Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Sa Pa ngày gặp lại

Chuyến du hành Tây Bắc vừa qua, tôi sẽ kể cho các bạn một số chuyện, ngẫm nghĩ mấy điều, dần dần đăng. Dự kiến có bài về Sa Pa, Bắc Hà, Lục Yên, Mù Cang Chải... (NXH)
1.
Chín năm trước, đến Sa Panhân một hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi là một nhà báo. Tôi đã hẹn ông Bùi Quang Vinh, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai ở một khách sạn Sa Pa để phỏng vấn ông ấy. Bài đăng trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Giờ mở ra báo lưu là thấy ngay. Bây giờ, sau 9 năm, ông Vinh đã là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn Sa Pa mà ông ấy để lại cho Lào Cai (và cho tất cả chúng ta) là một Sa Pakhác.
Tôi đến và ngỡ ngàng không còn nhận ra đâu một Sa pa của năm 2004. Một cái hồ nước mới, nghe nói xuất hiện dịp 100 năm Sa Pa, những con đường mới mở. Phố mới, khách sạn mới… Và Sa Pa giống như phố cổ Hà Nội, giống như phố núi Hạ Long hay bất cứ nơi nào.

Tôi đi từ Than Uyên lên Sa Pa, từ một triền núi của dãy Hoàng Liên Sơn trôi xuống. Người Mông vẫn còn đi chợ, số đi bằng xe máy vẫn phóng vèo vèo không mũ bảo hiểm, và những người phụ nữ vẫn lầm lũi đi bên vệ đường đến Sa Pa. Chợ Sa Pa, nơi hát giao duyên của người Mông, cái chợ mang tên là “chợ tình” ấy đã đi vào dĩ vãng. Chín năm trước còn thấy người Mông mang cat-set tán nhau hoặc diễn cho khách xem, bây giờ thì du khách hình như cũng chán xem kịch… Người Mông Sa Pa bị đời sống thị trường dồn ép, người vốn tinh quái thì vẫn tinh quái, người khổ cực thì khổ cực hơn. Chụp ảnh ư? Đòi tiền ngay. Nhưng khối người vẫn chìa những thứ hàng hóa Trung Quốc ra chèo kéo khách. Một Sa Pa hình thức thì đã lột xác, nhưng sâu thẳm trong văn hóa thì một Sa Pa nhếch nhác vẫn y nguyên.
Chúng tôi ngồi nghỉ trong vườn quán đối diện với Nhà thờ Sa Pa. Từ đây nhìn thấy hết khu trung tâm, thật là một nơi dễ chịu để ngồi và ngắm phố. Nhà thơ Ngọc Bái có một bạn văn Sa Pa, cô ấy đến ngay và cũng ngay lập tức nói chuyện về tình hình văn học. Chuyện người viết văn, chuyện mấy cuộc thi văn chương… thì cũ như đình miếu. Khá khen thay những người mới chạm cửa văn chương còn đầy nhiệt huyết. Giống như tôi 9 năm về trước hy vọng vào một Hội nghị phát triển xóa đói giảm nghèo ở Sa Pa. Tôi đã hướng câu hỏi cho cô văn sĩ Sa Pa về những bản làng nghèo khổ gần Sa Pa, liền được nghe tả nỗi khổ cực của người Mông… Và, ngay lúc đó, một bà người Mông xuất hiện với những cái túi thổ cẩm nhỏ xíu trên tay đến để mời chào. Đó là túi thổ cẩm dệt hàng loạt của người Trung Quốc…
Xét cho cùng, Sa Palớn lên như một phố hiện đại cũng có cái hay. Nhà văn Lê Văn Thảo tìm thấy những chai rượu vang yêu mến ở một siêu thị nhỏ, vẫn những chai rượu ấy, ông phải mua giá đắt hơn ở Hà Nội. Mọi thứ hàng hóa đều có thể tìm thấy ở đây…
Những phố nhỏ xưa kia Sa Pangoằn ngoèo lối núi với mái tranh đã biến mất. Giờ đây, Khách sạn chễm chệ ngay tại nơi sâu hút nhất của ngõ nhỏ chỉ đủ vừa một cái ô tô đi, muốn quay đầu phải tìm chỗ nào đó… Chín năm trước, tôi đã sống một đêm Sa Pa đầy hương vị hư ảo. Sương đêm như chăn mỏng kéo la đà trên các phố yên bình đang ngủ. Khách du lịch đi rậm rịch ăn đêm, ngô nướng lập lòe phố nhỏ… Tôi đã tiễn một người bạn lên xe đi ngay trong đêm như thế… Chỉ có ở Sa Pa có hương vị ấy mà thôi.
Chín năm sau, giờ Sa Pa không còn nhận ra, giống như bạn cũ chân quê rất Sa Pa đã thành mệnh phụ, giống bất cứ ai nhìn thấy trên phố Hà Nội. Hoài cổ là một loại tâm lý của kẻ già cỗi, nhưng nếu ta không già đi, sao biết sự vật đang thay đổi thế nào… Giờ thì… Giờ mà gặp lại hay tiễn đưa, thì Sa Pa cũng giống như ở bất cứ đâu thôi…

2. Ghi chú
Bài thơ: Chia tay đêm Sa Pa

Một lần khúc khuỷu núi non,
lần nữa lại chênh vênh thác suối
Kia đỉnh cao và đây vực thẳm
Phố núi đêm hè sương lạnh chăn mây
*
Không hẹn mà cùng Sa Pa
Bên núi cao còn núi cao hơn
Qua khúc quanh còn khúc đường quanh nữa
Người gặp đã đi qua
Bỗng lại hiện ra kia chập chờn dáng ấy
*
Sương bay qua tay hạt móc đậu trên môi
Ngô nướng thơm trời rượu mời cay ruột
Người đi chưa đi, người về chưa khuất
Phố bần thần hỏi sương sa đẫm đất
Ta với mây đêm buồn mất nhau chăng?
*
Phố xá mấy bước chân
Sa Pa tận cùng đâu được?
2004


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét