Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Có một bài thơ như thế


Tôi sinh tháng 2 năm 1959, nhưng hồi bé thuộc diện chóng cao, mẹ tôi lại dạy vỡ lòng, nên năm 1964 mẹ cho tôi ra chùa ngồi xem các anh chị học chữ để làm quen (ngày ấy hầu hết các lớp cấp 1 đều phải học nhờ nhà chùa). Rồi tôi cũng tập viết với cây bút chì cụt bà dì họ cho. Giữa năm học, mẹ tôi được cử đi học Trung cấp sư phạm 1 năm để về dạy cấp 1, thế là tôi nghiễm nhiên trở thành học sinh vỡ lòng mà cô giáo mới không để ý. Năm 1965 học sinh  còn ít lắm, nhà trường không cho học sinh vỡ lòng lưu ban nên mặc dù chưa đủ tuổi tôi cũng phải lên học lớp 1 đặc biệt (mình được ưu ái học lớp đặc biệt từ lớp 1 nhé) dành cho các học sinh bị lưu ban vỡ lòng ở các làng trong xã. Lớp này thầy vừa ôn lại mặt chữ vỡ lòng vừa dạy làm toán lớp 1. Sau đó cũng được lên lớp 2 bình thường. Thế là tôi đi học sớm 1 tuổi.


Ai đã đi học thời đó, cuối năm lớp 1 đều phải học thuộc lòng bài thơ LỚP MỘT ƠI LỚP MỘT. Phải thừa nhận bài thơ thật hay và rất dễ thuộc lòng đối với lứa học sinh 6 -7 tuổi.
Lớp Một ơi lớp Một
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước
Chào bảng đen cửa sổ
Chào chỗ ngồi thân quen
Tất cả chào ở lại
Đón các bạn nhỏ lên ...
Tôi cũng thuộc bài thơ ấy cho đến bây giờ. Nhưng tôi còn có một bài thơ khác vô tình học thuộc mà suốt đời không hiểu sao không thể xóa nó khỏi trí nhớ. Thỉnh thoảng nó lại hiện về rên rỉ trong đầu tôi, bắt tôi phải đọc cho dù tôi không muốn.
Có lẽ cần giải thích thêm về cơ duyên tôi đã gặp bài thơ này để các bạn hiểu tại sao nó cứ bám chặt lấy tôi như thế.
Vào hè năm 1966, tôi vừa học xong lớp 1 chuẩn bị lên lớp 2. Bài thơ vô tình đến tay tôi đúng vào ngày bà trẻ tôi sinh cậu tôi. Bà là em dâu bà ngoại tôi nhưng cũng chỉ hơn mẹ tôi vài tuổi. Ngày xưa, ở quê tôi bà mẹ nào cũng sinh 5-6 con, có bà sinh tới 12 con (đấy là chỉ kể những người nuôi được đấy), nên chuyện cháu bú bà, em bú chị, cháu bồng cậu hay chú đi chơi là bình thường.
Khi người ta cáng bà trẻ tôi từ trạm xá xã về đến nhà (ngày đó phụ nữ đẻ buổi sáng thì chỉ đến chiều đã được cáng bằng võng về nhà, không phải nằm lâu như bây giờ), từ võng cáng bà trẻ rơi ra một tờ giấy nhỏ xé ra từ một quyển sách, không hiểu là tập san hay báo gì đó. Trong tờ giấy đó có in một bài thơ còn nguyên vẹn. Tôi đã đọc nó không biết mấy lần, nhưng trí óc trong trắng của tôi đã ghi đậm hình ảnh và nội dung bài thơ đó. Không biết  bây giờ ở Hưng Yên có cơ quan nào còn lưu trữ tài liệu có bài thơ này không? Tác giả bài thơ là ai? Còn sống hay đã mất? Nếu còn sống, liệu người đó có nhớ đến tác phẩm của mình không nhỉ? Tôi thì tôi tin chắc rằng, ngoài tôi ra ở Hưng Yên bây giờ chẳng ai còn nhớ tới bài thơ này, vì chiến tranh, vì những biến động lớn lao trong  đời sống xã hội trong hơn 45 năm qua và vì nó không phải là một bài thơ hay đáng để nhớ.
So với thơ bây giờ thì bài thơ đó rất thô cả về hình thức, câu chữ, hình ảnh. Tôi muốn quên nó đi để nhớ những bài thơ hay đang đầy dẫy trên mạng internet, nhưng không sao quên được. Nó cứ trơ ra trong đầu tôi mặc cho bao năm tháng đã qua đi, bao kỷ niệm đáng nhớ tôi đã phải quên. Nó cứ làm tôi rùng mình mỗi khi về quê nội đi ô tô qua cây cầu xi măng bắc qua sông Điện Biên thay thế cho cây cầu gỗ ngày xưa. Nó bắt tôi phải nhớ những cây cầu bắc qua các sông, kênh thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày ấy chẳng khác gì những cây cầu khỉ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bây giờ. Mỗi lần đi qua nhìn xuống dưới mà run cả chân. Cầu có tay vịn bằng một thân tre buộc còn đỡ. Có chiếc cầu không có tay vịn mà phải đi qua là cả một nỗi kinh hoàng với tôi. Nhiều khi tôi phải bò. Vì thế, ngày ấy mới 4-5 tuổi bọn trẻ đã phải học bơi. Tôi phải bắt chuồn chuồn cắn rốn đau đến chảy nước mắt cho chóng biết bơi như chúng bạn.
Cậu tôi là Trần Văn Trường, năm nay đã 47 tuổi và con gái Cậu cũng đã tốt nghiệp Đại học sư phạm, trở thành cô giáo dạy văn cấp 3 trường Tỉnh rồi. Thế mà bài thơ nhặt được ngày ấy vẫn không chịu rời bỏ tôi. Tôi chép lại bài thơ để các bạn thưởng thức thơ  Hưng Yên ngày đó thế nào và có cao kiến gì giúp cho tôi quên được bài thơ này đi không?

QUA CẦU CHÚ Ý
Chiếc cầu bắc qua sông Hưng Hải
Mới sửa sang bắc lại dễ đi
Nhân dân qua lại thường khi
Mọi người chú ý vậy thì chẳng sao.
Giữa buổi sáng ngày nào tháng chín
Người qua cầu kĩu kịt sang sông
Giờ sau một bác nông dân
Vai đeo khăn gói bước nhanh qua cầu
Tay không vịn chân đi rảo bước
Cũng chẳng cần nhìn trước ngó sau
Giữa cầu lăn xuống sông sâu
Nước reo chảy xiết ngập đầu trôi phăng…
Ngay lúc đó có ba phụ nữ
Vội kêu la ầm ĩ bên sông
Gặp anh cán bộ mau chân
Nhảy bơi ra giữa dòng sông vớt vào.
Ai cũng hỏi tại sao mà ngã
Ấy chỉ vì vội vã qua sông
Nhắn ai đi bắc về đông
Qua cầu chú ý đề phòng tai bay./.

                                       (NCT)

4 nhận xét:

  1. Bài thơ gắn liền với tuổi thơ của NCT, mà những kỷ niệm tuổi thơ thì nó sâu đậm lắm, làm sao có thể quên được! Quê hương mình ngày xưa là thế. NCT phải chung sống suốt đời với bài thơ đó, với hình ảnh những cây cầu gỗ nhỏ bé đã hằn sâu trong ký ức của anh, đừng cố quên nó đi làm gì.

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ lớp Một ơi lớp Một được dịch từ một bài thơ Nga, còn bài Qua cầu chú ý là bài thơ 100% Việt Nam thời kỳ đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc. Cả hai bài đều được NCT ghi nhớ, bởi hồi đó NCT chắc là cháu ngoan Bác Hồ.

    Trả lờiXóa
  3. Tuổi thơ là những kỉ niệm khó phai mờ trong tâm trí của mỗi người. Với ai cũng vậy, dù đã lớn khôn, đang làm gì và sống ở đâu thì quê hương và tuổi thơ sẽ vẫn mãi đi theo suốt cuộc đời họ. Vì vậy, không cần phải quên bài thơ đầu bác NCT ạ. Hãy để nó là một phần kỉ niệm lưu giữ quãng đời tuổi thơ vất vả, gian khó :(
    Cháu: Thủy Bùi

    Trả lờiXóa