Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Thơ Vũ Đình Tiến: BÊN DÒNG SÔNG TRANH

Về Trà My ngát mùi hương quế
Trà Đốc bây giờ cuối tháng ba
Qua cầu Sông Tranh đầu mùa hạ
Lòng nao nao nhớ phượng đỏ quê nhà

Khắp công trường ngổn ngang sỏi đá
Tóc vương đầy bụi phấn đường xa
Giơ tay gạt mồ hôi trên má
Em nở nụ cười tươi như hoa

Anh tới đây vì dòng điện ngày mai
Tình cờ gặp em,chúng mình đâu hẹn trước
Chỉ hỏi đường thôi mà trở nên thân thuộc
Tựa như ta đã hiểu được nhau rồi

Trà My quê em, bát ngát những sườn đồi
Rừng xanh mướt bạt ngàn gỗ quý
Dòng sông Tranh rì rầm thủ thỉ
Nước ơi, biết rằng nước chảy về đâu?

Anh phá đá nổ mìn ngăn dòng sông sâu
Cho dòng điện ngày mai tỏa sáng
Em xây cầu vượt qua ghềnh thác
Để chúng mình thênh thang tới tương lai...

(Thuỷ điện Sông Tranh 3/2007)

Ghi chú của NXH: Tôi chuyển bài thơ của V.Đ.T trong mục nhận xét của bài thơ NCT sang đây, chuyển cả bình luận của NCT nữa. Lần sau bác VDT có thơ thì cho vào mục "Viết bài mới nhé" 

5 nhận xét:

  1. Bài thơ này lạc quan quá đà. Câu "để chúng mình thênh thang tới tương lai" có hơi hướng thơ tuyên truyền của ông Tố Hữu trước kia.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ này không lạc quan quá đà mà là lạc quan cách mạng đấy chứ Bác nặc danh 22:22.

      Xóa
  2. Chúng tôi tức là tác giả và cô gái hả anh VĐT ?

    Trả lờiXóa
  3. Tuổi già nhưng chí không già
    Tinh thần chiến đấu vẫn là thanh niên

    Trả lờiXóa
  4. Hôm trước, đọc BÊN DÒNG SÔNG TRANH của anh VĐT trên blog, tôi đã rất muốn viết mấy lời bình. Bởi tôi có một liên tưởng rất lạ từ thơ anh đến một hình tượng … không phải trong thơ. Nhưng dạo đó, tôi chưa đủ tự tin khi viết vào blog 8e9e10e. Viết ít dòng cho TÂM TÌNH LÍNH TRẺ, là tôi đã phải “nín thở” rồi. Vừa qua, được các anh chị động viên viết vào blog, anh NCT thì đề nghị tôi bình BÊN DÒNG SÔNG TRANH, tôi đã đọc lại bài thơ. Và, trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác ấy.
    Vâng, không hiểu sao, nhân vật trữ tình “anh” trong BÊN DÒNG SÔNG TRANH của VĐT, cứ làm tôi liên tưởng đến lãng tử Yến Thanh trong Thủy Hử. Phụ nữ nào khi mê truyện hay phim Thủy Hử, chẳng mơ màng về lãng tử Yến Thanh: Hào hoa mà mạnh mẽ, lãng mạn mà phong trần. Tôi không nói “anh” trong thơ VĐT giống lãng tử Yến Thanh về ngoại hình. Mà là về tâm hồn cơ. Chao, sao mà nhiều nét giống nhau đến thế!
    Lãng tử Yến Thanh thì làm người ta ngẩn ngơ vì tiếng sáo réo rắt thiết tha như vọng về từ cõi của những Tiên Đồng Ngọc Nữ. Nhân vật trữ tình trong thơ VĐT lại làm người ta ngơ ngẩn vì những nét bút đậm chất hội họa về cảnh bên dòng sông Tranh. Chỉ một vài nét thôi, mà cảnh ấy hiện lên có đủ cả đường nét, sắc hương lẫn thanh âm: Mùi thơm ngào ngạt và nồng nàn của “hương quế”. Sắc màu dịu mát của “rừng xanh mướt” và “ bát ngát những sườn đồi”. Âm thanh khi thì “rì rầm thủ thỉ” của dòng sông, lúc lại vang dội của tiếng “nổ mìn phá đá”. Cả đường nét uốn lượn của dòng “nước chảy” dưới lòng sông … Một bức tranh thật thơ mộng về “quê em” miền Trung Trà My, Trà Đốc. “Anh” mới “tới đây” mà sao anh đã yêu “quê em” đến vậy? Dường như đã yêu tự kiếp nào! Và lòng anh lại chợt “nao nao nhớ phượng đỏ quê nhà” xứ Bắc. Thế là: Quê em, quê anh, như đã thành quê “chúng mình” bởi tình yêu thiết tha với đất nước, quê hương đang dào dạt trong “anh”. Cái hào hoa, lãng mạn trong nhân vật trữ tình thấm đẫm trong từng lời thơ thật nhẹ nhàng, thanh thoát và cũng thật đằm thắm, thiết tha.
    Lãng tử Yến Thanh xưa một mình một thương đánh đông dẹp Bắc giữa đời loạn lạc để thỏa chí anh hùng bình thiên hạ. “Anh” trong thơ VĐT hôm nay thì đến giữa bề bộn “công trường ngổn ngang sỏi đá” để chinh phục thiên nhiên. “Anh” đến từ nơi xa nên “tóc vương đầy bụi …”. Anh đến đế “ngăn dòng sông sâu – Cho dòng điện ngày mai tỏa sáng”. Phong thái của “anh”, chí hướng của “anh” nào có khác gì một lãng tử Yến Thanh? Cũng mạnh mẽ như thế, cũng phong trần như thế. Một chút khinh bạc, làm ngơ trước khó khăn. Một chút ngạo nghễ, cười cợt trên gian khó. Và rất nhiều, là những quyết tâm, là niềm lạc quan hướng tới ngày mai.
    Nhưng có lẽ, điểm giống nhau đáng yêu nhất, để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc nhất giữa nhân vật trữ tình “anh” trong thơ VĐT với lãng tử Yến Thanh, là: Bên mỗi người, trong lòng mõi người, đều có một mỹ nhân làm bạn tâm giao. Yến Thanh xưa có nàng Lý Sư Sư yêu kiều với giọng hát ngọt ngào mê đắm. Còn “anh” có “em” với nụ cười tươi nở “như hoa”, với tâm hồn đồng điệu qua một ánh mắt nhìn. Thế, nên “Chỉ hỏi đường thôi mà trở nên thân thuộc/ Tựa như ta đã hiểu được nhau rồi”. Hai tâm hồn “tình trong như đã” chỉ với một lời hỏi đường tưởng rất bâng quơ. Cái tình ấy, chưa chắc đã là tình yêu đôi lứa, nhưng hẳn là bền chặt lắm rồi, mới có thể giúp “chúng mình”, “vượt qua ghềnh thác”, và “thênh thang tới tương lai” …
    Có thể khi VĐT viết BÊN DÒNG SÔNG TRANH, anh cũng không nghĩ nó lại đi vào lòng một người đọc là tôi, theo một sự liên tưởng có vẻ lạ lùng như vậy. Nhưng biết làm sao được với ngôn ngữ thơ ca! Rất nhiều khi, những điều “vô thức” vẫn cứ diệu kỳ như thế. Làm sao có thể quên được hình bóng của một lãng tử Yến Thanh trong thơ VĐT với cái nhìn lãng mạn, với dáng dấp phong trần và với tình yêu sâu xa, bền chặt … Tất cả, được biểu đạt trong những lời thơ trong sáng và dạt dào xúc cảm. Đọc thơ VĐT, tôi vừa thấy được nét chung của những cựu học sinh chuyên toán HH 72 – 75 ở tâm hồn chứa chan cảm xúc, lại vừa thấy được những nét rất riêng của một tâm hồn lãng tử trong anh.

    Trả lờiXóa