Nhân dịp kỉ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Hoàng đế Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta (1789), chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Trần Bình Nam, giới thiệu một cách nhìn tương đối toàn diện về vị tướng tài ba Nguyễn Huệ - Quang Trung để bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời ông (BBT).
MỘT CÁCH NHÌN TOÀN DIỆN VỀ NGUYỄN HUỆ -QUANG TRUNG
Trần Bình Nam
Ghi chú của người viết: Sử Việt thời đại Tây Sơn không được ghi chép rõ ràng. Vì hai lý do. Thứ nhất, các sử gia thường ghi theo tài liệu cũ, đôi khi không theo một thứ tự hợp lý; thứ hai, Tây Sơn là kẻ chiến bại. Sự kiện trong các tài liệu còn lưu lại thường khác nhau, đặc biệt là về nguồn gốc, dòng họ, và sự phiêu bạc trốn tránh của vợ con, cháu chắt của dòng họ Nguyễn Tây Sơn. Về công chúa Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung, lịch sử ghi chép về bà khác nhau gần như huyền thoại.
Trong bài viết này tôi chọn dữ kiện nào hợp lý nhất trong nguồn tài liệu giới hạn tôi có được. Hy vọng sau này sẽ có một Hàn Lâm Viện Việt Nam nghiên cứu và chỉnh đốn lại bộ sử Việt Nam.
**
Lịch sử Việt có lẽ đã bất công với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Ông chết sớm, Nguyễn Quang Toản nối nghiệp chưa được bao lâu thì bị Nguyễn Ánh, vị vua khai quốc của dòng họ Nguyễn lật đổ. Lăng ông bị đào bới, và cho đến giờ này không còn dấu vết gì về nơi chôn cất ông tại thành Phú Xuân, bây giờ là thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên, nơi ông lập nên nghiệp vương.
Nhưng trận đánh lẫy lừng năm 1789 đuổi quân Thanh do tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị chỉ huy chạy về Tàu không còn một manh giáp, chính thức chấm dứt sự lệ thuộc Trung quốc đã cho ông một chỗ đứng trong lịch sử Việt Nam, và trong quân sử thế giới, dù người con và các phụ tá của ông không tiếp tục được sự nghiệp.
Vua Quang Trung ra đời tại làng Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định năm 1752 và chết năm 1792, năm năm sau khi lên ngôi hoàng đế tại thành Phú Xuân để danh chính ngôn thuận mang quân ra Bắc đối diện với đoàn quân xâm lược của Bắc triều. Lịch sử ghi chép đời sống của ông chỉ toàn trận mạc.Trong suốt 21 năm chinh chiến vó ngựa của ông rong ruổi bắc nam không mệt mỏi.
Người chép sử không tránh được một câu hỏi: Vua Quang Trung có một đời sống tình cảm không? Một con người dũng lược như vua Quang Trung không lẽ chỉ có một mối tình nhuốm màu sắc chính trị như cuộc hôn nhân của ông với Ngọc Hân công chúa, con gái thứ chín của vua Lê Hiển Tông. Đời sống tình cảm của ông hẳn phải là phong phú.
Phần phong phú này đã được nhà văn Nguyễn Mộng Giác với ngọn bút tài hoa, một trí tượng tượng phong phú, và một sự tìm tòi tài liệu công phu đã vẽ nên một bức tranh làm sống động con người của vua Quang Trung Nguyễn Huệ qua bộ tiểu thuyết trường thiên “Sông Côn Mùa Lũ” . Đọc sử chúng ta thấy một con người chỉ biết cưỡi ngựa bắn cung, vào sinh ra tử mà lập nên nghiệp vương. Đọc ‘Sông Côn Mùa Lũ” chúng ta thấy nơi Nguyễn Huệ một con người rất gần gũi chúng ta. Nguyễn Huệ có một người thầy, Thầy giáo Hiến cung cấp cái căn bản học vấn cho ông. Nguyễn Huệ có một mối tình với một thôn nữ, cô An, con gái của thầy, và mối tình không trọn vẹn này vẫn ấp ủ mãi trong tim của người chiến sĩ tài ba từ thuở thiếu thời bắt đầu biết yêu cho đến khi nằm xuống.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã không quên đi sâu vào tâm tư suy nghĩ của hoàng đế Quang Trung trong những phút mà lịch sử chỉ là một khoảng trống không. Giành quyền lực với anh là Nguyễn Nhạc cũng không đơn giản là một biểu hiện tham quyền lực, và có lúc phải giết tướng tá dưới quyền chưa phải chỉ vì thương ghét thường tình.
Lịch sử ghi năm 1771 ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ khởi binh tại làng Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn vào thời chúa Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777). Thân sinh của Nhạc, Lữ, Huệ là Nguyễn Phi Phúc, vốn họ Hồ thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly, người từng cướp chính quyền trong một thời gian ngắn dưới đời nhà Trần.Trong cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn, khoảng năm 1653-1657 dòng họ Hồ di cư vào Tây Sơn, nay là xã An Khê, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, và đổi thành họ Nguyễn.
Nguyễn Nhạc là người võ biền, làm biện lại tại vùng Vân Đồn, tính tình phóng khoáng lang bạc, tiêu hết tiền thuế của Chúa, sơ bị tội nên kéo bè kéo cánh nổi loạn. Năm 1771 Nhạc chiếm Quy Nhơn.
Năm đó Nguyễn Huệ vừa tròn 19 tuổi và đã chứng tỏ là một người có tài thao lược. Chiếm Quy Nhơn xong ông giúp Nguyễn Nhạc đánh chiếm Bình Thuận ở phía Nam, Quảng Ngãi ở phía Bắc. Năm 1774 tướng của chúa Trịnh là Hoàng ngũ Phúc đánh qua sông Gianh tiến vào Thuận Hóa, chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Quảng Nam, lập Nguyễn Phúc Dương (cháu gọi Chúa Nguyễn Phúc Thuần bằng chú ruột) lên làm Đông cung giao ở lại trấn thủ Quảng Nam rồi cùng với một người cháu khác là Nguyễn Ánh lúc đó mới 12 tuổi, con của người anh thứ hai là Chúa Nguyễn Phúc Côn xuống thuyền chạy vào Gia Định.
Nguyễn Nhạc cho quân ra liên kết với Nguyễn Phúc Dương đang cố thủ Quảng Nam chống với quân Hoàng ngũ Phúc, nhưng thất bại. Hoàng ngũ Phúc chiếm Quảng Nam, quân của Nhạc rút về Quy Nhơn mang theo Đông cung Nguyễn Phúc Dương. Nhạc ép gã con gái là Nguyễn Thọ Hương cho Nguyễn Phúc Dương. Nhưng Nguyễn Phúc Dương bất lực, cuộc tình không êm ả, Thọ Hương đau khổ, và sau này Nguyễn Phúc Dương trốn vào Gia Định với Chúa Nguyễn Phúc Thuần.
Năm 1775 Nguyễn Nhạc chiếm lại được Quảng Nam và lập phòng tuyến chống quân Trịnh tại đèo Hải Vân phân chia Nam Bắc, quay về đối đầu mặt Nam với quân của Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Từ 1775 đến 1778 Nguyễn Lữ với sự giúp sức của Nguyễn Huệ hầu như đã bình định được phía Nam. Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương và tùy tùng đều bị Nguyễn Huệ giết tại Gia Định, trừ Nguyễn Ánh chạy thoát được ra đảo Thổ Châu.
Thế đã vững, đầu năm Mậu Tuất 1778 Nguyễn Nhạc xưng vương, lên ngôi tại thành Chà Bàn lấy đế hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Năm đó Nguyễn Huệ mới có 26 tuổi.
Nguyễn Ánh cũng là một nhân tài và có ý chí sắt đá. Ông tập hợp lại đội ngũ và tìm kiếm sự giúp đỡ của người Pháp và người Thái Lan để giành lại sự nghiệp. Năm 1780 Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn và xưng vương.Trong khi đó Nguyễn Lữ được giao phụ trách miền Gia Định là một người không có tài thao lược nên tình hình vùng Sài Gòn Gia Định không được ổn định. Từ năm 1778 đến năm 1784 Nguyễn Huệ bốn lần thân chinh vào ra Gia Định đánh tan các đội quân của Nguyễn Ánh cũng như những đội quân của Pháp (năm 1782) và của Thái Lan (năm 1784) và bình định được miền Nam. Nguyễn Ánh và đoàn tùy tòng một lần nữa chạy trốn ra đảo Phú Quốc.
Huệ là thiên tài quân sự. Ông rèn luyện binh sĩ kỹ lưỡng về cả hai mặt chiến đấu và kỷ luật, sống với binh tướng trong tình anh em chia ngọt sẻ bùi. Lối hành quân của ông là tốc chiến tốc thắng và bản thân ông lúc nào cũng xông pha trước mũi tên hòn đạn làm gương cho binh sĩ. Bình định xong miền Nam, đuổi Nguyễn Ánh ra Phú Quốc, tiếng tăm của Nguyễn Huệ lừng lẫy khắp nơi. Ông vẫn tùng phục anh là vua Thái Đức nhưng quân cũng như dân thường chờ lệnh ông hơn lệnh vua, và đó là nguyên nhân hiềm khích giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Tạm bình định miền Nam, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ nhìn về phương Bắc. Sau hai năm chuẩn bị binh mã, giữa năm 1786 Nguyễn Huệ xuất quân đánh Thuận Hóa của quân Trịnh sau khi do tin tức tình báo Nguyễn Hữu Chỉnh thu lượm được biết rằng miền Bắc đang có rối loạn chính trị. Nguyễn Hữu Chỉnh là mưu sĩ Bắc Hà. Sau nạn kiêu binh 1775 -76 Chỉnh bỏ trốn vào Quy Nhơn quy thuận Nguyễn Nhạc và đưa ra chính sách phù Lê diệt Trịnh.
Đoàn quân Bắc tiến do Nguyễn Huệ chỉ huy, có Nguyễn Lữ, Vũ Văn Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh phụ tá theo hai đường thủy bộ vượt qua đèo Hải vân đánh vào Thuận Hóa. Đoàn thủy quân của Nguyễn Lữ tiến thẳng ra Quảng Trị và Quảng Bình để tạo bất ổn sau lưng quân chúa Trịnh. Tướng trấn thủ Thuận Hóa là Hoàng đình Thể tử trận, Thuận Hóa thất thủ. Quảng Trị và Quảng Bình cũng thất thủ theo.
Huệ giao cho anh là Nguyễn Lữ ở lại trấn thủ Thuận Hóa, còn mình và Nguyễn Hữu Chỉnh được đà kéo quân ra Bắc. Chỉnh theo đường thủy, Huệ dẫn đại bộ phận bộ binh, hẹn nhau tại Nam Định trước khi tiến vào Thăng Long. Cuộc Bắc tiến lần này của Nguyễn Huệ không nằm trong chương trình định trước của Nguyễn Nhạc nên Huệ đệ sớ về Quy nhơn xin phép anh rồi lên đường ngay.
Hơn một tháng hành quân, tháng 6 năm 1786 Nguyễn Huệ tiến quân vào Thăng Long. Chúa Trịnh Khải tự tử. Trước khi vào Thăng long Huệ cho người mật tấu với vua Lê Hiển Tông rằng cuộc hành quân của ông nhắm phù Lê diệt Trịnh. Mặt khác lúc này vua Lê đang bệnh nặng nên muốn rời thủ đô cũng không được nên vua Lê đành phó thác cho định mệnh.
Huệ vào thành đến ra mắt vua theo cung cách quần thần làm cho vua tôi Lê Hiển Tông rất hài lòng. Vua phong chức nguyên súy cho Nguyễn Huệ và do mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua gã con gái cưng thứ chín là Ngọc Hân công chúa, 16 tuổi, một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn cho Nguyễn Huệ. Một tháng sau vua qua đời. Nguyễn Huệ phò Lê Duy Kỳ lên nối ngôi lấy đế hiệu là Chiêu Thống.
Ở Quy Nhơn, nhận được sớ của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc rất lo lắng vội vàng dẫn một đoàn 500 tinh binh nói là đi tiếp ứng, ngày đêm ra Thăng Long để kềm chế ông em.
Đến Thăng Long vua Thái Đức ra mắt vua Chiêu Thống và thân hành đi phủ dụ các nơi. Đầu năm 1787 Nhạc và Huệ rút về nam, giao triều chính cho vua Lê Chiêu Thống và bỏ lại Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Huệ biết Nguyễn hữu Chỉnh là người tráo trở nên không tin.
Biết nguy nếu ở lại một mình, Nguyễn Hữu Chỉnh ngày đêm chạy theo đoàn quân của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và đến Nghệ An thì bắt kịp. Huệ sắp xếp Chỉnh ở lại giữ Nghệ An nói là để đề phòng miền Bắc, bên cạnh có Vũ Văn Nhậm giữ mặt quân sự. Tiến thoái lưỡng nan. Chỉnh bắt đầu tạo dựng cơ sở và thanh thế tại Nghệ An chờ đợi thời cơ.
Trở về Quy Nhơn Nguyễn Nhạc chia trách nhiệm cho hai em, phong Lữ làm Đông Định Vương toàn quyền ở Gia Định, phong Huệ làm Bắc Bình Vuơng toàn quyền phía bắc đèo Hải Vân. Nguyễn Nhạc là Trung ương Hoàng đế đóng đô ở Quy Nhơn.
Thời cơ của Nguyễn Hữu Chỉnh tới khi tại thăng Long vua Chiêu Thông không có cơ sở quyền lực, họ Trịnh do Trịnh Bồng cầm đầu lại trổi dậy thiết lập lại ngôi chúa và tiếp tục uy hiếp nhà vua như xưa. Vua Lê cho người vào Nghệ An mời Chỉnh ra Bắc.
Chỉnh kéo quân ra Thăng Long, dẹp Trịnh Bồng và thu tóm tất cả binh quyền trong tay.Vào thời gian này tin mật báo từ Thuận Hóa cho Chỉnh biết anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bất hòa trầm trọng có thể xẩy ra binh biến nên Chỉnh định lợi dụng cơ hội phản Tây Sơn. Chỉnh liên kết với Nguyễn Hữu Duệ, một cựu tướng trung thành với Nguyễn Nhạc lúc đó đang trấn giữ Nghệ An. Được tin, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm từ Thuận Hóa kéo quân ra chiếm lại Nghệ An và thẳng đường ra Bắc trị tội làm phản của Chỉnh. Duệ bỏ Nghệ An dùng đường thủy chạy thẳng vào Quy Nhơn nhờ Nguyễn Nhạc che chở.
Vào những ngày cuối cùng của năm 1787 quân của Nhậm tiến như vũ bão ra Bắc, quân của Chỉnh thua trên mọi phòng tuyến, Chỉnh mang vua Lê Chiêu Thống bỏ thành Thăng Long chạy trốn. Chỉnh bị bắt và bị Vũ Văn Nhậm giết vào tháng 11 năm 1787.
Vũ Văn Nhậm hợp cùng với Ngô Văn Sở , một người thân tín nhất của Nguyễn Huệ kêu gọi sự hợp tác của quan lại còn trung thành với nhà Lê và vội vàng tổ chức lại triều chính miền Bắc. Nhậm lo việc võ, Sở lo việc văn. Nhậm là tướng tài nhưng không may. Ông là tướng dưới trướng của Nguyễn Huệ từng vào sinh ra tử với nhau, nhưng lại là con rể của Nguyễn Nhạc, nên sau vụ Nguyễn Hữu Duệ theo Chỉnh làm phản, Huệ rất lo lắng về Nhậm. Khi sai Nhậm ra Bắc dẹp Chỉnh Nguyễn Huệ dặn dò Ngô Văn Sở theo dõi và khẩn báo cho ông mọi dấu hiệu khả nghi của Vũ Văn Nhậm.
Tạm ổn định miền Bắc, Nhậm tỏ ra kiêu ngạo và coi thường bên phía quan văn làm cho Ngô Văn Sở bất mãn báo cáo với Nguyễn Huệ rằng Nhậm muốn làm phản. Chỉ chờ có vậy Nguyễn Huệ ngày đêm cùng một đoàn tinh binh thần tốc ra Bắc và trong đêm ập vào bắt giết Vũ Văn Nhậm không cho Nhậm một lời giải thích. Sau đó Nguyễn Huệ tức tốc về Nam giao mọi binh quyền cho Đại tư mã Ngô Văn Sở. Nguyễn Huệ không dám bỏ thành Thuận Hóa lâu sợ có biến. Đó vào năm 1788. Vũ Văn Nhậm là nạn nhân của vụ tranh chấp quyền hành giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Trong khi đó vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu cứu. Tổng đốc Quảng Đông, Quảng Tây (Lưỡng Quảng) là Tôn Sĩ Nghị lợi dụng cơ hội dâng sớ lên vua Càn Long đề nghị mang quân qua chiếm Đại Việt lấy cớ giúp nhà Lê. Vua Càn Long chuẩn phê. Tôn Sĩ Nghị đích thân dẫn 200 ngàn quân theo ba đường Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang tiến vào Bắc Việt. Cuối tháng 11 năm 1788 đại quân của Tôn Sĩ Nghị vào thành Thăng Long bỏ ngỏ. Ngô Văn Sở rút quân lui giữ phòng tuyến nơi núi Tam Điệp ranh giới của hai tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình rồi khẩn báo về Phú Xuân.
Được tin, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy đế hiệu là Quang Trung rồi kéo quân ra Bắc. Vua Quang Trung cho lính chia từng toán 3 người, dùng võng hai người gánh một, thay phiên nhau dùng lương thực khô, bôn tập không ngừng nghỉ. Chỉ 5 ngày đại quân của vua Quang Trung đã đến Nghệ An. Vua Quang Trung cho binh sĩ nghỉ ngơi ăn Tết (Kỷ Dậu 1789) trong khi cùng các tướng lãnh bàn kế hoạch trước khi tiến quân ra Bắc.
Vào những ngày đầu Xuân quân của Tôn Sĩ Nghị bị đánh bất ngờ vào phòng tuyến trấn giữ mặt nam của Thăng Long là đồn Hạ Hồi, rồi sau đó đồn Ngọc Hồi, và vào ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu quân của vua Quang Trung kết thúc cuộc đại phá quân Thanh tại gò Đống Đa buộc tướng Tàu là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử.
Thắng quân Thanh, vua Quang Trung biết thế nước nhỏ giảng hòa với vua Tàu, và được vua Càn Long phong làm An Nam quốc vương, chính thức sự cao chung của nhà Hậu Lê kéo dài 363 năm (1426 – 1789).
Theo sử, vua Quang Trung có ý cầu hôn với con gái vua Càn Long để làm thế tạo lập hòa bình lâu dài và đòi lại đất Lưỡng Quảng vốn thuộc Đại Việt. Nhưng mộng không thành. Ngày 19 tháng 7 năm Nhâm Tí (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh qua đời.
Con là Nguyễn Quang Toản nối ngôi, đế hiệu Cảnh Thịnh. Nhưng Toản còn quá nhỏ, các đại thần ghen ghét nhau, chính sự thối nát nên không phải là đối thủ của Nguyễn Ánh. Chín năm sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh, sau nhiều trận thư hùng, ngày 15 tháng 6 năm 1801 kéo quân vào thành Phú Xuân, Quang Toản chạy ra Bắc. Năm 1802 Nguyễn Ánh thân chinh ra Bắc kết thúc nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu, lên ngôi hoàng đế lấy vương hiệu là Gia Long mở đầu vương nghiệp của triều Nguyễn kéo dài 143 năm (1802-1945).
Qua lịch sử ghi chép, đời của vua Quang Trung là một đời làm tướng xông pha trận mạc trong suốt 21 năm liền từ năm 1771 cho đến ngày ông qua đời. Nếu không có áng văn Ai Tư Vãn bất hủ của Ngọc Hân Công chúa khóc chồng có lẽ không ai tưởng tượng được Nguyễn Huệ cũng có một đời sống tình cảm mãnh liệt và phong phú đầy nhân tính. Đối với Ngọc Hân, trong vinh quang của kẻ chiến thắng – nghĩa là có quyền chiếm đoạt - Nguyễn Huệ không quên cái thổn thức và lo âu của nàng quận chúa nhỏ bé. Chàng từ tốn, thông cảm và độ lượng, và chính cái phút ban đầu đó đã mở lối cho cái thế giới kỳ bí của tình yêu nơi tâm hồn trong trắng hoang dại của công chúa Ngọc Hân.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác ghi: “Đêm hợp cẩn … Khi nguyên súy Nguyễn Huệ vào, Ngọc Hân sợ quá không dám ngước nhìn lên, cũng không dám thở mạnh. Trước mắt công chúa, đôi hài thêu của nguyên súy khẽ lay động. Ngọc Hân chờ, nín thở mà chờ. Thật lâu Nguyễn Huệ không nói gì cả. Công chúa tự biết không thể cứ cúi đầu mãi thế này! Phải ngước lên mĩm cười với nguyên súy. Phải giúp người “xếp bào cởi giáp” như những người vợ hiền trong cổ thư đã làm. Phải … phải cung kính ngoan ngoãn “tay nâng ngang mày” như nàng Mạnh thị. Dù có nghĩ vậy công chúa vẫn không có can đảm ngước lên nhìn thẳng vào khuôn mặt nguyên súy.
Bỗng đôi hài trước mắt Ngọc Hân hơi xoay hướng, như dợm bước về phía cửa phòng. Nhưng sau đó, đôi hài vẫn bất động. Rồi đột nhiên Ngọc Hân cảm thấy có một bàn tay đặt lên vai mình. Nguyên súy đặt yên bàn tay lên vai công chúa một lúc, rồi bóp nhẹ lên cái vai mềm. Bàn tay mơn man ve vuốt khắp vai bên phải, rồi vuốt nhẹ lên chiếc cổ trắng. Công chúa hồi hộp liếc nhìn, trong hoảng hốt chỉ nhận ra được ống tay áo gấm đỏ và một bàn tay gân guốc da ngăm.
Ngọc Hân xúc động đến nghẹn thở, hoang mang. Lúng túng chưa biết phải làm gì, nói gì. Đúng lúc đó, bất ngờ nguyên súy quì chân xuống trước sập, úp mặt vào hai đầu gối của công chúa. Ngọc Hân không ngờ nguyên súy làm như vậy, đôi tay chới với không biết phải làm gì, phải đặt vào đâu. Mái tóc dày và quăn phủ lên vạt áo lụa của công chúa. Một sức mạnh huyền bí xa lạ thôi thúc, khiến công chúa đưa tay ôm lấy vai nguyên súy.
Nguyễn Huệ ngửng lên vui mừng, và lần đầu tiên, công chúa bị cuốn hút vì ánh nhìn đam mê đến cuồng nộ của vị danh tướng vừa làm đảo lộn Bắc hà.
Nguyễn Huệ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt sượng sùng thảng thốt của công chúa, miệng mĩm cười gượng gạo như cách cười của một kẻ phạm tội, nói nhỏ nhỏ:
- Công chúa còn nhỏ quá, và đẹp quá. Như một cái bông búp. Đừng lo âu. Ta biết công chúa đang lo âu đủ điều. Ta sẽ không cho phép ai, dù là quỉ thần, được làm công chúa khổ. Công chúa hãy yên tâm” (Sông Côn Mùa Lũ, tập 3, trang 1399 – 1400)
Không có tình yêu của Nguyễn Huệ, Ngọc Hân công chúa không thể xây dựng nổi tuyết tác văn chương ghi lại thiên tình sử của bà mà khởi đầu chỉ là một hôn nhân chính trị.
Thương khóc chồng, Ngọc Hân công chúa viết:
…………………..
Nửa cung gẫy phím cầm lành,
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!
Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,
Tiếng tử quy thêm dục lòng thương
Não người thay, cảnh tiên hương,
Dạ thường quanh quất, mắt thường ngóng trông
Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược
Thấy mênh mông những nước cùng mây
……………………
(Ai Tư Vãn)
Và nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã tô điểm thêm cho người dũng tướng thành một trang tuấn kiệt, với một quả tim của một người biết yêu và trân trọng cái gì mình yêu quý của tuổi thanh xuân chưa vương hệ lụy của chính trị và cuộc đời.
Trước Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đã yêu cô An con gái của thầy, và An cũng yêu Huệ tha thiết. Nhưng mộng ước cả hai không thành vì Nguyễn Nhạc muốn Huệ phải lấy em gái của hai phụ tá thân tín của mình là Hình bộ thượng thư Bùi Văn Nhật và Thái sư Bùi Đắc Tuyên để củng cố thế lực. Huệ miễn cưỡng lập gia đình theo lệnh anh, nhưng Nguyễn Huệ không quên được mối tình thôn dã với người thiếu nữ yêu kiều. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác thi vị hóa “cái phút ban đầu lưu luyến ấy”:
“Cho đến ngày Huệ gặp An. Điều ghi dấu trong cảm quan của cậu, khíến cậu gần như sững sờ, là cái dáng điệu uyển chuyển, nhịp nhàng , linh động của An. Từ cách đưa ngón tay út lên vén nhẹ một mảng tóc lòa xòa, cho đến cách đưa lưỡi liếm nhẹ lên môi trên, cách rót một tách nước trà, cách gật nhận một lời chỉ bảo, tất cả, tất cả đều vừa độ cần thiết. Cử chỉ biểu lộ sự thân mật dịu dàng, đồng thời cũng giữ riêng cho An một sự bí mật tôn nghiêm. Huệ chưa từng bao giờ gặp sự hòa dịu như vậy giữa hai đòi hỏi gần như mâu thuẫn là sự cởi mở thân tình và sự gói ghém kiêu hãnh nơi một người con gái. Cậu cũng ngạc nhiên khi thấy cái dáng điệu trang nhã thân mật ấy còn giữ nguyên nét thơ trên khuôn mặt. Nước da ửng sáng trên đôi má bầu bĩnh. Cái môi trên mọng. Chỉ trừ đôi mắt buồn trước tuổi. Huệ nghĩ có lẽ nhờ đôi mắt ấy mà khuôn mặt và cử chỉ của An hòa hợp nhau, tiết ra một sức mạnh hấp dẫn lạ lùng. Cậu đau khổ công nhận giữa cái đẹp xa lạ ấy và mình có một hố cách biệt trang nghiêm; cậu không thể nói gì thêm, không thể phác một cử chỉ nhỏ, vì bất cứ hành động nào của cậu cũng trở thành vụng về, thừa thải trước vẻ đẹp toàn bích ấy. Và lần đầu tiên trong đời, cậu thấy lúng túng, thất vọng cho sự vụng dại của mình.” (Sông Côn Mùa Lũ, tập 1, trang 156).
Người anh hùng áo vải của chúng ta bắt đầu biết thế nào là rung động của con tim, một rung động mà trong suốt hành trình hơn 20 năm còn lại của cuộc đời Huệ không tìm lại được qua mối hôn nhân chính thức với phu nhân họ Bùi và mối tình vương giả với Ngọc Hân công chúa. Để giữ hơi ấm của mối tình dang dỡ Nguyễn Huệ đã mang theo bên mình người em trai của An trong suốt cuộc đời chinh chiến để bầu bạn và cũng để tâm sự.
Và quả tim của An cũng thao thức không kém trước hấp lực tình yêu của Huệ. Huệ đến thăm thầy, và dùng dằng nửa ở nửa về. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết:
“An bẽn lẽn đứng chờ Huệ ra về để khép cổng lại. Tấm cửa đan bằng cây rừng tua tủa những gai khép hẹp, chừa không đủ một người lách qua. An lại vô ý nắm chặt lấy cánh cổng. nên thay vì tiễn khách, cô lại vô tình lưu khách. Huệ không hiểu An muốn mình về hay mình ở, tần ngần chưa muốn hỏi. Mấy cái lá dại tội nghiệp ở hàng rào chắc ngỡ ngàng không hiểu vì đâu cô chủ nhà không nói năng gì, cũng không dám cười, mấy ngón tay ấm mềm cứ bứt hết lá này đến lá khác thả vung vãi xuống lối đi. An nói nhỏ:
Trời hôm nay lạnh dữ.
Huệ nói:
Ờ lạnh. Gió lớn quá
Không khéo lại bão.
An tưởng thế? Chưa đâu.
Huệ trỏ những đám núi vây quanh, bảo An:
Sắc núi còn thẫm lắm. Khi nào rừng bắt đầu thay lá …
An không nghe Huệ nói, bâng quơ tự nhủ mình:
Em sợ bão
Huệ cười nhỏ, nhìn mái tóc cuốn gọn để lộ khuôn mặt trái xoan thanh tú, hai cái tai nhỏ và chiếc cổ trắng của An, cố lấy can đảm nói:
Khi nào gió mạnh đến nỗi thổi tung được mái tóc An, may ra mới có dấu bão lớn. Lúc đó, lúc đó … đáng tiếc lắm …
Anh không hiểu, ngửng đầu lên hỏi:
Sao vậy anh?
Đôi má ửng hồng, vài sợi tóc mai bay vướng víu. Huệ không dám nói hết ý mình, tìm cách tránh đi.
Vì khối nhà chói sẽ bị đổ.
An biết Huệ nói dối, nhưng không thể tìm hiểu ý thật. Cô chỉ lờ mờ đoán ý Huệ nói bóng gió điều gì liên quan đến khuôn mặt mình, vì nhiều lần Huệ chăm chăm nhìn vào đôi mắt cô. Bất giác cô đưa tay lên quẹt má.” (Sông Côn Mùa Lũ, tập 1, trang 329 -330)
Mối tình đẹp đầu đời sống mãi trong quả tim của người anh hùng cũng như trong lòng cô thôn nữ. Rồi người thôn nữ gạt lệ đi lấy chồng. Và khi chồng cô phản bội phải tội tử hình Nguyễn Huệ có thế lực mà không tha tội chết được là nổi đau khổ lớn lao nhất của An cũng như của Huệ. Cuộc sống thật là một nan đề, và An cảm thấy mình như chiếc lá giữa dòng định mệnh. Cái làm cho cô còn tin tưởng để sống là cô biết mình được yêu và hình bóng mình được ấp ủ một cách trang nghiêm trong quả tim của vị dũng tướng.
Sau chuyến hành quân diệt Trịnh năm 1787, Nguyễn Huệ đưa công chúa Ngọc Hân về Thuận Hóa, và thời gian cho An biết Huệ đã có được tình yêu bên cạnh Ngọc Hân, cái tình yêu mà Huệ muốn mà không thể trao cho nàng, và chưa bao giờ dành cho hoàng hậu họ Bùi, người vợ chính thức của chàng. Nàng sung sướng thấy như mình được yêu.
Bởi thế cái phút đau đớn nhất cho đời An đã đến khi Nguyễn Huệ yểu mệnh năm 40 tuổi sau một cơn bạo bệnh, sau sáu năm chàng có hạnh phúc với vị công chúa họ Lê tài hoa, Ngọc Hân công chúa. Dù con trai phản đối An cũng không quản gian lao từ Bến Ván, vùng đất phân ranh giữa hai quyền hành Phú Xuân và Quy Nhơn, vượt đèo vượt núi ra Thuận Hóa để được nhìn tang lễ của chàng.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác thuật: “Hôm di quan lên sơn lăng, An ở trong đám dân chúng nghèo khổ tự nguyện nối đuôi đám tang để tỏ lòng ái mộ và thương tiếc vị anh hùng dân tộc xuất thân áo vải như họ, người mang đến cho họ niềm tự tín và hy vọng, người dạy cho họ ngửng đầu cao, mạnh dạn bước tới. An cùng lâm râm cầu nguyện như họ. Chỉ khác một điều là những gì An thì thầm đều có tính cách riêng tư và rối rắm khó hiểu. Chị thầm nhắc lại một trận bão rừng, chuyện hiểu lầm chung quanh cây gạo, tập thơ Đổ phủ, đêm ngập ngừng bảo nhỏ “đừng anh Huệ ạ! …”. An đặt nhiều câu hỏi mà không cần đáp, càng hỏi càng xót xa, cảm thấy lẻ loi. An oán trách mà như sợ phật lòng người nghe, vừa thầm hờn dỗi đã hối hận, nhận lãnh hết phần lỗi về mình. Quanh An người ta thở dài, người ta thì thào. An không nghe gì cả. An sống và chết riêng lẻ trong thế giới của chị.” (Sông Côn Mùa Lũ, tập 4, trang 1985)
Với lời tiễn biệt trong câm nín của An, vua Quang Trung, nếu linh hồn còn lãng đãng đâu đó sẽ thanh thản ra đi. Lịch sử sang trang, ân đền oán trả. Giờ đây không còn vết tích gì của người anh hùng trên vùng đồi núi hữu ngạn sông Hương, nơi ôm hình hài của vua Quang Trung trong một thời gian 10 năm ngắn ngủi. Năm 1802 vua Gia Long cho khai quật mồ mả và phá hủy toàn bộ dấu vết của vua Quang Trung.
Mỗi lần về Thuận Hóa thăm viếng vùng Nam Giao, Ngự Bình và núi Thiên Thai, đặt chân trên những ngọn đồi đầy hoa sim và hoa ngũ sắc không ai quên được nơi đây từng là chỗ tranh hùng của hai dòng họ Nguyễn tài giỏi như nhau, chí lớn như nhau, nhưng không thể cộng tồn, và không khỏi bâng khuâng tự hỏi giờ đây linh khí người đệ nhất anh hùng áo vải đang tụ nơi đâu.
(Trần Bình Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét