Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Học thuê

Trước đây chục năm, sinh viên có thể kiếm tiền thêm bằng cách làm gia sư, phát tờ rơi quảng cáo, bán thuốc lá cho các hãng, bán bia ở quán, ... Nay thì thêm một nghề: Đi học thuê. Ở các lớp tại chức, hoặc đại học bằng hai, người ta thuê sinh viên đến ngồi điểm danh chép bài, với giá từ 60.000 đến 100.000 đồng/buổi. Vậy là, các cô cậu sinh viên có thêm một nguồn thu nhập. Những người không thể đi học, nhưng vẫn thi qua kỳ thi cuối môn, vì khi thi thì được tự do (hoặc thành lệ) mở vở quay cóp thoải mái (vì đã đóng tiền).
Bạn, hoặc tôi, đều thấy nhãn tiền, trong cơ quan mình, đơn vị mình, có những người vẫn đi làm, vẫn đi kinh doanh, nhưng đùng một cái có bằng đại học loại ưu, bằng thạc sĩ, nhưng trình độ chuyên môn vẫn không hơn kẻ thất học. Bởi vì họ đã học hệ đại học, học bằng hai, hoặc học thạc sĩ rồi. (theo kiểu học thuê)



Nhà trường đại học ngày nay thật lạ và tệ, khi mà đối xử với sinh viên như là học thêm trên trung học, điểm danh thật chặt, giảng thao thao, học trò ghi cắm cúi, rồi thi viết bằng giấy, thu tiền "chống trượt", để học sinh tha hồ quay cóp. Đó là một sự băng hoại không chỉ về giáo dục, mà đổ đốn về đạo đức xã hội. Ngành giáo dục đã nuôi dưỡng cho thói chuộng hình thức, giả dối kinh khủng đó, nhưng các thày giáo lãnh đạo ngành thì cứ như mù. Giống như chúng ta ra đời, cuối năm bình bầu thi đua, lấy phiếu tín nhiệm, sinh hoạt chi bộ, đầy vẻ hình thức và giả dối. Đây là một nền giáo dục không khuyến khích tài năng và nhân cách.
Chỉ cần đơn giản quay lại ngày xưa, tôi nhớ thập kỷ 70 đi học đại học Bách khoa Hà Nội, (các bạn học trường khác tôi không biết). Thày giáo giảng không hề điểm danh, nhưng học sinh không dám nghỉ, hoặc chỉ mong đến dự thính để nghe thày. Thi vấn đáp, dù anh có đi học hay không, hoặc anh có năng lực đọc sách siêu phàm, thì anh giỏi hay anh dốt đặc cán mai vẫn lòi ra. Đâu có chuyện học đại học như là tiếp tục giáo dụ phổ thông cấp 4 như ngày nay.
Dưới đây là đường dẫn link một hội nghị đổi mới giáo dục quốc tế ở Hà Nội. Các bạn không biết có đọc nó không, nhưng tôi chán nản đến nỗi chỉ đọc tít và một khổ đầu. Nếu các lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam chấm dứt được cảnh học thuê ở các trường đại học Việt Nam, thì may ra Việt Nam mới ra khỏi vũng bùn dối trá, hình thức chủ nghĩa, lúc đó hãy nói đến đổi mới giáo dục. (NXH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét