Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Nhớ lại ngày 17/2/1979.

 Ngày 17/2/1979 là ngày mà Trung Quốc đánh Việt Nam, trong cuộc đời mỗi người thế hệ chúng ta, có lẽ ngày 17/2/1979 là ngày rung động nhất, bị đánh một cú độc ác, lớn lao nhất vào nhận thức của mỗi người. So với cú rung động 30/4, tôi cho rằng, 17/2 còn sâu sắc hơn. 30/4, cũng không ngờ là có ngày thắng lợi, ngày mà mình ở phe thắng trận, các tuyên truyền biến thành sự thật, điều mà nửa nước xa xôi hiện ra ở bài học lịch sử từ thời Trịnh –Nguyễn lại nhập về. Còn 17/2 lại là cú sốc khác. Bởi vì, qua các bài học lịch sử 2000 năm, quân xâm lược Trung Quốc là bóng ma quá khứ, rồi khi chúng tôi lớn lên, thấy Trung Quốc là nước anh em cộng sản “núi liền núi, sông liền sông”, mà đùng một cái, người anh em chúng ta nhập vào bóng ma xâm lược.
Ngày 17/2/1979, các bạn đang ở đâu, làm gì? Tôi thì đang ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và tham gia vào mấy biến cố mà bây giờ tôi vẫn nhớ, không thể nào quên.

Ngày 16/2/1979, Lê Văn Phụng có việc gì đó ở Hà Nội, đến Trường Bách khoa chơi với tôi. Hình như Phụng đến từ 16, còn tối 16 Phụng có ở với tôi không, tôi quên rồi. Chính vì có chuyện Lê Văn Phụng đến, mà tối 16, tôi không đến trường Sư phạm Hà Nội để nghe nói chuyện thời sự. Một anh bạn của Kim Ngọc Đạt (người bạn ở K20 Hóa Đại học Bách khoa) ở Đại học Sư phạm báo rằng, có một “ông Trung ương” nào đó tên là Hoàng Tùng đến Trường Sư phạm để nói chuyện thời sự. Hồi đó, thông tin bị bế tắc, ngoài báo chí của ta ra, không có cách gì tiếp cận được các thông tin khác. Nếu có cấp cao đến nói chuyện thời sự, thì rất nhiều người đến nghe. Trường Bách khoa có lần có ông Thế Đức ở TTXVN đến nói chuyện ở hội trường C2, đông không còn chố đứng.
Nhưng cuộc đột kích của Trung Quốc đã diễn ra từ đêm, sáng 17/2, một số anh sinh viên có nghe đài BBC, RFI thông báo Trung Quốc đã đánh Việt Nam, rồi tôi nghe Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin lúc hơn 6 giờ. Ai cũng ngỡ ngàng, bực mình. Đủ thấy cách tuyên truyền về hiểm họa ngoại xâm của chính quyền hời hợt thế nào.
Tôi có việc ra ga Hàng Cỏ, chính là ga Hà Nội, thấy một đám khoảng gần chục anh lính của ta, quần áo tả tơi, có anh còn vác nguyên khẩu trung liên không có đạn, thất thần gạt mọi người, để tìm đường về Bộ Quốc phòng. Nghe nói đó là một số người ở Lạng Sơn, đã bị đánh bất ngờ, thoát được chạy lên tàu hàng từ Đồng Đăng chạy về Hà Nội. Đủ thấy cuộc chiến khốc liệt thế nào.
Ngay chiều ngày 17/2/1979, trường Đại học Bách khoa đã có một số trường hợp sinh viên và giáo viên cắt máu viết “huyết tâm thư” xung phong ra trận phía Bắc. Đó phần lớn là những sinh viên quê ở Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng… nơi đang bị Trung Quốc đánh tơi tả.
Tối ngày 17/2/1979, Đoàn Trường Bách khoa Hà Nội tổ chức mít tinh, biểu tình biểu dương lực lượng ở Sân vận động Bách khoa. Tôi nhớ, do Lê Văn Phụng có ở đó với tôi, nên tôi kéo Phụng cùng đi biểu tình. Chúng tôi đứng hồi lâu ở sân vận động, cũng hô khẩu hiệu. Rồi Phụng bảo, có lẽ phải lên trường Xây dựng ở Hương Canh xem tình hình thế nào, kẻo nó mà đánh đến Hương Canh thì mình không kịp chạy cùng với nhà trường.
Khi Lê Văn Phụng về, tôi cùng với Phạm Thanh Sơn, Kim Ngọc Đạt, hai bạn ở khoa Hóa Bách Khoa, đến Trường Cao đẳng Văn hóa. Vì Sơn là người thị xã Lạng Sơn, nên anh cũng đến thăm mấy cô bạn ở đó, nghe ngóng tin tức người thân ở Lạng Sơn thế nào. Tôi còn nhớ, cô Kim Phúc là bạn Thanh Sơn, khi đó khóc tu tu, trong phòng sinh viên thanh nhạc, nhiều người ở các tỉnh phía Bắc, cũng khóc ầm ĩ. Kim Phúc sau này là Nghệ sĩ Ưu tú, mỗi lần thấy cô hát trên TV, tôi lại nhớ cái lúc các cô khóc ầm ĩ ở ký túc xá.
Sau đó mấy hôm, còn có một chuyện khôi hài đau lòng nữa mà nay nhắc lại thấy chán quá. Các bạn Trường Đại học Sư phạm kể, tối ngày 16/2/1979, ông Hoàng Tùng đến Trường Đại học Sư phạm nói chuyện thời sự, chém gió chém bão, nói chắc như đinh đóng… cây chuối rằng, Trung ương nhận định, Trung Quốc không dám, không thể đánh Việt Nam chúng ta. Lý của ông là Việt Nam giờ mạnh lắm rồi, thắng Mỹ rồi. Thật là bệnh hoang tưởng cộng sản đã ăn vào máu cán bộ tuyên huấn rồi. Hội trường hôm ấy có hàng trăm nhân chứng, bây giờ còn sống cả, chắc tất cả số dự buổi chém gió của ông Hoàng Tùng còn nhớ rõ. Thế mới càng đo lường thấy sự thất bại trong nhận định chiến lược, dẫn đến tổn thất ở chiến trường như thế nào…
Ngẫm lại bài học 17/2/1979, soi chiếu vào những chuyện ngày nay, hoặc gần đây, mới thấy bài học này vẫn không đủ sức nặng để các cán bộ Việt Namhọc được. Thế mà bây giờ, đang có một xu hướng quên nó đi. Giống như con đà điểu rúc đầu vào cát, khi mà tay thợ săn đang hiện ra ở chân trời.
(theo nguyenxuanhung.com )

2 nhận xét:

  1. 17/2/79 thì em chưa có mặt ở trên đời này nhưng đọc câu chuyện của anh em thấy bây giờ cán bộ tuyên huấn vẫn như thế. Năm 2011 có buổi nghe thời sự về tình hình chính trị đảo Hoàng Sa, Trường Sa dành cho tất cả các Bí thư Đoàn của các Bộ,cơ quan Trung ương, em ko nhớ bác Chính trị chính ủy tên gì nữa nhưng cũng đại khái tuyên truyền tin mật nội bộ rằng mặc dù tình hình ngoài đảo rất phức tạp nhưng với tinh thần ý chí vững vàng của bộ đội ta thì TQ cũng khó dám đánh...

    Trả lờiXóa
  2. Năm 1977 khi học NQ 4, chúng tôi đã được phổ biến về bọn bành trướng bá quyền X, chúng đứng đằng sau Khmer đỏ để lấn chiếm biên giới Tây nam, chúng kích động Hoa kiều về nước gây ra cái gọi nạn kiều, hàng ngày những chuyến xe và cả chuyến bay đưa thương binh về 115 gần nơi chúng tôi đang ở...
    Năm 78 cũng thế, chúng tôi ra Bắc, Tết 79 không được nghỉ, sau Tết chưa đến 3 tuần thì biết tin Trung quốc đã xâm lược Việt nam qua TV, lúc đó TV hiếm lắm, mấy đại đội mới có 1 cái, sau giờ điểm danh.
    Mấy bạn học phổ thông của tôi bây giờ vẫn còn ở Hà giang, Cao bằng...còn phần đông trở về sau chiến tranh. Họ cũng biết chắc chắn chiến tranh sẽ xảy ra, họ lạc quan, có anh viết thư về sau 1 tuần giao chiến tao có chữ thọ trên lưng nên không sao đâu, anh là trinh sát pháo binh, hôm sau một quả đạn pháo địch rơi trúng hầm.
    Nói thế để bạn biết trong lúc xã hội đang hưởng hòa bình thì cũng có nhiều người đang phải chuẩn bị cho chiến tranh. Nếu ai đó có lạc quan một chút thì cũng để mọi người đừng lo lắng quá. Nhưng lạc quan tếu thì hại vô cùng.
    Trân trọng

    Trả lờiXóa