Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

TẢN VĂN CHO NGÀY MỒNG 8 THÁNG 3

Một tháng Ba nữa lại về! Tháng Ba với gió xuân dạt dào như tiếng nói tình yêu, với nắng xuân ấm nồng như ánh mắt người yêu, với mưa bụi êm êm như tóc người yêu …
Còn nhớ, dịp 8/3 năm trước, Mai Hương đã gửi bài tản văn đầu tiên đăng trên blog E của các anh Chuyên Toán. Bài văn về MẸ thân yêu của mình, để cầu chúc những điều tốt lành cho tất cả các MẸ của chúng ta.
Từ ấy đến nay, MH đã gửi thêm một số bài tản văn nữa. Sức viết của MH hạn chế, không dồi dào như Hải Yến bạn mình. Lâu lâu, em mới có bài, hi vọng vẫn được mọi người đón đọc.
Ngày 8/3 của phụ nữ thế giới lại tới gần, MH cũng có những tâm tư muốn trải lòng cùng bạn đọc. Dù không viết cho ngày 8/3, nhưng MH muốn chia sẻ với độc giả blog E nhân dịp 8/3.
Qua những lời văn này, MH muốn chúc cho tất cả những người vợ luôn ngập tràn hạnh phúc bên chồng yêu. Chúc cho một nửa của các chị em luôn mạnh mẽ, luôn ga lăng, nhưng cũng luôn biết cách làm cho người phụ nữ của mình ngày càng thấy ấm áp và dịu êm trong cuộc đời.

TÓC ÊM

Tôi có một sở thích rất vớ vẩn trong mấy sở thích vớ vẩn. Đó là thích nghịch tóc. Thích nghịch tóc mình. Thích nghịch tóc người khác. Thích cả người khác nghịch tóc mình. Lúc nhỏ, tôi hay vuốt mái tóc hoe hoe vì đi chăn trâu phơi nắng của mình, thầm ước ao nó dài đen như tóc cô bạn thân nhà bên cạnh. Nhiều khi, tôi vắt mái tóc dài đến kheo chân của bạn lên vai mình để “mượn duyên”. Nếu ngày ấy mà như bây giờ, chắc tôi sẽ rất hay thay đổi kiểu tóc. Nhưng ở cái thời xa xưa ấy, tôi chỉ hay thay đổi cách tết tóc mà thôi. Khi thì một đuôi sam, khi thì hai đuôi sam. Có lúc lại buộc cao vống phía sau để nó lắc lư mỗi khi bước vội … Vậy mà lớn lên, tôi đã cắt mái tóc mình thật ngắn. Ai cũng bảo kiểu tóc đó rất hợp với khuôn mặt và tính cách của tôi nên tôi để tóc ngắn mấy chục năm rồi. Từ khi tôi không còn phải chăn trâu nữa, thì tóc tôi đen mượt và mềm mại, hơi bông lên. Cắt ngắn, tôi thường phải tỉa cho tóc mỏng bớt.
Khi tóc đã ngắn rồi, sở thích nghịch tóc của tôi chỉ còn chốt lại thường xuyên ở hai việc: Thích được người khác nhổ tóc sâu cho mình. Lấy chồng rồi thì thích nhổ tóc bạc, tóc sâu cho chồng.
Cảm giác được người khác bới và nhổ tóc cho mình thật tuyệt. Nó êm êm, dìu dịu. Thỉnh thoảng, một sợi tóc mảnh mai được nhổ lên, không đau mà buồn mê man, muốn ngủ thiếp đi. Thường là con gái nhổ cho. Con gái lớn lên, đi học vắng nhà, thì đã có mấy em gái trong cơ quan nhổ tóc cho tôi giữa hai tiết học. Rất ít tóc phải nhổ bỏ, thì tôi bảo chúng cứ nhổ cả tóc đen cũng được, tóc chị nhiều lắm, phải tỉa bớt đi nên nhổ bớt cũng không sao. Có em gái tóc rụng nhiều nên quí từng sợi, cứ kêu ầm lên rằng sao lại nhổ cả tóc đen?
Chồng tôi không biết nhổ tóc cho vợ. Chẳng hiểu sao lại thế. Đôi tay đàn ông to lớn của chồng tôi rất khéo léo khi tỉ mẩn sửa chữa đồ điện tử với những linh kiện bé tí tẹo. Thế mà không nhổ được tóc cho vợ. Chỉ biết đan những ngón tay vào mái tóc ngắn của tôi với một nỗi đam mê vô tận. Và chồng tôi còn thích được nhổ tóc hơn cả tôi. Vài hôm lại bảo rằng nhiều tóc bạc lắm rồi vợ ơi. Để rồi, tôi lại ấn đầu, kéo tai, vặn bên phải, xoay bên trái, bới mãi mới được mấy sợi tóc trắng, tóc sâu. Tóc chồng còn đen hơn cả tóc tôi. Dày và cứng như rễ tre. Vậy mà vẫn thật êm. Chồng cứ thích tôi bới mãi, tìm mãi, nhổ mãi mấy sợi tóc bạc hiếm hoi ở tuổi ngoài bốn mươi.

 Tôi rất thích cảm giác lùa tay vào mái tóc của chồng mình. Và bới. Rồi tách sợi tóc bạc ấy ra khỏi đám tóc đen mướt, đưa mũi nhíp vào, bứt nó ra khỏi đầu chồng. Tôi gom chúng lại và trêu rằng phải tính tiền để đi mua váy đẹp. Chồng tôi lườm nói, cái thân mình đây chẳng đáng giá hơn mấy cái váy ấy ư? Chiều xuân mưa bụi. Chiều hè lộng gió. Chiều thu nắng vàng. Chiều đông lạnh cóng… Mùa nào cũng nhổ tóc sâu. Và mùa nào cũng ấm nồng, dịu êm trong những điều bình dị.
    Cái sở thích vớ vẩn ấy làm tôi không có cảm tình với những mái đầu hói nhẵn. Có thể những cái đầu hói ấy không nói nên điều gì về tính cách người sở hữu nó. Chỉ là do cảm tính của tôi mà thôi. Vậy mà hôm ấy, tôi đã đối diện với một mái đầu hói nhẵn thín. Một mái đầu từng không hói như thế, mấy mươi năm trước …
    Tôi nhìn thẳng vào gương mặt ấy. Ánh mắt người ấy lảng đi chỗ khác và cố không biểu lộ cảm xúc gì. Nhưng dù người ấy cố không biểu lộ cảm xúc, thì tôi vẫn nhận thấy một thoáng bối rối trên gương mặt quá từng trải, già rất nhiều so với tuổi ngoài bốn mươi của một người đàn ông có địa vị, có tiền tài. Tôi nhìn thẳng vào mái tóc ấy. Chỉ có một ít tóc bạc ở xung quanh, còn là cả một khoảng giữa đầu nhẵn bóng. Có lẽ tại mái tóc này làm cho người ấy già trước tuổi chăng? Và có lẽ cái bệnh hói đầu này rất khó chữa nên một người nhiều tiền như người ấy cũng đành bó tay? Nhiều người khác mà tôi biết, cũng đành phải để mái đầu nhẵn bóng như thế. Tôi chưa bao giờ tìm hiểu về loại bệnh này. Chỉ thỉnh thoảng thoáng qua, tôi lại tự thắc mắc thế thôi.
    Tôi hầu như chưa đối diện với người ấy một mình bao giờ, kể từ đêm trăng mấy mươi năm trước. Những lần khác đều có ai đó cùng ngồi trò chuyện nên người ấy không phải lảng tránh và bối rối. Lần đó, người ấy đến một mình. Tôi cũng ở nhà một mình. Vì thế mà người ấy lúng túng lắm! Mà làm sao không ngại ngùng lúng túng được kia chứ? Khi mà đã có lúc, mái tóc tôi và mái tóc người ấy kề sát bên nhau. Khi mà giờ đây, người ấy lại là em chồng tôi.
    Tôi và người ấy từng ngồi cạnh nhau. Hai mái đầu gần lắm. Cũng đã cách đây hai mươi mấy năm rồi. Tất nhiên, khi đó, tôi chưa là chị dâu con bác ruột của người ấy như bây giờ. Chúng tôi là đồng hương. Biết nhau từ thuở phổ thông, người ấy học trên tôi một lớp. Khi tôi học Đại học, trường Sư phạm của tôi gần trường Sĩ quan của người ấy. Một buổi chiều, tôi đang đọc sách ở thư viện thì bạn cùng phòng lên gọi tôi về có khách. Đến cầu thang tầng bốn, nhìn thoáng thấy bóng áo xanh cao cao, tôi giật mình tưởng là mắt mình nhòe lệ thành thơ nên quá khứ trở về. Khi người ấy quay lại và cười, tôi nhận ra anh đồng hương cấp xã. Ấn tượng đầu tiên là mái tóc xanh mướt cắt gọn ghẽ nổi bật trên bộ quân phục màu lá cây. Nụ cười tươi tắn, trẻ trung. Rồi từ đó đến hai năm sau, phòng của tôi vẫn thường thấp thoáng bóng xanh áo lính. Có lẽ vì áo lính cứ hiển hiện trong tôi, quanh tôi ngay từ những ngày đầu vào Đại học, nên bạn bè trong lớp phong tôi là “Hội trưởng” của cái bọn yêu các anh có áo màu xanh.

Sẵn cảm tình với dáng hình mang áo màu xanh, lẽ ra tôi sẽ rất vui trước một tình bạn ngày càng thân thiết. Vậy mà tôi chỉ thấy nao nao buồn. Có lẽ vết thương lòng của tuổi mười chín quá sâu chăng? Bao đêm tôi đã nhủ thầm với mình rằng hãy quên đi mối tình ngây thơ của cái thời trẻ dại. Tình yêu sâu sắc nhường kia, có lẽ cũng do tôi quá say mê truyện cổ tích mà tưởng tượng ra thôi. Còn với “người xưa” … chắc tình yêu cho tuổi mười tám của tôi chỉ là những phút say nắng khi trở trời! Nếu không, tại sao tôi chỉ là quá khứ? Là quá khứ với một vết thương lòng và một nỗi buồn không biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai. Thế mà, đã có lúc, tôi ngỡ rằng, mái tóc mây thiếu nữ đã làm ai đó say nồng bởi hương tóc mạ non …
    Có lẽ vì nỗi buồn rớt ấy mà suốt mấy năm là bạn, tôi chưa đi chơi riêng lần nào với người mang áo lính cùng quê. Mái tóc rất đẹp, gọn ghẽ mà mướt xanh ấy luôn cách tôi một khoảng khá xa, đủ để tôi nhìn thẳng vào đó mỗi lúc chuyện trò.
    Cho đến một đêm trăng mùa hạ. Trăng như dát bạc đổ xuống con đường, xuống cánh đồng. Phố xưa thoáng đãng. Tối muộn. Đường từ Sư phạm lên cầu Thăng Long vắng teo. Gió lồng lộng từ sông Hồng thổi lên. Mấy cây số đi bộ mà loáng cái đã đến cầu. Tôi không biết người ấy định nói với tôi những gì mà muốn tôi đến tận đây? Chúng tôi ngồi bên lề đường dẫn lên cầu. Và tôi đã nghe người ấy nói. Dài lắm. Từ hoàn cảnh gia đình chỉ còn mẹ già ốm yếu, đến việc người ấy đã tốt nghiệp và từ mai sẽ rời xa Sư phạm. Cuối cùng là một lời đề nghị rằng muốn tôi sẽ làm dâu của mẹ người ấy. Ôi, giá người ấy chỉ nói một câu ngắn thôi. Hoặc người ấy đừng nói gì cả mà hãy vuốt tóc tôi. Mái tóc, lúc này hẳn đã đẫm màu trăng … Thì rất có thể, tôi đã say gió, say trăng, say cả cảm giác của những ngón tay lùa vào mái tóc. Và rất có thể, tôi cũng sẽ lùa những ngón tay mình vào mái tóc mướt xanh kia thay cho câu trả lời … Nhưng rồi, tôi chỉ có thể nhìn thẳng vào mái tóc lấp lóa ánh trăng, hẹn rằng hãy cho tôi suy nghĩ một thời gian. Chúng tôi trở về dưới trăng. Thật lạ, trong tôi lại cứ hiển hiện một đêm trăng khác.
    Rồi tôi chẳng phải suy nghĩ và trả lời người ấy nữa. Trong một lần trò chuyện với cô bạn thuở phổ thông, tôi được biết cô ấy cũng đã nghe những lời như thế, từ người ấy. Có lẽ cũng vào một đêm trăng?
    Khi sắp cưới, tôi mới biết chồng tôi và người ấy là anh em họ. Vợ người ấy không phải là cô bạn thời phổ thông của tôi. Tôi đã kể cho chồng nghe chuyện đêm trăng lộng gió sông Hồng. Chồng tôi không nói gì, chỉ lùa tay vào tóc tôi, kêu rằng tóc ơi, sao mà ấm êm đến thế!
    Tôi vẫn nhìn thẳng vào gương mặt và mái tóc người ấy. Có lẽ tôi cố tìm một cái đã không còn. Hay tôi đang thầm trách người ấy: Giá đừng đổ quá nhiều công cho con đường quan lộ. Giá đừng quá mải miết kiếm thật nhiều tiền. Giá đừng quá khát khao một cậu con trai nối dõi khi đã có hai cô con gái như mơ. Hãy tin rằng, trời chẳng cho ai tất cả bao giờ … Thì có lẽ mái tóc ấy vẫn giữ được vẻ dày dặn, xanh mướt, và gương mặt kia sẽ vẫn rất trẻ trung.
    Có thể, những mong ước của tôi quá đỗi bình thường nên cả cuộc đời tôi sẽ không làm được điều gì lớn lao, vĩ đại. Nhưng cũng có thể, nhiều khi, những con người “vĩ đại” lại chỉ khát khao được lùa những ngón tay mình vào mái tóc êm của chồng, để tìm sợi bạc, trong nắng chiều thu …
(Mai Hương)

Cầu Long Biên - Bảo tồn hay phá bỏ?

Tiến sỹ Trần Đình Bá


Sau đề xuất phá cầu Chương Dương gây sốc tới mức nguyên Phó Thủ Tướng Đồng Sĩ Nguyên phải lên tiếng ngăn chặn thì nay các Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lại đưa ra 3 phương án tháo dỡ cầu Long Biên. Giữa lúc giao thông nối hai bờ sông Hồng còn nan giải thì ý tưởng xóa sổ cầu Long Biên đưa ra lúc này thật lạc lõng vô cảm cần được xem xét cân nhắc một cách cẩn trọng.

Có một cây cầu đặc biệt như thế!

Cầu Long Biên bắc qua con sông rộng và hung dữ, đi qua ba thế kỷ đầy biến động với những cuộc đụng đầu lịch sử mang tầm thời đại. Việt Nam đang tự hào đã sở hữu một cây cầu đặc biệt nhất thế giới về giá trị vật thể, phi vật thể, và cả công năng sử dụng.

Lấy cảm hứng về truyền thuyết huyền thoại “Thăng Long”, các kiến trúc sư và kỹ nghệ gia hãng Daydé & Pillé của Pháp chọn hình tượng con rồng bơi qua nhẹ nhàng qua sông Hồng với chiều dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn phụ trợ giành kỷ lục là cầu thép dài nhất thế giới có kiến trúc độc đáo của thế kỷ XX. Nằm trong dự án trọng điểm thời đó đích thân Thống sứ Bắc Kỳ được cử làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định để chọn ra dự án tối ưu. Cầu mang tên của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, tác giả siêu dự án đường sắt xuyên Đông Dương và xuyên Việt đã đứng ra thuyết phục Quốc hội Pháp chi một khoản tiền rất lớn cho cả Cầu Long Biên và hệ thống đường sắt.

Ông đã kêu gọi các kỹ nghệ gia tài giỏi của nước Pháp đưa cây cầu kim loại đầu tiên vào Việt Nam, giữa lúc việc trị thủy ở sông Hồng là rất khó khăn vì độ hung dữ của nó.Công ty Eiffel có danh tiếng được chọn thầu thiết kế và xây dựng cây cầu. Vì thế, cầu Long Biên ngang bằng về thời gian và giá trị về biểu tượng công nghệ xây dựng với tháp Eiffel nổi tiếng ở kinh đô Paris vì tính duy nhất “có một không hai” của nó.

Cầu đường sắt dài nhất cho tuyến xuyên Việt, trở thành kỳ tích gắn với cầu Đà Rằng, đường sắt răng cưa Phan Rang Đà Lạt, hầm vượt đèo Hải Vân… tạo nên kỳ quan của đường sắt quốc gia. Thời đó Pháp là nước có công nghệ xây dựng và kỹ nghệ luyện sắt thép rất cao, phải dùng tới 5600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì phối hợp nhuần nhuyễn đạt đến đỉnh cao kỹ nghệ vật liệu. Thép có hàm lượng cacbon phù hợp nên vừa đảm bảo cường độ chịu lực vừa “nhiệt đới hóa” chống ăn mòn, trên 110 năm ở môi trường xâm thực rất cao mà các dầm thép vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Cùng thời và cùng vật liệu với tháp Eiffel, có thể coi đây là một bảo tàng sống về vật liệu thép của thế kỷ 19 mà các kỹ nghệ gia về thép thời nay vẫn đang tìm kiếm nghiên cứu.

Xin đừng phạm sai lầm theo kiểu “qua cầu rút ván”!

Vội vàng phá bỏ tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt, mang đầu máy qua bán tại Thụy Sỹ, chặt bỏ các tuyến đường sắt nối với các hải cảng, phá bỏ toàn bộ hệ thống tàu điện Thủ đô, rồi những ý tưởng tháo bỏ đường sắt đi qua cầu Long Biên để chỉ dành cho đường bộ… thật xót xa. Cái giá phải trả là quá đắt để nay muốn tìm lại cũng không thể nào có được trong khi đó ảo tưởng mơ hồ về hàng trăm dự án tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, tàu điện mặt đất tuyến số 1, 2, 3, 4… rồi dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM… nay lại di dời vị trí cầu, vạch lại tuyến đường sắt quốc gia…

Trong khi Hà Nội đang rất cần rất nhiều cây cầu để giải tỏa giao thông chống ùn tắc, trong khi đang thiếu vốn cho rất nhiều dự án giao thông công cộng, trong khi cầu Long Biên là cây cầu huyết mạch cho Thủ đô, là linh hồn của tuyến đường sắt xuyên Việt… thì cả 3 phương án mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra hối thúc gấp gáp lúc này thật phản cảm, lạc loài vì chưa làm thêm được gì cho cộng đồng mà cứ đòi phá để mưu cầu cho lợi ích nhóm của những dự án đầy tham vọng nhưng cũng đầy viển vông. Đạo lý dân tộc luôn khuyên con người tối kỵ chuyện “ lấp giếng phá cầu” thì ý tưởng đưa ra lúc này không khác một việc làm “qua cầu rút ván”.

NGỠ

Tôi viết để tri ân những thầy thuốc chân chính

Có một gã họ Kim, thủa hàn vi, gia đình gã khá cơ cực, trong khi vợ gã lại sinh cho gã 2 cô con gái. Sau nhờ có chút kiến thức về xây dựng nên gã làm chủ thầu xây dựng. Công việc khá suôn sẻ nên gia đình gã cũng dần khá lên. Khi đã có của ăn, của để thì cũng là lúc vợ gã sinh cho gã một quý tử. Chẳng nói thì ai cũng biết, cả gia đình nội ngoại của gã nâng niu, chiều chuộng thằng con thế nào.
Vì công việc, gã thường xuyên không có mặt ở nhà. Thế rồi, một đêm, vợ gã gọi điện báo rằng, con trai gã hiện phải cấp cứu tại bệnh viện. Nhận được điện, gã sấp ngửa về ngay bệnh viện. Gặp vợ, gã mới biết, chập tối, con gã đang chơi đột nhiên bị đau bụng dữ dội. Khi vợ gã mang tới phòng cấp cứu, các bác sĩ chỉ xem xét một lúc rồi thôi. Hiện tại con trai gã đang nằm trên giường, cũng không thấy khóc nữa. Không biết thế nào?
Sốt ruột, gã gõ cửa xin gặp bác sĩ. Phải mất một lúc sau, có một người ra mở cửa. Gã tranh thủ đảo mắt nhìn, thấy con gã đang nằm bất động trên giường. Khi gã hỏi về bệnh tình con trai gã thì người đó bảo gã cứ chờ bên ngoài. Chắc không lâu đâu?.Giật mình, gã nghĩ: Thế thì con gã nguy to rồi?....
Rút kinh nghiệm trong làm ăn. Để được quan tâm cần phải có….Sau khi chuẩn bị phong bì, gã tự tin gõ cửa và lần này, vẫn vị bác sĩ đó mở cửa. Gã hấp tấp nói: Các bác sĩ thông cảm cầm chút bồi dưỡng và quan tâm cứu chữa cho cháu giúp tôi?. Thật không ngờ, vị bác sĩ kia gạt tay gã ra và nghiêm giọng nói: Anh cất phong bì đi. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm và lương tâm của người bác sĩ. Xin gia đình thông cảm?
Thôi, thế là hỏng rồi? Khi người ta không cầm phong bì thì chắc con mình không cứu được rồi?. Xin chuyển viện cho con để: “Còn nước còn tát”. Gã nghĩ và quyết định dứt khoát.
Lần này, vị bác sĩ khác ra mở cửa. Gã đề nghị xin được chuyển viện cho con. Vị bác sĩ nói: Gia đình cứ chờ thêm một lúc, chúng tôi cũng sắp cho cháu về rồi?. Gã toát mồ hôi? Sao lại cho cháu về? Hay là con gã đã chết rồi?...

Hôm sau, gã tới phòng cấp cứu để cảm ơn các y, bác sĩ đã cứu sống con gã. Lúc đó gã mới biết, do ăn no, lại chạy nhảy lên con gã bị lồng ruột. Sau khi tiêm thuốc giảm đau, các bác sĩ đã xử lý xong. Khi gã đến bệnh viện là lúc con trai gã đang ngủ.
(Bài viết do bạn đọc gửi đến từ Blog K20h.blogspot.com)

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Duyên dứa

(Bài stt trên Facebook Nguyễn Xuân Hưng)
Quả dứa thật ra là thần dược
Qua ngày thầy thuốc rồi, mình ngẫm thấy thầy thuốc thật cao quý, vì tối qua em Tiến ăn nói nhỏ nhẹ quá, mình cũng thương. Đôi khi các thày thuốc cứ tìm ở đâu đâu, cái cứu người ở ngay bên cạnh. Không có ở phương tiện hiện đại, không có ở phong bì. Mình kể câu chuyện về thuốc và kết luận trước: chúng ta đang sống trên thần dược mà không biết, và các thầy thuốc chúng ta cũng không biết lý giải thế nào.

Tôi bị sỏi thận, soi siêu âm nói sỏi 5ly. BS Tây y bảo đừng lo, cứ uống nhiều nước, mua viên kim tiền thảo, tập thể thao cho sỏi bắn ra, nếu nó to hơn thì tán sỏi, dễ như ta bóp một con kiến. BS Đông y bảo, cắt chục thang thuốc, tự khắc hết sỏi, êm như uống trà. 
Tôi theo ông đông y, vì chả lẽ đợi sỏi to để đi tán, kiên trì qua 4 tuần đông y, được giải thích cơ chế là bổ gan, bổ thận và kích thích mọi cơ quan đoàn thể trong người, để bào mòn sỏi rồi đái ra. Tháng thứ 2 trở đi, thầy thuốc hay hỏi, đái mạnh chưa. Chả có lực kế đo nên cũng không rõ lắm. Nhưng sau ba tháng, soi vẫn thấy sỏi còn nguyên. Hai bác thầy thuốc khác cũng nói rất mạnh, tóm lại là ba bác đông y, sau 6 tháng, sỏi vẫn là 5ly.
Một hôm đi cà phê, gặp 2 ông bạn. Một là ông Lê văn Phụng, một là ông Doãn anh Tú. Duyên may sao 2 ông cũng bị sỏi thận và đã hết. Ông Phụng bảo, tao uống nước nhiều, tập thể dục, viên sỏi bật ra, gần 1phân,giờ để trong lọ thủy tinh ở bàn làm việc để ngắm. Tôi cũng muốn ngắm viên kim cương ra từ mỏ sinh dục của mình lắm, nhưng khó áp dụng theo. 
Ông Tú nói, tao ăn 7 quả dứa tẩm phèn chua là tiêu sạch sỏi 5ly.
Một cách chữa rất đơn giản, như đùa chơi, tôi nghi nghi, nhưng cũng làm theo. Vì Tú là một nhà khoa học quân đội cấp cao rất nghiêm túc. 
Lấy quả dứa chín, đục bỏ lõi, cho vào 2 thìa nhỏ phèn chua, nướng kỹ trong lò vi sóng, rồi nghiền qua máy xay sinh tố, sáng và tối uống, khoảng 1 cốc /lần. Tôi uống 9 quả, đi soi thận, BS bảo thận anh sạch tinh rất đẹp. 
Tôi viết điều này nhân ngày thầy thuốc, mục tiêu để các bạn bị như tôi áp dụng, nếu các bạn có người yêu làm cho thì càng chóng khỏi. Mặt khác, tôi cũng băn khoăn với các thầy thuốc kính mến, sao các vị kiến thức đầy mình, mà một phương pháp dân gian đơn giản thế mà không chú ý lý giải khai thác, là sao. 
Tôi tin cuộc sống có nhân duyên, đôi khi phúc đến rất bất ngờ, cũng như chúng ta sống trên đống thuốc mà chỉ có duyên mới biết. Tôi may sao có cái duyên bạn bè, thành ra khỏi bệnh.
28/2/2014

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Nói thêm về thơ lục bát thất vận

Nhân chuyện bạn ND 14:45 bàn đến thất vận trong bài thơ lục bát HOÀI NIỆM CHA của Mai Huyền, tôi nhớ tới hồi còn tại ngũ ở Binh đoàn Tây Nguyên. Sư đoàn tôi đóng quân ở Gia Lai, doanh trại khá quy củ, bếp ăn đẹp bàn ghế gỗ bóng nhoáng. Anh em sĩ quan chiến sỹ tranh thủ lúc ăn cơm để hàn huyên chuyện trò nên rất ồn. Lãnh đạo đơn vị yêu cầu nhân viên nhà ăn phải nhắc nhở mọi người giữ trật tự trong khi ăn. Cậu quản lý nhắc mãi không được mới kẻ một câu khẩu hiệu lớn dưới dạng thơ lục bát:

ĂN CƠM XIN CHỚ LÀM ỒN
AI MÀ VI PHẠM ĂN...DƯA CHỊ NUÔI!


Một hôm Chủ nhiệm hậu cần sư đoàn xuống kiểm tra nhà ăn. Ông đứng ngắm nghía mãi câu khẩu hiệu  trên tường. Vốn là người rành thơ phú, ông liền gọi nhân viên quản lí đến:
- Cậu cho kẻ khẩu hiệu lên tường nhắc nhở mọi người giữ trật tự khi ăn là rất tốt. Nhưng phàm đã là thơ lục bát thì chữ thứ 6 câu lục phải vần theo chữ thứ 6 câu bát. Cứ theo thi pháp mà suy thì câu này đích thị là lục bát thất vận. Hỏng! Ấy là chưa kể đến nghĩa của từ nữa. Dưa chị nuôi...Dưa cải chị nuôi đơn vị ta muối ngon có tiếng, cậu viết thế khác nào khuyến khích cán bộ chiến sĩ vi phạm để... được ăn dưa?
Chàng quản lí tủm tỉm gãi đầu:
- Dạ, em cũng biết là nó...mất vần. Dưng mà thủ trưởng ôi! Cái vần "ồn" ấy mà. Nó là tử vận. Gặp cái vần này là bó tay luôn. Thế nên em đành chịu "thất vận" nhưng "đắc ý" vậy.
Thủ trưởng nghiêm mặt:
- Cái vốn kiến văn của cậu đúng là không đủ vốc tay! Trong lịch sử văn chương đã từng có nhiều câu thơ gieo trúng tử vận. Cụ thể là bản dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Nguyên tác của nó là:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã dịch là:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn...
Có đúng là "tử vận" không? Thế nhưng bậc thi bá Tản Đà đã nắn được câu bát tuyệt đối tài tình:
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
"Ôn" với "uồn"...chuẩn quá còn gì! Thế nên cậu phải học tập bậc tiền nhân, sửa lại câu khẩu hiệu này thành:

ĂN CƠM XIN CHỚ LÀM ỒN
ĐỪNG AI VI PHẠM MÀ BUỒN CHỊ NUÔI!

Cậu quản lí giật mình đánh thót:
- Ấy chết! Em nghĩ là, lục bát cứ câu sáu câu tám êm ả vần vè tăm tắp như thế thì thiếu gì người làm được. Làm những câu lục bát mất vần mới khó chứ ạ? Em đã đọc được những câu ca dao cổ như:

CHO DÙ ĐI NGƯỢC VỀ XUÔI
THIẾP LUÔN CHỈ NHỚ CÁI...KHĂN CHÀNG THÔI.

Hoặc em cũng nghe câu này do nhà thơ ở Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai sáng tác:

THU LOAN ĐỌC THƠ THU BỒN
THU BỒN CẢM ĐỘNG SỜ...TAY THU LOAN...

Ông thủ trưởng giận tím mặt mày quát lớn:
- Đó là những câu thơ dân dã, những câu nói xỏ xiên vỉa hè!
Cậu quản lí cố vớt vát:
- Dạ thưa thủ trưởng! Thủ trưởng vẫn luôn nói, làm gì mình cũng phải tính đến hiệu quả. Em quán triệt tinh thần ấy nên mới làm thế. Và quả nhiên là từ ngày em kẻ câu khẩu hiệu kia, tình hình nhà ăn rất trật tự ạ. Không ai dám hó hé tí nào.... Sửa theo ý thủ trưởng em sợ...
 - Sợ là sợ thế nào? Cậu tối tăm quá đấy. Một đằng là dưa chị nuôi, cái nghĩa vật chất cụ thể trần trụi. Một đằng là nỗi buồn, là tâm lí, là tình cảm, nó thuộc về cõi tinh thần thanh cao. Viết như thế là đạt vần đắc ý, câu khẩu hiệu nôm na của cậu đã thăng hoa thành một câu thơ thanh thoát, chắc chắn cán bộ chiến sĩ mỗi khi đọc nó sẽ phải xem lại thái độ của mình. Cậu hãy chấp hành lệnh tôi, miễn bàn!
Một tuần sau, thủ trưởng bí mật ghé nhà ăn kiểm tra hiệu quả câu khẩu hiệu theo ý ông. Trái với nhận định của ông thủ trưởng vốn trọng văn chương thanh tao bác học, nhà ăn ồn ào như chợ vỡ. Ông nhíu mày đăm chiêu: Quái, chả nhẽ mọi người lại sợ... ăn dưa?
(BBT)

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

HOÀI NIỆM CHA

Mai Huyền

          Con đi công tác miền xa
Cha trông mẹ ngóng tháng ngày biệt ly
          Mải mê đô thị hiếu kỳ
Quên lời cha dặn “ nhớ về thăm cha “
          Chỉ đôi ba tháng trôi qua
Đầu cha bạc trắng mắt càng thêm sâu
          Thương cha bệnh đã ủ lâu
Lòng con đau đớn “ còn đâu mấy ngày”

          Nghĩ mà thương lắm cha ơi!
Bao năm tần tảo sớm hôm thân cò
           Lo bà, lo mẹ, lo con
Rồi mong con được bằng người bằng ta
           Nhớ cha từ thuở lên ba
Cha nâng, cha bế, cha ru từng ngày
          Nghĩ, rồi xống mũi lại cay
Mắt con rơi lệ ruột đau xé lòng.

           Cha ơi cha sống lại đi!
Để con làm lại những ngày chưa ngoan.
                                                                             M.H.

Nền kinh tế công nghiệp trong thời hiện đại

Trần Đông Phong

BBT xin giới thiệu công trình nghiên cứu của Vụ Kinh tế công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Trần Đông Phong chủ trì. Qua đây có thể thấy tác giả không chỉ là một nhà thơ, nhà dịch thuật tài ba mà còn là một chuyên gia kinh tế có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.
  
Nền kinh tế trong nghiên cứu này là tập hợp các khái niệm gồm quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương hành chính với nội hàm biến động tùy theo trường hợp cụ thể.
Nhìn toàn cầu để quan sát từ những nền kinh tế công nghiệp đã khẳng định vững chắc vị thế dựa trên quá trình lịch sử hàng trăm năm, đến các nền kinh tế trở thành công nghiệp chỉ trong mấy chục năm. Tuy nhiên có nhiều nền kinh tế không nhất định phải là công nghiệp hóa. Nhìn nhận một cách thực sự cầu thị thì nơi nào có công nghiệp vẫn được đánh giá cao hơn những nơi không.

1. Các nước công nghiệp đã thành danh:

          Từ thế ký 16 cách mạng công nghiệp đã nổ ra ở Châu Âu với cơ khí và máy hơi nước với năng suất và sức mạnh vượt trội đã thay thế sức mạnh cơ bắp, mà sau này chỉ còn được sử dụng là đơn vị đo sức mạnh của động cơ gọi là mã lực, mà ta vẫn quen gọi như là máy kéo Bông Sen 12 mã lực, con tàu 90 CV (Cheval Vapeur tiếng Pháp nghĩa là Sức Ngựa, 1CV=0,74 KW). Sự xuất hiện của kỹ thuật cơ khí và đầu máy hơi nước đã làm cho một loạt các quốc gia Châu Âu trở thành cường quốc với nhu cầu nguyên liệu và sức lao động tưởng như vô tận. Vậy là với chiến hạm chạy bằng máy hơi nước và trang bị súng đại bác các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Ý trở thành ông chủ của thế giới cho đến đầu thế kỷ 20 với hệ thống thuộc địa khắp thế giới. Với sự xuất hiện của nước Mỹ, sau đó là Canada mà thực chất là sự chuyển dịch công nghiệp từ Châu Âu sang đã bổ sung cho danh sách các nước công nghiệp. Cùng mặt bằng Châu Âu như nhóm nước Bắc Âu và Tây Âu cũng tham gia vào dàn hợp xướng của dòng nhạc cổ điển Châu Âu gchơi bản giao hưởng Cường quốc công nghiệp. Hay nói một cách khác là nói đến mô hình công nghiệp thì trước tiên phải nghĩ đến các nước công nghiệp Châu Âu. Đây là cơ sở để hình thành Nhóm các nước công nghiệp lớn G7 và Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD).
          Dạng thức điển hình của các nền kinh tế công nghiệp này là khai mỏ tại chính quốc và thuộc địa, các nhà máy chế biến nguyên liệu khoáng sản thành các sản phẩm công nghiệp với số lượng dồi dài, giá trị cao, tạo ra khối lượng vật chất vượt bậc. Các kỹ thuật được phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi nhanh chóng từ cơ khí, động cơ hơi nước đốt ngoài đến động cơ đốt trong, tự động hóa; từ điện đến điện tử, công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; phương pháp quản lý hiện đại. Việc giáo dục, nghiên cứu khoa học được chú trọng thực chất. Phát minh, sáng chế, bản quyền được bảo hộ hiệu quả.
          Nước Nga Sa hoàng được Lê Nin coi là khâu yếu nhất trong các nước tư bản đế quốc và tiên đoán cách mạng sẽ xảy  ra ở đây. Kể từ 1917 nước Nga mới được thành lập và phát triển thành Liên Xô năm 1922, một cường quốc công nghiệp mới đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 20 năm từ một nền kinh tế yếu nhất trong các nước đế quốc, nền kinh tế Xô Viết đã sánh ngang, thậm chí vượt trội so với tất cả các nước công nghiệp khác. Đặc điểm của nền kinh tế Xô Viết là đầu tư rất mạnh cho khoa học cơ bản, tập trung cao độ cho đại công nghiệp, công nghiệp chế tác, chế tạo dựa trên nguồn tài nguyên vô cùng phong phú là thế mạnh tự nhiên của Liên Xô. Một công thức thường được nói đến là Chủ nghĩa xã hội bằng Chính quyền Xô Viết, Điện khí hóa toàn quốc, Giáo dục Mỹ, Quản lý Taylor (Mỹ), Thép Thụy Điển,  và Đường sắt Phổ (Đức).

          Cho đến nửa đầu thế kỷ 19 các nền kinh tế công nghiệp Châu Âu hình thành và thống trị thế giới với hệ thống các thuộc địa trên thế giới. Tuy nhiên yếu tố Nhật Bản đã xuất hiện với sự nhận thức về mở cửa và du nhập công nghệ từ nửa sau thế kỷ 19 bắt đầu với thời điểm 1868 triều đại Minh Trị Duy Tân. Nhật Bản đã phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ chỉ trong vòng nửa thế kỷ và đã khẳng định vị thế, trình độ, sức mạnh công nghiệp chế tạo của mình thông qua cuộc so tài  thành công giữa các hạm tàu của NHật và Nga trên eo biển Đối Mã (Tsushima). Sự kiện này đã đưa Nhật Bản vào danh sách các nước công nghiệp. Có thể nói Nhật Bản là mô hình công nghiệp đầu tiên của Châu Á với đặc điểm là vẫn duy trì các giá trị truyền thống và lãi suất tín dụng cơ bản bằng không trong suốt nửa sau của thế kỷ 20.
          Thế giới công nghiệp tưởng chừng đã an bài, thì từ những năm 60 của thế kỷ 20 xuất hiện nhóm nước được gọi là Những nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs) gồm Hàn Quốc, Singapo, Đài Loan, Hồng Kông. Con đường lên công nghiệp của các nền kinh tế này có nét chung là trước hết lấy gia công, lắp ráp làm xuất phát điểm trong khoảng mười năm sau đó nhanh chóng chuyển sang công nghiệp chế tác, chế biến tạo ra tăng trưởng GDP vượt bậc. Nhập khẩu kỹ thuật từ các nước công nghiệp đi trước, giáo dục đào tạo được quan tâm mạnh, áp dụng các phương pháp quản lý theo kiểu Anh-Mỹ. Các nền kinh tế này số dân không lớn nhưng có nhiều trường đại học đạt tốp đầu của thế giới. Đặc biệt việc hướng tới hiệu quả đầu tư, lợi nhuận thu được từ các dự án đầu tư được đặt lên hàng đầu, để tiếp tục tái đầu tư, quay vòng và huy động vốn đầu tư. Đặc biệt là sự kiện ở Hàn Quốc xóa tín dụng đen, tín dụng lãi suất cao, vốn là gành nặng cho sản xuất công nghiệp.
         
2. Dựa trên khoáng sản dồi dào

          Trung Đông hay còn gọi là Tây Á với nền văn minh Lưỡng Hà nổi tiếng, cái nôi đầu tiên của văn minh loài người, có lịch sử tám nghìn năm, tưởng chừng vẫn bí hiểm với sa mạc, lạc đà, Truyện nghìn lẻ một đêm, bỗng trở thành tâm điểm của thế giới khi động cơ đốt trong ra đời sử dụng xăng, dầu diesel khiến cho nhu cầu dầu thu trở nên cháy bỏng. Ở  đây người ta phát hiện ra trữ lượng dầu, khí thiên nhiên khổng lồ. Ba phần tư lượng dầu thô của thế giới được khai thác ở đây và xuất thô cho các nước công nghiệp. Kết quả là GDP của những nền kinh tế này tăng vọt lên thuộc hàng cao nhất thế giới. Tuy nhiên một nền công nghiệp chế tác, chế biến chưa được ghi nhận, trong khi mối quan ngại cạn kiệt dầu khí trong vòng một thế kỷ nữa đang xuất hiện. Các nỗ lực xây dựng kinh tế hậu dầu khí trên cơ sở dịch vụ đang được triển khai bằng việc sử dụng chủ yếu lao động từ nước ngoài. Du Bai là hình mẫu đang được theo đuổi với những khu bất động sản cao cấp đang trong cảnh ảm đạm. Khu vực này đi theo con đường phát triển đặc thù của mình trong tiếng nhạc của bản nhạc Phiên chợ Ba Tư do nhà soạn nhạc người Anh William Kètelby sang tác năm 1920.
          Ở một cực khác là các nước Bắc Âu với trữ lưọng dầu, khí thiên nhiên không kém, nhưng được khai thác một cách căn cơ, vừa đủ cho nhu cầu tại chỗ, xuất khẩu hợp lý để lấy vốn cho phát triển kinh tế trong nước. Đây là nhóm nước công nghiệp phát triển rất cao. Lấy giá năng lượng cao, tính đủ các chi phí làm nền tảng để xây dựng nền kinh tế hiệu quả, tiết kiệm, năng suất cao, bền vững, hài hòa với môi trường.

3. Khoáng sản không nhiều nhưng đủ để tạo ra một số giàu có:

Các nước Châu Phi và Mỹ La Tinh có tiềm năng khoáng sản đáng nể, trải qua mấy trăm năm thuộc địa và giành độc lập vào thế kỷ 20. Ở đây công nghiệp có đặc điểm chung là khai khoáng và xuất khẩu thô. Điều này làm cho một số người ở vị thế quản lý khoáng sản trở nên siêu giàu, trong khi nền kinh tế có GDP thấp và có mức nợ nước ngoài rất cao. Đầu năm những năm 1990 Chủ tịch Cu Ba Phidel Castro trong một bài phát biểu ở Liên hiệp quốc đã chỉ ra rằng trên thực tế các nước Mỹ La Tinh không có khả năng trả món nợ này. Sau đó là khủng hoàng nợ nước ngoài đã xảy ra ở một loạt các nước Mỹ La Tinh, di chứng vẫn còn đến tận bây giờ vẫn chưa rõ hồi kết. Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, một số nước đã nhận thức được giá trị khoáng sản của mình và nhận ra con đường công nghiệp hóa nên đã có điều chỉnh quan trọng về tổ chức xã hội theo hướng quản lý chặt chẽ khoáng sản và phát triển công nghiệp chế tác, chế tạo. Kết quả là tạo ra nhóm nước BRICS, trong đó ghi nhận sự thay đổi nhảy vọt của Braxin và Nam Phi theo hướng công nghiệp chế tác. Tuy nhiên con đường phát triển của nhiều nước còn lại vẫn rất chông gai.
Nhóm BRICS là khái niệm của các nhà nghiên cứu kinh tế, chứ không phải là một tổ chức quốc tế. Đặc điểm chung của nhóm này là có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và có khuynh hướng phát triển kinh tế theo công nghiệp hóa một cách rõ ràng. Dẫn đầu là Nga, kế thừa Liên Xô sau sự kiện năm 1991, nhưng sa sút nhiều về công nghiệp chế tạo, chế tác ngay cả trên những lĩnh vực mạnh của mình, vốn tương đương với các nước G7 như chế tạo máy bay, ô tô. Những nỗ lực gần đây để lấy lại vị trí siêu cường đang là thánh thức lớn với nước Nga. Nền kinh tế Trung Quốc đã có tiến bộ mạnh mẽ, sâu rộng về công nghiệp từ chủ trương mở cửa vào năm 1980 với khẩu hiệu bốn hiện đại hóa. Điều này đã đưa quy mô GDP của Trung Quốc trở thành thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ trong vòng 30 năm. Quan điểm định hướng là đối với máy móc thiết bị thì trước hết là máy cái, đối với giáo dục thì trước hết là đào tạo thầy, đối với nông nghiệp thì trước hết là làm giống, đối với dịch vụ thì trước hết là phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, tránh kiểu dịch vụ của dịch vụ. Ấn Độ những năm 1970 nổi tiếng với Cách mạng trắng là nuôi bò sữa gia đình. Hiện nay các ghi nhận cho thấy các tiến bộ quan trọng trong công nghiệp chế tạo thép, ô tô, hóa chất, hàng không, vũ trụ. Kinh tế Ấn Độ phát triển theo hướng công nghiệp hóa dựa trên nội lực là chính, kết hợp với đầu tư nước ngoài một cách dè dặt.

4. Phi nông nghiệp và dịch vụ vòng quanh khi vắng bóng công nghiệp.

Khi phát triển kinh tế, người ta có khuynh hướng rời khỏi nông nghiệp truyền thống được coi là lạc hậu. Thậm chí đối với nền nông nghiệp hiện đại với cơ giới hóa, tự động hóa, thủy lợi hóa, thì nhu cầu lao động cũng giảm đi rất nhiều, số lao động dôi dư trở thành vấn đề lớn. Công nghiệp và dịch vụ vốn là khu vực sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên sẽ là thảm họa khi lao động ào ạt rời khỏi nông nghiệp bị coi là vất vả, trong khi công nghiệp không bố trí kịp hoặc bị sao nhãng, dẫn đến việc người lao động không nghề nghiệp, không được đào tạo, không có chỗ làm việc, dẫn đến làm các dịch vụ vòng quanh lẫn nhau, mà không tạo ra các giá trị vật chất thực, thu nhập thấp, các vấn đề xã hội xuất hiện. Khi số hoạt động dịch vụ vòng quanh kiểu này trở nên quá lớn sẽ cản trở phát triển kinh tế. Một ví dụ điển hình là nền kinh tế Philipin những năm 1960, 1970 phát triển rất khá, đứng đầu các nước khu vực Đông Nam Á, được ADB đặt trụ sở chính, các sản phẩm công nghiệp được xuất khẩu mạnh. Nhưng sau đó lại có khuynh hướng chỉ quan tâm đến phi nông nghiệp, mà không quan tâm thích đáng đến công nghiệp, dẫn đến việc người nông dân rời khỏi nông nghiệp là vào ngay khu vực dịch vụ với tỷ lệ rất cao. Cứ nghĩ là tạo ra nhiều dự án vui chơi để thu hút người đến chơi là được và mong có nhiều dịch vụ kèm theo. Nhưng mà người ta không thể chơi mãi, mà không làm ra sản phẩm vật chất phục vụ cuộc sống. Còn dịch vụ kèm theo như là anh giặt quần áo cho tôi, tôi đánh giầy cho anh thì không thể quá nhiều. Nền kinh tế đã chững lại trong 20 năm. Gần đây Philipin đã có nhận thức  lại vấn đề và đặt trọng tâm phát triển kinh tế vào công nghiệp chế tác, chế tạo. Philipin lấy công nghiệp chế tác, chế tạo để tạo giá trị gia tăng cho phát triển và thu hút lao động. Hướng đi này đã ghi nhận thành công bước đầu. Hiện tượng này cũng được ghi nhận ở một số nền kinh tế ở Châu Phi, Mỹ La Tinh, Châu Á. Tỷ lệ lao động trong khu vực dịch vụ rất cao, dẫn đến các vấn đề xã hội nhức nhối như mại dâm, thu nhập thấp, lao động vị thành niên, bình đẳng giới, giáo dục đào tạo.

5. Công nghiệp và công nghiệp chế biến.
         
 Rõ ràng là nói đến một nền kinh tế công nghiệp thì phải có công nghiệp. Nhưng khái niệm này cũng có nội hàm riêng. Cái giá trị tạo ra lớn nhất đến từ công nghiệp chế tạo, chế tác, chế biến. Giá trị đến từ công nghiệp khai khoáng rất thấp. Ta hình dung rất dễ khi thấy cái máy tính chỉ nặng 1 kg giá hơn nghìn USD, trong khi cả tấn quặng chỉ được cỡ trăm USD, nếu chế biến thành bán thành phẩm như allumin cũng chỉ có giá vài trăm USD/tấn. Đương nhiên phải có đầu tư, công nghệ thì mới làm được công nghệ chế tác, chế tạo, chế biến. Nhưng nếu đi theo con đường công nghiệp khai khoáng thì không bao giờ phát triển được và phải chịu ảnh hưởng của tác động môi trường từ khai mỏ. Công nghiệp gia công, lắp ráp tuy tạo được số việc làm đáng kể, doanh số xuất khẩu ấn tượng, nhưng không thể duy trì mãi, vì khi chi phí lao động tăng, ưu đãi của nước chủ nhà hết, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút để chuyển sang nơi khác hấp dẫn hơn. Công nghiệp lắp ráp, gia công đến từ các nhà đầu tư nước ngoài có nguyên liệu, thị trường, công nghệ, thương hiệu để tranh thủ ưu đãi của nước chủ nhà. Kinh nghiệm của Nhóm NIEs cho thấy họ chuyển rất nhanh từ gia công, lắp ráp sang chế tác, chế tạo, chế biến. Một thông điệp là công nghiệp hóa thực sự phải dựa trên công nghiệp chế tác, chế tạo, chế biến. Con đường này tuy khó, nhưng là con đường dẫn đến thành công. Có nhà quản lý nói rằng làm công nghiệp chế tác khó quá, thôi thì có gì ăn nấy, có quặng ăn quặng, gia công, lắp ráp được tí nào hay tí ấy, rồi từ từ tính sau. Xã hội có chấp nhận điều này không?

10 Nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới 2013

Số TT
Địa danh
GDP 2013,  nghìn tỷ USD
(làm tròn 2 chữ số thập phân)
1
Mỹ
                      16,24
2
Trung Quốc
9,02
3
Nhật Bản
5,15
4
Đức
3,60
5
Pháp
2,74
6
Braxin
2,46
7
Anh
2,42
8
Nga
2,21
9
Ý
2,08
10
Ấn Độ
1,97
Nguồn allzinfo

6. Liệu có thể bỏ qua công nghiệp để tiến thẳng lên kinh tế tri thức.

Có ý kiến nghiên cứu cho rằng, công nghiệp hóa khó thế thì từ một nền kinh tế nông nghiệp có thể bỏ qua và tiến thẳng lên kinh tế tri thức, vừa giàu, vừa oai, vừa sang. Các dẫn chiếu là các nước G7, OECD, Singapo, Ixraen đang làm, đồng thời một số nước Đông Âu, SNG đang muốn xây dựng nền kinh tế tri thức. Thực tế thì sao? Các nước G7, OECD, Singapo đã trải qua công nghiệp tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế tri thức. Ixraen là đất nước của một dân tộc có trí tuệ siêu phàm, hiếm có, đặc biệt là có nguồn lực từ bên ngoài nhiều tỷ USD hàng năm cho một dân số 5 triệu người. Có lẽ khó có ai theo được mô hình này. Một số nước Đông Âu và SNG như Ba Lan, Hunggary, Séc, Rumani, Ucraina vốn đã có cơ sở công nghiệp khá từ trước năm 1991. Nay có định hướng trở thành nước phát triển cao, trong khi nền tảng công nghiệp từ trước đã bị mai một, đầu tư mới chưa nhiều. Thành công vẫn còn là một thách thức không nhỏ. Do những điều kiện nào đó như là thừa kế, kiều hối, nỗ lực tự thân… ở một số nền kinh tế đã tạo ra một tầng lớp khá giả tương đối, tuy không đại diện cho toàn nền kinh tế, nhưng rất dễ ngộ nhận là công nghiệp hóa, kinh tế tri thức

7. Ý nghĩa của chỉ số GDP/người trong nền kinh tế công nghiệp.
           
Để đánh giá một nền kinh tế có nhiều chỉ số như GDP, PPP, HNI. Đối với nền kinh tế công nghiệp thì chỉ số GDP là phù hợp nhất. Nó thể hiện năng lực tạo ra giá trị một cách trực quan, mà các chỉ tiêu khác không có. Có ý kiến cho rằng PPP cũng được. Ý kiến này có ý để nâng mức cho các nền kinh tế có GDP thấp lên cho đẹp số khi so sánh với các nền kinh tế khác. Thực ra điều này không có ích gì, vì nền kinh tế có đạt mức công nghiệp hay chưa là do thực tại bản thân. Hơn nữa PPP là cách tính thu nhập theo sức mua tương của một nền kinh tế. Đơn giản là một bó rau ở Việt Nam và Mỹ là tương đương về giá trị quy ra USD. Điều băn khoăn là một bó rau có xuất xứ rõ ràng từ vườn rau an toàn có giá trị hoàn toàn khác với bó rau không rõ được trồng bằng dưỡng chất gì, dùng thuốc trừ sâu gì?
          Dưới đây là một bảng phân tích đánh giá về GDP theo đầu người của một số nước.
GDP theo đầu người của một số nước
Nhóm
Địa danh
GDP/ng 2012 USD
Nhận xét
BRICS
Braxin
11340
Có hướng phấn đấu là nước CN
Ấn Độ
1489
Trung Quốc
6188
Nam Phi
7508
Nga
14037
Đặc dị

Macao
78275
Dịch vụ (đánh bạc và nhậy cảm)
Trung Đông
Arap Saudi
25136
Khoáng sản (Dầu thô, khí thiên nhiên) không được coi là nước CN
Quata
104756
UAE
43774
Kuwait
56514
NIES
Hàn Quốc
22590
CN
Hongkong
36796
CN
Đài Loan
20336
CN
ASEAN
Singapo
51709
CN
Malaisia
10432
Không nhận là nước CN
Thai Lan
5480
Philipin
2587
Indonexia
3557
Việt Nam
1755
CNH-HĐH
Đông Âu, SNG
Ukraina
3867
Phấn đấu theo hướng nước phát triển cao
Romani
7943
Ba Lan
12708
Nguồn World Bank

            Bảng này cho thấy Nhóm BRICS dẫn đầu là Braxin với GDP/người 11340 USD, tiếp sau là Trung Quốc 6188 USD/người, đang phấn đấu quyết liệt để trở thành nền kinh tế công nghiệp. Nhóm ASEAN dẫn đầu là Malasia với 10432 USD/người vẫn chưa công bố là nước công nghiệp. Nhóm Trung Đông dẫn đầu là Quata với 104756 USD/người không được coi là nước công nghiệp, do chỉ thuần túy là khai mỏ dầu, khí với số lượng lớn. Một chú ý là Macao có 78275 USD/người gấp đôi Hồng Kông, nhưng vẫn không được coi là nền kinh tế công nghiệp, do thu nhập chủ yếu dựa trên dịch vụ.

8. Cuộc sống đô thị.
         
 Sẽ rất khó hình dung bên cạnh các nhà máy công nghiệp, mà không có một khu đô thị. Ở Việt Nam có nhiều thực tế về việc này. Mỗi nhà máy xi măng, nhiệt điện, hóa chất xây lên là có một khu đô thị theo đấy. Đô thị Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Phả Lại, Uông Bí, Lâm Thao là những điển hình rõ nét. Xét đặc tính công việc của lao động công nghiệp, cho thấy không thể vừa sống ở làng vừa làm việc ở nhà máy được. Ở một số khu công nghiệp vẫn còn chuyện lao động ở làng đi làm nhà máy, tuy nhiên hiện tượng này chỉ là thời gian đầu, về sau dần dần chuyển thành đô thị hết. Công nghiệp hóa sẽ kéo theo đô thị hóa mạnh mẽ và dẫn đến những biến động lớn về xã hội, văn hóa. Nếu không lường trước một cách đầy đủ sẽ dẫn đến những hệ quả phức tạp. Đây là một lưu ý cần thiết cho các nhà quản lý.

          Thực tiễn và lý luận vốn ở ngay trước mắt. Người điều hành vĩ mô của một nền kinh tế sẽ nghĩ gì? Việc lựa chọn một cơ cấu kinh tế đúng, một con đường phù hợp sẽ dẫn đến thành công. Những bài học về sự thất bại cũng không phải không có ý nghĩa.
(TĐP)