Bài tản văn về cha, Mai Hương viết giữa những ngày đông chí. Ở đó, Mai Hương tự bạch rằng mình muốn quên đi những ngày hạ chí nắng chói chang. Nhưng làm sao có thể quên? Bởi đó là ngày giỗ cha. Mười mấy năm đã qua, nỗi nhớ về cha dầu đôi khi tạm lắng, thì cũng không thể nói rằng nó đã nguôi ngoai. MH nghĩ rằng, những ai đã mất cha như MH đều có nỗi lòng ấy. Năm nay, ngày giỗ cha của MH chỉ sau NGÀY CỦA CHA không nhiều. MH lại mới nghe tin cha anh VKH đang ốm nặng. Và hẳn cha của nhiều anh chị lớp E tuổi cũng đã cao ... MH gửi đăng bài về CHA trên blog E. Em muốn nó như là một nén hương tưởng nhớ tới những người cha đã khuất, là một niềm mong mỏi sức khỏe hồi sinh cho những người cha đang phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, là một lời chúc sức khỏe hơn nữa cho những người cha may mắn tuổi cao nhưng gân cốt vẫn còn tạm ổn ... Những người cha của chúng ta, dầu còn sống hay đã mất, thì vẫn luôn là người đã truyền cho chúng ta niềm tin và nghị lực trước cuộc đời. (Mai Hương)
NHỚ CHA
Cứ những chiều rét tái tê như những ngày đông chí này, tôi lại nhớ đến cha tôi. Bởi những ngày đông chí xưa, cha tôi vẫn thường làm mọi việc để cho chúng tôi và căn nhà trống trải của tôi ấm lên. Tôi nhớ rằng, mùa đông ngày xưa rét lắm. Hay tại ngày đó nghèo, áo không đủ ấm nên tôi cảm thấy như vậy chăng? Anh em tôi đi chăn trâu. Cỏ trên bờ vùng khô trắng vì sương muối và gió bấc. Chúng tôi thả trâu dưới những ruộng chưa kịp cày ải, đất còn ẩm nên rau dừa, rau rệu vẫn mọc được. Mấy con trâu đen trâu trắng tha hồ ngao du góc này góc khác tìm rau ăn. Còn chúng tôi có việc của mình. Chúng tôi nhổ có may khô, chất thành đống, rồi lấy than trong “lò” ra nhóm lên. “Lò” của anh em tôi là do cha tôi làm cho. Một cái ống bơ, đục hai lỗ nhỏ gần miệng ống để buộc dây sắt nhỏ xách đi. Khoảng một phần ba ống từ dưới đáy lên, cha đục một lỗ to cỡ bằng ngón chân cái. Rồi chúng tôi chất vào đó mấy “viên than” hồng cùng những quả phi lao khô (Than cũng là quả phi lao cho vào bếp rơm đốt hồng lên). Thế là đã có một “lò sưởi” cho cả buổi chăn trâu. Trên đường dắt trâu đi, chúng tôi hơ tay trên miệng “lò”. Đến “lãnh thổ” của mình, chúng tôi mới nhóm đống lửa to như thế. Khi tôi nhóm lửa, thì anh tôi chạy băng qua một quãng bờ vùng mói khoai về vùi vào đống cỏ. Hồi đó, khoai đông trồng nhiều lắm. Anh tôi mói lấy mấy củ to rồi lại lấp đất cho luống khoai như cũ, cũng chẳng bao giờ chúng tôi bị kêu ca mắng chửi gì. Đống cỏ khô của chúng tôi gặp gió bấc, cháy rừng rực. Gốc cỏ may cháy lâu, còn âm ỉ mãi. Khoai chín, chúng tôi chia nhau ... Má đứa nào đứa nấy hồng rực vì lửa. Môi đứa nào đứa nấy đen sì vì vỏ khoai lang cháy ... Mấy chục năm qua rồi mà tôi chẳng bao giờ quên được mùi vị của khoai lang nướng trên bờ vùng thuở ấy: Thơm lừng, ngọt lịm và nóng hôi hổi. Nuốt đến đâu, nóng ấm đến đó. Khắp cánh đồng, gió bấc vẫn thổi lồng lộng ... Buổi trưa về nhà đã thấy cha đang trải ổ rơm. Cha bảo “No cơm tấm, ấm ổ rơm” là mơ ước đấy con ạ. Đúng vậy. Mùa xuân, khi rau má mọc đầy bờ ruộng, chúng tôi dắt trâu ra đồng, còn mang theo rổ và liềm để nhặt rau má về băm nấu độn cơm. Ngày nào cũng phải ăn thứ cơm đen ngòm rau má, chỉ ước ao một bát cơm trắng tinh chẳng phải độn gì. Cha tôi quây một lượt rơm thật dày, rồi mới trải chiếu lên. Tôi trèo lên nằm và còn nhún nhún trên đệm rơm ấy. Một cảm giác bồng bềnh, êm ái, dập dìu như nằm trên sóng. Và tôi nghĩ đến thảm lúa vàng lượn sóng rì rào trong nắng chiều đầu đông. Nếu được nằm trên sóng lúa ấy mà trôi đi mãi, mình sẽ đi về đâu nhỉ? Tối đến, học bài xong, chui vào nằm cạnh cha trong ổ rơm và nghe cha kể chuyện. Một cái ổ rơm, một cái chăn bông mỏng cũ kỹ và những lời kể của cha ... Tất cả, làm tôi ấm áp đến vô cùng. Gió bấc rít qua khe cửa tre cách giường có mấy bước chân, mà tôi thấy như nó ở đâu xa lắm. Cha kể chuyện cổ tích. Cha kể những ngày “cải cách ruộng đất”. Và đặc biệt, cha kể những ngày đi bộ đội đánh Tây của cha. Theo lời cha kể, thì mấy năm đánh Pháp mà cha tham gia ấy gian khổ lắm. Đêm khuya còn trèo đèo. Rét buốt còn lội suối. Hành quân, chờ giặc ... Và cha mang thương tật ở mắt trong một trận đánh, không bắn súng được nữa nên mới ra khỏi quân ngũ. Trí óc ngây ngô, non nớt của một đứa trẻ nhà quê như tôi ngày đó, vẫn còn ghi nhớ những lời hát cha dạy: “Bắc Sơn! Đây hố sâu mồ chôn ... Bắc Sơn! Nơi đó sa trường xưa/ Bắc Sơn! Đây núi rừng chiến khu ...”. Khi đó, tôi cứ hát theo cha như một con vẹt, không hiểu hết ý nghĩa của ca từ, nhưng tôi cũng mơ hồ cảm nhận được khí thế hào hùng của bài ca. Sau này lớn lên, mới biết, đó là bài hát “Bắc Sơn” của nhạc sĩ Văn Cao. Chuyện cha kể về “cải cách ruộng đất”, thì lúc đó, quả thật, tôi nghe mà chẳng hiểu gì. Sau này được học hành rồi, tôi nhớ lại lời kể của cha, mới chắp nối được thành chuyện cuộc đời. Rằng ông nội tôi bị “quy” sai thành phần. Sau đó, dầu có được sửa sai, nhưng cha vẫn không được kết nạp vào Đảng. Dù không được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng tôi thấy tinh thần cha tôi không hề thua kém bất cứ người Đảng viên Cộng sản chân chính nhất nào thời đó. Chuyện cổ tích cha kể thì nhiều vô cùng. Từ “Tấm Cám”, “Sọ Dừa”, “Thạch Sanh” của Việt Nam đến “Con Ngỗng Vàng” của Grim người Đức. Đến khi tôi đã đi học, tự đọc được rồi, cha đưa cho tôi những tập truyện cổ tích để tôi đọc. Tôi nhớ là, cha mua đủ cả 5 tập “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi. Trong phần “Khảo dị” cuối mỗi truyện, lại có rất nhiều câu chuyện cổ tích của thế giới được giới thiệu thêm. Có lẽ, tâm hồn văn chương, trí óc tưởng tượng của tôi, đã được hình thành từ những lời ru ầu ơ của bà trên cái võng đay rách, và càng được chắp cánh bay bổng thêm lên từ những câu chuyện cổ tích cha kể trong cái ổ rơm. Cha tôi làm Thư ký của Hợp tác xã nông nghiệp. Bởi ngày nhỏ, cha là con nhà hào phú, được học hành. Cha viết chữ đẹp và tính toán giỏi. Tôi nhớ những chiều đông mưa phùn gió bấc, anh em tôi không phải dắt trâu ra đồng chăn, u tôi mang rơm khô cho trâu nhai, tôi ngồi thu lu trong ổ rơm, nhìn ra ngoài trời rét mướt. Lâu lâu, tôi lại thấy cha tôi rời khỏi đống sổ sách đang làm, ra che chắn cho lũ gà con. Cha bảo, từ lúc rét thế này cho đến hết mùa hoa xoan, gà rất hay toi, phải nhốt lại, không thả rông nữa. Tôi nhớ đến những chùm hoa xoan tim tím, li ti rất đẹp của mùa xuân năm trước. Hoa rụng đầy ngõ. Trong tiết đông chí này, nhìn lên, chỉ thấy những cành xoan trơ trụi như những cánh tay khẳng khiu. Tôi thắc mắc hỏi cha: Mùa hoa xoan ấm rồi sao gà còn chết rét? Cha giải thích rằng: gà cứ mổ hoa xoan ăn nên bụng chúng trương lên và chết. Ngày nay, vào trong làng, nhìn khắp lượt chẳng còn thấy một cành xoan, dù là khẳng khiu nhất. Thế mà gà vịt cứ toi hàng đàn vì dịch cúm H5N1 và những dịch gì gì nữa.. Cha tôi luôn lo lắng cho cả nhà như thế trong những ngày đông chí rét mướt cóng tê. Nhưng cha lại ra đi vào một ngày hạ chí nắng chói chang. Bệnh cao huyết áp làm cha đi đột ngột ở tuổi 65. Đó là một ngày đau xé lòng tôi. Bởi chiều hôm đó, tôi vẫn nói chuyện với cha. Gần tối, cha còn nhắc tôi mang con nhỏ về đi kẻo muộn. Nửa đêm, đã có tin báo rằng, cha mất rồi. Khi cha ra đi, năm đứa con của cha không có đứa nào bên cạnh Người. Cha cũng chẳng trăng trối lại được điều gì với u tôi. Khi tôi đến nơi, cha tôi chỉ còn là một dáng hình bất động. Tôi thấy tim mình như ngừng đập. Và tôi ngã ngồi xuống cạnh chỗ cha nằm ... Trưa hôm sau, một buổi trưa nắng như thiêu như đốt, người ta làm lễ đưa cha tôi về cõi vĩnh hằng theo nghi lễ của một cựu chiến binh. Tôi thấy bốn cựu quân nhân mặc lễ phục đứng nghiêm như tượng ở bốn góc quan tài cha. Nhìn người đứng gần nhất, tôi thấy mồ hôi ông nhỏ từng giọt, từng giọt xuống nền nhà. Phải chăng, đấy là cách khóc đồng đội mình của các cựu chiến binh? Ít ngày sau đó, khi sắp xếp đồ đạc của cha để lại, chúng tôi càng nghẹn ngào. Mấy túi toàn truyện thiếu nhi, truyện cổ tích của cha từ những năm nào, cha đọc để hết kể cho con rồi lại kể cho cháu. Mấy cái răng cha tự nhổ cũng được gói bọc cẩn thận. Và mấy triệu đồng, cha cặp riêng từng trăm một. Đó là số tiển ít ỏi cha để dành từ lương thương binh hàng tháng. Truyện, thì tôi chia cho con cháu mỗi đứa một ít. Tiền, thì giao lại cho u. Còn mấy cái răng của cha, chúng tôi dặn u cất cẩn thận để khi nào sang cát cho cha thì bỏ vào cho đầy đủ. Tôi muốn quên những ngày hạ chí đau cháy lòng ấy. Nhưng những ngày đông chí rét tê tái như thế này, tôi lại rưng rưng nước mắt khi nhớ về cha. (Mai Hương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét