Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Đọc bài thơ “Xuân hiểu” của Trần Nhân tông

(NXH)
Nhân ngày xuân, đọc lại bài thơ “Xuân hiểu” (Buổi sớm mùa xuân) của Trần Nhân tông. Bài này đã đăng Tạp chí Nghiên cứu Phật học, nay tôi chỉnh sửa một chút, đăng vào đây cung hiến bạn đọc Blog. 

Bài thơ rất ngắn, có 20 chữ Hán:

睡起啟窗扉
不知春已歸
一雙白蝴蝶
拍拍趁花飛
Phiên âm: 
“Thuỵ khởi khải song phi
 Bất tri xuân dĩ quy
 Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi”
Dịch nghĩa: Ngủ dậy mở cửa sổ ra, không biết rằng xuân đã về rồi. Một đôi bướm trắng dập dìu bay đến hoa.

Bài dịch:
"Thức dậy mở cửa ra
Nào ngờ xuân đang qua
Kìa một đôi bướm trắng
Nhịp nhàng bay đến hoa"
Nhiều người cho rằng, Trần Nhân tông tả cảnh xuân, rồi chiết tự đủ thứ tìm hiểu tình yêu qua bài thơ này. Song, có lẽ không đơn thuần như vậy. Thực ra, đây là một bài thơ Thiền. Quan niệm Thiền rất rõ rệt. (Khá nhiều người cứ thấy ai đó làm thơ về chùa chiền, thì bào đó là thơ thiền, có cả những người khá nổi tiếng, đăng đàn thế mà không ngượng nhỉ). Trần Nhân tông làm bài thơ này, chỉ có bướm và hoa, thế thì sao bảo đó là thơ Thiền?
Câu đầu, thấy ngay cái tôi xuất hiện, báo hiệu “ngã” trong một không gian “mở cửa ra” và thời gian “xuân đã về”. Đó là dòng tư duy nhận thức, từ không biết đến biết, chính là quá trình “niệm”. Pháp môn niệm Phật, đó gọi là tu.
Bất ngờ, đôi bướm trắng xuất hiện, nó chính là biến cố cắt đứt tư duy, cắt đứt “niệm” để chuẩn bị cho một đốn ngộ “vô niệm”. Trong Pháp môn niệm Phật, đó chính là “chứng” của phép tu.
Bông hoa xuất hiện là đích đến của đôi bướm trắng, đó chính là đích của tư duy, tạo nên “đốn” ngộ (thình lình nhận thức thấy chân lý). Hành động “phi” (bay) là tiệm (dần dần), cũng như phép tu là tiệm, thì chứng phải là đốn (đột ngột). Khi bông hoa xuất hiện, chính là phút đốn ngộ của phép tu.
Toàn bài thơ biểu đạt phép tu “hàng phục kỳ tâm” của Thiền tông. Tu mà đốn ngộ đến vô niệm, vô ngã, đó chính là lúc tâm trở thành không. Ở đây, bông hoa chính là đích của người tu, cũng chính là đích đến của người vừa tỉnh giấc, sinh ra trên đời, nhận thức, niệm mà hành đạo, cuối cùng đốn ngộ nhận được tâm pháp. Cho nên, các bản dịch không hướng đến ý nghĩa này, không chú ý đến phép xuất hiện của bông hoa, mà hướng đến đôi bướm, đều là bản dịch sai với tư tưởng Thiền của Vua Phật.
Bông hoa ở đây chính là tâm Phật, là Tuệ nhãn. Nó là kết quả của một loạt nhận thức của phép tu chứng, một pháp môn Thiền. Âm hưởng “phi” cuối bài thơ, liên tưởng đến đôi bướm còn bay mãi… Đó chính là thực tế hành đạo, chưa ai có thể nói đã đốn ngộ mà ngừng.
Thiền cũng là một cách nhận thức cuộc sống, là tình yêu cuộc sống của Phật tử. Hình ảnh đôi bướm trắng và bông hoa chính là tư duy về mùa xuân, duyên khởi từ khi mở cửa rồi kết thúc ở chiều bay của cánh bướm hướng đến bông hoa… Mùa xuân đã qua, nhưng rồi bông hoa kia lại là nhân cho quả mới, nhân của một mùa xuân mới, phù hợp với quan niệm luân hồi của nhà Phật. Tình yêu đó chính là chữ “duyên” quan niệm duy vật của Phật giáo.

1 nhận xét:

  1. QUả thật, muốn nói về thơ Thiền, phải hiểu rõ lý luận Thiền học. Những bài như Ông chài, hay thơ về nhành mai của Mãn Giác Thiền sư, họ toàn nói hoa lá, mây mưa, thế mà đó là thơ thiền. Ngày nay, con cháu các cụ, làm thơ câu nào cũng có ông sư, có chùa, rồi tâng bốc nhau đó là thơ thiền, đúng là dốt hay nói chữ. Hội Nhà văn có thời mắc sai lầm nói về Hoàng Quang Thuận cũng chính là vì dốt.

    Trả lờiXóa