Năm 2013 đến với chúng ta mang theo nhiều nỗi buồn: giá điện tăng, thưởng không có, con cháu thất nghiệp, nạn trộm cướp hoành hành, tư tưởng suy thoái, đạo đức suy đồi... Cứ nhìn đời như vậy thì còn đâu niềm tin vào tương lai vào cuộc sống nữa. Một lời chúc mừng năm mới kiểu “Happy New year” đính kèm một cành hoa đào chỉ gợi cho ta thêm buồn thêm nhớ những năm tháng “đất nước trọn niềm vui” mà thôi. Là dân chuyên toán, chúng ta hãy theo thuyết tương đối của Anhxtanh, giải một bất đẳng thức bằng phép so sánh cuộc sống ngày hôm nay với những năm tháng buồn hơn chấu cắn ngày xưa để tìm ra niềm hạnh phúc cho mình. Blog 8e9e10e xin giới thiệu một số hình ảnh về một thời đã xa ấy, nhằm giúp các bạn tìm được niềm vui của hôm nay, thay cho lời "Chúc mừng năm mới" (NCT)
NHỮNG KỶ VẬT CỦA THỜI BAO CẤP
Một dạng tem-phiếu thời bao cấp... |
Chế độ tem phiếu thời bao cấp được phân loại A,B,C... tùy theo chức vụ, mức lương, phân ra tiêu chuẩn cán bộ cao cấp, trung cấp, sơ cấp cũng lắm nhiêu khê - rằng: Ta không giàu, nhưng cũng có mức sống hơn kẻ nghèo khác. Loại "bìa" (tem phiếu) theo chế độ cao-thấp mua ở cửa hàng nào đã có sự tách biệt. Công nhân, xã viên HTX, công chức, sinh viên đại học đều được Nhà nước phân phối lương thực, thực phẩm và vải mặc "vừa đủ xài" bằng chế độ tem phiếu. Người Hà Nội một thời coi cửa hàng cung cấp Tôn Đản là chợ vua quan nên đã có đồng dao: “Tôn Đản là chợ vua quan / Đặng Dung là chợ trung gian nịnh thần / Đồng Xuân là chợ thương nhân / Vỉa hè là chợ toàn dân anh hùng”. Lại có câu đố châm biếm, nói lên sự không công bằng trong chế độ cung cấp, phân phối, có "đặc quyền đặc lợi": “Bụng to, trán hói, hay nói ba hoa, đi xe Volga, ăn gà Tôn Đản là con gì?”...
Sau gần 30 năm, đất nước Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, nhưng những hình ảnh về thời bao cấp chắc hẳn vẫn còn sống mãi trong ký ức của nhiều người. Đối với thế hệ 8X, đặc biệt là thế hệ 9X, thật khó có thể hình dung và cảm nhận được một cách trọn vẹn về giai đoạn lịch sử này. Đây là sổ mua lương thực (sổ gạo), hồi ấy viên chức Nhà nước được cấp sổ để mua một lượng gạo nhất định trong 1 tháng. Thuật ngữ "trông như mất sổ gạo" xuất hiện trong thời kỳ này. Mất sổ gạo còn khủng khiếp hơn cả... mất tiền. |
Tem mua lương thực 50 gram. Trong thời bao cấp, việc thông thương, buôn bán bị hạn chế, các gia đình chủ yếu trông chờ vào phần tem phiếu được phát để duy trì nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình. |
Phiếu mua vải. Mức mua giới hạn nhiều nhất là 1m, và tối thiểu là... 10cm. |
Phiếu mua xăng mô tô, xe máy. Phiếu này được mua theo mệnh giá lít ghi trên phiếu. Mỗi lần sử dụng, mậu dịch viên sẽ cắt bỏ một ô trên tờ phiếu tương ứng với số lượng mua. |
Còn đây là phiếu mua thịt cơ động. Số lượng mua nhiều nhất là 1kg. Trong thời kì bao cấp, thịt chỉ là thứ yếu, gạo và rau mới là 2 thứ quan trọng nhất, nên người ta mới có câu vè: "Nhất gạo nhì rau, tam dầu tứ muối. Thịt thì đuôi đuối, cá biển mất mùa. Đậu phụ chua chua, nước chấm nhạt thếch...". |
Lốp, vành, chắn bùn (gacdebu), yên, săm... những phụ tùng có tên trong Bìa mua phụ tùng xe đạp. |
Khác với cảnh những quán bia hơi đông kín người hiện nay, bia hơi thời bao cấp là một thứ hàng hóa xa xỉ mà không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức. |
Cảnh chen lấn mua hàng tại một cửa hàng mậu dịch. Nhân viên bán hàng (mậu dịch viên) được xem là một người có vị trí quan trọng. Đó là một nghề mà rất nhiều người ao ước. |
Bách hóa Tổng hợp tại ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền là khu bách hóa lớn nhất Hà Nội thời bao cấp. |
Hình ảnh đường phố Hà Nội những năm 80. Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu, xe máy lúc đó là phương tiện vô cùng xa xỉ. |
Đường tàu điện (phía trước chợ Đồng Xuân), phương tiện công cộng rất quan trọng ở Hà Nội thập kỷ 1970 – 1980... Tiếng leng keng của tàu điện là một kí ức đẹp trong lòng người Hà Nội. Nhảy tàu cũng là một "thú vui" của thanh niên thời bấy giờ. |
Ngã năm Hàng Ngang - Hàng Đào (cạnh hồ Gươm) còn được gọi là Quảng trường Đông kinh nghĩa thục (Ảnh chụp từ trên cao). |
Một cửa hàng bơm mực bút bi. Thời bao cấp, những chiếc bút bi được tái sử dụng nhiều lần bằng cách bơm mực vào ruột bút. Nhiều gia đình sống nhờ nghề bơm mực bút bi. 4 ngành công nghiệp "quả đấm thép" của Thủ đô thời ấy là: Vá chín, ép săm lốp Bơm mực, rửa bút bi Gia công quy gai xốp Lộn cổ áo sơ mi |
(Theo Web Khám phá)
CHÚC CÁC BẠN MỘT NĂM MỚI TRÀN NGẬP NIỀM VUI!