Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Một tấm gương về học tập

Sau bài học thuê, tôi bận quá, ít khi đọc kỹ các bài, gần đây đọc lại, thấy vấn đề mình đưa ra cũng có thể mon men sánh với việc làm văn, làm thơ, khiến cho các bạn đọc quan tâm. Gần đây, chuyện em "Huyền chíp" (chúng tôi phải gọi là cháu) thi tiếng Anh điểm chót vót, được nhận học bổng toàn phần vào một trường đại học danh tiếng của Mỹ (Stanford), theo tôi là một tấm gương tự phấn đấu. Chuyện Huyền là học sinh chuyên toán A0 Đại học tổng hợp mà thi được thế thì bình thường. Điều bất thường ở đây là: Sau khi học xong phổ thông, cô Huyền này không thi đại học, mà tự túc đi du lịch bụi qua 25 nước, rồi viết 2 tập sách "Xách ba lô lên và đi", khiến dư luận nổi sóng. Ý kiến khen chê nhiều, dẫn đến cơ quan quản lý xuất bản thu hồi sách. Trong vụ này, dư luận số đông đúng là không tỉnh táo bằng số ít. Người ta phê phán Huyền phóng đại, khoác lác, nghi ngờ tính chân xác của việc dùng 700 đô la ban đầu mà qua hơn hai chục nước. Trong đó, có một bài báo của một người tên là Thịnh, đã học qua Đại học Ha-với, quyết liệt đến mức đề nghị thu hồi sách, nâng quan điểm chê bai Huyền rất ghê.
Cá nhân tôi thích cách mà Huyền tiếp cận cuộc sống, cách tư duy "chuyên toán" của Huyền. Ở đây, lòng dũng cảm và cá tính, khát khao tìm kiến thức của Huyền xứng đáng để các bạn trẻ học tập. Trong quá trình ấy, tuổi trẻ có những sai lầm và vấp váp cũng bình thường thôi.

Việc của Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền chíp) được một người Việt đang sinh sống ở Mỹ biết đến, đó là một người có nick Facebook là "Anh Gấu Phạm". Tôi kết bạn với anh này, và không rõ anh ta tên gì. Anh Gấu Phạm cũng có quan niệm như tôi, và chê trách người tên là Thịnh, dù cho đã được ngân sách Nhà nước cho đi học Ha-vơt (chương trình học bổng Fulbright) nhưng Thịnh vẫn chưa thoát được tư duy cổ hủ, nhìn nhận một sự kiện, đánh giá một con người rất bảo thủ, thiển cận. Từ đó, Anh Gấu Phạm có thảo luận với một người có nick là "Anh Xu Béo", làm một trắc nghiệm, coi như một game, như sau: Anh Gấu Phạm sẽ giúp chỉ dẫn cho em Huyền Chíp vào một trường đại học ở Mỹ, rồi sau khi em Huyền học xong, ra trường, sẽ so sánh năng lực và kết quả của em Huyền với anh chàng Thịnh kia, xem ai được xã hội đánh giá cao hơn ai, ai làm được nhiều cho xã hội hơn. (Vì lời chê đao to búa lớn của Thịnh, lên án Huyền khi viết sách, mà dẫn đến anh Gấu và anh Xu đố nhau thế)
Quả thật, sau đó, Khánh Huyền thi SAT rất cao (2290 điểm). Ai đã biết thi SAT thế nào mới đánh giá được điểm ấy thế nào, sau đó Huyền thi toán được 800 điểm, tiếng Tây Ban Nha 800 điểm; được nhận vào trường Stanford học bổng toàn phần.
Toàn bộ câu chuyện này được Anh Gấu Phạm kể theo link sau đâu: https://www.facebook.com/notes/anh-gau-pham/c%E1%BA%A3m-%C6%A1n-huy%E1%BB%81n-chip/10152262763341112
Hoặc tôi cắt dán dưới đây và đã lược bỏ đi một số chuyện rườm rà, tập trung vào chủ đề chính.

1. CẢM ƠN HUYỀN CHIP

 Một vài năm trước khi quyển sách đầu tiên của Huyền Chip được xuất bản mình có đọc một hai đoạn qua diễn đàn tnxm.net - đoạn kể lại của cô gái sang Malaysia với dự định làm việc xong rồi đi phiêu lưu tùy cảm hứng. Xưa có thời gian đi du lịch kiểu tùy hứng này nên mình đọc và cảm thấy hiểu được cái tâm lý đi lướt qua cuộc đời của người trẻ trong truyện. Từ kinh nghiệm bản thân bỏ bê việc học hành để đi chơi rồi chịu những thiệt thòi của cách làm việc tùy hứng đó nên mình có nhận xét trong thảo luận đó là bạn gái kia nên quay về đi học một lúc nào đó để xây dựng một nền tảng vững, để có được một thứ giấy thông hành mở các cánh cửa khắp thế giới ví dụ như một bằng cấp hay chứng chỉ nghề nghiệp nào đó, rồi lại tiếp tục rong chơi cũng không quá muộn mà lại làm tăng chất lượng của trải nghiệm lên nhiều. Lần đó xong mình cũng không để ý tới việc em Huyền nữa.
Cho tới khi cuốn sách thứ hai của Huyền được xuất bản. Trên Facebook xuất hiện nhiều lời tố cáo cuốn sách chứa đựng nhiều điều sai sự thật. (...) Trong một thời gian ngắn nhờ hiệu ứng cầu tuyết mà vụ Huyền Chíp trở nên ầm ĩ. Đọc tin tức trên báo mạng và các diễn đàn mình cảm thấy trong khi những lời buộc tội Huyền còn chưa rõ thực hư ra sao thì nhiều người đã vội vã xây dựng các giả thuyết dựa trên các giả định nhầm lẫn rồi chung sức với nhau tạo ra một cơn bão hoàn hảo nhưng ở trong tách trà.
(...) Ngoài ra còn có những điều tế nhị khác giúp cho có một cơn bão hoàn hảo: Huyền là người ngoại tỉnh lại có vẻ có tham vọng (liên tưởng về con osin nhà tao), có hoài bão, mơ ước, phát ngôn những điều triết lý; đi lang thang với Tây, cặp bồ nọ kia; đi nước này nước nọ về tỏ vẻ kênh kiệu, giảng giải cho những người thừa khả năng đi Anh đi Mỹ. Những yếu tố trên kia khiến Huyền trở thành một nạn nhân hoàn hảo, một nạn nhân có phần yếm thế nữa vì rất dễ tấn công mà không phải sợ bị nạn nhân đó tấn công ngược lại.
(...)Mình hiểu ngay là công chúng đã phản ứng theo kiểu giận cá chém thớt. Họ mang sự bực dọc với truyền thông, với xã hội đạo đức thấp kém, sự chán nản với đời sống không có những điều cao thượng, ước mơ, xã hội nạo thai, ngoại tình, ăn cắp, đĩ điếm, nghiện ngập, nhậu nhẹt, tham nhũng - rồi chọn ra một trường hợp điển hình hơi xấu để nện cho nó thật là chết đi. 
Mình đáng ra cũng chỉ đùa vui bên ngoài theo kiểu tào lao, trêu chỗ này, nghịch chỗ kia mỗi chỗ một tí cho tới khi có một vị anh hùng cái thế xuất hiện làm thủ lĩnh cho phe chống Huyền. Vị anh hùng đó chính là Trần Ngọc Thịnh, một người tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường Bách Khoa, cũng là người ngoại tỉnh như Huyền, và đã xin được học bổng của chương trình Fulbright đi học ngành hành chính công ở Mỹ (Đại học bang Missouri). Trần Ngọc Thịnh đã gửi một kiến nghị lên Cục xuất bản trong đó chỉ ra những điểm mà cậu ta cho rằng sai sự thật trong sách của Huyền và sau đó cậu ta đề nghị thu hồi, thiêu hủy sách và cấm tác giả hành nghề viết trong một số năm. Kiến nghị này của Thịnh làm mình tái người vì lẽ như sau.
Đây là việc làm rất bất thường của một người đã được du học ở Mỹ theo chương trình Fulbright, đặc biệt là ngành hành chính công. Chương trình Fulbright cổ võ cho sự thông hiểu giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác, giữa con người với con người nói chung để hợp tác cùng phát triển. Ngành hành chính công cũng là ngành học của mình quan tâm đến việc mang lại sự thuận lợi, bình yên, no ấm cho người dân, bảo vệ bênh vực người yếu, người dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người già, người tàn tật, những nhóm yếu đuối về kinh tế. Cả hai chương trình này hàm chứa trong chúng nó sự bao dung, tinh thần tranh luận ôn hòa với lý lẽ, không có bắt ép, chặn họng. Mình là người có thể coi như người bên trong (inner circles) của cả Fulbright và hành chính công coi kiến nghị của Thịnh đòi thu hồi, thiêu hủy, rồi cấm tác giả viết là một sự phản bội những lý tưởng tốt đẹp của các lĩnh vực nói trên. 
Nhận thức được cách hành xử kỳ lạ của người này mình bỏ công tìm hiểu thì thấy trình độ của người này nói chung có nhiều điều còn thiếu sót và cách mà chàng ta được nhận học bổng Fulbright có lỗi của công tác tuyển chọn của Fulbright năm 2009 là năm người ta thử nghiệm cho học bổng những người chỉ có một năm kinh nghiệm và từ những khu vực ít được đại diện trước đây. Mình có đọc được resume của Thịnh đăng công khai trên mạng và là một người có nghề tay trái là biên tập viên tiếng Anh đã từng hành nghề ở những nơi có đòi hỏi cao vời nhất thì mình cảm thấy sốc vì trình độ tiếng Anh quá kém cỏi của người đã tốt nghiệp đại học tiếng Anh 4 năm ở đại học Bách khoa Hà Nội và 2 năm thạc sỹ ở chương trình cao học của một trường đại học ở Mỹ. Thịnh học ở một trường mà trong sắp xếp truyền thống của Fulbright là có thứ hạng tương đối kém. Sau khi đọc resume của Thịnh mình đoán rằng việc Thịnh không được chọn vào các chương trình cao cấp hơn như Harvard Kennedy hay Princeton WWS hay Fletcher là nơi tập trung nhiều Fulbrighter có lẽ có lý do là do trình độ tiếng Anh phản ánh trong những tài liệu đầu vào xin học. 
Điều đáng buồn là dù có ăn nói bậy bạ cỡ nào thì Thịnh cũng vẫn có cái mác Fulbright như cái bùa hộ mạng để chống lại mọi sự chỉ trích. Người nào phê phán Thịnh cũng dễ bị hỏi lại là anh có phải Fulbrighter không mà nói thế? Anh có ghen với Thịnh là Fulbrighter không mà nói thế? Ngay cả mình, không phải Fulbrighter, mặc dù trường mình học ra là WWS của Princeton là trường có thứ hạng cao hơn trường Thịnh rất nhiều mà gặp câu hỏi anh có phải Fulbrighter mình cũng như húc đầu vào đá. Mình có làm một điều tra nhỏ những quý vị Fulbrighters Việt Nam có danh vị và câu trả lời trong mọi trường hợp đều là họ cũng ngạc nhiên với Thịnh y như mình. 
Nhân vật Thịnh cụ thể với thái độ hành xử kiểu nhiều dã tâm đứng ra làm lãnh tụ cho đám đông cuồng nộ đe dọa, mạt sát, miệt thị, xúc phạm một đứa trẻ ranh là Huyền làm cho câu chuyện đối với mình lúc đầu là chung chung, vớ vẩn thành ra một tình huống cụ thể đòi hỏi mình phải chọn bên. Và mình tất nhiên đã chọn đứng về bên bênh vực em Huyền. Quan điểm của mình về vấn đề này lúc đó và bây giờ đều nhất quán là như sau: Sách của em Huyền có thể đã có những điểm chưa chính xác, cường điệu, hoặc kể cả là cố tình bịa đi nữa nhưng có những cách biện minh cho phần lớn những nhược điểm đó. Và những nhược điểm không thể biện minh được nếu có cũng không thể là lý do để thu hồi, thiêu hủy, và cấm đoán tác giả viết sách tiếp. Trong xã hội đầy rẫy những điều dối trá như xã hội ta hôm nay những thứ dối trá nếu có trong sách của Huyền chẳng là cái gì. Mình căm ghét sự kiểm duyệt nói chung nhất là trong trường hợp này lại là sự kiểm duyệt mạo danh những điều bao dung nhất như chương trình Fulbright hay ngành học hành chính công và mình dứt khoát sẽ phải chống lại sự kiểm duyệt đó.
Ngoài ra còn những lý do bên ngoài sách. Em Huyền là một người phụ nữ trong một xã hội mà sự bình quyền vẫn còn là một mục tiêu phấn đấu. Xuất thân từ vùng quê trong một gia đình cũng không có điều kiện gì em Huyền đại diện cho một đa số người trẻ Việt Nam ở nông thôn vất vả vươn lên trong thời đại kim tiền và lạm quyền. Và vượt qua những hạn chế cá nhân em Huyền đã chọn con đường đi ra bên ngoài, có lẽ cũng lấy cảm hứng từ những vị thanh niên cách mạng đời trước bỏ nước ra đi tìm hiểu thế giới, để khám phá mình và học hỏi thêm. Chẳng phải chính những câu chuyện về anh thanh niên Nguyễn Tất Thành được kể để tạo ra những cảm hứng kiểu như thế này trong thanh niên? Cá nhân mình xưa cũng đã chọn con đường đi xa và học hỏi đó ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi lớp trẻ Việt Nam đi ra thế giới, khám phá, tìm tòi, học hỏi, để bồi đắp kiến thức và xây dựng tính cách. 

