Tự hào cũng phải là… văn hóa.
Gần đây, có “làn sóng” làm hồ sơ xin cơ quan văn hóa của Liên hợp quốc công nhận “di sản thế giới” cho các di sản văn hóa Việt Nam. Rồi thì làm lễ đón bằng di sản thế giới. Quảng bá hình ảnh đất nước là được, làm quảng bá du lịch là được. Nhưng rồi có sự tuyên truyền về sự tự hào là “di sản thế giới”. Hỏi rằng, các di sản được công nhận “của thế giới” rồi, thì nó sẽ thế nào, thì có vẻ chỉ mới là hy vọng. Ở đây có sự méo mó về thông tin. Sao không tuyên truyền tiêu chí về việc công nhận di sản thế giới. Có phải đơn giản như một cuộc thi các di sản, rồi có anh thắng cuộc, được nhất, được nhì? Tâm lý hiếu thắng, muốn lập kỷ lục thật xa lạ với tiêu chí công nhận di sản văn hóa của Liên hiệp quốc.
Xem các di sản được công nhận, thấy một biểu hiện chung là sự đặc sắc về văn hóa, là sự khác biệt, làm nên sự phong phú và khuyến khích truyền thống văn hóa, kêu gọi bảo vệ môi trường sống sống. Chính vì sự bảo tồn sự phong phú và truyền thống văn hóa đặc sắc, nên không bao giờ có sự thi di sản để xếp hạng nhất nhì, ba tư. Vì lẽ đó, mà chính cơ quan tư vấn về văn hóa của Liên hợp quốc mới là đơn vị có được niềm tự hào vì đã phát hiện ra các di sản, để xếp nó vào danh sách cần tôn vinh, bảo vệ.
Hiện tượng làm ầm ĩ và tuyên truyền méo mó về việc công nhận di sản thế giới (cả vật thể và phi vật thể) còn là biểu hiện về sự lệch pha nhận thức về truyền thống văn hóa. Nếu không vì nó chính là sự khác biệt, đặc sắc truyền thống văn hóa Việt Nam, thì rồi đến lúc nó không còn mầu đặc sắc của chính nó nữa. Ví dụ về việc hồ hởi lập kỷ lục hát quan họ là một bài học còn mới. Nay Quốc tử giám cũng được công nhận là di sản văn hóa thế giới, nếu tính sao cho nó “có tầm thế giới” như nhà bia phải to ra, sơn quét lòe loẹt hơn… vân vân, thì sao Liên hợp quốc có thể tự hào là đã phát hiện ra cái di sản đó.
Ôi, những người làm văn hóa tầm quốc gia còn hành xử như vậy, thì các anh hoạt động ngoài lĩnh vực văn hóa, trách gì họ làm chuyện phản văn hóa. Đặt tên các khu đô thị bằng tiếng Anh, xây chùa Bái Đính hình hài chùa Trung Quốc, làm khu văn hóa vui chơi lòe loẹt, đề thơ vè ngớ ngẩn vào khu vui chơi, tổ chức lễ hội biến thành nơi cầu quan tước… Những biểu hiện đó đang làm băng hoại đời sống văn hóa của người Việt thời hiện đại. Nếu hiểu nôm na, văn minh là cái đẹp đời sống hiện đại, văn hóa là cái đẹp (cả vật thể và phi vật thể) của truyền thống để lại cho hiện tại, thì niềm tự hào cũng là một hành vi văn hóa. Từ xưa người Việt thường tự hào về lòng yêu nước, tự hào về “yếu thắng mạnh”, về “nhỏ nhưng đẹp”, về “tắm ao ta”… Ngày nay, muốn tự hào có tầm thế giới, thì cũng phải xem nội hàm của nó là cái gì, di sản của mình trở thành cái gọi là “di sản thế giới” là vì sao, phải chăng chính vì nó là “đặc sắc Việt Nam”, nên người ta mới tôn vinh mình. Người ta tôn vinh mình thì mình nên cứ là mình trước hết, chứ không nên tự hào rằng, nhờ có người ta tôn vinh mà mình mới mọc mũi sủi tăm lên được. Đó cũng là mặt trái của tâm lý tự ty dân tộc, một truyền thống phi văn hóa len lỏi trong cộng đồng người Việt từ ngàn xưa, mà ngày nay nên rũ bỏ. Tự hào cũng phải là biểu hiện của văn hóa, văn minh, tiến bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét