Đối với nhiều người, đặc khu kinh tế dường như đã là chuyện của quá khứ. Hơn 30 năm trước, những đặc khu kiểu này đã được thành lập và phát triển hiệu quả ở Trung Quốc. Đặc khu kinh tế theo ý tưởng của Đặng Tiểu Bình đã tạo ra con đường tắt đi tới hiện đại hóa và thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh trong 3 chục năm qua.
Hôm nay, khi mà thế giới đang ngày càng "phẳng" hơn, tiến trình toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, khi mà mọi nguồn lực được tự do lưu chuyển, các khu kinh tế tự do xem như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử "dẫn dắt" kinh tế thế giới đi tới tự do hóa. Thế nhưng, Việt Nam lại đang bắt đầu bàn đến chuyện mở một số đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Văn Phong (Khánh Hòa) và thành phố Đà Lạt (một thành phố du lịch đặc thù).
Các đặc khu kinh tế sẽ hoạt động trong bối cảnh mới như thế nào? Nhân lực Việt Nam có đáp ứng yêu cầu của đặc khu kinh tế không? Liệu đặc khu kinh tế có phát huy được hiệu quả về kinh tế - xã hội và đảm đương được sứ mệnh trong đại mà người ta kì vọng hay không sẽ còn là chuyện dài lâu. Nhưng trước mắt các diễn giả - những nhà lãnh đạo và những trí thức hàng đầu của đất nước đang bàn chuyện xây dựng Luật về đặc khu kinh tế và xây dựng các đề án thành lập các đặc khu kinh tế để trình lên cấp lãnh đạo cấp cao nhất.
Tại sao chúng ta không tìm được một hướng đi riêng cho mình mà cứ phải theo con đường mà người ta đã đi qua hàng chục năm rồi. Không thể có con đường hay mô hình phát triển chung cho tất cả các nước. Chúng ta hãy chờ xem chuyện này rồi sẽ đi đến đâu. Có lẽ Hiến pháp 2013 sắp tới sẽ phải chỉnh sửa bổ sung thêm liên quan đến vấn đề này.
Cũng cần lưu ý rằng, học tập kinh nghiệm Trung Quốc và vận dụng sáng tạo vào Việt Nam, trên 63 tỉnh thành phố trong cả nước đã thành lập 15 khu kinh tế ven biển và 32 khu kinh tế cửa khẩu, ba khu kinh tế ven biển khác đã có trong quy hoạch đang chờ quyết định thành lập. Cho đến nay chưa thấy khu kinh tế nào có hình hài ra hồn kể cả Khu kinh tế Dung Quất và Khu Kinh tế mở Chu Lai đã đầu tư phát triển từ 20 năm trước.
Tôi thì vẫn ái ngại việc xây dựng các đặc khu kinh tế và lấy đó làm trụ cột phát triển kinh tế (nói theo cách thời thượng hiện nay là tái cơ cấu nền kinh tế), bởi vì, qua theo dõi ý kiến của diễn giả và các chuyên gia thì dường như chúng ta vẫn vận dụng phương pháp đúc cột bê tông cốt tre vào xây dựng các trụ cột này. Theo một chuyên gia Ngân hàng Thế giới, thì đã có hơn 50% các đặc khu kinh tế được thành lập thời gian qua bị chết yểu
(NCT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét