Hải Yến
Đã có vô cùng nhiều bài viết về Võ Đại tướng trong gần chục ngày qua. Ngay ở blog E cũng vậy. Mặc dù biết mình không thể tìm đủ lời để nói về vị Đại tướng của lòng dân, nhưng tôi không thể không viết đôi dòng. Tôi muốn ghi lại những cảm nghĩ của mình trong những ngày này trước những gì tôi chứng kiến. Bởi tôi chắc rằng, cuộc đời mình khó có thể được sống lần thứ hai trong không khí như thế - Cái không khí tràn ngập nỗi xúc động tiếc thương khi mà tất cả mọi người chẳng ai hào hứng nói về mình, về những lo toan thường nhật, khi mà tất cả quanh tôi đều hướng đến một Con Người vô cùng vĩ đại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đã có vô cùng nhiều bài viết về Võ Đại tướng trong gần chục ngày qua. Ngay ở blog E cũng vậy. Mặc dù biết mình không thể tìm đủ lời để nói về vị Đại tướng của lòng dân, nhưng tôi không thể không viết đôi dòng. Tôi muốn ghi lại những cảm nghĩ của mình trong những ngày này trước những gì tôi chứng kiến. Bởi tôi chắc rằng, cuộc đời mình khó có thể được sống lần thứ hai trong không khí như thế - Cái không khí tràn ngập nỗi xúc động tiếc thương khi mà tất cả mọi người chẳng ai hào hứng nói về mình, về những lo toan thường nhật, khi mà tất cả quanh tôi đều hướng đến một Con Người vô cùng vĩ đại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ trưa qua (11/10), khi bắt đầu Quốc tang Đại tướng, tôi đã nhắc cậu con trai lớp 8 của mình: Hôm nay, mai và cả ngày kia nữa, không đàn hát đâu con! Thằng con tôi vốn đoảng, hay quên lời dặn, vậy mà sao hôm nay nó nhớ đến vậy. Nó thấy bố đi từ cổng vào, miệng huýt sáo, nó nhắc: Bố không được huýt sáo, đang Quốc tang ông Giáp. Bố nó phải ngừng ngay và gật gù. Đến tối, sau bản tin thời sự, nó nhất định ngồi đợi xem bộ phim hoạt hình 3D về cụ Giáp trong trận Điện Biên Phủ và càu nhàu chê người ta tạo hình ông Giáp xấu hơn ông ngoài đời. Chê rồi, nó lại tự an ủi rằng: Phim hoạt hình thì cũng chỉ làm được đến thế mà thôi!
Sáng nay, đến trường, tôi nhắc cậu Bí thư chi đoàn giáo viên mang băng tang lên treo cờ rủ. Vừa xong, thì nhận được chỉ đạo của cấp trên về thời gian viếng Võ Đại tướng tại Ban chỉ huy quân sự huyện. Bởi đang đợt thao giảng của giáo viên nên tôi không thể đến Ban chỉ huy quân sự huyện từ sớm để chứng kiến xem có bao nhiêu đoàn trong huyện về viếng bái vọng linh hồn Đại tướng. Không biết các trường khác có về đông đủ hay không?
Đến gần trưa, vào tiết học cuối cùng, tôi mới cùng giáo viên và học sinh của mình đến nơi viếng Đại tướng. Mấy chục cán bộ giáo viên cùng sáu mươi em học sinh của trường đại diện cho các lớp, chúng tôi sắp thành ba hàng, đi bộ từ trường đến Ban chỉ huy quân sự huyện. Có cô giáo trường tôi hàng ngày luôn kêu mỏi mệt vì mắc bệnh cột sống, vậy mà hôm nay hăng hái đi đầu. Học sinh hăm hở mà nghiêm trang, khác hẳn ngày thường đùa vui tếu táo, nếu có việc phải đi đâu đó vào tiết cuối thế này thì chúng hay nhăn nhó kêu ca.
Đến Ban chỉ huy quân sự, tôi thấy hai bên bàn thờ Đại tướng là hai sĩ quan bồng súng đứng nghiêm trang. Những anh bộ đội khác thì châm nhang và chia cho chúng tôi. Cầm cây nhang tiến về phía bàn thờ Người, tôi rưng rưng nhìn di ảnh của Người. Bức ảnh Người mặc quân phục trắng, tôi đã nhìn không biết bao nhiêu lần, vậy mà giờ đây vẫn muốn nhìn lại thật lâu. Ánh mắt Người thẳng thắn mà nhân hậu. Thần thái Người toát lên vẻ giản dị mà bao dung. Hàng ngày, nghe những thông tin về lễ tang Người qua ti vi, qua máy tính, tôi đã thấy nghẹn ngào. Lúc này đây khi đứng thật gần di ảnh Người, cảm giác như Người đang sắp cất lên giọng nói Quảng Bình trầm ấm, nhưng nhạc Hồn tử sĩ lại làm khuất đi giọng của Người, tôi òa khóc thành tiếng. Nhiều em học sinh của tôi cúi đầu rơi lệ. Có em thì ngơ ngác nhìn quanh như tìm một thứ gì vô cùng quí giá vừa mất đi …
Đứng đợi học sinh của mình viếng Đại tướng, nhìn làn khói hương nghi ngút ngăn cách giữa những ánh mắt ngây thơ trong sáng của các em với cái nhìn bao dung nhân hậu của Người, tôi thầm nghĩ: Hầu hết các em mới chỉ biết về một Võ Đại tướng ở tài cầm quân qua những bài học lịch sử ghi trong chính sử. Còn con người tràn đầy chất nhân văn ở Người trong đời thường mà chính sử không ghi? Để các em hiểu được về Người, hẳn một phần không nhỏ là trách nhiệm của chúng tôi. Ngày 22/12 năm nay, sẽ chỉ cần cho các em một chủ đề tìm hiểu ấy thôi là đủ, chẳng cần hô hào chung chung mãi gì về truyền thống của quân đội ta.
Trên đường trở về trường, mắt nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn đỏ hoe và ngấn lệ. Họ vẫn đang nói với nhau về Đại tướng. Cô giáo dạy Toán chia sẻ: Cả tuần nay mình lục tung mạng để tìm đọc các bài về Cụ Giáp. Bài “Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp” ở blog E, mình đã đọc không biết bao nhiêu lần. Còn bài của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng “Những ngày bản lề của thời đại”, thì mình thích nhất câu của ông Tây: “Hiểu… hiểu rồi. Biểu tình ôn hòa ủng hộ Tướng Giáp và đảng của ông ấy”. Mình còn thích cả nhận xét nói rằng, Võ Đại tướng là người đứng ngoài mọi sai lầm lịch sử. Mình đã comment như thế ở blog E. Cô dạy văn lên tiếng với giọng đầy hoài niệm: Không biết trước đây dân mình khóc Bác Hồ như thế nào, mình không được nhìn thấy. Nên có lẽ đây là lần duy nhất chúng mình được chứng kiến dân mình thực lòng nhớ thương lãnh tụ đến mức ấy …
Tôi tham gia cuộc thoại của các cô, mà hình như tôi đang nói với chính mình: Mấy chục năm trước, dân mình có khóc Bác Hồ đến mức nước mắt rơi thành biển, thì cũng không phải là điều đáng suy ngẫm lắm. Bởi lúc đó, dân với đảng, dân với những người đứng đầu đất nước đang là một khối thống nhất. Người người rơi nước mắt cũng là lẽ tất nhiên. Còn bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng lòng người vô cảm, trơ lì, ít xúc động trước nỗi đau và trước những lời giáo huấn, rẳng dân với đảng nhiều khi rất xa rời … Vậy mà, dân khóc Đại tướng đến nhường ấy, đoàn người đi viếng Cụ đông đến nhường kia, có cần ai hô hào tổ chức đâu! Lại rất đông thanh thiếu niên - Họ vẫn bị phê phán là lãng quên quá khứ! Đó mới là điều đáng suy ngẫm chứ! Gần chục ngày nay, rõ ràng thực tế đã chứng minh: Lòng người đâu có vô cảm. Chỉ là có người nào đủ khả năng và đức độ để khơi gợi cảm xúc trong dân như Võ Đại tướng hay không mà thôi!
Đồng nghiệp của tôi gật đầu đồng tình. Và dù gió thu đã làm mắt họ không còn ướt lệ, thì trái tim họ vẫn không thôi tiếc thương Đại tướng huyền thoại của muôn dân. Nhiều ngày nay, trong các bài giảng, những chỗ nào có thể liên hệ được với Người, họ đều nói về Người trước học sinh với lòng ngưỡng vọng. Tôi chắc rằng họ sẽ còn nói nhiều nữa tới Đại tướng. Bởi những ngày cảm động mà chúng tôi chứng kiến đây, chắc đâu còn lặp lại?
Võ Đại tướng trong tâm tưởng của những người dân bình thường chúng tôi, ở một góc làng quê, là như thế!
(Trần Hải Yến)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét