Hôm nay lật tờ lịch treo tường mới nhớ ra mai là ngày Thầy thuốc Việt Nam, những người Thầy mà mỗi người chúng ta trong cuộc đời không nhiều thì ít ra cũng phải gặp dăm bảy bận. Lớp E có các bác sỹ giỏi như Đỗ Văn Tá, Đỗ Văn Linh, Lê Đắc Cường và cố bác sỹ Trần Thị Bím. Có cô dâu lớp E cũng là một nhân viên ngành y nổi tiếng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương (Hoàng Thị Thanh Tâm vợ Nguyễn Kiêm Dũng). Nhân ngày 27-2, xin chúc các Thầy thuốc dồi dào sức khỏe và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Riêng đối với các thành viên lớp E tôi muốn gửi tới các bạn lời chúc: lúc nào cũng thấy khỏe và không có nhu cầu gặp bác sỹ để chữa bệnh, mà chỉ gặp bác sỹ để nói chuyện tếu thôi. Tình cờ 3 năm trước tôi đọc được một bài báo đăng trên số báo xuân 2009 nói về triết lý sống khỏe của người Trung Hoa. Ba năm nay tôi đã thực hành theo triết lý sống đó, để biến một NCT gầy yếu ngày xưa các bạn đã biết thành một NCT ngày nay ở tuổi 55: cao 172 cm, ba số đo 95-82-95, hệ số BMI =22 (chỉ tiêu phản ánh sự cân đối của cơ thể bằng cách lấy trọng lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao, tiêu chuẩn quốc tế là 20-25). Điều quan trọng là lúc nào cũng thấy yêu đời và vẫn có thể làm ...thơ tình. Xin gửi tới các bạn bài viết mà tôi tâm đắc với hy vọng các bạn sẽ áp dụng cho bản thân để luôn cảm thấy khỏe và lạc quan trong cuộc sống . (NCT)
TRIẾT LÝ SỐNG CỦA NGƯỜI TRUNG HOA
Người Trung Hoa hay có những ý tưởng độc đáo và sâu sắc về phương châm sống. Những triết gia thời xưa như Khổng – Mạnh thì đã đành, mà người đời sau cũng vẫn có.
Chẳng hạn, Lương Khải Siêu (1873-1929), đã có một lời khuyên rất uyên bác cho mọi người, đại ý: “Mỗi ngày phải để ra tí khoảnh khắc đứng ngoài cuộc đời, nhìn lại cuộc đời. Sau mỗi tháng, mỗi năm, đều phải dành thời gian thích đáng để làm việc đó. Người tầm thường thì luôn bị cuộc đời cuốn đi, không thể dừng lại được. Kẻ sĩ thường hay xa rời cuộc sống của nhân quần, không hòa nhập đời thường. Duy chỉ có những người rất có văn hóa mới vừa luôn luôn hòa nhập với đời thường, vừa có thể tách ra khỏi cuộc sống thường nhật vào bất cứ lúc nào để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc đời: điều ấy nói thì dễ, chứ làm thì khó lắm thay!”.
Thi thoảng phải đứng ra ngoài cuộc đời để nhìn lại chính mình, để sửa mình, để sống có ích cho đồng loại. Tư tưởng ấy thật thanh cao. Nhưng cũng vì nó quá thanh cao nên chưa hẳn đã thích hợp với cuộc sống đa dạng và sôi động, đồng thời cũng xô bồ và thực dụng hơn của thời đại ngày nay.
Ý tưởng của người Trung Hoa thời nay về phương châm sống vẫn sâu sắc như xưa, nhưng xem ra có vẻ thiết thực hơn nhiều. Phương châm ấy được diễn đạt một cách rất “Trung Hoa hiện đại” như sau:
Một “trung tâm”: lấy sức khỏe làm trung tâm.
Hai “một tí”: thoải mái một tí, hồ đồ một tí.
Ba “quên”: quên tuổi tác; quên bệnh tật; quên hận thù.
Bốn “có”: có nhà ở; có bạn đời; có bạn tri âm; có sổ tiết kiệm.
Năm “phải”: phải vận động; phải hòa nhã, lịch sự; phải biết cười; phải biết kể chuyện; phải tự coi mình là người bình thường”.
Điều “một trung tâm” là cực kỳ quan trọng. Thường thì mãi đến lúc già yếu hoặc lúc ốm đau ta mới thấy sức khỏe là qúy giá; khi ngoài kia là trời xanh lồng lộng và nắng gió lung linh mà ta ngồi đây bất lực, mới thấy hối tiếc một thời phung phí sức lực một cách liều lĩnh và dại dột. Rất may là chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn, y học ngày càng hiện đại hơn nên tuổi thọ của con người ngày càng cao hơn nữa. Sắp đến rồi, ngày mà “bảy mươi tuổi chưa phải là già, sáu mươi tuổi vẫn còn là trung niên !”. Hạnh phúc thay là có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường tráng. Xin hãy nhớ ở bất cứ lứa tuổi nào cũng phải “lấy sức khỏe làm trung tâm”.
Điều “hai một tí” thật là chí lý. Đừng đạo mạo qúa, hãy sống hồn nhiên như mình vốn có. “Thoải mái một tí” (Một tí chút thôi nhé!) là hợp với tự nhiên bởi cuộc sống không thể lúc nào cũng căng như một dây đàn đúng giọng được. Cũng đừng qúa tự dày vò mỗi khi lầm lỡ. Ai mà chẳng có lúc sai lầm, có sai thì hãy tự nhủ “hồ đồ một tí” chưa sao ! Cũng lại chỉ một tí thôi nhé, luôn luôn hồ đồ thì còn nói làm gì, hồ đồ nghiêm trọng thì phải trả giá đắt, đôi khi hối không kịp.
Điều “ba quên” là để cho lòng mình thanh thản. Lỡ đã già rồi (và đã được sống nhiều), lỡ mang bệnh tật rồi (nhiều khi vì những lẽ rất cao cả, nhưng cũng có khi vì sự tầm phào) thì hãy quên đi, “quên tuổi tác” và “quên bệnh tật”; hãy vui sống mỗi ngày bằng những công việc thường nhật có ích cho mình, cho những người thân yêu và cho đời… Cuộc đời riêng của mỗi người chỉ có thể thật thanh thản khi biết “quên hận thù”; “quên hận thù” là điều rất khó, nhưng cũng sẽ dễ dàng hơn khi thực lòng mong muốn có sự thanh thản của tâm hồn.
Điều “bốn có” rất đời thường, dung dị và thiết thực. “Có nhà cửa” và “ có bạn đời” tức là có một gia đình yên ấm. Dù cho thế giới văn minh này có biến đổi thế nào thì gia đình vẫn là tế bào bền vững của xã hội, vẫn là nơi trú ẩn cuối cùng đáng tin cậy cho những tâm hồn cô đơn đang bị tai họa phủ phàng rượt đuổi. không buồn gì bằng nổi buồn không có “bạn tri âm”, như “rượu ngon không có bạn hiền”. Sống trên đời ai cũng ít nhiều có bạn, nhưng bạn tri âm đồng cảm chia ngọt sẽ bùi với mình thì không phải người nào cũng có. Thiếu bạn tri âm, cuộc đời sẽ thiếu đi một mảng lớn. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là phải có của ăn của để ở chừng mực thích hợp, tức là phải có “sổ tiết kiệm”, phải dành dụm, phòng khi lỡ vận, phải lo xa một chút…
Điều “năm phải” khuyên chúng ta thực hiện một phong cách sống lành mạnh và văn hóa. Trước hết, “phải vận động” (chân tay) vừa phải và bền bỉ. Khó nhất là duy trì được nết tập thể dục thường xuyên; tập kiểu gì cũng được, ít nhiều tùy theo sức, miễn là tập được đều đặn hàng ngày. Đó là cách tốt nhất để giữ cho thân thể được khỏe mạnh và tinh thần thoải mái. Còn thể thao thì tùy sở thích và tùy hoàn cảnh chứ không phải là nhất thiết. Thứ hai là phải “hòa nhã, lịch sự”. Đó là phong cách không thể thiếu được cho mỗi người cho dù ở cương vị nào và hoạt động trong lĩnh vực nào. Nét văn hoá ấy là của chung nhân loại, dân tộc nào cũng có bất kể ở trình độ văn minh nào. Người có văn hóa không hẳn là người có học thức cao. Thứ ba là “phải biết cười”. Biết cười có duyên không dễ. Không phải ai cũng ưa hài hước, và tính hài hước không phải có sẵn trong nhiều người. Những người dễ cười, cũng như là dễ khóc, thường là tốt bụng, những người có tính hài hước thường giàu lòng vị tha. Những người không ưa hài hước có lẽ không phải là những người có văn hóa cao. Hơn nữa, bạn có biết không, mỗi lần cười thì có tới mấy chục cơ trên mặt cùng hoạt động và làm ta sống thêm được ít phút. Vậy thì càng cần “phải biết cười”. Thứ tư là “phải biết kể chuyện”, tức là phải biết kể lại những điều mình biết một cách khúc chiết rõ ràng, biết diễn đạt ý mình một cách sáng sủa, nói rộng ra là phải biết cách giao lưu tư tưởng. Người biết kể chuyện luôn luôn đồng thời cũng là người biết lắng nghe, bởi có chịu khó lắng nghe mới có cái để mà kể lại và mới biết kể như thế nào cho thích hợp đối với người nghe mình. Sau hết và cũng là trước hết là “phải tự coi mình là người bình thường”. Người ở cương vị càng cao mà biết tự coi mình là người bình thường thì càng được kính trọng. Đối với một số người điều ấy không phải dễ dàng, bởi vì ngay một anh binh nhì cũng vẫn có thể ngạo mạn khinh người, coi mình là nhất thiên hạ, y hệt một tướng lĩnh lừng danh ưa phỉnh nịnh. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Cái khó nhất là biết dừng ở chỗ nào” và “cái cần biết trước hết là biết mình”. Người tự coi mình là người bình thường sẽ dễ “biết mình” và cũng dễ “biết dừng”.
Tôi hy vọng là đã hiểu và diễn đạt đúng được phần nào những ý tưởng sâu sắc và độc đáo của người Trung Hoa xưa cũng như nay về phương châm sống. Xin chia sẽ cùng bạn đọc nhân dịp năm cũ đã qua và nhìn lại mình, để đầu năm mới thêm chút thoải mái. “Cuộc đời vẫn đẹp sao”…
(NCT sưu tầm)
Em rất thích triết lý sống của người Trung Quốc(Đừng nói em theo tư tưởng Tàu nhé). Đối chiếu với mình, em thấy mình đã được nhiều tiêu chuẩn, mà tự nhiên em sống theo nó từ bao giờ ấy, khi chưa đọc được 5 nội dung của triết lý sống nói trên. Chắc bởi triết lý này quá phù hợp với cuộc đời. Em khoái nhất là "có bạn tri âm". Điều này không dễ có như các nội dung khác. Và khi có được, ta thấy cuộc đời đáng yêu biết bao, mọi thứ khác sẽ dễ đến với ta hơn. Nhưng em cũng chưa thật coi sức khoẻ là trung tâm. Chắc từ hôm nay sẽ phải cố gắng hơn về điều này.
Trả lờiXóaCảm ơn anh Ngô Công Thành. bài viết rất bổ ích và có ý nghĩa. Đôi lúc khoảng lặng nhìn lại mình làm mình sống tốt hơn và hiệu quả hơn.
Trả lờiXóaTôi thích bài sưu tầm này của Anh NCT, nó có giá trị cho mỗi chúng ta...nên đọc, cảm ơn Anh NCT!
Trả lờiXóaCHÚC MỪNG CÁC THẦY THUỐC LỚP E VÀ THẦY THUỐC LÀ ĐỘC GIẢ BLOGE
NHÂN NGÀY 27/02!
Tôi thì hiểu không yêu sao NCT làm được nhiều thơ đến thế?
Trả lờiXóaChém gió quá rồi Anh NCT ơi!
Trả lờiXóaNói thế thôi, chứ không thể quên bệnh tật được đâu. Trong cuộc sống phải luôn luôn theo dõi nghe ngóng cơ thể mình, ở tuổi các bác nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu để phát hiện sớm những dấu hiệu nguy cơ phát bệnh và ngăn chặn kịp thời. Đừng có chủ quan quên bệnh tật, nước đến chân mới nhày mà nguy cho tính mạng đấy. (Bác sỹ không phải cựu học sinh lớp E)
Trả lờiXóaAi cũng vậy, sức khỏe đều là trung tâm. Người trẻ thể lực còn tốt nên coi thường các hoạt động bảo vệ sức khỏe. Các bác cựu học sinh lớp E chuyên toán HH đều đã có tuổi, muốn duy trì được sức khỏe, trước hết phải vận động, phải hài hước, phải coi mình là người bình thường (tức là con người có bệnh tật cần theo dõi thường xuyên), phải biết kể chuyện và lịch sự để có thể nói chuyện với bác sỹ. (Bác sĩ của người cao tuổi)
Trả lờiXóa