Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Từ Lý thuyết đến Thực hành

Tối qua tình cờ đọc được một truyện ngắn do Vũ Trọng Phụng viết cách đây hơn 75 năm (1937) đăng trên tờ Tao Đàn số 7 ngày 1/6/1939, mới thấy nhà văn thời xưa tài quá, tài đến thế là cùng. Đọc truyện của ông mà trong lòng dâng đầy khoan khoái, thấy như cái nước mình vẫn đứng nguyên tại chỗ trong vòng 75 năm qua thì phải. Vậy là không thể kìm nén cái sự "sung sướng" lại được mà phải post lên đây  ngay để bạn nào chưa đọc thì  hãy đọc, bạn nào đã đọc rồi thì đọc lại để cùng nhau suy ngẫm. (BBT)

TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC HÀNH

Vũ Trọng Phụng
 Anh ta là một người Âu hoá. Thiên hạ kêu: chưa đủ. Riêng anh, anh tự cho đã Âu hóa hoàn toàn.
Ở Pháp về, anh chỉ giao thiệp với người Tây, chỉ yêu quý có người Tây, nhất là ông Chánh văn phòng của anh. Anh lại chỉ có nói tiếng Tây thôi, cho dẫu là những khi anh nói với những đồng bào mũi tẹt. Những việc ấy dễ, bởi không tốn tiền.

Đến những việc tốn tiền... Tuy không bữa nào cũng dùng "cơm Tây", anh cũng vẫn giấu bọn đồng bào An Nam rằng mình thường phải ăn cơm ta, có khi ăn cả rau muống và cà pháo. Tự trong thâm tâm, anh vẫn khen thượng đế đã ban phước cho cả cái giống An Nam được hưởng rau muống và cà pháo, rẻ lạ, ngon lạ, có thể khiến người ta quên thịt, cá... Nhưng anh không nói thế trước mặt thiên hạ bao giờ.
Thiên hạ chỉ thấy anh ăn ở, cử chỉ và ngôn ngữ hoàn toàn theo Tây. Còn đến cái bàn thờ ông vải trong nhà anh, giữa những đồ đạc hoàn toàn Tây phương, thì anh cắt nghĩa sau một cái so vai: "Để cho bà via khỏi la thét, nghĩa là để cho phải phép". Câu ấy, anh cũng lại nói bằng Pháp ngôn. Và, muốn dẫn chứng cho lời tuyên ngôn ấy, thỉnh thoảng anh lại mời các bạn hữu Tây, Nam đến tổ chức một cuộc khiêu vũ gia đình.
Trước bàn thờ, lẽ cố nhiên. Vì trong nhà chỉ có chỗ ấy là đủ rộng. Các ông vải đều đã kính phục cái Âu hóa ấy của con cháu đến tái cả mặt, nếu các ông vải vẫn còn có mặt để tái...
Nhưng sự ấy chưa phải là cái cốt yếu cho chuyện này.
Cái cốt yếu là một quan niệm đặc biệt Tây phương, Âu hóa cả trăm phần trăm, của anh, đối với một thứ tai nạn cũng từ Tây phương nhập cảng vào đây, xứ sở của mọi thứ cổ hủ của dân Đại Cồ Việt mũi tẹt da vàng chúng ta.
Sở dĩ anh nói rõ quan niệm ấy ra có lẽ cũng chỉ vì muốn thiên hạ phục mình là đã hoàn toàn Âu hoá.
Quan niệm ấy, là về nạn mọc sừng.
*
Nhưng mà, thì các ngài hãy trông xem! Đấy, anh đứng lên, đi đi lại lại, hai tay đút túi quần, trong khi cao đàm, hùng biện về một vài vấn đề, thỉnh thoảng lại tô điểm cho lý luận của mình bằng một vài cái gật đầu khoái chí... Chẳng ai lại có thể hùng hồn hơn! Cử toạ ngồi nghe đều hoặc đã kính phục hết sức bằng im lặng, hoặc muốn phản đối hết sức đấy, nhưng cũng chỉ dám phản đối bằng im lặng. Từ mồm diễn giả lần lượt chui ra những nghĩa lý kỳ quặc có khi ghê gớm, có khi như sự nguỵ biện, cũng có khi như sự lập dị, nhưng bao giờ, từ trước đến sau, cũng tỏ ra một tấm lòng vô cùng thành thực và một sự hiểu biết thấu triệt nó bắt buộc những ai muốn ngắt lời cũng phải cứ kính cẩn ngồi yên mà im lặng. Sự thành thực, dẫu sao đi nữa, ta cũng không thể dễ mà coi khinh, cũng như sự hiểu biết chu đáo đáng gọi là có đủ thẩm quyền ấy, khiến cho ta phải ngờ: diễn giả chính là kẻ "đoạn trường ai có qua cầu...".
Nhưng mà... thì hãy lắng tai nghe anh ta đã...
- Mọc sừng, sự ấy, nếu nó là một cái nạn, thì cũng chỉ là một cái nạn nhỏ, không đáng để ý mấy. Tôi không hiểu sao ai cũng chê cười một người chồng mọc sừng! Ngay ở bên Pháp nữa, thiên hạ cũng không thiếu lời chế riễu người mọc sừng. Đó là một sự dã man, vì người mọc sừng chỉ là một kẻ đáng thương. Mà cũng không đáng thương nữa, nếu ta nghĩ kỹ... Một là vì bị vợ ngoại tình, ấy chỉ là, như trên tôi đã nói, chịu một cái tai nạn quá đỗi nhỏ mọn, hai là mọc sừng, nếu là một cái khổ, thì cũng là cái thứ khổ của trí tưởng tượng ốm yếu của anh chồng mọc sừng mà thôi! Nếu muốn tin chắc chắn điều ấy hơn nữa, ta phải nói thêm thế này: ở một xã hội mà nhiều người chồng ngoại tình hay mọc sừng, chính đấy là dấu hiệu của văn minh. Vì sao? Vì hôn nhân, tự nó, là một điều khuyết điểm vô cùng, khi nó giải quyết vấn đề tình ái... Hôn nhân là cái giấy hợp đồng buộc lòng người trung thành suốt đời, trong khi lòng người, do đấng Thượng đế sinh ra, là một sự trừu tượng, tự nó nó chỉ muốn thay đổi, có mới nới cũ đó thôi... Lấy cái quan điểm của bọn nam nhi chúng ta mà xét, điều ấy càng rõ rệt. Đàn ông lắm khi chê vợ, chán vợ, thấy không thể chung sống với vợ được nữa, chỉ còn một cách ly dị, thì may sao đã tìm thấy phương tự cứu chữa, tự giải thoát, để tránh cảnh tan nát của gia đình và cái hận nghìn thu của lũ con cái thơ dại, ở sự tự an ủi mình bằng cách thỉnh thoảng lừa vợ một đêm, tìm cái hạnh phúc tạm bợ và điêu trá trong cánh tay "người vợ một đêm". Đã giản dị chưa? Lừa được vợ một đêm, thế là người đàn ông chê vợ phỉ chí, tự an ủi, đủ can đảm và hứng thú cứ chịu đựng mãi được người vợ mà mình đã thấy là khó chịu... Và những phụ nữ khôn ngoan, biết cái ngôi nội tướng của mình đã có bề lung lay, lắm khi đã nhắm mắt làm ngơ cho chồng. Phải thế mới được. Phải chịu đựng cái đau đớn nhỏ ấy, hoạ may mới tránh thoát cái đau đớn lớn hơn nó sẽ đợi ngày tức nước vỡ bờ, nó đến... Vì rằng đấng Thượng đế sinh ra thằng đàn ông, mục đích Ngài chính là để cho nó phản trắc đấy! Phản được rồi, nó sướng. Lòng tự ái được mơn trớn rồi, thì nó sẽ xử một cách nhã nhặn hơn với vợ nó, một người mà nó không lừa được thì nó sẽ giành cho những vố đau...
Một vài người cười ồ. Những thính giả khác chẳng ai nói gì cả. Vẫn nguyên cái đà hùng biện, anh ta tiếp:
- Bây giờ... đến lượt chúng ta tự đặt mình vào địa vị người đàn bà... Ô hay, sao chúng ta có thể ích kỷ đến thế được? Sao chúng ta lại không công bình một tý nào cả? Sao chúng ta nỡ dã man đến thế? Đàn ông chúng ta đi chơi gái bừa bãi thì chẳng sao, nếu vợ ta có hành động y như ta, chỉ y như ta thôi, ta cũng đã coi như đổi đời. Vợ ngoại tình, khốn nạn, thế sao gọi là đại hoạ, nếu chồng xưa nay vẫn ngoại tình be bét ra đấy thì không sao? Họ cũng đã xử sự như mình. Chỉ có thế. Họ đã phải ngoại tình có lẽ là để khỏi phải nghĩ đến cách quyết liệt hơn: ly dị. Cũng như mình, họ cũng chỉ thấy sự an ủi, cái thú sống, ở sự lừa đảo thôi. Đã thế, sao đàn ông cứ ích kỷ? Khốn nạn, nào có gì, nếu đó chỉ là vỏ quít dày và móng tay nhọn gặp nhau? Thêm nữa, một khi người đàn bà dám ngoại tình, tôi cho đó là họ bắt đầu có can đảm, và bắt đầu giác ngộ nữa, cũng như thuyền thợ dám đình công phản đối Chính phủ, cũng như phụ nữ dám vác những lá cờ có dấu hiệu cách mệnh, la thét giải phóng và bình quyền! Cho nên, như tôi đã nói, mọc sừng chính là dấu hiệu của văn minh. Người đàn bà, một khi bắt đầu lừa chồng, là bắt đầu bỏ cái chính sách tiêu cực đề kháng tổ truyền mà mấy nghìn năm bị coi là đứa tớ gái không lương đã kết quả nên thái độ...
Một người nói len vào:
- Thế thì ra tội là ở anh chồng đáng mọc sừng, bất cứ anh chồng là hay, dở như thế nào?
Diễn giả đáp cứng cỏi:
- Bẩm chính thế. Vì dẫu ta tài giỏi, khỏe mạnh, giàu có đến như thế nào đi nữa mặc lòng, nếu ta chẳng may mọc sừng, ấy là chính ta đã có lỗi, đã hỏng ở một phương diện nào đó, mà chỉ vợ ta mới biết mà thôi! Cho nên, như trên tôi đã nói, người chồng mọc sừng chẳng bao giờ đáng thương, nếu ta nghĩ kỹ... Nếu ta khôn ngoan, đủ tư cách, đủ khỏe mạnh, đẹp cả tinh thần lẫn văn chương, con vợ ta nó đã chẳng ngoại tình!... Vậy thì quyết nhiên anh chồng mọc sừng bao giờ cũng có lỗi, và phải coi sự lừa dối của vợ là một lẽ chính đáng hợp tự nhiên mà thôi. Huống chi, cái vấn đề ấy, phàm đã là người văn minh, thì chỉ nên coi đó là những việc nhỏ nhặt rất tầm thường, không làm không được, thí dụ như đói thì phải ăn, khát thì phải uống, hay là một chất đã quá đầy trong bụng thì phải thoát nó ra ngoài, như là đại tiện, tiểu tiện, có thế thôi. Tôi xin nói thêm cho rõ hơn nữa: nếu một người chồng vắng nhà lâu chẳng hạn, thì vợ người ấy có đi ngoại tình, người ấy chỉ nên coi như vợ đã phải làm một sự cần không làm không được, thí dụ mót đái thì phải đi đái, thế thôi. Sự giao hợp là cái gì? Nó là điều xưa nay ai cũng coi là nhơ bẩn. Vậy thì sao lại cho nó một cái giá trị mà nó không có, đại khái như chẳng may mọc sừng thì đau đớn đến nỗi muốn tự tử?
Một người lại hỏi:
- Thế thì triết lý của người chồng mọc sừng là thế nào?
Con người Âu hóa cắt nghĩa:
- Là nhắm mắt làm ngơ. Là phải coi mình có lỗi, cho dẫu chưa thấy lỗi mình ở chỗ nào! Nếu không có gì khuyết điểm, vợ nó đã phải trung thành với mình chứ? Cốt nhất là đừng làm om lên. Như trên tôi đã nói: vợ cho chồng mọc sừng hay chồng ngoại tình càng nhiều, ấy chính là dấu hiệu của văn minh. Quả thật đó chẳng là điều vu khoát... Trong khi ngày cưới chỉ là ngày tận số của ái tình, thì ngoại tình chính là sự cách mệnh tự nhiên đối với điều trói buộc nhân tạo của hôn sự. Muốn tỏ mình đã văn minh, nhân loại chỉ nên coi sự thông dâm là một điều giải phóng cho cái lòng người ham thay đổi... Tiến bộ là gì, nếu không là sống tự do! ở Tây phương, người ta đã chiếm được sau những cuộc cách mệnh tốn hàng triệu nhân mạng, những quyền tự do hội họp, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do đình công... Còn khuyết điểm, nếu chưa chiếm được hay công nhận một cái tự do nữa, quý hóa nhất, là cái tự do giao hợp! Có cái ấy nữa, xã hội mới thật là thiên đường! Vì thế, nên tôi đã nói rằng vợ bị chồng lừa, hay chồng bị vợ cho mọc sừng, hai bên chỉ nên nhắm mắt làm ngơ đi mà thôi. Vì hai bên đều có lỗi. Thêm nữa, cái tai nạn ấy, cái đau đớn ấy, nếu ta biết nâng nó lên trình độ một chi tiết văn hoá, coi sự tự do giao hợp cũng như những cái tự do khác, thì loài người há chẳng đã thoát khỏi cái vấn đề thiên cổ nó vẫn rình phá hoại hạnh phúc của gia đình và cá nhân đó sao?
Một người khác cười nhạt phê bình:
- Gớm thật cho những tư tưởng quá khích của ông! Ông đã làm cho cả bọn nam nhi... tiêu danh dự.
Người Âu hóa hỏi lại:
- Thưa ngài, mọc sừng, người đàn ông nào dám chắc suốt đời không bị cái nạn ấy? Tôi xin nói để ngài chớ quên rằng người đẹp giai nhất đời, anh hùng cổ kim chưa có ai bằng, là Nã Phá Luân Hoàng đế, thì ngài cũng đã mọc sừng đó! Đứng trước một cái nạn nó hăm doạ tất cả các đàn ông trên cõi thế gian, mà lại không biết nâng sự mọc sừng lên trình độ một chi tiết của văn hóa, thì chỉ là chẳng biết lo xa một chút nào.
Có người hỏi:
- Ông đã xong cái bài đại luận về nạn mọc sừng chưa?
Anh ta gật đầu:
- Tôi đã kết luận.
Rất nhiều người phê bình:
- Cái anh chàng này Tây quá đi mất! Nguy thật! Tây ở cách ăn ở, Tây ở cử chỉ, ngôn ngữ, lại Tây nốt cả ở cái linh hồn!
Anh ta mỉm cười đắc chí, thấy mình đã thành công. Mục đích của các sự lập dị yêu ngôn và nguỵ biện của anh chỉ là để cho thiên hạ phục mình đã "cả trăm phần trăm Âu hoá". Những câu chê bai kia, trái lại, anh cho là lời khen.
Và, trong khi ai cũng để ý nghe diễn giả, thì không ai để ý nhìn một thiếu niên đẹp giai lúc ấy chỉ đưa mắt liếc trộm cô vợ trẻ măng và đẹp nõn, của diễn giả, ngồi ở phòng bên pha trà và sai đầy tớ rót tiếp cho đám khách khứa đông đúc, từ lúc đầu cho đến lúc cuối cuộc diễn thuyết ấy, đã lắng tai nghe mớ lý thuyết của chồng một cách cực kỳ chăm chú...
Riêng tôi, tôi tự nhủ: "Chính chỉ vì anh chồng này đã bị mọc sừng rồi nên mới gián tiếp bênh vực bằng cái quan niệm ghê gớm kia".
*
Tôi đã lầm.
Việc ấy xảy ra sau, chứ không phải đã xảy ra trước như tôi tưởng.
Đã chừng một năm sau, thấy con người Âu hóa ngày ngày đi nằm dài tại một tiệm hút. Thiên hạ nói thì ra anh đã bỏ vợ. Rõ mới buồn! Nguyên nhân cuộc ly dị, chẳng ai hiểu rõ đầu đuôi ra sao. Chỉ biết hiện anh ta đau khổ lắm. Tiệm hút, chỗ ẩn dật của anh, của những kẻ chán đời, anh chỉ còn có nó là quý thôi!
Đáp lại các bạn chí thân, anh ta chỉ nói kín hở về nỗi khổ:
- Tôi... tôi đã yêu một người đàn bà!
Nhưng một hôm có người bạn thân khác không hiểu gì, trách anh bạc tình, tồi tệ với vợ, dã man, và... đủ tất tả những trạng từ khác nữa. Thì anh nổi giận hỏi lại:
- Mày ngu lắm! Thế khi vợ mày nó cắm sừng vào đầu mày thì liệu mày có còn cứ muốn ăn ở suốt đời với nó không?
À, thì ra đầu đuôi là thế.
Tôi, kẻ ngoại cuộc, bỗng đâu tôi cũng chán đời. Và hoài nghi. Thật thế, tôi tin rằng đất Đại Cồ Việt ta là cái đất cằn cỗi, những lý thuyết và tư tưởng ở đâu đâu, tốt đẹp thế nào mặc lòng, cũng cứ đến đây là thành thối nát. Tôi không tin dân An Nam ta lại có nổi một điều tín ngưỡng nào, một quan niệm chắc chắn gì. Bởi thế, con người Âu hóa cực đoan ấy chỉ Âu hóa được ở cái lỗ mồm mà thôi. Và, than ôi! Suy một người ra nghìn người, suy một sự ra vạn sự!
(Vũ Trọng Phụng  -1937)

Tìm mộ qua nhà ngoại cảm - Tin hay không tin?

Khi đã có hàng chục ngàn liệt sĩ được đưa về quê hương qua phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm, VTV và các phương tiện thông tin đại chúng mới lên tiếng về sự thiếu tin cậy của phương pháp này. Người ta đổ lỗi cho các nhà ngoại cảm thiếu cơ sở khoa học, cho niềm tin mù quáng của thân nhân những người đã hy sinh. Bao nhiêu năm qua những nhà quản lý đã làm hết trách nhiệm chưa? thông tin và truyền thông ở đâu? Sao không có một biện pháp nào quyết liệt ngăn chặn việc tìm mộ bằng phương pháp không có gì đảm bảo chắc chắn này để đỡ mất tiền của và công sức của nhân dân? Trong khi những bài báo ca ngợi khả năng kì diệu của con người về những điều tâm linh mà khoa học chưa thế giải thích đăng tràn lan trên các mặt báo?

Trong vòng 3 năm qua, ở xã tôi có hơn 30 gia đình đà tìm thấy mộ liệt sĩ nhờ các nhà ngoại cảm! Riêng dòng họ nhà tôi  đã tìm được hai ông chú và hai ông anh. Thế là tất cả các liệt sĩ của dòng họ từ thời đánh Pháp, đánh Mỹ đã được quy tập về nghĩa trang quê hương. Nhưng tôi biết chắc chỉ có một ông anh hy sinh trong trận chiến đấu tiễu trừ phunro ở Kontum là tương đối chính xác. Vì vị trí mộ được xác định khá rõ trong khu vực nông trường cao su, nhiều người biết. Ba liệt sĩ hi sinh trong trận đó được chôn trên cùng một khu đất, hai người đã được bốc đưa về quê, chỉ còn lại anh tôi. Bia mộ tuy đã bị vỡ nhưng vẫn xác định được. Thế mà phải đào bới mấy ngày mới thấy. Những người khác, không hề biết địa chỉ hi sinh cụ thể ở làng, xã nào nên tôi không tin là có thể tìm được hài cốt mà chỉ vét một ít đất gói vào mang về hoặc có thể nhầm hài cốt người khác.

Tất cả những trường hợp trên đều phải qua nhà ngoại cảm hướng dẫn từng đường đi nước bước. Trong gia đình phải có người yếu thần kinh dễ lên đồng để cho vong linh liệt sĩ nhập vào. Những người này ngã vật ra đất ở chỗ nào thì đó chính là điểm có hài cốt liệt sĩ. Các bạn có thể tham khảo cách xác định vị trí mộ liệt sĩ qua băng video dưới đây:
 

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7  BlogE đã đăng bài thơ VÌ SAO của tôi nói về chuyện này. Cô Tâm từ Nam Định đã nhắn tin cho tôi:
 "Thành ạ, đọc bài thơ Vì sao của em, cô thực sự xúc động. Cứ như Thành đang nói hộ tâm can của cô vậy. Năm 1967 đang học lớp 9 cô đã phải tiễn người bạn RẤT THÂN lên đường ra trận. Và đúng như hoàn cảnh người chiến sỹ trong bài thơ. Cảm ơn Thành với những lời thơ tự sự mà thấm đẫm tình cảm, nỗi xót xa tiếc nuối... và cả chút giận hờn day dứt, VÌ SAO? Thành ơi, hôm qua 27/7, trong buổi toạ đàm gặp mặt các thương binh, thân nhân liệt sĩ của khu phố, chưa kịp hỏi ý kiến Thành, cô đã mạn phép đọc bài thơ của em trước mọi người".

 Như vậy, không chỉ ở quê tôi  mà biết bao vùng quê trên đất nước này cuộc sống đang bị xáo trộn bởi chuyện tìm mộ nhờ ngoại cảm. Dù sao, những ông bố, bà mẹ chuẩn bị sang thế giới bên kia cũng được an ủi phần nào khi họ tin rằng, con họ đã trở về với quê hương sau 40 năm xa cách.

Mời các bạn đọc lại bài thơ VÌ SAO? của tôi TẠI ĐÂY và hãy phát biểu ý kiến của mình tin hay không tin vào phương pháp ngoại cảm để tìm mộ, hay cần thêm một số giải pháp hỗ trợ cho phương pháp này để chúng ta có thể kết hợp tốt hơn phương pháp tâm linh với khoa học và niềm tin, thúc đẩy nhanh quá trình quy tập mộ liệt sĩ. Theo số lượng chúng tôi nắm được, cả nước hiện còn tới hơn 300.000 liệt sĩ vẫn chưa xác định được nơi chôn cất ở đâu. (NCT)

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Hiệp sỹ De Villegaignon và chiến dịch giải cứu nữ ấu chúa An-ba

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về Nữ hoàng Anba cũng như những bài thơ liên quan đến bà, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của dịch giả Trần Đông Phong về chiến dịch giải cứu nữ ấu chúa Anba (Maria Stuart) vào năm 1548 (BBT)

Nicolas Durand De Villegaignon (1510-1571) được phong tước Hiệp sỹ từ năm 10 tuổi. 60 năm tuổi đời, 50 năm binh nghiệp phục vụ trong hải quân Pháp hoàng chưa hề nếm mùi thất bại trên chiến trường dù là hoạt động trên Địa Trung Hải lặng gió như tiễu trừ cướp biển, can thiệp vào Bắc phi (Algieri, Tripoli), đụng độ với Otoman ở Malta, trên đất liền ở Hungary hay là vượt trùng dương xa xôi Đại Tây Dương tới Brasil trong kế hoạch Nam cực của Pháp hoàng.
     Những trận mà Villegaignon phải rút lui thực chất là kết quả của các cuộc dàn xếp chính trị. Nhưng có lẽ niềm tự hào nhất của viên thủy sư đô đốc của Tiểu Anh (Little Britain) là chiến dịch hộ tống nữ ấu chúa 5 tuổi, nữ hoàng Mary đệ nhất của Scotland, hoàng hậu tương lai của nước Pháp vượt qua trùng vây của hải quân England hùng hậu nhất thế giới. Chiến dịch này được coi là bất khả thi vì hải quân England cực mạnh và không có đối thủ, vừa đánh bại quân Scotland trong trận Pinkie Cleugh, mà sử gọi là Thứ bảy đen của Scotland. Trong trận này quân England với quân số chỉ bằng nửa quân Scotland, nhưng được tăng cường 30 tầu chiến đã nghiền nát quân Scotland bằng đại bác từ tàu chiến, đó là đỉnh điểm của cuộc chiến tranh 8 năm mà sử gọi là Chiến tranh hối hôn (Rough Woonging). Lý do là Nghị viện Scotland đã từ chối phê chuẩn Hiệp ước hôn nhân Greenwich giữa England và Scotland. Theo Hiệp ước này nữ hoàng Mary I của Scotland đang 6 tháng tuổi được hứa gả cho hoàng tử Edward của England đang 3 tuổi. Ngầm ý đằng sau là hợp nhất England và Scotland.
Hiệp ước hôn nhân Hadington năm 1547 đã tạo điều kiện cho người Pháp can thiệp vào cuộc chiến England và Scotland. Vậy là vào một ngày đầu tháng 8 năm 1548, Hiệp sỹ De Villegaignon, đưa hạm đội Pháp lặng lẽ rời mũi Tiểu Anh (Little Britain), cực tây của nước Pháp, hướng lên phía bắc tiến vào hải phận England trong sứ mệnh tối mật, tối quan trọng được vua Pháp Henry đệ nhị trực tiếp trao. Người ta lấy làm lạ là trong thành phần hạm đội của Villgaignon có một số chiến thuyền buồm kiểu galley có sàn thấp, chèo tay tốc độ không nhanh như thuyền buồm lớn (clipper). Tuy là nhiệm vụ tối mật của Pháp, nhưng không hiểu sao phía England đã biết trước và bố trí một lực lượng hải quân hùng hậu chờ sẵn đón lõng Villegaignon ở vùng biển Celtic, phía tây nam England, đây là con đường ngắn nhất để đến Scotland và chắc chắn sẽ xóa sổ hạm đội của Villegaignon. Người chịu tránh nhiệm chính về phía England là Nhiếp chính vương, đại công tước Sommerset. Thế nhưng sáng hôm sau hải quân Anh đã ngã ngửa khi nhận được cấp báo, ở bờ biển phía đông England, Villegaignon đã bất ngờ xuất hiện, dễ dàng vượt qua lực lượng tuần duyên của hải quân England và đổ bộ vào Perth một địa điểm thuộc miền trung Scotland. Hóa ra là vào lúc chạng vạng tối Villegaignon đã bất ngờ đổi hướng từ trực bắc chuyển sang đông tiến, qua eo Măng-sơ, lợi dụng trời tối vòng qua phía nam England rồi lại chuyển hướng bắc đi dọc qua bờ đông England, tiến vào hải phận Scotland mà không phải giao chiến. Toàn bộ hạm đội England được lệnh di chuyển khẩn cấp, bao vây chặt quân Pháp ở Perth. Các tàu chiến Pháp dũng cảm ứng chiến, dùng đại bác tầm xa không cho tàu England vào gần bờ ở Perth. Quân England cũng không quá vội vàng tấn công, mà có ý đợi tập trung đầy đủ sẽ đánh một trận nghiền nát quân Pháp. Mấy ngày trôi qua hai bên gầm ghè ở thế giằng co. Toàn bộ tàu chiến thuộc hạm đội England đã kéo đến phủ đầy vùng biển phía ngoài Perth san sát như lá tre, một con chim cũng không lọt, chứ đừng nói gì đến những chiếc tàu dài hàng chục mét. Một cuộc tấn công hủy diệt hạm đội của Villegaignon sẽ được thực hiện vào sáng sớm ngày hôm sau. Người ta quyết định trận đánh vào ban ngày để bàn dân thiên hạ thấy rõ thắng lợi thuộc về bên nào. Ai cũng nghĩ tới một trận Pinkie Cleugh mới. Một số sỹ quan England đã tổ chức ăn mừng sớm, vì kết quả đã thấy rõ 10 chọi 1. Một bất ngờ nữa đã xảy ra, bố câu đưa thư của quân lực England đã bay xuyên đêm đưa tới với một mẩu giấy nhỏ với mấy chữ Villegaignon đang ở cửa sông Clyde, ở bờ phía tây England. Công tước Somerset chết lặng vì hiểu rằng mình đã bị lừa ngoạn mục. Hóa ra là trong khi các tàu chiến buồm lớn của hạm đội Pháp ngăn cản không cho tàu England vào gần bờ để có thể quan sát qua kính viễn vọng các tàu chèo tay của Pháp, không dùng buồm nên rất khó bị nhìn thấy từ xa, men theo bờ biển tiến lên phía bắc Scotland đến quần đảo Orcades, rẽ trái vòng qua bắc Scotland, rồi chuyển hướng nam tiến vào biển Ailen, phần thuộc Scotland, đi vào cửa sông Clyde, nơi nhiếp chính vương Scotland, đại công tước Arran đã đưa ấu chúa, nữ hoàng Mary đệ nhất của Scotland từ lâu đài Dumbarton đến đợi sẵn. Thực ra đây là hoạt động khá mạo hiểm vì nơi này rất gần biên giới England và quân đối phương có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Như một cuộc chơi cờ, quân Hậu luôn được bảo vệ kỹ nhất. Để bảo đảm an toàn cho ấu chúa, ngoài lực lượng ngự lâm quân luôn bám sát, việc bảo vệ Mary còn được tăng cường bởi lực lượng long kỵ binh giáp sắt, tuyệt đối trung thành, chỉ biết có chúa trời và nữ hoàng. Để bảo đảm an toàn, Mary được di chuyển nhiều lần, thoạt đầu tử Edinbourg quá gần biên giới England đến Dunkle, Perth ở miền trung, phía đông, rồi chuyển đến lâu đài Dumbarton ở phía tây. Sau khi đón ấu chúa lên tàu, Villegaignon tăng hết tốc độ về phía nam, vượt qua hải phận England gần như trống trải. Các tàu chiến của England không hổ danh là vô địch trên biển đã rất nhanh chuyển từ bờ đông sang và bám sát ngay phía sau hạm tàu của Villegaignon trong một tầm đại bác, tuy nhiên một chút gió ngược đã cản trở tầm xa của đạn pháo tàu England với tới tàu Pháp, trong khi ngược lại đạn pháo của tàu Pháp có thêm chút lợi gió vì bắn thuận chiều gió đã làm cho tàu England không dám mạo hiểm áp sát. Nếu không thì lịch sử đã có thể đã có một trang khác. Villegaignon nhanh chóng tiến vào hải phận Pháp và cập cảng Molaix, Britain trong sự an toàn tuyệt đối của nữ ấu chúa Mary Stuart, kết thúc thắng lợi chiến dịch trong một tuần lễ vào ngày 7 tháng 8 năm 1548.
Lịch sử hải quân thế giới ghi nhận chiến dịch này của Hiệp sỹ De Villgaignon như là một kỳ tích quân sự hải quân. Từ đó đến nay đã gần 5 thế kỷ, các nhà nghiên cứu quân sự vẫn còn tranh luận về chiến dịch này. Sau này nhìn lại mới thấy là Villegaignon đưa tàu chèo tay đi theo là đã có tính toán từ trước. Những tồn nghi là làm sao Villegaignon có thể đi nhanh như vậy bằng tàu chèo tay? Làm sao Villegaignon có thể xuyên qua eo biển Măng-sơ mà không bị hải quân England phát hiện. (TĐP)

Thơ của Nữ hoàng An ba (Maria Stuart)

Marie Stuart (1542-1587): Nữ hoàng Scotland, Hoàng hậu nước Pháp, sinh ra tại Linlithgow, Scotland, chưa đầy 6 tuổi được đưa sang Pháp sống từ 1548-1561, mất tại Fotheringhay, England. Mary để lại vài bài thơ bằng tiếng Pháp. Những bài thơ này  được đánh giá cao như là tác phẩm kinh điển lớn và liệt vào kho tàng văn học Pháp. Dưới đây là một bài trong số đó. (TĐP)

Sonnet

Que suis-je, hélas ! et de quoi sert ma vie ?
Je ne suis fors qu'un corps privé de coeur,
Une ombre vaine, un objet de malheur,
Qui n'a plus rien que de mourir envie.

Plus ne portez, ô ennemis, d'envie
A qui n'a plus l'esprit à la grandeur,
Ja consommé d'excessive douleur.
Votre ire en bref se verra assouvie.

Et vous, amis, qui m'avez tenue chère,
Souvenez-vous que sans heur, sans santé,
Je ne saurais aucun bon oeuvre faire.

Souhaitez donc fin de calamité
Et que ci-bas, étant assez punie,
J'aye ma part en la joie infinie.
                         (Marie Stuart)

 Bài thơ Son-nê của nữ hoàng An-ba

Là ai, phụng sự điều gì?
Lương tâm nằm tại tim này riêng tôi
Bóng vô ích, phận không may
Chết vì đố kị thân này ra đâu.

Thù kia ai khoác lên mình
Vì tâm hồn lớn nên đành chịu thôi
Nỗi đau quá lớn, giãi bày
Giận kia ngắn ngủi thỏa ngay mối thù.

Bạn bè thân thiết mấy ai
Nhớ rằng không lúc, chẳng hơi sức nào
Công trình tốt đẹp ra sao
Chỉ mong đến lúc họa cầu qua đi
Dưới tay trừng phạt những ai
Phần tôi thực đã sướng vui vô ngàn.
(Trần Đông Phong dịch từ nguyên tác tiếng Pháp thơ của Marie Stuart)


Người anh của cô gái “Màu tím hoa sim” kể chuyện

Thiên Minh

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng, có em chưa biết nói
Tôi người Vệ quốc quân
yêu nàng như tình yêu người em gái...
Một chiều cuối đông, tôi tìm đến khu tập thể “nhà binh” trên phố Liễu Giai (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) thăm Trung tướng Phạm Hồng Cư, anh trai thứ hai của nhân vật “nàng” trong “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan, tìm hiểu thêm câu chuyện cảm động về người con gái trong tác phẩm thơ đạt kỷ lục của Việt Nam với bản quyền trị giá 100 triệu đồng.

Bồi hồi những câu chuyện
“Màu tím hoa sim”, bài thơ do Hữu Loan sáng tác năm 1949 đã trở nên quá quen thuộc với mỗi chúng ta. Trung tướng Phạm Hồng Cư bảo, bài thơ nổi tiếng có lẽ là bởi nó hoàn toàn chân thực. Đó là tiếng lòng Hữu Loan khóc vợ.

Mở đầu bài thơ là câu “Nàng có 3 người anh đi bộ đội. Giải thích về điều này, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ, ông chính là người anh trai thứ hai trong “ba người anh đi bộ đội” ngày đó của “nàng”, còn tên thật của nhân vật “nàng” là Lê Đỗ Thị Ninh.
Người anh cả Lê Đỗ Khôi, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Anh Khôi đã hy sinh trước giờ Điện Biên Phủ toàn thắng chỉ vài tiếng đồng hồ.
“Lúc đó, anh tôi chiến đấu trong đội hình 165 của Đại đoàn 312, tiến dọc sông Nậm Rốm, tiêu diệt cứ điểm 506. Hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 506 này, anh tôi bị thương rất nặng, phải đưa lên cáng trở lại phía quân y. Sau khi ra khỏi khu vực trận địa, đến gần đồi Him Lam đã được ta giải phóng từ trước thì bị máy bay địch oanh tạc vào đoàn chở thương binh khiến anh tôi đã ra đi mãi mãi. Tất cả những điều ấy, sau này tôi mới biết qua lời kể của các đồng đội của  anh tôi”, Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động nhớ lại.
Lặng im hồi tưởng, ông kể tiếp: “Khi đó, tôi ở phía Tây đánh sang, thuộc Đại đoàn 308. Trước giờ vào trận, anh em tôi hẹn nhau, khi chiến thắng sẽ gặp nhau ở hầm Đờ Cát. Đúng hẹn, sau đại thắng tôi đã vào hầm, ngồi chờ suốt cả đêm hôm đó mà chẳng thấy anh tôi đến. Những ngày sau tôi đi tìm, gặp các bạn cùng đơn vị của anh tôi, tôi mới biết anh ấy đã hy sinh.”.
Giọng vị tướng già nghẹn lại… Rồi ông nói như tan vào hư vô: “Anh tôi mất khi tuổi còn rất trẻ, mới 30 tuổi. Anh ấy có một người yêu hẹn ngày trở về sẽ tổ chức đám cưới. Thế nhưng, người yêu của anh tôi đã chờ, chờ mãi… Nhiều năm sau cũng không chịu lấy chồng”.
Người anh trai thứ hai của bà Lê Đỗ Thị Ninh chính là Trung tướng Phạm Hồng Cư: “Tên khai sinh của tôi là Lê Đỗ Nguyên, nhưng khi nhập ngũ, vào tiểu đội Phạm Hồng Thái nên tất cả anh em trong tiểu đội đổi thành họ Phạm Hồng và cái tên Phạm Hồng Cư bắt đầu từ đấy”. Người anh thứ ba là Lê Đỗ An, có bí danh là Tiên Phong, từng là là Bí thư thường trực của TW Đoàn thời kháng chiến chống Mỹ...

Duyên phận nhà thơ với “nàng”
Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, bố ông là cụ Lê Đỗ Kỳ, từng làm tổng thanh tra xứ Đông Dương và mẹ ông là cụ  Đái Thị Ngọc, do mến mộ tài năng văn hay chữ tốt của Hữu Loan nên đã mời Hữu Loan về nhà làm gia sư cho mấy anh em ông. 
Năm 1939, Hữu Loan bước sang tuổi 24, còn em gái bà Lê Đỗ Thị Ninh vừa 8 tuổi. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hữu Loan lên đường nhập ngũ. Chín năm sau, Hữu Loan mới trở lại và kết duyên với bà Lê Đỗ Thị Ninh rồi tức tốc hành quân theo Sư đoàn 304, làm chủ bút tờ “Chiến sĩ”. Nhưng ba tháng sau ngày cưới, trong một lần ra sông giặt, bà Ninh bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa. 

Việc Hữu Loan kết hôn với Lê Đỗ Thị Ninh, mãi sau này Trung tướng Phạm Hồng Cư mới biết. Về câu thơ “Một chiều rừng mưa/ Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ Được tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng”, Trung tướng Phạm Hồng Cư giải thích: “Thời đó đơn vị chúng tôi vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng nên rất bận rộn, không có điều kiện về thăm gia đình. Hơn nữa, việc liên hệ giữa chúng tôi ở chiến trường Đông Bắc và Thanh Hoá rất khó khăn, thư từ thất lạc trong thời chiến là chuyện thường tình, vì thế khi Hữu Loan cưới em gái tôi vào năm 1948 nhưng mãi đến tận năm 1949, tôi mới biết tin. 

Khi ấy, trong một hội nghị của Bộ Quốc phòng về công tác chính trị, tôi gặp một người bạn cũ của gia đình là Võ Trí Sơn, cũng là bạn của Hữu Loan. Gặp nhau, Võ Trí Sơn hàn huyên kể chuyện, bỗng dừng lại và nói: “Em Ninh mất rồi!”.
Tôi bàng hoàng hỏi: “Mất như thế nào?” thì Võ Trí Sơn bảo: “Em Ninh đã lấy Hữu Loan” và giống như câu chuyện trong bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan sáng tác.   Hữu Loan mất, tôi cũng không về đưa tang được... Nhưng tôi nghĩ rằng Hữu Loan sẽ sống mãi với bài thơ…”
Kể đến đây, Trung tướng một lần nữa nghẹn ngào, không sao nên lời...
(Thiên Minh)