Năm 2013 đến với chúng ta mang theo nhiều nỗi buồn: giá điện tăng, thưởng không có, con cháu thất nghiệp, nạn trộm cướp hoành hành, tư tưởng suy thoái, đạo đức suy đồi... Cứ nhìn đời như vậy thì còn đâu niềm tin vào tương lai vào cuộc sống nữa. Một lời chúc mừng năm mới kiểu “Happy New year” đính kèm một cành hoa đào chỉ gợi cho ta thêm buồn thêm nhớ những năm tháng “đất nước trọn niềm vui” mà thôi. Là dân chuyên toán, chúng ta hãy theo thuyết tương đối của Anhxtanh, giải một bất đẳng thức bằng phép so sánh cuộc sống ngày hôm nay với những năm tháng buồn hơn chấu cắn ngày xưa để tìm ra niềm hạnh phúc cho mình. Blog 8e9e10e xin giới thiệu một số hình ảnh về một thời đã xa ấy, nhằm giúp các bạn tìm được niềm vui của hôm nay, thay cho lời "Chúc mừng năm mới" (NCT)
NHỮNG KỶ VẬT CỦA THỜI BAO CẤP
Một dạng tem-phiếu thời bao cấp... |
Chế độ tem phiếu thời bao cấp được phân loại A,B,C... tùy theo chức vụ, mức lương, phân ra tiêu chuẩn cán bộ cao cấp, trung cấp, sơ cấp cũng lắm nhiêu khê - rằng: Ta không giàu, nhưng cũng có mức sống hơn kẻ nghèo khác. Loại "bìa" (tem phiếu) theo chế độ cao-thấp mua ở cửa hàng nào đã có sự tách biệt. Công nhân, xã viên HTX, công chức, sinh viên đại học đều được Nhà nước phân phối lương thực, thực phẩm và vải mặc "vừa đủ xài" bằng chế độ tem phiếu. Người Hà Nội một thời coi cửa hàng cung cấp Tôn Đản là chợ vua quan nên đã có đồng dao: “Tôn Đản là chợ vua quan / Đặng Dung là chợ trung gian nịnh thần / Đồng Xuân là chợ thương nhân / Vỉa hè là chợ toàn dân anh hùng”. Lại có câu đố châm biếm, nói lên sự không công bằng trong chế độ cung cấp, phân phối, có "đặc quyền đặc lợi": “Bụng to, trán hói, hay nói ba hoa, đi xe Volga, ăn gà Tôn Đản là con gì?”...
Sau gần 30 năm, đất nước Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, nhưng những hình ảnh về thời bao cấp chắc hẳn vẫn còn sống mãi trong ký ức của nhiều người. Đối với thế hệ 8X, đặc biệt là thế hệ 9X, thật khó có thể hình dung và cảm nhận được một cách trọn vẹn về giai đoạn lịch sử này. Đây là sổ mua lương thực (sổ gạo), hồi ấy viên chức Nhà nước được cấp sổ để mua một lượng gạo nhất định trong 1 tháng. Thuật ngữ "trông như mất sổ gạo" xuất hiện trong thời kỳ này. Mất sổ gạo còn khủng khiếp hơn cả... mất tiền. |
Tem mua lương thực 50 gram. Trong thời bao cấp, việc thông thương, buôn bán bị hạn chế, các gia đình chủ yếu trông chờ vào phần tem phiếu được phát để duy trì nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình. |
Phiếu mua vải. Mức mua giới hạn nhiều nhất là 1m, và tối thiểu là... 10cm. |
Phiếu mua xăng mô tô, xe máy. Phiếu này được mua theo mệnh giá lít ghi trên phiếu. Mỗi lần sử dụng, mậu dịch viên sẽ cắt bỏ một ô trên tờ phiếu tương ứng với số lượng mua. |
Còn đây là phiếu mua thịt cơ động. Số lượng mua nhiều nhất là 1kg. Trong thời kì bao cấp, thịt chỉ là thứ yếu, gạo và rau mới là 2 thứ quan trọng nhất, nên người ta mới có câu vè: "Nhất gạo nhì rau, tam dầu tứ muối. Thịt thì đuôi đuối, cá biển mất mùa. Đậu phụ chua chua, nước chấm nhạt thếch...". |
Lốp, vành, chắn bùn (gacdebu), yên, săm... những phụ tùng có tên trong Bìa mua phụ tùng xe đạp. |
Khác với cảnh những quán bia hơi đông kín người hiện nay, bia hơi thời bao cấp là một thứ hàng hóa xa xỉ mà không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức. |
Cảnh chen lấn mua hàng tại một cửa hàng mậu dịch. Nhân viên bán hàng (mậu dịch viên) được xem là một người có vị trí quan trọng. Đó là một nghề mà rất nhiều người ao ước. |
Bách hóa Tổng hợp tại ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền là khu bách hóa lớn nhất Hà Nội thời bao cấp. |
Hình ảnh đường phố Hà Nội những năm 80. Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu, xe máy lúc đó là phương tiện vô cùng xa xỉ. |
Đường tàu điện (phía trước chợ Đồng Xuân), phương tiện công cộng rất quan trọng ở Hà Nội thập kỷ 1970 – 1980... Tiếng leng keng của tàu điện là một kí ức đẹp trong lòng người Hà Nội. Nhảy tàu cũng là một "thú vui" của thanh niên thời bấy giờ. |
Ngã năm Hàng Ngang - Hàng Đào (cạnh hồ Gươm) còn được gọi là Quảng trường Đông kinh nghĩa thục (Ảnh chụp từ trên cao). |
Một cửa hàng bơm mực bút bi. Thời bao cấp, những chiếc bút bi được tái sử dụng nhiều lần bằng cách bơm mực vào ruột bút. Nhiều gia đình sống nhờ nghề bơm mực bút bi. 4 ngành công nghiệp "quả đấm thép" của Thủ đô thời ấy là: Vá chín, ép săm lốp Bơm mực, rửa bút bi Gia công quy gai xốp Lộn cổ áo sơ mi |
(Theo Web Khám phá)
CHÚC CÁC BẠN MỘT NĂM MỚI TRÀN NGẬP NIỀM VUI!
Một lời chúc năm mới thật ý nghĩa và dí dỏm. Những kỷ vật quý giá của một "thời xa vắng" cho tôi thấy hài lòng về những gì mình đang có,nhìn lại cái thời khó khăn, ấu trĩ ấy, chỉ thấy thương quá cha mẹ mình!
Trả lờiXóa..Không vọng tưởng về tương lai, cũng không u hoài về quá khứ (tương lai thì chưa tới quá khứ đã xa rồi)sẽ thấy lòng mình thênh thang hơn. Ta sẽ lại làm giầu cuộc sống của ta bằng những niềm vui bình dị!
Chúc tất cả mọi người trong ngôi nhà tình bạn mang tên "8e9e10e HY 72-75" một năm mới tràn đầy niềm tin và hạnh phúc!
Chúc cho Blog 8e9e10e luôn rộn rã tiếng cười và chan chứa tình yêu thương!
Gửi về cho các bạn thật nhiều NẮNG PHƯƠNG NAM, chúc các bạn ấm áp!
Bốn ngành công nghiệp của Hà Nội ngày xưa giờ mất tiêu đâu rồi. Tôi còn nhớ dịp gần tết, nhà nào cũng chuẩn bị mấy cân bột mỳ,chục quả trứng gà, nửa cân đường và vài hộp sữa ông thọ, rồi đặt gia công quy gai sốp. Đây là một loại bánh dẹt,dài dài, mặt có gai, ăn cũng giống bích quy bây giờ, thường dùng tiếp khách trong lễ cưới hoặc dịp tết ở mỗi gia đình Hà Nội. Bây giờ chẳng còn ai đi lộn cổ áo sơ mi như ngày xưa nữa. Áo sờn cổ là vứt luôn. Hãy tưởng tượng 1 triệu dân thành phố luôn có nhu cầu lộn cổ áo thì cần bao nhiêu máy khâu?
Trả lờiXóaVá chín lốp xe đạp là công nghiệp cao cấp ngày xưa, chỉ có ở các hiệu sửa chữa xe nghiêm túc. Ngày ấy Hà Nội nổi tiếng có ông vua lốp Nguyễn Văn Chẩn chuyên thu mua lốp cũ về đắp lại. Sau ông này nghiên cứu phát triển cơ sở sản xuất lốp xe đạp từ hàng phế liệu của Nhà máy cao su Sao Vàng tung ra thị trường lốp xe đạp Quyết Thắng. Thầy ông làm ăn phát đạt quá, công an, quản lý thị trường và chính quyền đến tịch thu toàn bộ tài sản, bắt ông đi tù thế là ngành công nghiệp ép lốp chỉ còn những cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, không hiện đại hóa được. Còn bơm mực bút bi thì sinh viên nào chẳng phải tiếp xúc với mấy ông thợ này, ngồi đầy vỉa hè và trong từng ngõ phố.
Chắc nhiều người không hiểu tại sao ngày ấy lại dùng cả tem lương thực 50 gam (tức là nửa lạng) để mua gạo? Không phải đâu! Loại tem lương thực nhỏ này chỉ dùng để mua bánh mì. Bánh mì ngày đó thường có mấy loại: 100 gam, hai trăm gam và 250 gam. Khi mua cũng phải có tem lương thực kèm theo tiền. Mua được bánh mì mới ra lò là cả một niềm hạnh phúc lớn lao.
Trả lờiXóaĐúng là một lời chúc mừng năm mới thật ý nghĩa, mang đến niềm vui cho mọi người và giúp quên đi nỗi buồn "ví rỗng" khi tết đến.
Trả lờiXóaCó vẻ các anh 8e9e10e mắc chứng hoài cổ ngày càng trầm trọng rồi. Như thế sẽ càng chóng già đấy các anh ạ
Trả lờiXóa