Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Tản mạn về cuộc sống quanh ta

Hải Yến
BÀI 1: CHỊ PHẢI XIN LỖI EM ẤY!

Dù là một người làm công tác giáo dục, tôi vẫn không bao giờ thích những bài học đạo đức chỉ là giáo điều, thuyết lý suông. Mỗi lời suy ngẫm nói ra cùng lớp đàn em, tôi thích bắt đầu hoặc gắn với những gì rất thực quanh mình. Bởi tôi luôn tâm đắc với quan niệm: “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi …” .
 Thế nên, trước những thực tế đáng suy ngẫm liên quan đến các em, tôi muốn những người lớn chúng ta cũng tự nhìn lại mình. Bởi nhiều khi, chính những người lớn lại hành xử rất đáng chê trách. Thậm chí, nhiều người quên mất phải nói những lời cám ơn, lời xin lỗi. Nhất là những lời cám ơn, xin lỗi dành cho những đứa trẻ.
  Mới gần đây thôi, tôi chứng kiến một sự việc như thế.

  Mấy hôm trước, trường tôi họp cha mẹ học sinh cuối kì I. Gần trưa. Các lớp đã ra về hầu hết. Chỉ còn vài phụ huynh ở lại trao đổi riêng với một số giáo viên chủ nhiệm. Một số học sinh được lớp phân công đến đón tiếp phụ huynh của lớp mình đang thu dọn đồ dùng. Điện thoại rung. Tôi nghe tiếng sếp trưởng gọi, bảo tôi mang giấy bút xuống văn phòng nhà trường có công việc.
  Băng qua khoảng sân rộng, vào văn phòng, tôi thấy sếp trưởng của tôi đang ngồi cùng hai vị phụ huynh, trước mặt là một chiếc ví. Sếp trưởng cho biết: Một em học sinh của trường đã bắt được chiếc ví trong ngăn bàn học. Là của một vị phụ huynh học sinh nào đó trong lớp đến họp và bỏ quên. Sếp nói là đã cùng hai vị phụ huynh xem giấy tờ để biết tên của chủ chiếc ví. Sếp đã thông báo cho giáo viên chủ nhiệm liên lạc với họ. Bây giờ, sếp gọi tôi xuống để cùng lập biên bản những thứ có trong ví trước sự chứng kiến của hai vị phụ huynh học sinh.
  Rất nhiều các loại giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe máy. Rất nhiều tiền.
  Sếp trưởng đọc từng loại, còn tôi thì thống kê vào biên bản.
  Thống kê hết các loại giấy tờ. Đến các loại tiền. Nguyên đô la Mỹ đã là hai mươi tờ 100 đô la. Chuẩn bị thống kê đến tiền Việt thì chủ của chiếc ví tới.
 Chúng tôi dừng lại, không thống kê tiếp nữa. Tuy không thống kê tiếp nhưng tôi ước chừng các loại tiền Việt Nam cộng lại cũng không dưới chục triệu đồng. Khỏi phải nói là người chủ của chiếc ví đã vui mừng như thế nào. Cô ấy kể rằng đã để ví trong ngăn bàn rồi cứ thế ra về khi tan họp.
  Cô ấy rối rít cám ơn nhà trường. Rồi còn “Nhờ các thầy cô chuyển lời cám ơn đến em học sinh tốt bụng” kia. Sếp trưởng bảo tôi không cần hoàn thành biên bản nữa. Sau đó, sếp trưởng trả lại ví cho vị phụ huynh học sinh, yêu cầu cô ấy đếm tiền và xác nhận xem có đủ hay không. Không hiểu vì quá vui mừng hay quá tin tưởng mà cô ấy không đếm. Chỉ lật qua các ngăn ví và luôn miệng nói đủ rồi, đủ rồi.
 Riêng tôi, tôi vẫn muốn hoàn thành biên bản để lưu lại. Tôi muốn lấy đó làm minh chứng để biểu dương trước toàn trường em học sinh đã có hành vi vô cùng tốt đẹp này. Đây là một biện pháp giáo dục hữu hiệu. Tháng trước, chúng tôi đã khen ba em học sinh bắt được và trả lại cho bạn trong lớp, trong trường những tờ hai trăm ngàn đồng, năm trăm ngàn đồng.
  Huống chi bây giờ là tới năm chục triệu đồng và bao nhiêu giấy tờ như thế. Không biểu dương cụ thể, sao xứng được với việc làm tốt đẹp của học sinh?
  Nhưng sếp trưởng vẫn không muốn lập biên bản nữa. Sếp nói nhỏ với tôi rằng vì lí do tế nhị. Chủ chiếc ví cũng nhất định bảo không cần đếm lại tiền nong.
  Tôi có thể hiểu được cô ấy vui mừng đến độ nào. Vì tôi nhớ lại cảm giác của mình khi được cô học trò cũ tận tay mang đến cho mình chiếc ví bị mất trong cái đêm mưa gió tôi đưa học sinh đi thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ví của tôi chỉ có hơn một triệu đồng tiền Việt. Vậy mà hôm sau, chồng tôi nhất định đòi đi cùng tôi đến nhà cô học trò cũ để cảm ơn.
  Cũng vì nhớ đến chiếc ví tìm lại được của mình mà tôi không quên nhắc vị phụ huynh, chủ chiếc ví. Nhắc rồi, tôi lại thấy lời mình nói hơi thừa. Tôi nhắc cô ấy rằng, sau đây, cô ấy hãy liên lạc với giáo viên chủ nhiệm lớp, hỏi tên và địa chỉ của gia đình em học sinh để đến cám ơn em ấy và gia đình.
  Cô ấy ra về trong nỗi sướng vui khôn tả. Còn chúng tôi, khỏi phải nói, cũng mừng vui hết sức. Trong một thực tại xã hội mà có không ít những biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức ngay từ lứa tuổi thiếu niên như tham lam, dối trá …, thì những việc làm như  nhiều em học sinh của chúng tôi là vô cùng đáng quí. Tôi không dám nhận vơ rằng, hành vi tốt đẹp của các em là hoàn toàn do sự giáo dục của nhà trường. Tôi rất hiểu rằng, đó, phần lớn là do các em tự hoàn thiện mình từ những điều học được. Cùng một lúc, chúng ta dạy nhiều học sinh như nhau. Nhưng có phải em nào cũng nhận thức và hành xử được như em học sinh bắt được chiếc ví kia đâu! Bởi vậy, cách ứng xử của em ấy thật đáng trân trọng biết bao!
  Thế nhưng, chỉ hai ngày sau đó, tôi nhận được thông tin về cách ứng xử của vị phụ huynh chủ chiếc ví nọ. Vẫn là sếp trưởng của tôi thông báo với tôi rằng: Bố của em học sinh đó tình cờ gặp sếp trưởng. Ông ấy kể về việc cô kia đã gửi qua người khác cho con ông ấy một trăm ngàn Việt Nam đồng. Ông ấy không tỏ thái độ gì về điều đó. Nhưng ông ấy bức xúc về việc khi ông ấy điện lại thăm hỏi, cô kia đã trả lời ông rằng cô ta nhận được ví rồi, còn tiền đủ hay không thì cũng cứ cho rằng đã đủ!
  Sếp tôi nói thêm rằng sếp đã hẹn gặp lại vị chủ nhân của chiếc ví kia tại trường.
  Các cán bộ giáo viên của tôi nghe được chuyện về cách hành xử của người chủ chiếc ví thì rất bất bình và phản ứng dữ dội. Họ phản ứng là lẽ đương nhiên. Em học sinh kia nếu tham lam thì em có thể giấu đi cả chiếc ví, sao em phải lấy một vài đồng để “có đủ hay không …”. Và hẳn em ấy cùng gia đình sẽ cảm động nhận một lời cám ơn trực tiếp và thật lòng, hơn là nhận một trăm ngàn đồng gửi qua người khác! Mọi người còn bình luận rằng, nếu tôi không nhắc trước, thì đến một trăm ngàn đồng, cô ta cũng chẳng buồn gửi để cám ơn.
  Tôi hiểu những nỗi bực dọc của đồng nghiệp. Và khi gặp lại người chủ của chiếc ví, tôi sẽ chỉ nói vài câu thật ngắn, rằng: Lẽ ra trước đây, chị chỉ cần cám ơn em ấy. Nhưng bây giờ, chị phải xin lỗi em ấy, rồi hãy cám ơn sau!

  (Hải Yến)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét