Tôi rất yêu quý các bạn đọc của blog E nên mới chia sẻ mấy ý kiến cá nhân này. Nó là một cách nhìn khác với những hiện tượng xã hội. Điều mà ngày xưa chúng ta được thày Toán dạy khi giải toán, bây giờ tôi vẫn mang theo khi nhìn nhận các vấn đề. Thày Toán nói: Một bài toán phải được nhìn dưới nhiều khía cạnh, lật đi lật lại, đào sâu vào các dữ kiện đã cho, như thế đề bài toán càng ngắn càng khó.
Khi mẩu tin và clip về một cô giáo và các em học sinh vượt suối bằng bao nilong, tôi đã suy nghĩ khác nhiều người. Facebook tuần nay có nhiều bài thương cảm, nhiều nước mắt đã nhỏ, nhiều tiếng trách cứ, lên án chính quyền, có kẻ còn nhân dịp này chửi bới các chính trị gia. Phải công nhận các chính trị gia có nhiều chuyện đáng chửi. Nhưng sau khi chửi hả hê, thì nên suy nghĩ xem, con người chúng ta đang sống như thế nào.
Bài báo này ở Vietnamnet đã đi vào mạch một cái nhìn khác, đầy lý trí, mà tôi ngẫm cũng đáng đọc: Link http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/166160/vuot-suoi-bang-tui-nilon--sao-toi-thay-dung-dung-.html.
Tôi cũng đồng quan điểm như vậy.
1. Từ ngàn xưa, có sông suối là có người qua. Chưa có cầu thì bè mảng. Vài cây nứa, mấy sợi dây mây là làm được cái mảng qua suối. Suối không xiết, một người bơi còn kéo được cái túi chứa người năm chục cân, vậy thì cái bè đơn sơ cũng qua suối được. An toàn hơn thì căng một sợi dây qua hai bờ để người ta lần theo, chân đứng trên bè. Hoặc kéo tay là bè trôi qua. Sao trong khó khăn đó, con người ta không chọn cách như cha ông ta đã làm, mà lại chọn cách phó thác tấm thân ngàn vàng, tính mạng quý báu cho kẻ khác đánh đu với tử thần? Đó là một câu hỏi tưởng như tầm thường, mà không đơn giản. Bài toán qua suối này quá nhiều dữ kiện, là bài toán dễ. Chứ có phải ở hoang mạc chỉ có bao nilong đâu.
2. Cô giáo là người truyền thụ tri thức, là trí thức cấp xã của một cộng đồng. Từ xưa, quan lại thì xa, bản nha thì gần, những cộng đồng nhỏ thường dựa vào kiến thức của những người có chữ. Nay cô giáo không thể nghĩ ra cách gì khác, cũng chui vào túi ni nông đi dạy học. Vậy thì cô dạy điều gì cho lớp học sinh? Ta có thể thương cảm, thương cho một lớp trí thức trẻ hy sinh tuổi xuân với vùng sâu vùng xa, nhưng ta cũng hơi ái ngại về họ.
3. Tuy nhiên, không thể trách cô giáo. Mà đáng sợ hơn, nhìn rộng ra xã hội, chúng ta thấy những việc làm dường như tách xa truyền thống, cứ ngày càng ngu đi. Biểu hiện của nó là sự vô cảm. Kẻ kéo túi ni lông kia có nhận tiền không, hay là ra tay hào hiệp. Nếu không nhận tiền thì là bệnh ngu dân, mà nhận tiền thì thêm bệnh vô cảm. Sao người ta không ai nói ra một câu, kêu lên với nhau là làm thế rất nguy hiểm, phải làm cách khác. Đó là bệnh vô cảm cộng đồng.
4. Cứ nói hậu quả nền giáo dục nó ở đâu đâu. Xin thưa nó ở nhãn tiền. Rõ ràng, cộng đồng dân cư ven suối kia đã quên cha ông dùng bè mảng như thế nào. Đó là hậu quả của môn lịch sử. Họ cũng không dám nói khác, hơn là nghển cổ lên đợi cán bộ "các ngành chức năng" đến làm cầu. Nền giáo dục ngày nay không dạy con em ta tư duy bằng chính cái đầu nó, không dạy chúng kỹ năng sống, không dạy chúng có cách nhìn nhiều chiều, giết chết phản biện. Đó là hậu quả chí mạng của nền giáo dục.
5.Ngàn đời nay, cha ông chúng ta đều tự mình giải quyết các vấn đề của mình, không mấy khi kêu vua quan. Quan lại thì hàng trăm năm mới có một vị thanh liêm. Nếu ai cũng thanh liêm thì đất nước đã dẫn đầu thế giới rồi. Nay có cái clip tung lên, ông Bộ trưởng lại lập tức làm cầu. Vậy thì hàng ngàn con suối khác, người ta tự khắc phục khó khăn thì lại bỏ qua ư? Thế là "tư duy bịt lỗ dò" (một bài báo khác ở Vietnamnet nói về điều này) lại tác oai tác quái. Trị dân trị nước gì kiểu "con kêu thì mẹ cho bú", nếu thế ngày mai đất nước ta Chí Phèo nảy ra như nấm. Đây không phải là dân trí nữa, mà là quan trí. Quan thế nào dân thế ấy. Dân qua suối bằng bao nilong thì chỉ sinh ra quan ấy thôi.
Tóm lại, ngày nay chúng ta đã cận kề 60 tuổi. Một hoa giáp trôi qua, ngẫm ra, chúng ta đã thừa hưởng được một nền giáo dục chưa đến nỗi tệ như mấy chục năm sau. Nhìn con suối cuộc đời, tôi tin rằng các bạn tôi không ai cam lòng chui vào túi nilong, cũng không ai dám kéo đồng loại trong những cái túi ấy, chắc chắn chúng ta phải biết đi qua bằng những cách khác đơn giản và an toàn hơn, xứng đáng hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét