1. Bắc Hà đêm nhỡ nhàng…
Theo kế hoạch, đoàn lãng du chúng tôi gồm 2 nhà văn già và 1 nhà văn sắp già sẽ đến Bắc Hà chiều tối thứ Bảy 8/6/2013, cũng như mọi du khách khác, nhằm chơi phiên chợ Bắc Hà. Đã có nhiều bài báo nói về phiên chợ vùng cao này. Bắc Hà bình thường là một thị trấn miền núi êm đềm vắng vẻ, chỉ có chủ nhật bỗng rộn ràng đầy mầu sắc, nhộn nhịp bước chân người đi chợ của người Mông, người Dao quanh miền núi Bắc Hà.
Tuy nhiên, chúng tôi không biết rằng, ngày Chủ nhật 9/6 là ngày cả năm mới có một, đó là ngày chung kết Hội đua ngựa Bắc Hà. Thế là, chúng tôi “ăn đủ” hậu quả của lễ hội này, chưa biết nó diễn ra thế nào, mà suýt nữa chúng tôi không tìm được chỗ ngủ đêm.
Mới vào đầu thị trấn, tôi đã thấy mấy anh xe biển số Hà Nội đi vòng vèo khắp thị trấn. Hóa ra họ cũng như chúng tôi, đi tìm khách sạn. Thị trấn có khách sạn Ngôi Sao lớn nhất, khoảng mấy chục phòng, còn lại khoảng gần chục khách sạn tư, nhà nghỉ và tất cả đều đã hết phòng. Ban tổ chức và khách dự lễ hội phải được ưu tiên trước, sau đó mới là khách du lịch. Một thị trấn nhỏ bé đi mấy bước chân đã hết, thì bỗng có một lượng du khách đổ về như thế này, quả là quá tải.
Một khách sạn tư nhân nói họ vừa có đúng 1 phòng, giá 1 triệu một đêm chỉ cho 2 người ngủ. Giá mà nhét thêm 1-2 người thì chúng tôi cũng tắc lưỡi ok, nhưng chủ khách sạn nhất định không đồng ý, và chỉ chúng tôi đi Bản Phố, một bản gần thị trấn. Đi khoảng mươi cây số thì đến Bản Phố. Bản có khoảng hai chục nóc nhà. Đầu bản có một nhà sàn gỗ mới làm, thì có một nhóm khách Hà Nội đã thuê bao hết. Không có nhà thứ hai để cho khách nghỉ. Một anh thanh niên khoảng ba mươi tuổi bảo chúng tôi: Để tôi về hỏi vợ xem có cho khách thuê ngủ không? Lát sau, anh ta đi xe máy đến gật đầu. Chúng tôi theo anh về nhà. Đó là một căn nhà xây mới như nhà người Kinh, ngó vào thấy một gian có máy tính, có tủ lạnh, ti vi, máy giặt… bèn hỏi: Anh cán bộ xã à? Anh ta gật. Song có điều… gay go là nhà ngổn ngang kinh khủng, ruồi muỗi đông lắm và bốc mùi hôi đặc trưng của quần áo lâu không giặt. Anh chủ nhà chỉ 2 giường đang ngổn ngang bừa bãi đệm với chăn, nói sẽ dọn cho du khách nghỉ. 300.000 đồng một giường.
Chúng tôi nhìn giường chiếu ái ngại, rồi tính bài chuồn, nói nước đôi, đi ăn ở thị trấn rồi về sau…
Khi trở ra thị trấn, thì chúng tôi thấy ba bốn xe bảy chỗ rồng rắn đi tìm nhà ngủ vẫn rồng rắn thế. Tôi bèn đỗ xe, nhằm một công ty bề thế, hỏi ngủ nhờ. Hóa ra trong khu nhà văn phòng đó, cũng toàn khách Hà Nội lên, trải chiếu nằm đất. Người chủ nhà săm sắn gọi điện đi các nhà khác để hỏi xem còn chỗ cho ngủ không, cuối cùng mới chỉ sang bên kia đường, nói “con bé bên kia có thể cho ngủ thuê đấy”
Sau này, chúng tôi mới biết, người chủ công ty đó chỉ đến nước cuối cùng mới bảo chúng tôi sang thuê ngủ ở nhà này…
Chủ nhà là một cô xưng 47 tuổi, nhưng đẹp mặn mà, tươi cười trẻ hơn tuổi nhiều. Cô ta đang bán rượu. Một gian hàng với những cái can 1 lít trắng phau, kẻ tấm biển “Rượu men Bắc Hà”. Nhà chỉ có 2 vợ chồng, một đứa con đã đi làm ở Hà Nội. Cô ta chỉ cho chúng tôi 2 phòng ngủ của gia đình, chung 1 toa-let, và ra giá 600.000 đồng. Phòng ốc sạch sẽ, thoáng sạch, chúng tôi ok liền.
Thế là tất cả thở phào, tưởng phải ngủ ngồi trên xe, giờ lại có chỗ ngủ ok lắm. Bắt đầu bàn đi ăn tối rồi về ngủ, đi cả ngày cũng thấm mệt. Cô chủ nhà nhanh nhẩu bảo: Các bác đi ăn đâu, về nhà bà chị em, nấu thắng cố ngon lắm, để em dẫn.
Thế là cô chủ nhà nhanh chóng khóa nhà, nhảy lên xe, đi vài trăm mét, đúng đến cổng chợ, vào nhà bà chị dâu…
Bắt đầu từ đây, chúng tôi mới nhận ra mình là du khách bị chém đẹp như thế nào…
2. Bắc Hà tận thu…
Khi chuẩn bị ăn tối, Nhà thơ Ngọc Bái nói chuyện: Ông đã gọi điện cho Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lào Cai, thì được biết, ông Sơn phản đối chuyện bán vé xem đua ngựa ngày mai, nên ông không đến Hội Đua ngựa. Một lễ hội cho đồng bào Mông nghèo, nhưng huyện và tỉnh lại đặt vấn đề bán vé, là chệch mọi tiêu chí. Bán vé 5000 đồng, số tiền rất nhỏ, nhưng người Mông nghèo cũng không thể có tiền đó mua vé. Vả lại, hội đua ngựa xuất phát từ đời sống người Mông, giờ bán vé là mang chất thương mại vào đó, không hay. Năm nay là lần đầu tiên bán vé vì các năm trước đều tự do vào xem cả…
Thảo nào, chúng tôi thấy mấy cái bàn ghi chữ “Ban tổ chức” to tướng, rồi có chữ “bán vé” cũng rất to, bên ngoài khách sạn Sun, cổng chợ.
Bữa ăn khá vui. Nhà văn Lê văn Thảo còn cao hứng tán tụng chị chủ nhà, xưng là chị sui, ý muốn gả con cho nhau. Ông Thảo còn hào phóng mang nửa chai Remy Martin còn lại, đãi khách chủ nhà là cháu chắt từ Hà Nội lên. Hai mâm các cháu ngồi chiếu, còn chúng tôi những ông già thì ngồi bàn.
Bữa cơm có Khâu nhục, có xôi, có canh, và hai bát thắng cố ngựa. Tôi nghĩ đó chỉ là những bát canh lõng bõng, nhưng chủ nhà bảo là thắng cố, thì cũng khen ngon thôi. Sau đó, mỗi bát canh như vậy, chủ nhà tính 200.000 đồng. Một bát canh lõng bõng không có mấy miếng thịt mà 200.000 đồng. Không biết nói ra sao nữa.
Hôm sau, nhà văn Lê Văn Thảo và nhà thơ Ngọc Bái bảo tôi: Nhất định phải vào chợ Bắc Hà ăn thắng cố “trả thù”. Ba chúng tôi vào chợ Bắc Hà khi đó khoảng 9 giờ. Mọi người dồn hết về sân vận động xem đua ngựa, nên chợ vẫn không đông. Có khoảng 20-30 chủ bán thắng cố ở chợ. Chúng tôi được biết, ở chợ cứ 200.000 đồng một bát là giá chung rồi. Nhưng bát thắng cố ở chợ đầy ú ụ, thịt rất nhiều. Bát thắng cố này gấp 5-6 lần bát thắng cố loãng lõng bõng tối hôm qua…
Ban tổ chức lễ hội đua ngựa thì tận thu bán vé, khách sạn chém du khách tìm chỗ ngủ, cô chủ nhà tươi cười chém du khách ăn tối. Bắc Hà một năm có một ngày bội thực du khách nên mới thế ư? Tối đi ngủ, chúng tôi chịu một sự cố nhỏ, đó là tự nhiên một cái van xả nước trong nhà tắm bật ra, khiến ông chủ phải lần mò khóa van tổng lại, thế là không dùng được phòng vệ sinh. Sáng hôm sau phải chạy xuống tầng đánh răng, rửa mặt. Khi trả tiền phòng, chủ nhà ủy nhiệm cho cô em gái đến thu tiền, hài hước là cô chủ nhắn tin đòi thêm 100.000 đồng tiền cái vòi nước. Lúc này, du khách không bình tĩnh được nữa. Vòi vòi cái gì, chúng tôi không phạt vì không sử dụng nhà vệ sinh thì chớ, lại còn đòi tiền là cái kiểu gì? Thế là cô em chủ nhà đành chống chế thôi không đòi nữa…
Tôi thường nghe, Bắc Hà một tuần sống cho ngày Chủ nhật phiên chợ, một năm sống cho một ngày đua ngựa. Song cái cung cách nhỏ bé ti tiện thế này, thì còn lâu Bắc Hà mới thành một địa chỉ du lịch ra hồn…
đi chợ |
3. Bắc Hà màu sắc…
Hàng thổ cẩm, người Mông bán hàng |
Màu chủ đạo ngày phiên chợ chủ nhật ở Bắc Hà là mầu đỏ. Người Mông xuống chợ đi từng đoàn, đỏ rực cả đường. Cách Sa Pa có mấy chục cây số, mà Bắc Hà vẫn giữ được nhịp sống phiên chợ vùng cao đầy mầu sắc. Chỉ phiên chợ thôi, các hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa, như cuộc sống vẫn thường tiếp diễn như thế, đã là một đặc sản du lịch rồi.
Nếu mai đây, người ta xây cho Bắc Hà một cái chợ bề thế, thì sẽ thế nào? Thì phiên chợ Bắc Hà sẽ vĩnh viễn mất đi, như Sa Pa đã từng mất chợ.
Có một hoạt động ăn theo lễ hội du lịch, đó là Hội chợ hàng nông sản các tỉnh phía Bắc. Người ta mang sản vật đến, trưng bày và bán trong các gian hàng vuông vắn, nhưng bán vé cho người vào chợ. Nghe nói cũng 5.000 đồng một vé. Vào sáng chủ nhật, tôi nhìn vào cổng chợ, thấy những gian hàng vắng vẻ đáng thương…
Có một hoạt động ăn theo lễ hội du lịch, đó là Hội chợ hàng nông sản các tỉnh phía Bắc. Người ta mang sản vật đến, trưng bày và bán trong các gian hàng vuông vắn, nhưng bán vé cho người vào chợ. Nghe nói cũng 5.000 đồng một vé. Vào sáng chủ nhật, tôi nhìn vào cổng chợ, thấy những gian hàng vắng vẻ đáng thương…
Cổng vào Hội chợ Hàng nông lâm sản, anh bảo vệ rỗi rãi với khu chợ vắng teo |
Có thể thấy phố xá Bắc Hà một nhịp sống mang dáng vẻ truyền thống xa xưa, không mấy bị thị trường hóa giống như những vùng xuôi. Người Mông đi chợ, mang xe máy để gọn thành một chỗ ở đoạn phố gần chợ, và không có ai trông hay thu tiền trông xe. Xe ngựa đi nhong nhong trên phố. Có người dắt ngựa thồ đi giữa phố bên cạnh những chiếc ô tô bóng lộn. Nơi cổng chợ, cổng chùa, những người bán mận làm thành một chợ mận nho nhỏ. Đang mùa mận Tam Hoa, thứ mận làm nên tiếng tăm của Bắc Hà. Năm nay mưa đá, nếu nhìn thấy mận trơn tru không sứt sát thì chắc không phải mận Bắc Hà rồi. Rất đáng tiếc, tôi không ăn chua được. Ít khi tôi ăn hết một quả mận. Mận Bắc Hà chỉ để nhìn ngắm vậy...
Có cảm tưởng người Mông, người Dao Bắc Hà không nghèo khó như ở Hà Giang. Chợ Đồng Văn còn có vẻ hoang dã hơn, người đi chợ có những người không tiền, chỉ đến chợ thử rượu, say lăn quay ở chợ. Người Mông Bắc Hà có vẻ đầy đủ hơn. Tôi thấy mấy cô người Mông bán cho nhau bộ váy áo, 500.000 đồng một bộ. Một du khách nữ Hà Nội bảo tôi: Em mua váy áo ở Hà Nội chỉ 300.000 đồng còn tính chán. Tôi bảo: Nhưng cô có hàng chục bộ, còn đây cô Mông này có 1-2 bộ thôi. Sau đó, tôi hỏi cô Mông mua áo váy, cô bảo đã có 2 bộ rồi, giờ thấy đẹp thì mua nữa…
4. Lễ và hội…
Một vận động viên đang đi về sân vận động |
Trong khi hai nhà văn Ngọc Bái, Lê Văn Thảo ngồi ngắm phố, thì tôi đi ra ngó đua ngựa. Sân vận động Bắc Hà xung quanh là đường đi, chỉ có rào sắt. Nên ngay từ đầu, số có vé ít hơn số ngoài đường nhòm vào. Tất yếu phát sinh phương án của công an, là tháo khoán cho vào xem. Công an đi quanh sân, bảo những người đu bám hàng rào cái tin cho vào tự do. Nhưng một số thì chỉ thôi leo lên đỉnh hàng rào, chứ vẫn đu lên xem, vì chỗ hàng rào cao hơn…
Thực ra, đua ngựa Bắc Hà vẫn không thoát khỏi một nếp hội dân dã. Con ngựa là con vật yêu quý trong nhà người Mông, nên từ xưa, có những cuộc đua nho nhỏ giữa các tay đua trong bãi nhỏ giữa các xóm, vào dịp Tết. Ngựa Mông leo núi, rắn rỏi chịu khổ mà không to, có con nhỏ như con chó to. Nên khi cưỡi phi nước đại, vẫn thấy không hùng dũng. Khi đua, thì các tay đua không dùng yên ngựa, nên việc đua lại càng gần với sinh hoạt dân dã, không chuyên. Năm ngoái, có con ngựa phi rất hăng, dẫn đầu, nhưng cách đích có mấy mét, bỗng đứng ì ra, bỏ đi chơi. Đó cũng là cung cách không chuyên, đậm chất phong trào, từ chính con ngựa đến người đua ngựa… Với một lễ hội đua ngựa, Ban tổ chức chỉ nên tổ chức khéo léo giữ cho nó đúng chất dân dã, lôi kéo khách du lịch là chính mà thôi… Nếu không khéo tổ chức, rồi du khách sẽ chán, năm sau không còn được như năm trước. Lúc ở chợ Bắc Hà, các chủ hàng ăn nói chuyện: Năm ngoái thịt 40 con ngựa, thiếu to, năm nay rút kinh nghiệm, “liên đoàn” thắng cố thịt 80 con, nhưng đã nhìn thấy sẽ ế, vì tầm này năm ngoái đông gấp 2-3 lần…
Trong sân vận động |
người đàn ông ôm gà đi bán |
5. Từ biệt Bắc Hà…
Sắp từ biệt Bắc Hà, chúng tôi ngồi hồi lâu uống cà phê ở quán gần cổng chợ. Nhà văn Lê Văn Thảo chỉ cho tôi một ông người Mông ngồi ở gốc cây gần đó. Ông lão bán mấy chùm thảo quả, vài ba chai rượu ngâm các thứ cây. Ông Thảo nói: Chính ông lão ấy cũng là một đặc sản, quảng bá hàng hóa. Năm ngoái ông Thảo đi Bắc Hà với Hoàng Thế Sinh, vẫn nhìn thấy ông già Mông này. Ông bảo đã 83 tuổi rồi, uống cái rượu này khỏe như hổ báo nhá… Khi tôi giơ máy ảnh lên chụp, ông xua tay không cho chụp và bảo: Có cho tiền không? Mày chụp mang tao đi nói xấu ở thế giới à? Một cái gì đó thương mại hóa đã len lỏi vào tâm khảm người ở vùng này, điều mà Sa Pa đã ăn đủ rồi.
Mẹ con đi chợ (đằng sau là khách sạn Ngân Nga được cho là của ông họ Giàng) |
Có một cái tên mà Bắc Hà ai cũng biết, đó là Giàng Seo Phử. Ông quan huyện này giờ đã lên Trung ương. Một thời ông đã là anh hùng của vùng biên cương phía bắc, giờ thì ông là quan lớn và có nhiều nhà. Ai ở Bắc Hà cũng có thể kể về căn nhà hoành tráng ở đằng sau khu nhà vua Mông họ Hoàng. Có lẽ Giàng Seo Phử cũng đang tiến đến một cấp độ vua Mông. Không những dinh cơ mà ông đứng tên đằng sau nhà vua Mông họ Hoàng đó, người Bắc Hà còn biết rõ, ông họ Giàng còn là chủ hai khu dinh cơ bề thế ngay gần cổng chợ. Một hiện đang là Khách sạn Ngân Nga có cho Ngân hàng thuê mặt đường, và một khu to lớn hơn, đối diện bên kia đường, vốn là khu nhà Cục Thuế. Giờ thì Cục Thuế đã di dời đến địa chỉ mới, còn khu nhà Cục Thuế cũ sẽ về tay ông họ Giàng. Thị trấn bé nhỏ, như một cái làng Việt, nhất cử nhất động gì dân chúng cũng biết, không thể giấu được. Không biết mấy ngôi nhà to lớn có vị trí đắc địa ấy có thực của ông Giàng Seo Phử không? Nếu không phải thì sao dân Bắc Hà lại đồn thổi như vậy. Nhìn những người Mông đi chợ, dù cho có vẻ không nghèo khó như vùng cao Đồng Văn, nhưng họ vẫn là những người nghèo, rất nghèo. Cộng đồng Mông còn lắm chuyện phải làm để thoát nghèo đói, thoát nạn tảo hôn, cải thiện hình thể… Còn một đại diện người Mông vào chính quyền như ông họ Giàng, tích cóp làm chi lắm nhà đến thế?
Chúng tôi đến Bắc Hà, dù cho có những điều không may mắn, nhưng bù lại được sống với nhịp sống dân dã đậm chất truyền thống Bắc Hà. Ông Lê Văn Thảo bảo: Có dịp thì cứ nên đi, kẻo nhịp sống này biết đâu biến mất…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét