc. Phục vụ cho lò thủy tinh này, trái tim nhà máy, là phân xưởng cơ khí-điện, phân xưởng nguyên liệu, phân xưởng nhiên liệu (khí hóa than). Đối tác đã “trình bày” một nhà máy có lò công suất 120 tấn/ngày (gấp 6 lần lò cũ) mà số người vận hành toàn bộ khoảng 40 người (bằng 1/10 nhà máy hiện tại), công nghệ của Tư bản Tây Ban Nha đang giãy chết.
Nhìn quanh Hải Phòng, tại Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong, ông Chất giám đốc Nhà máy đã xoay chuyển tình hình nhà máy, chuyển từ việc làm mấy cái dép nhựa, sang làm ống nước, và đưa nhà máy tiến vượt bậc. Song, nhà máy Thủy tinh lại không có giám đốc trẻ như ông Chất, mà có một ông giám đốc còn mấy năm nữa về hưu, ba hoa thì tài, nhưng không dám làm gì cả. Quây quanh giám đốc như vậy là một đội ngũ nịnh thần rất giỏi…
Tôi thấy tình hình như vậy, và muốn tìm một chân trời khác. Tôi nghĩ, coi như về Hải Phòng đã lỡ, và sai lầm rồi. Nếu cứ ở Hải Phòng, dù có làm đến Giám đốc nhà máy cũng chả làm gì, có thể kiếm được thêm nhiều tiền hơn, nhưng rồi con cái khi đi học đại học ở Hà Nội, cũng chỉ đủ mua một cái nhà cho các con là hết. Giờ phải hy sinh đời bố, củng cố đời con vậy. Nghĩ thế, tôi quyết tâm chuyển đi Hà Nội.
Khi đó, Bộ Công nghiệp nhẹ có chủ trương đào tạo quy chuẩn cán bộ. Bộ gửi công văn cho các nhà máy, bắt buộc phải cử cán bộ cấp Phòng ban, Phân xưởng dưới 40 tuổi đi học đại học kinh tế, học tập trung chương trình 24 tháng bằng thứ 2 ở Trường Đại học kinh tế Quốc dân. Nhà máy Thủy tinh họp lãnh đạo, cử người đi học, nhưng danh sách 2 người đi học không có tôi. Vì tôi không được giám đốc coi là nguồn đào tạo kế cận. Trong khi đó, những người được cử đi học thì đều tìm lý do để trốn. Đang có tí chức, đi học 2 năm là có người thay thế, học xong biết có chỗ nào ok hơn không, nên ai cũng không muốn đi học. Đi học là mất ghế, mất nguồn lương nuôi vợ con. Trong khi đó, tôi nhìn thấy đây là cơ hội đi học và tiếp tục chuyển đi. Tôi lên lãnh đạo nhà máy xin đi học, thì được cái lắc đầu, dĩ nhiên có lý do là tôi đang ở vị trí rất quan trọng, lãnh đạo phân xưởng chính.
Tôi nói chuyện với Trần Hồng Kỳ, ông Kỳ bèn ra tay, nói gì đó với một ông ở Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công nghiệp nhẹ. Ông này bèn alo xuống nhà máy. Nếu nhà máy báo cáo không có ai đi học là sai, mà lại có tôi đang sẵn sàng đi. Thế là lãnh đạo nhà máy gọi tôi lên, ok cho đi học.
Coi như chuyện đi học là xong, ông Trần Hồng Kỳ chỉ nói một câu mà tôi biến thành học viên đi học đào tạo nguồn cán bộ cho nhà máy. Tôi đã phải học hành chăm chỉ, ở nội trú cùng với hơn 1 chục người, học xong chương trình đại học kinh tế trong 18 tháng, còn 6 tháng làm đồ án. Đến khi học xong rồi, thì chuyện làm thế nào ở lại Hà Nội lại đặt ra. Ở nhà máy, người ta đã dọn 1 chỗ cho tôi làm Trưởng phòng Thí nghiệm ở Nhà máy Liên doanh, lương khi đó cũng rất khá. Hoặc là trở về tiếp tục làm Phó quản đốc, rồi nhanh chóng thay thế chân các bác về hưu hàng loạt. Giám đốc ký quyết định cho tôi đi học, cũng sắp về hưu.
Thời kỳ đó, xảy ra chuyện thi vào báo Đầu tư, thế là tôi ở lại tạm làm báo… (chuyện này tôi đã kể rồi)
Khi chuyển gia đình lên Hà Nội, thật là một thời kỳ gian nan. Con cái nhỏ, xin học cũng gian khổ. Bán nhà to ở Hải Phòng xong, mua được chỉ một mảnh đất. Toàn bộ 11.000 USD xây nhà là do bạn bè cho mượn. Ghi chú, số tiền này tôi đã trả hết khoảng 5-6 năm sau, nhưng còn khoản 800 USD của ông Kỳ thì vẫn được cầm để lấy lộc. Nếu ông Trần Hồng Kỳ thiên di, tôi sẽ trả nhân dịp đó.
Kết quả: Cho đến nay, toàn bộ nhà máy cũ của tôi đã ngừng, công nhân thủy tinh Hải Phòng coi như hết, chỉ còn bộ phận liên doanh vẫn túc tắc làm việc. Các bạn học bằng 2 kinh tế với tôi, gần đây đã khá nhiều người làm to, Tổng giám đốc (Công ty Bia rượu nước giải khát, công ty Giấy… vân vân), nhưng tôi thì số trời, chuyển khỏi ngành kỹ thuật, lang bang trong một lĩnh vực gọi là văn chương nghệ thuật. Đôi khi, có người (như tôi) không may mắn được làm 1 việc trong cuộc đời, mà bắt buộc phải chuyển nghề, chuyển nơi sinh sống. Người tính không bằng trời tính là như vậy. Tuy nhiên, vào thời kỳ nhìn thấy những ngày về hưu, tôi lại mỉm cười và tự cho rằng mình đã may mắn. Một nguyên nhân là có bạn bè giúp đỡ, một nguyên nhân nữa là máu thiên di sẵn có trong mình, không an phận thủ thường, quyết tìm con đường tự do cho riêng mình…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét