Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

NĂM MỚI NHỚ VỀ MỘT THỜI GIAN KHÓ

Năm 2013 đến với chúng ta mang theo nhiều nỗi buồn: giá điện tăng, thưởng không có, con cháu thất nghiệp, nạn trộm cướp hoành hành, tư tưởng suy thoái, đạo đức suy đồi... Cứ nhìn đời như vậy thì còn đâu niềm tin vào tương lai vào cuộc sống nữa. Một lời chúc mừng năm mới kiểu “Happy New year” đính kèm một cành hoa đào chỉ gợi cho ta thêm buồn thêm nhớ những năm tháng “đất nước trọn niềm vui” mà thôi. Là dân chuyên toán, chúng ta hãy theo thuyết tương đối của Anhxtanh, giải một bất đẳng thức bằng phép so sánh cuộc sống ngày hôm nay với những năm tháng buồn hơn chấu cắn ngày xưa để tìm ra niềm hạnh phúc cho mình. Blog 8e9e10e xin giới thiệu một số hình ảnh về một thời đã xa  ấy, nhằm giúp các bạn tìm được niềm vui của hôm nay, thay cho lời "Chúc mừng năm mới" (NCT)

 

                                  NHỮNG KỶ VẬT CỦA THỜI  BAO CẤP



Một dạng tem-phiếu thời bao cấp...
   
Chế độ tem phiếu thời bao cấp được phân loại A,B,C... tùy theo chức vụ, mức lương, phân ra tiêu chuẩn cán bộ cao cấp, trung cấp, sơ cấp cũng lắm nhiêu khê - rằng: Ta không giàu, nhưng cũng có mức sống hơn kẻ nghèo khác. Loại "bìa" (tem phiếu) theo chế độ cao-thấp mua ở cửa hàng nào đã có sự tách biệt. Công nhân, xã viên HTX, công chức, sinh viên đại học đều được Nhà nước phân phối lương thực, thực phẩm và vải mặc "vừa đủ xài" bằng chế độ tem phiếu. Người Hà Nội một thời coi cửa hàng cung cấp Tôn Đản là chợ vua quan nên đã có đồng dao: “Tôn Đản là chợ vua quan / Đặng Dung là chợ trung gian nịnh thần / Đồng Xuân là chợ thương nhân / Vỉa hè là chợ toàn dân anh hùng”. Lại có câu đố châm biếm, nói lên sự không công bằng trong chế độ cung cấp, phân phối, có "đặc quyền đặc lợi": “Bụng to, trán hói, hay nói ba hoa, đi xe Volga, ăn gà Tôn Đản là con gì?”...

Sau gần 30 năm, đất nước Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, nhưng những hình ảnh về thời bao cấp chắc hẳn vẫn còn sống mãi trong ký ức của nhiều người. Đối với thế hệ 8X, đặc biệt là thế hệ 9X, thật khó có thể hình dung và cảm nhận được một cách trọn vẹn về giai đoạn lịch sử này. Đây là sổ mua lương thực (sổ gạo), hồi ấy viên chức Nhà nước được cấp sổ để mua một lượng gạo nhất định trong 1 tháng. Thuật ngữ "trông như mất sổ gạo" xuất hiện trong thời kỳ này. Mất sổ gạo còn khủng khiếp hơn cả... mất tiền.
Tem mua lương thực 50 gram. Trong thời bao cấp, việc thông thương, buôn bán bị hạn chế, các gia đình chủ yếu trông chờ vào phần tem phiếu được phát để duy trì nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình.

Đây là giấy đăng ký máy thu thanh (Radio, gọi nôm na là cái đài) giống như đăng ký xe máy bây giờ.
Phiếu mua vải. Mức mua giới hạn nhiều nhất là 1m, và tối thiểu là... 10cm.

Phiếu mua xăng mô tô, xe máy. Phiếu này được mua theo mệnh giá lít ghi trên phiếu. Mỗi lần sử dụng, mậu dịch viên sẽ cắt bỏ một ô trên tờ phiếu tương ứng với số lượng mua.
Còn đây là phiếu mua thịt cơ động. Số lượng mua nhiều nhất là 1kg. Trong thời kì bao cấp, thịt chỉ là thứ yếu, gạo và rau mới là 2 thứ quan trọng nhất, nên người ta mới có câu vè: "Nhất gạo nhì rau, tam dầu tứ muối. Thịt thì đuôi đuối, cá biển mất mùa. Đậu phụ chua chua, nước chấm nhạt thếch...".
Lốp, vành, chắn bùn (gacdebu), yên, săm... những phụ tùng có tên trong Bìa mua phụ tùng xe đạp.

Cảnh xếp hàng chờ đến lượt mua chất đốt.

Khác với cảnh những quán bia hơi đông kín người hiện nay, bia hơi thời bao cấp là một thứ hàng hóa xa xỉ mà không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức.

Cảnh chen lấn mua hàng tại một cửa hàng mậu dịch. Nhân viên bán hàng (mậu dịch viên) được xem là một người có vị trí quan trọng. Đó là một nghề mà rất nhiều người ao ước.
Bách hóa Tổng hợp tại ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền là khu bách hóa lớn nhất Hà Nội thời bao cấp.
Hình ảnh đường phố Hà Nội những năm 80. Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu, xe máy lúc đó là phương tiện vô cùng xa xỉ.

Đường tàu điện (phía trước chợ Đồng Xuân), phương tiện công cộng rất quan trọng ở Hà Nội thập kỷ 1970 – 1980... Tiếng leng keng của tàu điện là một kí ức đẹp trong lòng người Hà Nội. Nhảy tàu cũng là một "thú vui" của thanh niên thời bấy giờ.
Một kiểu mầm tham nhũng-bám ngoài, lấy cắp của Nhà nước 5 xu tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông
Ngã năm Hàng Ngang - Hàng Đào (cạnh hồ Gươm) còn được gọi là Quảng trường Đông kinh nghĩa thục (Ảnh chụp từ trên cao).


Một cửa hàng bơm mực bút bi. Thời bao cấp, những chiếc bút bi được tái sử dụng nhiều lần bằng cách bơm mực vào ruột bút. Nhiều gia đình sống nhờ nghề bơm mực bút bi.
4 ngành công nghiệp "quả đấm thép" của Thủ đô thời ấy là:
Vá chín, ép săm lốp
Bơm mực, rửa bút bi
Gia công quy gai xốp
Lộn cổ áo sơ mi
(Theo Web Khám phá)
CHÚC CÁC BẠN MỘT NĂM MỚI TRÀN NGẬP NIỀM VUI!

Bài thơ Bỏ trốn- Đừng tin các nhà văn

Tôi có một truyện ngắn đăng báo Văn Nghệ dịp đầu năm 2010, truyện "Bỏ trốn". Truyện đăng ra, có một người bạn tôi vốn mất liên lạc với nhau từ lâu, đến gặp tôi và cả quyết rằng (và phàn nàn) tôi viết lại câu chuyện của anh ấy. Đại khái truyện rằng, có một anh chàng và một cô bạn gái (chán chồng) ở TPHCM, nhân một lần cô gái đi công tác ở Hà Nội, anh kia cũng bỏ trốn ra Hà Nội. Họ gặp nhau ở khách sạn, làm gì thì ai chả đoán ra. Sau cuộc gặp, anh ta thấy muốn yêu cô kia, nhưng không hiểu sao cô gái kia lại bảo phải "cancel", tức là chỉ gặp 1 lần thôi, rồi chấm dứt.
Truyện còn trên website của tôi: Ở ĐÂY
Tôi đã phải thanh minh rằng truyện đó tôi bịa ra. Nhà văn cứ viết truyện gì cũng là có thật như nhà báo, thì có truyện tả âm phủ, nhà văn cũng phải chết à? Nói mãi, đành phài giở quyển sổ tay cũ kỹ, cho anh ta xem bài thơ dạng phác thảo câu chuyện đó. Nhìn ngày tháng, xem kỹ bản thảo, anh ta mới tin. Vì tôi viết bài thơ lâu rồi, trước chuyện bỏ trốn của anh ta khá lâu.

Đây là trường hợp làm văn vần trước, thực ra cũng không vần, mà là câu trùng điệp thôi. Bài thơ nói tâm trạng một người đàn ông bỏ trốn hẹn hò ngoại tình với một người đàn bà. Hai người tưởng mình mặc kệ đời, có thể trốn đi xa, nhưng rồi lại vẫn phải trở về sống với cuộc đời mòn mỏi, không đến nỗi "mòn mỏi, mốc lên, cũ đi..." như xưa kia Nam Cao viết, nhưng cũng là cuộc sống vô vị. Sau đó, tôi tự thấy mình không hiểu thơ là gì, nên viết thành truyện ngắn. 
Anh bạn tôi trước khi chia tay, thì thở phào: Đừng tin các nhà văn...
Nhân dịp có blog này, xin post nó lên đây.

Bỏ trốn 

Tôi bỏ trốn cùng em một ngày liều lĩnh
Bỏ lại thế gian tẻ nhạt dưới chân mình
Bay lên mải mê tình yêu trái cấm
Trời cũng động lòng 
Cho mây đến âm thầm che trưa nắng
Em tươi mềm rực rỡ mát như trăng 

Thành phố xa có dào dạt biển mưa 
Tôi có em dịu dàng giông tố
Con đường ấy dẫu quen thôi
Lâu rồi không đi nổi
Cái tôi ơi đi đến tận cùng nhau.

Thành phố cũ mèm của em ai cũng giống ai
Ngôi nhà quen có hai người mòn mỏi
Tôi bỏ trốn cùng em
Đến một mai đâu đó
Sống tận cùng thân thuộc ở trong nhau

Nhưng rồi cái tôi không vùng thoát được lâu
 Đến ngái ngủ lại trở về nhân thế
Lại vần vụ lo toan thậm tệ
Em cũng xa xôi mỗi khi bước qua tôi.
Em trốn tôi, cái tôi cũng trốn tôi.
Ta lẫn vào cộng đồng vội vàng rối rít
Em trốn em về ngôi nhà quen biết
Kiêu hãnh bình yên ngày mệnh phụ
Phũ phàng đêm dị mộng đồng sàng

Thành phố vẫn huy hoàng
Người người vui vẻ có tôi và em 
trên mỗi bước đường quen
Chỉ tôi và em mất mát
Tôi mất tôi và em mất em...
Ta mất nhau
như chưa hề có cái tôi nào 
không bao giờ đi đến tận cùng nhau

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Chuyện một thời đã xa

Nhân việc nhà văn NXH post lên mạng hình ảnh về một thời xa, tôi xin kể một vài mẩu chuyện để các bạn nhớ  lại cái sự giao thông đi lại ở thời xa xăm đã đi vào cổ tích ấy, trước khi tống tiễn năm cũ và bước vào một năm mới chưa thấy gì hứa hẹn cả .(NCT)

        Thời gian học cấp 3 ở thị xã Hưng Yên, cứ vài chủ nhật , học sinh lớp chuyên toán lại phải xin phép Thầy Toán về nhà một lần để cha mẹ cho một bữa ăn tươi và kiếm mấy đồng chi tiêu trong những ngày tiếp theo. Tôi, Tuyên, Vững trọ tại nhà bác Thúy ở đầu phố chợ Gạo, sát đường 39. Tuy vậy, nhiều khi đón xe ô tô từ Chợ gạo cũng rất khó, nên chúng tôi thường đi bộ lên bến xe thị xã. Ngày đó vé ô tô Hưng Yên - Hải Dương và Hưng Yên – Hà Nội đều có giá một đồng rưỡi. Khoảng cách Hưng Yên – Trương Xá chỉ có 16 km, nhưng phụ xe bao giờ cũng thu 5 hào (đúng ra chỉ đáng 4 hào thôi). Vì đi gần, chúng tôi bao giờ cũng phải đứng. Một lần, chiều thứ Bảy, tôi và Tuyên lên đến bến xe đã 5 giờ chiều, chỉ còn chuyến cuối cùng đi phố Nối. Những người mua được vé đã lên chật kín. Tôi và Tuyên cố len lên xe. Ông phụ xe rất to béo quát: hai thằng này đi đâu? Chúng tôi trả lời lí nhí: “chúng cháu đi Trương Xá ạ” và rất lo bị đuổi xuống vì không có vé (đã nhiều lần chúng tôi bị đuổi như thế). May là ông ta chỉ quát: “đứng dẹp vào các ông tướng”, rồi ấn cái mông to tướng vào hai thằng tôi. Hai thằng đã bé còn phải thót bụng đến nghẹt thở và chỉ đứng được bằng một chân ở trên xe. Đến Trương Xá, chúng tôi xuống vẫn không thấy ông béo hỏi tiền, thế là được lãi 5 hào. Niềm vui bất ngờ ào đến, hai thằng vừa đi, vừa cười nói huyên thuyên, bàn chuyện tuần sau sẽ tiêu gì với 5 hào không bị mất hôm đó. Ăn kem hay ăn phở ông Đức? Đi 5 km từ Trương về nhà mà như bay vậy. Từ đó, mỗi khi đi ô tô về nhà hoặc lên Trường chúng tôi thường lẩn ra đứng đằng sau phụ xe,  hy vọng thoát tiền vé và cũng có vài lần toại nguyện.

          Chuyện tàu xe khó khăn như vậy tưởng chỉ tồn tại khi cả nước phải dồn sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam, nhằm sớm thống nhất đất nước. Nhưng không, nó còn kéo dài tới hơn một chục năm sau khi hòa bình đã lập lại, tổ quốc đã thống nhất. Những năm học Đại học Bách Khoa, mỗi lần về hè, về tết là cả một mối lo lớn. Lần nào về quê cũng phải đi bộ từ Trường ra bến xe điện tuyến Chợ Mơ – Bến Nứa, đi ô tô 52 km về Trương xá, rồi đi bộ 5 km về nhà (làm gì có xe ôm như bây giờ). Hồi đó không mua được vé thì khó lòng lên nổi xe, vì công an, kiếm soát quân sự kiểm tra rất gắt gao, phụ, lái xe cũng ngại không dám vi phạm quy định của bến xe. Nhiều khi có vé cũng vẫn phải đứng, phải trèo qua cửa sổ mới vào được ô tô. Tôi đã nhiều lần trông thấy bạn Miến của chúng ta trèo như thế.

          Hồi đầu tháng 7 năm 1981, cô em Mai Anh của tôi thi vào Đại học sư phạm Toán, muốn tôi về bổ túc cho thêm ít kiến thức và đưa em đi thi. Trước ngày thi một tuần, chú em kế tôi đang học Bách Khoa K23 (giờ là Giám đốc Điện lực Hưng Yên) điện khẩn lên cho tôi, lúc đó đang học chuyển loại kĩ sư súng pháo ở Trường Đại học Kỹ thuật quân sự: ‘Ông chết về ngay” (thực tế ông nội tôi đã mất từ năm 1944 và ông ngoại tôi thì mất từ năm 1946). Thế là Đại đội trưởng Trung buộc phải thu xếp cho tôi về một tuần, những anh em khác cũng  bảo người nhà đánh điện để có lý do xin về đều không được giải quyết vì đơn vị đang vào dịp tổng kết khóa học. Tôi đi tầu về đến Hà Nội mới 1 giờ chiều, nên quyết định ra thẳng bến Nứa về nhà. Quầy bán vé ô tô đi Hưng Yên người xếp hàng dài chờ đợi, cả hàng ưu tiên dành cho thương binh, gia đình liệt sỹ (có giấy chứng nhận) lẫn hàng dành cho dân thường. Một tay trung úy đeo ba lô cả trước ngực và sau lưng trông thấy tôi đứng cuối hàng thì đến nói chuyện, rồi bàn với tôi để một mình hắn mua vé, tôi ra trông đồ cho cả hai thằng. Tôi đồng ý. Thấy hết đợt bán vé cũng còn lâu mới đến lượt, tôi đứng ngoài nghe lỏm được mụ bán vé tên là Hòa cũng có chồng bộ đội, nên bảo tay trung úy đứng chặn ở cửa phòng nhân viên bán vé làm quen giới thiệu là người cùng đơn vị với chồng chị ta, hy vọng được ưu tiên. Chị ta hỏi lại: thế các anh có biết chồng tôi tên là gì không? Tôi nói luôn tên đại đội trưởng Trung của mình. Chị ta nhếch mép cười rồi nói: thôi các anh chịu khó xếp hàng chờ đi, chồng tôi cũng là bộ đội nhưng không phải tên như các anh nói đâu.

          Chuyến xe cuối cùng đi Hưng Yên đã rời bến mà vẫn còn những hàng dài người xếp hàng chưa có vé. Tay trung úy rủ tôi ngủ lại bến xe chờ sáng ngày hôm sau mua vé về sớm. Thế là tôi đồng ý ngủ lại với hắn, trải ni lông ra mặt con đê phía trước bến xe, nằm đó hưởng gió và muỗi sông Hồng cùng với hàng trăm người khác. Vừa ngủ vừa phải để ý canh kẻ trộm.

          Hôm sau, 5 giờ sáng lại dậy xếp hàng mua vé. Trung úy lại nhận chân xếp hàng, còn tôi lại ở ngoài trông đồ. Chín giờ sáng hắn từ quầy vé ra nhễ nhại mỗ hôi, lưng áo ướt đầm, mặt méo xệch nói chỉ mua  được một vé và bảo tôi thông cảm để hắn về trước vì hắn đóng quân ở miền Nam ba năm rồi mới được về thăm nhà. Nhìn cảnh người xếp hàng dài chen chúc chờ đến lượt mua vé mà thấy ngao ngán, tôi hỏi thuê một chiếc xích lô về Phố Nối rối tính tiếp nhưng không có ông xích lô nào chịu chở xa như thế. Tôi đành nhảy tàu điện về chợ Mơ, rẽ vào nhà bà cô ruột nhờ mượn giúp cái thẻ chứng nhận gia đình liệt sỹ của bác hàng xóm để ra xếp hàng mua vé ưu tiên. Quay trở lại bến xe lần này cùng với bà cô, tôi may mắn mua được vé, mặc dù cũng phải đứng, tôi đã về được đến nhà trước khi trời tối.

         Bây giờ nghĩ về chuyện đi lại ngày ấy vẫn thấy rùng rợn. Đoạn đường có hơn 50 km mà phải mất gần hai ngày chầu chực đợi lên xe, lại còn phải ngủ đêm ngoài trời nữa. Có thể các bạn trẻ hôm nay nghĩ rằng tôi đã bịa hay đang mộng mị về một vương quốc nào đó không có thật trên trái đất này. Nhưng đó lại là sự thật đã xảy ra với chính bản thân tôi và chắc rằng, những người cùng thế hệ với tôi đều đã từng trải nghiệm tương tự như vậy trong thập kỷ đầu của nước Việt Nam thống nhất - nước CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, với những nhà lãnh đạo nổi tiếng: ông Lê Duẩn - Tổng Bí thư, ông Trường Chinh - Chủ tịch Hội đồng nhà nước, ông Phạm văn Đồng - Thủ tướng/ Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, ông Tố Hữu – Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng… (NCT-12/2012)

Giỗ Vũ Văn Tuyên lần thứ 7

Chủ nhật vừa rồi, 30/12/2012, giỗ Vũ Văn Tuyên. Các bạn đại diện lớp E gồm Nguyễn Thế Ngự, Quang Hưng, Xuân Hưng, Công Thành đến gia đình tại Đặng Lễ, Ân Thi, Hưng Yên để cúng linh hồn bạn Vũ Văn Tuyên.
Con trai Tuyên có về giỗ bố và thông báo khoảng cuối mùa Xuân sang năm sẽ tổ chúc lễ cưới vợ. Thông báo trước để các bác chuẩn bị tinh thần đi cưới cháu nhá.
Nhân dịp này, Quang Hưng có cho biết giữ một bộ Hồ sơ của Vũ Văn Tuyên. Đây là các giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng, các giấy chứng nhận kết nạp, chứ không có Lý lịch Đảng viên. Hóa ra Vũ Tuyên khi nghỉ ở cơ quan thuộc Tổng cục Đường sắt, thì mang giấy giới thiệu về, để ở chỗ Quang Hưng, chưa nộp đi đâu cả. Nguyên tắc tổ chức là, khi anh nộp giấy giới thiệu vào nơi đến, anh sẽ quay lại nơi đi để lấy Hồ sơ chính thức.
Quang Hưng bàn mang Hồ sơ này trả gia đình Tuyên, nhưng rồi bàn đi bàn lại, mọi người góp ý, đã giữ rồi, nên để Quang Hưng cứ giữ đấy.
Đây là thẻ Đảng của Tuyên, số 2499946, Tỉnh ủy Hải Hưng cấp. Ảnh đã bị hỏng hoàn toàn.
Ghi chú: Tuyên được kết nạp vào Đảng ở Đảng ủy ngoài nước, khi còn làm Đội trưởng lao động ở Liên Xô, chính thức tại địa phương, vì khi đó anh về nước, chờ đi xin việc (vào Đường Sắt)


Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Một thời xa

Đây cũng là một loại ký ức: Tàu điện và vé 5 xu tuyến Cầu Giấy- Bờ Hồ. Thanh niên bây giờ có lẽ sẽ có câu hỏi: Xu là gì?












Xe khách và vé Hà Nội- Thanh Hóa, giá 4 đồng.

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Chuyện một trăm hạt giống đỏ

Tình cờ tôi đọc được bài báo của tác giả  Hồ Bất Khuất về 100 hạt giống đỏ ngày xưa được Đảng và Bác Hồ gửi sang Liên Xô đào tạo. Tôi nhớ ra hôm trước, một bạn nặc danh khi đọc bài "Những người lính cựu học sinh lớp E chuyên toán" trên blog 8e9e10e có đặt câu hỏi: tại sao  cựu học sinh chuyên toán HH 72-75 giỏi thế mà không có ai lên tướng ? Tôi mạn phép đăng lại bài này vừa để thay câu trả lời, vừa để các bạn biết thêm về số phận những hạt giống đỏ được lựa chọn kỹ càng ngày ấy ra sao? (NCT)

Cuộc đời và sự nghiệp nhóm “hạt giống đỏ”  
Tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của họ, tôi cứ bâng khuâng nghĩ ngợi mãi. Họ đúng là những con người “vừa hồng, vừa chuyên” theo những tiêu chuẩn mà Bác Hồ mong muốn. Họ cũng chính là những người được gửi đến Liên Xô - lúc đó rất mạnh mẽ và “khỏe khoắn” để sống,  học tập từ khi còn là những đứa trẻ. Họ đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước, nhưng đáng ra, họ còn có thể làm được nhiều hơn thế.

net3[1] by you. 
Ngôi nhà số 28 phố Kachalov - nơi ở của "hạt giống đỏ" mùa đông 1954



thieu-nhi-Lien-xo[1] by you. 
Những "hạt giống đỏ" giữa bạn bè quốc tế
 
Tại sao họ được gọi là “hạt giống đỏ”?
   Bởi vì họ chỉ có 100 người được lựa chọn kỹ càng  trong số hàng ngàn con em của những chiến sỹ cách mạng đã từng được lựa chọn để đưa sang Trung Quốc học tập từ những năm trước đó. Cụ thể, rõ ràng là thế này: Ngày 10/9/1954, có một đoàn tàu chở 30 thiếu nhi Việt Nam, xuất phát từ Nam Ninh, qua Quế Lâm đón 70 em nữa, rồi chạy thẳng đến Bắc Kinh, sau đấy đến Moskva.
      Cũng xin nói rõ thêm một chi tiết: trong số này có hai người Lào mang tên Việt. Người thứ nhất là Nguyễn Văn Quang, con Hoàng thân Xuvanuvong, sau này là Chủ tịch nước Lào. (Nguyễn Văn Quang đã hy sinh tại Sầm Nưa năm 1967, khi đang giữ cương vị Bí thư Trung ương Đoàn cách mạng Lào). Người thứ hai là Lê Văn Lợi, con một chiến sỹ cách mạng Lào, (sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về, đã trải qua nhiều công việc. Năm 1990, là Vụ trưởng Vụ Ngân sách Quốc hội Lào; nay vẫn giữ chức vụ quan trọng ở đó). Như vậy là chỉ có 98 người Việt, nhưng năm 1958, 2 người Việt nữa được bổ sung, như vậy vẫn chẵn 100 người Việt (62 nam, 38 nữ) thuộc nhóm “hạt giống đỏ”!
   100 người này là những thiếu niên ưu tú của Việt Nam . Họ là con của những người cộng sản đầu tiên, con của những chiến sỹ cách mạng và chỉ huy quân đội đã hy sinh, con của những nhà chỉ huy quân sự, những lãnh đạo đang nắm vận mệnh đất nước lúc bấy giờ và sau này như Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Đặng Việt Châu,Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng, Lê Khắc… Điều quan trọng nhất ở đây: họ không chỉ là con của những người cách mạng, mà phải có những phẩm chất tốt về trí tuệ và nhân cách. Vào thời điểm đó, tuy là đất nước còn bộn bề sau chiến tranh, nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã chỉ đạo trực tiếp sự lựa chọn này.
Trước đó, Bác Hồ đã đặt vấn đề với Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô về việc đào tạo cán bộ lãnh đạo tương lai cho Việt Nam . Sau khi trao đổi kỹ lưỡng, Liên Xô đã dành một tòa biệt thự ngay trung tâm Moskva, số nhà 28, phố Kachalov để làm chỗ ăn (học ở chỗ khác, cùng với con em Liên Xô) ở cho 100 thiếu nhi Việt Nam. Nhìn bề ngoài, ngôi biệt thự này khá giản dị, nhưng nó có tầng ngầm và khuôn viên rộng tới 4000 m2 (trước đây là chỗ ở của Beria – nhân vật đầy quyền uy một thời ở Liên Xô) . Trong những năm sống và học ở đây, 100 người này được hưởng chế độ tạm gọi là “chủ nghĩa cộng sản”. Tuy không được giữ tiền, tiêu tiền nhưng hầu như họ muốn gì được nấy. 50 người Liên Xô phục vụ 100 trẻ em Việt Nam ăn ở, sinh hoạt, từ nấu nướng đến giặt giũ quần áo. Chi phí cho mỗi em một tháng là 100 rúp (trong khi lương tối thiểu của cán bộ, công nhân Liên Xô lúc đó chỉ 30 rúp/tháng).Bù lại, những thiếu niên này đã học tập, rèn luyện với tinh thần cao nhất,    vượt qua khó khăn xa nhà, xa Tổ quốc, học tiếng Nga không có từ điển. Trên thực tế, họ đã phát huy hết mọi khả năng của mình, từ những đứa trẻ từ 9 đến 14 tuổi, họ đã trở thành những thanh niên, hiểu biết nhiều thứ, làm được nhiều việc, yêu thương nhau như con một nhà.

 net2[1] by you.
 
Bác Hồ giữa "vòng vây" của "hạt giống đỏ" và bạn bè quốc tế
 
  Những đóng góp quan trọng cho đất nước.  
Tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người trong số họ. Khi hỏi,  được đào tạo bài bản như vậy, vừa “hồng”, lại vừa “chuyên”, có bao nhiêu người thành đạt trên con đường quan lộ? Họ có vẻ lúng túng và chỉ đưa ra được vài cái tên như : Hoàng Đức Nghi, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề dân tộc; Hồ Anh Dũng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam .
    Còn khi được hỏi về những đóng góp cho văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật thì họ có thể đưa ra một danh sách dài. Thật vậy, họ chỉ có 100 người, nhưng hầu như đều có những đại diện ưu tú của mình trong nhiều lĩnh vực.Trong âm nhạc: Cao Việt Bách, Đỗ Dũng; kiến trúc: Hoàng Đạo Kính, Đặng Việt Nga; văn học: Phạm Vĩnh Cư; toán học: Vương Quốc Cường, Phạm Phu; vật lý:Võ Hồng Anh, Ngô Quốc Bưu; hóa học: Lê Đông Hải, Nguyễn Quang Huỳnh; địa lý- địa chất: Phạm Khoản; sinh học – y học: Lê Thị Muội, Tạ Thúy Lan; tin học: Trịnh Đông A; kinh tế: Đỗ Trọng Thiều… Có thể kể nhiều thêm nữa vì trong số 100 người, có tới 38 người trở thành tiến sỹ, công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đều thuộc loại cán bộ khoa học đầu ngành.
     Họ còn có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực quân sự nữa. Tuy họ là “những hạt giống đỏ”, “lá ngọc, cành vàng” nhưng không ai ngại gian khổ hy sinh. Vào thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, gần hai mươi người trong số họ gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu và có những đóng góp quan trọng. Được biết, trong số họ có người tham gia vào việc cải tiến tên lửa SAM của Liên Xô để bắn máy bay B.52 của Mỹ. Trong nhóm những người đưa ra sáng kiến tháo rời xe tăng T.54 ra từng bộ phận, đưa vào mặt trận trận rồi mới lắp lại để tạo sự bất ngờ, cũng có sự đóng góp của người thuộc nhóm “hạt giống đỏ”. Có ba “hạt giống đỏ” gia nhập binh chủng hải quân ngay sau “sự kiện vịnh Bắc bộ”. Sau đó có Phạm Quang Đẩu tham gia vào Đoàn tàu không số, tạo nên “Đường mòn Hồ Chí Minh” trên biển.
   Trong số họ có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về “cụm vũ khí đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ”. Ngày ấy vì bí mật quân sự nên không nói cụ thể, còn bây giờ, có thể nói rõ hơn. Đó là chị Trịnh Tô Hợp (con ông Trịnh Đình Cửu, 1 trong 7 người cộng sản đầu tiên), nghiên cứu tên lửa, có cấp bậc Đại tá, trưởng phòng tại phân viện tên lửa.
   Nhưng theo Tiến sỹ Phạm Phu, cái mà nhóm “hạt giống đỏ” để lại cho đất nước là hàng trăm công trình khoa học, đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả.

 Họ không là những nhà lãnh đạo, quản lý – Tại sao?
 net1[1] by you.
  Họ đấy, sau khi gần như hoàn thành "sư mệnh" của mình

Đến nay đã có hơn chục người trong số họ đã đi xa vĩnh viễn, số còn lại đã nghỉ hưu. Họ hài lòng với cuộc sống hiện tại, không kêu ca, không trách móc; với họ, mọi thứ dường như đã an bài. Nhưng tôi nghĩ, cuộc đời và sự nghiệp của họ đáng để chúng ta suy ngẫm và rút ra những bài học có giá trị cho hôm nay và ngày mai.
   Tài năng, đức độ, sức khỏe của những người trong nhóm “hạt giống đỏ” không có gì phải bàn cãi nữa. Chỉ có câu hỏi: Tại sao họ không trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo có tầm ảnh hưởng rộng lớn, nắm giữ những chức vụ quan trọng?
   Nếu chúng ta trả lời thỏa đáng được câu hỏi này, sẽ có những bài học có ý nghĩa cho ngành giáo dục – đào tạo (mà hiện nay chúng ta đang loay hoay tìm phương hướng), cũng như công tác tổ chức cán bộ - lĩnh vực có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

   Có thể có ý kiến cho rằng, họ chỉ giỏi chuyên môn đơn thuần…
Không phải vậy. Họ có khả năng quản lý, lãnh đạo; thậm chí một số người trong họ có thiên hướng về chính trị, đã có sự chuẩn bị cho việc này. Theo như nhận xét của nhiều người, trong số họ có một số người như Trần Tam Ngạn (con ông Trần Văn Cung), Vương Minh Tường (con Trung tướng Vương Thừa Vũ), Hoàng Đạo Kính (con ông Hoàng Đạo Thúy), Nguyễn Bích Hà (con Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên), Trần Nguyệt Hồng (con Nhà sử học Trần Huy Liệu), Võ Hồng Anh (con Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và nhiều người khác đã tỏ ra có tư chất làm lãnh đạo ngay từ thời còn đi học. Họ đã được chuẩn bị khá kỹ càng, sẵn sàng đảm trách cương vị lớn, nhiệm vụ quan trọng. Nhưng trên thực tế, họ đã không được làm như vậy. Ví dụ, Trần Tam Ngạn chỉ làm Thư ký cho Giáo sư – Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, và nghỉ hưu vào năm 1995, khi mới 51 tuổi.
   Trong lĩnh vực quân sự, chúng ta có thể thấy rõ hơn. Trong số những ông bố của 100 này có 4 đại tướng (Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn), 2 thượng tướng, 4 trung tướng… Nhưng tất cả những “hạt giống đỏ” công tác trong quân đội, cấp bậc cao nhất chỉ là đại tá. Có những trường hợp đáng tiếc và hơi khó hiểu. Văn Tiến Tình (con Đại tướng Văn Tiến Dũng), học tên lửa ở Liên Xô, chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, giữ cương vị tham mưu trưởng trung đoàn khi còn rất trẻ, nhưng năm 1990 đã về hưu với quân hàm đại tá khi mới 47 tuổi. Lê Đông Hải (con Đại tướng Lê Trọng Tấn) là Giáo sư – Tiến sỹ, được nhiều huân chương, trong đó có Huân chương Chiến công hạng nhất, giải thưởng quốc gia, phục vụ trong quân đội cho đến khi về hưu, nhưng cũng chỉ là đại tá. Rõ ràng, “con đã thua cha”. Thậm chí, cố GS-TS Võ Hồng Anh còn cho rằng, họ không làm nên “trò trống gì” theo cách hiểu chung của xã hội hiện thời.

Thử tìm cách lý giải
   Có một loại ý kiến cho rằng, khi họ trưởng thành, có học vị và tri thức thì Bác Hồ - Người chủ trương gửi họ đi và có kế hoạch sử dụng họ, đã không còn nữa. Do vậy, họ không còn được quan tâm đúng mực nữa, họ không là trung tâm của sự chú ý nữa.
  Quan điểm này ít có sức thuyết phục, vì tuy Bác Hồ không còn nữa, nhưng những cộng sự của Bác, những học trò xuất sắc của Bác vẫn tiếp tục sự nghiệp của Người. Mà họ lại là những người cha ruột của những “hạt giống đỏ”. Đó là các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Duy Hưng… Uy tín và quyền lực của những con người này sau năm 1975 là rất lớn. Và hơn ai hết, họ hiểu năng lực của các con mình. Vậy tại sao họ không  đưa ra kế hoạch bố trí những người ruột thịt, tin cậy, xứng đáng cả về đức và tài vào những vị trí quan trọng của đất nước?
Trả lời câu hỏi này, chỉ có thể đoán rằng, cụm từ “con ông, cháu cha”  được xã hội chủ yếu tiếp nhận nó với nghĩa tiêu cực đã phần nào tác động đến họ. Người ta ghét cái câu “con vua nối nghiệp làm vua”, vì vậy, vào thời điểm đó những ông bố có chức, có quyền, nhưng luôn luôn chí công, vô tư, không muốn, và cũng có thể là không dám dùng ảnh hưởng của mình để buộc tập thể, tổ chức sắp xếp có lợi cho con của mình. Thậm chí họ còn hy sinh quyền lợi của con để bảo vệ uy tín của mình. Điều này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa mới kết luận được, nhưng rõ ràng một phần tư thế kỷ về trước, con cái của những cán bộ chủ chốt hầu như không được nối nghiệp cha. Có thể đây là điều thiệt thòi cho đất nước.Nhưng thực ra, điều quyết định để những người của nhóm “hạt giống đỏ” không thể trở thành những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nằm ngay trong chính con người họ, quá trình học được giáo dục, đào tạo. Có người nhận xét, họ gần như được đào tạo và giáo dục trong “môi trường chân không” - ở đó không có cái xấu, không có sự dối lừa, không có cách sống “hai mặt”, không có “cửa sau”. Chính GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính nói: Cha mẹ cho chúng ta cuộc đời. Tổ quốc cho chúng ta mảnh đất để yêu, để thương, để phấn đấu và chịu đựng. Nước Nga cho chúng ta sự sung túc của tâm hồn, cái cơ bản để làm người, để ta thực thi bổn phận của con người.
 Nói tóm lại, họ tốt quá, trung thực quá, trong sáng quá và cũng …ngờ nghệch quá! Họ là những con người tốt, nhưng thiếu phẩm chất gì đó…Họ không thể trở thành người lãnh đạo, quản lý vì  khái niệm “chạy chức, chạy quyền” với họ hoàn toàn xa lạ. Thậm chí, họ tỏ ra khó chịu, nếu ai đó tự quảng bá về mình. (Họ được đào tạo khá toàn diện, nhưng chắc là họ chưa biết đến bộ môn khoa học tương đối mới là Public Relation, mà nay người Việt thường nói tắt là PR!?)
Như vậy, quá trình đào tạo và tự đào tạo của họ cũng có những chỗ xa rời thực tế, không đáp ứng được sự thay đổi của cuộc sống. Có thể, họ là những người hơi cứng nhắc và bảo thủ. Hoặc là xã hội ta có một điều gì đấy không phù hợp với họ? Họ đã lý tưởng hóa một xã hội còn lâu mới đạt đến mức lý tưởng.
Cuộc đời, sự nghiệp và số phận của 100 “hạt giống đỏ” là một phần trong lịch của nước Việt Nam hiện đại. Ở đây có nhiều điều để nêu gương, để học hỏi, để làm theo, để suy ngẫm. Sau khi suy ngẫm kỹ càng mới có thể rút ra bài học kinh nghiệm. Tôi chỉ mới tạm nêu những suy nghĩ của mình.
                                                                                                                              Hồ Bất Khuất

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Bài thơ Mỵ Nương kén chồng


Giới thiệu: Đây là bài thơ lấy từ FB của Nhà thơ Bùi Hoàng Tám. Ông này có 4 câu thơ mà Nguyễn Huy Thiệp dẫn trong bài ký nổi tiếng: Nói chuyện với hoa thủy tiên (Vợ tôi dở dại dở khôn/Ngày dăm bẩy bận dí l. vào thơ/ Còn tôi ra ngẩn vào ngơ/ Ngày dăm bẩy bận dí thơ vào l.). Cả nhà văn viết ký và nhà thơ làm thơ đều nổi tiếng tục tằn. Trên FB của Bùi Hoàng Tám, ông nói rằng ông sưu tầm bài thơ Mị Nương kén chồng, nhưng không nói rõ sưu tầm ở đâu. Có thể chính ông ta làm ra bài thơ vui này. Coi như một phút giải trí các bác nhé.
Chuyện rằng ở nước Văn Lang
Có cô công chúa là nàng Mỵ Nương
Nhan sắc cũng chỉ thường thường
Nhưng mà nổi tiếng tỏ tường ăn chơi

Thời gian thấm thoắt dần trôi
Vua cần có rể nối ngôi trị vì
Bèn cho quảng cáo ti vi:
“Công chúa đương tuổi xuân thì rất xinh
Ai người quân tử say tình
Đẹp trai, thành đạt, thông minh, lắm tiền
Mau mau ứng thí rể hiền
Giang san một nửa có liền về tay”
Tin loan ra mới một ngày
Bao trang tuấn kiệt về ngay kinh thành
Cùng nhau ra sức đua tranh
Những mong đến lúc được giành con vua
(Thấy bao nam tử bị lừa
Mỵ Nương thích chí: “Cho chừa thói ngu”)
Bao ngày sát hạch binh thư
Hai chàng trúng tuyển đúng như ý nàng
Phong lưu, đẹp mã, lắm vàng
Lại thêm hài hước, đàng hoàng, thông minh
Một chàng tên gọi Sơn Tinh
Đến từ đỉnh núi thần linh trị vì
Chàng này nét mặt lầm lì
Thân hình cao lớn, phương phi, oai hùng
Ga lăng, lãng mạn vô cùng
Làm cho con gái vua Hùng ngất ngây:
“Cha ơi con thích chàng này
Cha cho bày tiệc cưới ngay bây giờ
Sự đời lắm chuyện bất ngờ
Nhỡ chàng đổi ý phớt lờ con sao?”
Sơn Tinh kính cẩn cúi chào
Buông lời tán tỉnh ngọt ngào dễ thương:
“Ơ kìa công chúa Mỵ Nương
Ta đây đâu phải là phường Sở Khanh
Nhưng ta cũng muốn cưới nhanh
Bởi vì rất muốn mau giành ngôi vua”
Thủy Tinh vội vã vào thưa:
“Muôn tâu bệ hạ, xin chừa hắn ra
Thần vừa đến tự phương xa
Ở nơi biển thẳm nguy nga cung rồng
Biết tin công chúa kén chồng
Thần xin dâng cả tấm lòng thảo thơm”
Mỵ Nương khẽ liếc mắt lườm
Thấy chàng trai trẻ tinh tươm áo quần
Dung nhan lãng tử phong trần
Xem ra trong bụng có phần say mê
Bèn đưa tay vuốt tóc thề
(Thực ra là tóc rễ tre duỗi rồi )
Nhìn vua năn nỉ ỉ ôi:
“Cha ơi cha hãy truyền ngôi cho chàng”
Thấy công chúa quá vội vàng
Vua liền hỏi lại xem nàng thích ai
Công chúa nước mắt ngắn dài
“Hu hu, con thích cả hai sao giờ?”
Quan quân bèn mách nước cờ
Cho thi văn võ để chờ ai hơn
Vua nghe thấy thế mừng rơn
Bèn cho truyền lệnh thi luôn tranh tài
Bắt đầu tiết mục chuyện hài
Sơn Tinh kể trước một bài thơ vui:
“Một cô gái tuổi đôi mươi
Mặt mày xinh đẹp, dáng người thướt tha
Có lần đi khám y khoa
Gặp anh bác sĩ hào hoa vô cùng
Về nhà cô kể lung tung
Cha ơi anh ấy lạ lùng lắm thay
Nhìn con anh nói thế này:
‘Hôm nay anh gặp một ngày rất xui
Ống nghe anh đã quên rồi
Nên anh dùng tạm tai người nghe em’
Rồi anh nghe phổi nghe tim
Đôi mắt anh ấy lim dim mơ màng
Tai anh áp sát dịu dàng
Rà lên rà xuống nhẹ nhàng đó cha
Mà anh khám kỹ lắm nha
Chỉ nghe tim phổi mất ba giờ liền
Bố nhìn con gái dịu hiền
Trong lòng rất đỗi muộn phiền nói ngay:
‘Thằng cha này xỏ lá thay
Nhưng mà con cũng còn may quá trời
Nó chỉ quên ống nghe thôi
Chứ quên ống chích tiêu đời con luôn’”

Sơn Tinh vừa dứt lời tuôn
Mọi người ôm bụng ngoác mồm như điên
Quan quân cười ngả cười nghiêng
Nhà vua sặc cả miếng riềng vừa nhai
(Triều đình đang nhậu lai rai
Cầy tơ chín món, mấy chai rượu nồng)
Công chúa thích chí trong lòng:
“Sơn Tinh chàng hãy làm chồng thiếp ngay”
Triều đình trên dưới vỗ tay
Chúc cho đôi trẻ men say duyên tình
Vừa hay lúc ấy Thủy Tinh
Đùng đùng nổi giận một mình bước ra:
“Trăm năm trong cõi người ta
Thủy Tinh kể chuyện rất là OK
Mọi người xin hãy lắng nghe
Chuyện này đảm bảo bốn bề cười lăn”
Nói rồi đứng trước quan văn
Chàng ta đủng đỉnh nói năng khôi hài:
“Trong giờ học toán lớp hai
Cô giáo mới đặt một bài toán vui:
Năm con chim nhỏ trên trời
Khẽ khàng đậu xuống cành sồi xanh non
Thợ săn bắn chết hai con
Số chim ở lại sẽ còn bao nhiêu?
Cả lớp im lặng đăm chiêu
Cuối cùng một cậu đáp liều như sau:
‘Bài này có khó gì đâu
Chẳng còn lại chú chim nào trên cây!’
Cô giáo mới nói thế này:
‘Em mà đáp thế là sai mất rồi
Để cô minh họa em coi
Sau đó em hãy trả lời lại ngay’
Cô giáo xòe năm ngón tay
Rồi cô cụp xuống bớt hai, hỏi rằng:
‘Bây giờ em đã rõ chăng?’
Cậu bé vẫn cứ khăng khăng: ‘không còn
Vì nghe súng nổ vang giòn
Lũ chim bay mất có còn nữa đâu!’
Cô giáo thích thú gật đầu:
‘Đáp số không đúng nhưng giàu ý hay
Suy luận lô gíc lắm thay
Cô rất thích cách nghĩ này của em’
Cậu bé vội vã nói thêm
‘Hồi nãy cô đã đố em một bài
Cuộc chơi vẫn cứ còn dài
Mời cô đoán thử bài này cho em:
Một chiều gió nhẹ bên thềm
Có ba phụ nữ ăn kem ngon lành
Một người cắn vội thật nhanh
Người liếm, người mút để ăn nhẹ nhàng
Bây giờ cô có biết chăng
Ai là phụ nữ có chồng hả cô?’
Quả là câu hỏi bất ngờ
Cô giáo đỏ mặt đứng đờ chôn chân
Rồi cô hạ giọng nói thầm:
‘Người phụ nữ mút que kem chứ gì?’
Cậu bé cười mỉm mím chi
Ra chiều đắc thắng bởi vì cô sai:
‘Chính người có nhẫn đeo tay
Mới là đáp án bài này đó cô
Nhưng mà cô chớ có lo
Em thích cách nghĩ mà cô trả lời”
Nghe xong công chúa bật cười
Vội vàng tiến đến lả lơi đưa tình:
“Cha ơi con thích Thủy Tinh
Bởi vì chàng ấy thông minh, khôi hài”

Cả hai ngang sức ngang tài
Khiến vua rối trí – chọn ai bây giờ?
Bèn bảo công chúa đố thơ
Ai người giải được thì cho làm chồng
Công chúa chúm chím môi hồng
(Son này nhập ngoại triệu đồng một một cây )
Nàng đọc câu đố thế này:
“Một ngày trời đẹp, mây bay, nắng hồng
Gà con rảo bước chơi rông
Diều hâu bay đến lượn vòng bên trên
Gà con ngửa cổ ngước lên
Nói câu gì đó rơi liền diều hâu
Mời hai chàng hãy đoán mau
Em gà con nhỏ nói câu gì nào?”
Sơn Tinh nhanh nhẹn làm sao
Vừa nghe câu đố ngọt ngào nói ngay
“Gà con nó nói thế này:
Diều hâu chàng hỡi ra tay khoe hàng
Diều hâu nghe thế vội vàng
Khép đôi cánh lại điệu đàng làm duyên
Dụ em gà nhỏ dịu hiền
Nào ngờ rơi xuống tan liền xác thân
Gà ta đắc chí vô ngần
Đáng đời dại gái si đần diều hâu”
Nhà vua thích chí gật đầu
Phen này phò mã còn vào tay ai?
Thủy Tinh lườm mắt nguýt dài
Công chúa thấy thế ra bài đố thêm:
“Chuyện voi và chuột một đêm
Chuột vừa thỏ thẻ voi liền ngất đi
Hỏi chuột đã nói câu gì
Khiến voi hoảng hốt tứ chi cứng đờ?”
Hai chàng Sơn Thủy la to:
“Con chuột nó nói ngây thơ thế này
Voi ơi em đã có thai
Làm voi choáng váng xỉu ngay ra nhà”
Mỵ Nương cũng phải cười khà
Hai ngươi đọc báo rõ là nhanh ghê
Chuyện này ta mới vừa nghe
Hai ngươi đã biết bét nhè là sao
Bây giờ xin hãy đoán mau
Tỉnh dậy, voi nói một câu thầm thì
Chuột đang hí hửng cười khì
Lăn đùng ra xỉu, hỏi vì sao đây?”
Sơn Tinh đỏ mặt tía tai
Vò đầu bứt tóc nghĩ hoài không ra
Thủy Tinh lúc ấy ngâm nga:
"Voi nói thêm đứa nữa nha hỡi nàng”
Chuột nghe đổ vật ra sàn
Một đứa đủ mệt, một đàn làm sao?

Triều đình bàn tán xôn xao
Bây giờ biết tính thế nào mà so?
Hai người thi thố mấy trò
Bất phân thắng bại khiến cho vua rầu
Nào là đấu võ, thể thao
Đánh đàn, ca hát thấp cao tranh tài
Lại còn xếp chiếu đánh bài
Rồi chơi chứng khoán xem ai tinh tường
Mỗi người mỗi vẻ phi thường
Chẳng ai chịu lép chịu nhường cho ai
Sơn Tinh nghĩ bụng thế này
Thủy Tinh thằng ấy cũng tài như ta
Nếu không có kế ranh ma
Làm sao vào được hoàng gia bây giờ?
Thế là để ý thăm dò
Rồi đem đô Mỹ biếu cho nữ tì
Hỏi xem công chúa thích gì
Nữ tì liếc thấy phong bì căng căng
Bèn hạ giọng mách nước rằng:
“Chàng đem đồ độc tặng nàng là xong
Kim cương, đá quý, vàng ròng
Vòng tay nạm chín ngọc hồng sáng choang
Bông tai gắn chín hạt xoàn
Công chúa sẽ thích, xin chàng đầu tư”
Sơn Tinh giả bộ gật gù
(Chúng mày cứ tưởng ta ngu, ấm đầu? )
Bèn sai người đến xứ Tàu
Hàng giả mấy món đặt mau đem về
Công chúa thích mẩn thích mê
Ngay lập tức gạt ra rìa Thủy Tinh
Xin cha cho cưới Sơn Tinh
Vì chàng đã quý yêu mình như tiên
Vua Hùng vội vã tuyên liền:
“Sơn Tinh xứng đáng rể hiền của ta
Cho vào đội ngũ hoàng gia”

Cũng là một kỷ vật: Bài thơ của Phạm Tiến Duật do chính ông chép tay trên giấy học trò, chưa đăng ở đâu.

(Tôi có một chuyện tình cờ, được ông PTD viết đưa cho bài thơ sau đây. Đêm nay không ngủ được, nhớ ra là giỗ ông Duật vừa qua ít ngày, nên tôi bò dậy, post lên đây, coi như nén hương cúng ông Thi sĩ.) (NXH)





Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Nói về "Mẫu- Mẹ"

Nhân dịp ông NCT viết thơ về "mẹ người yêu cũ", tôi cũng có nói đến "chính mẫu", tôi xin nói câu chuyện về từ "mẫu".
Mẫu, từ Hán -Việt có nghĩa là mẹ. Ngày xưa phép tắc gia đình, trật tự xã hội trong một xã hội Nho giáo rất chặt chẽ. Trung Quốc có hẳn một bộ "Kinh Lễ" nói về điều này. Việt Nam, có bộ sách "Thọ mai gia lễ" rất thịnh hành, nói về các quy định trong gia đình. Theo sách này, trong thứ bậc gia đình có câu "ba cha tám mẹ".  Ba loại cha là Thân phụ (Cha sinh ra mình); Kế phụ (sau khi cha chết, mẹ lấy chồng khác, chồng mới của mẹ là kế phụ hay, bố dượng) và Dưỡng phụ (Bố nuôi). Còn "tám mẹ" là:
"-Đích mẫu: Vợ cả của bố.
-Kế mẫu: Khi còn nhỏ mẹ đã mất, cha lấy vợ khác để nuôi nấng mình.
-Từ mẫu: Mẹ chết từ tấm bé, cha sai người vợ lẽ nuôi mình bú mớm.
-Dưỡng mẫu: Mẹ nuôi, cha mẹ nghèo cho mình để người khác nuôi.
-Xuất mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng bị cha ruồng rẫy.
-Giá mẫu: là mẹ sinh ra mình, nhưng khi cha mất thì đi lấy chồng khác.
-Thứ mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng là vợ lẽ của cha.
-Nhũ mẫu: Mẹ vú, cho mình bú mớm từ khi còn tấm bé."


Đoạn trên đây là nguyên bản ở Thọ mai gia lễ. Thực ra, mẹ cả còn mà bố lấy vợ khác, con bà cả vẫn gọi bà hai, bà ba... là Kế mẫu. Còn Xuất mẫu thì chỉ chung bà mẹ đi lấy chồng khác, không nhất thiết "bị cha ruồng rẫy". Trên đây, còn Nhạc mẫu không liệt kê ra, là để ở mục riêng. Đó là mẹ vợ, mẹ chồng, gọi là Nhạc mẫu. Ngoài ra, mẹ đẻ ra mình, thì đều xưng hô Chính mẫu.
Như thế, ngày xưa không có từ nào chỉ mẹ người yêu, lại càng không có từ chỉ mẹ người yêu cũ. Mẹ nuôi mình, không chăm nuôi mà chỉ nhận, và cả nuôi theo đúng nghĩa, còn gọi là Nghĩa mẫu. Vậy mẹ người yêu cũ của ông NCT cũng là Nghĩa mẫu. Tuy vậy, ngày xưa, khi đã yêu con gái bà, mà bỏ đi thì hai bên gia đình phải giải quyết hậu quả rất lôi thôi, chắc gì gặp nhau được mà còn nghĩa. Nếu nói chuyện hôn thú ngày xưa, mời các bác tra sách cũ nhé. Nào là mai mối, vấn danh, nạp cheo, chạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới... Chán chê mới được cưới nhá.

cho vợ

Giới thiệu: Theo yêu cầu của các bạn, tôi đành post bài thơ này. Bởi vì nó không phải thơ, chỉ là mấy câu nịnh vợ. Vợ mình đẻ con ra, nuôi con mình, nhưng cũng hay tự làm thủ trưởng, làm sếp của cả mình lẫn con mình, và đôi khi cũng tưởng chồng mình là đứa con lớn trong nhà. Thế là mình khoái nhất là trong nhà có mấy bà mẹ, mẹ mình là Chính mẫu, vợ mình là Phụ mẫu. Chữ Phụ có nhiều nghĩa, Hán tự viết bằng nhiều chữ. Có chữ nghĩa là bố mẹ, có chữ nghĩa là vợ (trong chữ phu -phụ: chồng-vợ). Tôi đã viết văn hàng triệu chữ, viết nhiều về bố, về mọi người trong thiên hạ, chỉ có duy nhất 1 bài thơ về mẹ, 1 bài thơ về vợ. Đó cũng là vì quá kính trọng hai bậc mẫu nghi, một là chính mẫu, một là phụ mẫu.



Cho vợ.
Từ ngày có em
Anh trở thành như anh bây giờ
Người đàn ông trưởng thành
Sống đến tận cùng mọi cung bậc tình đời

Em cho anh những đứa con
Nối tiếp em cho đời trường tồn mãi
Dù ta sẽ một mai đông tàn phai vĩnh cửu
Các con ta giữ mãi tuổi xuân ta

Anh ước kiếm được vàng mười của thế gian
Dựng tượng em giữa lòng nhân loại
Em xứng đáng là phu nhân đệ nhất
Vướng vào anh chỉ làm vợ nhà văn

Em phải chịu anh điều trăng thói hoa
Chịu lãng đãng anh đi xa ở lạ
Anh cũng biết thuyền la cà vì gió
Vẫn chung tình bến cũ bờ xưa.
Anh có em
Thuyền có bến ngày mưa tháng bão

Anh có em
Như đũa có đôi
Như ngày có đêm
Hai bàn tay trắng vỗ nên cuộc sống

Thời vô thường thời ta có nhau
Dòng đời sống chảy trôi vô định
Dẫu ngày thác đêm ghềnh
Nước còn sông sẽ không thể mất
Anh có em số phận tròn đầy...

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Đây mới đúng là kỷ vật này (3)

Lưu bút của Tạ Hữu Gay, tôi đã định đăng lên từ tuần trước, nhưng thấy nhà văn NXH giới thiệu mấy bài thơ của Gay, có cả bút tích nữa, sợ mọi người mải đọc thơ mà quên không xem kỷ vật. Nay thấy thơ có vẻ đã loãng, Thắng tôi xin giới thiệu tiếp bản lưu bút của nhà thơ Tạ Hữu Gay. Với nét chữ và chữ ký từ  38 năm trước, Thắng tôi tiên đoán THG phải thọ ngoài 75 tuổi. Các bạn thử phân tích thêm  xem nhé. (LPT)


Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Tôi cũng có một bài thơ về "Mẹ"

Hầu như thi sĩ nào cũng có một bài thơ viết về Mẹ của mình. Tôi cũng có một bài thơ về Mẹ, nhưng là Mẹ của người yêu cũ. Ngày còn yêu con gái Mẹ, mỗi lần đến nhà chơi tôi đều gặp Mẹ. Lúc thì Mẹ đang quét sân, lúc thì Mẹ đang rê thóc. Dù bận đến mấy, thấy tôi là Mẹ cười thật tươi, chắc Mẹ ưng tôi làm con rể. Đường đời trắc trở, duyên phận lại mang đến cho tôi người con gái khác để kết đôi. Mấy chục năm sau, gặp lại bạn gái cũ, hỏi thăm Mẹ mới biết Mẹ đã mất mấy năm rồi. Giờ mỗi lần về quê, tôi cứ nhìn về phía nhà mẹ, ngôi nhà ẩn mình sau vườn cây trái xum xuê và như thấy Mẹ hiện lên với nụ cười ngày ấy. Mẹ đã sinh ra người con gái để tôi yêu. Mẹ đã góp phần tạo nên quá khứ của đời tôi. Tôi viết bài thơ này để tri ân Mẹ và muốn gửi gắm một lời tâm sự: những ai còn Mẹ trên đời hãy quan tâm chăm sóc Mẹ hơn.

MẸ ƠI

Mẹ ơi,
Chắc mẹ chẳng thể nào nhận được ra con
Người ngày xưa từng yêu con gái mẹ.
Dẫu có nhận ra thì giờ xa cách thế,
Mẹ có buồn?
Mẹ có trách con không?
Xin Mẹ cứ coi con như con của Mẹ
Con có sai
Mẹ tha chẳng đánh đòn.


Mẹ ơi,
Con muốn nói một lần xin lỗi Mẹ,
Không được rồi,
Cách biệt âm dương!
Cho dù thế thì con vẫn nhớ
Dáng Mẹ liêu xiêu theo năm tháng tảo tần.
Làm sao con có thể quên
Nụ cười Mẹ óng ánh màu hạt na, hạt nhãn,
Chiếc áo Mẹ mang nhuộm màu của đất,
Mẹ rê thóc
Chiều nghiêng bóng hoàng hôn.

Mẹ ơi,
Sống ở trên đời Mẹ là quê hương
Cho chúng con đi xa mang trong lòng nỗi nhớ
Khi đã đi về miền thiên cổ
Mẹ hóa thành ĐẤT MẸ thân thương.
Mẹ là dòng sông
Mẹ là đồng lúa
Là vườn rau
Là cây nhãn, cây sung...
Cho con mỗi lần về quê lại nhớ
Dáng Mẹ tảo tần,
Ôi, Mẹ bao dung!
                          NCT- 11/2012)

Mẹ

Giới thiệu: Các bạn làm thơ tình nhiều. Tôi cũng có thơ tình. Nhưng sắp tới là ngày giỗ mẹ tôi, tôi làm bài thơ này khi mẹ 82 tuổi. Xin đóng góp một bài thơ với blog lớp E (NXH)

Mẹ kính yêu
Mẹ nuôi con lớn lên
Con nhìn thấy mẹ già đi theo năm tháng
Đến một ngày bỗng nhiên con hốt hoảng
Mẹ già nhớ nhớ quên quên…
Mẹ nhớ kỹ ngày xưa tản cư chạy Tây
Mẹ nhớ rõ ngày xưa sơ tán vì bom Mỹ
Mẹ lại không nhớ hồi con đi bộ đội
Tiếng nước non tổng động viên chống giặc Tàu
Chuyện mới thì quên
Chuyện lâu lại nhớ
Chuyện xửa chuyện xưa lúc nhớ lúc quên.
Mẹ già khi lẫn khi tinh
Lúc nào cũng thương con như hồi con tập đi tập chạy
Ốm đau không sao dậy được
Vẫn bảo việc nhà để riêng mẹ lo cho.
*
Mẹ ơi
Mẹ qua tám mươi hai vụ lúa
Tám mươi hai mùa rau cải ra hoa
Thời gian đằng đẵng
Không gian lương thương
Luật trời không ai cưỡng được
Nhân quả chia đều cho mọi chúng sinh
Rồi con cũng sẽ già như mẹ
Có thể lú như mọi ông già  khác
Chỉ mong sao phúc nhà ta dày nhờ ơn tiên tổ
Là con cháu chúng con không lú lẫn như bố mẹ già
2012

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Chia sẻ thông tin

Hiện nay tôi có bản PDF của sách "Bên thắng cuộc", bạn nào chưa có mà muốn đọc, mà không có thời gian lần mò trên mạng, thì để lại lời nhắn, email, tôi sẽ gửi cho (nhắn ở comment hoặc gửi email cho tôi). Dĩ nhiên đây là hành động vi phạm bản quyền nhá.
Cuốn sách này đang nổi sóng trên mạng 1-2 tuần nay. Tác giả sinh năm 1962 không xa lạ với giới nhà báo. Nhiều việc thế hệ chúng ta biết, chứng kiến, nhưng chắc chưa có dịp ngồi nhìn lại. Hiện nay khen và chê cuốn sách này đều ác liệt như nhau.(NXH)

Chúng tôi đi dự đám cưới Xuân Hưng

Những ngày cuối năm 1985, trời rét đậm nhưng không mưa. Nhận được tin báo Xuân Hưng tổ chức lễ cưới, các bạn đều bận rộn cả, chỉ có tôi, Quang Hưng và Kỳ có thể đi xuống Hải Phòng được. Hồi đó, đi lại không phải đơn giản như bây giờ. Từ tối hôm trước, Quang Hưng và Kỳ phải tới nhà vợ tôi ngủ nhờ (lúc đó tôi chưa có nhà riêng, đang ở rể) để hôm sau đi ra ga Hàng Cỏ sớm cho tiện. Thế là vợ tôi phải sơ tán sang ngủ với mẹ để ba thằng tôi ngủ giường cưới. Sáng sớm, ba thằng cưỡi hai chiếc xe đạp ra ga. Tôi phải mặc thêm cái áo bạt sỹ quan ra ngoài vì trời khá lạnh.

 Khoảng giữa trưa, tàu đến Hải Phòng. Chúng tôi ghé vào chỗ Thảo, mấy đứa rửa mặt mũi, ăn cơm trưa, nghỉ ngơi một chút rồi gói quà tặng (ngày ấy chưa có phong tục trao phong bì trong đám cưới rầm rộ như bây giờ, quà tặng chủ yếu là đồ dùng gia đình). Sau đó Thảo dẫn chúng tôi đến chỗ khu tập thể Nhà máy thủy tinh. Phòng cưới đã trang hoàng xong. Vẫn những chiếc bàn và ghế băng mộc mạc. Một tấm phông vải màu xanh rộng trên đó có gắn đôi chim bồ câu cạnh hai chữ hoa H-T lồng vào nhau. Khá nhiều cán bộ, công nhân nhà máy và một số bạn bè học Bách khoa với Xuân Hưng đang làm việc ở Hải Phòng đã có mặt ở đó, nhưng không thấy Xuân Hưng đâu. Một lúc lâu sau Xuân Hưng xuất hiện. Vừa nhìn thấy tôi, hắn reo lên: “A, đây rồi” và nắm cổ tay tôi lôi vào một cái phòng nhỏ trên gác, hình như là phòng tân hôn của hắn thì phải, nhưng chẳng thấy có giường cưới, chỉ thấy một cái giường gỗ loại nhỡ đã cũ. Hưng bắt tôi cởi bộ com lê màu tím nhạt đang mặc trên người rồi đưa cho tôi bộ com lê màu xanh sẫm. Bộ com lê của tôi may trước ngày tôi kết hôn từ mảnh vải mà mẹ tôi được phân phối và cất giữ từ lâu để làm của hồi môn tặng con trai đầu lòng khi cưới vợ. Hóa ra từ trưa Xuân Hưng đi mượn bộ com lê  mà không tìm được bộ nào vừa với người hắn. Có một bộ tàm tạm cầm về thì lại quá ngắn. Bộ của tôi hơi dài với hắn một chút nhưng không sao, vì hai thằng đều gầy nhẳng như nhau. Tôi mặc bộ com lê Hưng đưa, quần thì đến mắt cá chân, áo thì hở cổ tay một đoạn, may là vẫn vừa vai. 
Đoàn đón dâu chuẩn bị xuất phát vẫn chẳng thấy phù rể đâu. Nhìn quanh chỉ có hai người mặc com lê là tôi, vừa cưới vợ được 3 tháng và một người nữa là ông phó quản đốc một phân xưởng cùng nhà máy Hưng, có bộ răng đen xỉn màu thuốc lào, thuốc lá và nghe đâu còn là bố của 4 cô con gái nữa. Thế là tôi và ông kia được chọn làm phủ rể cho Xuân Hưng. Quang Hưng và Kỳ chịu trách nhiệm đốt pháo. Xe đón dâu đi được một đoạn, Quang Hưng ngồi trên phát hiện chữ Song Hỷ dán ngược thành chữ Thọ. Xe phải dừng một lúc để bóc chữ đó ra dán lại, vì Quang Hưng phải chạy vào một quán hàng gần đó xin mấy sợi bún hay cơm gì đó để dán chữ. Đến nhà gái, Hồng Kỳ cầm cây gậy treo bánh pháo giơ cao. Quang Hưng bật lửa đốt. Nổ được một hồi, pháo xịt. Lại đốt, nổ được mấy tiếng nữa, lại xịt. Rồi lại nổ, lại xịt. Sau lần thứ ba, Quang Hưng cầm chỗ pháo còn lại ném đi. Pháo nổ, pháo xịt cũng là điềm báo hiệu niềm vui lớn. Ông Xuân Hưng sau này có ba cô con gái vừa giỏi vừa xinh. Ông Kỳ giương cao bánh pháo cũng không kém, sinh hạ ba cô vừa ngoan vừa tháo vát. Ông Quang Hưng mắc tội ném chỗ pháo chưa đốt đi nên chỉ được hai cô cũng giỏi và xinh. Riêng tôi thoát được cái sự sinh con một bề, không hiểu ông phù rể kia đã gánh hộ hay do sự quan liêu của quan Nam Tào, Bắc Đẩu cứ đánh dấu cái thằng mặc com lê xanh ngắn tay, hở mắt cá chân mà sau này không truy ra được. Ba ông đều là con trưởng, như thế cũng tốt cho việc thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ” của ông bà ta. Nếu  Quang Hưng không ném chỗ pháo đó đi thì biết đâu mỗi ông giờ đã có bốn, năm cô con gái giỏi giang xinh đẹp cho thiên hạ được nhờ rồi!
 Đám cưới giản dị nhưng rất vui, quà tặng chất đống, cũng phát biểu, cũng hát hò, chú rể mời nước chè, cô dâu mời thuốc lá. Hình như vợ chồng Xuân Hưng quên chụp ảnh lưu niệm với bạn bè hay tôi không nhớ nhỉ? Lễ cưới kết thúc, chúng tôi và một số người bạn cùng những người thân trong gia đình Xuân Hưng còn ngồi lại nói chuyện vui với đôi vợ chồng trẻ và để tôi với Xuân Hưng trao đổi lại quần áo.
Khoảng 10 giờ đêm chúng tôi quay lại nhà Thảo. Hồi ấy Thảo được phân một gian trên tầng 3 tòa chung cư khu tập thể Nhà máy xi măng Hải Phòng. Trong phòng chỉ có một chiếc giường đôi. Vì về muộn quá nên Thảo cũng không gửi chúng tôi đi ngủ nhờ nhà ai được. Thế là cả bốn chúng tôi ngủ chung một giường. Thảo nằm trong cùng được ưu tiên một chăn riêng. Ba thằng tôi một chăn và tôi phải nằm ngoài cùng vì sợ đêm ngủ quên nằm mơ ôm vợ rồi ôm nhầm phải Thảo thì gay. Tôi không nhớ hai ông kia ai được vinh dự nằm cạnh Thảo. Chúng tôi  nói chuyện mãi, có ngủ được đâu. Ba giờ sáng thảo đã dậy cọ nồi nấu cơm sáng, nhưng chúng tôi bảo không ăn. Năm giờ sáng, chúng tôi tạm biệt Thảo đi ra ga tàu về Hà Nội. Nhìn qua cửa sổ con tàu ngắm cảnh đồng quê đang vào vụ đông xuân, lắc lư theo con tàu uốn mình chuyển động, chúng tôi lại bàn chuyện hai tuần nữa cưới Tú-Uyên ở Vĩnh Yên ai đi dự và quyết định Quang Hưng sẽ đại diện bạn bè đi lên đó cùng với vợ chồng Bách – Nga, vì Kỳ có việc bận, còn tôi thì mới đến nhận công tác ở Nhà máy Dụng cụ số I Hà Nội nên có một số việc phải giải quyết.
Mới đó mà đã 27 năm. Nhìn lại những đôi cưới nhau từ dạo ấy, giờ vẫn tay nắm tay sóng đôi trên đường đời, mới thấy những chàng cựu học sinh chuyên toán Hải Hưng (72-75) thật may mắn và thầm cảm phục sự hy sinh cao cả của các vị phu nhân của họ. Các em thực sự là những nhà đầu tư tài năng, với tư duy sắc sảo và tầm nhìn xa hàng chục năm trời. Các em đã quyết định gắn bó với chúng tôi từ lúc bần hàn, bất chấp bao trở ngại, thách thức đang chờ đợi trong cuộc sống. Làm sao chúng tôi lại có thể phụ bạc các em cơ chứ! (NCT-12/2012).

Mơ ước của Tạ Hữu Gay


Giới thiệu: Năm 1980, Tạ Hữu Gay đã có cái nhìn ở một thế giới siêu thực: nhìn qua ánh sáng cong. Xin mời đọc bài thơ "Ước" của anh. Tôi cho rằng đây là một trong những bài thơ hay nhất của Tạ Hữu Gay (NXH)
Ước
Ôi xa cách để lòng anh mong nhớ
Muốn cùng muôn tia sáng tới nơi em
Dù núi cao đường xa cách trở
Tia sáng anh có ngại đâu em

Những khi đó, em yêu, anh ước
Được nhìn em bằng ánh sáng cong
Dù núi cao đường xa cách trở
Tia sáng anh vượt mọi nẻo đường

Anh đã thấy thân hình thon thả
Vẫn thấy đây gương mặt của em
Mắt môi em đây sao gần quá
Mà mỗi ngày anh lại thấy yêu thêm

Dù em ở gác cao nhà ngoài phố
Dù ở đâu anh cũng dõi tìm
Với luồng sáng cầu vồng qua ngăn trở
Thấy đây rồi- anh đã thấy em

Bao mơ ước của anh, em có biết
Cũng không ngoài hai chữ: Tình yêu
Anh yêu em, một mối tình tha thiết
Vì yêu em mà ước đủ điều.
3/10/1980

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Sự thật của bài thơ “ Thị xã màu xanh”

Tôi tình cờ biết Ba cô nữ sinh ấy trong chuyến về Giỗ tổ năm ấy. Thắp hương kính cẩn  Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng thì đã quá trưa.  Tôi gặp nhóm sinh viên Trường 10+3  Phú Thọ trên sườn đồi và vẫn nhớ mãi nửa chiếc bánh mì các em chia cho chúng tôi cùng lời hẹn hò gặp lại.
 5 tháng sau, trong chuyến đi Ấm Thượng, Yên Bái thăm Bách, Tôi quyết định cùng NCT ghé thăm các Em như lời đã hẹn. Sự nhiệt tình và ân cần của các Em như NCT đã kể. Về đến đơn vị mấy ngày sau cả hai đứa vẫn vấn vương cái tình của các em, cái tình của các cô gái Phú Thọ, Tôi đặt bài với NCT từng em phải xuất hiên trong bài thơ của bạn.
Cả 5 người đều có trong bài thơ ấy, NCT tự sự thì quá rõ , tôi cũng chỉ thoáng qua và  3 em cũng vậy.

Em nhỏ nhắn, trăng trẻo, yểu điệu thục nữ vì đi guốc cao nên hay vấp trên đường tiễn chúng tôi ra ga xuất hiện trong khổ thơ.
Những nỗi buồn vui chẳng cuối chẳng đầu
cứ lẫn lộn chợt hiện rồi lại mất,
như viên đá trên đường không có mắt
vô tình níu lại bước chân em...
 Em là người tôi thích nhất. Giờ nghĩ lại lúc đó hơi ngu sao mình không nắm lấy tay em.
Em thứ hai là người mơ mộng, thích thơ, có cái miêng duyên dáng,  xuất hiện trong khổ thơ:
Nói sao đây chỉ tại bạn quá lời
để em thích bài thơ tôi sẽ viết.
Tự trái tim em hay vì đâu? chẳng biết,
sao người ra đi bỗng thấy nao lòng?
Còn Em thứ ba có đôi mắt đen láy và biết cười và cũng cười rất duyên. Em là người đưa chúng tôi thăm Trường trong lúc chờ cơm trưa- Người Phú Thọ khéo là vậy. Nay NCT đăng bài thơ này Em bỗng biến mất. Tôi còn nhớ nguyên tác của khổ thơ đầu viết về Em thế này :
  Thị xã nhỏ chìm trong màu xanh
Tia nắng tới ngập ngừng bối rối
Nụ cười ai kéo mùa xuân trở lại
 Cho hàng cây nói lời yêu đương
Nguyên tác là vậy. Bài thơ lúc đó như câu chuyện của 5 người, mang đậm chất lãng mạn của sinh viên, đậm chất ga lăng của BK, đậm chất chân thành, duyên dáng của con gái Phú thọ và thoảng qua cái hương vị của lính tráng mà thôi.
Tôi chẳng biết thế nào, NCT đã gặp em nào ấn tượng và đã sửa hai khổ thơ đầu làm tôi buồn vì thấy vắng em trong bài thơ như trước đây. Có thể đã có một cô gái Phú Thọ nào đó mắt xanh như bát nước chè xanh làm NCT xao xuyến.
Dù NCT có thanh minh sửa để đậm chất lính hơn và thể hiện khí thế hào hùng của người ra trận. Tôi chẳng cho là vậy. Thú thật cái thuật ngữ “bát nước chè xanh” vay mượn ấy để thể hiện tình quân dân chẳng hợp chút nào. Về lịch sử, thuật ngữ này sẽ hợp với những năm 50 của thế kỷ trước trong chống Pháp  hay những năm 60 chống Mỹ ở Nghệ Tĩnh quê vợ NCT, chứ những năm 80 đó ở Phú Thọ đâu có phải vậy.
Tôi còn nhớ chuyện đồn Trần Đăng Khoa chê Tố Hữu về câu thơ “ đường ta rộng thênh thang tám thước”. Tố Hữu có sửa đâu và tư duy lúc đó là thế.
Đọc lại bài thơ này Tôi buồn và thấy mình như kẻ bạc tình. NCT hãy đính chính lại và tôn trọng lịch sử, tôn trọng người con gái ấy. 
Tôi đang suy nghĩ có thể Tôi sẽ đòi lại bà chị.

Hai câu chuyện kỷ niệm sâu sắc

 Các bạn lớp E vui thật, không ngờ U50 mà vẫn hóm hỉnh quá. Nhớ về lớp và các bạn, tôi kể 2 mẩu chuyện về lớp ngày x­a nhé.
1-      Sau hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh của Mỹ tại VN, lớp ta không học ở Bảo Châu nữa mà về học ở cấp 3 Âp Dâu (HY), bếp ăn tập thể của lớp đặt tại nhà bác ánh (Ph­ường Hiến Nam) bây giờ. Cả lớp đ­ợc trọ ở gần đó.Sang năm cuối để tập trung cho việc học tập cuối khóa, lớp chuyển về trọ gần khu Chợ Gạo và giải tán bếp ăn tập thể. Trư­ớc khi chia tay, bác cấp d­ưỡng tổ chức ăn t­ươi với mấy đôi vịt. Bác nhờ mấy chàng trai cát tiết vịt hộ, ai cũng xung phong thể hiện. Nh­ng kết cục khi cắt chẳng con vịt nào chết, lúc nhúng n­ớc sôi để vặt lông,  vịt còn chạy tán loạn trên sân. Thế mới biết cắt tiết vịt còn khó hơn làm toán và làm thơ. Đến tận bây giờ tôi cắt tiết vịt vẫn không chết! Chuyện đã gần 40 năm mà tôi thấy vẫn vui như­ thuở nào vây.

2-      Một hôm tan buổi học , thày Thiện dạy TDTT của tr­ường nhờ lớp chuyển hộ tài sản th­ư viện tr­ờng đến phòng khác. Thời ấy sách tham khảo phục vụ học tập, nhất là môn Toán rất hiếm, không sẵn có và dễ mua như­ bây giờ. Vào thư­ viện mọi ng­ười đến hoa mắt vì có nhiều cuốn bổ ích quá, lúc ra khỏi phòng, tôi và chắc còn nhiều bạn nữa tiện thể bỏ mấy cuốn vào cặp rồi thản nhiên ra cổng, chắc mẩm thày Thiện không biết được. Mọi ngư­ời chư­a ra khỏi cổng thì thày Thiện gọi tập trung và yêu cầu kiểm tra cặp tất cả. Chuyện gì đến đã đến, cả nhóm bị phê bình và nộp trả lại sách cho th­ư viện, trong đó có cuốn toán chọn lọc cấp III mà tôi mê nhất. Ai cũng lo sẽ bị thày Toán kỷ luật. Các bạn còn nhớ không, thày chủ nhiệm của chúng mình không kỷ luật mà nói rằng: Ăn cắp là có tội như­ng ăn cắp trí thức thì không có tội, sách thư­ viện để dùng chung, ai chót lấy thì tự giác nộp lại cho nhà tr­ờng. Cả lớp đ­ược một bài học thấm thía. Kỷ niệm ấy còn nhớ mãi đến hôm nay các bạn ạ! (VKH)

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

chuc mung THG co tho hay

nhân đọc thơTHG xin chúc mừng ông đã vượt qua bệnh tật và có thơ đăng. Nhớ đến Gay ngày xưa, tôi xin kể chuyện vui giữa tôi và Gay mà nhiều bạn trong lớp có thể không biết.
    Vào dip trung tuần tháng 5/1975 khi tôi cùng các bạn ôn thi tốt nghiệp lại đúng lúc tin chiến thắng miền Nam dồn dập báo về. Dân học chuyên thường không quan tâm nhiều đến việc thi tốt nghiệp mà chỉ tập trung cho kỳ thi đại học. Vì thế ngại ôn các môn lý thuyết. Hàng ngày chỉ chờ mua báo QDND xem tin chiến thắng.
Trong lúc đọc báo, tôi và G thách đố nhau thi vật, chuyện hơi lạ vì hồi đó tôi và G thuộc dạng bé còi nhất nhì trong lớp. Được ông Ổn khuyến khích và làm trọng tài, chúng tôi quyết đấu và tôi tin tưởng sẽ thắng G. Trong lúc căng thẳng phân thắng thua thì bất ngờ tôi bị trượt chân do sàn hè phía sau nhà lớp học có rêu. Tôi bị ngã ngựa và toàn thân G đè lên, đầu G đập vào vai tôi. Kết quả tôi thua cuộc và còn chịu chấn thương trật xương quai xanh vai trái. Vì sắp đến ngày thi nên tôi không đi điều trị, khi thi xong về quê không nám lại được, thế là tôi mang tật đến hôm nay. Người còm yếu lại ít cân, vai đau nên khám lính cũng loại, không học các nghề nặng nhọc được, tôi chọn nghề cắp cặp vì không phải đeo vác nặng cho đến tận bây giờ, mọi lúc thay đổi thời tiết vẫn đau nhứ. Kỷ niệm đó tôi không quên được mỗi khi nhắc đến G. Và cũng vì thế nên ông G chọn nghề bác sĩ để có dịp chữa cho tôi. Nhưng muộn quá rồi, để thành tật cho nhớ lâu vậy

      *Tin ve gia canh cua toi hien nay:  mot vo, 3 con ; co 2trai (1Dhoc TC cong tac o KBNN huyen Kim Thanh-HD;  1 cu nhan QTKD cong tac HP, 1 con gai la CN may tai HD- Co 1 chau noi, 1 chau ngoai)
 
     *Nhan dip 40 nam ngay nhap lop E, 40 nam chien thang B52-HN, 68 nam ngay QDND, kinh chuc cac ban dong nien, dong hoc va cac si quan, cac cuu binh cua lopE manh khoe, hp va thanh dat!

Tin thêm về Tạ Hữu Gay, kêu gọi chia sẻ thông tin về con cái

Tạ Hữu Gay đang điều trị hóa chất tại Viện 108, đã qua mấy đợt điều trị rồi. Mọi việc đều bình thường, triển vọng rất tốt. Tạ Hữu Gay có tin mừng là con gái mới ra trường đã được tuyển vào Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Chí Linh. Trong tình hình ngành ngân hàng khủng hoảng, nhân lực thừa, mà thi tuyển được vào một Ngân hàng như vậy là rất đáng mừng. Chúc mừng Tạ Hữu Gay đúng ý nguyện là có 1 con làm việc ở Hà Nội, 1 con làm việc ở Chí Linh.
Do câu chuyện với Tạ Hữu Gay, tôi nảy ra ý định kêu gọi tất cả các thành viên CT Hải Hưng chia sẻ thông tin về con cái (những gì có thể công khai được), cả tin mừng (làm việc, đỗ đạt, lấy vợ lấy chồng) và những tin không vui (thất nghiệp, thi trượt, ốm đau... vân vân)
Ông Bảo Sinh viết: Con ta không phải của ta/ Nỗi đau của nó mới là của ta. Thế thì tạm coi niềm vui của nó cũng coi như của ta vậy. Ông ta cũng nói: Tiền ta không phải của ta/ Tiền ta rồi cũng sẽ là của con.
Hy vọng sự chia sẻ thông tin kịp thời sẽ giúp chúng ta nhiều nghị lực, hoặc từ đó có phương án tốt hơn cho các việc tiếp theo...
(BLL)

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Thơ Vũ Đình Tiến: BÊN DÒNG SÔNG TRANH

Về Trà My ngát mùi hương quế
Trà Đốc bây giờ cuối tháng ba
Qua cầu Sông Tranh đầu mùa hạ
Lòng nao nao nhớ phượng đỏ quê nhà

Khắp công trường ngổn ngang sỏi đá
Tóc vương đầy bụi phấn đường xa
Giơ tay gạt mồ hôi trên má
Em nở nụ cười tươi như hoa

Anh tới đây vì dòng điện ngày mai
Tình cờ gặp em,chúng mình đâu hẹn trước
Chỉ hỏi đường thôi mà trở nên thân thuộc
Tựa như ta đã hiểu được nhau rồi

Trà My quê em, bát ngát những sườn đồi
Rừng xanh mướt bạt ngàn gỗ quý
Dòng sông Tranh rì rầm thủ thỉ
Nước ơi, biết rằng nước chảy về đâu?

Anh phá đá nổ mìn ngăn dòng sông sâu
Cho dòng điện ngày mai tỏa sáng
Em xây cầu vượt qua ghềnh thác
Để chúng mình thênh thang tới tương lai...

(Thuỷ điện Sông Tranh 3/2007)

Ghi chú của NXH: Tôi chuyển bài thơ của V.Đ.T trong mục nhận xét của bài thơ NCT sang đây, chuyển cả bình luận của NCT nữa. Lần sau bác VDT có thơ thì cho vào mục "Viết bài mới nhé"