------------

Một vài lý sự lên án sách của Huyền:
1 - Sách là loại tà thư cổ võ cho một lối sống bệnh hoạn. Phải ngăn chặn không để cho sách ảnh hưởng đến bọn trẻ. Nhỡ bọn trẻ bỏ học rồi đi vào những nơi mồm chó vó ngựa, nguy hiểm vv thì ai chịu trách nhiệm? Trẻ con phải theo gương chú Thịnh chứ không thể nào đi theo gương Huyền để làm bớp cho Tây lấy tiền đi du lịch được. Thịnh Fulbright chắc chắn là hơn con ba lô nhà quê là con Huyền. Những lời bậy bạ mình nói ra ở trên có đầy trên các diễn đàn, kể cả các diễn đàn của các mẹ khả kính như webtretho và của những kỹ sư công nghệ tài năng của Việt nam như vozforums.
2 - Sách đưa ra hình ảnh một người Việt vô tổ chức, vi phạm pháp luật, làm xấu hình ảnh người Việt và thể diện quốc gia, gây định kiến làm khó khăn cho người ta đi xin visa và vv. Tức là tóm lại làm nhục quốc thể.
Lý sự loại hai này phải nói là quái đản. Mấy hôm vừa rồi mình có tranh luận về việc có nên có cảm giác ngượng/xấu hổ/nhục vì việc người Việt đứng thứ nhì trong lĩnh vực ăn cắp đồ cửa hàng ở Nhật Bản hay không. Mình ở bên nói rằng cần phải có cảm giác xấu hổ/ngượng/nhục khi việc làm của người dân nước ta đã thành hiện tượng. Mình phải có cảm giác tiêu cực để còn có thể có phản ứng tích cực. Nhiều người khác bảo mình là làm trò, nhục gì mà nhục, việc ai làm người đấy chịu. Mình đảm bảo rất nhiều người trong số những người lên án Huyền là làm nhục quốc thể cũng là những người cho rằng việc người Việt ăn cắp ở Nhật chẳng có gì đáng xấu hổ vì ai làm người ấy chịu. Một vài người khác giữ quan điểm làm nhục quốc thể này có cái nhìn mô phạm khá lạ, chốc lát mình sẽ lại đề cập đến.

Mình hỏi bạn mình là Anh Xu Béo:
- Anh Xu, anh có muốn cùng tôi ra đi tìm đường cứu Huyền không?

Anh Xu trả lời:
- Rất muốn Gấu ạ, nhưng than ôi, chúng ta lấy đâu ra điều kiện để làm việc đấy.

Mình cười bảo:
- Giờ mà tôi giơ hai tay ra thì ông lại bảo là tôi bắt chước.

-----------

Trong tranh luận mình đã đề cập đến ngoài status, anh Xu và mình có trao đổi thế này:

October 1, 2013 at 9:41pm

Anh Xu Beo:
Báo cáo Trung tá Gấu, anh đã tỉnh ngủ hoàn toàn. Anh có kiến nghị thế này.
Theo thiển ý của anh, em Huyền Chip có một số tố chất tốt, thậm chí rất tốt (cái này đánh giá qua thông tin đọc báo nghe đài), đồng thời thiếu sót, hổng nhiều cái cơ bản, quan trọng. Những cái hổng, cái thiếu ấy, có thể sửa được bằng cách đi học đại học (theo như anh đọc báo nghe đài, thì Huyền sau khi học chuyên toán tổng hợp thì đi phượt luôn chứ không học đại học). 
Thay vì ném đá Thịnh và Chip. Gấu thử nghĩ xem Huyền nên đi học trường tốt nào ở Anh Mỹ thì hợp. Sau đó tìm cách đưa em nó đi khỏi cái xứ này. Khi em ấy nhập học, mình quên em ấy đi, chắc độ 4, 5 năm gì đó. Sau khi em ấy học xong, mình sẽ xem xem Sau Khi Học, em ấy sẽ làm được gì, có hơn Thịnh sau khi học không. Về thời gian 4,5 năm có thể hơi dài, nhưng sẽ là một case bổ ích để so sánh Thịnh Chip một cách khoa học hehehe.
October 1, 2013 at 9:45pm

Anh Gau Pham:
Mình sẵn sàng chấp nhận thách thức của anh Xu. Mình đã nói đến lần trước là mình có thể giúp em Huyền xin được học bổng để qua Mỹ học rồi đạt được những thành quả to lớn hơn Thịnh nhiều. Những việc lùm xùm này xong thì Huyền liên hệ với mình.

--------
Như vậy trước mặt mình và Anh Xu cuộc đấu đã trở thành một cuộc đấu giữa các luồng tư tưởng được cụ thể hóa thành các khuôn mặt người là Thịnh và Huyền. Thịnh, Fulbright du học về, có vị thế vượt trội và vì thế một đám đông hùng hổ bám theo. Huyền, nói thật lúc đó là trên răng dưới bướm, là ugly duckling con vịt xấu xí bị người ta dồn đuổi làm cho phát cáu, phát điên lên. Huyền tuy thế lại là đại diện cho phe yếu về thế lực nhưng như mình và anh Xu nhận định là mạnh về triết lý. Đó là cái triết lý hội nhập thế giới, người Việt tự tin cư xử ngang bằng với người ngoài cùng chia sẻ những nguồn tài nguyên tư tưởng, kiến thức chung. Bên phe mạnh hùng hổ và đe nẹt nhưng yếu đuối về lý, không khai phóng lại đi đe dọa kìm kẹp người ta. Vấn đề đặt ra là liệu chúng mình có thể giúp Huyền vươn lên vượt qua Thịnh để chứng tỏ là thời gian Huyền đi chu du thế giới không phải thời gian vô ích như đám đông khinh miệt quan niệm hay không. Nếu làm được việc đó, tức là biến người đang yếu và bị áp bức, thành người mạnh hơn kẻ áp bức mình thì bọn mình sẽ chứng minh được rất nhiều điều khác và qua đó tạo ra những gợi mở hay về văn hóa và xã hội ở quê ta. Như thế lý do mình và anh Xu cùng làm việc này không đơn giản chỉ để giúp Huyền mà chỉ là nhờ Huyền để tạo ra tiền lệ cho những vấn đề khác. Huyền trở thành một nhân vật điển hình cách mạng.

Bài toán này khá khó vì cả mình cả anh Xu đều không quen Huyền và cũng không biết trình độ của cô ấy ra sao mà chỉ có thể ước đoán. Mình tính là Huyền đã học A0 chuyên toán tổng hợp thì về Toán và các môn tự nhiên có lẽ không tồi, và tiếng Anh thì mình cảm nhận được qua miêu tả của Huyền là cũng không phải là kém. Cái mình lo là liệu thứ tiếng Anh đi du lịch có phải là thứ tiếng Anh cần có để Huyền thi được các kỳ thi tiêu chuẩn vào đại học của Mỹ hay không. Tuy thế với kinh nghiệm đã hướng dẫn các em các cháu mình thì mình tin là với sự hợp tác và chăm chỉ của Huyền thì nếu làm đúng hướng mình chỉ thì chắc chắn sẽ đạt được trình độ tiếng Anh cần thiết để thi được điểm cao. Khi bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này lúc đầu tháng 10-2013 tức là chưa đầy 6 tháng trước mình đặt ra khoảng thời gian khoảng 1 năm rưỡi. 

Việc nộp đơn xin học đại học ở Mỹ thường đóng sổ vào tuần đầu tháng 1, như thế ứng viên phải thi xong khoảng cuối tháng 11, và như thế lúc Huyền liên hệ với mình như mình đề nghị khoảng 10/10 thì cô ấy chỉ có 1 tháng 20 ngày tối đa để chuẩn bị cho kỳ thi SAT và Toefl - là khoảng thời gian mình nghĩ là quá ngắn để một người đã rời xa việc học quá lâu có thể bắt kịp lại để thi được.

Khi Huyền liên lạc với mình hai anh em trò chuyện qua messages của Facebook mình hỏi Huyền có sẵn sàng thi thử luôn tháng 11 để nộp đơn thử tháng 1 không. Mình lúc đấy hơi máu muốn chơi thằng Thịnh nên nghĩ là vẫn có một khả năng dù rất nhỏ Huyền có thể chuẩn bị kịp trong 1 tháng rưỡi. Huyền nói là Huyền sẵn sàng thử. Hai anh em thảo luận về các môn cần thi. Mình đề nghị Huyền nộp đơn vào một nửa là các trường thứ hạng cao nhất (Princeton, Harvard, Yale, Stanford) còn một nửa là các trường an toàn. Để vào các trường thứ hạng cao thì phải thi không chỉ SAT 1 mà còn cả SAT II là các môn phụ, năng khiếu, nâng cao. Mình hỏi Huyền bên cạnh Toán nâng cao thì có thoải mái thi Lý, Hóa không thì Huyền có nói là đã rời xa Lý Hóa từ lâu sợ không bắt kịp được nhưng có thể thi tiếng Tây Ban Nha. Mình nói thật là lúc đó rất nghi ngờ vì đa số người Việt mình nhất là ở Việt Nam đâu có biết tiếng Tây Ban Nha là gì mà Huyền đòi thì nâng cao môn đó. Tuy thế mình xác định là để Huyền quyết định. 

Để thử nghiệm này được chính xác nhất mình tự đặt ra một vài quy định như sau mà mình có kể cho anh Xu. Thứ nhất, mình sẽ không gặp gỡ Huyền trong thời gian chuẩn bị học/thi/nộp đơn để tránh mọi thứ phiền toái về thái độ, tình cảm quý mến hay không quý mến, tức là mình không muốn có bất kỳ một tác động nào khác làm hỏng tính trong sạch của thử nghiệm. Huyền là đối tượng thử nghiệm và mình và Xu béo đang cố dùng đối tượng này để chứng minh luận điểm của bọn mình. Để công bằng mình có đề nghị Huyền là để mình thanh toán tất cả các chi phí thi và nộp đơn cho cô ấy. Cụ thể mình nói anh gửi Huyền 1000 đô để Huyền trả cho việc nộp đơn và việc thi cử. Huyền nói ngay là cô ấy cảm ơn nhưng cô ấy có tiền để tự trả được. Thỉnh thoảng mình lại nhắc Huyền là Huyền vẫn có 1000 đô với anh đấy nhé nhưng bạn ấy không bao giờ đề nghị mình giúp gì về tài chính. Mình rất cảm phục Huyền về điểm này. 

Về việc thời gian thi cử và các môn thi cũng như các trường sẽ nộp đơn mình chỉ đưa ý kiến rồi Huyền quyết định. Không bao giờ mình nói em phải thế này, em phải thế kia. Mình trình bày quan điểm của mình, những hạn chế mà mình biết, những hiểu biết có thể có ích cho Huyền rồi để bạn ấy chọn cách làm đúng. Hai anh em thỏa thuận rằng sẽ thi trước cuối tháng 11 và thỉnh thoảng mình có hỏi thăm việc học hành nhưng không bao giờ thúc ép, đùn đẩy gì. 

Hai anh em thỉnh thoảng trò chuyện thường chỉ rất nhanh 5-10 phút trên FB. Mình cũng tránh không muốn gây sức ép gì cho Huyền, sợ là làm hỏng mất thí nghiệm của bọn mình thì toi. Ngày nào Huyền thi mình cũng không biết. Một thời gian ngắn sau Huyền báo điểm thi SAT 1 rất cao (2290) mình phải nói xúc động vô cùng và hiểu rằng là người con gái này là người có trình độ và khả năng thật và mình và anh Xu đã đúng trong nhận định của bọn mình - xin xem lại nhận định của anh Xu ở trên kia. Với điểm số SAT I cao thế này mình biết Huyền hoàn toàn có khả năng vào học những đại học tốt nhất của Mỹ. Hai anh em xem xét lại danh sách các trường sẽ nộp đơn và chờ đợi kết quả kỳ thi SAT II.Mình nhớ hôm có điểm SAT II Huyền nhắn mình trên FB:
- Anh ơi, em có điểm SAT II rồi.

Chắc nửa tiếng sau mình mới nhìn thấy message này và mình hỏi:
- Kết quả thế nào Huyền?
- Em được 800 Toán và 800 tiếng Tây Ban Nha.
- Huyền bị điên à?
- Vâng, em cũng đang nghĩ em bị điên đây.

Lúc đó nói thật mình trào nước mắt. Người bạn chưa bao giờ gặp này đáp ứng lòng tin của mình tuyệt vời, món quà này quả thật là quý giá đối với mình. Khi biết điểm số của Huyền cao như thế mình biết là khả năng Huyền được vào trường tốt là trên dưới 90% rồi. 10% còn lại là nhiều yếu tố khác trong đó có một thứ không ai kiểm soát nổi kể cả một người có nhiều kinh nghiệm nã đạn các đại học hàng đầu của Mỹ bằng trẻ con Việt Nam là mình là yếu tố may rủi. Cách duy nhất để cải thiện may rủi là nộp đơn số trường rất lớn.

Hồ sơ xin học của Huyền gửi đi quanh khoảng hạn nộp đơn đầu tháng 1. Mình có dặn Huyền là giờ hết lo đi em, đã làm tốt hết rồi và giờ để số phận quyết định. 

Trong thời gian chờ đợi kết quả có nhiều lúc hai anh em đều căng thẳng. Nếu có lúc nào chừng 3-4 hôm bẵng đi không thấy Huyền đâu là mình lại nghĩ lo thôi chết rồi. Huyền được nhận rất sớm vào một trường thứ hạng cũng ok nhưng không phải là thật tốt - đây đáng ra là tin mừng lại thành ra là tin lo. 

Mấy hôm trước Huyền nhắn là anh ơi nếu không thấy em nhắn tin gì thì đừng hỏi nhé. Em ngượng lắm. Em không sợ em không được mà chỉ sợ làm anh thất vọng. Mình bảo là yên tâm, trò chơi thôi Huyền ạ, tới giờ này thì Huyền đã vượt quá mong đợi và mục đích bọn anh đề ra rồi. Dù bất kỳ việc gì xảy ra anh cũng sẽ không đòi quà (dù là chưa tặng quà gì cả). Kiểu gì anh cũng vẫn khuyên Huyền nên đi học đại học lại rồi vươn lên. Đến lúc rồi em ạ.

Đêm thứ Sáu vừa rồi tức khoảng 7h sáng thứ Bẩy ở Hà Nội mình đang đi ăn với cả nhà thì nhận được message nhắn tin trên FB. Anh ơi, em được nhận vào Stanford rồi ạ. Mình lúc đấy xúc động không để đâu cho hết. Mình quay sang khoe ngay Hiền nhà mình là người luôn được mình kể lại từng mốc tiến bộ một của Huyền. Bà xã mình đã quen với những trò nghịch kiểu này của mình nên rất là bao dung, không như nhà người khác khéo làm loạn lên khi chồng đi giúp gái trẻ đi học. Mình cũng báo ngay cho anh Xu và một vài người bạn khác để cùng vui.

------

Thật tuyệt vời. Thật tuyệt vời. Thật tuyệt vời.
Mấy ngày nay mình vui phát điên. Lúc nào cũng cảm thấy icon cười lăn cười lộn như ngáo đá ở trong lòng. Cảm giác vui hết cỡ. Và mình cũng nói với Huyền khi bạn ấy nói là bạn ấy cảm ơn mình bạn ấy cảm thấy như đang sắp chết vì vui là mình thay mặt anh Xu cảm ơn bạn ấy đã cho bọn mình hưởng cảm giác thành công. Một việc làm lãng mạn, cao thượng của bọn mình dù làm với tâm thế đùa nghịch nhưng đã được tưởng thưởng xứng đáng. Xin cảm ơn Huyền.

Mình cũng cảm ơn anh Xu và những người bạn cùng tham gia chơi game này với bọn mình. Kết quả của nó là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho rất nhiều người về sau này. Cảm hứng cho những người có điều kiện đi trước như anh Xu và mình giúp đỡ đưa các bạn Việt Nam lên ngang tầm thế giới, cảm hứng cho các em Việt Nam dũng cảm ra đi, cảm hứng cho những người yếu, nghèo biết được là trời xanh còn có mắt và thế giới yêu thương họ thật tình. 

Huyền có thể làm được gì để cảm ơn mình và anh Xu? Mình nói với bạn ấy là bạn ấy đi học tốt, thành tài rồi sau này pay it forward, tức là làm tiếp cho những người khác nữa thì là cách trả ơn bọn mình tốt nhất. Riêng mình dù rất mong được hỗ trợ Huyền sách lược, chiến lược để tận dụng được cao nhất môi trường học tập bằng kim cương ở Stanford, không có kế hoạch gặp mặt bạn ấy. Thử nghiệm xã hội này nên được dừng lại chỉ ở mức này.

Trong vụ việc này mình mất đi vài người bạn và nhìn ra những hạn chế trong cách nghĩ của vài người khác. Một ví dụ hiện ra làm mình nhớ là một bạn sang Mỹ học học bổng VEF mà theo quy định rất ngặt nghèo là phải về nước ở ít nhất 2 năm trước khi quay lại Mỹ có lần đã lên Facebook khoe là nhận được Visa O là loại miễn trừ đổi từng năm một để khỏi phải về nước theo cam kết với VEF. Bạn này là bạn bênh Thịnh và chê Huyền không trung thực, làm hại hình ảnh người Việt ở nước ngoài, vv rất mạnh mẽ. Mình nhìn cách làm của bạn ấy và lời nói bạn ấy nói về Huyền thấy không đi đôi với nhau mình chỉ cười. Nếu mình là Thịnh thích kiến nghị kiến nghẽo đảm bảo bạn ấy về đuổi gà ở Hà Nội 2 năm rồi. Đây là bài học về sự khoan dung.

Chưa đầy 6 tháng trước có thể nói Thịnh là đỉnh cao, Huyền là vực sâu. Thịnh là người phán xét đầy quyền uy, Huyền là kẻ bị xua đuổi. Bây giờ, nói một cách rất là đơn giản đúng giọng nôm na Hà Nội thì Thịnh không nằm trong vùng phủ sóng của Huyền. Huyền đã được đặt lên đứng ở một điểm xuất phát mơ ước của hàng trăm triệu người trên thế giới, một ví dụ cho thấy khuôn mặt lãng mạn của nước Mỹ và của thế giới nói chung, luôn cho người ta thêm cơ hội, luôn nâng người ta lên chứ không đẩy người ta xuống. Chính Thịnh đã được hưởng lợi từ những điều tích cực đó nhưng rồi lại không biết đường mà khơi gợi điều tốt đó ra lại đi gây sự làm khổ người khác. Nếu đây là tính cách bản chất của Thịnh thì sự sinh còn nhiều cho Thịnh.

Mình muốn nhận xét chút ít về các diễn đàn như webtretho, vozforum và các chủ đề thảo luận về Huyền kéo dài hàng ngàn trang ở các nơi đó. Phía các mẹ thì rất nhiều mẹ gọi Huyền con đĩ nọ con đĩ kia, phía các kỹ sư công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam thì nhiều các lời lẽ bẩn thỉu: con này 300 đô một choác, thằng Tây chày to thì 2 choác, bao nhiêu thì đủ 24 nghìn đô đi du lịch; rồi không thèm chơi con hà thiên lộn (lồn thiên hạ) vv và vv. Mình không rõ các bạn nói những điều bẩn thỉu đó nhân danh cá nhân hay tập thể hay cái gì nhưng mà hôm nay thành quả này của Huyền là món quà khích lệ cho những người ủng hộ em ý, ủng hộ người yếu, và là ba tiếng bốp, bốp, bốp dành cho những bạn ác ý, ăn nói bẩn thỉu về một người con gái Việt Nam da vàng. 

Trên diễn đàn còn có những mẹ kêu gọi viết thư đến sứ quán nọ kia rồi tính đe dọa Huyền tiếp. Mình xin nói luôn là mình gắn bó với sứ quán Mỹ từ những ngày đầu khi chỗ đó còn là văn phòng liên lạc và nếu cần bảo vệ Huyền hay bất kỳ ai bị áp bức một cách bất công, không đáng thì mình sẵn sàng lôi những sợi dây to để có những người bảo vệ hàng đầu mà các đa số các bạn chẳng bao giờ tưởng tượng ra nổi. Xin đừng cố cho mệt sức.

Ngày 1/4 năm nào mình đã tặng cho các bạn vụ trúng xổ sổ bịa như thật. Năm nay 1/4 mình xin tặng các bạn vụ thật mà như bịa.
Lời cuối xin chúc mừng Huyền Chip, chúc bạn một tương lai tuyệt vời trước mặt, nhiều thành công và làm nhiều điều tốt cho bản thân, đất nước, con người, thế giới, nhân loại, vv. 

Mong các em nhỏ có được cảm hứng từ Huyền đi ra và khám phá thế giới. 
Kính mong các bạn không tiếp cận mình hay anh Xu nhờ tìm kiếm, xin học bổng vv. Mình quan niệm cái đó là việc tùy duyên tuyệt đối không thể cưỡng bách.

31/3/2014

Liên danh Xu Gấu


MỜI BẠN VỀ DỰ HỘI ĐỀN MẪU HƯNG YÊN

Nằm ven hồ Bán Nguyệt phong cảnh hữu tình, mặt nước trong xanh phẳng lặng, bốn bề cây xanh râm mát, di tích Đền Mẫu Hưng Yên  (tỉnh Hưng Yên) trở nên hài hoà sinh động mà trang nghiêm lạ lùng.
Theo “Đại Nam nhất thống chí” Đền Mẫu xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, Đền đều được trùng tu. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), Đền Mẫu được trùng tu lớn có quy mô như ngày nay.
Nghi môn của Đền được xây dựng khá đẹp, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ Triện: “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức chữ Hán: “Thiên Hạ mẫu nghi” (Người mẹ sáng suốt trong thiên hạ).
Qua nghi môn là sân đền, giữa sân có cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, cây có tuổi gần bảy trăm năm được kết hợp bởi ba cây sanh, đa, si quấn quýt lấy nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền.
Khu nội tự của đền được xây kiểu chữ Quốc gồm: Đại bái, trung từ, hậu cung và hai dãy giải vũ. Toà đại bái với 3 gian, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái; các đao mái uốn cong mềm mại kiểu rồng chầu, phượng mớm, lợp ngói vẩy rồng, chính diện đắp lưỡng long chầu nguyệt. Kiến trúc đại bái thượng giá chiêng chồng rường con nhị, hạ kẻ bảy; các con rường, đấu sen, trụ trốn chạm bong kênh hình lá hoá rồng, các bẩy chạm hình đầu rồng. Hai bên đại bái là điện Lưu Ly và cung Quảng Hàn.
Trung từ gồm 3 gian, kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen, lộng lẫy với hệ thống câu đối, hoành phi, đồ tế tự, kiệu long đình, kiệu bát cống … sơn son thếp vàng rực rỡ.
Nối với trung từ là 5 gian hậu cung, kiến trúc kiểu chồng rường con nhị, các bức cốn chạm bong kênh hoa lá mềm mại. Dưới ánh sáng mờ ảo của đèn nến, khói hương nhè nhẹ lan toả không gian tĩnh lặng nơi cung cấm như thấy được sự linh thiêng huyền bí chốn thâm cung.

Đền Mẫu thờ bà Quý Phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thuỷ với vua và trung thành với Tổ Quốc. Theo “Đại Nam nhất thống chí” và “Thần tích” thì bà là vợ vua Tống Đế Bính (Trung Quốc). Năm 1279, quân Nguyên Mông xâm lược nước Tống, trước sức mạnh của giặc, vua Tống cùng hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam tránh nạn. Tướng nhà Nguyên Mông là Trương Hoằng Phạm cho quân đuổi theo đến Nhai Sơn thì bắt được, vua Tống và một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tự tận. Dân chài cửa Càn Hải vùng Châu Hoan (Nghệ An) thấy bốn xác người phụ nữ, y phục như hậu phi, cung phi trôi trên mặt biển. Họ vớt được 3 xác đem chôn cất, còn xác thứ 4 trôi ngược dòng lên phía Bắc. Truyền rằng, xác phụ nữ trôi ngược dòng đó ít ngày sau dạt vào cửa sông vùng Phố Hiến, được dân cư ở đây vớt lên, mai táng chu đáo và lập miếu thờ. Về sau, quan thái giám họ Du đời Tống trong cơn hoạn nạn đã lưu lạc tới vùng Xích Đằng - Phố Hiến, một đêm nằm mộng thấy Thái Hậu hiện về và nói: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là trinh tiết, phong cho làm Hải Thần các cửa biển ở Châu Hoan, Sơn Nam đều thuộc chị em ta cai quản. Ông là tôi con của bản triều, nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Càn ở Hoan Châu thăm hỏi 1 lần rồi đến thượng lưu Đằng Giang, hạ lưu Hoàng Giang huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng mà phụng thờ Quý phi”. Tỉnh mộng, quan thái giám tìm đến hai nơi quả nhiên như lời đã báo mộng. Ông đã cùng nhân dân tu sửa lại miếu, lập làng Hoa Dương để tưởng nhớ đến Quý Phi họ Dương, người Trung Hoa. Khi thái giám mất, dân làng tôn xưng làm Thành Hoàng làng thờ ở đình Hiến.
Đời Vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294), thân chinh đi đánh Chiêm Thành, khi qua đây nằm mộng thấy thần nữ (Dương Quý Phi) đến xin âm phù giết giặc. Sau khi thắng trận trở về, nhớ tới công lao đó của Quý Phi, một mặt nhà vua cho tôn tạo lại đền, miếu, một mặt cho các bến bãi thu thuế thuyền buôn trích ra một phần cung cấp cho việc phụng thờ. Người dân đi biển đến đây lễ bái cầu xin thuận buồm xuôi gió... đều được như ý. Năm 1990, Đền Mẫu đã được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Hằng năm, lễ hội Đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch. Lễ hội xưa được tổ chức rất linh đình, từ ngày 6/3 (ÂL) đã làm lễ chồng kiệu, ngày mồng 10 tổ chức rước kiệu quan thái giám họ Du từ Đình Hiến lên Đền Mẫu, ngày 11 lễ thỉnh kinh sau đó tổ chức rước nước, ngày 12 rước liềm (rước kiệu vòng quanh các phố rồi lại quay về Đền Mẫu), ngày 13 rước kiệu đi vòng quanh các phố, đến Đình Hiến lại về Đền Mẫu, ngày 15 lễ rước kiệu thánh trả về Đình Hiến và làm lễ rỡ kiệu kết thúc lễ hội.
Ngày nay, lễ hội được tổ chức đơn giản hơn. Ngày 10 tháng 3 âm lịch ruớc kiệu thánh từ Đình Hiến lên Đền Mẫu, ngày 12 tổ chức rước vòng quanh thị xã và ngày 15 rước kiệu thánh trở về Đình Hiến.
Nghe nói Đền Mẫu rất thiêng. Các quan chức cấp cao hàng năm thường về đây lễ bái và đều cầu được ước thấy. Sau khi lễ ở Cung Mẫu, ai muốn biết vận mệnh của mình thì xóc ống thẻ xin quẻ đầu năm. Quẻ ở đây viết bằng chữ nho nên phải ra nhờ Thầy giải cho. Mỗi quẻ Thầy lấy hai chục ngàn đồng. Ở gần Đền có mấy thầy xem quẻ và thường là phải xếp hàng chờ khá lâu. Hôm qua, nhân dịp về Hưng Yên mình đã đi lễ Đền và lấy quẻ nhưng xếp hàng đông quá không xem được phải mang về nhờ Thầy Trần Đông Phong ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem giúp vậy. (NCT)

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tốt nghiệp đại học xong làm gì?


Đầu đường Xây dựng bơm xe. 
Cuối đường Kinh tế bán chè đậu đen.
Ngoại thương mời khách ăn kem.
Các anh Nhạc viện thổi kèn đám ma.
Ngân hàng ngồi dập đô la.
In giấy vàng mã, sống qua từng ngày.
Sư phạm trước tính làm thầy.
Giờ thay kế toán, hàng ngày tính lô.

Điện lực chẳng dám bô bô,
Giờ đang lầm lũi phụ hồ trên cao.
Lập trình chả hiểu thế nào,
Mở hàng trà đá, thuốc lào… cho vui.
Nông nghiệp hỏi đến ngậm ngùi,
'Số em chắc chỉ tiến lùi theo trâu'
Nhìn quanh, Thương mại đi đâu?
Hóa ra là đã nhảy tàu đi buôn.

Ngoại ngữ vẻ mặt thoáng buồn
Đang ngồi viết sớ, kiêm luôn bói bài.
Báo chí buôn bán ve chai.
Giao thông đi chở thuê ngoài Đồng Xuân.
Bách khoa cũng gặp đôi lần
Buôn đồ điện hỏng, kiếm cân dây đồng.
Mỹ thuật thì đang chổng mông
Đục khắc bia mộ, cũng mong lên đời.
Mỏ địa chất mới hỡi ôi
Sáng thồ hai sọt, chào mời mua than.

Thủy sản công việc an nhàn
Sáng cân mớ cá, cuối làng ngồi rao!
Hàng hải ngồi gác chân cao
Bao giờ trúng số mua tàu ra khơi.
Bác sĩ, y tá có thời
Học xong về huyện được mời chích (tiêm) heo!!!
(Theo FB Nguyễn Quốc Dũng)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Ngô Thì Nhậm và bài thơ phương cách đối ngoại


Trần Đông Phong

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803): Người Tả Thanh Oai, đỗ tiến sỹ, làm quan dưới triều Lê-Trịnh và Tây Sơn. Có tài văn thơ, chính trị, quân sự, ngoại giao. Các văn từ thay mặt nhà vua giao tiếp với nhà Thanh được đánh giá là xuất sắc và tập hợp trong cuốn Bang giao hảo thoại. Nghiên cứu Phật học có tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh rất có giá trị. Năm 1793 dẫn đầu phái bộ đi sứ nhà Thanh, chuyến đi này để lại tác phẩm Hoàng Hoa đồ phả rất đặc sắc.
            Dưới đây giới thiệu một bài thơ của Ngô Thì Nhậm tặng người bạn đi sứ phương Bắc thể hiện quan điểm ngoại giao đúng đắn và có giá trị đến tận ngày nay.

Nguyên tác:

使  
嘉儀  
節麾  
河輕旅況  
衣  
方物  
國威  
厚眷  
襟期    
任 

Phiên âm:

Tống Khế hữu Bắc s

Miễn hoài lân hảo triển gia nghi
   
Đặc giản từ thần ủng tiết huy
 
Vạn lí quan hà khinh lữ huống
 
Lưỡng ki sương tuyết phất chinh y
 
Tư tuân thức tạ quan phương vật
 
Chuyên đối toàn bằng trọng quốc uy
 
Chuẩn nghĩ công hoàn ưng hậu quyến
 
Tang bồng bất phụ thử khâm kì
   
Ngô Thì Nhậm
  

Dịch nghĩa:

Tiễn bạn là Khế đi sứ phương Bắc

Vì nước láng giềng tốt, lâu dài, nên triều đình chuẩn bị đồ lễ vật có giá trị.
Lại đặc biệt chọn viên quan có tài văn thơ để cầm cờ tiết quốc gia đi sứ.
Nơi sông núi biên ải vạn dặm, coi nhẹ cảnh xa xôi.
Hai năm sương tuyết phất trên áo người đi xa.
Cách giao dịch chủ yếu nhờ vào quan sát sự việc.
Toàn bộ việc đối đáp, dựa vào lấy quốc uy làm trọng.
Dự liệu sau khi công việc hoàn thành, nhận được sự đoái trông hậu hĩnh.
Để không phụ tấm lòng tang bồng của kẻ làm trai trong kỳ đi sứ này.  
(TĐP - 3/2014)