Ngô Công Thành
Quanh đi quẩn lại đã sắp đến ngày 21/6 – ngày nhà báo Việt Nam. Giờ thì chẳng có ai còn nhớ đến nhà báo NCT nữa rồi. Cái nghề báo nó bạc bẽo thế!
Hai mươi năm trước, tôi đã háo hức vô cùng khi được nhận vào làm ở Báo Đầu tư (lúc ấy có tên là báo Việt Nam Đầu tư nước ngoài). Ngày ấy tôi đang là kĩ sư ở Nhà máy Dụng cụ số 1 Hà Nội. Thời điểm ngành cơ khí bắt đầu xuống dốc, công việc cạn dần, đồng lương chết đói. Các kĩ sư đa phần đều phải kiếm thêm việc làm ngoài, không thì cứ ngồi “rung cu” ở nhà máy.
Ông anh đồng hao với tôi trước cũng là kĩ sư cơ khí thủy lợi sau chuyển về Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư. Năm 1991 Báo Đầu tư thành lập ông ấy được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Biên tập rồi lên Phó Tổng Biên tập (tiếng anh là Deputy Editor in chief). Thỉnh thoảng Chủ nhật tôi đến thăm, cứ thấy ông anh luôn bận rộn viết lách. Rót chén trà mời tôi, anh nói một cách khoái chí: “từ sáng tới giờ mới kiếm được 200 ngàn”. Hai trăm ngàn lúc đó gần bằng tháng lương kỹ sư bậc 5 của tôi. Một hợp đồng nhiệt luyện dụng cụ bao nhiêu là việc nặng nhọc mà chỉ được dăm chục ngàn. Trước mắt tôi lúc đó, nghề phóng viên cứ như là một cô người mẫu chân dài; cổ, tay và chân lấp lánh ánh kim. Thế là tôi nghiên cứu cách tiếp cận nghề báo. Biết ông anh hay thơ phú, tôi làm một bài thơ tặng vợ (tôi nhớ đầu đề bài thơ là “Em học tiếng Anh”) rồi đưa anh xem. Ông anh gật gù bảo: thơ chú mày được đấy, thử chuyển sang viết báo xem sao!
Thế rồi, anh giới thiệu tôi sang điếu đóm cho Ban Thư ký tòa soạn Báo Đầu tư, ngồi tập “đọc morat” các bài báo đã lên trang, tức là rà soát lại lỗi chính tả và các lỗi về hình thức trang báo. Đang là một kỹ sư có tay nghề khá, Đảng ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đảng ủy một đảng bộ có 176 đảng viên, Bí thư chi bộ phòng Thiết kế - công nghệ nhà máy mà dám nghỉ không lương đi làm điếu đóm nghề báo thì quả thật cũng dũng cảm đấy chứ! chỉ kém Trần Quang Hưng bỏ nghề Thanh tra chất lượng ra làm ngoài và Nguyễn Xuân Hưng bỏ chân Phó Quản đốc phân xưởng đi làm báo mà thôi.
Lúc đó toà soạn báo Đầu tư đang có chuyện lục đục giữa Ban Biên tập do ông anh tôi phụ trách và Ban thư ký tòa soạn do ông Nguyễn Trí Dũng (anh trai Nguyễn Thế Hào Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên bây giờ) phụ trách. Ông Dũng vốn tính kiêu căng, lại nghĩ tôi là gián điệp của Ban Biên tập cài cắm nên không cho tôi làm bất cứ việc gì. Thế là sau hai tháng thức đêm thức hôm mà vẫn không tiếp cận được công việc, tôi bị sa thải, lại quay về nhà máy với công việc thường ngày. Tuy vậy, tôi vẫn không từ bỏ ý định phải trở thành nhà báo để chứng minh khả năng của một cựu học sinh chuyên toán cho ông Nguyễn Trí Dũng và những kẻ đã chê bai, ruồng rẫy tôi thấy được họ đã sai lầm khi coi thường người khác. Tôi mượn các tờ báo tiếng Anh về dịch ra tiếng Việt, nghiên cứu cách viết của bọn tây xem khác ta thế nào và tập viết theo chúng. Tôi xin ông anh cho tôi làm cộng tác viên để thử thách trình độ. Rồi tôi in một loạt các-vi-dit, tự xưng là phóng viên báo Đầu tư, lấy địa chỉ, điện thoại ở phòng công nghệ của tôi và nhắc nhở anh chị em trong phòng: nếu có ai gọi đến gặp nhà báo NCT trong lúc tôi đang làm việc ở xưởng thì cứ bảo tôi đi xuống nhà in, bài được đăng có nhuận bút sẽ chiêu đãi cả phòng. Tôi tra cứu trên các báo và tạp chí tiếng Việt, thu lượm thông tin liên quan đến các dự án có hợp tác quốc tế, như dự án VIE, dự án ODA rồi tìm cách liên hệ xin tài liệu viết bài. Lúc ấy các nhà báo khác ít để ý đến chuyện này, vì họ có quá nhiều lời mời đến dự hội nghị, lễ ký kết hợp đồng liên doanh, khởi công, khai trương, viết bài tuyên truyền...
Nguyễn An Duy là người giúp tôi có bài đầu tiên đăng báo Vietnam Investment Review. Hồi ấy Duy đang công tác ở Vụ Đông Bắc Á Bộ Ngoại giao trực tiếp theo dõi Triều Tiên và Hàn Quốc. Buổi tối sau khi tan học lớp cử nhân tiếng Anh ở Đại học sư phạm, khoảng hơn 20 giờ hàng ngày, tôi rẽ vào nhà Duy ở Nghĩa Tân, nghe Duy giảng giải về cách viết báo tây. Có hôm Duy đọc, còn tôi chép lại thông tin về dự án may mặc của Pang Rim đang triển khai đầu tư ở Phú Thọ. Tin được đăng, lĩnh nhuận bút 50.000 đồng, tôi mang đến nộp Duy cả. Bạn vui vẻ nhận phong bì đút ngay vào túi không nói năng gì. Sau bài báo này tôi tự tin hơn, cứ thấy đề tài gì viết được là gửi đi. Ngày ấy Hà Nội bắt đầu có xe buýt, tôi viết bài phóng sự: “xe buýt Hà Nội niềm vui nỗi buồn”, nêu ý kiến của hành khách đi xe buýt mà nhiều người là cán bộ, công nhân nhà máy tôi; rồi “nghề rửa xe máy ở Hà Nội”, những tin về dự án hỗ trợ kỹ thuật (VIE) ở Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông có khá nhiều. Bọn tây có vẻ thích những bài viết kiểu này. Có lần, 5-6 bài và tin của tôi xuất hiện trên một số báo. Các anh ở Ban Biên tập thấy tôi viết được, quyết định giao cho tôi phụ trách mảng Xây dựng và Giao thông, mỗi tuần phải nộp ít nhất 2 bài đạt tiêu chuẩn đăng báo. Ngày ấy, phóng viên biết viết bài về kinh tế còn ít, Báo Đầu tư muốn tuyển phóng viên từ các báo khác mà không được, nên tôi mới có cơ hội. Tôi vừa ăn lương kĩ sư ở nhà máy vừa viết bài cho Báo Đầu tư rất đều đặn, giống như một phóng viên bình thường nhưng chỉ hưởng nhuận bút, không được nhận lương báo.
Một lần tôi đến Sở Nhà đất Hà Nội xin được bản kế hoạch bán biệt thự do Pháp xây dựng mà thành phố đang quản lý cho người nước ngoài. Tôi viết bài “Hà Nội bán biệt thự cho người nước ngoài”. Khi báo ra, ngồi họp Ban Biên tập rút kinh nghiệm, lật tất cả các trang chẳng thấy bài của mình đâu. Tôi phân vân: “chẳng lẽ bài có thông tin giá trị thế mà không được đăng?”. Đến khi Trưởng Ban Biên tập biểu dương bài viết tốt mới biết bài của mình được đăng hoành tráng trên trang nhất. Chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện đó, vì trang nhất bao giờ cũng dành cho những cây bút lớn và những nhà lãnh đạo, không ngờ bọn tây bình đẳng, vô tư thế.
Cuối năm 1993, Tòa soạn quyết định mở thêm tờ Việt Nam Đầu tư bằng tiếng Pháp, tình trạng thiếu phóng viên càng trở nên trầm trọng. Tôi đã có hơn 60 bài và tin đăng trên Báo Đầu tư tiếng Anh. Thế là Giáo sư Nguyễn Mại - Tổng Biên tập quyết định nhận tôi về báo, chẳng cần phải kiểm tra ra mắt, quà cáp gì. Nhưng Giám đốc nhà máy, ông Bùi Văn Đắc lại không muốn cho tôi đi. Tôi đành xách chai rượu tây đến nhà ông, gặp bà vợ nói chuyện “viết báo được Tây tặng rượu mang đến biếu cô chú”, rồi bày tỏ nguyện vọng chuyển công tác. Sáng hôm sau tôi lên phòng giám đốc, thấy ông có vẻ niềm nở hơn. Ông yêu cầu tôi viết một đề án mở hướng phát triển cho xưởng nhiệt luyện của nhà máy rồi mới được đi. Tôi về soạn thảo chương trình đầu tư phát triển phân xưởng Nhiệt luyện đến năm 2000, xác định thị trường, tập trung thâu tóm sản phẩm cần nhiệt luyện chất lượng cao của toàn bộ khu vực phía bắc. Giám đốc mời chuyên gia Vụ Khoa học công nghệ của Bộ Cơ khí Luyện kim xuống thẩm định. Ông chuyên gia tên Hùng nói với tôi: “cậu viết đề án đầu tư gì mà như viết báo thế?”. Giữa tháng 12 năm 1993 tôi chia tay nhà máy, chấm dứt một quãng đời bi tráng để trở thành phóng viên chính thức của Báo Đầu tư trước sự ngưỡng mộ của mọi người. Tôi nghiệm ra, những ý tưởng văn học mà cô Tâm đã truyền dạy cho mình thời cấp 3, rồi những bài thơ có được từ mối tình đơn phương với cô bạn tóc dài thời đại học chẳng hề uổng phí chút nào. Văn mà có sự logic của toán thì rất phù hợp với nghề báo.
Ít lâu sau, tôi được chuyển lên làm Biên tập viên, đảm nhiệm công việc “dịch tiếng ta ra tiếng Việt” các bài báo của phóng viên gửi về, để khi dịch sang tiếng Anh bọn tây có thể hiểu được mà biên tập thành bài báo trên Vietnam Investment Review. Rồi tôi được tham dự lớp đào tạo viết báo kinh tế do Reuters tổ chức dành cho phóng viên viết về kinh tế ở Việt Nam (Mở danh sách các nhà báo trên toàn cầu được Reuters đào tạo năm 1994 vẫn có tên NCT đấy nhé). Trình độ của tôi được nâng lên một bậc sau khi theo học lớp phóng viên quốc tế do Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương tổ chức ở Đại học Chualalongkon (Bang Kok – Thái Lan) đầu năm 1996. Việt Nam có 6 người, giờ 2 người nữ đã về hưu, ba người nam khác đều giữ trọng trách ở các tờ báo lớn: anh Nguyên ở cùng phòng với tôi giờ là Tổng Biên tập Báo QĐND, Minh Hùng là Phó Tổng Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, Đình Chúc là Tổng thư kí tòa soạn Báo Lao động. Tháng 9 năm 1996, sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Phó Ban Biên tập bất thành, tôi xin chuyển sang làm chuyên viên quản lý dự án đầu tư nước ngoài, nhưng một thời gian dài sau đó vẫn làm cộng tác viên cho báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế sài gòn, Diễn đàn doanh nghiệp, Thời báo kinh tế Việt Nam, với một loạt bút danh: Công Thành, Thành Công, Hải Thanh, Thanh Minh, Minh Quế...
Mỗi bút danh được chọn đều có lý do của nó, nhưng tôi ấn tượng nhất khi chọn bút danh Minh Quế để đăng các bài viết trên tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn. Minh là tên bà vợ tôi, còn Quế là tên người yêu cũ của bà ấy đang công tác trong ngành công an thành phố Hồ Chí Minh. Tôi biết, đời phóng viên lúc nào cũng bị người ta chửi. Viết hay quá người ta cũng vỗ đùi chửi: “Tiên sư cái thằng ... viết hay thế”, Viết dở thì người ta chửi: “ Tổ sư cái thằng... viết láo quá”. Vì thế, tôi đã chọn một bút danh có thể làm dịu đi cái “ghen đàn ông” trong mình.
Không biết người khác thế nào, chứ với tôi, hằng năm, cứ đến ngày 21/6 là những kỉ niệm về quãng đời làm báo lại ùa về tràn ngập trong ký ức. Chính vì thế mà tôi không thể bỏ được nghề báo, dù nó là một nghề bạc bẽo. Vẫn ham muốn viết, dù là viết không nhuận bút, viết trên blog chỉ để cho bạn bè đọc.(NCT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét