Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Tư duy là cái gì vậy?

Hôm nay, tôi đọc ở Dân trí một cái tin, nội dung tóm tắt như sau, theo Thông tư X, Nghị định Y gì đó, người Việt ở nước ngoài không có hộ chiếu và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì đến ngày 1/7/2014 phải đến các cơ quan lãnh sự, đại sứ ở nước sở tại để đăng ký lại, giữ quốc tịch Việt NAm, nếu không thì sẽ... mất quốc tịch.
Trong Blog này, nhiều bạn là quan chức, là viên chức, công chức... tôi bàn với các bạn một vấn đề bình thường, dân sự, không phạm phải các điều nhạy cảm chính trị, rằng, bạn có thấy cái điều quy định trên đây có bất bình thường gì không? Hay là chúng ta thấy nó đúng đắn?
Tôi thì thấy đó là điều rất bất bình thường, nó chỉ phát sinh từ đầu óc quản lý đặc trưng Việt Nam mà thôi.
Vì sao lại thế?



Khi mà bạn phải đến đăng ký để giữ quốc tịch Việt Nam, thì tức là bạn phải được cho phép, mới là người Việt Nam. Trong khi đó, việc bạn là người Việt Nam do Trời đất quy định, từ khi bạn được sinh ra, không ai  được chọn quê cho mình. Luật pháp hầu hết quốc gia văn minh quy định, bạn cứ có bố hoặc mẹ, hoặc sinh ra tại đâu, thì mặc nhiên có quốc tịch ở đó. Tôi lớn lên ở Việt Nam, ông bà cha mẹ là người Việt, tôi không bao giờ lăn tăn là ai cho tôi là Việt thì tôi mới là Việt. Các nước văn minh tóm lược quyền con người và cách ứng xử trong bộ luật bằng câu: Tôi được quyền làm mọi việc mà pháp luật không cấm. Khế ước xã hội phải được dựa trên các quyền cơ bản, tự nhiên của con người. Pháp luật điều chỉnh hành vi con người trái với khế ước xã hội mới là pháp luật văn minh.
Nay chỉ có Việt Nam hành xử theo kiểu: Công dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, nên mới sinh ra cái tư duy phải đăng ký để giữ quốc tịch. Nếu tôi không cho anh là người Việt Nam, thì dứt khoát anh không phải là người Việt Nam. Và khi đó, anh phải được tôi cho phép. Nếu thế, biết bao nhiêu đồng bào của ta tự dưng ngủ qua một đêm, bị mất quốc tịch Việt Nam, chỉ vì không đến cơ quan đại diện ngoại giao của Tổ quốc mình để đăng ký. Hừ, hình ảnh cơ quan ngoại giao của Tổ quốc mình sẽ rất không hay, đó là một cơ quan cảnh sát hay mật vụ?. Thế còn ở những nơi không có sứ quán Việt Nam thì sao? Thì lại không sao cả à? Vậy thì, nếu tôi là người Việt ở nước ngoài, tôi không hoan nghênh đại diện của chính quyền Việt Nam, tất yếu là thế.
Giá như các điều luật quy định trên đây đối với người Việt ở nước ngoài quy định: Nếu anh muốn từ bỏ quốc tịch Việt, thì anh đến các cơ quan đại diện ngoại giao để đăng ký cắt quốc tịch. Quy định như vậy đơn giản thủ tục hơn nhiều, nhưng bản chất là tư duy đúng với nền văn minh, đúng với đạo lý cha ông chúng ta hơn. Từ lâu, hau chữ "đồng bào" đã rất đẹp, mà nay bao nhiêu câu chữ, văn bản động viên khuyến khích Việt kiều, kêu gọi đại đoàn kết dân tộc đã phát đi, chỉ vì tư duy quản lý cổ hủ mà những văn bản và lời nói kêu gọi đoàn kết sẽ là lời nói suông.
Chính vì tư duy lạc hậu cổ hủ, mà xã hội Việt Nam đang xảy ra nhiễu loạn, đảo lộn các giá trị. Gần đây, vụ án ông Trần Xuân Giá vướng phải cũng là một điển hình của kiểu tư duy mới- cũ đối nhau chan chát. Nếu bạn theo dõi vụ này, bạn sẽ thấy một điều, ông Trần Xuân Giá kiêu hãnh hành động theo kiểu "tôi làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm", bởi tư duy ông này là thế, ông chính là người chỉ đạo soạn thảo Luật Doanh nghiệp, đã thổi vào Luật Doanh nghiệp cái văn minh ấy, hô hào bỏ giấy phép con cho các Doanh nghiệp dễ thở. Song đáng tiếc ngày nay, công quyền vẫn hành động theo kiểu cũ, bắt tội ông này rằng ông đã làm cái việc mà pháp luật không cho phép. Tôi không ưa hay bênh ông Giá, có thể ông ấy cũng chả tốt đẹp gì về tư cách, song bắt tội ông ấy vì một kiểu tư duy cổ hủ thì là cách phiên dịch luật pháp rất đáng lên án.
Ngày hôm qua bạn chạy xe ô tô qua các con đường thoải mái, bạn phải tránh các đường cấm. Bỗng một hôm, người ta quy định rằng, bạn muốn đi vào đường nào phải xin phép, thế là xã hội sẽ loạn. Và đã xảy ra. Có những cái xe to lù lù vào phố giữa ban ngày, bởi vì nó có "giấy phép con". Một xã hội có hàng vạn giấy phép con là mảnh đất cho tham nhũng.
Tư duy là cái gì? Thoạt nghĩ thì thấy bao la, to lớn. Hồi mới Đổi Mới, Đảng bảo phải "đổi mới tư duy", nghe có vẻ cao xa. Nay thấy việc đó quan hệ đến ngay cuộc sống hàng ngày, mà chính Đảng và Nhà nước mới chỉ hô hào, chứ làm thì chưa được bao nhiêu. Nhưng lắm lúc nghĩ: Thôi thì mới hô hào cũng đã coi như được. Từ hô đến bắt tay làm, sao mà khó đến vậy?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét