Ngày Tết đi chơi chứ đi đâu, nhưng mà đó cũng là “xõa”. Thôi bắt chước bọn “tin” nên nói thế.
1. 1
Mồng Một đưa cả nhà về Hải Phòng. Đường Năm mật độ xe taxi nhiều, có lúc thấy phía trước, phía sau mình đều taxi cả. Chợt nghĩ mình cũng chả khác chó gì thằng taxi. Chúng nó có niềm vui lượm tiền, mình có niềm vui lượm sự thỏa mãn phục vụ vợ và các con.
Đường đi ngày Tết, tuy không có xe tải, nhưng lại có đám tiểu yêu đi xe máy, đèo 3 đèo 4, tóc tai cứ xõa xượi theo gió, không thèm đội mũ bảo hiểm. Dân Việt mình thế đấy. Coi như ngày Tết thì mọi thứ đều phá luật. Công an nghỉ, hình như cho tháo khoán, cho nên cánh trẻ ranh đi xe vào đường ngược chiều, không đội mũ là thường. Mình cũng thả ga chạy thoải mái vậy...
Hải Phòng năm nay khác mọi năm. Chợ hoa ngày Tết không còn được bày đặt ở dải vườn hoa trung tâm, mà bị đẩy ra đường đi Đồ Sơn và đường đi Cát Bi cả. Nghe nói hơn hai trăm tỷ đồng để tân trang khu vực vườn hoa đó, lát vỉa hè bằng đá xẻ, làm hàng rào bằng tre… Hai động tác này đều rất ngớ ngẩn. Theo tôi, chính Nhà nước đang cổ vũ phá hoại môi trường, bằng cách khai thác đá xẻ ra, để làm vỉa hè. Một loại vật liệu cao cấp như vậy, chỉ để thỏa mãn một ý thích rất vớ vẩn là làm vỉa hè. Núi đến như Trường Sơn rồi cũng hết. Mà làm vỉa hè không để nhiều người đến mua hoa, bày hoa, thì làm để ngắm thôi à?
3.
Giáp Tết, mình cùng nhà văn Lê Ngọc Minh đi về thăm ông bà nhạc, thấy cán bộ tổ dân phố vào đưa tờ giấy, bảo ký cam kết không đốt pháo. Ông tổ trưởng bảo: Đốt pháo là phê bình, cách chức từ tổ đến phường. Mình cười, ông ấy bảo: Chú cười gì. Mình bảo: Chức vụ quý thế hả bác? Ông tổ trưởng nghe rồi quay ngoắt đi.
Ông anh mình, cũng công dân Hải Phòng, năm nay ngoài bảy chục tuổi, lập luận rất hay: Cam kết thì có hai phía, phía này cam kết với phía kia. Ừ thì bảo tôi cam kết không đốt, vậy cam kết với ai, rồi chế tài thế nào? Ví dụ: Tôi không đốt, nhưng ông chính quyền không được để pháo lậu vào thành phố… Đằng này, độc có tờ giấy in sẵn đồng loạt copy ra, chỉ có độc có dân ký cam kết, thế thì đó là động tác bắt ép dân đấy chứ. Chính quyền không dám nhận trách nhiệm mà đổ cho dân cả.
Khi tôi ngồi ở nhà ông bạn, trưa mồng Một Tết, công ty Hoàng Linh đầu phố Trần Quang Khải, thì có một băng pháo đốt ở phía ngoài. Nghe pháo râm ran cũng vui tai. Nhìn ra thì chả thấy ai đốt. Hỡi ơi, chính quyền dù có hàng vạn tờ giấy cam kết, thì rồi cũng chả cấm được người ta đốt. Đó là vì không tận dụng cái chân lý “danh chính, ngôn thuận”. Do cái danh cấm, bắt người ta cam kết là không chính đáng, nên không nói được dân…
Cũng như, năm nay, Hải Phòng có vận động dân không treo đèn lồng. Nhưng chỉ nói thế thôi. Không dám nói vì sao lại nên không treo? Nếu chính quyền nói rõ: Cái đèn lồng ấy là văn hóa Trung Quốc, hoặc nó có cái đèn có chữ “Tam Sa, Nam Sa là của Trung Quốc”. Nói rõ ràng ra, rành mạch đàng hoàng ra, thì chỉ cần nói một câu, nhân dân dù có chót mua đèn lồng hàng đống tiền, cũng sẵn sàng đốt đi. Đằng này, cứ nói ẫm ờ, chỉ nói là không nên treo đèn lồng, nói “không nên”, mà ý tứ là cấm, hèn quá. Chính quyền phường xã còn hèn thế, chứ quận, thành phố và Trung ương hèn, thì đất nước này sẽ ra sao?
4.
Tối mồng Một Tết, cả nhà ở khách sạn. Nó là Nhà khách Hải Quân. Những năm Tám mươi, tôi đã đi qua lại cổng Bộ tư lệnh Hải quân đối diện cái khách sạn này. Thời gian đã xa rồi, mình từ một trung úy trẻ măng chưa vợ, nay đã sắp thành một ông già.
Sáng mồng 2, ra lấy ô tô, thì tay bảo vệ bảo trả tiền xe qua đêm. Đưa 50 ngàn đồng thì nó lờ đi không trả tiền lại. Mình bảo: Trả tiền lại đi chứ. Hắn bảo: Tưởng bác mồng tuổi đầu xuân. Mình bảo: Tôi ở khách sạn, khách duy nhất ngày mồng 1, đáng lẽ Khách sạn khuyến mại cho khách, sao lại có chuyện ngược đời thế?
Thật là một kiểu kinh tế mà sở hữu nhà nước làm chủ đạo đây mà. Nếu như Khách sạn tăng thêm tiền vào giá phòng ở, mà miễn phí xe gửi của khách, thì có phải là hơn không? Nếu như, mình ở đó ngày mồng Một Tết, mà có một cái kẹo và một câu chúc mừng năm mới, thì có phải hơn không? Đằng này, cái kiểu kinh doanh bao cấp nó là như vậy. Trên đất nước này, nền kinh tế bao cấp kéo dài còn tỷ lệ bao nhiêu phần trăm?
5
Vào Ngõ Cấm, thăm bạn vợ. Ngõ Cấm có 2 cô bạn... Hải Phòng có cái ngõ tên là Cấm, mình đã viết một cái truyện ngắn "Ngõ Cấm", mô tả một cô... Rồi mọi người đọc, cứ đem chuyện vận vào một cô bạn ở đó. Gorky bảo: Thằng viết văn nhiễu sự lắm, tả một nhân vật, thì mũi là ông ở Mat, mắt là ông ở Len, tóc tai là người ở đâu đó khác, đại khái thế, lấy chi tiết nguyên mẫu lung tung. Mình hồi đó mới viết văn, mắt mũi tóc tai nhân vật đều ở Ngõ Cấm, nên... nghĩa lộ.
Ngõ Cấm hồi xưa có hồ Mắm Tôm, đi trên đường có một bên là hồ lớn, nay thì chả thấy hồ đâu, toàn nhà là nhà. Đó là một thứ thất bại quy hoạch, mà thấy đau xót. Lấp hồ, lấp ruộng làm nhà. Nghĩ mà chán quá. Rồi đây, thế hệ con cháu mình có nỗi buồn phiền này không?
6
Về đến Hà Nội chiều mồng 2 Tết, thấy thành phố bỗng nhiên mềm mại, giống như một mụ già vốn suốt ngày cáu gắt, lắm mồm, bỗng hôm nay hiền lành, trầm tĩnh. Có lẽ đây là tương lai phấn đấu của thành phố thủ đô. Giá như mật độ dân cư và giao thông mọi ngày cứ như thế này, thì mới thật là đáng sống chứ.
Già rồi nên xoã thế này cũng chán nhỉ? Hà Nội những ngày tết là thích nhất, vắng người nên đi lại ko phải chen chúc, các bác có thể chọn đi xem những bộ film tết ở rạp khá hay đấy!
Trả lờiXóa