Lưu Trọng Văn
Nhà giáo Văn Như Cương cho biết không có bất cứ học sinh lớp 12 nào của trường do ông làm hiệu trưởng chọn “lịch sử” là môn thi của mình.
Học trò lớp 12 chính là những cô cậu tuổi 17, 18 đẹp nhất đời người.
Cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” và không chỉ bẻ gãy sừng trâu mà có thể dấn thân “bẻ gãy” tất cả những gì của lối mòn tư duy cũ định kiến bảo thủ, tìm ra cái mới, sáng tạo cái mới.
Việc chọn hay không chọn môn thi nào chưa đủ là chỉ số chứng tỏ sự yêu thích, đam mê môn thi đó. Nhưng khi đong đếm “tính lợi ích” thì đó là chỉ số rất rõ về sự không am hiểu nắm bắt tốt môn đó để có thể cho lợi thế trước kỳ thi.
Sự thật mang đầy cảm xúc về thân phận một quốc gia, một dân tộc vô tình đã bộc lộ rõ nét ở sự việc này. Đó là, tại sao môn lịch sử của quốc gia, dân tộc tức là câu chuyện của tổ tiên cha ông, những gì đúc kết làm nên niềm tự hào dân tộc lại không có bất cứ bạn trẻ nào – những học trò được tuyển chọn, đào tạo quy củ ở một trường nổi tiếng về thành tích đào tạo kiến thức cũng như phẩm chất con người lại không có năng lực để chọn lựa khi thi tạo lợi thế về điểm số cho mình?
Tại sao môn lịch sử của quốc gia, dân tộc lại không có một bạn trẻ nào
ở một trường nổi tiếng chọn thi? (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Một câu hỏi không nhỏ chút nào trước những sóng gió biến cố lớn của đất nước hôm nay. Một chỉ số không nhỏ chút nào, thậm chí là rất lớn nếu có tầm nhìn lớn về vận mệnh dân tộc để có được những kết luận xác đáng mang tính lịch sử.
Một khi câu hỏi đã được đẩy lên đúng vị trí của nó như thế thì rất cần một diễn đàn lớn tập hợp những người tâm huyết với lịch sử - quá khứ - hiện tại – tầm nhìn tương lại, tức là tâm huyết với dân tộc, quốc gia cùng tham dự.
Ở đây phải nhấn mạnh đến “tâm huyết” và “tầm nhìn” là vì “kiến thức lịch sử” của không ít nhà viết sử, nghiên cứu sử, của không ít các bộ óc trí tuệ nước nhà còn xung khắc với nhau về sự thật của lịch sử dù nó có “chứng” trong sử sách… rành rành.
Kiến thức sẽ sai nếu nhà chép sử hoặc nguồn sử liệu vì không rành rõ mà suy diễn chủ quan hoặc vì bị ép theo ý muốn.
Chúng ta có nhiều minh chứng về câu chuyện đúng, sai này. Nhưng nếu là học giả, trí thức có tâm huyết và tầm nhìn sẽ không khó đặt lại những câu hỏi lịch sử rồi bằng mở rộng khách quan nhiều nguồn nghiên cứu sẽ có thể tìm ra chân sử. Chỉ từ chân sử - tức “lịch sử là lịch sử” chúng ta mới có thể rút ra được chính xác bài học lịch sử, từ đó có những đánh giá đúng mang tính định hướng tương lai đúng cho dân tộc.
Tôi có một người bạn là thầy giáo dạy sử ở đại học sư phạm, người đào tạo ra các giáo viên dạy sử. Anh là con của một vị tướng có công lao to lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi tôi nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ, thăm các nghĩa trang đồi A1, đồi Him Lam, tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng hầu hết các ngôi mộ đều vô danh.Tôi quyết định tìm hiểu sự thật ấy. Tôi biết được rằng, chính người bố của anh bạn kia đã phải làm công tác tư tưởng chính trị, chỉ huy công việc “chỉnh huấn, chỉnh quân” như thế nào trong suốt chiến dịch vì sự thật cuộc chiến vô cùng ác liệt, có quá nhiều tổn thất hy sinh, thi thể không còn nhận diện được nữa dẫn đến các nghĩa trang không thể biết ai là ai.
Tượng đài Điện Biên Phủ trên đỉnh đồi A1, theo tôi, chưa phản ánh đúng tầm cao, tầm sâu nhân văn lịch sử Điện Biên Phủ khi người lính biểu tượng chỉ ngẩng cao đầu với vẻ tự hào chiến thắng một cách giản đơn.
Không thể có bài học lịch sử cho hiện tại và tương lai xây dựng một nước Việt hùng cường mà chủ thể của việc xây dựng ấy là lớp trẻ lại dựa trên những sự kiện, những con số còn lỏng lẻo, còn phiến diện như thế.
Nói cho cùng lịch sử là câu chuyện quá khứ toàn diện của một đất nước. Nếu câu chuyện ấy khô cứng, đơn điệu, chủ quan và đặc biệt xa rời những mối quan tâm bẩm sinh giống nòi, xa rời nỗi đau và niềm tự hào chính đáng, xa rời khát vọng và lòng tự trọng công dân thì không thể hun đúc được đức tin dân tộc. Nói cho cùng của cho cùng: Có đức tin dân tộc mới có sức mạnh dân tộc.
Trở lại chuyện anh bạn là thầy giáo dạy sử, một lần anh giảng về một trang sử đất nước, đến giờ nghỉ, anh ra ngoài hút thuốc, khi vào lại lớp, anh sửng sốt phát hiện bên dưới bài giảng của anh có một chữ: Xạo!
Đêm ấy anh không thể ngủ được. Ngày hôm sau lên lớp, anh gạch đường thẳng chia đôi tấm bảng, một bên anh đề “Theo sách”, một bên anh đề “Tham khảo”.
Thật bất ngờ, các học trò rất chăm chú nghe lời anh giảng và sôi nổi phát biểu. Một học trò đã nói với anh: “Thưa thầy, giờ sử của thầy hôm nay rất hấp dẫn đối với em và thuyết phục em”. Anh nghĩ, có thể cậu học trò đó chính là người đã dám viết chữ “xạo” kia.
L.T.V (Theo Một thế giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét