Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

GHI CHÉP TỪ TỐI “THẮP NẾN TRI ÂN”

Tối qua. 26/7/2013, có một sự việc đến với Hải Yến. Em không thể không chia sẻ cùng mọi người. Và em lại chỉ biết viết đôi dòng lên blog của các anh. Em phải gửi ngay hôm nay: ngày 27 tháng bảy.
 (Hải Yến)

   Tôi đến nghĩa trang liệt sĩ - nơi có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện - vào lúc 19 giờ. Buổi lễ Thắp nến tri ân chưa bắt đầu. Một số đoàn viên đang trang trí, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng. Nhìn vào khoảng sân rộng phía trước ba nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ của huyện nhà, tôi thấy 50 học sinh của tôi đã hàng ngũ chỉnh tề, ngay ngắn. Nhóm giáo viên của  trường được tôi phân công làm nhiệm vụ quản lí học sinh đang đứng ngoài cổng nghĩa trang.
  Tối 26 tháng 7 năm nào, huyện cũng tổ chức "Lễ Thắp nến tri ân" với một chương trình rất có ý nghĩa. Từ những tiết mục văn nghệ, những lời ngợi ca, bày tỏ lòng thành kính biết ơn, đến lễ dâng hương, thắp nến tưởng nhớ công lao hi sinh vì đất nước quê hương của các anh hùng liệt sĩ. Trường tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc khu Đài tường niệm này. Một tháng hai lần, các em học sinh quét dọn, nhặt cỏ, tỉa cây. Và tối 26 tháng 7 nào các em cũng tham gia Lễ Thắp nến tri ân. Những hành động hướng về cội nguồn của những người đang sống, thiết thực hơn bao nhiêu bài học giáo điều. Chúng tôi cho các em học sinh tham gia như một hoạt động ngoại khóa sinh động. Chúng tôi muốn gắn thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước với quá khứ, với cha anh như thế.


  Nhưng buổi lễ tối nay … Tôi nhìn trời lo âu. Oi ả quá. Đài báo sẽ có mưa to. Giá buổi lễ tiến hành sớm hơn một chút … Gần 19 giờ 30 phút rồi. Mấy cậu giáo viên trẻ rỉ tai tôi: Vì những đại biểu quan trọng nhất chưa đến, chị ạ …
  Gió đã nổi lên, rồi mưa lác đác. Và mưa như trút nước. Chúng tôi cho các em học sinh lên trú mưa ở ba nhà bia. Tôi mở vội cốp xe máy của mình lấy ra áo đi nắng và áo đi mưa, đưa cho một học sinh và một cô giáo – cô ấy đang mang em bé nên lạnh quá, giục đi lên nhà bia đứng cùng mọi người cho ấm. Còn mấy chục người chúng tôi, từ đoàn viên, công an, bộ đội, giáo viên … không kịp băng qua khoảng sân rộng, đành đứng dưới mái cổng nghĩa trang. Nhưng chẳng mấy chốc, mưa to gió lớn làm chúng tôi ướt hết. Lạnh cóng. Tôi chắp tay, hướng vào trong nghĩa trang, khấn lầm rầm trong đêm tối, cầu vong linh các liệt sĩ phù hộ cho mây tạnh mưa tan, cho buổi lễ  được tiến hành tốt đẹp, cho các em học sinh của tôi về nhà an toàn trong đêm tối.
  Nhưng gió mưa vẫn phũ phàng không biết bao giờ mới tạnh. Trời khóc vì thương nhớ các vong linh liệt sĩ hay đây là lời trách những người đang sống chúng tôi? Có thể lắm chứ. Còn bao điều mà những người đang sống chưa làm trọn nghĩa vẹn tình với những mất mát hi sinh của các anh …Hơn một giờ đã trôi qua. Sấm sét dã bớt nhưng mưa vẫn còn to lắm. Lác đác, phụ huynh học sinh đi xe máy đến đón con về. Tôi gọi cho bảo vệ trường nhắc về mấy chục chiếc xe đạp của các em ở lán xe trong trường, bởi ngày mai học sinh mới đến lấy được. Mưa ngớt, đã quá 21 giờ. Phông trên lễ đài đã đổ. Những vị khách quan trọng chưa kịp đến thì càng chẳng thể đến đây. Tôi nhắc mấy giáo viên của mình đưa nốt mấy em học sinh chưa có mẹ cha đến đón. Tôi cũng về cùng một cậu trò. Nước ngoài cổng nghĩa trang chảy không kịp, ngập tới lưng bánh xe. Có hai cây số về nhà, hôm nay sao đi mãi? Những vũng nước loang loáng trong ánh đèn pha …
  Tôi mở cốp xe. Và giật mình: Rơi mất ví rồi! Tôi chỉ kịp kêu như thế và quay xe. Con gái đang nghỉ hè, chạy theo tôi. Cho con đi tìm với! Chồng và con trai cũng phóng xe máy theo sau. Mọi hôm đi công việc một lúc gần nhà vào buổi tối, tôi thường không mang ví. Nhưng hôm nay, khi đi, tôi nghĩ tới những năm trước, tối mùa hạ nóng nực, học sinh khát nước khi ngồi mấy tiếng đồng hồ, tôi đã bỏ ví vào cốp xe. Và hẳn nó bị rơi khi tôi vội lấy áo đi nắng, đi mưa. Lúc giông gió tối mờ, tôi đã không nhớ tới cái ví mình để phía trên mấy cái áo. Tiền thì chỉ có hơn một triệu thôi. Nhưng tất cả giấy tờ tùy thân, bao giờ đi xe máy tôi cũng mang theo. Cả cái thẻ ATM nữa chứ! Ngày kia tôi đi công tác, làm sao có thể rút tiền? Chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, đăng kí xe, thẻ bảo hiểm các loại … trong ví hết. Tôi hi vọng: Chỗ tôi để xe là cổng nghĩa trang, nước ngập cả giày khi tôi dắt xe về, có thể chưa ai trông thấy chiếc ví của tôi chăng?
  Tôi đến nơi, chỉ còn mấy đoàn viên chất lên xe những đồ đạc cuối cùng của buổi lễ. Tôi hỏi thăm, chả ai biết tung tích cái ví của tôi. Tôi ngẩn ngơ nhìn cổng nghĩa trang trống không, nước đã rút hết. Chồng con tôi tìm kiếm trong thất vọng. Nhưng thật kì lạ, tôi không thể tin mình có thể mất chiếc ví ấy. Có một chút gì đó là hi vọng, cứ le lói sáng trong tôi, mặc dù, trước mắt là đêm tối.
  Điện thoại trong túi rung. Tôi nhìn thấy tên của sếp trưởng. Tiếng sếp vang lên: Có một người vừa gọi cho anh, nói rằng bắt được ví có giấy tờ của em, em đang ở đâu? Một dòng điện chạy dọc người làm tôi nhẹ bẫng: Em đang tìm nó ở cổng nghĩa trang đây! Vậy cứ ở đó, anh bảo họ mang đến, nhà cô ấy ở gần đấy. Và rồi chỉ một lát sau thôi, một cô gái chừng gần 30 tuổi hiện ra trước mắt, gọi tôi: Cô ạ, em mang giấy tờ đến cho cô. Tôi mừng rỡ, nhìn khuôn mặt cô gái trông quen quen: Cảm ơn em nhiều lắm, em tên là gì thế? Em là Hường, trò cũ của cô đấy ạ. Em không có số điện thoại của cô, chỉ hỏi được số của thầy hiệu trưởng. Tôi chỉ biết nói đi nói lại mấy lời cảm ơn.
  Đến nhà. Bố chồng tôi nói: “Ở hiền gặp lành”. Nếu quả thật có lẽ công bằng ấy, thì tôi tin, điều lành hôm nay tôi có được là do vong hồn linh thiêng của các liệt sĩ quê hương đã mang đến cho tôi. Các anh đã mang bình yên đến cho cuộc sống của chúng ta. Và khi đã thành những vong linh trong cõi vô thường, các anh vẫn dõi theo chúng ta, những người đang sống nhờ thành quả của các thế hệ đi trước, để giúp đỡ hay nhắc nhở hàng ngày. Có điều, mỗi người chúng ta có nhận ra những giúp đỡ và nhắc nhở ấy không mà thôi. Tôi tin những điều mình cảm nhận. Cũng như tôi tin những điều mình dạy học trò. Có thể mình chưa dạy hết những điều cần dạy. Nhưng những gì về lòng tốt, về đạo lí sống uống nước nhớ nguồn, luôn cần được nhắc nhở hàng ngày, bằng những việc làm thiết thực. Bởi mỗi khi dạy người, là một lần mình tự răn mình …
  Tôi đang hưởng thành quả, tôi đang “Uống nước”, từ “nguồn”. “Nước” ấy, không chỉ có từ "nguồn" là các anh, những liệt sĩ của quê tôi. “Nước” ấy, có khi chảy từ chính tôi, khi tôi tạo ra một “nguồn” mới, chính là cô bé học trò của tôi kia.
  (Hải Yến)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét