Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Lục bát tình xuân

Theo yêu cầu của tác giả, tôi đăng bài thơ này và đặt tên đầu đề.  Tác giả là cựu học sinh lớp E  chuyên toán HH72-75, nhưng cố tình dấu tên, chắc là để các bạn anh tự đoán ra. Tôi đoán đây là bài thơ của Vũ Kim Hào, nhưng cũng có thể không phải. Biết đâu lại có bất ngờ mới, vì thi sĩ cựu học sinh chuyên toán HH 72-75 đang xuất hiện ngày càng nhiều. Các bạn cùng thử đoán xem nhé. (NCT)



LỤC BÁT TÌNH XUÂN
Hoa xuân nở rộ tháng ba
Tình xuân trẻ mãi chẳng già được đâu
Hoa xuân khoe sắc muôn mầu
Lộc trời trao tặng cho nhau ngày về.
Mưa xuân giăng bụi sương mờ
Nhụy hồng khép lại đợi chờ người thương.
Yêu hoa bởi ngát sắc hương
Thơ tình viết vội gửi dùm cánh chim
Sắp ngày phụ nữ vùng lên
Mang theo nỗi nhớ tình em mặn nồng
Lời thơ thay đóa hồng nhung
Hôn lên đôi má ửng hồng-Em yêu!
                                             (Khuyết Danh)

thơ xuân 2013

Xin góp mấy vần thơ  mời các bạn bình cho vui nhé.
 
         TÌNH XUÂN
  Tết đi qua tháng ba đã tới
  Tuổi xế chiều chới với nụ tầm xuân
  Cái thương nhớ chất đầy mà lực bất tòng tâm
  Thế mới biết tái xuân tình bốc lửa.
   Một chiều xuân ngó theo nhau trước cửa
   Mong người về bát đũa lại vui thêm
  Trời chẳng lạnh để giường đệm ấm hơn
   Nụ tầm xuân đợi mưa rơi hé mở.
  Đêm tháng ba ngập trong nhau hơi thở
  Tuổi ngũ tuần vẫn nở rộ tình xuân.
                                               
                                (Khuyết danh - Tết 2013))

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Vè, thơ con cóc và tân con cóc

Nhân bài viết của NCT, nhân bình luận của mấy bạn sau bài chúc sinh nhật NCT, tôi viết bài viết này, chỉ là nhằm trao đổi với các bạn yêu thơ. (NXH)

1.
Tại sao khi thơ bị chê là vè thì nhà thơ sẽ rất buồn. Ví như, mình đi cái xe ô tô tưởng là oách xà lách lắm, nhưng rồi có người bảo, chẳng qua là cái xe công nông đầu ngang.

Vè thường thấy trong dân gian ở thể văn vần, nên có thành ngữ “vần vè”. Và thường là 3, 4, 5 chữ. “Thường là” thôi, chứ loại vè lục bát thì cũng rất nhiều. Nhưng lục bát đôi khi khó phân biệt, khi lục bát dạng vè, hoặc hơn vè một tý thì coi như là lục bát tầm thường, không ai nhớ nữa mà thôi.
Trường hợp NCT kể chuyện rằng, anh nhớ như in bài thơ tình cờ bắt gặp hồi lớp 1, thì lại là tình huống tâm lý. Lớp vỡ lòng (nay là lớp 1) là khi tâm trí còn trắng trong như tờ giấy, viết chữ gì vào đó là khó xóa. Sau này, tâm trí chứa đầy rẫy tạp… chữ, thì chữ nào đậm hơn mới được ghi nhớ.
Thời xưa, các bài thơ cho lớp 1 lớp 2 ở sách giáo khoa thường là vè. Tôi còn nhớ bài đọc lớp 1, “Bố Tý làm công nhân, ở bến tàu khuân vác, vừa làm lại vừa hát, trong buổi sáng mùa xuân”. Ừ thì Bố Tý làm công nhân khuân vác, nhưng cái kiểu vừa làm lại vừa hát trong buổi sáng mùa xuân thì lố lăng kệch cỡm quá. Nhưng mà nó vần. Vần thôi là được. Nhưng không ai lo lắng rằng, nó làm méo mó nhận thức thẩm mỹ của học sinh về văn học.
Các bài vè thường hướng đến mục đích giáo dục. Giáo dục lối sống kiểu truyền khẩu ngày xưa, hay đúc kết kinh nghiệm, thường là vè. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm. Đó là mặt tích cực của vè. Nó là công cụ truyền tải kiến thức trong cộng đồng dân cư ít học. Sau này, kiểu hướng về văn nghệ quần chúng, làm báo tường, quán triệt quan điểm giai cấp công nhân, cũng ra đời nhiều bài văn vần như vậy. Bài thơ anh NCT thuộc cũng thuộc loại đó, nó nhằm giáo dục người đi qua cầu phải cẩn thận, thế thôi. Điều này, đáng lẽ làm một cái áp phích, viết một khẩu hiệu là vừa phải. Nhưng người ta làm thơ cho học sinh lớp 1 học, thơ cho thiếu niên, thì thật là độc hại. Hậu quả là, một thế hệ tuổi trẻ ảnh hưởng của văn nghệ quần chúng, khi về già, thẩm mỹ thơ nhận thức về thơ không quá mức một bài vè. Ngay cái tầm vè cũng không xứng với vè ca dao tục ngữ, vì nếu nó kết theo hướng, kêu gọi xây cầu xi măng thì lại khác...
Nhưng thơ phải khác vè như thế nào? Đó là một nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì có dấu ấn cá nhân, là nhân cách. Không có nghệ thuật đồng loạt theo kiểu công nghiệp hóa. Với thơ, nó phải là dấu ấn cá nhân của tác giả, nó nói cái tâm trạng, tóm lại trong thơ phải có tâm hồn con người, chỉ có tác giả cảm thấy, nói cái mà người khác không thấy. Còn như vần vè, nghe ra giống ai đó, cũ cũ, thì cũng là vè cả thôi.
Sau này, SGK đúng là có cố gắng bớt những bài vè. Khi tập viết, trẻ con lứa sau này tập viết câu: Long lanh đáy nước in trời, thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng. Hoặc tôi thấy có bài tập chép: Hạt gạo làng ta, có vị phù sa của sông Kinh Thày, có hương sen thơm trong hồ nước đầy. Đó đích thị là những câu văn vần, nhưng nó không phải vè, mà là những áng thơ tuyệt tác. Trẻ con không cần hiểu để phân tích, mà nó cứ thuộc rồi in vào đầu óc nó đã chứ. Nhìn đất nước, cảnh trí thiên nhiên mà đẹp thế, tuyệt vời thế, thì sao nỡ phá bỏ nó, sau này nó làm cán bộ nhà nước, khi cho một nhà đầu tư xả nước thải vào “non phơi bóng vàng” của nó, thì nó sẽ ghét. Hoặc thơ về hạt gạo cũng thế, hạt gạo này rõ ràng dưới con mắt của tác giả ở ven sông Kinh Thày thôi, nhưng thấy trong gạo có vị phù sa, có hương sen thơm thì chỉ có tác giả mới thấy. Đó là tâm hồn thổi vào câu chữ. Đến câu "có lời mẹ hát, ngọt bùi hôm nay" thì thật là "thần cú" rồi. Còn thế hệ mà in vào đầu óc bài thơ “Bố Tý làm công nhân” rồi vừa làm lại vừa hát, thì sau này làm lãnh đạo sẽ phong anh hùng cho những kẻ “vừa làm lại vừa hót”. Vì ông ấy quan niệm đó là lạc quan cách mạng, nó là cuộc sống nên thơ.
Nhân chuyện NCT nói về bài vè hồi lớp 1, đúng là không riêng gì anh, mà cả thế hệ chúng tôi cùng lứa với anh cũng khó dứt bỏ những bài vè hồi lớp 1. Cũng không quên được đâu. Nhưng mà rồi biết để thành chuyện tiếu lâm. Để biết mình phải cố gắng như thế nào để không lạc vào thẩm mỹ sơ lược hồi đó nền giáo dục đã sai lầm giáng xuống đầu chúng ta. Muốn thế, con đường duy nhất là tự học, tự đọc, tự nhận thức. Tôi đã làm như vậy. Sau lớp 12 của cô Tâm, tôi không chính thức học một phút văn học trường ốc nào cả. Đó là sự thiệt thòi về học vấn cơ bản, nhưng cũng có cái hay là không tiếp tục nhiễm những thứ thẩm mỹ vè. Lý luận phê bình văn học cũng có thể loại “vè” mới nguy hại chứ.
Tiếng Việt vốn có thanh điệu, nên toàn dân có thể làm vè. Đó là một lợi thế tự nhiên vốn có, một đặc điểm dân tộc. Nhưng không có nghĩa là toàn dân làm được thơ. Các cụ già về già thường tập hợp nhau lại, làm văn vần để vui thú, tụng ca, hoặc kêu ca, cũng là thú vui tuổi già không hại ai. Nhưng nhiều cụ thì cứ ngỡ mình là nhà thơ rồi. Ngay cả nhà thơ có những bài thành công, đôi khi cũng làm những bài như vè. Nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tố Hữu cũng vậy. Ngày nay thì càng nhiều… Chúng ta làm thơ, dẫu có muốn tránh, đôi khi cũng khó tránh. Lẽ đời cỏ nhiều, rau ít. Cái gì dễ làm thì tầm thường, khó làm mới có giá. Đấy cũng là quy luật giá trị trong kinh tế hiện đại, soi chiếu vào thơ.

2. Thơ con cóc và Tân con cóc.
Điển hình của thơ con cóc là bài thơ được dẫn chứng ra: Con cóc trong hang/ Con cóc ngồi đó/ Con cóc nhảy ra/ Con cóc lại vào.
Dị bản có thể câu chữ hơi khác, nhưng đại khái là như vậy.
Loại thơ tự do thường bị chê là “thơ con cóc” thì tác giả khó chịu còn hơn là thơ truyền thống chê là vè.
Loại thơ dạng “con cóc”, cũng như bài thơ con cóc trên đây, tả con cóc, ừ thì tả con cóc, không ai cấm. Nhưng nó làm gì? Nó ngồi đó, rồi nhảy đi, rồi nhảy vào. Nó là loại hiện tượng bình thường của đời sống, ai cũng thấy thế, chỉ có anh học chữ, thì anh chép lại bằng chữ, thế thôi. Con cóc ấy không làm gì khác biệt với đời sống của nó, người nhìn con cóc ấy viết thành bài thơ thì cũng vô cảm. Nó có mẫu số chung của vè, đó là bài thơ không nói tâm trạng, không có nội dung nhân văn, không có nghệ thuật ngôn từ, không có tu từ gì, không liên tưởng. Nghĩa là loại thơ vô bổ.
Ngay từ kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi là người đi tiên phong trong việc làm thơ không vần, còn gọi là thơ tự do. Rồi các nhà thơ tranh luận là có nên làm thế không? Thế mới biết, từ thơ có vần, tiến đến thơ tự do là một bước cách tân táo bạo, và mới mấy chục năm nay thôi. Song, loại thơ tự do là cực khó, nó có cái bẫy là sa vào “thơ con cóc”, và cái bẫy thứ hai là “biền ngẫu”. Biền ngẫu là thể văn trùng điệp, đăng đối thời còn dùng chữ Hán. Đôi khi trùng điệp chỉ để sướng tai, nhưng nội dung nó lại chả có gì cả, hoặc na ná giống nhau cả. Thể “tụng”, thể “điếu” hay dùng lối biền ngẫu này.
Và, Việt Nam không có truyền thống thơ tự do. Không như Trung Quốc. Thực ra, thể “từ” thịnh hành đời Tống, hay còn gọi “Tống từ”, chính là một loại thơ tự do của họ. Cho nên dân Hán học mới bảo, làm thơ chữ Hán, hoặc chữ Hán thâm hậu thì mới “từ” được.
Hiện nay, do truyền thống thơ Việt một thời hướng ngoại, ca ngợi cuộc sống, đi vào cái chung mà coi nhẹ cái riêng. Thơ chống Mỹ là điển hình đó. Trong khi đó, phương Tây đã qua thời hiện đại, hậu hiện đại, thì ngày nay các nhà thơ Việt Nam bắt đầu nhấm nháp món cũ của họ. Đặc tính dễ thấy của thể này là tự do, nhìn sâu vào thân phận, vào đời sống nội tâm. Nội tâm sâu thẳm thì không thể cứ vần mà được. Cho nên, ngay từ Trần Dần, ông đã làm thơ tự do, thơ bậc thang. Và, thơ tự do cũng có nhiều thành tựu, đỉnh của nó, tôi cho là Nguyễn Quang Thiều, và sau anh có một vài nhà thơ khác. Nhưng sau đó, thơ hậu hiện đại, thơ tự do bắt đầu chạy sang phía cực đoan, phá cách, cách tân đôi khi dẫn đến nhảm nhí. Có trường phái cách tân phá phách, thô tục, như dạng Nguyễn Đình Chính làm "chẹc chẹc chẹc" hay Vi Thùy Linh nói cái dâm của đàn bà. Ngày nay, được cái văn chương cũng có tự do, nói tục gì cũng được, miễn là đừng nói thế sự chống chính quyền.
Bây giờ thì đôi khi có những bài thơ của một số nhà thơ không thể hiểu nổi họ nói cái gì. Ngay cả tập thơ được giải của Hội Nhà văn năm 2013, cũng bị chê là thơ tân con cóc. Thanh Thảo là nhà thơ đã có tác phẩm được khẳng định, làm một trường ca, có những câu cũng là con cóc. Ví dụ:
Bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
Nhớ bác trán vồng như luống khoai
Tay chai bánh tráng sượng
Mắt băm băm lục tìm tám hướng
Cuốc vung lên moi từng củ cui

Hoặc:
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi
đêm láng lênh bác ngồi gãi háng
Đó là những câu thơ dễ dãi, nhưng lại cầu kỳ không cần thiết. Còn bác Năm Trì ngồi gãi háng thì để làm gì, khác gì con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi. Ai cũng có thể gái háng. Bác Năm gãi háng chưa chứng tỏ bác thô lậu. Việc thẩm định thơ hiện nay khó thế, người thì cho giải, người thì chê ỏng chê eo, bởi vì bài thơ nó không rõ ràng như cái ô tô và cái xe công nông.
Hồi trước, thể thơ bị chê là “con cóc” thường là thơ phục vụ công nông binh. Ví dụ như bài thơ Xuân Diệu, bài trước tôi đã dẫn. Tả đồng lúa, rồi phán “đảng ta cho vài cơn gió”, thế là lúa nên xanh rờn.
Ngày nay, chả còn “phải làm” loại thơ phục vụ chính trị, nhưng lại đi về phía cực đoan khác.
Theo tôi, thơ thì có thể vần hoặc không vần, nhưng nó phải nói cái tâm hồn con người, số phận con người. Công cụ của thơ là ngôn từ, vậy ngôn từ ấy phải là tác phẩm nghệ thuật, càng đơn chiếc càng tốt, càng đơn nhất càng giá trị. Thực ra, ngay từ khi Đảng cộng sản phát động “Văn hóa cứu quốc”, đã có tiêu chí cho nền văn nghệ là nghệ thuật phải “chân, thiện, mỹ”. Điều đó chắc là đến nay vẫn đúng. Chỉ có điều, mỗi thời hiểu một cách về “chân, thiện, mỹ” mà thôi. Đó cũng là một cách nhận thức thẩm mỹ. Nhưng cũng có thể thấy ngay, chân thiện mỹ là phục vụ đời sống nhân quần, đó là nội dung hướng về nhân văn, nhân loại. Thơ là tiếng nói tâm hồn, vậy thì nó phải là sợi dây đi từ tâm hồn đến tâm hồn, có sự đồng cảm nhất định.
Nhân chủ đề này, tôi viết thêm một phần, lấn sang việc nghe nhạc, hiện nay đầy rẫy loại bài hát "tân con cóc", mai post tiếp
(còn nữa)

Tự hào quá lố

Bài này tôi đăng báo trong mục tản văn của một tờ báo tuần, nhan đề là "Tự hào cũng là văn hóa" (NXH)

Tự hào cũng phải là… văn hóa.
Gần đây, có “làn sóng” làm hồ sơ xin cơ quan văn hóa của Liên hợp quốc công nhận “di sản thế giới” cho các di sản văn hóa Việt Nam. Rồi thì làm lễ đón bằng di sản thế giới. Quảng bá hình ảnh đất nước là được, làm quảng bá du lịch là được. Nhưng rồi có sự tuyên truyền về sự tự hào là “di sản thế giới”. Hỏi rằng, các di sản được công nhận “của thế giới” rồi, thì nó sẽ thế nào, thì có vẻ chỉ mới là hy vọng. Ở đây có sự méo mó về thông tin. Sao không tuyên truyền tiêu chí về việc công nhận di sản thế giới. Có phải đơn giản như một cuộc thi các di sản, rồi có anh thắng cuộc, được nhất, được nhì? Tâm lý hiếu thắng, muốn lập kỷ lục thật xa lạ với tiêu chí công nhận di sản văn hóa của Liên hiệp quốc.
Xem các di sản được công nhận, thấy một biểu hiện chung là sự đặc sắc về văn hóa, là sự khác biệt, làm nên sự phong phú và khuyến khích truyền thống văn hóa, kêu gọi bảo vệ môi trường sống sống. Chính vì sự bảo tồn sự phong phú và truyền thống văn hóa đặc sắc, nên không bao giờ có sự thi di sản để xếp hạng nhất nhì, ba tư. Vì lẽ đó, mà chính cơ quan tư vấn về văn hóa của Liên hợp quốc mới là đơn vị có được niềm tự hào vì đã phát hiện ra các di sản, để xếp nó vào danh sách cần tôn vinh, bảo vệ.
Hiện tượng làm ầm ĩ và tuyên truyền méo mó về việc công nhận di sản thế giới (cả vật thể và phi vật thể) còn là biểu hiện về sự lệch pha nhận thức về truyền thống văn hóa. Nếu không vì nó chính là sự khác biệt, đặc sắc truyền thống văn hóa Việt Nam, thì rồi đến lúc nó không còn mầu đặc sắc của chính nó nữa. Ví dụ về việc hồ hởi lập kỷ lục hát quan họ là một bài học còn mới. Nay Quốc tử giám cũng được công nhận là di sản văn hóa thế giới, nếu tính sao cho nó “có tầm thế giới” như nhà bia phải to ra, sơn quét lòe loẹt hơn… vân vân, thì sao Liên hợp quốc có thể tự hào là đã phát hiện ra cái di sản đó.
Ôi, những người làm văn hóa tầm quốc gia còn hành xử như vậy, thì các anh hoạt động ngoài lĩnh vực văn hóa, trách gì họ làm chuyện phản văn hóa. Đặt tên các khu đô thị bằng tiếng Anh, xây chùa Bái Đính hình hài chùa Trung Quốc, làm khu văn hóa vui chơi lòe loẹt, đề thơ vè ngớ ngẩn vào khu vui chơi, tổ chức lễ hội biến thành nơi cầu quan tước… Những biểu hiện đó đang làm băng hoại đời sống văn hóa của người Việt thời hiện đại. Nếu hiểu nôm na, văn minh là cái đẹp đời sống hiện đại, văn hóa là cái đẹp (cả vật thể và phi vật thể) của truyền thống để lại cho hiện tại, thì niềm tự hào cũng là một hành vi văn hóa. Từ xưa người Việt thường tự hào về lòng yêu nước, tự hào về “yếu thắng mạnh”, về “nhỏ nhưng đẹp”, về “tắm ao ta”… Ngày nay, muốn tự hào có tầm thế giới, thì cũng phải xem nội hàm của nó là cái gì, di sản của mình trở thành cái gọi là “di sản thế giới” là vì sao, phải chăng chính vì nó là “đặc sắc Việt Nam”, nên người ta mới tôn vinh mình. Người ta tôn vinh mình thì mình nên cứ là mình trước hết, chứ không nên tự hào rằng, nhờ có người ta tôn vinh mà mình mới mọc mũi sủi tăm lên được. Đó cũng là mặt trái của tâm lý tự ty dân tộc, một truyền thống phi văn hóa len lỏi trong cộng đồng người Việt từ ngàn xưa, mà ngày nay nên rũ bỏ. Tự hào cũng phải là biểu hiện của văn hóa, văn minh, tiến bộ.


Có một bài thơ như thế


Tôi sinh tháng 2 năm 1959, nhưng hồi bé thuộc diện chóng cao, mẹ tôi lại dạy vỡ lòng, nên năm 1964 mẹ cho tôi ra chùa ngồi xem các anh chị học chữ để làm quen (ngày ấy hầu hết các lớp cấp 1 đều phải học nhờ nhà chùa). Rồi tôi cũng tập viết với cây bút chì cụt bà dì họ cho. Giữa năm học, mẹ tôi được cử đi học Trung cấp sư phạm 1 năm để về dạy cấp 1, thế là tôi nghiễm nhiên trở thành học sinh vỡ lòng mà cô giáo mới không để ý. Năm 1965 học sinh  còn ít lắm, nhà trường không cho học sinh vỡ lòng lưu ban nên mặc dù chưa đủ tuổi tôi cũng phải lên học lớp 1 đặc biệt (mình được ưu ái học lớp đặc biệt từ lớp 1 nhé) dành cho các học sinh bị lưu ban vỡ lòng ở các làng trong xã. Lớp này thầy vừa ôn lại mặt chữ vỡ lòng vừa dạy làm toán lớp 1. Sau đó cũng được lên lớp 2 bình thường. Thế là tôi đi học sớm 1 tuổi.


Ai đã đi học thời đó, cuối năm lớp 1 đều phải học thuộc lòng bài thơ LỚP MỘT ƠI LỚP MỘT. Phải thừa nhận bài thơ thật hay và rất dễ thuộc lòng đối với lứa học sinh 6 -7 tuổi.
Lớp Một ơi lớp Một
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước
Chào bảng đen cửa sổ
Chào chỗ ngồi thân quen
Tất cả chào ở lại
Đón các bạn nhỏ lên ...
Tôi cũng thuộc bài thơ ấy cho đến bây giờ. Nhưng tôi còn có một bài thơ khác vô tình học thuộc mà suốt đời không hiểu sao không thể xóa nó khỏi trí nhớ. Thỉnh thoảng nó lại hiện về rên rỉ trong đầu tôi, bắt tôi phải đọc cho dù tôi không muốn.
Có lẽ cần giải thích thêm về cơ duyên tôi đã gặp bài thơ này để các bạn hiểu tại sao nó cứ bám chặt lấy tôi như thế.
Vào hè năm 1966, tôi vừa học xong lớp 1 chuẩn bị lên lớp 2. Bài thơ vô tình đến tay tôi đúng vào ngày bà trẻ tôi sinh cậu tôi. Bà là em dâu bà ngoại tôi nhưng cũng chỉ hơn mẹ tôi vài tuổi. Ngày xưa, ở quê tôi bà mẹ nào cũng sinh 5-6 con, có bà sinh tới 12 con (đấy là chỉ kể những người nuôi được đấy), nên chuyện cháu bú bà, em bú chị, cháu bồng cậu hay chú đi chơi là bình thường.
Khi người ta cáng bà trẻ tôi từ trạm xá xã về đến nhà (ngày đó phụ nữ đẻ buổi sáng thì chỉ đến chiều đã được cáng bằng võng về nhà, không phải nằm lâu như bây giờ), từ võng cáng bà trẻ rơi ra một tờ giấy nhỏ xé ra từ một quyển sách, không hiểu là tập san hay báo gì đó. Trong tờ giấy đó có in một bài thơ còn nguyên vẹn. Tôi đã đọc nó không biết mấy lần, nhưng trí óc trong trắng của tôi đã ghi đậm hình ảnh và nội dung bài thơ đó. Không biết  bây giờ ở Hưng Yên có cơ quan nào còn lưu trữ tài liệu có bài thơ này không? Tác giả bài thơ là ai? Còn sống hay đã mất? Nếu còn sống, liệu người đó có nhớ đến tác phẩm của mình không nhỉ? Tôi thì tôi tin chắc rằng, ngoài tôi ra ở Hưng Yên bây giờ chẳng ai còn nhớ tới bài thơ này, vì chiến tranh, vì những biến động lớn lao trong  đời sống xã hội trong hơn 45 năm qua và vì nó không phải là một bài thơ hay đáng để nhớ.
So với thơ bây giờ thì bài thơ đó rất thô cả về hình thức, câu chữ, hình ảnh. Tôi muốn quên nó đi để nhớ những bài thơ hay đang đầy dẫy trên mạng internet, nhưng không sao quên được. Nó cứ trơ ra trong đầu tôi mặc cho bao năm tháng đã qua đi, bao kỷ niệm đáng nhớ tôi đã phải quên. Nó cứ làm tôi rùng mình mỗi khi về quê nội đi ô tô qua cây cầu xi măng bắc qua sông Điện Biên thay thế cho cây cầu gỗ ngày xưa. Nó bắt tôi phải nhớ những cây cầu bắc qua các sông, kênh thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày ấy chẳng khác gì những cây cầu khỉ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bây giờ. Mỗi lần đi qua nhìn xuống dưới mà run cả chân. Cầu có tay vịn bằng một thân tre buộc còn đỡ. Có chiếc cầu không có tay vịn mà phải đi qua là cả một nỗi kinh hoàng với tôi. Nhiều khi tôi phải bò. Vì thế, ngày ấy mới 4-5 tuổi bọn trẻ đã phải học bơi. Tôi phải bắt chuồn chuồn cắn rốn đau đến chảy nước mắt cho chóng biết bơi như chúng bạn.
Cậu tôi là Trần Văn Trường, năm nay đã 47 tuổi và con gái Cậu cũng đã tốt nghiệp Đại học sư phạm, trở thành cô giáo dạy văn cấp 3 trường Tỉnh rồi. Thế mà bài thơ nhặt được ngày ấy vẫn không chịu rời bỏ tôi. Tôi chép lại bài thơ để các bạn thưởng thức thơ  Hưng Yên ngày đó thế nào và có cao kiến gì giúp cho tôi quên được bài thơ này đi không?

QUA CẦU CHÚ Ý
Chiếc cầu bắc qua sông Hưng Hải
Mới sửa sang bắc lại dễ đi
Nhân dân qua lại thường khi
Mọi người chú ý vậy thì chẳng sao.
Giữa buổi sáng ngày nào tháng chín
Người qua cầu kĩu kịt sang sông
Giờ sau một bác nông dân
Vai đeo khăn gói bước nhanh qua cầu
Tay không vịn chân đi rảo bước
Cũng chẳng cần nhìn trước ngó sau
Giữa cầu lăn xuống sông sâu
Nước reo chảy xiết ngập đầu trôi phăng…
Ngay lúc đó có ba phụ nữ
Vội kêu la ầm ĩ bên sông
Gặp anh cán bộ mau chân
Nhảy bơi ra giữa dòng sông vớt vào.
Ai cũng hỏi tại sao mà ngã
Ấy chỉ vì vội vã qua sông
Nhắn ai đi bắc về đông
Qua cầu chú ý đề phòng tai bay./.

                                       (NCT)

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Đi thăm Cụ cây Dã hương ngàn tuổi


Ngày xuân rỗi rãi các bạn nên đi thăm “Cụ cây” Dã hương ngàn tuổi. Đó là cây dã hương ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội khoảng 70 km. Cụ cây dã hương này đã được phong là di sản quốc gia và được coi là cây dã hương cổ thụ độc nhất vô nhị trên thế giới.

Cây có dáng bề thế, uy nghi. Chu vi thân cây chỗ to nhất là 17,4 m, khoảng tám người dang tay ôm mới hết. Chiều cao của cây là 36m, tán thân cây che phủ gần 2 sào đất. Trên ngọn cây có những cành đã khô nhưng vẫn rất vững chãi. Lớp vỏ cây dày trung bình khoảng 15cm.
Người dân xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, đều gọi cây dạ hương cổ này là “cụ”. Các bô lão trong thôn kể lại rằng, từ nhiều đời trước các cụ đã thấy cây to và đẹp lắm rồi. Trước kia trong ngọc phả của thôn có ghi lại câu chuyện Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) khi đi ngang qua thôn, thấy cây dã hương to, đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước).
Dân làng ở đây lưu truyền rằng: Cây dã hương ở đất Bắc mà vươn tới tận Huế, vì có một vị quan về đây chặt một đoạn rễ đem về kinh thành tiến Vua; cây dã hương ở trời Nam mà cành sang tận trời Tây (ấy là năm 1905, toàn quyền Đu-me đã cưa một cành dã hương ở đây cho người làm hai cây thánh giá làm lưu niệm và năm 1932, ảnh cây dã hương  này đã được trưng bày tại Hội chợ Mác-Xây Pháp)…
Cây không chỉ là nét đẹp của cảnh quan môi trường, cảnh quan thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa Việt. Người dân trong xã cho biết, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà nhân dân ở đây có sức khỏe tốt, các bệnh dịch truyền nhiễm ít có cơ hội lây lan. Cây được coi như một linh vật của người dân quanh vùng với nhiều giai thoại và cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân nơi đây.
Theo lời ông nhân viên Ban quản lý cụm di tích, người dân đất Tiên Lục đã nghiệm ra một hiện tượng khá thú vị, đó là mối liên hệ giữa cây dã hương cổ thụ với đời sống xã hội đương thời: cây dã hương chẳng bao giờ gãy cành vì gió bão, nhưng khi có một cành nào đó già khô rơi xuống nhường lại cho những cành mới vươn lên đều báo hiệu một sự chuyển biến lớn của đất nước. Năm 1945 cành dã hương lớn phía đông bắc gãy là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công; Năm 1954, cành phía tây gãy là năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Năm 1964 cành phía nam gãy gắn với sự kiện Vịnh Bắc Bộ, chiến tranh mở rộng ra miền Bắc; Năm 1975 cành phía tây gãy gắn với sự kiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Năm 1984 cành phía tây bắc gãy gắn với “khoán 10” và cành ở đỉnh ngọn phía nam gãy vào chiều 22/10/2006, thì 16 ngày sau nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (mà trong sổ ghi chép những sự kiện liên quan đến cây dã hương, được người dân ở đây ghi sự kiện này là “cành hội nhập”)…
Cho đến nay chưa có tài liệu nào xác định chính xác tuổi đời của cây dã hương này, nhưng theo người dân ở nơi đây thì vẫn gọi là cây dã hương ngàn năm tuổi. Trong cuộc hội thảo về cây dã hương của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học tổ chức năm 2011, các nhà khoa học trong và ngoài nước khẳng định cây dã hương này đã tồn tại khoảng 1.000 năm và trên thế giới chỉ có hai cây dã hương quý như thế. Một cây ở châu Phi đã chết nên cây dã hương này hiện được xem là cây “độc nhất vô nhị của thế giới”.
Hiện nay cây dã hương đã được nhà nước chứng nhận là di sản quốc gia, hàng ngày có rất nhiều đoàn khách về đây không chỉ để chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của cây “dã đại vương” nghìn năm tuổi, mà còn để tựa vào thân cây vững chãi tận hưởng cảm giác khoan khoái được “cụ cây”  dã hương truyền cho sinh khí tích tụ từ ngàn năm, để hít sâu vào lồng ngực hương thơm của dã hương, thứ hương tinh khiết mà không có ở một giống cây nào.                         
                                                                                                                                    (NCT)

Mùa xuân lạ

Cách đây tròn 5 năm, tôi đưa lên trang web bài thơ "Mùa xuân lạ". Khi đó tôi tự thiết kế web trên cơ sở googlepages. Nay thì dịch vụ đó của Google đã ngừng rồi. Thời thế đổi thay. Năm đó, ngày cuối tháng 2 trời trở lạnh như mùa đông, lá vàng bay dào dạt trong phố Hà Nội như mùa thu, buổi trưa thì nắng nhẹ như mùa hạ. Cái dở chứng của thời tiết gián tiếp đánh vào tâm cảm của một người 50 tuổi. Năm nay, cữ này thời tiết bình thường, không có gì lạ. Nhưng mùa xuân thì vẫn lạ lùng. Nhân có cái blog này, xin hiến cộng đồng blog E bài thơ 5 năm trước. Bây giờ thì tôi định làm bài thơ về mùa xuân năm nay, nhưng lạ sao chưa làm nổi. (nxh)

Mùa xuân lạ

Em đi sang bên kia cầu
ngày trở lạnh
con đường hun hút gió
Để lại anh Hà Nội chiều lá rụng
Xao xác lá xuân đang rơi rơi xuống
Một bầu trời hoang vắng lạ trên đầu
*

Mùa xuân năm nay dị thường
Chất chứa cả bốn mùa trong một ngày sau Tết
Sáng se lạnh đông tàn còn chưa hết
Trưa nắng hửng lên hơi ấm hạ hoe vàng
Chiều em đi lá thu trút bàng hoàng
Dào dạt cả không gian bay vô vàn là bối rối
Anh còn lại với bóng ngày Hà Nội
Dấu môi em ly trà nóng vội
Hình mắt anh trên đôi kính trắng
Vết thời gian không nhà
Và mùa xuân đọng trong hy vọng
ủ nồng nàn tâm sự em...
*
Em đi sang bên kia cầu
Kính kín khẩu trang Ninza khăn mũ
Dẫu biến mất giữa dòng người rét hại
Anh vẫn lo em lạnh giá giữa vô vàn
*
Mùa đất trời đỏng đảnh vô thường
Mùa anh mùa em lá bay cát bụi
Nhà anh nhà em đường về vô định
Mùa yêu mùa thương nước chảy qua cầu
Sông vẫn đấy giọt đời không ngừng nghỉ
Mỗi khi em sang bên kia cầu...

26/2/2008

Sức khỏe là trung tâm

Hôm nay lật tờ lịch treo tường mới nhớ ra mai là ngày Thầy thuốc Việt Nam, những người Thầy mà mỗi người chúng ta trong cuộc đời không nhiều thì ít ra cũng phải gặp dăm bảy bận. Lớp E có các bác sỹ  giỏi như Đỗ Văn Tá, Đỗ Văn Linh, Lê Đắc Cường và cố bác sỹ Trần Thị Bím. Có cô dâu lớp E cũng là một nhân viên ngành y nổi tiếng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương (Hoàng Thị Thanh Tâm vợ Nguyễn Kiêm Dũng). Nhân ngày 27-2, xin chúc các Thầy thuốc dồi dào sức khỏe và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Riêng đối với các thành viên lớp E tôi muốn gửi tới các bạn lời chúc: lúc nào cũng thấy khỏe và không có nhu cầu gặp bác sỹ để chữa bệnh, mà chỉ gặp bác sỹ để nói chuyện tếu thôi. Tình cờ 3 năm trước tôi đọc được một bài báo đăng trên số báo xuân 2009 nói về triết lý sống khỏe của người Trung Hoa. Ba năm nay tôi đã thực hành theo triết lý sống đó, để biến một NCT gầy yếu ngày xưa các bạn đã biết thành một NCT ngày nay ở tuổi 55: cao 172 cm, ba số đo 95-82-95, hệ số BMI =22 (chỉ tiêu  phản ánh  sự cân đối của cơ thể bằng cách lấy trọng lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao, tiêu chuẩn quốc tế là 20-25). Điều quan trọng là lúc nào cũng thấy yêu đời và vẫn có thể làm ...thơ tình. Xin gửi tới các bạn bài viết mà tôi tâm đắc với hy vọng các bạn sẽ  áp dụng cho bản thân để luôn cảm thấy khỏe và lạc quan trong cuộc sống . (NCT)

TRIẾT LÝ SỐNG CỦA NGƯỜI TRUNG HOA


Người Trung Hoa hay có những ý tưởng độc đáo và sâu sắc về phương châm sống. Những triết gia thời xưa như Khổng – Mạnh thì đã đành, mà người đời sau cũng vẫn có.
Chẳng hạn, Lương Khải Siêu (1873-1929), đã có một lời khuyên rất uyên bác cho mọi người, đại ý: “Mỗi ngày phải để ra tí khoảnh khắc đứng ngoài cuộc đời, nhìn lại cuộc đời. Sau mỗi tháng, mỗi năm, đều phải dành thời gian thích đáng để làm việc đó. Người tầm thường thì luôn bị cuộc đời cuốn đi, không thể dừng lại được. Kẻ sĩ thường hay xa rời cuộc sống của nhân quần, không hòa nhập đời thường. Duy chỉ có những người rất có văn hóa mới vừa luôn luôn hòa nhập với đời thường, vừa có thể tách ra khỏi cuộc sống thường nhật vào bất cứ lúc nào để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc đời: điều ấy nói thì dễ, chứ làm thì khó lắm thay!”.
Thi thoảng phải đứng ra ngoài cuộc đời để nhìn lại chính mình, để sửa mình, để sống có ích cho đồng loại. Tư tưởng ấy thật thanh cao. Nhưng cũng vì nó quá thanh cao nên chưa hẳn đã thích hợp với cuộc sống đa dạng và sôi động, đồng thời cũng xô bồ và thực dụng hơn của thời đại ngày nay.
Ý tưởng của người Trung Hoa thời nay về phương châm sống vẫn sâu sắc như xưa, nhưng xem ra có vẻ thiết thực hơn nhiều. Phương châm ấy được diễn đạt một cách rất “Trung Hoa hiện đại” như sau:
Một “trung tâm”: lấy sức khỏe làm trung tâm. 
Hai “một tí”: thoải mái một tí, hồ đồ một tí. 
Ba “quên”: quên tuổi tác; quên bệnh tật; quên hận thù. 
Bốn “có”: có nhà ở; có bạn đời; có bạn tri âm; có sổ tiết kiệm. 
Năm “phải”: phải vận động; phải hòa nhã, lịch sự; phải biết cười; phải biết kể chuyện; phải tự coi mình là người bình thường”.
Điều “một trung tâm” là cực kỳ quan trọng. Thường thì mãi đến lúc già yếu hoặc lúc ốm đau ta mới thấy sức khỏe là qúy giá; khi ngoài kia là trời xanh lồng lộng và nắng gió lung linh mà ta ngồi đây bất lực, mới thấy hối tiếc một thời phung phí sức lực một cách liều lĩnh và dại dột. Rất may là chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn, y học ngày càng hiện đại hơn nên tuổi thọ của con người ngày càng cao hơn nữa. Sắp đến rồi, ngày mà “bảy mươi tuổi chưa phải là già, sáu mươi tuổi vẫn còn là trung niên !”. Hạnh phúc thay là có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường tráng. Xin hãy nhớ ở bất cứ lứa tuổi nào cũng phải “lấy sức khỏe làm trung tâm”.
Điều “hai một tí” thật là chí lý. Đừng đạo mạo qúa, hãy sống hồn nhiên như mình vốn có. “Thoải mái một tí” (Một tí chút thôi nhé!) là hợp với tự nhiên bởi cuộc sống không thể lúc nào cũng căng như một dây đàn đúng giọng được. Cũng đừng qúa tự dày vò mỗi khi lầm lỡ. Ai mà chẳng có lúc sai lầm, có sai thì hãy tự nhủ “hồ đồ một tí” chưa sao ! Cũng lại chỉ một tí thôi nhé, luôn luôn hồ đồ thì còn nói làm gì, hồ đồ nghiêm trọng thì phải trả giá đắt, đôi khi hối không kịp.
Điều “ba quên” là để cho lòng mình thanh thản. Lỡ đã già rồi (và đã được sống nhiều), lỡ mang bệnh tật rồi (nhiều khi vì những lẽ rất cao cả, nhưng cũng có khi vì sự tầm phào) thì hãy quên đi, “quên tuổi tác” và “quên bệnh tật”; hãy vui sống mỗi ngày bằng những công việc thường nhật có ích cho mình, cho những người thân yêu và cho đời… Cuộc đời riêng của mỗi người chỉ có thể thật thanh thản khi biết “quên hận thù”; “quên hận thù” là điều rất khó, nhưng cũng sẽ dễ dàng hơn khi thực lòng mong muốn có sự thanh thản của tâm hồn.
Điều “bốn có” rất đời thường, dung dị và thiết thực. “Có nhà cửa” và “ có bạn đời” tức là có một gia đình yên ấm. Dù cho thế giới văn minh này có biến đổi thế nào thì gia đình vẫn là tế bào bền vững của xã hội, vẫn là nơi trú ẩn cuối cùng đáng tin cậy cho những tâm hồn cô đơn đang bị tai họa phủ phàng rượt đuổi. không buồn gì bằng nổi buồn không có “bạn tri âm”, như “rượu ngon không có bạn hiền”. Sống trên đời ai cũng ít nhiều có bạn, nhưng bạn tri âm đồng cảm chia ngọt sẽ bùi với mình thì không phải người nào cũng có. Thiếu bạn tri âm, cuộc đời sẽ thiếu đi một mảng lớn. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là phải có của ăn của để ở chừng mực thích hợp, tức là phải có “sổ tiết kiệm”, phải dành dụm, phòng khi lỡ vận, phải lo xa một chút…
Điều “năm phải” khuyên chúng ta thực hiện một phong cách sống lành mạnh và văn hóa. Trước hết, “phải vận động” (chân tay) vừa phải và bền bỉ. Khó nhất là duy trì được nết tập thể dục thường xuyên; tập kiểu gì cũng được, ít nhiều tùy theo sức, miễn là tập được đều đặn hàng ngày. Đó là cách tốt nhất để giữ cho thân thể được khỏe mạnh và tinh thần thoải mái. Còn thể thao thì tùy sở thích và tùy hoàn cảnh chứ không phải là nhất thiết. Thứ hai là phải “hòa nhã, lịch sự”. Đó là phong cách không thể thiếu được cho mỗi người cho dù ở cương vị nào và hoạt động trong lĩnh vực nào. Nét văn hoá ấy là của chung nhân loại, dân tộc nào cũng có bất kể ở trình độ văn minh nào. Người có văn hóa không hẳn là người có học thức cao. Thứ ba là “phải biết cười”. Biết cười có duyên không dễ. Không phải ai cũng ưa hài hước, và tính hài hước không phải có sẵn trong nhiều người. Những người dễ cười, cũng như là dễ khóc, thường là tốt bụng, những người có tính hài hước thường giàu lòng vị tha. Những người không ưa hài hước có lẽ không phải là những người có văn hóa cao. Hơn nữa, bạn có biết không, mỗi lần cười thì có tới mấy chục cơ trên mặt cùng hoạt động và làm ta sống thêm được ít phút. Vậy thì càng cần “phải biết cười”. Thứ tư là “phải biết kể chuyện”, tức là phải biết kể lại những điều mình biết một cách khúc chiết rõ ràng, biết diễn đạt ý mình một cách sáng sủa, nói rộng ra là phải biết cách giao lưu tư tưởng. Người biết kể chuyện luôn luôn đồng thời cũng là người biết lắng nghe, bởi có chịu khó lắng nghe mới có cái để mà kể lại và mới biết kể như thế nào cho thích hợp đối với người nghe mình. Sau hết và cũng là trước hết là “phải tự coi mình là người bình thường”. Người ở cương vị càng cao mà biết tự coi mình là người bình thường thì càng được kính trọng. Đối với một số người điều ấy không phải dễ dàng, bởi vì ngay một anh binh nhì cũng vẫn có thể ngạo mạn khinh người, coi mình là nhất thiên hạ, y hệt một tướng lĩnh lừng danh ưa phỉnh nịnh. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Cái khó nhất là biết dừng ở chỗ nào” và “cái cần biết trước hết là biết mình”. Người tự coi mình là người bình thường sẽ dễ “biết mình” và cũng dễ “biết dừng”.
Tôi hy vọng là đã hiểu và diễn đạt đúng được phần nào những ý tưởng sâu sắc và độc đáo của người Trung Hoa xưa cũng như nay về phương châm sống. Xin chia sẽ cùng bạn đọc nhân dịp năm cũ đã qua và nhìn lại mình, để đầu năm mới thêm chút thoải mái. “Cuộc đời vẫn đẹp sao”…
                                                                                       
                                                                                                       (NCT sưu tầm)

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Năm nguyên tắc chọn chồng


Dạo này già nên mất nết sinh khó ngủ. Có bạn xui, cứ chui lên giường thì mặc áo phông màu đỏ có sao vàng trước ngực và đọc lấy vài trang tư tưởng Hồ Chí Minh là ngủ ngay. Lại có đứa bảo, cứ lên giường đọc lấy mươi bài thơ tán gái của lớp E là ngủ tít. Nhưng rồi cũng không ngủ được. Bỗng hôm qua, táy máy đọc thấy bài này, lập tức ngủ ngay, ngủ quên cả ngày nay không đi làm được. Đó là bài "Năm nguyên tắc chọn chồng"
Dư lày:

Chị khuyên đây này, Nguyên tắc thứ nhất: Chồng là một con lợn
Các cô mới lớn, thường thì thích người yêu hay bạn đời tương lai của mình là một con công có bộ cánh rực rỡ để khoe với bạn bè. Lớn hơn một chút, khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân thì lại muốn chồng tương lai là một con khỉ biết làm đủ trò. Sai lầm nhớn. Một con khỉ đực biết làm nhiều trò với ta thì nó cũng sẽ biết làm nhiều trò với những con khỉ cái khác. Khi lấy nhau rồi, những trò khỉ trước đây quyến rũ ta bao nhiêu, thì nó nhàm chán bấy nhiêu qua năm tháng. Tức là, con khỉ nhàm chán đối với ta, nhưng vẫn hấp dẫn đối với bọn khỉ cái khác. Bản tính nghi kị của đàn bà lại lớn, tình yêu thì sứt mẻ, niềm đam mê bị mài mòn, địch lại luôn đánh phá, hôn nhân bắt đầu rạn vỡ và rồi kết cục chẳng ra đâu vào đâu.
Vì vậy, con lợn là sự lựa chọn đúng đắn. Có thể nó không khôn, nhưng bảo gì nghe nấy.

Chị khuyên đây này, Nguyên tắc thứ hai: Chồng là một con bò
Con công đực cứ thấy công mái là múa, khỉ đực thấy khỉ cái là thò tay xuống trym. Con lợn, ăn no ngủ kỹ, thấy lợn cái chỉ ủn ỉn mấy câu chào hỏi cho phải phép rồi lại nằm. Giống lợn là đại lười. Nếu thế thì cũng chán các cô nhỉ. Nên nguyên tắc tiếp theo chồng mình phải hơi giống con bò một chút. Con bò được cái khỏe, chăm làm, nhưng lại hiền lành. Nếu chồng mình ngoan ngoãn, bảo gì nghe nấy như con lợn, nhưng không chịu đi làm kiếm tiền nuôi chị em mình thì cũng chán, nhỉ. Mặc dù hắn không ra khỏi nhà, nguy cơ phân phát giống giảm thiểu rất nhiều, nhưng ta lại cong mông kiếm ăn nuôi nó chỉ để lấy phân (tạm thời chưa đề cập đến lấy giống) thì rồi ta sẽ tàn tạ nhanh. Đến lúc đó, ta không bỏ nó thì nó cũng bỏ ta đi tìm cái chuồng khác có cô chủ ngon lành hơn. Kết thúc một đời chăn lợn không lợi nhuận. Chán!
Vì vậy, con lợn lai bò là sự lựa chọn đúng đắn. Có thể nó không nhanh, nhưng được cái chăm chỉ kiếm tiền.

Chị khuyên đây này, Nguyên tắc thứ ba: Chồng là một con dê
Cái giống dê khóai ở chỗ là, vào buổi sáng, con dê đực (trưởng chuồng) đứng cạnh cổng, lần lượt từng con cái đi qua, chìa mông cho dê đực nhẩy một cái rồi đi đâu mới đi. Khóai một điểm nữa là, không phải chỉ một ngày, không phải chỉ một lần, mà cứ như thế như thế cho đến lúc không làm được nữa thì thôi. Để duy trì thói quen ấy, dê đực rất thích một loại lá mọc trên núi có tên gọi dân gian là 'dâm dương hoắc' có tác dụng cường dương đại bổ.
Con lợn lai bò nhà mình, ngoan, hiền, kiếm tiền giỏi nhưng khỏan kia kém thì cũng chán lắm đấy. Các cô thường đỏ mặt khi đả động đến vấn đề tế nhị, nhưng chị phải nói với các cô rằng 50% các cuộc ly hôn có nguyên nhân bất hòa về chuyện ấy. Còn gì vui hơn khi trong chuồng dê nhà mình, có mỗi mình là dê cái, chạy ra rồi lại chạy vào cho dê đực làm tròn bổn phận tù trưởng.
Vì vậy, con lợn lại bò lại có máu dê là sự lựa chọn đúng đắn. Có thể nó hơi hôi, nhưng đấy là mùi đàn ông.

Hãy nghe chị khuyên Nguyên tắc thứ 4: Chồng là một con chó
Một trong những việc ngại nhất khi lấy chồng là phải nấu ăn cho nó, cho các con của nó, thậm chí là cho cả bố mẹ, ông bà nó nữa. Rất là ngại! Mà nào có phải cho gì nó cũng ăn đâu, còn chê ỏng chê eo, được voi đòi tiên, khổ không bút nào tả xiết.
Giống chó có cái hay là vứt cái gì cho cũng ăn. Xương xẩu, cơm thiu, đầu cá, canh cặn, có gì ăn nấy. Không bao giờ phàn nàn lấy một câu. (... - kiểm duyệt tiếp )
Chó nó còn cái hay là mình đi đú với bạn bè có về khuya đến mấy, cũng vẫy đuôi nhiệt tình, liếm từ ngón chân liếm lên. Rất là hòanh tráng, cái này thì hơn đứt bò với lợn.
Chỉ có mỗi cái phàn nàn là nó chỉ biết mỗi Doggy style, mỏi lưng lắm!

Và đây chị khuyên Nguyên tắc thứ 5: Chồng là một con chíp
Khi chồng đã ngoan như một con lợn (ở Mỹ, người ta thích dắt lợn ra ngòai đường hơn dắt chó), khỏe mạnh chăm chỉ kéo cày như một con bò, và năng lực tình dục như một con dê kể ra là cũng tạm đủ. Nhưng cả ba con đấy, đều không có trí thông minh của con người. Các cô cứ thử tưởng tượng thế này, thằng chồng mình rất nhiệt tình trong chuyện chăn gối, mình chỉ cần ngoắc tay là nó đáp ứng liền, nhưng vừa làm, nó vừa cười rồi thỉnh thoảng ngửa cổ lên giời kêu be be. Nếu thế thật, chị chả dám dùng. Sinh con đẻ cái, là cuộc đầu tư lớn nhất trong đời của bố mẹ, ấy vậy mà mình lại chọn cho chúng bộ gien của A Phủ thì không ổn rồi. Chồng phải là con chíp, tốc độ xử lý nhanh hơn cả con người, nhưng cơ bản là không tự sáng tạo được, chỉ thực hiện mệnh lệnh từ con người, đó là ta. Tốc độ xử lý thông tin nhanh như nó mà lại biết sáng tạo thì nó lại làm thơ, làm văn, tặng hoa cho gái, uống rượu tắt đèn thắp nến với gái, mình theo thế đếch nào được.

Kết luận
Đây là 5 nguyên tắc cơ bản khi chọn chồng. Thường thì những cô chưa lấy chồng sẽ phản đối chị, những cô mới lấy chồng thấy có cái đúng, cái sai, những cô lấy chồng 3 năm trở lên có một mặt con thì gật đầu: đúng quá, đúng quá. Chị nhắc lại, 5 nguyên tắc này không áp dụng cho việc tìm kiếm người chồng lý tưởng, vì nếu các em dùng 5 nguyên tắc này tìm chồng, thì các em chỉ có ế chồng. Thôi các em chỉ nên dùng nó làm nguyên lý so sánh, nghiền ngẫm rồi cứu chữa, như là thày lang kê đơn, để giảm thiểu nguy cơ tan nát hạnh phúc gia đình.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Đây là cái gì?

Biển hiệu này ở trước của một nhà hàng mang tên “Snacks Bắc Kinh” hoặc “百年 卤煮" gần Prince Gong’s Mansions (恭王府), một địa điểm du lịch nổi tiếng nằm về phía Bắc của Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Ảnh này  chụp vào ngày 21 tháng 2 năm 2013. (Theo Rose Tang) - Đây là biểu hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đúng rồi, nhưng nó đang xảy ra tại thủ đô ở nước "XHCN anh em" hữu nghị theo cách nói chính thống...
Các bạn có thể đọc tiếng Anh thì hiểu, nhưng thôi, nghĩa nó đây: "Cửa hàng này không phục vụ người Nhật, người Philippin, người Việt Nam và chó"

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Kể một chuyện tình

Hôm nay sinh nhật mình, một số bạn nhớ ngày này đã có lời chúc mừng qua blogE từ hôm trước. Mình đã nói rằng, mình rất ngượng khi được chúc mừng sinh nhật, nhưng cũng không khỏi cảm động trước sự quan tâm của các bạn độc giả. Vì thế, dù rất bận, không có thời gian để viết bài mới tặng các bạn, mình cũng phải tranh thủ đầu giờ làm việc gửi tới các bạn bài thơ kể lại một mối tình của mình gần 30 năm trước. Các bạn hãy coi đây như lời cảm ơn  của mình gửi tới mọi người. Hy vọng blog E sẽ là sân chơi chung của tất cả chúng ta, giúp mỗi người tìm lại  những kỷ niệm của tuổi thơ trong sáng, nhớ lại hình bóng thân thương của một thời tuổi trẻ để vững vàng hơn, tự tin hơn trong cuộc sống hôm nay và ngày mai. (NCT)


Tự truyện

Ngày ấy tôi chìm trong mộng mơ
Tình yêu lấp lánh dưới sương mờ
Sóng vỗ tâm hồn chàng trai trẻ
Trái tim hòa nhịp đập thành thơ.

Trách người con gái quá thờ ơ
Nào ai hiểu hết nghĩa chữ “ngờ”
Ôm mối hận tình tôi đau khổ
Cô từ nước mắt những vần thơ.

Cô bé làng bên còn bé lắm,
Có lần em đọc trộm thơ tôi.
Sao em không sợ tôi sẽ giận,
Sẽ bắt đền em đến suốt đời?
          
               ***
Tôi đi bộ đội bốn năm rồi
Nỗi đau ngày trước cũng dần nguôi.
Sống giữa tình yêu thương đồng đội
Hồn thơ tôi bỗng lại đâm chồi.

Cô bé làng bên giờ đã lớn
Thảo thơm như trái chín đầu mùa
Cô thích làm thơ và viết truyện,
Thiết tha yêu màu tím mộng mơ...

Một hôm công tác ghé qua nhà
Thẩn thơ lần giở kỉ niệm xưa
Tôi gặp bài thơ em viết tặng
Gửi vào bao thầm ý sâu xa.

Từ đó tôi cùng em kết bạn
Sánh vai đi giữa những vần thơ
Sưởi ấm lòng tôi đường ra trận
Hồn thơ em nâng bước tôi đi.




Chiến sỹ Đồng Bằng nơi biên giới
Nghe thơ cô gái nhỏ quê nhà,
Bỗng thấy tấm lòng mình rộng mở
Và tình yêu vỗ cánh bay xa...

                                                                                                                    
                                                                                                               ( NCT – 8/1984)




Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Văn nghệ Vĩnh Phúc mời đối

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, Chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Phúc đã gặp tôi (ngày 12 tháng Giêng âm lịch), cho biết, hàng năm Vĩnh Phúc có truyền thống ra vế đối mời đối, nhưng cho đến nay, đã qua 4 năm chưa có năm nào có ai đối chỉnh. Năm nay vế đối là:
Mừng Quý Tị, rắn quý leo xà, nuốt chuột không còn tý tị.
Qua Tết, đã gần Rằm, mà vẫn chưa có vế đối nào chỉnh, chưa nói là hay.
Vậy tôi cho lên đây, có nhiều bác văn hay chữ tốt, thử xem biết đâu lại có một phút lóe sáng thì sao...
(NXH)

Linh tinh tình phộc

(Tôi đi lễ hội Trò Trám)

(Bài 1: Đề dẫn)

Bủ Thơ làm chủ lễ 
Năm nay, tôi đã hẹn với nhà văn Hà Phạm Phú đi lễ hội trò Trám. Vừa may, gần đến ngày lễ hội, Nhà thơ Ngô Công Thành lại sưu tầm bài viết về lễ hội “linh tinh tình phộc” mà post lên blog. Điều đó như là cơ duyên khiến tôi cùng nhà văn Hà Phạm Phú quyết đi lễ hội này, cung kính mời nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cùng đi về lễ hội.
Vì sao lại phải mời nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn? Vì Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, người được đánh giá là nhà văn viết về nông thôn hàng đầu hiện nay của văn học Việt Nam đương đại, cũng có thành tựu rất lớn trong nghiên cứu văn hóa dân gian, chính ông là người đã góp phần lớn khôi phục lễ hội này. Và, điều rất có duyên là Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn chính là người con của quê hương Trò Trám, tức là xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Có được một “tua-gai” như Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thì tôi và nhà văn Hà Phạm Phú quả là những khách du lịch sang trọng nhất. Cho nên chúng tôi đi theo đường dân dã, không qua tỉnh, qua huyện, qua xã. (Đến lễ hội, tôi thấy một quan chức của Ban Tuyên giáo Trung ương, có Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tháp tùng, cùng các quan chức huyện, xã, nếu xét về khâu oai, thì chúng tôi không so được với họ). Tuy nhiên, khi phát hiện ra ông Nguyễn Hữu Nhàn, các chức sắc địa phương đều chạy đến vô cùng hồ hởi.
(Cắt đoạn nói về lịch sử Tứ Xã)
Tóm tắt: Tứ Xã ngay cạnh di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Gò Mun, là 2 di chỉ khảo cổ về cư dân cổ xưa của người Việt. Đây là một làng Việt cổ, có nghi lễ riêng, tiếng nói được giữ gìn khác hẳn trong vùng. Điều quan trọng là có truyền thống dân chủ làng xã rất mạnh. Tên cổ là Kẻ Gáp, Gáp là Gặp- nơi đầu mối gặp gỡ giao lưu của các con đường Nam Bắc Tây Đông ngay từ cổ xưa, trong đó có con đường Thiên lý, tức là đường chính Bắc –Nam, như đường số 1 ngày nay. Do tuổi làng hàng ngàn năm, mà nói như các học giả, mỗi hạt bụi của Tứ Xã, Sơn Vi, Gò Mun, cũng có thể viết thành một thiên truyện. Do có nhiều vấn đề qua chuyện đi lễ hội này, nên tôi đã viết thành một chuyên luận dài. Để phù hợp với bạn đọc blog, tôi sẽ cắt những đoạn không cần thiết.
Ngày nay, đi từ Việt Trì về Tứ Xã, có đường ô tô thênh thang, chỉ khoảng gần 20 km. Sẽ đến một trung tâm Phố làng của Tứ Xã. Ngay Phố làng này, cũng có quy mô như một thị trấn trung bình ở nơi khác.
Phố làng Tứ Xã, đoạn cách Miếu Trò diễn ra Trò Trám khoảng 1 km.
Nếu tra Google, bạn sẽ thấy vô số bài viết về Trò Trám (và nhiều bài sao tẩm của nhau, cơ bản giới thiệu lễ hội như bài Ngô Công Thành đã sưu tầm). Nhưng tôi cho rằng, người ta chỉ nói đến Lễ hội với khía cạnh là lễ hội phồn thực, lạ lùng, hiếm có và hài hước. Song thực ra không phải hoàn toàn như vậy.
 Lễ hội Trò Trám có 3 phần hoạt động: Diễn trò “tứ dân chi nghiệp”; Lễ Mật; và Rước bông lúa thần. Mỗi phần lễ hội đều có đặc sắc riêng. Vậy mà, từ năm 1945 đến khoảng 199x, hầu như không được nhắc đến…
Tiếng địa phương “trò” cũng là “diễn”, có ý kiến cho rằng “chèo” cũng là biến âm của “trò”. Phần đầu tiên, khoảng từ tối đến đêm là màn diễn trò, gọi là “Tứ dân chi nghiệp”, diễn các hoạt cảnh về các nghề Sĩ, nông, công, thương; ví dụ: Thầy đồ, thợ cưa, cấy lúa… với khoảng 200 bài ca, mà đều có tính ẫm ờ, đa nghĩa, nói thanh mà nghĩ tục. (Tôi sẽ nói rõ ở phần sau). Và, điều kỳ lạ là Trò Trám có mối liên hệ lịch sử với cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Phần 2 là “Lễ Mật”, tức là lễ cúng lễ rồi làm động tác “linh tinh tình phộc”, lấy dương vật đâm vào âm vật, sau đó hú hét tháo khoán trong đêm. Phần 3 là lễ rước lúa, tổ chức vào ngày 12, rước lúa, tế bà chúa Trò họ Ngô (Ngô Thị Thanh)
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thăm hỏi các cụ già
các cụ ra chơi khu vực diễn trò từ chiều
Theo Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, năm nay ông 76 tuổi, thì hầu như không còn nhớ rõ các lễ hội xưa, nhưng khoảng năm 199x, thì còn có nhiều “bủ” biết rõ, và chính họ đã là những người truyền lại các bài ca cổ, và trò cổ của lễ hội, và một nhóm các nhà văn, nhà văn hóa đã ra sức khai thác lại vốn cổ, gạn đục khơi trong để cho lễ hội trò trám được mọi người biết như ngày nay. Tuy có nhiều vấn đề còn phải bàn, nhưng cũng đã là một lễ hội có tiếng vang sâu rộng.
Buổi chiều, đấu cờ ngay tại sân mà đêm sẽ làm lễ
gọi là "Lễ Mật"
Khoảng những năm chín mươi hơn 20 năm trước, khi ông Nguyễn Hữu Nhàn và cán bộ văn hóa đến Tứ Xã đặt vấn đề về lễ hội Trò Trám, thì hầu hết người dân đều chối từ, vì có một thời kỳ, các địa phương xung quanh, nơi đều biết Tứ Xã có… trò đó, thì đều cho rằng đó là chuyện xằng bậy, tục tĩu, mà tiếng địa phương gọi là “nhây nhả”. Hỏi đến lễ hội, các cụ cũng lắc đầu: Không làm trò “nhây nhả”. Rồi cười khoái trá. Nhưng rồi nhà văn, nhà văn hóa nghiên cứu, giới thiệu, tìm hiểu, sau đó tổ chức hội thảo, vận động thuyết phục nhân dân khôi phục những câu ca, trò diễn truyền khẩu. Đến khoảng năm 1999-2000, thì lần đầu tiên Tứ Xã tổ chức lại lễ hội, với mục đích thăm dò, thao diễn cho nghiên cứu. Ngay lập tức, quan khách trong nước và quốc tế đã đến, các đài truyền hình và báo chí đổ xô đến. Thế là nhân dân xã, các bô lão vững tin tổ chức lại lễ hội. Từ đó, đã hơn 10 năm, lễ hội trở thành một lễ hội văn hóa cổ phồn thực đặc sắc của cư dân lúa nước trên một vùng đất Việt cổ.
Thực ra, xung quanh Tứ Xã, ngay ở huyện Cẩm Khê, cũng có lễ hội tương tự, cũng đâm chọc âm dương… Hay như vùng Sơn Tây, Bắc Ninh cũng có lễ hội phồn thực như vậy. Nhưng Tứ Xã trở nên nổi tiếng vì đất Tứ Xã là đất “phát” theo quan điểm phong thủy. Xã này rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư… và là đất học. Các tướng tá, thứ trưởng cho đến các vụ trưởng người xã Tứ Xã rất nhiều. Song, điều quan trọng là Tứ Xã có một nhà văn say mê với đề tài nông nghiệp và văn hóa cổ. Chính Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn là người đã không ngừng mỏi mệt cổ vũ, đưa lễ hội từ bóng tối quá khứ hiện dần ra với thời đương đại, làm cho khắp nơi biết đến.
Bủ Thơ ở nhà ông, đang đợi để ra làm lễ mật
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn dẫn tôi và nhà văn Hà Phạm Phú vào chơi nhà ông cụ “bủ Thơ”. Gọi là bủ, cũng như "cụ" ở nơi khác. Bủ Thơ là thủ từ, là diễn viên đóng thày đồ rất được hoan nghênh. Trong các ảnh trên mạng, hay clip trên ti vi, chúng ta thấy một ông cụ đeo kính, trắng trẻo, đúng dáng thày đồ, râu dài trắng như cước, đứng chủ lễ khi anh chàng dùng nõ đâm vào nường của người nữ, thì đó chính là bủ Thơ (xem ảnh). Bủ Thơ cũng cười khà khà, bảo rằng, năm xưa, khi ông Nhàn động viên bủ kể về lễ hội cổ, bủ còn hơi …sợ và chối đây đẩy. Vì khi đó chưa biết ý tứ nhà văn thế nào, chứ “xung quanh khi nói đến Trò Trám thì cười hi hí chế diễu, nhưng chế thì chế, mà cứ chen nhau xem”…

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Khai bút đầu xuân

22 giờ đêm qua N22 lại xuất hiện và viết riêng cho LPT mình qua blog E. Cảm động quá. Có một người con gái phương xa coi mình như người tri kỷ đâu phải chuyện thường, em lại là con người của văn chương nữa chứ. Đúng là mình ở hiền gặp lành, nên cuộc đời gặp toàn bạn tốt. Lâu lắm rồi chẳng viết được bài thơ nào, bỗng sáng này cảm hứng về dào dạt, liền khai bút đầu xuân. Thơ ở đâu tràn về cứ đẩy ngòi bút lướt trên giấy, chỉ 5 phút mà đã đầy một bài lục bát. Cảm hứng này có lẽ đến từ N22 đấy. Anh xin tặng em bài thơ khai bút đầu xuân Quý Tỵ nhé.


Anh chờ

Tặng N22
Quý Tỵ vào tuổi 55
Có nàng “lục bát” đến thăm mời chào
Ngày xuân rực rỡ mai, đào
Giăng giăng mưa bụi dạt dào tình em
Rượu thơm thơm ấm môi mềm
Véo von tiếng gọi bên thềm thiết tha
“Vẫn là mình vẫn là ta”
 Sao hồn thơ cất tiếng ca đưa tình?
Bởi thơ yêu quý lời bình
                                                                Nên thơ bỗng thấy say tình phương xa
Lòng xao xuyến nhớ quê nhà
Mấy lời gửi gắm gọi là ước mong
*
Phương Nam anh vẫn ngóng trông
22 giờ bóng em lồng trong thơ
Đọc rồi lại thấy ngẩn ngơ
Cà phê buổi sáng anh chờ nhé em.
         
                                                                                                                                          (LPT - 19/2/2013)